Mấy tháng nay rỗi việc vì ảnh hưởng đại dịch cúm tàu nên hãng tôi cũng chỉ cầm cự lay lất, công nhân lèo tèo cho hết giờ chứ không ráng làm cho xong việc như xưa vì ngày mai lại không có việc làm. Những người làm việc tạm thời thì đã bị cho nghỉ việc hết rồi, những người làm công nhân chính thức thì cứ thay nhau nghỉ một hai ngày trong tuần để hãng bớt chi phí tiền lương công nhân. Chuyện đi làm là đầu mối của đời sống Mỹ bỗng khựng lại vì đại dịch. Ai đi làm công đều muốn được làm thêm giờ để có thêm thu nhập vì lương căn bản chỉ đủ trang trải đời sống; có làm thêm giờ mới có tiền mua xe mới, mua sắm những thứ khác trong nhà, thậm chí đi chợ cũng mua thoải mái để có bữa ăn ngon cho gia đình vào cuối tuần. Tất cả đã thay đổi theo chiều hướng thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhưng tôi đã thấy khó khăn hơn cả việc thắt lưng buộc bụng là nhàn cư vi bất thiện, nghỉ nhiều hơn đi làm sinh chán, ở nhà chẳng biết làm gì cho hết thời gian, mà giết thời gian là việc làm sai trật nhất trong đời người; thế mà tôi đang giết thời gian với cái tivi. Xem lại hết những phim hay cũng rõ ra được đôi điều như suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về một phim hay đã khác mười năm trước, càng khác hai mươi năm trước, và không còn quen biết gì với những suy nghĩ, cảm nhận của làn đầu xem phim ấy vì đã ba, bốn mươi năm…

Song cũng thỉnh thoảng bắt gặp những bài giảng của những linh mục, những cao tăng trên YouTube. Ngồi nghe như đi chùa, đi nhà thờ. Bỗng phát giác ra mặt tích cực của con cúm tàu là nó giúp được nhiều người đi chùa, đi nhà thờ online. Dù gì cũng hơn thời không cúm tàu thì cả năm không thấy mặt ông cha xứ ở nhà thờ địa phương, ông thầy trụ trì ở chùa gần nhà. Rồi lại gặp những nhà tâm lý học đưa ra những ý tưởng lạ lùng, hay tâm địa người nghe đã lạnh lùng với thế thái nhân sinh? Thôi thì cứ tạm tin một người không tên tuổi, chỉ là chia sẻ suy tư của bản thân trên trang mạng cá nhân của người ấy. Ông ta nói rằng một người sống không có ký ức thì cuộc đời buồn tênh. Ông trời cho con người khác muôn loài là có ký ức, một buổi sáng ngồi nhìn mùa thu về bên ngoài cửa sổ, mùa thu của năm nay chứ không phải mùa thu của năm ngoái trở lại, cũng không phải mùa thu của năm tới đã đến sớm… Tôi thích cái khùng khùng của triết gia dịch cúm này vì trong mắt người điên là một thế giới điên loạn, một nhân loại khù khờ, nên mùa thu trong ký ức của ông tuyệt đẹp. Ông ngồi nhìn mùa thu của năm nay mà thấy lại mùa thu Hà nội của dĩ vãng đã thật xa mà thật gần; mùa thu của những người yêu nhau trong cái rét đầu đông, có cây bàng lá đỏ làm chứng cho đôi trẻ đã đi bên nhau tới hết cuộc đời. Giờ thì cụ bà đã lên trời, cụ ông ngồi nhìn mùa thu viễn xứ bên ngoài cửa sổ mà rõ mồn một hơi thu, hồn thu Hà nội phố…
