ĐẤT CÔNG THÀNH TƯ

Khu “đất vàng” ngàn tỉ rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân thế nào?
Nguyễn Văn Minh, cùng các đồng phạm đã chuyển cho tư nhân rộng 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương và 30% vốn góp, gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Phiên tòa sơ thẩm đã xét xử Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương, và Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty 3-2), cùng 25 bị can.
Năm 2012, Trần Văn Nam đang là phó chủ tịch tỉnh Bình Dương đã giao khu đất rộng 43 ha và 145 ha cho Công ty 3-2 do Nguyễn Văn Minh làm chủ tịch, theo cách giao đất có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, những người này lại thu tiền theo bảng giá cũ từ năm 2006 khiến công quỹ bị thiệt hại 761 tỉ đồng.
Cùng với đó, Minh và các đồng phạm chuyển 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân. Mặc dù biết việc chuyển này trái phép nhưng các bị cáo vẫn cho thực hiện gây thất thoát hơn 984 tỉ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, Nguyễn Văn Minh đã tự ý ký hợp đồng với Công ty Âu Lạc (doanh nghiệp của Nguyễn Đại Dương, con rể ông Minh) để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú nhằm xây dựng các công trình tại khu vực 43 ha.
Năm 2015, Tỉnh ủy Bình Dương quyết định 43 ha của Công ty 3-2 phải cổ phần hóa và được giao về Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh vẫn mang khu đất này đi góp vốn vào Công ty Tân Phú.
Năm 2016, Nguyễn Đại Dương bàn bạc với bà Đặng Thị Kim Oanh để công ty Thuận Lợi (chồng bà Oanh làm đại diện) ký hợp đồng chuyển nhượng Công ty Tân Phú cùng 43 ha đất với giá 350 tỉ đồng là giá “không đổi trong mọi hoàn cảnh”. Nếu không thực hiện được, Công ty Tân Phú sẽ phải bồi thường cho phía công ty bà Oanh 800 tỉ đồng. Sau đó, bà Oanh đã chuyển 200 tỉ đồng cho Dương và Công ty Âu Lạc. Tiếp đó, Công ty của bà Kim Oanh chuyển thêm cho Nguyễn Đại Dương 150 tỉ đồng theo thỏa thuận trước đó để được sở hữu toàn bộ 43 ha đất.
Việc chuyển nhượng này hoàn toàn sai vì khu đất 43 ha không còn thuộc quyền quản lý của Công ty 3-2. Đáng chú ý, Công ty Âu Lạc của Dương cũng chưa nắm 100% vốn tại Công ty Tân Phú. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh vẫn chỉ đạo cấp dưới xuất hóa đơn Công ty 3-2 đã nhận đủ 273 tỉ đồng từ Công ty Tân Phú.
Nguyên bí thư Trần Văn Nam biết Công ty 3-2 đã làm trái chủ trương tỉnh uỷ khi chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, mà không bàn giao về Công ty Impco. Tuy nhiên, theo lệnh Trần Văn Minh, ông Nam vẫn chủ trì cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy, cho phép Công ty 3-2 được mang 43 ha đất đi góp vốn. Từ đó, khu đất công thuộc nhà nước đã rơi vào tay tư nhân là Công ty Âu Lạc thâu tóm, gây thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.
Nhóm doanh nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh đã ký các Hợp đồng với Nguyễn Đại Dương của Công ty Âu Lạc rồi đưa 350 tỉ đồng để nhận đất. Tuy nhiên, bà Kim Oanh không biết và không liên quan đến việc chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Vì thế không truy tố bà Oanh.
Nguyễn văn Minh cũng điều khiển Âu Lạc là công ty “sân sau” do người thân điều hành, nhận chuyển nhượng khu đất 145ha với giá rẻ gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.
Nguyễn Đại Dương nhờ một người quen bán thịt lợn tên Tâm đứng tên ký các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng vốn góp
Nguyễn văn Minh, để con gái Thục Anh và vợ chồng Võ Hồng Cường (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Hưng Vượng, cựu thành viên HĐQT Tổng Công ty 3-2) chuyển nhượng lòng vòng cổ phần chiếm đoạt hơn 815 tỉ, được xác định là tiền tham ô.
Mục đích vụ lợi
Trần văn Nam, Trần Thanh Liêm, Phạm Văn Cành (Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương)… là những người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty 3-2, đã cố ý làm trái phép gây thiệt hại công sản quá lớn.
Nhóm này là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Dương, biết rõ các hoạt động của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm là phi pháp, muốn dấu giếm vi phạm của mình nên đã lập khống một số văn bản cho phép hợp thức hóa chuyển nhượng 43ha đất vào tay tư nhân, gián tiếp cùng Nguyễn Văn Minh gây thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Trần Văn Nam phải chịu trách nhiệm chính về những quyết định và chỉ đạo của mình dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước. Ông Nam phải chịu trách nhiệm chung với hành vi của ông Minh.

