chậu cây phong lữ mẹ lấy từ sọt rác nhà hàng xóm về, cuối cùng, nó biến thành một cái cây to, cành lá bò đầy trên bệ cửa sổ; anh còn nhớ đến cửa hiệu tạp hóa của bố, bố đếm tiền thối cho khách hàng ở quầy tính tiền cao cao làm bằng đồng; trước mỗi lần khai giảng, mẹ đều dẫn anh đi mua giày và anh phải để cho mẹ nhét mạnh ngón chân mình vào đôi giày.
Anh còn nhớ đến những lần mua sắm khác. Khi mẹ trả giá không biết mệt mỏi, anh thấy chán vô cùng. George nhớ có một lần, mẹ đến một cửa hiệu thử chiếc áo khoác cotton màu xám, vài phút sau, anh nghe thấy mẹ hét to: “Ối, các con ơi! Nhìn mẹ các con nè, có phải giống hệt một bệnh nhân tâm thần không?”. Vừa nhìn thấy bộ dạng của mẹ, Lindy cười khanh khách không ngừng, nhưng George lại căng thẳng: anh thấy mẹ mặc màu xám trông rất nghiêm.
George lại nhớ đến Lễ Giáng sinh năm nọ, bố tặng mẹ bộ đồ ngủ màu đen, phần ngực là đăng-ten cũng màu đen – gần như hoàn toàn trong suốt. “Ôi, Michael!”, mắt bố nhìn xuống miệng cười gượng gạo. Mẹ liền mang bộ đồ ngủ vào phòng mặc thử. Lúc đó, họ sống ở Elmview Acres, bên kia hành lang là phòng khách, ngay đối diện chính là phòng ngủ. Một lúc sau, mẹ không bước ra khỏi phòng, mà dịu dàng gọi: “Michael, anh vào đây chút được không?”. Bố đặt đôi vớ trên tay xuống, đi vào phòng ngủ, sau đó nghe thấy tiếng khóa cửa phòng, rồi một thời gian rất dài sau chẳng nghe thấy tiếng động gì cả. Bọn trẻ lúc đó, một đứa khoảng 12 tuổi, hai đứa kia khoảng 11 tuổi và 7 tuổi, đều đưa mắt liếc nhìn nhau. Mãi đến giờ nhớ lại, George vẫn phải phì cười.
Ồ, dường như bố mẹ chẳng có quá nhiều việc làm họ đỏ mặt, chẳng biết có phải đứa trẻ nào cũng nghĩ thế không? Nhưng George thấy cuộc sống của nhà Anton bất thường hơn mọi người khác. Chẳng hạn, vẫn vì bộ đồ ngủ đó, vài giờ sau, lại bùng nổ chiến tranh. Bỗng nhiên mẹ hỏi bố sao biết được kích cỡ của mẹ, hóa ra bố đi mua cùng Katie Vilna, theo lời bố nói, bố nghĩ mẹ và Katie có cùng kích cỡ với nhau. Thế là trời sụp! George không biết rốt cuộc là bố có ẩn tình với người phụ nữ khác, hay mẹ thấy vòng ngực của Katie nhỏ hơn mình nhiều. Nhưng sau đó, mẹ nổi trận lôi đình, bố mắng mẹ là đồ điên, thế rồi mẹ vứt bộ quần áo đó vào sọt rác…
Mọi người đều không muốn đến chơi nhà Anton. Dường như người nhà Anton đều có những cử chỉ quái dị và hơi khoa trương, chẳng hạn, họ sẽ vứt hết quần áo, hoặc bỏ đi khỏi nhà hoặc…
Hoặc 29 năm sau bỗng nhiên xuất hiện, sau đó hỏi han mỗi người sống thế nào…
Phải, như Karen từng dự kiến, cuối cùng họ sẽ đoàn tụ. Có một lần, Gina xuất thần nhìn thứ gì đó, rồi gọi điện cho Anna, lại gọi cho Karen, sau đó gọi cho George hỏi số điện thoại của Lindy, sau đó nữa, chẳng biết bằng cách gì Gina làm Pagan đồng ý gặp Lindy. Có lẽ, việc đầu tiên Gina làm là thuyết phục Pagan. Dù thế, cách này rất hiệu quả, cuối cùng họ xuất hiện ở nhà Anna vào trưa một ngày chủ nhật cuối tháng ba. Mọi người đều đến: Pagan đi cùng Gina và con họ, chồng Lindy cũng có mặt. Họ chuẩn bị một con heo quay, vì Gina ăn chay, nên họ còn đặc biệt chuẩn bị bánh mì dài sốt cà chua. Hôm đó chẳng xảy ra chuyện gì đặc biệt. Không ai nổi giận; cũng như chẳng ai rơi lệ. Khi Lindy thấy cháu mình, mắt cô sáng lên: hiển nhiên, đứa bé 6 tháng tuổi này làm cô nhớ đến Pagan trước đây. Cô vẫn xử sự rất khéo léo, Pagan cũng thế. Thực tế, hầu như họ chẳng nói gì. Tất cả tình cảm của Lindy đều dồn hết cho đứa cháu. Cô chẳng nói gì nhiều với Pagan, thậm chí cố gắng không nhìn về phía nó. Còn Pagan vẫn lịch sự và ôn hòa như mọi khi. Đến chiều, mọi người bắt đầu những lời khách sáo thường dùng: chúng ta phải thường họp mặt thế này nhé, gặp được anh (chị) quả thật rất vui, lần sau nhớ đến nhà tôi chơi nhé…
Nhưng sao George lại thấy buồn bực?
