Phát giác vụ cướp taxi ngay trước mặt, đại úy công an xã Cự Khê đã không bắt giữ mà chỉ đứng nhìn, gọi điện cho công an xã tới giải quyết.
Đại úy công an đứng mặc người dân vật lộn với cướp
Khoảng 16 giờ 20 phút chiều 16-5, người dân trên đường Cienco5, khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đoạn gần cây xăng cũ thuộc quận Hà Đông, bất ngờ nghe tiếng tri hô “cướp, cướp” của một tài xế taxi. Tên cướp sau đó được xác định Đặng Phạm Sáu đang bị truy nã đặc biệt về tội Giết người trong một vụ án khác. Bị đâm bất ngờ vào chỗ hiểm, nhưng tài xế vẫn chống trả. giằng co với Sáu, Lúc này, một đại úy công an đứng gần đó nhưng không trợ giúp, người dân hỏi thì đại úy này trả lời: “còn điện thoại”.
Kể lại vụ này, ông C. (45 tuổi) cho biết, khoảng 15 giờ 30, chiếc taxi hãng G7 dừng đột ngột ở khu A3. Lúc này, tài xế xô xát với một người ngồi bên ghế phụ, rồi cả hai cùng mở cửa ra ngoài.
Báo chí đưa tin tài xế taxi cùng người dân và công an bắt gọn tên cướp. Nhưng khi xem kỹ lại clip dài 1 phút 30 giây tài xế taxi giằng co vật lộn với tên cướp trên đường, mới thấy không phải như vậy. Giữa thanh thiên bạch nhật, một tên cướp đâm lái xe taxi, tài xế áo nhuốm máu vì bị đâm, cố gắng chống chọi đè được tên cướp, nhưng không ai đến giúp khống chế, không ai xông vào ngay, mặc dù chung quanh có không ít người. Về sau mới có một người đến, nhưng cũng không hành động dứt khoát, còn lại đứng quay clip. Kết quả bắt cướp chỉ đến sau đó, còn đoạn căng thẳng nhất, thực chất chỉ một mình anh lái xe taxi tự cứu mình và khống chế tên cướp.
Sốt ruột vì có một người mặc cảnh phục công an đứng đó nhưng không làm gì, cầm điện thoại đứng trên vỉa hè chăm chú gọi, đủng đỉnh như đi ngắm hoa. Đúng ra, anh ta phải lao vào giúp tài xế taxi không chế tên cướp nguy hiểm, sau đó muốn gọi ai thì gọi trong khi tài xế hô hoán kêu người nằm dưới đường là kẻ cướp và liên tục nhờ “Giúp em với”, “giữ hộ em cái”. Âm thanh trong đoạn clip cho nghe tiếng người dân kêu công an không có hành động gì mà cứ đi đi, đi lại rồi tiến đến, đứng ngay cạnh, tay cầm điện thoại gọi.
Hành động gọi điện của công an này là nhằm tránh va chạm, sợ bị tên cướp tấn công, sợ gặp nguy hiểm, sống chết mặc bay.
Hung thủ là ai?
Ngày 23-4-2021, Đặng Phạm Sáu (sinh năm 1970, trú tại bản Na Meo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cùng một người bạn đi xe máy đến tiệm cầm đồ Hải Lý ở phố Quang Trung, thị trấn Phong Sơn (Thanh Hóa), để chuộc điện thoại, Tuy nhiên điện thoại đã bị chủ tiệm bán nên giữa Sáu và anh N.T.L. (31 tuổi, con trai chủ tiệm cầm đồ) xảy ra tranh cãi. Trong lúc xô xát, Sáu rút dao thủ sẵn trong túi quần đâm một nhát trúng mạn sườn bên phải anh L., gây đứt động mạch chủ khiến nạn nhân tử vong sau đó rồi bỏ trốn..
Vì thế, Đặng Phạm Sáu bị truy nã đặc biệt.
Khoảng 14 giờ 30 ngày 16-5, Sáu, bắt taxi hãng G7, biển kiểm soát 30A-388.xx, do anh Nguyễn Trần Minh (SN 1976, trú quận Long Biên) lái, đi từ khu vực cầu Chương Dương về phía huyện Thanh Oai, để về Thanh Hóa.
