Hàm Anh
Chỉ cần nói “đêm ba mươi”, người ta hiểu ngay đó là đêm cuối cùng của một năm, không cần phụ đề thêm “đêm ba mươi tháng chạp”.
“Đêm ba mươi” hay “đêm giao thừa” là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, đêm thiêng liêng nhất trong 365 đêm của một năm.
Nhà cửa đã quét dọn, lau chùi sạch sẽ như lau như ly rồi. Vì trong ba ngày sắp tới kiêng không được… quét nhà. Rác là lộc nên giữ nguyên đó, không hốt bỏ đi, nhất là lúc trước còn đốt pháo, xác pháo đỏ được giữ nguyên trước nhà suốt ba ngày. Nếu cần thì quét ngược từ ngoài vào trong nhà.
Những hàng ăn uống ráng vét khách vào buổi sáng cuối năm mang xe, tủ kính bày thức ăn, thức uống ra lề đường lau chùi rửa ráy. Chắc đây là lần tắm tưới… duy nhất trong một năm! Trước kia cứ đến đêm 30, các gia đình mới tháo cánh cửa cái, cửa sổ ra trước nhà tưới nước, kỳ cọ nhưng nay không còn thấy. Một phần những việc làm như thế đã làm từ trước chứ không đợi đến phút cuối này, một phần đa số các nhà là cửa kính, cửa sắt nên không tháo ra dễ dàng được.
Hầu như ai cũng trong tâm trạng háo hức chờ đón niềm vui đang nhẹ nhàng len lỏi tới. Lòng dân lên cảm giác chộn rộn, vội vã khi thời điểm giao thừa mỗi lúc đến gần.
Bữa cơm chiều 30 cúng đón ông bà đã xong. Ai đi xa cách mấy tha phương cầu thực cũng cố trở về gia đình dâng nén hương trình diện với tổ tiên và dự bữa cơm đoàn tụ gia đình. Xum họp đêm 30 là thời khắc rất quan trọng. Vì thế trước đó mấy ngày, phi trường, ga xe đều nghẹt khách lũ lượt về quê, xe khách chạy 24 giờ suốt ngày đêm không nghỉ để kịp đưa khách về chậm nhất trước giao thừa. Sau thời điểm đó, dường như Tết đã qua rồi, không còn ý nghĩa nữa. Do kế sinh nhai, học hành, dù công ăn việc làm tận đâu, trong Nam ngoài Bắc, cận kề ngày tết, thậm chí từ vài tháng trước, người xa quê đã mua vé xe, vé tàu… chịu mua vé chợ đen giá cao để về nhà ăn tết. Cố gắng kịp đón giao thừa tại nhà, dưới bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương.
Người bận công việc còn ở ngoài đường, vội vã chạy xe mau mau về. Từ chiều ba mươi trở đi, trên đường phố không còn xe buýt, xe lam, xích lô… Ở ngã tư, đầu hẻm cũng vắng mặt cả xe ôm. Vào lúc đó, giá chạy xe ôm có thể cao hơn ngày thường gấp mấy lần nhưng không ai tham món lợi ấy, xe ôm nhất tề về nhà đón năm mới.
Ai có xe thì cố chạy cho xong việc riêng còn không thì tề tựu ở nhà. Biếu xén đã xong, không còn hàng quán để mua sắm, vài người chỉ có thể vội vã đến hàng rũ lề đường bán rốn để cấp tốc mua chiếc thắt lưng, đôi vớ… diện Tết.
Trường hợp ngoại lệ: Việc riêng nào còn mắc mứu tới đêm ba mươi thường là chuyện nợ nần. Không ai muốn nợ dây dưa sang năm mới sẽ “rông” cả năm nên chủ nợ bất đắc dĩ lắm phải đòi cho bằng được vào chiều tối ba mươi. Nợ còn thiếu đợi ra Giêng ngày rộng tháng dài đòi tiếp chứ chủ nợ ráo riết mấy, sau 12 giờ, cũng ngưng việc đòi nợ. Tục lệ xưa đó được một nhà văn tiền chiến tường thuật trong câu chuyện tả cảnh con nợ lẩn trốn, mãi gần giao thừa mới dám lò dò về thì chủ nợ biết ý đã rình sẵn cạnh nhà rình tóm gọn… Có đòi nợ xiết đồ thì vào lúc ấy chứ đến 12 giờ 1 phút trở đi thì cả hai bên đình chiến. Con nợ tuy sợ chủ nợ lắm nhưng sát giao thừa cũng đành mò về cúng đón ông bà chứ qua năm mới đâu còn đón đưa gì nữa.
