ĐỒ MẤT DẠY

Tài xế Uber Subhakar Khadka và ba nữ hành khách. Hình ảnh : Twitter

Chứng kiến hành vi tấn công người khác một cách vô lối, nhất là những hành vi ỷ mạnh hiếp yếu, những hình thức hành xử du côn, du đãng, ba trợn, coi trời bằng vung, không đếm xỉa gì đến người khác… người ta thường bảo đó là đồ mất dạy.

Chiết tự một chút, mất dạy là khái niệm mô tả hành xử cá nhân của kẻ không được giáo dục đàng hoàng tử tế, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn khi tiếp xúc với người khác. Nói khác đi, mất dạy là kết quả của thiếu giáo dục hoặc hành xử một cách thiếu giáo dục, phần nhiều họ là những đứa trẻ kém may mắn không được hướng dẫn bảo ban, bị bỏ rơi, không được dạy dỗ giáo huấn đàng hoàng đúng mức.

Đó là những đứa trẻ không có cơ hội được cha mẹ “thương cho roi, cho vọt” song chỉ nhận được sự hất hủi, bỏ bê, sao lãng. Một số do hoàn cảnh đặc biệt nhận được quá nhiều “ghét cho ngọt cho bùi” nên cuối cùng trở thành thảm họa. Sau này ra đường không biết hành xử theo các lễ nghi giao thiệp cơ bản, cuối cùng trở thành mối họa cho bản thân và gánh nặng cho xã hội.  

Câu chuyện xảy ra lúc 12:45 chiều ngày 07 tháng 03 năm 2021. Một ngày bình thường đẹp trời như bao nhiêu ngày đẹp trời bình thường khác. Tài xế Uber Subhakar Khadka, 32 tuổi, lẽ ra đã có một ngày lao động bình thường như bao ngày trước đó. Vậy mà anh trở nên nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội toàn thế giới (chỉ vì liên quan đến một vụ hành xử chẳng mấy tốt đẹp gì) khi ba hành khách trên xe của anh bộc lộ những thái độ hết sức… mất dạy.

Hiển nhiên không nên lấy hành xử tại một khoảnh khắc để đánh giá một nhân cách. Viên ngọc nào chẳng có những vết trầy xước nếu rọi nó qua lăng kính của người thợ gọt ngọc. Cũng thế, hành xử va vấp trong cuộc sống đôi lúc là chuyện ngoài ý muốn. Tuy nhiên có nhiều lối hành xử khiến người ta nổi giận bất bình vì nó không phải do va vấp, sơ ý nhưng do cố ý. Trường hợp ba người khách đi Uber tấn công anh Subhakar Khadka khiến nhiều người sôi gan là một ví dụ.

NBC News chạy một bài phóng sự ngắn có tên Uber driver was pepper sprayed after ejecting rider without mask, police say của tác giả Tim Fitzsimons đăng ngày 09/03 khiến nhiều người bất bình. Xem xong đoạn phim ngắn do anh Subhakar Khadka tung lên mạng, người ta càng nổi giận nhiều hơn. Ba cô gái trẻ nọ đã hiếp đáp anh, hành động của họ không khác gì thói du côn, ba trợn ngoài sức tưởng tượng.

Chuyện là thế này. Theo lệnh của San Francisco, hành khách sử dụng các dịch vụ công phải đeo mask. Bữa đó một trong ba người khách không thực hiện lệnh này. Tài xế yêu cầu khách thực hiện lệnh. Từ đây những nảy sinh xô xát lời qua tiếng lại. Một đoạn clip được ghi lại. Không ai hiểu lời lẽ tiếng bấc tiếng chì trước đó ra sao, tuy nhiên khi theo dõi đoạn phim ngắn ai cũng cảm thấy bất bình cho người tài xế tên Subhakar Khadka.

Đến từ Nepal, Subhakar Khadka lao động vất vả để có thêm thu nhập giúp đỡ người thân bên nhà. Anh hiền lành, ít nhất qua nét mặt, đặc biệt khi anh nói với một trong ba hành khách (kẻ) giựt chiếc smart phone của anh giọng văn nghe rất chất phác: Không ai có thể lấy tài sản của tôi được. Tôi đi làm vất vả mới có nó. Tôi phải đi làm để có tiền sắm chiếc phone này. – Vâng. Đó là cách nói chuyện hiền lành, rất thật thà, rất mộc mạc. Theo báo cáo của cảnh sát San Francisco (nguyên văn): An altercation occurred and a second passenger reached over the driver”s seat (from the rear seat area) and stole the driver”s cell-phone from his hands. The victim grabbed and eventually regained possession of his phone. Vụ việc xảy ra tại khu Portola của San Francisco. Lên mạng tìm hiểu, đây là khu tương đối sang của San Francisco.

Giải mã tâm lý tại sao ba cô gái trẻ hành xử một cách du côn xem ra không đơn giản. Tuy nhiên một vài thuật ngữ trong chuyên môn tâm lý xã hội học (social psychology) tỷ như hành vi nhóm (group behavior) hay ỷ đông xúm vào ăn hiếp (bullying) sẽ giúp giải thích tại sao họ làm thế. Qua đó bình thường một cá nhân hiếm khi hành xử một cách mạnh bạo, bặm trợn, du đãng, côn đồ; thay vào đó họ e dè cẩn trọng hơn. Một khái niệm tương đương xuất hiện trong ca dao tục ngữ Việt Nam như: Khôn độc không bằng ngốc đàn, hai đánh một không chột cũng què, ỷ mạnh hiếp yếu, chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, ỷ đông hiếp người… Vận vào trường hợp này ba cô gái nọ nổi máu côn đồ tấn công viên tài xế hẳn vì họ ỷ đông.   

