Bài – ảnh: Trần Công Nhung
Hà Tiên có một trang sử mang ý nghĩa lớn về văn hóa, xã hội, nhất là mở rộng bờ cõi xứ Việt, đó là dòng họ Mạc, khởi đi từ Mạc Cửu.
Lịch sử dòng họ Mạc có nhiều truyền kỳ huyền thoại: chuyện chôn sống bà cô Năm (Mạc Ni Cô), chuyện chủ tỉnh người Pháp khai quật mộ Mạc Thiên Tích phu nhân… Hiện nay Hà Tiên còn nguyên đền thờ và khu lăng mộ Mạc Cửu
Khu lăng không lớn theo kiểu lăng của các vua triều Nguyễn ở cố đô Huế. Một đền thờ khiêm nhường, cổng vào đền cũng nhỏ hẹp, không tam quan, chẳng khác gì cổng nhà thường dân ngày trước. Nếu không có bảng xi măng “Ðền thờ họ Mạc” thì không ai biết đây là nơi an nghỉ của một bậc “Khai Quốc Công Thần”.
Qua khoảng sân vừa phải, có cây cảnh trang nghiêm, một nhà tiền sảnh trống trơn, mái lợp hai tầng, có đắp long chầu, nhưng không phải kiểu “tranh châu, chầu nguyệt”, mà chầu một hình tượng như ngọn đuốc, như búp hoa. Bên trong là đền, nhỏ như nhà thờ họ, cửa khóa đóng kín. Nhìn vào thấy có bệ thờ hàng mấy chục bài vị viết bằng chữ Hán. Không một bóng khách, tôi đang tìm cách vào xem thì một người đàn ông khoảng hơn ba mươi bước ra. Anh cho biết bà ngoại của anh là bà Mạc Thiên Nam Hương, anh là người dòng dõi họ Mạc lo việc trông coi. Tôi nhờ anh mở cửa, anh nói giọng lè nhè hơi men:
– Không biết chú có duyên không. Phải có duyên mới mở được.
Tôi yên lặng chờ, điện thoại di động của anh reo lên, thế là anh coi như không có mặt tôi nữa:
– Em hả, anh đợi em từ sáng giờ. Chiều nay anh gặp em…Ừ được em lo gì…
Vừa trả lời điện thoại, anh vừa dần xa tôi, đúng là không có duyên, tôi vội đi vòng ra sau lên thăm khu lăng và chợt nghĩ: May mà “anh dòng dõi” này đã quá xa thời họ Mạc, chứ không, “con sâu” to thế thì tai hại đến “nồi canh” lắm lắm.
Lăng mộ riêng lẻ từng ngôi, theo triền đồi núi Bình San lên cao dần, lối đi lát gạch sạch sẽ, không khí trang nghiêm và đầy vẻ u linh. Hầu hết các ngôi mộ được sửa sang theo lối mới, màu vôi vàng, câu đối viết nguyệch ngoạc, chữ được chữ mất. Một vài tháp, mộ, có bảng tên: Tháp bà Mạc Thị Ân (số 48), mộ ông bà Mạc Bá Bình, mộ ông bà Mạc Tử Khâm (số 25).
Cách xây mộ cho thấy tùy theo thứ bậc, lớn nhỏ khác nhau, và không xếp theo hàng lối nhất định. Một khu mộ trên cao, không màu mè, nằm trong hai vòng thành bán nguyệt thấp, chưa đến 1m, bia mộ khắc chữ Hán, có lẽ là mộ của Mạc Cửu. Bia mộ đều viết chữ Tàu, người không thông thạo cũng khó biết.
Trước cổng đền có ba hồ sen. Ðặc biệt có mộ Bà Cô Năm (con thứ 5) tức Mạc Ni Cô (số 43) được thờ cúng riêng, mộ cũng đã sửa mới theo kiểu bình dân, có bia mộ, có hạc chầu hai bên, trước mộ có bàn trà nước, mọi thứ làm cho nơi tưởng niệm mất hết nghiêm trang, chỉ còn là nơi hàng ngày ghi nhận “công đúc” của khách thập phương. Quanh mộ có nhiều kỷ vật tặng, như ghế đá, tượng thờ, có cả tên tuổi người Việt hải ngoại.