Ôi ký ức đẹp quá! Ký ức là món quà vô giá mà tạo hoá chỉ riêng tặng cho con người, tặng riêng cho ông cụ một ký ức tuyệt vời về một thời tuổi trẻ và tình yêu. Tôi cũng có tuổi trẻ, tôi cũng có tình yêu, nhưng đó là những lọn gió đầu đông sắc lạnh, khoét sâu vào tiềm thức và để lại những vết sẹo vô hình. Tôi muốn quên đi tất cả, luôn cả lòng thù hận để thanh thản, nhưng trót mang phận người nên có đặc thù để phân biệt với muôn loài là ký ức. Ký ức tuổi thơ, ký ức về một vùng quê sông nước, ký ức về Sài gòn với những góc hẹn hò khi lớn lên, ký ức người ra đi, ký ức đời hải ngoại…
Tôi muốn thưa cùng triết gia mùa dịch. Ký ức là con dao hai lưỡi, nó thọc tới đáy tâm can người này, nhưng lại trở cán để vỗ về con tim người khác. Đừng nói ai hay là biết giữ gìn ký ức đẹp và quên đi những ký ức không vui, vì những ký ức không vui không cần nuôi dưỡng vẫn sống mãi trong ta, trong khi những ký ức hồn nhiên tuổi thơ mai một theo năm tháng. Không thể nào nhớ hết tên những người bạn học hồi lớp một lớp hai, cái tên còn không nhớ thì làm sao hình dung ra nét mặt? Cùng lắm chỉ còn những ký ức đã ăn sâu vào tiền thức đến độ người ta không nhớ cho tới một lúc nào đó trong đời, một hoàn cảnh nào đó khơi lại dòng nhớ. Như ký ức về một miền sông nước trong tôi đã ngày ngày gặp lại nhau trên YouTube từ đầu mùa nước nổi đến nay đã mấy tháng…
“Tôi đọc sách thấy ở nam bộ xưa, vào mùa cá linh từ Biển hồ tràn về theo dòng Cửu Long bát ngát, người dân miền sông nước đánh bắt cá linh nhiều vô kể, nhiều đến ăn không hết thì làm mắm. Cá linh ngày ấy tính dạ như lúa chứ không cân, cứ hai thúng là một dạ. Món mắm cá linh là một trong những món đặc sản độc đáo ở đồng bằng nam bộ…” Thế rồi nhân đại dịch cúm tàu đang trở lại. Tôi xem trên YouTube, Mekong channel. Đúng là cá linh hồi xưa nhiều vô kể. Có đến hàng chục chiếc ghe cùng nhau quây lưới lớn để lùa cá linh vào lưới. Sau đó là xúc cá lên ghe bằng thúng, không biết bao nhiêu thúng mà đếm. Sau nữa là chở những ghe cá linh đến khẳm thuyền về bán cho vựa cá, hay nơi chuyên làm mắm cá linh. Đúng là cá linh đong bằng thúng và tính giạ như lúa. Mekong channel đã sưu tầm được những thước phim xưa vô cùng qúy giá về đời sống dân dã ở đồng bằng sông Cửu long. Ở một khía cạnh nào đó, những thước phim tài liệu làm cho người xem như trôi bồng bềnh theo dòng ký ức trở về tuổi thơ và quê xa… để đau lòng khi xem một cái clip của một tay nghiệp dư nào đó quay chơi ở miềm tây. Họ có năm người trên chiếc ghe và làm một chuyến rong chơi miệt vườn. Người trong nước bây giờ thích dùng từ “trải nghiệm” nên cái clip có tên “Cuộc trải nghiệm 48 giờ trên cù lao Dung”. Năm người đàn ông gợi lại hình ảnh của cha ông ta đi mở đất phương nam xa xưa. Năm người đàn ông đã đánh bắt cá linh cả buổi trời, và bữa cơm trên sông nước của họ ra sao?
Một người trẻ hỏi một người lớn tuổi nhất trong nhóm đang ngồi lặt rau đồng để ăn kèm với cá linh kho lạt. Anh ta hỏi, “Chú Hai. Cá linh này ăn cá nhỏ mới ngon phải không chú Hai?”
Chú Hai trả lời, “Cá linh đầu mùa, cỡ tháng sáu nước lũ tràn về là cá linh về. Khi ấy con cá linh còn nhỏ nên xương mềm, ăn luôn xương mới ngon. Nay tháng mười âm lịch mình rồi, cá lớn nên xương cứng, ăn không ngon bằng cá nhỏ.”
