Đảo Chánh và Gian Lận Tuyển Cử Ở Miến Điện

Cố vấn quốc gia, lãnh tụ đảng NLD Aung San Aung San Suu Kyi và Tướng Min Aung Hlaing. Photo: HEIN HTET/Shutterstock

Sáng ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 2 năm 2021, tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, cuộc đảo chính mà tin đồn đã gây xôn xao cho người dân trong nước và nhiều cơ quan ngoại giao ở Myanmar từ nhiều ngày trước đó đã nổ ra. Dùng cả trực thăng, chiến xa, lính và cảnh sát, quân đội cướp quyền lực từ tay chính quyền dân sự đầu tiên của Myanmar.

Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2

Tổng thống Myanmar Win Myint và Cố vấn quốc gia AungAung San Suu Kyi .
Photo: báo Myanmar Times

Vào đầu giờ ngày 1 tháng 2, đài truyền hình của quân đội thông báo quyền lực đã được giao cho tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều lãnh đạo khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt trong một loạt cuộc truy quét. 

Phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ xác nhận nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Aung San Suu Kyi  và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm hôm 1 tháng 2.  Cùng ngày, chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi , ông Win Htein xác nhận một thư tay ghi tên của bà, nhưng không có chữ ký, gửi ra từ nơi giam giữ, lên án cuộc đảo chính. Trong thư, bà Aung San Suu Kyi viết: “Myanmar bị đưa trở lại thời độc tài quân sự”.

Cuộc đảo chánh diễn ra khá êm thấm. Không có tin về chạm súng hay thậm chí xô xát. Người ta chỉ thấy binh lính phong tỏa các con đường ở thủ đô Nay Pyi Taw và thành phố chính Yangon (thủ đô cũ của Miến cho đến năm…). Các đài truyền hình quốc tế và trong nước, gồm cả đài truyền hình quốc gia ngừng phát. Các dịch vụ Internet và điện thoại đã bị gián đoạn. Các ngân hàng bị đã buộc phải đóng cửa.

“Hòa hợp biết bao…”

Buổi sáng ngày đầu tháng 2, cô Khing Hnin Wai, một huấn luyện viên thể dục ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, ra khoảng sân trống ở bùng binh Royal Lotus gần Nghị viện quốc gia. Cô mở máy nhạc lên và đắm mình vào dòng nhạc cùng những động tác của bài tập. Khing Hnin Wai cũng ghi lại những động tác của mình.

Khing Hnin Wai post đoạn video đó lên trang Facebook của cô, với dòng cảm nghĩ: “hòa hợp biết bao nhiêu với nhạc nền và hình ảnh hậu cảnh.”

Dòng status của cô gây chấn động cho những người xem – hơn 600 ngàn lượt trong ngày đầu tiên, và sau đó được ghi lại để chuyển đi chuyển lại trên khắp các mạng xã hội rồi lấn cả vào các trang báo, giờ tin của những cơ quan thông tấn khắp thế giới.

Phía sau người phụ nữ trẻ đó là hình ảnh những chiếc xe bọc sắt sơn màu xanh ngụy trang và những chiếc SUV đen đang lướt qua. Cuộc chính biến đánh dấu kết cuộc của cuộc thử nghiệm dân chủ ngắn ngủi của Myanmar đang diễn ra.

Ngay sau đó, video nào đã được thu lại để tung ra trên các mạng xã hội. Chỉ trong 24 giờ sau khi xuất hiện trên Twitter, cú tweet có chứa video này đã được xem hơn 16 triệu lần. (Có thể xem ở đây: twitter.com/mpeer/status/1356396517221756928)

Một số người còn photoshop hình ảnh cô Khing Hnin Wai đang nhảy múa rồi ghép vào hình ảnh hoặc video của những khoảnh khắc lịch sử mới đây, như cuộc bao vây Điện Capitol của Hoa Kỳ hồi tháng trước. Cô được đặt tên là “Myanmar Coup Girl”.