Anh xe ôm cho biết sở dĩ vậy là do tiếng đồn bà rất linh. Nhiều người đến cầu xin gia sự đều được toại nguyện. Tương truyền lúc bà sinh ra, tóc đã dài, biết nói, bà khuyên cha không nên đi xa, nếu không sẽ chết không toàn thây. Lúc bấy giờ Triều Ðình nghe được cho là ma quỷ hiện hình nên xúi ông đem chôn sống…Chuyện hư thực như thế nào không thấy ghi chép…
Theo tóm lược ghi nơi đền thờ họ Mạc thì Mạc Cửu quê ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. Lúc nhà Thanh thay nhà Minh ông không phục tòng, tìm cách vượt biển đi về phía Nam. Ðến Chân Lạp, ông xin vua nước này khai hoang vùng đất bấy giờ có tên Mang Khảm. Nhờ tài kinh bang tế thế ông quiy tụ đông đảo dân chúng đến lập cư làm thành 7 xã (tỉnh): Phú Quốc, Vũng Thơm, Trũng Kê, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau và Hà Tiên. Năm 1708 ông dâng 7 xã cho Chúa Nguyễn Phúc Chu và được Chúa phong làm Tổng Binh Trấn Quốc Hà Tiên. Từ đó cứ ba năm triều cống một lần. Năm 1735 ông qua đời, được truy phong Võ Nghị Công.
Chẳng đội trời Thanh Mãn
Lần qua đất Việt bang
Triều đình riêng một góc
Trung hiếu vẹn đôi đường
(trích Nghĩ Vịnh Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích của Nữ sĩ Mộng Tuyết)
Con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích (Tứ) được Chúa Nguyễn phong Tông Tức Hầu (1). Mạc Thiên Tích văn võ toàn tài, nối nghiệp cha, mở rộng đất Hà Tiên. Ông là trụ cột chính của nền văn học (văn hiến) Hà Tiên, ông mở Chiêu Anh Các, tập hợp nhiều danh tài thơ văn. Nhờ vậy, Hà Tiên không những chỉ nổi tiếng cảnh đẹp mà còn là nơi văn vật không ai bằng. Mỗi cảnh đẹp của Hà Tiên ông có một bài vịnh. Mạc Thiên Tích thủ xướng HàTiên Thập Vịnh đầu tiên (1736) sau đó mỗi thành viên trong Chiêu Anh Các họa vần mỗi người 10 bài. Tổng cộng có 320 bài, toàn thơ chữ Hán, về sau thêm 10 bài của Nguyễn Cư Trinh. Riêng Mạc Thiên Tích còn 10 bài vịnh bằng chữ Nôm.
Cho đến bây giờ Chiêu Anh Các vẫn còn giữ lệ họp mặt bình thơ. Một thành viên đại lão của Chiêu Anh là nữ sĩ Mộng Tuyết, năm 2006 đã 92 tuổi, bà vẫn còn theo dõi chuyện thơ văn. Trong dịp đến Hà Tiên, tôi được bà tiếp chuyện và dành cho nhiều ưu ái, khiến tôi càng vui trong công việc của mình.
Hà Tiên cũng có một vài chùa cổ nổi tiếng, chùa Phù Dung, chùa ni Tam Bảo. Chùa Phù Dung còn gọi là Phù Cừ Am Tự, do Mạc Thiên Tích dựng giữa thế kỷ 18 cho người vợ thứ hai tên là Ai Cơ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân) tu hành. Chùa đã được trùng tu nhiều lần nên trông như một chùa mới xây, đặc biệt có tượng Phật Thích Ca cốt tre do Mạc Thiên Tích thỉnh từ Trung Quốc. Trong khuôn viên chùa có mộ bà Nguyễn Thị Xuân và 4 vị sư. Dư luận cũng đồ rằng vị trí chùa Phù Dung là nơi Chiêu Anh Các ngày trước. Trước sân chùa có tượng Quán Thế Âm cao lớn đứng trên tòa sen.
