Một hội nghị bất thường của Ban chấp hànhTrung ương đảng cộng sản Việt Nam đã được triệu tập vào chiều ngày 6/6.
Biện pháp triệu tập hội nghị trung ương bất thường được thực hiện một khi Bộ Chính trị của đảng cộng sản VN thấy cần thiết hay khi có trên một nửa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra đề nghị.
Trước kỳ họp Quốc hội thứ ba, khóa XV đang diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị lần thứ năm từ ngày 4-10/5.
Dân tình thắc mắc lý do tại sao có cái hội nghị bất thường này và câu trả lời có ngay lập tức.
Trong hội nghị bất thường này, hai ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đã bị khai trừ Đảng. Lý do được đưa ra là hai ông này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ VN, Bộ Y tế VN.
Tiếp đó, vào tối ngày 7/6, ba ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị bắt giam sau khi nhận kỷ luật của đảng cộng sản Việt Nam, và bị bãi nhiệm, bãi chức, do cả ba có vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Việt Á và Bộ Y tế.
Ba quan chức cộm cán bị bắt giam là ai?
Chu Ngọc Anh
Sinh ngày 17 tháng 6 năm 1965 tại Hà Tây, ông này là nghiên cứu sinh rồi giảng viên tại Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, tiến sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn năm 1993 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chu Ngọc Anh từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ tịch TP Hà Nội sau khi ông Nguyễn Đức Chung bị bắt.
Bộ xét nghiệm Covid-19 do công ty Việt Á cung cấp rộng khắp cho các bệnh viện, cơ sở xét nghiệm y tế trên cả nước đã bán ra với giá quá cao, nhưng phẩm chất lại không đạt tiêu chuẩn quốc tế và không được Tổ chức Y tế Thế giới chấp nhận cho sử dụng. Hồi tháng 5/2020, truyền thông VN đưa tin ca ngợi, cho biết “lần đầu tiên, Việt Nam vừa chính thức công bố bộ sinh phẩm (bộ kit) real-time RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV).” Nguồn tin này cho hay Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh đã “ký duyệt đề án” cho việc sản xuất kit xét nghiệm của Việt Á với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Chu Ngọc Anh bị cơ quan điều tra của công an VN xác định trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Trước khi bị bắt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã khai trừ Đảng ông Chu Ngọc Anh.
Nguyễn Thanh Long
GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long (sinh ngày 3 tháng 9 năm 1966 tại tỉnh Nam Định) là một chính trị gia, giáo sư, tiến sĩ y khoa, nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ông Long cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Thanh Long bị bãi nhiệm chức đại biểu Quốc hội và bị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng bị cơ quan cảnh sát điều tra của VN xác định có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Nguyễn Công Tạc
Ông Phạm Công Tạc sinh năm 1962, quê Nam Định, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Phạm Công Tạc thì bị cơ quan điều tra công an VN cho rằng đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)”, diễn ra ngày 5/3/2020, có thể thấy được sự phối hợp giữa các «diễn viên» trong vở kịch này nhịp nhàng như thế nào.
GS.TS. Đỗ Quyết, nguyên Giám đốc Học viện Quân y “múa” rằng: “…khi có kết quả nghiên cứu các nhà khoa học đã gửi đến tạp chí virus học quốc tế Vigology. Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác”.
“Kịch sĩ” Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á “láo thiên láo địa” rất thu hút: “Hiện Công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng bộ kit này. Năng lực sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều thế giới”.
Nhưng cho đến nay, đi tìm cái nơi sản xuất 10.000 bộ kit/ngày của Công ty Việt Á chưa ra, không biết nó có tồn tại hay không?
Ngoài các “kịch sĩ” xuất sắc đó, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nổi lên bằng pha diễn đầy chia sẻ, ví dụ: “Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc phải sớm có bộ kit phát hiện nCoV để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19, các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi, cả ngày nghỉ lẫn ban đêm”.
Còn nữa: “Bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại Labo chuẩn thức của Công ty CP Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất”.
Thứ trưởng của Bộ Khoa học Công nghệ tuyên bố tại cuộc họp báo về sản phẩm của Việt Á như vậy, còn ai nghi ngờ gì nữa?
Một số diễn viên đã bị lộ mặt, nhưng ai là “đạo diễn” của vở kịch kit test Việt Á?