Dĩ nhiên, những bình luận còn gán cho màn trình diễn nhiều ý nghĩa khác, có người cho là cô vui mừng, ủng hộ quân đội, có người lại cho là cô chế diễu Tatmadaw, hoặc “thương nữ bất tri vong quốc hận”, cô chẳng nghĩ gì về đất nước.

Khing Hnin Wai nhảy aerobics sáng ngày 1 tháng 2 trước đoàn xe quân đội chặn lối vào Nghị viện Myanmar. Photo: Facebook
Điệu nhảy của Khing Hnin Wai được ghép vào video thu bên trong Điện Capitol, Washington D.C. ngày 6 tháng 1, 2020

Khing Hnin Wai đã phải dùng Facebook để biện minh. Cô nói màn trình diễn chỉ để gửi tham dự một cuộc thi aerobics (thể dục nhịp điệu): “Tôi không nhảy để chế giễu hay nhạo báng bất kỳ tổ chức nào hoặc chỉ vì ngớ ngẩn … Vì những đoàn xe chính phủ xuất hiện ở Naypyidaw là chuyện không có gì lạ, tôi cho đó là điều bình thường nên vẫn tiếp tục.”

Sau đó, quân đội thông báo rằng 24 bộ trưởng và phụ tá đã bị hạ bệ. Họ công bố danh sách 11 người thay thế, trong số các chức vụ đã có người thay có các bộ quan trọng: tài chánh, y tế, nội vụ và đối ngoại.

Lệnh thiết quân luật một năm được ban hành, khởi đầu với lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng. 

Chính quyền Miến Điện, nằm trong tay quân phiệt nửa thế kỷ, từ 1962 đến tận 2011, đã lại trở về tay các tướng lãnh quân đội chỉ sau năm năm tạm thời được coi là có chút dân chủ. Với cuộc tuyển cử năm 2015, thế giới đã từng coi Myanmar là một trường hợp hiếm hoi khi các tướng lãnh sẵn sàng trao một số quyền lực cho dân thường, tôn trọng kết quả cuộc bầu cử mở đường cho việc tham gia điều hành quản trị đất nước của những người có uy tín đã phải ngồi tù nhiều năm vì là đối lập với quân đội.

Dân chủ được nuôi lớn thêm bằng kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 8 tháng 11 năm 2020, với NLD thắng lớn.  

Thời điểm cuộc đảo chánh nổ ra là ngày đầu của tuần lễ mà Quốc hội Miến sẽ tái nhóm để chuẩn thuận kết quả cuộc tuyển cử đó.

Cuộc bầu cử… gian lận 

Ngày 8 tháng 11 năm 2020, năm năm sau ngày cuộc bỏ phiếu dân chủ lần thứ hai sau nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ quân phiệt, người dân Myanmar lại đi bầu.  

Bất chấp tình trạng lây nhiễm đang gia tăng của coronavirus, cử tri ở khắp đất nước mang mặt nạ, găng tay và miếng che mặt, lũ lượt kéo nhau đến các phòng phiếu.

Một hãng thông tấn quốc tế dẫn lời một nhân viên thăm dò vào thời điểm đó: “Người ta hào hứng đi bỏ phiếu, vì họ muốn thoát khỏi những cuộc đấu tranh chính trị. Họ muốn có dân chủ thực sự.”

Nhưng rắc rối đã xảy ra.

Chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, tổng tư lệnh quân đội quyền lực của Myanmar Min Aung Hlaing đã đưa ra khả năng quân đội có thể không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Khi cáo buộc chính phủ của bà Aung San Aung San Suu Kyi  về “những sai lầm không thể chấp nhận được”, ông nói với một hãng tin địa phương rằng “chúng tôi đang ở trong tình huống cần phải thận trọng” về kết quả của cuộc tuyển cử.