Người bạn trẻ khác nói với chú Hai, “Vậy mà mấy hôm trước, má con mua cá linh về kho lạt cho cả nhà ăn cơm. Con hỏi. Má con nói là năm chục ngàn một ký lô đó chú Hai. Mắc dễ sợ.”
Người bạn trẻ ngồi kho cá trong cái chảo nhôm móp méo tới đau lòng lên tiếng về giá cả của cá linh ngoài chợ, “Thôi ăn cơm đi. Mày nói nhiều quá! Mày coi mình năm người, đi lưới cả buổi được có mười con cá linh. Bây giờ ăn cơm phải chia mới được cho mỗi người hai con. Vậy một ký cá linh biết bao nhiêu con, người ta bán năm chục ngàn còn chê mắc.”
Họ ăn cơm trên ghe với mỗi người hai con cá linh kho lạt. Mỗi con cá lớn hơn một ngón tay nhưng nhỏ hơn hai ngón tay chập lại. Tôi không biết bao giờ thì cá linh không về nữa khi Tàu cộng đã xây dựng 11 đập thuỷ điện trên sông Mê Kông. Và bá đạo tuyên bố về kế hoạch của Tàu cộng là xây 20 con đập thủy điện trên sông Mê Kông.
Miền tây bây giờ tình trạng bị ngập mặn, nước biển tràn vào ruộng vườn do dòng Mê Kông cạn nước bởi tàu cộng xây quá nhiều đập thủy điện. Họ tiếp tục xây đập cho đủ 20 con đập thì nước đâu để chảy xuống hạ nguồn sông Mê Kông nữa, không có cơn lũ nào về nữa, không có mùa nước nổi, không có cá linh gì nữa hết.
Thật xin lỗi với ký ức tôi về mùa nước nổi và con cá linh, mắm cá linh ở đồng bằng sông cửu long, “… những đêm trôi trên sông nước miền tây như khách thương hồ. Hình ảnh những cánh buồm tả tơi may bằng mấy cái bao cát thời chiến tranh còn sót lại thật ấn tượng, nhìn như những người lính cũ tả tơi ngồi uống rượu đế trên sàn ghe trải chiếu đệm, chiếc chiếu đêm trôi về đâu một quê hương ảm đạm dưới trăng suông, nghe các chú nhắc đến kẻ mất người còn làm con nít cũng biết ngậm ngùi, dù chỉ là thoáng qua trong tuổi ăn chưa no lo chưa tới với món ngon trước mặt, nào là rau sống, rau mùi đủ vị: khế, chuối chát, cà chua xanh, cà tím, cà dĩa, bún tươi… tất cả bày trên lá chuối xanh giờn. Chú Sáu Chiến, ba của người bạn học với tôi là ghe chủ, chú Sáu khề khà dứt nắm lá chuối khô nút hũ mắm linh dưới lườn ghe vừa được lấy lên. Cha mẹ ơi, ngào ngạt hương đồng gió nội.
Chiều chạng vạng trên sông thật khó quên mặt trời trước khi đi ngủ còn vàng rực chân mây. Trên cao, mây vẩy cá xếp lớp; trong hũ mắm, cá linh xếp ngói âm dương còn đẹp hơn. Bốn bề sông nước mênh mông, chú Sáu tót một chung đế cho kêu, bắt con mắm linh sền sệt để lên lá xà lách, mấy cọng bún tươi với rau mùi, dằn lát khế, lát chuối chát, cọng bông súng, lợp miếng ba chỉ hấp nồi cơm chín tới lên nữa, gói sơ sơ như ăn bánh xèo. Chú Sáu đưa cay sau chung rượu biết đã, đệm nhẹ miếng ớt trái đỏ tươi nữa rồi hít hà… Tôi thương chú Sáu như cha mình vì chú cũng thương tôi như con chú, chú nói với mẹ tôi chỗ chợ chiều ven sông quê tôi, ‘Anh Hai chưa về, thì chị để thằng này theo em cho nó quen sóng gió, chị cũng đỡ lo. Mùa hè ở không, nó quậy thấu trời…’ Mẹ tôi chẳng đặng đừng với đứa con ưa gây phiền phức trong đời sống vốn đã khó ăn khốn ở với chính quyền mới.”
