ĐẶT TÊN QUÝ TỬ

“Mỗi gia đình sinh đủ hai con”. Đó là bây giờ nhà nước đã rộng tay chứ trước kia vào thời kỳ khó khăn, mỗi gia đình chỉ sinh một con thôi, theo luật tối đa mới là hai. Con hiếm như thế nên việc đặt tên con trở nên quan trọng bởi vì người ta đâu có nhiều dịp để được chọn tên.
Xưa kia việc đặt tên có vẻ dễ dàng. Nếu là “bách tính” thì con ít hay nhiều cũng chẳng quan trọng, cứ sinh năm nào lấy ngay can chi năm ấy mà đặt, vừa đơn giản vừa dễ nhớ, vô cùng tiện lợi, đọc tên là biết ngay sinh năm nào, số tuổi bao nhiêu: Trần văn Giáp hay Nguyễn thị Hợi. Nếu không thì Phan văn Đực hay Hồ thị Bé… Thông thường người ta không chọn tên đẹp quá vì điều ấy có thể khiến ma quỷ để ý dòm ngó mà bắt mất đứa trẻ đi chăng. Cứ tên thật xấu cho chắc ăn. Thậm chí những đứa bé ngoài “tên chữ” còn được gia đình gọi một tên xấu xí thân mật ở nhà.
Tục này bây giờ vẫn còn. Anh Cả có tên gọi ở nhà là Xíu vì sinh thiếu tháng, người nhỏ như con mèo, anh thứ hai gọi Dô vì có trán dô, cậu út tên Trê vì thủa sơ sinh nằm không trở mình nên đầu bẹp như con cá trê… Ngoài ra còn cu Tý, cu Tèo, cái Bống, cái Gái… Ngày nay loại tên ấy cũng thay đổi nhiều. Con trai mười nhà hết tám là cu Bi, cu Bo… con gái là bé Ti, bé Na… Tên Bim xuất hiện sau khi phim “Chó Bim trắng tai đen” được chiếu trên màn ảnh. Những tên này có vẻ VN quá, có vẻ “cổ truyền” quá, không được Tây cho nên nhiều nhà đặt tên bé con là Tony, Chou… hay Mimi, Lili… hoặc theo các nhân vật quen thuộc trong phim hoạt hình: Mickey, Donald… Chỉ có điều người Việt thường không có thói quen gọi tên hai chữ, lôi thôi quá, nhất là khi cha mẹ đang bận rộn, nóng nảy thì không thể nào gióng dả kêu Mích-ki ơi, Đô-nan à mà chỉ quát lên Ki ơi, Đô ơi. Tên khai sinh đã chọn lọc, tên gọi nhà cũng không kém phần mỹ miều nên con gái chị bán tạp hóa được đặt tên Vương Phi để mong ngày đổi đời, tiệm tạp hóa đồng thời cho thuê truyện nên đầu óc bà mẹ cũng mơ mộng lắm. Vương Phi được mẹ gọi ở nhà là Chích Chòe. Chỉ có điều từ nhỏ đến lớn khi đã thành một cô thiếu nữ không lấy gì làm xinh lắm cô cứ bị cả nhà kêu “Chè ơi Chè”.
Những tên rất đẹp một thời Mơ, Lụa, Ngà… Thắm, Bông, Huê… bây giờ đều bị coi là “quê”. Vài cô mang tên đó nhất định đòi làm khai sinh lại khi sống ở phố phường giữa một rừng Tuyết Mai, Kiều Oanh, Lệ Thu… Những trường hợp như vậy, thường tòa án không đồng ý cho phép đổi tên. Chỉ những tên khi đọc lên quá đỗi thô hoặc kỳ dị mới được phép đổi.
Nhiều khi không hẳn chỉ đơn thuần là một cái tên để gọi mà cha mẹ còn gửi gắm vào đấy tình yêu, ước vọng và cả những nỗi niềm hay biến cố, kỷ niệm của mình. Một anh mang tên Tú Tài vì đó là bằng cấp mà khi xưa vì thi trượt, đường đời người cha đã rẽ sang một ngả không được như ý; bà khác chọn Ngọc Phú cho giấc mộng giàu sang, ông nọ đặt tên con là tên người yêu thuở nào, rất lâu sau bà vợ mới phát giác ra nổi cơn điên máu, bà nhất định đòi đổi tên con nếu không thì li dị. Mỗi ngày cứ nghe ông chồng gọi tên người yêu cũ họa có là thánh mới sống nổi cùng nhà.
