Đại dịch Covid-19 trong hai năm đã làm thay đổi cuộc sống của mỗi người theo mỗi kiểu khác nhau. Như người đi làm thì ăn trưa trong xe mình ngoài bãi đậu xe chứ không còn ngồi chung bàn với đồng nghiệp trong phòng ăn của hãng để vừa ăn vừa trò chuyện. Nhưng bây giờ đã quen ăn trưa một mình khi phòng ăn đã phục vụ lại mọi người một lúc như xưa thì hầu như ai cũng hết thích ồn ào, nói cười rôm rả. Có phải đại dịch đã làm thay đồi cuộc sống nhiều người từ thói quen bầy đàn trở thành riêng lẻ. Đến việc thường tình trước dịch là giờ ăn, người này mời người kia ăn thử món mình làm cho biết. Bây giờ chẳng ai mời ai nữa vì hầu như ai cũng ngại trở thành một trong những nguyên nhân làm cho người được mời bị lây nhiễm con vi khuẩn nói hết để trở lại đời sống bình thường thì là hết, nhưng nói còn thì vẫn còn vì trong hãng tôi mới bị dương tính vài người dưới xưởng, vài người trên khối văn phòng, tạo thành cuộc khủng hoảng mới với lệnh bắt buộc đeo mask lại như hai năm trước mới thật sự là khủng hoảng.
Cuộc sống đã tách biệt người ta ra khỏi những sinh hoạt bình thường của cuộc sống trước dịch như cuối tuần thì ra những khu thương mại của người Việt để ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện cùng bạn bè, sau hết của buổi sáng thứ bảy là đi chợ để nấu ăn cho tuần tới. Bây giờ đã quen thui thủi một mình với ly cà phê cuối tuần ở nhà. Việc đi chợ cũng không còn quan trọng hay cần thiết như trước dịch. Chỉ khi nhà hết gạo, hết nước mắm mới phải đi chợ thì cũng mua vội mua vàng bao gạo, chai nước mắm rồi rời khỏi chợ ngay vì nơi đó đông người, không nên ở lâu.
Với tôi, lần đầu ăn canh ngót ở nhà bạn là người miền nam thì tôi mới biết tới món canh ngót gồm cá tươi nấu với rau cần tàu và cà chua. Món canh ngọt ngào ấy thật khó quên sau lần đầu được ăn nên tôi cũng thường nấu canh ngót dù sống ở Mỹ đã lâu, dù nhà tôi đi về phía nam đến hơn mười dặm mới có chợ Việt, mới mua được rau cần tàu. Nhưng thèm ăn thì phải ráng lái xe vì không có mùi vị đặc biệt của rau cần tàu thì không còn là canh ngót nữa. Nhưng sau hai năm dịch không nên đi chợ thì chợ Walmart cạnh nhà là chọn lựa tối ưu dù chỉ có cà chua và cần Mỹ, chỉ việc bỏ cá trong tủ đông ra là có canh ngót ăn. Mới ăn thấy lạ, nhưng sau một năm thấy bình thường; sau hai năm dịch, thấy canh ngót nấu bằng cần Mỹ cũng chả sao…
Hai năm không la cà, không hàng quán, không đi chợ, mua sắm trên mạng từ cây tăm xỉa răng tới cái quan tài. Chuyện có thật như đùa ở Mỹ là từ khi Walmart có bán hòm, tôi nghe đứa cháu họ nói khôi hài rằng, “Walmart phục vụ khách hàng từ khi sinh ra tới lúc qua đời…” Nghĩ lại thấy đúng là từ tã, sữa cho bé sơ sinh tới quan tài cho người quá cố đều có bán ở Walmart.
Không ngờ trong mùa dịch, người nhà của những người qua đời vẫn giữ thói quen mua quan tài của nhà quàn. Nhưng cũng cái hòm ấy mà mua trên mạng thì rẻ hơn bạc ngàn. Nhà quàn vẫn chấp nhận vì không thể từ chối, phần họ cũng biết là họ lợi dụng chuyện tang gia bối rối của khách hàng để chặt chém chiếc quan tài mắc hơn một, hai ngàn đô la chứ không ít.
