Đất công thành “ĐẤT ÔNG”

Mặc dù đất đai đang được nhà nước VN quản lý nhưng bí thư, chủ tịch xã ở Bình Định vẫn xin cấp sổ đỏ (chủ quyền đất) với lý do đã “tự khai hoang”.

“Phù phép” hàng chục mẫu đất công thành “đất ông”
Gần 20 gia đình là người dân tộc thiểu số đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu làm rõ việc cấp giấy chủ quyền đất lâm nghiệp “không phù hợp”cho cán bộ, người nhà cán bộ xã.
Những người này không hề phát dọn, khai hoang và sau khi được cấp hàng chục ha đất rừng, cũng không canh tác mà mang đi bán lại cho người từ nơi khác đến trồng rừng. Tại đây, cũng xảy ra tranh chấp đất đai giữa các bên nên mọi chuyện “vỡ lở.
Tháng 10/2008, khi đang giữ chức Chủ tịch xã Canh Hòa, ông Đoàn Văn Mức (nguyên Bí thư Đảng ủy xã) nguyên Chủ tịch HĐND xã Canh Hòa, dù không đủ tiêu chuẩn, không có đất nhưng đã lợi dụng chức vụ của mình tác động đến ông Lưu Mạnh Hùng là cán bộ địa chính xã, để xin cấp đất.
Ông Mức xin giao đất và cấp sổ đỏ cho thửa đất rộng 150.277 m2 trong số 376.075m2 đất lâm nghiệp nhà nước giao cho xã Canh Hoà quản lý. Thế nhưng trong đơn, ông Mức lại khai mảnh đất này do bản thân tự khai hoang vào năm 1996.
Cùng lúc đó, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch xã Canh Hòa, ông Đoàn Văn Môn (nguyên Chủ tịch xã Canh Hòa cũng có đơn xin giao đất và cấp sổ đỏ đối với thửa đất rộng 100.065 m2; ông Trần Điệp xin cấp sổ đỏ thửa đất 147.311 m2; ông Đoàn Văn Hoài xin cấp sổ đỏ thửa đất 150.277 m2 và ông Trần Trung Thạch (cùng ngụ huyện Vân Canh) xin cấp sổ đỏ thửa đất 71.391 m2.
Cũng như Chủ tịch xã Canh Hòa Đoàn Văn Mức, 4 người nói trên khai nguồn gốc đất là do tự khai hoang vào năm 1996 nhưng thực tế họ đều không hề khai hoang, quản lý, sử dụng. Đây chính là đất quy hoạch rừng sản xuất và đất lâm nghiệp do xã Canh Hòa quản lý.
Trên cơ sở đó, ông Lưu Mạnh Hùng (nguyên cán bộ địa chính xã Canh Hòa) “cả nể” cấp trên (ông Đoàn Văn Mức và Đoàn Văn Môn) nên đã xác nhận nguồn gốc cho 5 gia đình với tổng diện tích 376.075 m2 đất lâm nghiệp (đất của UBND xã quản lý nhưng xác nhận là đất khai hoang năm 1996)., dẫn đến việc cấp sổ đỏ sai luật.
Ông Đoàn Văn Môn, là Chủ tịch xã Canh Hòa, đã xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của 4 gia đình sai, dẫn đến huyện Vân Canh cấp sổ đỏ sai luật. Ngoài ra, Ông Môn còn lợi dụng sự ảnh hưởng của bản thân để xin giao đất và cấp sổ đỏ cho mình. Hành vi của ông Môn làm sai Luật đất đai, làm mất 376.075m2 đất lâm nghiệp của nhà nước. Thế nhưng do ông Môn đã về hưu nên chỉ đề xuất phạt về mặt Đảng!
Liên quan các vi phạm trên còn có ông Nguyễn Trọng Hường, nguyên Phó Chủ tịch huyện Vân Canh và 3 cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cùng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện này trong việc đề xuất, ký quyết định giao đất, cấp sổ đỏ cho 5 gia đình sai luật.
Hiện bảy cán bộ đang bị xem xét xử lý kỷ luật gồm:
1. Ông Đoàn Văn Mức, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Canh Hòa – người được cấp sổ đỏ đối với thửa đất có diện tích 150.277 m2 trái quy định.
2. Ông Đoàn Văn Môn, nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa – người được cấp sổ đỏ đối với thửa đất có diện tích 100.065 m2 trái quy định.
3. Ông Lưu Mạnh Hùng, đang là cán bộ xã Canh Hoa, nguyên cán bộ địa chính xã Canh Hòa – người ký xác nhận sai nguồn gốc cho 2 “sếp” của mình và 3 hộ dân với tổng diện tích 376.075 m2 đất lâm nghiệp.
4. Ông Nguyễn Tiến Sĩ, đang là cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh – người tham mưu để lãnh đạo đơn vị ký đề nghị cho 5 hộ dân đủ điều kiện được giao đất và cấp sổ đỏ không đúng quy định.
5. Ông Phạm Thế Phong, đang giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh. Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Phong giữ chức vụ phó giám đốc của đơn vị và là người xác nhận 5 hồ sơ nói trên đủ điều kiện đề nghị cấp sổ đỏ.
6. Ông Nguyễn Văn Kỳ, nguyên Phó Phòng TN-MT huyện Vân Canh, đã nghỉ hưu. Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Kỳ tham mưu cho UBND huyện giao đất và cấp sổ đỏ cho 5 hộ dân sai quy định.
7. Ông Nguyễn Trọng Hường, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, hiện đã nghỉ hưu. Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Hường đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện và ký quyết định giao đất, cấp sổ đỏ cho 5 hộ dân không đúng quy định.
Toàn cán bộ cộm cán của xã. Nghe qua thấy rối còn hơn canh hẹ. Quản lý cán bộ, quản lý đất đai. Đâu chỉ riêng xã này…

