Đặc vụ Do Thái bắn chết phó tướng al-Qaeda trên đường phố Iran

Abu Muhammad al-Masri (trái) được cho là thực hiện vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi (Kenya) năm 1998 Ảnh: PremierLeague-News

Nhân vật chỉ huy đứng hàng thứ hai của al-Qaeda, Abu Muhammad al-Masri bị các đặc vụ Do Thái bắn chết tại Iran hồi tháng 8 năm nay ngay trên đường phố Iran. Nhưng Bộ Ngoại giao Iran nói rằng không có phần tử al-Qaeda nào hiện diện ở Iran.

Báo The New York Times ngày 13/11 cho biết Abu Muhammad al-Masri, chỉ huy cao cấp thứ hai của al-Qaeda, khoảng 58 tuổi, bị hai người đàn ông đi xe mô-tô ám sát trên đường phố Tehran khi đang lái chiếc Renault L90 màu trắng chở con gái hôm 7/8/2020. Vụ ám sát “được thực hiện theo lệnh của Mỹ và giữ bí mật cho đến nay”.

Al-Masri được coi là người kế vị tiềm tàng của thủ lĩnh tối cao al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri. Hiện vẫn chưa rõ vai trò của Mỹ trong vụ ám sát al-Masri. Chính quyền Washington đã theo dõi tên này và các thành viên al-Qaeda khác tại Iran trong nhiều năm.

The New York Times cho biết al-Qaeda chưa công bố cái chết của “phó tướng”, trong khi không có chính phủ nào công khai nhận trách nhiệm vụ ám sát.

Al-Masri là một trong những thủ lĩnh sáng lập al-Qaeda. Hắn bị giết cùng với con gái của mình, Miriam – vợ của con trai Osama bin Laden, Hamza bin Laden..

Các giới chức tình báo Mỹ nói với The New York Times rằng al-Masri bị Iran “giam giữ” từ năm 2003 nhưng sống tự do ở một vùng ngoại ô cao cấp của thủ đô Tehran kể từ năm 2015. Các giới chức chống khủng bố Mỹ tin rằng Iran có thể đã “cho phép al-Masri sống ở đó để thực hiện các hoạt động chống lại Mỹ”.

Năm 1998, Tòa Đại sứ Mỹ tại Nairobi (Kenya) bị đánh bom. Một trong hai vụ tấn công được cho là do al-Masri thực hiện. Các vụ đánh bom vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania khiến 224 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. FBI treo thưởng 10 triệu Mỹ kim cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được al-Masri.

Al-Masri sinh tại quận Al Gharbiya, miền Bắc Ai Cập vào năm 1963. Thời trẻ, hắn là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở giải đấu hàng đầu của Ai Cập. Năm 1979, hắn tham gia phong trào thánh chiến rồi gia nhập nhóm của Osama bin Laden, thành lập nên al-Qaeda.

Không rõ cái chết của al-Masri có ảnh hưởng gì đến hoạt động của al-Qaeda hay không. Ngay cả khi tổ chức này mất nhiều thủ lĩnh cao cấp trong gần 2 thập kỷ kể từ năm 2001, chúng vẫn duy trì các chi nhánh hoạt động từ Trung Đông, Afghanistan đến Tây Phi.

Sputnik trích thông cáo Bộ Ngoại giao Iran cho biết: “Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cực lực bác bỏ sự hiện diện của bất kỳ thành viên nào của al-Qaeda ở nước này, và đề nghị giới truyền thông Mỹ không nên tin theo ‘những kịch bản Hollywood’ được đưa ra bởi Washington và Tel Aviv”. 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email