Anh uể oải ngồi trên chiếc ghế chơi piano của Anna, hai tay bắt chéo, cằm dán trước ngực, quan sát xung quanh với ánh mắt phớt lờ, bên tai vang lên mỗi câu nói của Lindy trong những buổi họp mặt gia đình trước kia. “Ồ, vâng, cho con ít trà được rồi. Giờ con không uống loại thức uống có gas”. George phát ra tiếng thở nặng nề. Phải biết rằng, giọng điệu của Lindy giống như cô gái vô tội trong “Người đẹp và quái thú”: “Bố ơi, con chỉ muốn một đóa hồng tươi đẹp, năn nỉ bố mà!” Xem phản ứng của Michael nào, “Ồ, dĩ nhiên, có ngay!”. Tội thật, ông phấn chấn thế, mặt đầy vẻ hạnh phúc, rạng ngời vì vui mừng.
Không chỉ thế, thậm chí diện mạo của những người ở đó đều làm George thấy chướng mắt: chồng Lindy tựa như bức tranh biếm họa về một thầy giáo người Anh, bộ râu tỉa đều đặn làm ta ngỡ rằng cằm của anh ta vốn có hình dạng đó, đôi mắt màu xám luôn ẩn chứa nụ cười khó hiểu, còn cả miếng vá giả da hươu khó coi ở khuỷu tay. George luôn nghĩ kiểu tóc của một người có thể phản ánh sâu sắc tính cách của người đó. Chẳng hạn, người có đầu tóc gọn gàng và bóng mượt thường tính cách cũng khá ôn hòa; còn người có kiểu tóc quăn ngắn ngủn thường khó kiểm soát. Gina có kiểu tóc đó, cộng thêm hai điểm tròn trên ngực áo, trông cô càng khó coi hơn; nhìn Samantha xem, toàn thân màu đen, dây buộc tóc hình đốt xương này nối lấy đốt xương kia, phong cách ăn mặc của các thầy chiêm tinh sao? Bộ đồ lỗi thời của nó chắc chắn lục trong tủ áo cũ của Lindy, nhưng dù Lindy nhận ra đây là quần áo của mình, cô cũng chẳng có biểu hiện gì. Lúc này, Gina đang bận chăm sóc con nhỏ, cô mặc chiếc áo khoác của người vùng quê thô ráp.
Lindy mất tích suốt thời gian qua ngồi ngay đây, đấy là bí mật của nhà Anton, là vết thương làm mọi người đau đớn. Nhưng giờ đây, họ đang làm gì thế? Họ ngồi đó bàn tán đôi mắt của em bé chừng nào đổi màu; nói về rượu sherry hoặc nước soda hoặc nước ngọt vị gừng…
Karen nói khẽ bên tai George: “Em luôn nghĩ chúng ta chỉ tổ chức họp mặt bình thường thôi, nơi đây có một vị khách bình thường, đó là Lindy”. Lời Karen nói dường như hơi giống với điều George đang nghĩ: mọi chuyện đều đơn giản thế sao? Có thật Lindy đã trở về cuộc sống của mọi người không?
Bỗng nhiên Gina hỏi: “Phải rồi mẹ Lindy, con muốn hỏi điều này, Pagan có gì di truyền từ bố không?”.
Lindy trả lời: “Ừm, nói sao nhỉ? Thực tế, mẹ không rõ lắm… di truyền ư?” cô nhìn mọi người, “Anh ấy chỉ là một tay trống ở một thị trấn nhỏ vùng Texas, thật ra cũng chẳng thể gọi là vợ chồng, ý mẹ là, mối quan hệ đó không phải như mọi người nghĩ”.
Dường như Pagan không nghe cuộc trò chuyện của họ, hoặc nó chẳng màng bận tâm. Nó chỉ thoải mái ngồi cạnh Gina, nhìn cô xem, ôi, trời ạ! Cô cởi nút áo, rồi cho con bú trước mặt mọi người. “Tay trống?”, cô thốt lên, “Em biết sao anh có khiếu âm nhạc thế rồi!”.
“Phải, có thể là như thế”. Pagan phụ họa, nhưng hiển nhiên nó chẳng mấy hứng thú với đề tài này.
Sally chen vào: “Sao giờ cứ phải treo nhiều hoa như thế, dù chưa đến ngày nghỉ? Ý em là, tháo chúng ra khỏi cửa chắc rất tốn công!”.
Chồng Lindy bạo gan nói: “Tôi nghĩ đây là một trong những cách trang trí làm mọi người chán ghét!”.
“Nhưng mọi người vẫn phải trang trí cây thông Noel mà, đúng không? Cả vườn nhà mình nữa! Thế tại sao ta lại chán ghét những bông hoa này chứ? Chỉ là những bó hoa đơn giản thôi!”.
“Ồ, mẹ à, nếu người ta thích thì cứ để họ treo đến tháng 6”, Samantha nói, “cớ gì chúng ta nhọc tâm về chuyện này?”.
“Ôi, Samantha, mẹ chỉ tò mò thôi con ạ”.