Đảo chánh ở Myanmar: 

“Donald Trump theo phong cách Miến Điện”

Trang tin Châu Á của đài phát thanh Âu châu RFI dẫn lời ông Phil Robert  đại diện cho Human Right Watch trong khu vực, nhận xét rằng cú đảo chính này, tuy đã gây bất ngờ cho mọi người, nhưng gợi nhắc lại những sự kiện gần đây tại Hoa Kỳ.

“Thành thật mà nói, ban đầu người ta nghĩ là quân đội lòe mọi người. Trên thực tế, vụ việc rất giống những gì xảy ra ở Mỹ lúc còn Donald Trump, nhưng theo phong cách Miến Điện. Những cáo buộc gian lận bầu cử hàng loạt không có bằng chứng nhưng người ta chỉ nghĩ đó chẳng qua là cách để phe quân đội gây áp lực với bà Aung San Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.

Việc họ dám thực hiện cuộc đảo chính dựa trên cái cớ tình trạng khẩn cấp được dàn dựng hoàn toàn, thật sự là một thảm họa cho người dân Miến Điện. Điều đó giống như việc quân đội quẳng vào thùng rác một thắng lợi bầu cử lớn của một đảng ủng hộ dân chủ trong một cuộc bầu cử được hầu hết các nhà quan sát địa phương và quốc tế nhìn nhận như một cuộc bỏ phiếu công bằng và hợp lệ.”

Điều này có nghĩa là Tướng Min Aung Hlaing đã “thấy trước” kết quả.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Aung San Suu Kyi  đã thắng, thắng lớn, chiếm hơn 80% số phiếu bầu và tăng sự ủng hộ từ cuộc bỏ phiếu năm 2015. 

NLD đã giành được 396 trong số 498 ghế trong Quốc hội, trong khi USDP (Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh) mà quân đội Miến hậu thuẫn với hy vọng đảng này sẽ thắng để đưa ông Hlaing trở thành tổng thống một cách dân chủ, chỉ kiếm được có 33 ghế. (Theo hiến pháp được soạn thảo vào năm 2008 – quân đội đã chỉ định 166 hoặc 25% số ghế trong quốc hội và USDP sẽ cần phải nắm được thêm 167 ghế nữa  để đặt tướng Min Aung Hlaing lên ghế tổng thống).

Một thông tin bá láp trên mạng xã hội: “Quân đội giành quyền … Gian lận cử tri…
Họ đã sử dụng Máy bỏ phiếu của Dominion… Lại chuyện đã thấy rồi.”

Thế là, như tướng Hlaing đã thấy trước, và cảnh cáo trước, (và có thể đã chuẩn bị trước) lập tức các cáo buộc bầu cử gian lận đã ầm lên. Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (USDP) tố cáo gian lận phiếu và đòi tổ chức lại cuộc tuyển cử. Quân đội Miến đã nhanh chóng ủng hộ các khẳng định của USDP. Quân đội Miến tuyên bố rằng cuộc điều tra của…chính họ đã tìm thấy 10,5 triệu phiếu tình nghi gian lận. 

Thí dụ như danh sách cử tri ở các quận có những cái tên trùng lặp trong danh sách bỏ phiếu ở các quận và các khiếu nại của họ đã không được ủy ban bầu cử cân nhắc và giải quyết thỏa đáng.

Gian lận bầu cử: Tweet tố cáo Myanmar dùng hệ thống máy bỏ phiếu của công ty Dominion với những hình ảnh bà Aung San Suu Kyi chụp chung với Barack Obama và Hillary Clinton. Photo: Twitter

Ngay tuần trước, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, phát ngôn nhân của Tatmadaw (tên chính thức trong tiếng Miến của lực lượng vũ trang Myanma), đã tổ chức họp báo để nêu ra những cáo buộc gian lận, nhưng đã đưa ra một loạt các câu trả lời không rõ ràng khi được hỏi về ý định của quân đội.

