Đám tang của nữ danh ca Lệ Thu sẽ phải đình hoãn đến cuối tháng hai, vì không còn chỗ trống trong các nhà quàn

Orange County, California: Theo những tin tức loan báo hôm thứ bảy ngày 16 tháng giêng, thì danh ca Lệ Thu, một trong những tiếng hát hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam, đã qua đời ở bệnh viện Orange Cosat Memorial, hưởng thọ 78 tuổi.
Theo những tin tức thân cận thì bà qua đời vào lúc 7 giờ tối hôm 15 tháng giêng, trong tình trạng hôn mê, và vẫn phải dùng ống trợ thở, sau gần 2 tháng phải nằm trong bệnh viện, vì nhiễm covid.
Cũng theo những nguồn tin từ gia đình, thì bệnh viện không cho đưa xác ra nhà quàn, mà để xác trong nhà xác nhiều tuần cho sạch vi rút, rồi mới cho mang về nhà.
Các nguồn tin trong gia đình cũng cho biết là tang lễ của ca sĩ Lệ Thu sẽ phải đình trệ đến cuối tháng hai, vì các nhà quàn trong khu vực quận Cam đã không còn chỗ trống.
Theo người con gái lớn của ca sĩ Lệ Thu thì khi nhập viện, tình hình sức khỏe của bà rất khả quan, đang chờ ngày xuất viện. Thế mà chỉ vài tuần sau, sức khỏe của bà trở nên tệ hại, phải sử dụng máy trợ thở và hôn mê.
Theo lời của nhiều bác sĩ đang chữa trị bệnh nhân bị covid, thì phần lớn những bệnh nhân lớn tuổi phải dùng máy trợ thở, rồi cũng sẽ qua đời.
Thành ra nếu bị nhiễm thì ngay lập tức tập thở sâu, và phải dùng máy cung cấp oxygen giúp hệ thống hô hấp.
Nhiều người Việt phòng xa, đã mua những máy cung cấp oxygen để tại nhà, phòng trường hợp khẩn cấp.

Ca sĩ Lệ Thu sinh tại Hải Phòng vào năm 1943 với tên thật là Bùi Thị Oanh. Thân phụ bà làmviệc ở Hải Phòng trước 1945. Thuở nhỏ, bà sống ở Hà Đông và được gia đình cho đi học đàn piano. Đến năm 1953, khi bà 10 tuổi, hai mẹ con bà di cư vào Nam còn thân phụ ở lại và sau đó mất ở miền bắc.
Lệ Thu đến với nghiệp ca hát một cách tình cờ .
Vào năm 1960, khi đi dự sinh nhật một người bạn ở phòng trà Bồng Lai, bị bạn bè thúc lên hát góp vui, bà miễn cưỡng chọn hát bài Tà Áo Xanh của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, và bài hát Tà Áo Xanh là tác phẩm mở đầu sự nghiệp ca hát trải dài 60 năm của bà.
Mặc dù con đường sự nghiệp trải đầy hoa, nhưng trong cuộc sống riêng, bà gặp rất nhiều lận đận. Bà trải qua ba cuộc hôn nhân tan vỡ, có ba người con gái với hai đời chồng khác nhau nhưng cuối đời sống một mình ở thành phố Fountain Valley, miền Nam California khi các con gái của bà đều có cuộc sống riêng.
Trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam trước khi quân cộng sản tràn vào, Lệ Thu đã lên đường di tản. Nhưng khi đã đến phi trường chuẩn bị di tản vào ngày 28 tháng 4 năm 1975, bà quyết định quay trở lại vì còn mẹ già mà bà là người con duy nhất.
Đến năm 1979, bà vượt biên cùng con gái út, được đưa đến trại tị nạn Pulau Bidong. Đến năm 1980 bà đến Mỹ và định cư ở miền Nam California. Hai năm sau hai người con gái lớn của bà cũng vượt biên và đoàn tụ với bà.
Tại Mỹ, bà tiếp tục thâu đĩa, đi hát phục vụ cộng đồng người Việt và tham gia vào các chương trình nhạc hội của Thúy Nga, Asia… Từ năm 2007, bà cũng bắt đầu trở về nước biểu diễn. Năm 2017, Lệ Thu từng thực hiện đêm nhạc ‘Như là kỷ niệm’ cùng Tuấn Ngọc tại Việt Nam.
Thập niên 1970, tên tuổi bà gắn liền với nhạc sĩ Trường Sa khi là người đầu tiên thu âm ba sáng tác nổi tiếng của ông: Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa. Trường Sa từng kể, năm 1969, khi chạy trên đường phố Sài Gòn, nghe tiếng hát Lệ Thu lồng lộng qua khung cửa sổ phòng trà Tự Do, ông lập tức dừng lại, viết những câu đầu tiên trong Xin còn gọi tên nhau: “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng/ Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…”. Bà cũng thành công với nhiều tác giả khác: Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Y Vân, Từ Công Phụng…

Xem thêm

Nhận báo giá qua email