Nghe đến đây, George cảm thấy nếu mình nhắm mắt lại, chắc chắn anh sẽ ngỡ rằng mẹ mình đang nói.
Sau bữa trưa mọi người lại bắt đầu “Câu chuyện về Pauline”, George biết ngay sẽ như thế. Anh chẳng còn nhớ từ lúc nào, mọi người trong nhà tập thành thói quen này: luôn mang những chuyện ngây ngô buồn cười trước đây của Pauline ra nói, lần nào bố cũng cười ra tiếng, còn Anna thường lộ vẻ mặt khoan dung. Thông thường, George cũng góp vui, nhưng lần này, anh chỉ im lặng ngồi đó.
“Mẹ luôn như thế”, Sally vừa đưa đĩa mì Ý cho Lindy vừa nói: “khi chúng em còn sống trong thành phố, có một lần đi trên phố, mẹ cho người ăn xin một đô, nhưng người đó chẳng phải kẻ ăn xin, ông ta là giáo sư đại học. Ông ta nói với mẹ: ‘Thưa bà, tôi là một giáo sư’. Nhưng me lại vẫy tay nói với người đó: ‘Ồ, không sao đâu, cứ giữ lấy!’. Em đến phải thốt lên: ‘Mẹ Pauline…’”.
Chồng Lindy lại phát ra tiếng cười hô hố rợn tóc gáy. Chỉ có Lindy và George bốn mắt nhìn nhau, dường như Lindy hiểu được ý của George, nên cô không cười.
Sau những lúc vui cười, mọi người đều ra về, còn bảo sẽ thường họp mặt thế này, sẽ đến nhà chơi, sẽ thường liên lạc…
George đứng trong vườn nhà Anna, anh hôn nhẹ lên má Lindy, sau đó bắt tay chồng cô.
Giờ đây điều George muốn hỏi là Lindy, sao chị làm thế? Có đáng không? Cả nhà chúng ta từng đau khổ thế? Rốt cuộc có chuyện gì quan trọng mà chị phải làm cho gia đình tan nát thế chứ? Lẽ nào chị chưa từng suy nghĩ về việc mình làm sao? Chị chưa từng hối hận sao? Suốt bao năm nay chị có nhớ đến mọi người không? Chị có nghĩ mọi người sống thế nào không? Tối chị có mơ thấy cả nhà không? Chị có từng nghĩ mình sai hoặc quá ích kỷ, hoặc quá tàn nhẫn, thậm chí… quá xấu xa không?
Em có thể giữ chị lại không?
Em có thể dễ dàng lãng quên không? Sao chị lại rời khỏi em chứ, Lindy?
Chương 9
Michael choàng tỉnh sau cơn mơ, ông mơ thấy cảnh sắc chỉ có trong cổ tích: xung quanh đều là những ngọn núi nhỏ và thung lũng màu xanh nhạt, con đường ngoằn ngoèo kéo dài đến nơi xa tít. Cảnh tươi đẹp này tôn thêm vào sắc màu cho buổi sáng hôm nay. Ông tắm, cạo râu, thay quần áo và cùng Anna ăn sáng. Giọng Anna dường như vọng từ nơi rất xa đến: “Tối nay em sẽ về trễ, chúng em phải chuẩn bị cho Giáng sinh”.
8 giờ 45 phút sáng, ông lái xe đưa Anna đi làm. Từ sau khi ông nghỉ hưu, nhà họ có một số quy định. Ông phải dậy sớm, sau đó ra khỏi phòng, và suy nghĩ xem hôm nay phải làm những gì. Sáng nay, ông lên kế hoạch đi mua một ít xi-măng trám cửa sổ. Công việc này làm ông thoải mái hơn những việc khác, vì thế khi nghe thấy Anna cằn nhằn tối qua, trong lòng ông tràn đầy niềm phấn khởi khó tả. Giờ ông lại suy nghĩ vài phương án có thể chọn: lấp lỗ bằng mát – tít hay sợi nỉ? Hoặc nên chuyên nghiệp hơn? “Tôi nghĩ sẽ tìm được thứ mình cần ở cửa hiệu Schneider”. Micheal nói với Anna.
Anna liền hỏi: “Sao? Tôi nghĩ ông không nghe những gì tôi vừa nói”.
Do dự một lúc, Michael nhớ lại chuyện vừa xảy ra tựa như một cuốn phim. “Tôi đang nói về hiệu trưởng Cal”, Anna nhắc, “là chuyện về nhà trường”. Michael bạo dạn càu nhàu: “Lại nhắc chuyện cũ”.
“Từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, chúng tôi chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Dù là lúc ăn trưa vẫn phải làm việc, chúng tôi phải cùng dùng bữa với học sinh. Sau giờ học, ông ấy còn bảo chúng tôi ở lại họp hành gì đó! Lần này lại còn họp vào thứ sáu nữa chứ! Đến khi tan sở về đến nhà, thì mệt nhoài cả người”.
Michael mở đèn xi-nhan, lái xe vào làn đường dành riêng cho “Trường nghệ thuật Maestro”. “Anna”, xe họ đang chạy dưới con đường đầy nắng, rừng cây hai bên đã rụng hết lá, “có một cách giải quyết rất đơn giản, đó chính là nghỉ hưu. Bà 80 tuổi rồi, nhưng vẫn dạy học, hoang đường quá đấy!”.
