Thập niên 2010, Hà Nội thay đổi chính sách đào tạo nhân tài, chấp thuận cho học sinh đi du học. Ngoại trừ thành phần con ông cháu cha, thái tử đảng, hạt giống đỏ, phần lớn các sinh viên du học ngày đi có, ngày về không. Có cơ hội là đi khỏi Việt Nam, và tìm đường ở lại ngoại quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà tranh đấu trẻ, lội ngược dòng thời đại, đã chọn con đường trở về nước để hoạt động với mong muốn quê hương sẽ có được Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và bây giờ là Đinh Phương Thảo với lòng can đảm, trở về bằng máy bay, đi vào cổng chính.
Khi được tin Đinh Phương Thảo trở về, Phạm Đoan Trang viết trên facebook: “Việt Nam đón nhận họ (những nhà hoạt động trẻ) với hàng chục nhân viên an ninh tại sân bay, câu lưu, thẩm vấn, đe nẹt và không quên dạy đời họ. (Thật khủng khiếp, khi những con ếch ngồi đáy giếng, nhìn thế giới bằng cặp mắt hằn học và “cảnh giác với thế lực thù địch”, lại có thể lải nhải răn dạy những thanh niên yêu nước, đầy nhiệt huyết đổi thay và hội nhập). Và cuộc sống của họ sau đó sẽ là những ngày tháng đối diện với việc bị truy đuổi, mất nhà cửa, thất nghiệp, bị theo dõi, canh giữ, nặng hơn thì bị đánh đập, bắt bớ, tù đày…Đó là những gì đang và sẽ xảy đến với Đinh Phương Thảo (Thảo Gạo) kể từ hôm nay, 15/11/2019, khi cô trở về nước sau gần bốn năm ở nước ngoài, tham gia vận động nhân quyền cho Việt Nam. Tôi nhìn thấy tất cả những điều ấy, và bình thản. Nhưng không thể không có chút buồn. Yêu nước, khao khát thay đổi, dấn thân, cống hiến… để bị chế độ công an trị đối xử như vậy sao?”
Đinh Phương Thảo, còn có biệt danh là Thảo Gạo, sinh ra và lớn lên tại Thái Nguyên. Thảo Gạo tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, với văn bằng bác sĩ đa khoa năm 2015, nhưng trong 4 năm qua, cô chọn con đường hoạt động xã hội nên chưa có một ngày hành nghề bác sĩ.
Mùa hè năm 2015, Đinh Phương Thảo tham gia hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội trong vụ chặt hạ 6700 cây xanh. Đinh Thảo chính là người từng điều phối nhóm Green Trees với mục tiêu kêu gọi bảo vệ môi trường, và cũng là một trong những người đứng ra tổ chức chiến dịch hỗ trợ các ứng cử viên đại biểu quốc hội độc lập năm 2016.
Đinh Phương Thảo còn là sáng lập viên dự án Hate Change (Hate It – Change It!). Về hoạt động của Hate Change, cô cho biết: “Hate Change (Hate It – Change It!) ra đời vào tháng 7/2016. Đây là một dự án hướng tới việc khuyến khích đấu tranh phi bạo lực. Hate Change cung cấp lý thuyết hoặc các trường hợp thực tế về hoạt động xã hội, đặc biệt là đấu tranh phi bạo lực, với hy vọng người đọc trang mạng này có thể được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thay đổi một cách ôn hoà hiện trạng trong cộng đồng mà họ đang sống”.
Tháng 3 năm 2016, Đinh Thảo được tổ chức VOICE cấp học bổng sang Phi Luật Tân tham gia khóa học 6 tháng về xã hội dân sự và nhân quyền.
Năm 2017, bác sĩ Đinh Phương Thảo, bà Lê Thị Minh Hà, vợ nhà báo độc lập Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, và luật sư Anna Nguyễn – Giám đốc Chương trình của VOICE trực diện đối đầu với phái đoàn Cộng sản Việt Nam trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR 2017 do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đinh Phương Thảo đã từng khẳng định cô sẽ về lại quê hương để tiếp tục hành trình dấn thân và dù biết sẽ phải đối diện với với những biện pháp trấn áp của nhà cầm quyền trong nước.
“Tôi có thể dự đoán trước được một số điều chờ đợi mình trên đường về. Tuy nhiên, do chuẩn bị tâm lý trước nên tôi không lo ngại gì”, Đinh Thảo, nói, sau khi kết thúc chuyến đi vận động nhân quyền cho người dân trong nước cách nay 2 năm.
Chọn con đường gai góc mà đi
Ngày 15/11, Đinh Phương Thảo trở về Việt Nam.