Có vô vàn cách đặt tên. Người miền Trung hay đặt tên con trai hai chữ: Lê Trường, Cao Vinh… Cứ hỏi các ông bố bà mẹ sẽ thấy được tên được đặt theo những lý do muôn hình vạn trạng. Đặt tên con cái theo danh nhân: Quốc Tuấn, Quang Trung, Ngọc Hân, Nam Phương… Thạch Thảo được nhắc tới do bài hát Phạm Duy phổ thơ Appolaire đi vào lòng người nức nở. Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo. Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em… Tên theo dòng họ như Đặng Vũ, Hồ Đắc, Nguyễn Tài… Một cô giáo nhận xét suốt mấy niên học, những em học giỏi đều tên Ngân nên đặt ngay con gái tên ấy. Một bà làm việc ngành bưu điện cho hay không thích tên Anh Thư vì cho rằng các cô mang tên này, ám chỉ các nữ tướng ngày xưa, thường rất… đáo để! Kiếm tên nào hiền hiền một chút, nhìn ra ngoài xã hội thấy choai choai thời nay “vùng lên” mà phát sợ, chỉ mong con mình đừng có gì đặc biệt, cứ bình thường thôi là tốt nhất. Diệu Hiền ngoan lắm nhưng nghe quá xưa và trùng tên với một cô đào cải lương – vợ kép Út Hậu. Thanh Hà được gọi Si-gêm do được sinh ra đúng ngày đội tuyển túc cầu VN đoạt huy chương bạc ở Sea Games.
Bé con sinh vào chính ngọ được đặt Minh Nhật nhưng vào giữa đêm sẽ là Nguyệt Rạng. Một số tên được đặt nhiều đến mức đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp như Thu Thủy, Kim Ngọc, Mỹ Dung, Quang Minh, Hùng Dũng… Tuy vô số chữ có thể chọn để đặt tên nhưng đến lúc cần lại nghĩ không ra. Một cái tên không được trùng với ông bà còn sống hay đã khuất, cô dì chú bác, ông cậu, bà mợ… Ở Tây phương khi yêu quý người nào, cha mẹ sẽ lấy tên người đó đặt cho con cái nhưng VN thì không, lỡ khi bực mình mắng con đánh cái bị xem chẳng khác nào chửi xéo các vị ấy. Anh Hoàng Tuân khi làm việc ở công trường đã phải hết lòng bảo vệ chặt chẽ cho một anh bạn cùng chỗ, lý do anh không thể chịu đựng nổi khi có cãi cọ, tên của anh bạn bị réo ra lại trùng tên với cha anh, nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Họa sĩ Tú Duyên rất yêu quí vợ vốn họ Bùi tên Thanh nên tất cả con trai đều được đặt tên Bùi và tất cả con gái đều tên Thanh. Nếu không thì theo tên của cha mẹ. Cha tên Thành con là Công, con gái của nghệ sĩ ngâm thơ Huyền Trân là Huyền Châu…


Tên đi theo người cả một đời nên trước kia thường do ông bà chọn lựa cẩn thận, nhất là những vị hay chữ. Phan Long nghĩa là vin rồng chí cả, Bạt Tụy hơn người; chị Hương Ngưng là hương thơm đọng lại nhưng em là Hương Diên lại thơm lâu. Tên “chữ” gốc Hán-Việt thường có nghĩa đẹp hoặc lấy từ sách vở, thành ngữ, điển tích. Khiết Phương chỉ mùi hương tinh khiết, Băng Tâm tiết sạch giá trong; Hàm Hương là ngậm hương, mặc dù tên của một nàng công chúa hẳn hoi trong phim Hoàn Châu cách cách nổi tiếng trên truyền hình nhưng đi học vẫn bị bạn bè chọc ghẹo là hàm… răng!