Khi đi đến đoạn đường Cenco 5 (thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), do nghi ngờ Sáu không có tiền trả, nên anh Minh dừng xe không đi nữa. Đồng thời anh Minh gọi điện thoại cho vợ nói về việc đang chở khách nhưng khách không có tiền trả, rồi gửi định vị xe cho vợ. Bất ngờ, Sáu dùng dao bầu mang theo đâm vào vùng ngực trái anh Minh.
Khi bị bắt, bước đầu Sáu khai nhận do đang bị truy nã về tội Giết người, Sáu nghi ngờ anh Minh sẽ báo công an bắt mình nên đã rút dao đâm.
Nạn nhân đơn độc
Sau gần 1 ngày điều trị, sức khỏe của ông Nguyễn Trần Minh (45 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) đã dần ổn định. Trên giường bệnh, ông Minh chưa quên thời khắc sinh tử với tên cướp có hung khí.
Ông Minh kể, khoảng 14 giờ chiều 16/5, ông lái xe đi làm thì gặp một người đàn ông cao to, đội mũ, đeo kính và bịt khẩu trang vẫy xe ở khu vực đường Ngô Gia Tự (Q.Long Biên).
Sau khi lên xe, khách yêu cầu chở đến phố Đức Giang, sau đó về làng Thượng Cát (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để gặp em trai. Tuy nhiên, khi đến nơi, khách vào trong một quán nước, không gặp ai rồi quay lại, cầm theo một túi xách và một chiếc áo jean, rồi yêu cầu chở về H.Cẩm Thủy (Thanh Hóa) để thu nợ. Đến khu vực đường Cienco 5, ông Minh nhận được tin nhắn của vợ, thông báo để quên giấy tờ xe ở nhà.
“Lúc này, tôi nghĩ không đi được nên dừng lại ven đường và trình bày với khách, nhưng người này bảo cứ chở đi. Tôi từ chối vì không có giấy tờ xe mà đang dịch bệnh thế này bị bắt cả người cả xe thì chết. Sau đó, tôi bảo khách xuống bắt xe khác”, ông Minh kể. Vài giây sau, người khách bất ngờ rút một con dao nhọn dạng dao chọc tiết lợn đâm trúng ngực ông Minh. Theo phản xạ, ông Minh tấn công lại, sau đó hai cả hai vật lộn trong xe. “Lúc đó, tôi nghĩ nếu cứ giằng co, mình mất máu sẽ ngất trong xe thì chết. Tôi bật chốt, đạp cửa ra ngoài và vật lộn với người đàn ông dưới đường, vừa hô hoán để tìm người trợ giúp. Thời điểm đó có nhiều người đi qua, nhưng không ai dừng lại, có người còn đi qua cầm điện thoại chụp ảnh, quay phim. Khi tôi ghì được tên cướp xuống đường thì có một người đội mũ công nhân đến trợ giúp và nói “bắt được rồi, có công an đây này”, ông Minh nhớ lại. Theo ông Minh, lúc đó ông thấy một người mặc quần màu xanh công an, nhưng người này chỉ bấm và nghe điện thoại. Người dân xung quanh thắc mắc sao là công an mà không bắt cướp đi thì người này trả lời “còn điện thoại”. Sau khi người dân giữ được hung thủ, ông Minh được một người dân địa phương chở đi cấp cứu.
Lời kể của công an
Lúc đó, đại úy Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đang trên đường đi làm việc về làm căn cước công dân.
Khi nhìn thấy vụ cướp taxi, đại úy Lâm dừng lại nhưng không phụ bắt giữ kẻ cướp mà chí gọi điện cho công an xã Cự Khê tới giải quyết
Công an Hà Nội đã cảnh cáo đại úy Nguyễn Văn Lâm, đồng thời chuyển cán bộ này về đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đại úy Nguyễn Văn Lâm thản nhiên đứng cầm điện thoại nhìn người dân vật lộn với tên cướp mà chỉ bị cảnh cáo là quá nhẹ. Thậm chí, nhiều người đề nghị nên loại ngũ người này mới đúng
Phó giáo sư, tiến sĩ luật, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án tòa án tối cao, cho rằng không thể chấp nhận được thái độ của đại úy công an Nguyễn Văn Lâm. Trong trường hợp này, đại úy Lâm phải nhanh chóng lao vào khống chế tên cướp thay vì đứng cầm điện thoại gọi nhắn tin. Thậm chí trong trường hợp nếu nạn nhân chết, đại úy công an này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), cũng cho rằng việc người dân bắt cướp, còn cảnh sát «thờ ơ “ đứng nhìn là chuyện chưa từng xảy ra, nếu nạn nhân không tử vong thì cũng cần kỷ luật ở mức cao nhất là tước danh hiệu công an nếu anh ta không tự viết đơn xin ra khỏi ngành”
Cựu thiếu tá công an nói về ‘góc khuất lạnh người’
Sau khi 4 cán bộ Công an quận Đồ Sơn bị bắt vì làm sửa hồ sơ, nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa tiết lộ những góc khuất chạy án, chia tiền và mua chuộc.