“Bốn giờ sáng, tụi tôi đưa Đinh Thảo ra sân bay Bangkok. Ôm thật lâu lúc chia tay vì biết rằng cô bạn chuẩn bị bước vào một ngày rất dài với những cuộc thẩm vấn của an ninh. Hộ chiếu của Đinh Thảo sẽ bị tịch thu. Những ngày tới đây sẽ còn nhiều khó khăn khác nữa. Điều đó, ai cũng có thể tiên đoán được. Bởi Đinh Thảo là một nhà hoạt động”, Vi Yên, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Sài Gòn, quản trị viên chương trình đào tạo của Tổ chức VOICE, cho biết.
“Phi cơ hạ cánh lúc 8:45 phút sáng ngày 15/11. Sau đó, khi ra khỏi cửa sân bay khoảng 100 mét thì tôi bắt đầu thấy có những nhân viên an ninh hải quan đứng mỗi người cách nhau khoảng 50m chừng như đang đón đợi tôi. Sau đó, khi làm thủ tục nhập cảnh thì tôi được giải thích rằng hộ chiếu có vấn đề và được mời vào phòng làm việc. Đợi trong đó chừng 2 tiếng thì tôi được đưa đến một nơi khác để thẩm vấn trong 6 tiếng đồng hồ. Trong thời gian thẩm vấn, tôi bị hỏi về những công việc mà tôi làm trong thời gian tôi ở nước ngoài cũng như về tổ chức VOICE mà tôi từng làm việc. Tuy nhiên, tại VOICE, quyền riêng tư của mỗi cá nhân luôn và vấn đề được đặt lên hàng đầu nên tôi không có nhiều điều để nói với nhân viên an ninh. Cuối buổi làm việc thì họ nói rằng sẽ ‘tạm thu’ hộ chiếu của tôi nhưng không giải thích rõ lý do cũng như không nói khi nào trả lại. Cho nên, tôi cho rằng việc này cũng không khác gì với những lần họ tịch thu hộ chiếu của những nhà hoạt động trước đây”, Đinh Phương Thảo hồi tưởng lại ngày đầu tiên bước xuống phi trường.
“Việc tịch thu hộ chiếu chỉ là một trong các hình thức ngăn cản quyền xuất cảnh của an ninh đối với những người hoạt động. Nhiều năm qua, hình thức đàn áp này đã được an ninh Việt Nam áp dụng một cách tuỳ tiện trên diện rộng và thiếu căn cứ pháp luật. Những hình thức cấm xuất cảnh khác thường là ngăn chặn tại cửa khẩu hoặc sân bay trước khi xuất cảnh, hoặc từ chối cấp hoặc gia hạn hộ chiếu khi các nhà hoạt động đăng ký, bên cạnh hình thức tịch thu hộ chiếu.
Có thể vì Đinh Thảo đã thông báo trước với các cơ quan truyền thông, các toà đại sứ ngoại quốc và các tổ chức Nhân quyền về chuyến trở về nước của cô, cho nên, trong 3 ngày qua, Đinh Thảo vẫn chưa gặp khó khăn dù cô đã chuẩn bị tinh thần để đối diện với những bất trắc có thể xảy ra.
“Tình trạng của tôi vẫn ổn, ngoài việc bị một số trang dư luận viên tấn công. Hiện giờ tôi đang tận hưởng thời gian bên con tôi, bên gia đình”, Đinh Phương Thảo cho biết.
“Về nước sau gần 4 năm ở xa thực sự là rất xúc động. Cảnh vật vẫn như cũ nhưng cũng có một số nét khác, theo cả tốt cả xấu”.
Đinh Phương Thảo xác định hướng đi trong tương lai: “Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi đạt được những mục tiêu đã đặt ra hoặc đến khi không còn sức lực để đấu tranh nữa thì thôi”.
Tất nhiên, nếu đi tiếp trên con đường gian nan, đầy chông gai này, Đinh Phương Thảo có thể sẽ bị đàn áp, bắt giam, thậm chí tù đày nhưng cô chấp nhận.
Đinh Phương Thảo xác nhận cô sẽ rời bỏ ngành Y để dấn thân tranh đấu: “Dù rằng nghề y là nghề tôi yêu thích từ nhỏ và được đào tạo nhiều năm để hành nghề, nhưng công việc tôi đang làm mang lại những ý nghĩa lớn lao cho cá nhân tôi và cho xã hội cho nên không có lý do gì để tôi nuối tiếc”.
Hy vọng rằng trong những ngày tới Đinh Phương Thảo sẽ có thêm những học viên của tổ chức VOICE đã hoàn tất khóa học xã hội dân sự, và những nhà hoạt động khác cùng đồng hành trên con đường tranh đấu vì Tự Do, Dân chủ và Nhân quyền cho người dân trong nước.
VPY