Nêu ra vài thay đổi nhưng có lẽ mọi người không còn thấy đó là những thay đổi nữa vì sau hai năm thay đổi cuộc sống thì ai cũng đã quen dần và nhiều người đã quen thật với cuộc sống mới là cuộc sống hiện tại mà chỉ khi nhìn lại mới thấy khác hẳn với cuộc sống hai năm trước. Bây giờ hầu như ai cũng ăn uống ở nhà, mua những thứ cần thiết trên mạng. Như vậy là hàng quán vắng khách, chợ búa ế ẩm, những chỗ vui chơi của từ người lớn tới trẻ em cũng không còn là nơi đông đúc như xưa. Nhìn vào hãng xưởng đã hoạt động lại như truyền thông cánh tả loan truyền, nhưng người đi làm hãng thì ai cũng biết việc đơn đặt hàng vẫn có nhưng không có nguyên vật liệu, phụ tùng để làm. Bây giờ làm hãng mà có việc để làm bốn mươi giờ mỗi tuần là hiếm có, như vậy coi như chuyện làm thêm giờ đã thuộc về quá khứ trước dịch. Quá khứ thuộc về ông tổng thống thứ 45, ông 46 bây giờ không đáng tin khi truyền thông cánh tả thuộc phe ông cứ ra rả tin giả, nào là kinh tế lên, thất nghiệp giảm… làm sao thuyến phục được người đi làm đa số không có việc để làm bốn mươi giờ tuần, việc tuần làm hai ba ngày bây giờ rất phổ biến trong hãng xưởng. Nơi tôi làm đã xảy ra việc người thực việc thực là sếp đi hỏi từng người đã trả hết tiền nhà chưa để sếp ưu tiên việc làm cho những người còn nợ tiền nhà. Việc này không đúng luật nhưng đúng luật bất thành văn nên những người đã trả hết tiền nhà dù muốn hay không cũng khó đòi hỏi sự công bằng để được làm bằng giờ với những người còn nợ tiền nhà.
Nhưng thời sự không dừng lại ở những thay đổi như kể ra ở trên. Đơn giản là tôi hay đi câu với ông bạn già nên tôi thường làm hai hộp thức ăn cho hai anh em ăn ngoài hồ, đem theo vài lon bia giải khát. Việc của anh là ra trước để chài mồi câu sẵn sàng cho hai người, nhưng hôm qua nổi hứng bất tử là câu sáng rồi mà chiều tà thì bạn tôi lại muốn đi câu. Tôi không chuẩn bị kịp hai hộp thức ăn vì tôm cá thịt còn trong tủ đá, tôi ghé tiệm gà chiên mua hộp gà chiên hai anh em ăn vì cũng đã lâu không ăn gà chiên. Hôm trước dịch mua hộp gà chiên mười miếng không tới mười đồng. Gặp hôm tiệm gà đại hạ giá hay mua trúng giờ tiệm giảm giá năm mươi phần trăm thì mua hộp gà mười miếng không tới năm đồng. Vậy mà hôm qua tôi mua hộp gà mười miếng, phải trả gần mười bảy đồng. Điều đáng nói hơn là tiệm gà ấy trước dịch phải đợi chiên gà hơi lâu, nhưng bây giờ mua là có liền. Nhìn những miếng gà chiên khô hóc vì ế ẩm mà thấy cả nền kinh tế suy trầm, đi ngang qua những khu thương mại chỉ nhìn lượng xe đậu bên ngoài cũng biết dịch vụ nào cũng ế như nhau.
Ra hồ, ăn không hết một miếng gà vì hàng cũ gắt dầu lại khô thịt như gà khô thì nuốt gì nổi. Tôi không câu cá mà ngồi đọc để xoá bỏ suy nghĩ lạm phát không ảnh hưởng mình, cùng lắm cũng chỉ làm khó mình ở khoản tiền xăng vì tôi sống ở Dallas đã ba mươi năm, chưa bao giờ thì bây giờ tôi đổ bình xăng xe hết một trăm đô la. Chuyện khó tin nhưng có thật ở Texas là giá một gallon xăng luôn bằng một hộp trứng mười hai cái và bằng một gallon sữa tươi con bò cười. Hồi tôi mới đến Dallas thì giá trung bình của ba món ấy từ sáu tới bảy mươi xu một hộp trứng, một bình sữa hay một gasllon xăng. Ba mươi năm qua tôi quen sống với xứ nhà quê nên cái gì cũng rẻ. Nay được đổi đời sống với văn minh con lừa mới biết con lừa là con lừa.
Và tôi đã đọc được gì bên hồ câu cá gần nhà?