Khởi tố 3 công an quận
Đồ Sơn, 2 người bị bắt
tạm giam
Tòa án Tối cao quận Đồ Sơn đã khởi tố 3 cán bộ Công an quận Đồ Sơn, gồm trung tá Đinh Đình Việt (SN 1975, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự kinh tế và ma túy); thượng úy Đỗ Hữu Dũng (SN 1992, Phó đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội) và thượng úy Nguyễn Viết Công (SN 1992, cán bộ Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội), bắt tạm giam đối với trung tá Đinh Đình Việt và thượng úy Đỗ Hữu Dũng.
Cũng có lệnh tạm giam thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (36 tuổi, Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn).
Những cán bộ công an trên bị khởi tố do liên quan đến việc làm sai hồ sơ vụ bắt giữ nhóm người dương tính với ma túy tại quán karaoke.
Trước đó, Công an Hải Phòng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an tước danh hiệu CAND đối với thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, trung tá Đinh Đình Việt, thượng úy Đỗ Hữu Dũng, thượng úy Nguyễn Viết Công. Đồng thời khai trừ đảng 4 cán bộ vi phạm.
Cụ thể, vào rạng sáng ngày 13-11-2020, Đội Điều tra tổng hợp và Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Đồ Sơn bất ngờ kiểm tra 1 quán karaoke ở tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn) và phát hiện tại phòng VIP 5 của quán có 28 người có dấu hiệu sử dụng ma túy. Trên bàn và sàn nhà có một số viên màu hồng giống loại ma túy tổng hợp, tiếp tục kiểm tra phát hiện có một số túi nilon dính chất bột màu trắng nghi là ketamine
Lúc này, tại khu vực lễ tân của quán cũng có tới 11 người có biểu hiện “phê” ma túy.
Sau khi thu giữ tang vật, lập biên bản, đến 6 giờ cùng ngày, 28 người được đưa về công an quận Đồ Sơn để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy 25/28 người dương tính với ma túy.
Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 13-11, khi các cán bộ đang lấy lời khai thì thiếu tá Cường ra lệnh cấp dưới của mình là thiếu tá Trịnh Văn Khoa ngưng lấy lời khai để những người bị tạm giữ gọi điện liên lạc với người thân. Bắt đầu từ tối đến 22 giờ 30 phút ngày 13-11, lần lượt toàn bộ những người bị bắt giữ được cho về
Sau đó, Đội điều tra tổng hợp được yêu cầu làm lại hồ sơ ghi lời khai không có ai sử dụng ma túy. Tuy nhiên, các cán bộ Đội không thực hiện. Ngay sau đó, vụ việc được giao cho những người khác thực hiện.
“Trước hành vi làm sai lệch vụ án một cách trắng trợn, ngang nhiên như vậy thiếu tá Khoa quyết định làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao và Thanh tra Bộ Công an. đồng thời xin ra khỏi ngành.
Ức chế, dồn nén thành
“giọt nước tràn ly”
Nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa làm việc tại Công an quận Đồ Sơn từ tháng 03/2017, thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Tháng 05/2018, ông được điều động sang Đội điều tra tổng hợp, đã xin ra khỏi ngành và chính thức nhận quyết định xuất ngũ vào ngày 15/1/2021.
Vào ngày 20/1/2021 ông Khoa đã đứng ra tố cáo lãnh đạo, cán bộ Công an quận Đồ Sơn có hành vi sai trái liên quan tới việc thả 25 người sử dụng ma túy một quán karaoke ở quận Đồ Sơn trong vụ việc từ khoảng tháng 11 năm 2020.
Ông Khoa nói với truyền thông Việt Nam rằng những sai phạm ở Công an quận Đồ Sơn là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật của những người thực thi pháp luật.