“Đạo diễn”
Nguyễn Trường Sơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa nộp đơn xin thôi việc hôm 7/6.
Ông Sơn sinh năm 1964, giữ vị trí thứ trưởng Bộ Y tế VN từ năm 2018 sau khi rời vị trí giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài vị trí thứ trưởng, hiện ông Sơn đang kiêm nhiệm phó trưởng ban của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương
Trong 2 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, ông Sơn đã nhiều lần ở vị trí “tiền tiêu”, khi liên tiếp đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại các điểm nóng: Đà Nẵng, Bắc Giang, TPHCM, với vai trò được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên cũng trong năm vừa qua, ông Sơn cũng bị kỷ luật 2 lần: 1 khiển trách và 1 cảnh cáo vì đã ký giấy chứng nhận lưu hành tự do cho bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Số phận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn như thế nào thì còn phải chờ xem.
“Trùm cuối” có ai dám đụng tới?
Hơn 43.000 ngàn người Việt đã chết trong đại dịch, kinh tế – xã hội VN suy sụp chưa biết đến khi nào mới có thể gượng dậy.
Nếu Thủ tướng chính phủ VN Nguyễn Minh Chính không chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không liên tục đôn đốc, thậm chí dùng nhiều biện pháp khác nhau để thúc ép toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tiến hành… “thần tốc xét nghiệm diện rộng” thì các địa phương có thi nhau… “chỉ định thầu” mua các bộ COVID-19 test kit của Việt Á? Không đụng tới ông Chính thì làm sao biết chuyện ông bất chấp cảnh báo của các chuyên gia và một số viên chức hữu trách về sự lãng phí tiền bạc, nhân lực, khiến dịch bệnh phát tán rộng hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn là do tác động từ ai đó liên quan đến sự nghiệp của Công ty Việt Á hay chỉ vì đã thiếu hiểu biết còn chủ quan nên gây hậu quả nghiêm trọng?
“Ông trùm” ma túy mua chuộc nữ trưởng khoa Bệnh viện Tâm thần
Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cùng 9 bị can khác trong vụ buôn bán ma túy và “bay lắc” ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) đã bị truy tố.
Đáng chú ý, trong số 10 người bị truy tố trong vụ án này còn có 4 người là cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện như: Nguyễn Anh Vũ (kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền); Nguyễn Thị Minh Huệ (điều dưỡng viên cùng Khoa), Bùi Thị Hạt (hộ lý cùng Khoa, từ ngày 1-2-2021 chuyển sang khoa tâm căn) và Đỗ Thị Lưu (Trưởng khoa).
Nguyễn Xuân Quý là người đang bị bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Khoảng cuối năm 2020, tại Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Quý tự sửa sang buồng bệnh thêm một phòng riêng, có hệ thống loa, amply, đèn chớp dành cho việc dùng ma túy. Đáng chú ý, trong
Số những người nhiều lần dùng ma túy còn có Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thị Minh Huệ, Bùi Thị Hạt. Ngoài ra, Quý còn tổ chức đường dây gồm nhiều người khác mua bán chất ma túy ngay trong khuôn viên bệnh viện.
Để các bị can lộng hành, tổ chức «bay lắc» ngay trong bệnh viện, chính bác sĩ Lưu là trưởng khoa, chịu mọi trách nhiệm về chuyên môn chữa bệnh, quản lý hành chính và nhân sự của khoa. Ngoài việc chữa cho bệnh nhân, khoa của bác sĩ Lưu còn điều trị cho 10 người đang chịu biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó có Quý.
Nguyễn Xuân Quý khai khi sửa sang xong buồng bệnh thì bác sĩ Lưu có biết và nhắc nhở, yêu cầu tháo gỡ nhưng Quý không đồng ý. Hàng tháng Quý nộp cho bác sĩ Lưu từ 6-10 triệu đồng để người lạ và bạn bè của Quý được vào Bệnh viện trái quy định mà không bị nhắc. Ngoài ra, Quý khai rằng từng bị trưởng khoa Lưu đe dọa sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt để đi chấp hành án, không được điều trị tại khoa.
Sau khi nhận tiền của Quý, bác sĩ Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ. Tổ trưởng công đoàn có viết chi tiết các khoản thu nhưng sau đó bà Lưu yêu cầu tiêu hủy hết sổ sách nên không thể nhớ từng khoản.