Theo phúc trình mới nhất của Bộ Lao động đưa ra cho biết chỉ số giá tiêu dùng (consumer-price index, gọi tắt là CPI) đã tăng 8.6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12 năm 1981. Con số này cũng tăng so với chỉ số CPI của tháng 4 là 8.3%. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao đến sang năm 2023 cũng khó giảm.
Mức lạm phát tăng trong tháng 5 được thúc đẩy một phần bởi giá cả tăng cao ở tất cả mọi mặt hàng và dịch vụ, từ năng lượng và xe cộ cho tới hàng tạp hoá, thực phẩm và nhà hàng. Lạm phát là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ suy trầm kinh tế. Lạm phát phản ánh tình trạng giá cả tăng hoặc sự giảm sụt giá trị của tiền tệ khi mức cung không đủ mức cầu làm tăng giá mọi thứ tăng giá.
Giá xe đã qua sử dụng và cả xe mới tăng mạnh do tình trạng thiếu hụt xe trên thị trường, nguyên do chính là thiếu phụ tùng lắp ráp như thiết bị bán dẫn chẳng hạn. Việc tăng giá xe không ảnh hưởng đến những người không có nhu cầu, nhưng ai ngược lại sẽ thấy giá trị đồng tiền trong ngân hàng của mình đã bị sụt giảm. Giá cả tăng cao với nhiều loại mặt hàng cùng một lúc đã làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng, dẫn đến lạm phát. Nguyên nhân lạm phát có liên quan đến đại dịch. Thứ nhất, tiền tiết kiệm trong các trương mục của người tiêu dùng tăng đáng kể do từ các chương trình kích thích của chính phủ và việc giảm chi tiêu trong thời gian đại dịch do các biện pháp đóng cửa được thực hiện, thì nay người ta có cơ hội để mua sắm mạnh khiến nguồn cung không theo kịp và hàng hóa trở nên khan hiếm.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài, cùng với việc Nga xâm lăng Ukraine và sự gia tăng gần đây của các trường hợp nhiễm covid tại Trung quốc đã tạo thêm áp lực cho thị trường. Giá năng lượng tăng cao đầy mọi thứ tăng theo từ sản xuất, vận chuyển… Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất, khiến cho các chi phí gia tăng ở từ sản xuất đến bán hàng, đưa đến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng. Theo một số kinh tế gia, mức lạm phát thực sự hiện nay có thể là hơn 10%. Song không đồng nhất và toàn diện mà tùy vùng miền, tiểu bang ở Hoa kỳ. Giá năng lượng tăng mạnh nhất với 34.6% so với một năm trước đó. Giá xe cũ trong tháng 5 đã tăng 23.4% so với năm ngoái. Giá hàng tạp hóa tăng 11.9%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1979. Giá ăn uống tại nhà hàng cũng tăng cao nhất kể từ đầu thập niên 1980. Giá thực phẩm, trong đó có thịt và trứng, tiếp tục tăng ở mức hơn 10% so với cùng thời gian một năm trước…
Càng đọc càng tối tăm mặt mũi với chính quyền con lừa vì hôm tháng ba lên lương được ba đồng một giờ thì tháng sáu đã nghèo hơn trước khi lên lương bởi lạm phát phi mã. “Tiền lương tăng hàng năm đang ở mức nhanh nhất so với thời gian hai thập niên vừa qua, nhưng mức lạm phát tiếp tục tăng nhanh hơn so với mức lương được tăng của hầu hết những người đi làm, khiến cho khả năng chi tiêu của họ thực ra yếu hơn so với trước khi có đại dịch.”
Lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Ngân hàng Dự trữ Liên bang cho tăng lãi suất, dẫn đến một cuộc suy trầm kinh tế không tránh khỏi. Suy trầm cách suy thoái một nốt lặng, là thành quả của những kiến trúc sư kinh tế Nhà trắng. Hy vọng sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng mười một tới, bầy lừa về chuồng cho dân đen dễ thở. Bá tánh không còn phải tin vào khoa học đảng phái của ông đại bác sĩ dịch (tả) Bạch ốc. Nhưng điều không rõ là đáng mừng hay đáng buồn khi cuộc sống đã thay đổi và nhiều người chấp nhận hơn người phản kháng. Và sự thay đồi nào cũng có hai mặt, chỉ mong xa mặt nhưng không cách lòng để ra đường bớt thấy người cô đơn, đi câu cá, nhìn quanh cũng chỉ thấy cái bóng mình.
Phan