Ngày nay, ít còn các vị thâm nho trong gia đình nên những tên có nghĩa thâm thúy cũng ít dần. Ông thầy cho tên Đăng Khải có chữ Mộc trong đó vì em bé mạng Mộc, thật đúng quá vì cả hai vợ chồng trẻ đang mơ ước có căn nhà dọn ra ở riêng. Riêng ông chủ tiệm photocopy phá lên cười ngặt nghẽo khi mọi người hỏi đến ý nghĩa bảng hiệu Xuân Thu lấy từ tên con gái của ông. Nhiều người cứ nghĩ cái tiệm photo từ sáng sớm đến tối mịt, công việc gắn liền với giấy má và con chữ dầy đặc hẳn ông chủ cũng là tay chữ nghĩa, kính nể hỏi bắt nguồn là tên bộ sách Xuân Thu của Khổng Tử chăng hay Thế chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế? Không phải đâu, rất đơn giản, chỉ là bà chủ có mang mùa Xuân và lâm bồn mùa Thu thôi! Đặt tên theo mùa cũng khá thông dụng. Xuân Mai, Thu Cúc thường thấy từ lâu, về sau này mới xuất hiện thêm Hạ Lan, Đông Đào nghe khá mô-đen.
Tên “chữ” có nghĩa hay nhưng đôi khi nghe không “kêu”. Một chị sinh cả dọc con trai bị cha chồng giành đặt những cái tên theo chị cho biết là “kỳ cục gì đâu” nên khi sinh lần chót, chị nhất định tìm cách cãi chọc ông giận để chị được toàn quyền đặt tên. Quả âm mưu thành công, chị con dâu đắc chí lôi đống tiểu thuyết ra nghiền ngẫm tên cho con gái cưng. Nào ngờ chị vừa từ phòng sinh ra phòng ngoài chưa kịp thở, cha chồng không thèm nhìn mặt thật, ông chỉ gửi con trai cầm tay vào đưa chị tờ giấy vỏn vẹn hai chữ Trí Túc, thế là rồi đời những Ý Nhi, Kiều Anh, Quỳnh Giao… ngẫm nghĩ suốt mấy tháng trời.


Bởi đặt tên không những nghĩa hay mà cần âm hay nữa. Chuyện vui cười kể một anh đột nhiên chạy nhào giữa đường hét to Bình ơi Bình, Dương ơi Dương, Khoa ơi Khoa… Mọi người ngạc nhiên hỏi chuyện gì. Có gì đâu, chẳng là kêu toáng lên thế để nghe xem tên nào thuận tai đặt cho con. Một số tên do phát âm địa phương khi đọc lên nghe lại khác đi. Như Tuyền thành Tiềng. Vì thế khai sinh dưới quê, nhiều người tên Lan bị đổi thành Lang, Tuấn thành Tấn, Trang thành Chang… là vậy. Guyên thì không rõ là Quyên, Uyên hay Huyên. Quyên có lẽ đúng hơn vì vài tên thông dụng ở miền Bắc rất ít xuất hiện ở miền Nam như Huyên, Hiên, Sâm… chẳng hạn. Một số bà mẹ cho biết đặt tên còn phải chú ý đến dấu thanh. Tên có dấu sắc sẽ như mũi tên bay vút lên trời, thanh huyền và thanh ngang la đà lắm, Thùy Nhiên suối tóc mơ màng. Những chữ có nguyên âm đôi ở giữa đọc lên rất du dương, ngân nga cho nên các nàng tiên ngày xưa đều được đặt tên theo cách đó: Giáng Hương, Giáng Kiều một trời nhan sắc diễm tuyệt; còn Hải Tuệ thanh nặng kèm dấu hỏi đi trước nghe “nặng chịch” làm sao! Do đó, một chị mất cả tháng trời mới quyết định cho con được cái tên, cả nhà cật lực bàn cãi trên một danh sách dài dằng dặc sao cho bật ra một tên thật “độc”. Minh Khuê là chiến thắng cuối cùng vì vừa nghĩa hay, chữ Khuê lại không thông dụng lắm. Có điều công phu thế mà vừa khai sinh xong mọc ngay một cô xướng ngôn viên ngày nào cũng có mặt trên TV đọc bản tin hàng ngày và khi lên năm tuổi, cô bé đi học thể dục bị ông thầy trêu cái nick name dễ thương Sáo Sậu thành “bà” Xấu Xạo vừa xấu vừa xạo. Vào tiểu học, giống như sức khỏe thường bị học sinh viết thành sức khẻo. Khuê bị gọi thành Khêu. Bà mẹ tức quá đòi có bầu lần nữa để lần này nhất định tìm bằng được một cái tên không đụng hàng.

