Trận đại dịch kéo dài đến nay đã là hai năm rưỡi nhưng vẫn chưa chấm dứt hẳn, và các chuyên viên y tế đã phải đi đến kết luận rằng: Các loại thuốc chủng ngừa hiện có mà cứ mỗi vài tháng lại phải chích một mũi tăng cường là điều không thể kéo dài mãi được.
Mặc dù hầu hết các loại thuốc chủng phải mất nhiều năm để bào chế, thuốc chủng Covid mà chúng ta đang sử dụng hiện nay được bào chế trong một thời gian ngắn kỷ lục – chỉ trong ít tháng. Đối với các giới chức y tế và công chúng lúc đó vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm bất cứ công cụ hay biện pháp y tế hữu hiệu nào đó để đối phó với đại dịch, thì sự xuất hiện nhanh chóng của thuốc chủng giống như một vị cứu tinh mang lại cho nhân loại niềm hy vọng to lớn: giảm bớt các trường hợp phải nhập viện và tử vong,cho phép ngườidân thoát khỏi cuộc sống bị cô lập và được đi làm trở lại, trường học mở cửa lại và cuộc sống trước Covid phần nào đã trở lại bình thường.
Có điều là các loại thuốc chủng Covid đang được sử dụng hiện nay không có được hiệu quả lâu dài như những loại thuốc chủng cho những căn bệnh hiểm nghèo khác như bại liệt, quai bị và viêm gan, là những loại sau khi chích vẫn giữ được hiệu quả trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Thậm chí điều đáng lo ngại hơn đối với một số nhà khoa học và giới chức y tế công cộng – đó là các loại thuốc chủng hiện tại không hoàn toàn bảo vệ cơ thể để chống lại khả năng lây nhiễm, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể của chúng và tạo cơ hội cho con vi khuẩn biến đổi thành các chủng dễ lây lan và gây chết người hơn trước.
Những điều khiếm khuyết đó của thuốc chủng Covid đã tạo ra một vài bất cập với thời điểm hiện tại, khi mà nhiều người dân nay bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với việc là cứ lâu lâu lại được kêu gọi đi tiêm liều tăng cường, bằng chứng là số người nhận mũi tăng cường thấp hơn nhiều so với số đông người náo nức xếp hàng dài chờ đợi để được tiêm những liều thuốc đầu tiên. Tình trạng này đã đặt các nhà bào chế thuốc chủng và chính phủ liên bang phải đi đến quyết định mới trong việc đối phó với Covid: Làm thế nào và khi nào thì có thể sản xuất được loại thuốc chủng được thiết kế không phải chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp như ở thời điểm ban đầu mà để dùng và ngăn ngừa cho một căn bệnh nay đã thành căn bệnh lưu hành? Nói cách khác, loại thuốc chủng Covid lâu bền.
Ngay lúc này, các công ty bào chế chỉ có thể cập nhật các mũi thuốc tăng cường ngắn hạn để tạm thời ngăn chặn những con vi khuẩn biến thể mới.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thuốc chủng đang làm việc miệt mài để tìm cách bào chế ra loại thuốc chủng Covid lâu bền, một loại thuốc chủng lý tưởng có khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm và hiệu quả kéo dài trong nhiều năm, tiện lợi và dễ sử dụng như thuốc xịt mũi vậy. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chủng trong quá khứ phải mất 10 năm hoặc lâu hơn để phát minh ra; như thuốc chủng cho bệnh quai bị, loại được phát minh nhanh nhất, cũng phải mất tới bốn năm. Thuốc chủng cho Covid có thể cũng phải mất ít nhất ngần ấy năm để có thể phát minh ra một loại thuốc chủng hoàn toàn mới cho công chúng, đặc biệt là quỹ tài trợ dồi dào trị giá $18 tỷ dành cho Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed) của năm 2020 đã giúp tìm ra thuốc chủng Covid trong một thời gian ngắn kỷ lục nay không còn nữa, và trong tương lai có lẽ cũng không thể có lại được.
Sau khi những loại thuốc chủng của Pfizer-BioNTech và Moderna, và kế đó là của Johnson & Johnson, AstraZenca và Novavax lần lượt xuất hiện khiến cho mức độ tin tưởng trong dân chúng cũng như trong chính phủ tăng cao rằng đại dịch sẽ chấm dứt nay mai. Vào tháng 5 năm 2021, Tổng thống Joe Biden phát biểu trước quốc dân và đồng thời đưa ra khuyến nghị của trung tâm CDC rằng những ai đã được tiêm chủng thì không cần phải đeo mask trong nhà hoặc ngoài trời. Người dân Mỹ được một phen thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng.
Nhưng không lâu sau đó, biến thể Omicron xuất hiện. Trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ là vào tháng 12 năm 2021, ngay sau khi biến thể Delta đã vượt qua đỉnh điểm của nó. Omicron, với hơn 50 loại đột biến khác nhau, dễ lây lan hơn các biến thể trước đó. Và các loại thuốc chủng trở nên kém hiệu quả hơn để chống lại biến thể này.