“Tôi không muốn nghỉ hưu”. Anna trả lời.
“Chúng ta có thể đi du lịch”, Michael dừng xe ở bãi đậu chật hẹp, quay sang nhìn Anna: “Chúng ta nên dành nhiều thời gian ở bên các con, bà nên đi thăm con gái nhiều hơn”.
Thật ra, Anna vẫn còn là một người phụ nữ thanh lịch, tuy tóc đã bạc trắng, hơn nữa mặt cũng đầy nếp nhăn. Bà nói vẻ quả quyết: “Dạy học rất quan trọng với tôi, tôi không bao giờ chủ động từ bỏ nó”.
“Được thôi, nghe những gì bà vừa nói với tôi xem, chẳng phải bà bảo tan sở người cứ mệt nhoài sao? Tôi chỉ nói bà nên làm thế nào thôi”.
“Nhưng tôi chẳng muốn làm gì cả”.
“Tùy bà vậy, tôi bỏ cuộc”.
“Nếu tối họp quá trễ, tôi không thể đi bộ về, đến lúc đó tôi sẽ gọi cho ông”. Nói xong, Anna mở cửa bước xuống xe, “Chúc vui vẻ nhé, ông xã”.
“Bà cũng thế, tạm biệt”.
Nhưng khi lái xe ra khỏi bãi đậu, chạy dọc trên đường về, Michael lại nhớ đến mẫu đối thoại lúc nãy. Nếu một người đưa ra vấn đề nào đó, chẳng phải người kia nên đưa ra những kiến nghị có thể giúp đối phương sao? Vợ chồng nên ủng hộ nhau, nhưng với Anna lại khác, bà chẳng cần ai cả. Với bà, Michael chỉ là một món đồ trang sức chẳng có giá trị, chỉ là xa xỉ phẩm, là món tráng miệng.
Ông lái xe về hướng đường Falls, nói lớn: “Bà ấy cũng có thể là món tráng miệng của mình!”.
Đến tháng 6 năm sau, ông và Anna đã lấy nhau tròn 22 năm. Trời ạ! Nhưng trải qua thời gian dài thế, ông vẫn thấy đây là cuộc hôn nhân có vẻ vô nghĩa. Dù cuộc sống của họ rất bình yên, nhưng Michael luôn thấy đây là cuộc hôn nhân nhạt nhẽo, chẳng có cảm giác chân thật. Nếu Michael có thể sống thêm tám năm, tuổi hôn nhân của ông sẽ dài hơn Anna. Và hy vọng sống thêm tám năm của ông vẫn rất lớn, vì bác sĩ nói, tim của ông chẳng khác gì lúc 60 tuổi. Khi nghe thấy những điều này, thậm chí ông còn kêu lên: “60 tuổi! Già thế sao!”. Ông không ý thức rằng mình đã rất già. Giờ đây khi khom lưng, tay ông rất run, mặt cũng đầy nếp nhăn làm ông chẳng nhận ra mình là ai. Dù thế, ông lại có trái tim của tuổi 20: nếu thấy cô gái mặc áo đỏ vẫy tay tạm biệt với mình, thậm chí ông còn đạp xe đuổi theo!
Hôm nay là ngày kỷ niệm sự kiện Trân Châu cảng đầu tiên sau vụ ngày 11/9, vì thế không khí sôi động hơn mọi ngày. Suốt cả tuần, ti vi đều phát những bộ phim tuyên dương chủ nghĩa yêu nước, các bài phỏng vấn lính già, giọng của họ tựa như chiếc ghế mây cũ kêu cót két, nếp nhăn trên mắt họ nhỏ như một sợi chỉ. Hiện tivi đang phát lại bài diễn văn “Quả là một ngày ô nhục” của Tổng thống Roosevelt. Michael rẽ trái vào đường Northern Parkway, kết quả ông phát hiện mình chọn phải một con đường kẹt xe, phía trước hàng đèn thắng xe nhấp nháy vô tận. Ghét thật, mình vốn có thể đi đường Harvest! Michael dừng xe, uốn người cởi chiếc áo khoác len, ném nó qua chiếc ghế bên cạnh.
Michael thấy rất ngạc nhiên, mỗi khi ông gây gổ với Anna, chuyện đó đều không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ. Anna không bao giờ chất đống mọi vấn đề với nhau, cũng không để những chuyện cũ rích ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chỉ cần hai phút, bà sẽ tiếp tục làm việc của mình như chưa xảy ra chuyện gì cả. Dù họ cãi nhau dữ dội, Anna cũng không thấy điều đó sẽ đưa hôn nhân của họ đến điểm dừng. Ồ, từng có một hai lần như thế, đó là lúc họ vừa mới kết hôn, có lẽ vì muốn mình thoải mái một chút, ông nảy sinh ý định ly hôn lần nữa. “Nếu một người có nguyện vọng ly hôn mãnh liệt, anh ta sẽ luôn ly hôn”. Nhưng Anna hoàn toàn không thể lý giải, “Ly hôn?”. Bà luôn ngờ vực về vấn đề này.
