Người già là nhóm dân số vẫn thường bị xã hội bỏ quên. Muốn biết nhận định này đúng hay không thì ta chỉ cần mở tivi lên thì thấy ngay: hầu như tất cả các chương trình truyền hình và quảng cáo chỉ nhắm tới nhóm người trẻ. Điều này cũng dễ hiểu, là vì người trẻ còn đi làm kiếm được tiền và đương nhiên là có tiền trong tay thì họ cũng chịu tiêu xài nên họ được xã hội o bế. Nhưng người già thì khác. Tiền chi tiêu của họ là từ tiền hưu và tiền để dành, thế nên họ phải tính toán và tiêu xài chừng mực, phòng hờ nếu trời cho sống thọ hơn bình thường thì vẫn còn lại chút ít để lo cho thân chứ phung phí hết sớm trước thời hạn thì phiền phức vô cùng.
Tuy nhiên, kể từ khi con vi khuẩn corona xuất hiện thì nhóm người già lại được nhắc nhở tới nhiều, đặc biệt là qua các bản tin về sức khoẻ. Nhưng việc được nhắc tới đó lại là điều không nên chút nào.
Vào thời điểm bắt đầu của đại dịch Covid-19, những người ở tuổi 65 hoặc hơn bỗng dưng bị liệt vào nhóm những người kém may mắn. Các bác sĩ về sức khoẻ công cộng đã lên tiếng cảnh báo bất cứ ai thuộc nhóm tuổi này sẽ phải đối diện với nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn so với nhóm người trẻ tuổi hơn và có thể bị các biến chứng nghiêm trọng hay tử vong nếu chẳng may bị nhiễm vi khuẩn corona. Tưởng như vậy vẫn chưa đủ xui xẻo, họ còn bị một số người trẻ trách móc và đổ lỗi chính những người già làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của họ.
Là người già trong thời đại dịch, họ đã phải đối diện cùng lúc hai điều bất lợi: nỗi sợ hãi và bị coi thường. Nhiều người con vì thương và lo lắng cho cha mẹ còn căn dặn thêm là nên ở luôn trong nhà và cắt đứt mọi sinh hoạt với thế giới bên ngoài.
Hầu như tất cả mọi người già đã làm đúng những lời dặn dò trên. Hơn thế, kể cả khi biện pháp đóng cửa đã được gỡ bỏ thì họ vẫn tiếp tục sống cẩn trọng. Đời sống của họ bây giờ thu hẹp lại trong khu xóm nhỏ với một vài người hàng xóm thân cận. Lâu lâu gặp được một người ở bên ngoài thì vui lắm, mặc dù vẫn phải đeo mặt nạ và giữ khoảng cách an toàn. Nhiều người vẫn còn cần đến dịch vụ giao thực phẩm, tránh đến những chỗ đông người, không ăn tiệm, không sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.
Tuy nhiên, sau hơn bảy tháng sống cách ly, một số người già nhận ra rằng thực ra họ cũng có những lợi thế của tuổi già khi phải sống trong thời đại dịch chứ không phải không có. Một trong những lợi thế đó là nay họ đã nghỉ hưu và không còn phải lo lắng nếu như bị mất việc, hoặc không phải lo tự bảo vệ mình để tránh lây nhiễm nếu là người làm việc tại những xưởng máy đông người hay tại một tiệm thực phẩm nơi khách ra vô thường xuyên. Mà họ cũng không bị mệt mỏi và căng thẳng như nhiều cha mẹ trẻ khác trong khi vừa phải làm việc tại nhà vừa phải lo chăm sóc con cái trong khi trường học đóng cửa. Và cũng không như nhiều sinh viên đại học, họ không phải phân vân trong việc quyết định là có nên lấy các lớp học trực tuyến hay nghỉ học hết năm để chờ cho qua cơn đại dịch.
Con cái đã trưởng thành và ra ở riêng, những cặp vợ chồng già nay chỉ còn phải lo cho thân họ,và nhất là những ai biết lo dành dụm khi còn sức đi làm, thì nay họ sống thoải mái mà không phải lo đến vấn đề tài chánh, trong khi hàng triệu người bị mất việc kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành và nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nếu đó không phải là điều may mắn thì là gì?
Tuy nhiên, không chỉ vì may mắn mà trong cuộc sống thời đại dịch những người già ít gặp căng thẳng so với những lớp thế hệ trẻ hơn mà chính là nhờ ở kinh nghiệm. Họ đã từng sống qua những thời kỳ khó khăn trước đây: những lần đau ốm phải vào bệnh viện, cha mẹ và bạn bè thân quen qua đời, mất việc làm, và thiếu hụt về tài chánh. Họ nhớ lại những thời kỳ khó khăn đã trải qua trước đây và tự nhủ lòng là cũng sẽ vượt qua được trận đại dịch lần này. Những kinh nghiệm cuộc sống đó giúp họ an tâm hơn trước mối đe doạ sức khoẻ có một không hai này.