Khi ngày càng thấy rõ hơn là các loạt thuốc chủng chính không đủ khả năng để ngăn cản Omicron và các biến thể phụ của nó, các giới chức y tế đã phải đi tìm các liều tăng cường để giải quyết tình trạng cấp thời. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của liều tăng cường qua một thời gian cũng yếu đi. Theo kết quả một nghiên cứu vào tháng 2 vừa qua, mức độ hiệu quả của thuốc chủng và liều tăng cường cộng lại để chống lại việc lây nhiễm Omicron là dưới 50% sau khi được tiêm chủng từ 14 đến 60 ngày. Hy vọng vào lúc ban đầu là thuốc chủng sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm và do đó hạn chế tình trạng lây lan, nhưng con vi khuẩn biết tự biến đổi theo những cách giúp nó tránh được khả năng miễn dịch. Số trường hợp nhiễm Covid sau khi đã được chích ngừa trước đó vốn hiếm thì nay trở nên phổ biến hơn. Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng những lời hứa hẹn về mức độ lây nhiễm và lây lan mạnh sẽ bị chặn lại nhờ thuốc chủng có lẽ đã đưa ra quá sớm và nay trở thành thiếu thực tế.
Việc tham gia chích các mũi tăng cường sau này xem ra có phần uể oải hơn so với sự hưởng ứng tích cực của công chúng trong những đợt chủng ngừa đầu tiên. Khoảng ba phần tư người Mỹ trưởng thành đã nhận những mũi chủng ngừa đầu tiên, và khoảng một nửa trong số đó là đã nhận thêm một liều tăng cường. Tuy nhiên, chỉ khoảng một phần năm những người tuổi từ 65 trở lên – là nhóm dân số có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong do Covid – là đã nhận liều tăng cường thứ hai. Sự thất vọng của công chúng đối với việc cứ phải chích thêm thường xuyên chính là lý do khiến người ta vừa đâm ra lười chích thêm mũi tăng cường lại vừa bớt hăng hái ủng hộ cho những biện pháp phòng chống đại dịch nói chung.
Khi nói đến khả năng của thuốc chủng sẽ bảo vệ cho sức khoẻ của người được chích trong bao lâu có liên quan đến hai yếu tố chính: Bệnh biến đổi nhanh như thế nào và khả năng ghi nhớ bệnh của hệ thống miễn dịchnhanh chậm ra sao. Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu xem sự tương tác giữa hai những yếu tố trên. Thật khó để các nhà nghiên cứu có thể biết trước mức độ bảo vệ của thuốc chủng và thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu. Lấy ví dụ bệnh sởi chẳng hạn, đây là loại vi khuẩn gây bệnh tương đối ổn định. Các nhà nghiên cứu cho biết, thuốc chủng để phòng bệnh sởi có thể cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời. Mặt khác, bệnh cúm thì lại thay đổi nhanh chóng và các nhà nghiên cứu cứ phải chạy đua để theo kịp với nó mỗi năm. Ở giữa hai thái cực đó là các mầm bệnh như sởi Đức (rubella) và quai bị.
Riêng với con vi khuẩn corona thì các loại thuốc chủng đặc biệt gặp khó khăn hơn là vì nó biến đổi quá nhanh. Do khả năng biến đổi quá nhanh đó giúp cho con vi khuẩn tránh được các loại thuốc chủng và thuốc tăng cường hiện tại.
Để phát minh ra loại thuốc chủng lâu bền hơn, các nhà nghiên cứu có một số lựa chọn. Họ có thể tạo ra thuốc chủng chống lại một số biến thể cụ thể hoặc một loạt các chủng nào đó, thay đổi cách tiêm thuốc vào cơ thể, chuyển đổi công thức kích hoạt hệ miễn dịch – hoặc nhắm mục tiêu cao hơn, chẳng hạn như ngăn ngừa mầm lây nhiễm.
Các loại thuốc chủng ban đầu được sử dụng để tiêm vào bắp thịt, vì vậy hiệu quả của cách thức này là thuốc có thể bảo vệ phổi khỏi bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng loại thuốc chủng xịt thẳng vào mũi có thể mang lại hiệu quả cao hơn và thậm chí có thể ngăn chặn nhiễm trùng và lây truyền vì nó có thể chặn vi khuẩn xâm nhập qua đường mũi, họng và miệng, nơi nhiễm trùng xảy ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng hơn 350 loại thuốc chủng Covid đang được thí nghiệm và bào chế trên toàn cầu. Trong số đó, có 161 loại đã bắt đầu được thử nghiệm trên người. Một số trong số đó sử dụng kỹ thuật mRNA tương tự như các loại thuốc chủng của Moderna và Pfizer-BioNTech, trong khi một số khác sử dụng DNA, vi khuẩn đã hết hoạt động hoặc một phần nhỏ của vi khuẩn, chẳng hạn như phần chất đạm của nó. Các dự án, được thực hiện bởi các công ty dược phẩm lớn cũng như bởi các phòng thí nghiệm nhỏ, trải rộng trên khắp toàn cầu. Không hẳn tất cả đều nhắm tới cùng một mục tiêu là tìm ra loại thuốc chủng bền lâu. Một số đang nghiên cứu để đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể, chẳng hạn như loại thuốc chủng được sản xuất với chi phí thấp nhằm cung cấp cho những quốc gia nghèo. Một số ít trong số đó đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng cho loại thuốc để uống; khoảng hơn một chục loại khác nếu thành công có thể được xịt thẳng vào mũi rất tiện lợi.
Cho dù là thuốc chủng Covid tương lai là loại nào, điều hiện nay mà hầu như ai cũng đang mong chờ là loại thuốc chủng có hiệu quả lâu bền. Còn mất bao nhiêu thời gian nữa để có thể tìm ra loại thuốc chủng lâu bền này thì đến nay vẫn chưa biết được nhưng cái ngày đó chắc chắn sẽ tới, và tới lúc đó chúng ta mới có thể tự tin để tuyên bố rằng đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt.
Huy Lâm