Trong thời gian làm việc tại Công an quận Đồ Sơn, ông Khoa nhận thấy có nhiều cán bộ chiến sĩ “tâm tư” về cách xử lý của lãnh đạo Công an quận, như: chỉ tiêu thực hiện, chế độ chính sách, tiền nghỉ dưỡng, nghỉ phép, tiền trực chốt của “anh em”.
“Những tiền đó hầu như lính tráng không có hoặc “được” rất ít với lý do được giải thích là chuyển vào quỹ của đơn vị, mà mục đích chính là phục vụ cho ban lãnh đạo”, ông Khoa thẳng thắn nói.
Ngoài ra, theo ông Khoa, hàng tháng, hàng quý, “anh em” đều được giao chỉ tiêu thực hiện các vụ sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy. Nhưng khi bắt xong, lãnh đạo lại không giải quyết để cấp dưới thực hiện chỉ tiêu mà cho liên hệ với người thân để “làm án”, thả họ ra. Điều này khiến nhiều cán bộ chiến sỹ rất bức xúc.
Từ những bất cập, áp lực trong công việc, ông Khoa luôn nghĩ rằng nếu mình không làm gì đó khác thì bản thân và nhiều “anh em” sẽ không bao giờ biết đến những đãi ngộ mà đáng ra mình được hưởng. Từ đó, ông Khoa luôn để ý những vụ án có dấu hiệu sai phạm của Công an quận, đồng thời thu thập các bằng chứng, chứng cứ nhằm một ngày đưa ra ánh sáng.
Cuộc đột kích lúc rạng sáng
cho đến màn “chạy án”,
đóng cửa chia tiền
Ông Khoa được dẫn lời kể lại vụ việc xảy ra vào rạng sáng 13/11/2020 khi phát hiện 28 người sử dụng trái phép chất ma túy bị bắt quả tang và được đưa về công an quận Đồ Sơn để lấy mẫu xét nghiệm và 25/28 đối tượng có kết quả dương tính.
“Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều 13/11/2020, thiếu tá Cường, Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, chỉ đạo tôi dừng lấy lời khai để những người bị tạm giữ gọi điện cho người thân”.
Ông Khoa kể lại sau đó ông thấy “nhiều người lạ ra vào cơ quan Công an quận gặp riêng đồng chí Cường và đồng chí Quang (Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận). “Tầm 20 giờ, lần lượt các đối tượng được thả về, người cuối cùng về là 22 giờ 30”.
Lúc 1 giờ ngày 13/11/2020, thiếu tá Khoa nhận được điện thoại của một số người trong Đội điều tra tổng hợp, nói là Phó đội trưởng Đỗ Hữu Dũng đã xin lãnh đạo kiểm tra quán karaoke Hải Sơn 86 ở phường Hợp Đức, Đồ Sơn bởi trinh sát cho biết có rất nhiều người khả nghi tụ tập.
Ông Khoa đi Công an phường Hợp Đức cùng hơn chục trinh sát khác cũng đang ở đó nhận định trong quán hát có dấu hiệu của «bay lắc» nên quyết định «đột kích» vào trong. Khi vào phòng VIP 5 có 17 người đang quay cuồng lắc lư trong tiếng nhạc mạnh, đèn mờ.
Khi kiểm tra, phát giác trên nền nhà và các bàn uống nước có những viên màu xanh, màu hồng nghi là ma túy tổng hợp. Ngoài ra, nền nhà và mặt bàn có túi nylon chứa bột màu trắng và đĩa sứ, thẻ cào điện thoại, nghi là ketamin và tờ tiền đã quấn tròn, nghi là dụng cụ để hít. Còn ở khu vực lễ tân, phòng khách có 11 người nữa, tổng cộng 28 người.
Sau khi kiểm tra, lập biên bản cho chủ quán ký vào, đến 5h sáng, Đội phó Nguyễn Hữu Cường đến. Tôi đã bàn giao toàn bộ tang vật, biên bản cho đồng chí Cường, khi đó là chỉ huy trực tiếp của tôi quản lý, đồng thời xin lãnh đạo xe để đưa tất cả các nghi phạm về quận”, ông Khoa nhớ lại.