Chùa ni Tam Bảo, cũng là ngôi chùa có từ thời Mạc Cửu (1730) nằm trên đường Phương Thành nhưng đã bị hư hỏng hoàn toàn và được Hòa Thượng Phước Ân xây lại năm 1930. Trong khuôn viên chùa có khu mộ 16 vị sư, và mộ Thái Bà Bà (mẹ Mạc Cửu). Trước chùa có nhiều vườn tượng màu sắc lòe loẹt không gì gọi là nét cổ chùa xưa. Tôi đi quanh ra đến đài thờ Phật Di Lặc làm theo kiểu chùa Một Cột, các ni cô đang xúm xít ngồi ngoài hiên ăn chiều, quay lại sân tượng thấy có người đàn bà dắt mấy đứa bé đang thắp nhang trước tượng Niết Bàn, tôi hỏi:
– Xin lỗi chị, đây là chùa Ni phải không chị?
– Dạ đúng, bị chùa này ngày xưa là nơi tu hành của mẹ ông Mạc Cửu.
– Vậy sao.
Thấy tôi có vẻ hăm hở nghe, người đàn bà kể tiếp:
– Người ta đồn, hồi xưa mẹ Mạc Cửu vốn sùng đạo Phật nên ông làm chùa cho bà tu. Một hôm đang ngồi niệm Phật thì bà tịch. Mạc Cửu cho đúc tượng bà để thờ và chùa có tên là chùa Tiêu. Vì thế Mạc Thiên Tứ đã mượn tiếng chuông chùa để vịnh cảnh “Tiêu Tự Thần Chung”.
– À, sự tích là thế, cảm ơn chị.
Nói về ảnh đẹp thì chùa Phật Ðà có tượng Thích Ca ngồi gốc bồ đề đại thụ, tượng mới làm 2 năm nay, pho tượng trắng nổi bật trước gốc cây tua tủa rễ. Một tấm ảnh đẹp đôi lúc không cần cầu kỳ, khó hiểu, đơn giản mà bắt mắt, gợi được đôi ý gởi gắm càng hay.
Hà Tiên cũng có ngôi chùa Miên khá lớn và đẹp, chùa Xà Xứ. Cổng chùa hoàn toàn mang nét nghệ thuật Cambodia, từ hoa văn đến màu sắc, không pha trộn như những chùa ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Chùa Miên luôn có không khí thanh tịnh của Thiền Môn, không thấy cảnh mua bán nhốn nháo như phần lớn ở đền chùa người mình dù là Bắc hay Nam.
Trời đã chiều, tôi giục anh xe chạy ra khu du lịch Mũi Nai. Nét chung chung các khu du lịch bãi tắm đều tổ chức na ná nhau. Bãi tắm Mũi Nai cát thẩm màu đất, cạn, sóng nhỏ. Con đường men bờ biển lát gạch và nhiều cây lâu đời, chạy dài nối tiếp ra mút Mũi Nai, cảnh trí thật nên thơ.
Chưa là mùa hè, người tắm chưa đông. Vào bãi Mũi Nai từ hướng cầu Tô Châu, qua một cổng chào tam quan, lớn mà không đẹp. Ở đây có trạm kiểm soát bán vé. Tôi hỏi anh xe trước kia Hà Tiên thế nào, anh trả lời chắc nịch: “Hồi xưa Hà Tiên buồn thấy mẹ ông ơi, ra đường sợ ma thấy mồ, giờ người quá chừng chừng”. Bây giờ có bao nhiêu đất người chiếm hết lấy đâu cho ma.
Ðể xem cho tường tận, thăm cho hết cái đẹp của Hà Tiên phải mất mấy ngày. Hà Tiên có được tiếng thơm hôm nay chính là do công của một người không cùng xứ sở, đã đóng góp sự nghiệp lớn trong việc xây dựng đất nước Việt Nam, cả văn lẫn võ, làm cho Hà Tiên sáng ngời trong lịch sử nước nhà. Ngày trước các Chúa Nguyễn hết lòng ca ngợi tôn vinh sự nghiệp họ Mạc, ngày nay xem ra bị lãng quên dần. Khu di tích lịch sử họ Mạc cần được bảo tồn đúng mức để không chỉ tỏ lòng biết ơn người xưa mà còn là bài học sống động cho con cháu mai sau.
Trần Công Nhung
___________________________
(1) Tông là húy danh, chính danh là Tứ hoặc Tích.