Trước đây, người ta thường có lệ nấu bánh chưng, bánh tét vào đêm ba mươi để nhân thể vừa canh nồi bánh vừa thức khuya đợi giao thừa, nhưng nay hầu như thay đổi hẳn. Đời sống ngày càng quay cuồng, lệ đi biếu xén ngày càng rộng: biếu thầy cô, biếu sếp, biếu bà con bạn bè khắp nơi… nên phải nấu từ vài ngày trước để kịp biếu xén. Gia đình thành phố ít người, lại vẫn bận bịu đi làm, đi học cho tới sát Tết, tận chiều 30 vẫn loay hoay cúng quảy. Bữa cơm chiều 30 là bữa cỗ đầy đủ các món nên nấu nướng bận rộn, khó mà bày thêm nấu bánh như miền quê.
Tối 30 tết là giờ phút nghỉ ngơi, là lúc đại gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Đó là buổi thảnh thơi nhất trong suốt năm dài. Công việc, học hành, mọi lo toan đều được trang trải hết để tâm hồn thanh thản đón chào một năm mới mang nhiều hy vọng vui tươi, hạnh phúc.
Vừa tối, mọi người chỉ còn tụ tập ngồi chơi tán gẫu, mở TV xem chương trình “Ông Táo chầu trời”, lùa trẻ con ngủ sớm để chờ 12 giờ… thức dậy trong lúc người lớn bắt đầu chương trình chơi Tết bằng cách gầy sòng.
Từ 11 giờ đêm, nhà nhà đã sạch sẽ tinh tươm, sáng choang đèn nến từ trong ra ngoài. Ngày thường rác rến mặc kệ nhưng từ xẩm tối, trước cửa mọi nhà đều sạch bong. Tình trạng này được giữ gìn cho hết đêm 30 để chỉ mới sáng sớm mồng 1, thế nào cũng có người lén tuồn bịch rác ra đầu hẻm cạnh gốc cây, cột điện.
Ngoài phố “đen như mực”, “tối như đêm ba mươi”, vắng lặng, êm ả và sự nôn nao chờ đợi nhẹ nhàng lan dần chờ đón tiếng chuông trống, tiếng pháo thâu băng… điểm 12 giờ..
Cửa nẻo mở rộng, ai nấy cố nhướng mắt đón giao thừa. Coi chừng ngủ gật. Để đồng hồ báo thức chứ không còn pháo nhất loạt nổ đì đùng nữa..
Mâm cúng trời đất được bày biện ra đón mừng năm mới chỉ có hương, hoa, nến, trái cây, nước lạnh… để đón Thiên binh. Các Hành khiển cũ sẽ bàn giao công việc cho các vị mới. Việc thị sát rất vội vã, các vị chỉ lướt qua, không thể vào nhà cũng như không có thời gian ngừng lại lâu để thụ lộc. Đó là lý do mâm cúng thanh cảnh, đơn giản. Cửa tiệm, công ty, xí nghiệp tùy to hay nhỏ, có nhân viên trực cũng bày một mâm cúng đồ sộ hay đơn sơ trước cửa.
Cúng ngoài trời đơn giản nhưng cúng trong nhà mời ông bà đón trừ tịch lại vẫn là một mâm cỗ mặn thịnh soạn với miền Bắc đủ nem giò măng mọc, miền Trung có ram, gỏi gà…, miền Nam thịt kho, canh khổ qua…
Vừa cúng chiều lại cúng bữa cỗ ban đêm. Theo đúng lễ xưa thì ba ngày Tết đều cúng cơm ba bữa mỗi ngày. Nhiều nhà thành phố chịu không nổi nên bánh chưng bánh tét cứ để trên bàn thờ. Tháng Chạp là mùa gió Đông Bắc, thời tiết có năm nắng nóng nhưng cũng có năm mát mẻ, bánh trái có thể chưng trên bàn thờ mấy ngày không sợ hư.
