Đan Mạch tiêu hủy 17 triệu chồn khi virus SARS-CoV-2 đột biến lây sang người

Đan Mạch có kế hoạch tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn sau khi một đột biến của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong động vật này lây sang người.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuần qua cho biết cảnh sát, quân đội Đan Mạch sẽ được huy động để đẩy nhanh việc tiêu hủy quần thể chồn trong cả nước.

Thủ tướng cũng thông báo tình hình các cơ quan y tế Đan Mạch đã tìm thấy chủng virus SARS-CoV-2 đột biến ở người và chồn làm giảm độ nhạy cảm với kháng thể, có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine trong tương lai.

Ông Frederiksen nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi có trách nhiệm lớn đối với dân của mình. Tuy nhiên, với sự đột biến được phát giác, chúng tôi có trách nhiệm lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới”.

Các phát giác đã được chia sẻ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, dựa trên các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của Viện Huyết thanh Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền của Đan Mạch về các bệnh truyền nhiễm.

Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, đã kêu gọi mở các cuộc điều tra khoa học quy mô toàn diện về vấn đề bệnh dịch của con người – bên ngoài Trung Quốc – lây nhiễm cho chồn, từ đó chồn truyền virus đột biến trở lại người.

WHO cho biết: “Chúng tôi được Đan Mạch thông báo về việc một số người bị nhiễm dịch Covid-19 từ chồn với một số thay đổi di truyền trong virus. Các nhà chức trách Đan Mạch đang điều tra ý nghĩa dịch tễ học và virus học của những phát hiện này”.

Các nhà chức trách Đan Mạch cho biết 5 trường hợp chồn nhiễm chủng virus mới đã được ghi nhận tại các trang trại nuôi chồn hương và 12 trường hợp nhiễm ở người. Hiện có khoảng 15-17 triệu con chồn ở nước này.

Dịch bệnh bùng phát tại các trang trại nuôi chồn hương vẫn xảy ra ở Đan Mạch – quốc gia sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới – bất chấp những nỗ lực liên tục nhằm tiêu hủy những con chồn bị nhiễm bệnh kể từ tháng 6/2020.

Ông Christian Sonne, giáo sư về Thú y và Động vật hoang dã tại Đại học Aarhus, cho biết ông tin rằng tiêu hủy đàn gia súc ngay bây giờ như một biện pháp phòng ngừa là một quyết định đúng đắn và có thể ngăn chặn một đợt bùng phát trong tương lai khó kiểm soát hơn. Ông Sonne là đồng tác giả của một bức thư đăng trên tạp chí Science tuần trước kêu gọi tiêu hủy chồn: “Trung Quốc, Đan Mạch và Ba Lan nên ủng hộ và gia hạn lệnh cấm nuôi chồn ngay lập tức”.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email