Hàng trăm bác sĩ tại các bệnh viện công miền Tây xin bỏ việc
Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022 có 51 viên chức y tế xin nghỉ việc gồm: 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác.
Bệnh viện Sản nhi có cán bộ xin nghỉ nhiều nhất là 12 người, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi nơi 6 người.
Năm 2021, do dịch bệnh phức tạp, công việc chống dịch kéo dài, cán bộ ngành Y tế tìm việc làm khác để giảm bớt áp lực.
Nhiều người cuộc sống khó khăn, không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống nên không thể tiếp tục làm. Một số xin thôi việc do không ai chăm sóc gia đình, con cái, nhà cửa xa xôi đi lại khó khăn; số khác muốn tìm công việc có lợi tức tốt hơn để ổn định cuộc sống.
Giám đốc Sở Y tế An Giang cũng cho biết tỉnh có khoảng 145 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 38 bác sĩ.
“Tôi nghĩ nên xét lại bậc lương của ngành Y tế. Ngành này có thời gian học lâu hơn các ngành khác, mà ra trường bậc lương thấp quá, chỉ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Do đó, họ nghỉ ra làm các bệnh viện tư nhân lương mỗi tháng mười mấy triệu cuộc sống thoải mái hơn”, ông Hiền nói.
Cần Thơ, hiện có 111 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó, có 48 bác sĩ. Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Sở Y tế cho biết, họ nghỉ việc có rất nhiều lí do. Thứ nhất là lương thấp; thứ hai, áp lực công việc lớn; thứ ba, tâm lý hoang mang lo sợ.
Đa số các bác sĩ nghỉ việc đang làm tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lãnh lương rất thấp. Họ nghỉ để ra ngoài đi làm các bệnh viện tư nhân thu nhập cao hơn.
Tương tự, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết trong 6 tháng đầu năm, tỉnh có 35 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Nguyên nhân là tiền lương không đủ cho cuộc sống bản thân và gia đình. Chính sách đãi ngộ kém cỏi nên không giữ chân được đội ngũ y tế…
Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 874 nhân viên y tế của hệ thống y tế công lập tại TP nghỉ việc. Làn sóng nghỉ việc tăng cao khiến ngành y tế bị thiếu hụt nhân sự.
Nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng so với năm 2021 (giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát). Năm ngoái TPHCM có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng.
6 tháng đầu năm 2022 thành phố có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng, chiếm khoảng 5% nhân lực y tế của thành phố.
Tám nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
1. Thu nhập thấp.
Lương và phụ cấp trong y tế công lập quá thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu vào cho nhà nước thì hưởng lương 3.486.000 đồng. Thêm phụ cấp thành 4.881.240 đồng (chưa nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Trong khi đó làm cho tư nhân, mức lương cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần.
2. Giá trả cho bệnh nhân có thẻ BHYT quá thấp
Hiện nay, một số nơi trả lương và phụ cấp cho nhân viên bằng tiền thu từ dịch vụ y tế. Thế nhưng giá dịch vụ y tế được trả từ người có thẻ BHYT lại rất rẻ nên nguồn thu của bệnh viện thấp.
Ngoài ra, trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội khiến số bệnh nhân đến khám bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của bệnh viện giảm. Vì thế, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế chẳng những giảm mạnh mà còn bị trả lương chậm.
3. Chính sách thu hút nhân viên y tế không mạnh.
Hiện nay, chính sách thu hút nhân viên y tế không đủ để giữ chân nhân viên y tế, không thu hút nổi những người trẻ, có trình độ và năng lực làm việc tại vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.
Họ cũng như những người lao động khác đều lo lắng về cuộc sống gia đình, điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, chi phí điện nước, học hành ngày càng cao trong khi mức thu nhập của nhân viên y tế công lập thấp mà công việc lại quả tải, cường độ và thời gian làm việc tăng; chính sách thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có.
4. Y tế tư nhân phát triển “hút” nhân lực y tế công
Bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân phát triển mạnh mẽ, môi trường làm việc thuân lợi, hiện đại, thân thiện đã tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y nhất là nhân viên y tế trình độ cao, chuyên môn sâu và những nhân viên y tế đã có chứng chỉ hành nghề.
Các cơ sở tư nhân này sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân viên, trong khi bên công lập lại không có cách nào để giữ.
5. Áp lực công việc cao
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, nhân viên y tế phải dốc hết sức làm việc với cường độ rất lớn khi số bệnh nhân tăng cao trong thời gian kéo dài, hầu như không có ngày nghỉ. Đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP và một số tỉnh phía Nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, dễ lây bệnh, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của họ.
6. Môi trường làm việc kém, thiếu thiết bị, thuốc men.
các vụ phạm pháp trong việc đấu thầu mua sắm thuốc men, y cụ trong thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường y tế.
Cụ thể nhiều nơi thiếu máy móc hiện đại cho các kỹ thuật cao, thuốc men, thậm chí thiếu các dụng cụ thông thường kể cả thiết bị bảo hộ cần thiết đã hạn chế việc làm của nhân viên y tế. Không lạ khi họ chuyển sang các tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
7. Căng thẳng
Nhân viên y tế phải thường xuyên chứng kiến sự đau yếu của bệnh nhân, đặc biệt cảm giác bất lực trước bệnh nhân tử vong, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân.
Thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ, giảm nhiệt tình khi hành nghề.
8. Lý do cá nhân
Nhân viên y tế bỏ việc vì lý do gia đình, do xa nhà, gia đình khó khăn, thu nhập thấp … Nhiều nhân viên y tế lo chữa bệnh người bệnh trong khi bỏ mặc người thân cũng đang ở khu cách ly cần được chăm sóc, không được về nhà khi người thân mất.
15 tiếng một ca trực trả lương 4, tới 5 triệu một tháng không đủ đủ tiền ăn sáng tiền xăng. Chẳng những lương thấp hơn cả lương công nhân mà còn bị trừ nữa! Một năm có đến mười mấy khoản trừ! Trong đó có cả khoản phòng chống tội phạm nữa!

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email