Trong giấc mơ tối qua, ông lạc trong một thung lũng đầy sương mù, không sao tìm được đường về nhà. Sau đó một người phụ nữ tóc vàng, tay cầm cây trượng phép thuật đã giúp ông. Chuyện gì thế nhỉ? Lẽ nào ông gặp được một bà tiên tốt bụng? Mãi đến giờ, Michael vẫn còn nhớ, bà tiên dặn ông tuyệt đối không để ai hôn lên tai trái, cũng không để ánh nắng rọi lên vai trái, còn nữa, bà còn dặn ông không được nghe tiếng bước chân theo dõi phía sau. “Tóm lại”, bà tiên nói bằng giọng ngọt ngào, “tuyệt đối không được quay đầu lại – nếu ông muốn về nhà an toàn”. Sau đó, ông tỉnh giấc.
Đến cửa hiệu Schneider, Michael quyết định mua mát-tít – giá rẻ, dùng tiện lợi, hơn nữa không hay bị rối – thật ra, giờ đây Michael làm việc không còn linh hoạt như trước nữa. Sau khi mua một hộp mát-tít, ông lại rảo một vòng trong cửa hiệu. Cửa hiệu không lớn, nhưng thuộc loại vừa đủ khách hàng hầu như có thể tìm thấy mọi thứ mình cần. Ông đứng xem rất lâu ở dãy bán móc treo, mấy hôm trước hình như ông muốn mua vài cái móc…
Trong cửa hiệu có một gia đình ba người đang mua hàng. Ông bố dáng rất cao, đeo kính; bà mẹ là người phụ nữ tóc đen khá ốm yếu, hầu như chỉ cao bằng nửa ông bố thôi; con của họ còn rất nhỏ, chạy ngang chạy dọc trong cửa hiệu. Họ đang trả tiền mua một bộ ván trượt tuyết – loại ván trượt bằng gỗ kiểu xưa, đáy là lưỡi dao bằng kim loại. Thằng bé vui mừng nhảy cỡn lên, Michael thấy bộ dạng của nó bất giác phì cười. “Cháu biết dùng nó chứ?”. Michael hỏi, thằng bé bỗng chốc đứng yên, nghiêm túc suy nghĩ câu hỏi này.
Lâu rồi Michael không nói chuyện với trẻ con, giờ ông cũng chẳng biết nên nói gì với chúng. JoJo con trai George tuy đã ngoài 30, nhưng vẫn sống như một đứa bé choai choai, cậu còn thành lập ban nhạc mang tên “Bóng tối” hát trong đường hầm; Samantha dường như theo chủ nghĩa độc thân, nó vẫn còn đang học y khoa, chẳng có dự định kết hôn, nói gì đến chuyện sinh con. Còn hai đứa con của Pagan đã qua giai đoạn học nói ê a rồi – một đứa 12 tuổi, một đứa 10 tuổi – trò chuyện với trẻ ở độ tuổi này sẽ rất thú vị, nhưng chúng không còn nói huyên thuyên như lúc nhỏ, động chút là cười khì. Bobby đeo niềng răng làm miệng nó trông sưng húp và rất kỳ quặc. Polly chọn kiểu tóc chẳng hợp với nó chút nào: buộc đuôi ngựa hai bên dạng hình cầu phùng lên, trông như tai của chú gấu bông vậy.
Tên Polly thật ra bắt nguồn từ Pauline.
Sao không đứa nào nghĩ rằng sẽ đặt tên cho con chúng là Michael chứ?
Khi họp mặt gia đình, mọi người thường kể những chuyện thú vị về Pauline. Mỗi lúc như thế, Michael đều thấy ganh tỵ. Chẳng lẽ mọi người quên rằng Pauline là người rất khó gần sao? Bà ấy đã là người khắt khe thế nào? Mọi người đều quên rằng bà động một chút là cáu kỉnh sao? Lần cuối Michael gặp Pauline, ông còn nhớ giọng điệu của bà: “Hôm nay tôi phải ôm người hành khất của tôi, tôi phải làm thế! Vì tôi chẳng có lấy một người thân!”. Giọng điệu này đủ làm Michael nhớ đến lý do tại sao họ phải ly hôn.
Michael ra quầy tính tiền, ông lục tìm trong ví mấy đồng xu, sau đó đưa cho nhân viên bán hàng. Ra khỏi cửa hiệu, ông nhìn thấy có một hàng xe quét tuyết đang chạy về hướng mình. Cửa hiệu ngũ kim luôn cho ta cảm giác an lòng, dường như họ đang nói: chúng tôi có thể giúp đỡ bạn, bất cứ chuyện gì, dù là cửa sổ thông gió, vỉa hè đóng băng, vật gia dụng bạc màu, diệt mối, trừ cỏ… Chúng tôi có thể làm bất cứ gì! Việc gì chúng tôi cũng đều thạo cả!
Michael nổ máy, tiếp tục lái về hướng đường Northern Parkway, sắc mặt ông xanh xao, ánh nắng mùa đông chiếu rọi vào bánh lái. Radio đang phát bài “Chiều một ngày mưa”. Âm nhạc bây giờ sao không thể giống như bản nhạc này chứ? Michael rất thích ca sĩ trình bày bài hát này, giọng rất trong, êm dịu, không quá bi thương.