Theo nhận định của Laura Carstensen, giáo sư môn tâm lý tại Đại học Stanford, những ai có nhiều kinh nghiệm đối phó với cuộc sống hơn thì khi về già họ biết kiểm soát những cảm xúc của họ tốt hơn so với người khác, và điều này đã được phản ánh trong mấy tháng qua khi mà tình trạng căng thẳng trong cuộc sống kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch. Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy khi người ta bước vào tuổi già và khi quãng đường đời còn lại ngày càng thu hẹp lại thì người ta mới thấy những khoảng thời gian tốt đẹp trong cuộc sống trước đó thật đáng quý và nhờ vậy người ta mới có cái nhìn nhẹ nhàng hơn, bớt tiêu cực hơn những khi cuộc sống không được như ý.
Trong một cuộc nghiên cứu với 945 đàn ông và đàn bà tuổi từ 18 đến 76 được thực hiện hồi Tháng 4 vừa qua, vào thời điểm khi trận đại dịch gia tăng mạnh tại Hoa Kỳ, tiến sĩ Carstensen và các nhà nghiên cứu khác thấy rằng mặc dù phải đối diện với rủi ro cao đối với sức khoẻ, cũng như những bất trắc về dịch bệnh và sinh hoạt xã hội bị hạn chế, nhóm người già lại ít rơi vào tình trạng lo lắng, tức giận, căng thẳng, chán nản và những cảm xúc tiêu cực khác so với những nhóm người trẻ hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người già không gặp khó khăn. Trên thực tế, họ cũng trải qua những cảm xúc lẫn lộn, vui đó rồi buồn đó, nhiều hơn so với những người trẻ, nhưng nhờ họ chịu chấp nhận hơn và vì thế đã giúp họ đủ sức để chống cự trận đại dịch.
Đương nhiên là mỗi khi nghe hay nhìn thấy có ai đó phải vào nằm bệnh viện và mang máy dưỡng khí vì nhiễm Covid-19 cũng đã làm họ mất bình tĩnh. Một số người già cho biết mỗi khi có tiếng còi hú của xe cứu thương làm họ thức dậy giữa đêm khiến họ buồn vô hạn, và cảm thấy thật cô đơn khi không thể gặp người thân trong gia đình cũng như bạn bè.
Nhưng thay vì cứ tập trung vào những gì mà họ không thể làm thì người già chuyển sự tập trung vào những gì họ có thể làm để tận hưởng những gì còn xót lại trong cuộc sống: Đi bộ ngoài công viên, vừa để tập thể dục lại vừa giúp cho tinh thần được thư giãn; tự lái xe ra vùng ngoại ô, nhất là vào mùa thu, khi lá thay màu, để cảm nhận nét đẹp của thiên nhiên và thấy rằng cuộc sống vẫn còn đáng yêu chứ chưa đến nỗi nào.
Có người trở nên siêng năng nấu ăn hơn trước, thường xuyên thử nấu những món mới học được trên internet. Học hỏi và tập sử dụng những kỹ thuật mới như Zoom và một số ứng dụng khác để giữ sự liên lạc với người thân và bạn bè. Có người còn đi xa hơn trong việc sử dụng những kỹ thuật mới này để giúp dạy kèm qua trực tuyến cho một số em học sinh.
Trước đại dịch, có những cặp vợ chồng già thường bận rộn với những công việc từ thiện và các hoạt động xã hội khác nên ít gặp gỡ nhau mỗi ngày. Nhưng nay họ phải ở trong nhà nhiều hơn, gặp mặt nhau thường xuyên hơn và dành thì giờ cho nhau nhiều hơn. Gặp mặt nhau nhiều trong căn nhà nho nhỏ thì đương nhiên cũng có những xích mích, nhưng nếu cả hai biết thoả thuận thì vẫn có thể dành cho người kia một không gian riêng.
Tuy nhiên, vì ít bị ngoại cảnh chi phối cuộc sống, họ có thêm thì giờ để nói chuyện với nhau hơn và bàn bạc nhiều hơn về những dự tính tương lai, dành những khoảng thời gian bên nhau để cùng làm những việc họ thích. Hai vợ chồng già trở nên gần gũi, kiên nhẫn với nhau hơn khi có nhiều cơ hội để quan sát những thói quen hàng ngày và tâm trạng của nhau.
Một số người già còn xem đại dịch như một cơ hội cho họ được sống chậm lại, biết trân trọng những gì họ đang có và thắt chặt thêm hơn mối dây tình cảm với những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ.
Thêm một lý do khác nữa mà người già thường tỏ ra sống khá kiên cường trong suốt thời đại dịch là vì người già thường tập trung sự chú ý và trí nhớ của họ vào những điều tích cực. Giữa một nụ cười và một nét cau mày, họ nhớ tới nụ cười nhiều hơn; giữa một chuyện vui và một chuyện buồn, họ ghi khắc trong lòng câu chuyện vui nhiều hơn.
Khi người ta nhận ra rằng họ sẽ không thể sống vĩnh hằng được, họ hài lòng hơn với những gì tốt đẹp trong cuộc sống ở hiện tại. Đó cũng chính là thái độ của người già.
Thay vì coi tuổi già như một món nợ thì tại sao không xem nó như một tài sản đáng trân quý và là món quà không gì tốt đẹp hơn, nhất là trong thời gian đại dịch như hiện nay.Người trẻ nên học hỏi người già về điểm này: trên đời không có điều gì là dư thừa hay vô ích cả nếu ta biết tận dụng nó.
Huy Lâm