Ông cho biết quân đội sẽ “hành động”, và sử dụng tất cả các lựa chọn có sẵn bao gồm cả Tòa án Tối cao. Khi được hỏi liệu Tatmadaw có hợp tác với chính phủ và cơ quan lập pháp mới hay không, ông nói với các phóng viên “hãy chờ và theo dõi”. Với câu hỏi liệu ông có loại trừ khả năng đảo chính hay không, Zaw Min Tun nói “không thể nói thế”. Rồi vào cuối tuần đó, Tatmadaw đã tuyên bố họ sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp và …hành động theo luật pháp.

Hiến pháp nói rằng tổng tư lệnh chỉ có thể nắm quyền trong những trường hợp cực đoan có thể gây ra “sự tan rã của liên minh, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất quyền lực chủ quyền”, nhưng chỉ trong tình trạng khẩn cấp, chỉ có thể được tổng thống dân sự.

Các nhân viên bầu cử bắt đầu kiểm phiếu bên trong một điểm bỏ phiếu ở Yangon, Myanmar, ngày 8 tháng 11 năm 2020. Không có máy móc gì cả.
Photo: REUTERS/Shwe Paw Mya Tin

Gian lận trong bầu cử không phải là chuyện hiếm có. Phản đối bầu cử gian lận cũng thường xuyên xảy ra. Nhưng phần lớn, sự phản đối chỉ đến từ các phe yếu thế chứ không đến từ một phe đang ở thế thượng phong hoặc đang cầm quyền. 

Bạn đọc có thấy điểm gì quen quen ở đây không? Nếu chưa nhận ra, thì đây. Nó giống như những gì đã diễn ra ở Hoa Kỳ trong cuộc tuyển cử tổng thống, cũng diễn ra trong tháng 11 năm 2020.

Nạn “gian lận phiếu” đã lây từ Mỹ sang Miến Điện

Ngay trước ngày bầu cử, ông Donald Trump, nay đã là cựu tổng thống, cũng đã tuyên bố rằng ông chỉ có thể thua nếu cuộc bầu cử có sự giàn xếp.

Và sau cuộc bầu cử, ông đã nhất định không công  nhận kết quả, mặc dù ông thua đến hơn 7 triệu phiếu phổ thông.

Rất may cho ông Joe Biden, ông Trump, mặc dù là tổng tư lệnh quân đội, đã không dám điều động quân đội cướp chính quyền, dù đã có nhiều quân sư hiến kế đó. Ông chỉ dám mồi cho những kẻ ủng hộ ông tiến về Quốc hội để giành lại công lý cho ông. Và, cũng rất may, nước Mỹ không có truyền thống quân phiệt, nên dù ông có ban lệnh đó, quân đội sẽ không tuân hành, vì họ đã cam kết trung thành với Hiến pháp.

(Cần phải nói thêm là ngoài USDP, còn có những đảng chính trị đại diện cho hàng trăm ngàn người dân tộc thiểu số đã bị tước quyền ngay trước cuộc bỏ phiếu vì những khu vực họ sinh sống được cho là quá hỗn loạn để các cuộc bầu cử diễn ra. Các thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya của đất nước, những người từng là nạn nhân của cái mà các công tố viên quốc tế gọi là chiến dịch diệt chủng của quân đội, cũng không thể bỏ phiếu.)

Mặc dù chuyện xảy ra ở tận bên Miến điện, những người ủng hộ ông Donald Trump đã không ngừng lan truyền thuyết âm mưu rằng các công ty công nghệ bầu cử đã gian lận phiếu của ông cựu Tổng thống Mỹ nay lại tiến hành trò tương tự ở Myanmar.

Các post trên Twitter, Facebook, Instagram cùng nhiều diễn đàn khẳng định một cách vô tội vạ: “Quân đội Miến Điện đã bắt giữ các nhà lãnh đạo của quốc gia họ vì gian lận bầu cử. Và họ đã sử dụng Máy bỏ phiếu của Dominion. Thấy chưa?”; “Myanmar đã sử dụng Hệ thống bỏ phiếu Dominion”; hoặc “Quân đội giành quyền … Gian lận cử tri… Họ đã sử dụng Máy bỏ phiếu của Dominion… Deja vu.”