Giờ khắc giao thừa thiêng liêng đã đến. Nhạc báo hiệu từ TV. Pháo bông nổ lụp bụp trên nền trời. Chuông trống dồn dập vang lên. Từ trước 12 giờ, ai nấy mặc quần áo đẹp đã thong thả đi đến đình chùa miếu mạo và sau 12 giờ thì mọi người lũ lượt kéo đến những nơi ấy. Không ồn ào, chen lấn mà rất từ tốn khoan thai. Trong giờ phút linh thiêng ấy, mọi người đều cố gắng giữ gìn sự nhẹ nhàng.
Ở vùng quê, trên con đường từ đình chùa về nhà, người ta hay hái một nhánh cây cành lá xum xuê làm lộc. Ở thành phố, sau nhiều năm qua giao thừa, cây cối trong vườn bị vặt trụi, nhà chùa thường xếp đống rất nhiều vạn thọ, phất dụ để mọi người có thể lấy lộc về bao nhiêu tùy thích.
Người chủ gia đình thắp nén hương kính cẩn cáo trời đất. Bắt đầu một năm mới. Cầu cho quốc thái dân an. Cầu cho gia đình mọi sự bình an, tốt lành. Cầu cho bản thân sức khỏe…
Ngoài phố yên ả chỉ còn vài hàng bong bóng, xe đẩy quà… bán cho người đi lễ đón giao thừa. Các con đường vắng vẻ tĩnh mịch nhưng riêng khu trung tâm thành phố lại đông đúc, thậm chí có lúc kẹt xe. Những người trẻ không tuân thủ tục lệ ở yên trong nhà. Ơ một giây phút đặc biệt như thế đóng cửa ở nhà sao được nên nam thanh nữ tú túa ra khu đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Hoàn toàn không còn công việc gì phải làm lúc này nữa, chỉ thuần túy du Xuân thôi. Quần áo mới tinh, áo dài tha thướt kiểu cọ khiến cho khung cảnh những nơi này mang vẻ Tết trang trọng đến mức không thể Tết hơn được nữa.
Mặc dù nhà nước đã dẹp người gia cư ngủ trên vỉa hè để tránh kẻ gian nhưng đâu đó, nhất là gần chợ búa, vẫn còn những người không nhà nằm ngủ trên bậc tam cấp, trên sạp hàng ngoài chợ, trên xe xích lô… Và những người còn tiếp tục lủi thủi kiếm sống bằng cách bán vé số, nhặt rác…
Mấy năm gần đây, có nhiều tổ chức, cá nhân đã lấy việc phát quà cho người nghèo vào tối ba mươi, gửi niềm vui tới người khác làm niềm vui cho mình.
Như mọi năm, nhiều người hảo tâm quyên góp từ khắp nơi tạo thành quỹ giúp người cơ nhỡ, trong đó có việc phát quà cho người nghèo đêm 30. Mỗi phần quà thường là bánh chưng, bánh tét và một phong bao lì xì
Khoảng gần giữa đêm, ai nấy bắt đầu xuất hành về các hướng. Mấy chục phần quà phút chốc đã phát xong. Nhẹ nhàng đặt một phần quà vào người đàn ông nằm ngủ trên chiếc xe xích lô. Bà cụ già co ro khoác tấm mền chỉ trên bậc cửa ngân hàng. Người phụ nữ lấm lem đang bới đống rác. Thắng bé gầy còm với xấp vé số trên tay…
Đó là công việc làm cuối cùng của đêm trừ tịch. Đêm cuối cùng của năm trôii qua trong niềm vui nhẹ nhàng như thế.
Sáng hôm sau thức dậy. Người nhân dịp kỳ nghỉ dài ngày thu xếp hành lý lên đường đi du lịch và trốn khách. Người khác lên chương trình thăm viếng du Xuân. Sáng mồng 1 đã qua năm mới. Không còn cảm giác nôn nao đợi chờ, hương vị Tết bắt đầu vơi vơi….
Hàm Anh