Tên của VN, thông thường ba hay bốn chữ là vừa phải, nhưng tên con gái đôi khi tới năm chữ hay sáu, bảy nếu cô gái mang họ hoàng tộc Công tằng tôn nữ hay Công huyền tôn nữ. Ở ngoại quốc, bé Autumn Brown ở Perton, Wolverhamton (Anh) có tên dài hai mươi bảy chữ. Mẹ là Maria duy trì truyền thống của gia đình mê môn quyền Anh, đã đặt tên hai mươi lăm chữ lót tất cả lấy tên của các võ sĩ quyền Anh nổi tiếng thế giới. Autumn Sullivan Corbett Fitzsimmons Jeffries Hart Burns Johnson Willard Dempsey Tunney Scheling Sharket Carnera Baer Braddock Louis Charles Walcott Marciano Patterson Johansson Liston Clay Frazier Foreman Brown. Cha mẹ của Maria đã đặt tên cho ba người con với những cái tên dài tới một trăm lẻ ba chữ. Không rõ tên này có đạt kỷ lục Guiness chưa.


Tên được đặt khác biệt theo địa phương. Miền Bắc thích tên Hà, Linh… Lan Hương, Thu Hà… khá nhiều. Miền Nam ưa Trang, Trinh… Một số được coi là “kinh điển”: Anh Tuấn, Ngọc Lan… nhưng tên cũng thay đổi theo trào lưu. Trước kia, con gái lót Thị và con trai lót Văn nhưng giờ đây, con trai đã bớt Văn nhiều. Miền Bắc, thành phố hầu như không còn lót Thị nữa. Miền Nam trước 75 vẫn đặt tên con gái bốn chữ nhưng đôi khi không có Thị. Họ mẹ được lót vào tên để thể hiện “nam nữ bình quyền” và tình yêu của cha đối với mẹ. Dương Phạm Kỳ Nam hoặc một chữ nào đó thế cho Thị: Trương Ngọc Kim Oanh hay Đinh Hoài Bạch Tuyết, theo nhà văn Vân Trang mô tả thì nhiều tên đọc lên nghe khua vang loẻng xoẻng như chuỗi ngọc! Chữ Thụy lót cũng là mốt cùng khoảng thời gian đó. Bà Ngô Thụy Đài Trang than già rồi mà cái tên nhí nhảnh quá chẳng muốn khai ra. Sau 75 một thời gian rộ lên tên Uyên, vài năm gần đây là My, Vi rồi Thi, sau đó mùa Quỳnh nở rộ. Thoa, Sương, Nhạn, Xuyến… ít còn thấy ai thích nữa. Trà Mi vốn không ai đặt tên do ngại câu thơ của Nguyễn Du. Tiếc thay một đóa trà mi… Thúy Kiều cũng thế, thân phận lênh đênh trong văn học nay đã thoát nỗi ám ảnh xa xưa để trở thành những tên chứa đựng nhiều lãng mạn. Trong hẻm bình dân, nhiều cô bé độ mười lăm trở lại mang tên Gia Hân phản ảnh thời kỳ hoàng kim của phim bộ Tàu khi có đến mấy diễn viên xinh đẹp cùng mang tên đó chỉ khác nhau cái họ. Nay thì quay đi quay lại cứ đụng An Nhiên, Gia Bảo…
Thật ra tên của nam giới khá đơn giản, xấu hay đẹp, ý nghĩa hay không ít người chú ý, không giống như phụ nữ, bản chất vốn là vưu vật của tự nhiên, bản tính vốn nhiêu khê, cho nên tên cũng thế. Tên của phụ nữ bao giờ cũng đòi hỏi phải đẹp, phải hay để thêm phần lôi cuốn! Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng (Vũ Hoàng Chương) hay Hạc bay bỏ cội thông già. Đồi xưa hiu quạnh sương sa lạnh lùng (Trần Tuấn Kiệt) chứa đầy tương tư da diết.
Cái tên thật trọng đại, vẫn biết chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng một tên quá xấu dường như khó nên… đại sự. Mặc dù nhiều tên được đặt quá hoa mỹ hoàn toàn trái ngược với con người trong thực tế gây buồn cười nhưng nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tên có thể gây tác động đến cá tính thậm chí đến số phận và sức khỏe của người đó. Tên con trai nên mang chất nam tính và tên con gái nên mang nhiều nữ tính. Nếu ngược lại thì tính tình con gái sẽ trở nên cứng và con trai đâm ra mềm đi… Những tên đặt theo mối liên hệ trong gia đình thân thuộc sẽ có ảnh hưởng nào đó vào tính cách của nhau.
Thành thử đặt tên con cũng là vấn đề chứ chẳng chơi và nói hoài không hết chuyện đặt tên.

Hàm Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email