Vụ chuyển lậu hơn
30 ngàn tỷ ra nước ngoài
Trong vụ án chuyển lậu hơn 30 ngàn tỷ ra nước ngoài, kẻ phạm tội không chỉ bắt tay với cán bộ ngân hàng mà còn hối lộ hải quan.
Năm 2016, Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985) mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (Công ty Thương mại và dịch vụ XNK Đại Phát và Công ty Đầu tư kinh doanh thương mại và XNK Đại Phát) để hợp thức hoá pháp nhân rồi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Để chuyển được tiền ra nước ngoài, một người được nhờ đứng tên giám đốc Công ty BDA để hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất hàng hóa là IC điện tử, để làm hồ sơ thanh toán quốc tế.
Tiếp đó, Thuật và Nguyệt thỏa thuận, giá từ 30-40 triệu đồng/bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển tiền lậu ra nước ngoài. Sau đó, Nguyệt gửi tin tức công ty nhận tiền, mẫu dấu, chữ ký giám đốc để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa là IC điều khiển, làm thủ tục kê khai hải quan.
Thuật và Nguyệt cùng nhau góp tiền mua IC điều khiển của một người Trung Quốc có tên A Vỹ để có hàng hóa làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi sau đó tái xuất sang Trung Quốc.
Theo đó, A Vỹ chỉ định hàng hoá qua các cửa khẩu để chính người này nhận lại những kiện hàng rồi chuyển lại cho Thuật.
Cụ thể, Thuật mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa của Công ty Đại Phát với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là hơn 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD.
Sau đó, Thuật dùng công ty này để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng, chuyển số ngoại tệ ra nước ngoài tương ứng số tiền hơn 2.513 tỷ đồng.
Ngoài bán hồ sơ của 2 công ty Đại Phát cho Nguyệt, Thuật còn sử dụng pháp nhân Công ty XNK BDA do Thuật thành lập (nhờ người đứng tên) để hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất là IC điện tử, nhằm chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.
Trong các phi vụ, Thuật là người chịu trách nhiệm làm thủ tục tái xuất hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Mỗi lượt làm thủ tục, Thuật khai được hưởng lợi 10 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn và thông qua các công ty trên, Thuật và Nguyệt đã chuyển hơn 3.875 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 152 triệu đồng.
Ngoài ra, Nguyệt cùng với chồng lập 8 công ty nhằm sử dụng pháp nhân của các công ty này lập hồ sơ tạm nhập tái xuất khống để chuyển tiền ra nước ngoài.
Nguyệt và các đồng phạm đã ký hợp đồng kinh tế khống mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore, rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.
Từ đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, hưởng lợi 0,1% tổng số tiền trên mỗi giao dịch chuyển tiền. Nguyệt vận chuyển hơn 6.788 tỷ đồng và hưởng lợi hơn 6,7 tỷ đồng. Để có hàng hóa hợp thức các hợp đồng tạm nhập, tái xuất, Nguyệt hướng dẫn em ruột là Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc. Thắng bị xác định là đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 30.498 tỷ đồng ra nước ngoài, hưởng lợi 410 triệu đồng.
Kết luận điều tra xác định, tổng số tiền Nguyệt chuyển trái phép ra nước ngoài là hơn 30. 498 tỷ đồng, thu lời hơn 30,4 tỷ đồng. Nguyệt khai số tiền hưởng lợi được chi trả cho hoạt động công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
Liên quan đến vụ án trên, Phạm Thị Minh Ngân, nhân viên Ngân hàng MB Bank nhận thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập.
Các đối tượng liên quan chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt là một số chủ doanh nghiệp, trong đó có chủ nhiều tiệm vàng ở Hà Nội, chủ doanh nghiệp ở SG.
9 công ty do “bà trùm” Nguyễn Thị Nguyệt sử dụng, từ 2017 đến 2020 đã mở 387 tờ khai tạm nhập khẩu hàng hóa, trong đó 63 hồ sơ luồng xanh (Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), 209 hồ sơ luồng vàng (Kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra chi tiết thực tế hàng hóa), 15 hồ sơ luồng đỏ (Kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra chi tiết thực tế hàng hóa).
Theo quy định, khi kiểm tra việc khai báo và xác định trị giá hàng, an ninh có quyền yêu cầu người khai xuất trình các chứng từ, tài liệu có liên quan.
Đối với 15 hồ sơ phân luồng đỏ, hải quan phải kiểm hóa hồ sơ nhưng lại không làm dẫn đến bỏ qua hàng hóa là IC điện tử bị khai tăng giá nhiều lần.
Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1985) khai mỗi tờ khai nhập khẩu kiện hàng linh kiện IC, anh ta phải “lót tay” cho cán bộ hải quan 5 triệu đồng/tờ.
Thắng cũng khai, tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Kim Thành- Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, Thắng đã liên hệ với anh Trần Xuân S. (công chức hải quan) để kiểm tra, làm thủ tục tái xuất hàng hóa.
Mỗi tờ khai, Thắng đưa cho S. 500 ngàn đồng, tiền được kẹp vào hồ sơ và đưa tại phòng làm việc của S.
Như vậy cán bộ hải quan tên S. đã không giám sát hết quá trình chuyển tải hàng hóa nhưng vẫn ký xác nhận. S. thừa nhận không thực hiện hết nhiệm vụ, nhưng không hưởng lợi bất kỳ khoản tiền nào!
Đối với hai cán bộ hải quan khác, Thắng khai, mỗi lần làm thủ tục tái xuất phải đưa 1 triệu đồng.