Khi đến đường Rock, Michael mới ý thức được mình đang lái về hướng cửa hiệu tạp hóa cũ. Phải, kế hoạch của ông hôm nay đúng là mua nửa galông (đơn vị đo lường chất lỏng bằng 4,45 lít ở Anh và 3,78 lít ở Mỹ) sữa, nhưng xung quanh có vô số cửa hiệu tạp hóa, thật không cần thiết phải đi đường xa đến đây. Cửa hiệu tạp hóa Anton giờ là Công ty Thực phẩm Thế Giới. Michael ghét cái tên này, ông ghét khái niệm kinh doanh dây xích (một hệ thống siêu thị bán cùng loại hàng, thuộc cùng một hãng). Mỗi lần đến nơi này, ông đều thấy rất buồn, nhưng dường như chiếc xe biết đường lái đến đây vậy. Giờ đây, ông đầu hàng rồi, chẳng chút hứng thú nghe bài phỏng vấn một người lính già trên radio. Ông từng phục dịch ở Pháp, mất hai người anh, ba em họ và người bạn thân nhất trong chiến tranh. Khi kể về những chuyện này, giọng ông thấp trầm, nhưng chẳng có chút phẫn nộ. Thử tưởng tượng xem, nếu chuyện tương tự xảy ra với lớp thanh niên ngày nay sẽ thế nào! Chắc chắn họ sẽ trút giận lên người khác, Michael nghĩ thế. Chẳng biết từ khi nào, người Mỹ bắt đầu cho rằng cuộc sống nên hợp logic.
Michael đi ngang qua một khu phố buôn bán, ông khá bất ngờ vì tháng trước nơi này không phải thế. Tiếp đó, khi ngang qua tiệm giặt đồ, Michael nhớ lại hồi gia đình họ sống trong căn hộ cũ, ông thường mang quần áo đến đây giặt, nhưng bây giờ, nơi đây trở thành một cửa hiệu bán băng đĩa, sau đó là cửa hiệu tạp hóa cũ, từ lâu nó đã không còn mang dáng vẻ như ban đầu, rất nhiều tiệm buôn bán nhỏ hai bên đều bị nó nuốt chửng. Cả cửa hiệu đều được sửa chữa mới lại, bên ngoài là bảng hiệu Công ty Thực phẩm Thế Giới đan xen hai màu lam và lục. Bãi đậu xe sỏi đá được trải nhựa, trông tốt hơn nhiều so với trước đây. Nhưng khi bánh xe của Michael chạy trên đó, sự bằng phẳng của nó lại làm ông bất an. Ông đậu giữa hai chiếc SUV rồi mặc áo khoác vào. Thấy nơi này có quá nhiều xe ông buồn vô cùng, trước đây, khi nhà ông kinh doanh tạp hóa, chưa từng bao giờ có nhiều xe như thế.
Bố cục trong cửa hiệu cũng khác hẳn: họ chuyển quầy bán hoa ra phía trước, chỗ đăng ký có máy quét trước đây được thay thế bằng quầy triển lãm bằng gỗ màu nhạt, trên đó có sushi, xà lách mì ống, couscous (món ăn vùng Bắc Phi, bột mì nấu với thịt hay nước thịt) gà… Đấy là gì thế? Trước quầy bán thịt, một cô gái trông rất giống người Trung Đông mặc quần bò, đôi giày gót nặng nề làm cô cao hơn chiều cao thật sự vài inch, cô đứng trước quầy hàng so sánh mấy lọ trứng cá muối khác nhau, chàng trai đi cùng cô mắt rất xanh, nói giọng đặc thù của người Ái Nhĩ Lan, anh đang hỏi nhân viên bán hàng có phải chất lượng loại trứng cá muối nhập khẩu tốt hơn loại nội địa không. Bên cạnh một bé gái mới biết đi mặc đồ trượt tuyết đang vòi mẹ mua cho cái hot-dog đậu hũ.
Cả quầy bán sữa cũng khác! Michael chú ý thấy rất nhiều loại sữa và kem sữa đều không đóng chai như trước đây nữa. Nhưng, ông vẫn chọn sữa đóng hộp hiệu Cloverland thường nhất, sau đó đi thẳng đến quầy tính tiền.
Mũi và chân mày cô nhân viên tính tiền đều xỏ khuyên, đeo hoa tai, Michael thấy như thế thật chẳng ra gì.
Ra khỏi cửa hiệu, không khí lạnh bên ngoài làm ông dễ chịu hơn nhiều. Siêu thị Công ty Thực phẩm Thế Giới giờ đây quả đang làm ăn phát đạt. Michael bỏ sữa vào cốp xe rồi đứng tần ngần nơi đó, một tay cầm chìa khóa, cứ dây dưa không chịu lên xe. Bỗng nhiên ông nhớ ra việc tiếp theo mình phải làm là đi dạo. Sao lại cố tình trở về khu gần nhà mình đi dạo chứ? Mình có thể tản bộ trên đường Rock mà. Nghĩ đến đây, ông bỏ chìa khóa vào túi, rời khỏi bãi đậu xe.
Bác sĩ kiến nghị Michael mỗi sáng tản bộ 30 phút, ông nhìn đồng hồ, sau đó quay về. Ông không bao giờ đi nhiều, vì tản bộ chẳng phải việc ông thích. Chẳng nghĩ gì cả, Michael chỉ chậm rãi bước đi thôi, nhất là bây giờ, tuổi càng lớn, ông bước đi càng chậm chạp hơn trước. Dáng đi khệnh khạng dường như vang lên trong đầu ông điệp khúc chẳng có ý nghĩa: tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề biết, tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề biết.