Bà Lưu khai Quý 4 lần chúc mừng khoa với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng. Về việc Quý tự sửa sang buồng bệnh, bà Lưu có nghe cán bộ khoa phản ánh và lên nhắc nhở nhưng Quý không thực hiện. Bà cũng phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý.
Ngoài việc bao che cho Quý, bà Lưu còn lợi dụng chức vụ trưởng khoa của mình để thu tiền trái phép của bệnh nhân và người nhà họ. Bà Lưu còn thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên trong khoa trung bình 600.000 đồng mỗi tháng. Nhận tiền, bà Lưu đã chia tiền cho 38 cán bộ trong khoảng 24 tháng với tổng số 384 triệu đồng.
Đường dây tráo sổ đỏ giả lĩnh án tù
Giúp sức cho công an đánh tráo sổ đỏ giả để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức, 11 bị cáo bị Tòa án Hà Nội tuyên mức án từ 1 năm đến gần 20 năm tù giam.
Một số người tuổi cao, một số trả lại số tiền hưởng bất chính nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt. 11 bị cáo do đó nhận mức án từ 1 đến 19 năm 6 tháng tù.
Vụ án đánh tráo 11 sổ đỏ và lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng này do Lãm, 36 tuổi, cán bộ Công an trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, làm chủ mưu. Tổng thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.
Lãm cùng các đồng phạm đã lừa đảo với hai thủ đoạn chính.
Thứ nhất, Lãm lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua. Anh ta yêu cầu bên bán gửi ảnh Giấy chứng nhận chủ quyền đất (sổ đỏ) để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin để làm sổ đỏ giả. Khi gặp chủ đất, Lãm nhân lúc họ không để ý đã tráo sổ đỏ thật bằng sổ giả chuẩn bị sẵn.
Khi có sổ thật, Lãm phân công các đồng phạm làm giả căn cước, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng bán cho người khác.
Thủ đoạn thứ hai, Lãm tự giới thiệu có thể vay tiền lãi suất thấp ở ngân hàng bằng cách thế chấp sổ đỏ. Sau khi người vay tiền đưa sổ đỏ, nhóm Lãm sẽ làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất rồi mạo danh để bán hoặc thế chấp, vay ngân hàng.
Trong các nạn nhân của đường dây tội phạm này có vợ chồng anh Lý Văn V. (42 tuổi, Hà Nội) bị mất 3,2 tỷ đồng khi mua nhà đất của ông Lê Đức L. (63 tuổi).
Khoảng đầu tháng 7/2019, ông L. nhờ người rao bán thửa đất tại khu Hồ Cầu Đuống (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trên mạng Internet. Nhóm Lãm dò hỏi, lấy được tin tức liên quan đến thửa đất này rồi làm giả “sổ đỏ” mang tên ông L.
Tiếp đến, nhóm này hẹn chủ đất đến một quán cà phê để nói chuyện. Tại buổi gặp mặt, người đại diện của ông L. đưa cho nhóm Lãm xem sổ đỏ, lợi dụng sơ hở, kẻ gian đã đánh tráo lấy sổ đỏ thật.
Thời gian sau, nhóm Lãm thuê Đinh Đức Hiệp giả danh là ông L. để làm các giấy tờ tùy thân gồm CMND, sổ hộ khẩu giả.
Do muốn mua đất nên vợ chồng anh V. (ở Hà Nội) đã liên hệ với nhóm Lãm. Hai bên thỏa thuận, giá bán mảnh đất là 3,2 tỷ đồng. Theo hướng dẫn của Lãm, Hiệp giả danh ông L. đến nhà anh V. ký hợp đồng bán nhà đất. Vợ chồng anh V. đã trả đủ số tiền trên cho nhóm Lãm.
Khi vợ chồng anh V. mang sổ đỏ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội làm thủ tục sang tên thì mới biết. Nhà ông L. đã đề nghị tạm thời ngừng giao dịch thửa đất trên.
Với thủ đoạn trên, từ năm 2018 đến tháng 1/2020, Lãm cùng đồng phạm thực hiện 11 vụ lừa đảo, chiếm hơn 22 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức và ngân hàng. Sau mỗi vụ trót lọt từ 150 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng, Lãm chia cho mỗi đồng phạm từ 1,5 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
San Hà (tổng hợp)