(kỳ 2)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Ðình Hoành Sơn, tại làng Hoành Sơn(1), xã Khánh Sơn, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An. Ðình có năm gian, hai chái và hậu cung nhỏ phía sau. Mỗi gian do một nhóm thợ mộc đảm nhận, nên từng gian, có một sắc thái nghệ thuật riêng. Ðình có 12 cột chính, 20 cột phụ, mỗi cột có chu vi khoảng 200 cm. Nhìn chung, đình Hoành Sơn còn giữ được nhiều nét nghệ thuật thời Lê. Kiến trúc của đình, có tính chất khái quát cao trong bố cục, sự hài hòa giữa từng phần và toàn cục, giữa đường nét và hình khối.
Nét nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở đình Hoành Sơn, phỏng theo lối kiến trúc thế kỷ XVII -XVIII. Các vì kèo liên kết theo cấu trúc “chồng diêm”, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là phần chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.
Ðình Hoành Sơn, là nơi thờ thần và sinh hoạt về kinh tế, văn hóa và tâm linh của nhân dân trong làng và các làng phụ cận. Ðình Hoành Sơn, là một công trình tưởng niệm chung tất cả những người đã đóng góp lớn lao cho sự ra đời, trưởng thành, phát triển và phồn thịnh của làng Hoành Sơn nói riêng, nước Việt Nam nói chung.
Ðình Hoành Sơn là một trong những đình làng lớn, không chỉ của Nam Ðàn, mà còn của cả Nghệ An và cả nước.
Người dân xã Khánh Sơn cho biết, đình Hoành Sơn đã có từ lâu đời, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn lối kiến trúc ban đầu, vẻ đẹp uy nghi của một ngôi đình cổ, có lối kiến trúc độc đáo bậc nhất xứ Nghệ.
Ngày trước, đình có tên là đình Nam Hoa, rồi Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim. Không ai biết tên đình thay đổi từ bao giờ cũng như không biết chính xác đình được xây dựng năm nào chỉ biết đây là một “báu vật” của làng, là chứng tích qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử…
Theo truyền khẩu thì niên đại của đình có lẽ là khoảng năm 1730, đó là luận ra từ việc so sánh tính đồng dạng của vật thể. Nghĩa là vào năm 1730 tại Hà Nội có một ngôi đình có lối kiến trúc rất giống kết cấu của đình Hoành Sơn, nên họ cho rằng, đình Hoành Sơn được dựng trong thời gian này. Cũng có nhiều nhà sư đến thăm đình nói rằng, Xuân Long tự ở xóm Nam Ðông (Khánh Sơn) được xây dựng từ thế kỷ XIII có kiến trúc tương tự đình Hoành Sơn. Vì vậy, đình Hoành Sơn phải được xây dựng vào thế kỷ XIII.
Một ít tài liệu còn khẳng định đình Hoành Sơn được xây vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (2/1763) và đến cuối năm sau (Quý Mùi 1764) thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Ðặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng. Sau khi về hưu, ông huy động tiền của trong dân mua gỗ quý, mời các toán thợ giỏi về xây đình cho làng ngay trên vườn nhà mình. Tương truyền nhiều toán thợ giỏi nổi tiếng đến cùng nhận làm. Toán thợ Nam Hoa Thượng không được mời thử sức, họ bèn bày mưu cử người thợ giỏi nhất tên Chuẩn giả dạng ăn mày đến chỗ làm đình, xin ngủ lại rồi cố tình đốt cháy một vì kèo ở phía Nam của đình. Ðặng Thạc vô cùng tức giận nhưng người ăn mày đã xin được làm lại. Và chỉ trong một thời gian ngắn, người ăn mày đã làm một bức chạm rất đẹp khiến cả hội đồng kỳ mục của làng phải kinh ngạc và thán phục. Sau này nhân dân đã suy tôn Ðặng Thạc và người thợ tên Chuẩn thành những vị phúc Thần của làng.
Cũng có giả thuyết cho rằng, sự ra đời của đình Hoành Sơn gắn liền với một câu chuyện hết sức huyền bí. Vào một năm cách đây đã lâu lắm rồi, nước sông Lam tự nhiên dâng rất to, dân Hoành Sơn phải chạy lên núi Ngang để tránh lụt. Giữa một đêm trời mưa như trút, sấm chớp ầm ầm, người ta thấy nổi lên những cây gỗ 3 – 4 người ôm không xuể từ thượng nguồn trôi về, dạt vào bãi bồi trước làng. Tiếp đó, có 9 người đàn ông xuất hiện đến bên đống gỗ ra sức cưa, đục, đẽo… Sau 3 năm ròng rã, họ làm thành một cái đình đồ sộ và được chạm trổ, trang trí rất công phu, tinh xảo. Xong việc, 9 người đàn ông cũng đi mất mà không ai biết. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân Khánh Sơn tin rằng, đình Hoành Sơn thực sự là chốn linh thiêng, là “báu vật” của làng.
Ðình có nhiều đặc điểm khác hẳn với đình cổ nơi khác như: hoa văn trong đình được chạm khắc rất công phu, tinh xảo, được các nghệ sỹ tài hoa thể hiện trên các bộ phận của đình: bát tiên cưỡi hạc đánh cờ, đua thuyền, tứ linh, tứ quý, đại bàng đối xứng từng gian, rồng ổ… thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc. Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng cặp long giáng. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ quì, nghê chầu; mái lợp ngói âm dương. Giữa lớp ngói âm và ngói dương là một lớp đất sét được nhào trộn với trấu, tạo thành một chất liệu bền, dẻo có tính cách nhiệt tốt. Ngói dương có 5 rãnh chẻ thoát nước; nền và sân đình được lát bằng gạch cẩm trang… Mặc dù trải qua nhiều trận lũ lớn, bom đạn chiến tranh nhưng đến nay đình Hoành Sơn hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc ban sơ.