Cựu thứ trưởng y tế
Cao Minh Quang bị
phong tỏa tài sản
Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, TP.HCM đã được đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Năm 2005, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long 6 triệu viên thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm A (H5N1). Một năm sau đó, Dược phẩm Cửu Long giao dịch và được nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá mua nguyên liệu với tổng số tiền hơn 3,8 triệu USD.
Ông Lương Văn Hóa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ, giấy tờ nhằm giấu việc giảm giá trên, để ngoài sổ sách khoản tiền hơn 3,8 triệu USD.
Ông Cao Minh Quang phát hiện Dược phẩm Cửu Long giữ lại hàng triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế và không ra lệnh kiểm tra làm rõ việc này. Khi Bộ Tài chính đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền trên, ông Cao Minh Quang vẫn không thực hiện công việc để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trong giai đoạn điều tra, ông Quang thừa nhận không thực hiện theo đề nghị của Bộ Y tế nên không biết Dược phẩm Cửu Long giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD.
Ông Cao Minh Quang là Cục trưởng Quản lý dược từ năm 2004 đến năm 2007 rồi giữ chức Thứ trưởng Y tế đến năm 2013.
Ngày 15/12/2021, ông Cao Minh Quang bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Đến ngày 11/3, ông bị khởi tố, bắt giam
Ngoài ra nhóm cựu lãnh đạo Dược Cửu Long phải liên đới bồi thường khoản tiền trên cho Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước và một số đơn vị phải ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của ông Quang và Dương Huy Liệu (cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế), Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc công ty dược chi nhánh TP).
Trước đó, vợ chồng Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Cửu Long) đã bị phong tỏa hai sổ tiết kiệm với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng và kê biên 4 bất động sản.
Nhà chức trách còn kê biên 6 bất động sản của vợ chồng Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó tổng giám đốc Dược Cửu Long) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng doanh nghiệp này).
Tuy nhiên giờ này phong tỏa gì nữa, bứt dây động rừng là hô biến rồi. Còn vớt bèo!

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email