Pauline luôn gọi cái chân thọt của ông là “di chứng chiến tranh” và Michael cũng quen với cách gọi này, thậm chí ông nghĩ mình đã từng đích thân trải nghiệm trận chiến nào đó. Dĩ nhiên, thực tế ông chưa một lần tham gia chiến đấu. Khi nào ông mới thoát được cảm giác tội lỗi vì chưa từng ra chiến trận? Trước đây, ông có thể dựa dẫm Pauline. Thật ra, nếu không vì cử chỉ cợt nhả của Pauline, Michael không bao giờ khó chịu với vợ như vậy. Bây giờ, Michael không nghĩ thế nữa: ông là người dễ giận cá chém thớt; ông là người khoanh tay đứng nhìn khi người khác cố gắng làm việc; ông chưa từng ảo tưởng mình sẽ trở thành một anh lính chuẩn mực. Thực tế, ông thấy nếu mình ra chiến trận, khả năng lớn nhất là ông sẽ bị kẻ địch giết chết ngay trận chiến đầu tiên. Vì thế, Michael chưa từng mong muốn mình được ra tiền tuyến, mà ngược lại. Lúc đó, ông khao khát mình có thể sống lâu, để làm cuộc sống của những người mình yêu thương có ý nghĩa hơn, đầy đủ hơn.
Tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề biết, tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề… Michael vẫn tiếp tục lặp lại những câu nói đó, nhưng một chiếc xe tải chạy vù qua đã che khuất tất cả. Ông thấy có lẽ mình đã làm tài xế xe tải hơi căng thẳng: một ông lão đi khập khiễng trên vỉa hè. Ông lão! Nghĩ đến chuyện người khác cũng dùng từ này để gọi mình, Michael thấy rợn người.
Bỗng nhiên Michael chú ý thấy: hình như khi nói chuyện ông có một thói quen, lúc đầu định nói chuyện này, nhưng sau đó ông lại nghĩ đến chuyện khác, và bất giác thay đổi đề tài, cuối cùng thường làm mọi người rối mù. Trong bữa cơm tối hôm qua, ông định nói với Anna: “Bữa tối hôm nay rất ngon”. Kết quả là: “Bữa tối hôm nay rất kỳ quái”. Vài phút sau, ông lại nghe mình bảo: “Bà ngồi xuống nghỉ một lúc, tôi sẽ cất thức ăn vào máy vi tính!”. Ông nghi ngờ phải chăng mình đã bắt đầu đãng trí – một chứng bệnh mà những người có tuổi vừa nghe đã rùng mình.
Lúc này lại vọng đến tiếng còi xe, âm thanh lần này rất vang, làm Michael giật nảy người. Ông khệnh khạng đi vào phía trong vỉa hè vài bước, như thế sẽ cách xa làn xe chạy và an toàn hơn. Bên kia đường chẳng có gì đáng chú ý, nhưng nơi đó có thể đến Elmview Acres.
Bảng hiệu tên đường trông rất cũ nát – trên đó là những đốm gỉ sét, cột gạch thì đầy những vết nước màu lục rong rêu. Khi đi qua đường Rock rẽ vào đường Elmview Drive, Michael kinh ngạc phát hiện cây cối ở đây đã cao thế rồi! Tuy giờ đã là tháng 12, cây đã không còn um tùm, nhưng những căn nhà này – kiểu nhà nông trại giờ chẳng còn thịnh hành – đều được bao phủ bởi sắc xanh. Trước đây khu này chỉ toàn đất trống, nhiều lắm chỉ là những bụi cây nhỏ mới nảy lộc.
Đến ngã tư, Michael rẽ phải, con đường này uốn khúc ngoằn ngoèo. Tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề… Michael tiếp tục đi về phía trước, trên đường ông thấy một người phụ nữ khoác khăn choàng nỉ ô vuông đang dắt chó đi dạo, còn có một người phụ nữ mặc áo khoác dài đang khom lưng cúi người nhặt mảnh giấy làm rơi.
Dù thế nào, đây vẫn là nơi ông quen thuộc, tuy những người này vẫn chưa chào đời khi ông và Pauline còn ở đường St. Cassian.
Đi thẳng về phía trước dọc theo đường St. Cassian, Michael thấy mình là người may mắn sống sót cho đến nay. Wanda Lipska đã mất năm 1998 vì bệnh tim, con gái của bà, lớn hơn George mấy tháng cũng đã qua đời. Katie Vilna chết vì ung thư phổi, còn Johnny Dimsky chết vì bệnh ung thư gan. Trước đó nữa, là bố mẹ Michael, giờ nghĩ lại cứ như đang xem ảnh cũ bạc màu. Danny, anh trai Michael, vẫn là chàng trai 19 tuổi trong ký ức của ông, dù lúc đó anh ấy không mắc cơn bệnh nặng đấy, đến giờ anh ấy cũng đã về nơi yên nghỉ vĩnh viễn rồi. Cuối cùng, mọi người đều lìa khỏi cõi đời, một ngày nào đó, Michael cũng như họ, dù thỉnh thoảng ông ảo tưởng mình có thể trường sinh bất lão.