Về đến công an quận, lúc đó khoảng 6 giờ, công an quận tăng cường thêm cán bộ Đội cảnh sát hình sự, Đội giao thông và Công an phường Hợp Đức để canh giữ và lấy lời khai theo trình tự. Bản thân ông Khoa được giao lấy lời khai 2 người, trước đó đã được test nhanh về ma túy bằng que thử, kết quả cho thấy 25/28 người dương tính với ma túy, từ heroin đến ma túy tổng hợp.
Ông Khoa cho biết đến khoảng 16 giờ cùng ngày, đội phó Nguyễn Hữu Cường chỉ đạo dừng việc lấy lời khai để gặp riêng từng người, sau đó cho họ gọi điện về nhà. Lúc sau, ông Khoa thấy nhiều người lạ ra vào cơ quan công an quận gặp riêng đồng chí Cường và đồng chí Quang (Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận). Tầm 20 giờ, lần lượt họ được thả về, người cuối cùng về là 22 giờ 30, coi như xong việc.
Ông Khoa cho biết sau việc trên, Đội điều tra tổng hợp được yêu cầu làm lại hồ sơ ghi lời khai không có ai sử dụng ma túy. Tuy nhiên, Đội không thực hiện. Ngay sau đó, việc này được giao cho những người khác làm.
“Hai ngày hôm sau, tức thứ 2 (15/11/2020), đồng chí Cường có mang một tờ giấy về, ghi số tiền được lãnh đạo cho từ vụ việc đấy là 30 triệu và cho biết sếp Quang chỉ đạo cho 15 triệu vào quỹ của đội, còn 15 triệu mấy người trong đội chia nhau.
Tuy nhiên, các anh em trong đội không nhận riêng mà nói cho hết số tiền 15 triệu vào quỹ của đội vì quỹ không còn, chỉ duy nhất đồng chí Cường cầm 6 triệu. Đến tối cùng ngày, đồng chí Cường gọi tôi và 3 anh em nữa phụ trách trinh sát vào phòng nói riêng, bảo cho thêm mỗi người 2,5 triệu, tổng là 10 triệu. Nhưng, 4 anh em đều không ai nhận rồi đi về. Sau đó tôi xin nghỉ phép. Hết 18 ngày phép, tôi làm đơn xin ra khỏi ngành gửi đồng chí Trần Tiến Quang, Trưởng công an quận. Đồng chí Quang hỏi lý do, tôi nói muốn tìm công việc khác phù hợp hơn, việc xin xuất ngũ là tự nguyện không ai ép buộc. Trình bày xong, ông Quang bảo cho tôi nghỉ nốt 7 ngày phép để suy nghĩ”, ông Khoa kể.
Sau khi đội trưởng, hai đội phó cùng một cán bộ Công an quận Đồ Sơn bị bắt, Đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận này cũng xin nghỉ việc để… chữa bệnh.
Ngày 12/1, ông Khoa quyết định soạn hai đơn tố cáo, một đơn gửi Thanh tra Bộ Công an còn một đơn ông trực tiếp mang đến VKSND Tối cao, vào Cục 1, Phòng 6. Ông Khoa làm việc với Viện kiểm sát trong 3 ngày, cung cấp toàn bộ bằng chứng vi phạm của công an về vụ án rồi trở về quê. Đến 1 Đến 15/1, thiếu tá Trịnh Văn Khoa chính thức nhận quyết định xuất ngũ do Giám đốc Công an TP Hải Phòng ký.
Ngày 20/1, chỉ chưa đầy một tuần sau khi ông Khoa tố cáo, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã bắt giữ người đầu tiên là thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn.
Một trong những chi tiết đáng chú ý là ông Khoa mô tả về điều ông gọi là “cuộc ngã giá bất thành” từ những người liên quan trực tiếp.
“Nhưng họ có xin gặp riêng, đưa ra lời đề nghị, nếu tôi chịu rút hai cái đơn về tôi sẽ được rất nhiều tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này, tiền không quan trọng, danh dự mới là quan trọng. Nếu tôi nhận tiền của họ, thì ngày mai, có khi toàn bộ nhân viên dịch vụ ở khu du lịch Đồ Sơn phải làm việc cật lực để bù lại chỗ đó, vậy khác nào tôi gánh nghiệp của họ. Tôi bảo đồng chí đừng nói thêm gì nữa, vui vẻ đi về đi”!
San Hà (tổng hợp)