Và họ dẫn chứng bằng những hình ảnh trong đó bà Ang Ung Aung San Suu Kyi có những biểu hiện thân mật với Barack Obama vả Hillary Clinton!

Các hãng thông tấn lớn như AP, Reuteurs, các trang mạng chuyên kiểm tra sự thật như Snopes, đều đã “debunk” (lật tẩy) và “fact check” (xác minh sự thật) những tin vớ vẩn này.

Ở Myanmar không hề có chuyện bỏ phiếu bằng máy, và tất cả phiếu của cử tri Miến đều được đếm bằng tay. 

Ủy ban bầu cử của Myanmar hồi cuối tháng 1 đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu và cho biết không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu (tại Myanmar).

“Trong cuộc bầu cử này, những nhược điểm và sai sót trong danh sách cử tri không thể gây ra gian lận bầu cử,” ủy ban này cho biết, và thêm rằng việc bỏ phiếu được tiến hành minh bạch trước các quan sát viên bầu cử. Họ xác nhận đã điều tra 287 đơn khiếu nại và đã thấy có các lỗi như trùng tên nhiều lần trong một số danh sách, nhưng cử tri không thể bỏ nhiều lần vì ngón tay của người đã bỏ phiếu đã bị đánh dấu bằng mực không thể tẩy xóa.

Nếu có những phần tử bị “cướp” mất phiếu và quyền bỏ phiếu thì đó là những người thiểu số Rohingya, những người bị cả phe Tadmadaw lẫn bà Ang Ung Aung San Suu Kyi  bách hại.

Báo cáo về cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar năm 2020 do Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (International IDEA), một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Stockholm, cũng xác nhận chẳng có máy móc nào được sử dụng trong cuộc tuyển cử ở quốc gia Đông Nam Á này. 

Phát ngôn viên Dominion và Smartmatic, hai công ty kỹ thuật và dịch vụ về bầu cử và phiếu đều đã bác bỏ những tin vịt đó. 

Hàng chục ngàn người Miến xuống đường lên án cuộc đảo chánh đòi hỏi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi các lãnh đạo NLD
và công nhận kết quả cuộc tuyển cử tháng 11 năm 2020.

Cả hai công ty đều quả quyết họ không tham gia vào cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2020 ở Myanmar. Samira Saba, phát ngôn viên của Smartmatic, nói với hãng AFP qua email: “Smartmatic không tham gia vào các cuộc bầu cử năm 2020 của Myanmar. Trên thực tế, Smartmatic chưa bao giờ cung cấp bất kỳ công nghệ hoặc dịch vụ bầu cử nào cho các cơ quan hữu trách ở quốc gia đó. Mọi tuyên bố ngược lại chỉ đơn giản là sai.” Dominion Voting Systems xác nhận họ không hoạt động ở Myanmar. Một phát ngôn viên của Dominion nói với mạng PolitiFact: “Đây là một tuyên bố hoàn toàn sai sự thật. Các hệ thống Dominion chưa bao giờ được sử dụng ở Myanmar vào bất kỳ thời điểm nào”.

Chuyện gian lận phiếu có vẻ như từ nay sẽ xuất hiện trong tất cả các cuộc tuyển cử trên trái đất này, trừ ở Trung quốc, Bắc Hàn và Việt Nam.  

Không thể có, vì trong tất cả các cuộc bầu cử ở những nước đó, tất cả các ứng cử viên đều do một đảng giới thiệu. Thêm vào đó, VN là quốc gia thường trú của đa số chuyên gia tung các tin vịt liên quan đến cuộc bầu cử mà trong đó ông Trump thua cuộc lên Youtube, Facebook.

 

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email