Buổi sáng khi có người gọi điện báo Michael biết Pauline đã gặp tai nạn, ông hầu như không thể chấp nhận sự thật này. Ông vẫn có thể nhớ rõ như in hình ảnh của Pauline: trên bờ môi trái tim có hai đốm nhỏ gợi cảm, hai khóe mắt đều mọc lông mi dạng nhánh kỳ lạ. Phải biết rằng vị trí này của những người bình thường đều không mọc lông mi. Mắt bà có màu lam tím, trông thấy đáng tin, hơn nữa lại tràn đầy hy vọng. Ông biết khoảng thời gian họ bên nhau không vui vẻ, nhưng giờ đây lý do khiến họ không vui ông cũng chẳng còn nhớ. Lúc đó vì chuyện gì mà họ tranh cãi không ngừng nghỉ nhỉ? Ông không nhớ nữa. Ông chỉ nhớ có một lần Pauline nổi trận lôi đình, tối hôm đó, hai người ngồi ngủ trên ghế, chẳng ai nói chuyện với ai, lúc này ông có cảm giác tan nát cõi lòng. Nhưng, rốt cuộc là vì chuyện gì?
Dạo trước Lindy nói với ông: “Bố là băng, còn mẹ là thủy tinh. Đây là hai vật chất rất giống nhau, nhưng lại gây ảnh hưởng xấu rất lớn cho nhau và cho con cái”. Lời này được nói ra trong một lần trò chuyện khá sâu sắc giữa ông và Lindy.
Ông nói với Lindy: “Bố xin con, hãy khoan dung chút đi! Bố mẹ đã cố gắng hết sức rồi, đã làm hết khả năng rồi! Bố mẹ chỉ… là những kẻ nghiệp dư trong hôn nhân; tuy nhiên, bố mẹ chưa từng có ý định bỏ cuộc”.
Tôi nghĩ thế, nhưng tôi không hề biết… Michael cứ thế rẽ sang đường Winding, một cây cọ sau lưng làm ông bỗng chốc giật mình. Cây sồi duy nhất ở góc đường Elmview Acres đã bị chặt bỏ, chỉ để lại một gốc cây trơ trọi ở đó.
Có lẽ đấy là đường Elmview Acres trong mắt Pauline. Bỗng nhiên, Michael nhớ đến tiệc họp mặt đầu tiên họ tổ chức vào đầu những năm 70, đó là tiệc cocktail giữa những người hàng xóm, ông vẫn còn nhớ trong buổi tiệc, Pauline kéo ông sang một bên, thấp giọng nói: “Anh chẳng đoán được tiến sĩ Brook vừa làm gì đâu! Ông ấy tay không bốc một nhúm rau và thịt nhét vào miệng đấy!”.
“Ông ta làm thế sao?”. Michael hỏi, Pauline gật đầu, mặt đỏ như gấc vì cố nhịn để không cười ra tiếng.
“Mâm thức ăn trên bàn tự chọn”, cô nói, “chuyện tệ hại nhất là em thấy ông ta cứ làm thế suốt, lẽ ra em nên ngăn lại. Em thấy ông ta vừa nói chuyện với Derbys, vừa dùng tay bốc thức ăn, nhưng em cứ thế ngoảnh mặt bỏ đi!”.
Cuối cùng Pauline cười lên tiếng, vung tay múa chân như một đứa trẻ.
Một lần khác họ cùng đến New York, lúc đó Pagan vẫn chưa chuyển đến sống với họ. Họ men theo cầu thang xuống ga tàu điện ngầm, sau đó Pauline hỏi Michael một đồng xu. Michael trả lời: “Anh vừa cho em một đồng mà”.
“Em biết, nhưng anh cho em thêm một đồng nữa đi”. Pauline nói.
“Vậy đồng xu lúc nãy đâu?”.
“Ừm, em nuốt mất rồi”.
Pauline trả lời. “Em làm gì?”.
“Em lỡ bỏ đồng xu vào miệng, rồi bất cẩn… nuốt mất tiêu. Em nuốt nó đấy, có gì mà anh kinh hãi như vậy?”.
Michael không nhớ lúc đó mình có cười không, nhưng giờ nghĩ lại, ông bật cười.
Hầu như, ông luôn tin Pauline vẫn còn sống trên đời này, bà sống cuộc sống của mình ở nơi nào đó trên thế giới. Dường như ông có thể thấy Pauline trong khu vườn ở ngã rẽ phía trước, bà đang cho chim ăn, hoặc tiện tay nhặt cành cây nhỏ gãy rơi xuống đất. Bà đứng dưới ánh mặt trời, thật khó tin, mặt trời tựa tiết tháng 8, vàng rực ấm áp và hầu như trong suốt tựa cây liên kiều. Khi ông từng bước khập khiễng đi tới, Pauline sẽ dừng việc đang làm, đứng đó chăm chú lắng nghe. Khi thấy Michael tiến gần đến mình, bà sẽ nhắm mắt và đưa một tay ra: “Phải anh đấy không?”, bà luôn hỏi thế: “Đúng rồi! Đúng thật là anh rồi!” bà reo to, mặt tỏa ánh hào quang hạnh phúc…
Michael lại rảo bước nhanh ở khúc quanh phía trước, tựa như có Pauline ở đâu đó đợi chờ mình.
HẾT