Nguyên thủy, nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật văn võ song toàn, tư chất hơn người. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Ðại Việt nên được người dân rước vào đình thờ. Ngoài ra, đình còn thờ “Tứ vị Thánh nương” (2).
Tương truyền, trong đình có hơn 100 pho tượng nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 và 1988 đã làm con đê chắn trước chùa bị vỡ và nước đã cuốn trôi gần hết, nay chỉ còn lại một vài. Trải qua năm tháng thăng trầm, đình Hoành Sơn ngày càng rã rệu, việc trùng tu tôn tạo gặp nhiều khó khăn, một phần do kinh phí “nhỏ giọt”, một phần do việc chạm trổ lại các chi tiết theo kiến trúc của đình cũ rất khó khăn. Nhiều bộ phận kiến trúc đang có nguy cơ sụp đổ, đe dọa sự “sống còn” của di tích. Mái đình bị sạt lở, một số đường hoành, đường chân thủy đã bị gãy, oằn mình dưới lớp rêu phong phủ kín… mỗi lần mưa xuống cả hệ thống cột dầm chìm trong biển nước; hệ thống cột đình hầu như đã bị rỗng phía trong…Một lần, các vị sư thầy ở chùa Cần Linh về đây đã bật khóc khi chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn của di tích.Thường ngày, đình rất hoang lạnh, chỉ vào dịp rằm, mồng một, lễ, Tết mới có đông người đến thắp hương, cúng bái.
Làng Hoành Sơn là quê hương của những “ông nghè, ông cử” rạng ngời sử sách: Nguyễn Thiện Chương, Nguyễn Ðức Ðạt, Tạ Quang Bửu… Nay giữa làng, gần cánh đồng Lòn vẫn còn hiện diện quán văn chỉ Hoành Sơn đồ sộ, mà người dân địa phương gọi nôm na là nhà Thánh, thờ Khổng Tử và các vị Tiềân hiền. Dưới 2 lối đi có 4 tấm bia đá, khắc chữ Hán 2 mặt, đặt đối xứng nhau qua sân lộ thiên, ghi danh gần 20 người con ưu tú của làng đậu đại khoa và trung khoa Hán học (Hoàng giáp, Thám hoa, Tiến sỹ, Cử nhân…). Nơi đây, hàng năm đã từng diễn ra những ngày tế Thánh do Hội Tư văn chủ trì, nhằm tôn vinh đạo Nho và truyền thống hiếu học của làng.
Trần Công Nhung
______________________
(1). Làng có núi Ngang, nên tên làng gọi là Hoành Sơn…
Làng Hoành Sơn là nơi quần cư của mấy chục dòng họ, trong đó có những họ nổi tiếng như Nguyễn Thiện, Nguyễn Ðức, họ Chu, họ Tạ… với nhiều người con đức rộng tài cao, xứng dòng khoa bảng. Nhiều gia đình có “ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”; các thế hệ của làng từng bước tiếp nối truyền thống ngàn xưa “Áo rách đổi lấy võng cờ / Nón mê đổi lấy chữ đồ Vua ban”. Ven đê Nam Trung có nhà thờ họ Nguyễn Thiện, nổi tiếng với Ðề hình, Giám sát ngự sử đài, Thiên đô hình bộ, Hữu thị lang Nguyễn Thiện Chương (1451 – 1520); người đã từng tham gia biên soạn luật Hồng Ðức – bộ luật hoàn hảo bậc nhất nước ta thời phong kiến; tại nhà thờ, hiện còn 4 sắc phong của các triều đại. Giữa làng có nhà thờ họ Nguyễn Ðức, nổi tiếng với Thám hoa Nguyễn Ðức Ðạt (1825 – 1887), từng làm án sát, tuần vụ các tỉnh và Ðốc học Nghệ An; sau về quê mở trường Nam Sơn dạy học. Ông là một danh sư nổi tiếng, có nhiều học trò xuất sắc. Những giáo trình dạy học, những sáng tác của ông là các tác phẩm để đời. Trong đó tiểu biểu có “Nam Sơn tùng thoại” gồm 32 chương, bàn giải về đức độ, học vấn, pháp chế đương thời.
(2) Tứ vị Thánh nương là bốn mẹ con Hoàng hậu nhà Tống (Trung Quốc) trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của giặc Nguyên theo đường biển, bị bão đánh lật thuyền chết đuối, trôi dạt vào Cửa Cờn (Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu). Tương truyền khi Vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành, qua đền thờ Tứ vị Cửa Cờn, đêm nằm mộng thấy Tứ vị phù trợ. Thắng trận trở về, vua phong cho thần là Thuợng đẳng Quốc Mẫu vương và Tứ vị Thánh nương. Tứ vị trở thành các vị thần canh giữ biển cả, sông nước, bảo vệ dân lành, nên được nhiều nơi ở nước ta lập đền thờ. Làng Hoành Sơn ở kề sông Lam, luôn luôn bị lũ lụt đe doạ, nên dân làng đã thờ Tứ vị để được phù trợ yên ổn về mặt sông nước.