Thật là ký ức muốn quên đi không dễ. Từ con cá linh trong sách đọc thuở nhỏ tới con cá linh sau biến loạn nước mất nhà tan, nay ngồi trong căn nhà viễn xứ dõi mắt về quê xưa với năm người đàn ông ăn cơm trên ghe chỉ có mười con cá linh chia nhau người hai con. Đâu phải cuối mùa nước nổi nên sông hết cá linh mà từ đầu mùa lũ nước trên thượng nguồn đã không về thì làm sao cá linh về được. Có oán thì oán ông trời sao cứ dung dưỡng cho giặc phương bắc trên thượng nguồn bá đạo cường quyền. Có trách thì trách mình không cố gắng tìm cách giải thích cho người đời sau hiểu biết về con cá linh.
Thương chú Hai là người cỡ năm mươi tuổi, chú không giải thích được cho những người gọi chú là chú Hai. Vì sao xương con cá linh trở nên cứng vào cuối mùa nước nổi. Thưa chú Hai, vì con cá trên thượng nguồn sống với nước ngọt từ cao nguyên Tây tạng đổ xuống dòng MêKông nên xương nó mềm. Khi nó trôi giạt về phía hạ nguồn, nghĩa là ngày càng gần với nước biển mặn nên xương nó cứng hơn; như con ếch con nhái bắt trong vườn nhà, ruộng nhà thì ăn luôn xương được vì nước ngọt nên xương nó mềm. Nhưng con ếch bắt được ở rừng đước là rừng ngập mặn thì không ăn luôn xương được vì xương nó cứng. Món ếch đồng xào mướp hương thì ai ăn qua một lần sẽ nhớ hương vị quê nhà cả đời dù trôi dạt tha phương cách mấy. Ông bà ta ở nam bộ gọi món ấy là “mướp hương xào với gà đồng”. Chú Hai không giải thích nổi cho bọn trẻ. Rồi sao con cá linh đầu mùa nước nổi còn nhỏ mà lại ngon hơn cá linh lớn cuối mùa? Rất đơn giản là con cá linh đầu mùa mang một bụng trứng và hai mạng mỡ hai bên lườn cá nên ăn béo ngậy, thịt cá dai ngọt tới chân răng người ăn. Nhưng khi về hạ nguồn, nó vào sông vô rạch để đẻ trứng, thịt cá không còn dai ngọt, bụng hết trứng hết mỡ, xương cứng hơn vì đã vô vùng nước lợ, nên cá linh cuối mùa nước nổi tuy lớn con hơn nhưng ăn không ngon bằng cá linh đầu mùa còn nhỏ. Ngày xưa, cá linh nhiều đến độ người dân nam bộ vô mùa nước nổi, cá linh không biết làm gì cho hết nên người ta lấy mỡ cá linh ra thắng dầu để dành đốt đèn dầu cá linh, còn xác cá linh sau khi lấy mỡ thì đem đi bón cây ăn trái ngoài vườn nên trái gì ở miền tây cũng ngọt vì phân bón thiên nhiên cộng với lớp phù sa màu mỡ mà hằng năm cơn lũ mang về cho đồng bằng sông Cửu Long.
Nay đã cuối mùa nước nổi, không biết năm sau có còn mủa nước nổi tràn về nữa hay không? Chỉ thấy ở miền tây bây giờ có rất nhiều cống ngăn mặn ở các tỉnh. Mỗi ngày chỉ mở cống nửa giờ cho thuyền ghe qua lại. Rất khó khăn cho đời sống người dân miền sông nước vốn chẳng bao giờ giàu từ biến cố lịch sử đã 45 năm. Và người dân bây giờ cũng không hiểu biết nhiều về phong thổ và sản vật tự nhiên ngay trên quê hương mình. Thật là đau lòng.
Phan