Thông thường một cá nhân sẽ dạn dĩ hơn với người lạ vì thấy phe nhà đông hơn. Hoặc họ muốn thể hiện cái ngông của mình với bạn bè. Phải chăng khi thấy tài xế Uber là di dân Nepal, tiếng Anh bập bõm, nghiễm nhiên họ tự cho mình cái quyền được mạt sát? Có thể họ tình cờ ngẫu hứng phát giác một trò vui nên có trớn làm tới? Hoặc thái độ miệt thị, phân biệt kỳ thị, kiểu Mỹ trắng kỳ thị Mỹ Đen và Mễ, sau đó Mỹ đen kỳ thị Mỹ gốc Á và mỹ gốc Hispanic, hoặc Mỹ gốc Á kỳ thị Mỹ đen và Mỹ gốc Mễ…? Hoặc đơn giản ba cô gái này thuộc thành phần bạt mạng, hỗn, quen thói du côn, ngang tàng, không coi ai ra gì. 

Rất may anh Subhakar Khadka chỉ bị họ nhục mạ bởi tình huống xấu hơn có thể đã xảy ra. Chẳng hạn nếu bữa đó ba người khách có mang theo súng thì sao? Hoặc họ có uống chút rượu hoặc sử dụng ma túy, cộng thêm thuộc thành phần bạt mạng, coi trời bằng vung; chuyện nổ súng với lý do “dạy cho mày một bài học” là có thể? Hoặc họ sẽ cướp xe rồi thực hiện những điều nguy hiểm hơn? Hoặc họ có thể tấn công anh bằng guốc cao gót, bằng dao găm, bằng vũ khí tự chế. Trong trường hợp này một cô đã xịt thuốc cay vào mắt anh.      

Luật tiểu bang California yêu cầu khách phải đeo mặt nạ (California”s statewide mask mandate) lẽ ra họ nên chấp hành, thuận tiện cho tất cả. Nhưng không. Một trong số họ coi thường lệnh này. Thế là đẻ tội. Đoạn băng ghi lại cho thấy nạn nhân bị mắng nhiếc, bị chửi bới, bị giựt phôn đang cầm trên tay, bị giật rách mặt nạ (loại xài một lần rồi vứt, rất dễ rách). Những tiếng la ó thóa mạ của hai cô gái (một da đen và một không xác định rõ) khiến người ta bất bình. Cô da đen ngồi giữa nhu mì hơn, không nói nhiều, gần như cô không thích cà khịa với người khác. Cô chỉ ngồi im, mặc cho hai người bạn của mình mạt sát người tài xế đáng thương nọ.   

Tại nhiều nơi trên thế giới phụ nữ thường nhu mì, mềm mỏng, họ có xu hướng tránh những va chạm, xô xát ngoài đường. Tuy nhiên phụ nữ ở Mỹ rất khác. Họ tự tin và mạnh mẽ hơn. Nhiều người thẳng ruột ngựa, có sao nói vậy, cần thiết sẽ đốp chát thẳng thừng. Thậm chí họ có thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với kẻ chọc giận họ (bất luận kẻ này là nam hay nữ). Trong trường hợp này (nếu) ba cô gái nọ cố tình tấn công anh vì họ thực sự nổi giận, đòi ăn thua đủ, ai dám nói anh sẽ tránh được mối họa “có sống cũng thành tật”! 

Theo lời biện hộ của một trong ba cô gái (họ) nổi giận vì Mr. Subhakar Khadka bỏ rơi họ tại một nơi thiếu an toàn, nhất là anh không chịu đợi một tài xế Uber khác đến rồi hãy đi. Tuy nhiên theo báo cáo của cảnh sát một cô đã xịt ớt cay (pepper spray) vào mặt người tài xế kém may mắn rồi cả bọn tẩu tán. Nhìn cảnh hai trong số ba cô gái xúm vào lăng mạ người tài xế, người bình thường khó tránh nổi giận thay cho anh. 

Sau khi đoạn phim ngắn được tung lên mạng, cảnh sát lập tức lao vào cuộc. Họ tiến hành điều tra và khẳng định nếu có đủ cơ sở kết án, họ sẽ truy tố và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để công đạo được duy trì.  

Tất nhiên chẳng bên nào vừa. Viên tài xế và ba cô gái nọ đều ghi hình cuộc chạm trán diễn ra trong xe. Tuy nhiên từ những video clips này người ta thấy một cô đã giật mask của tài xế, sau đó còn cố ý ho lên người anh ta với dụng tâm chế nhạo truyền Covid-19 cho anh. Cũng cô gái đó, Arna Kimiai, 24 tuổi dọa sẽ kiện hãng Uber vì vụ lôi thôi này. Cô là người giựt phone của anh Subhakar Khadka khiến cả thế giới thực sự sốc. Theo nhận định của hãng Uber (nguyên văn): The behavior seen in the video is appalling. The rider no longer has access to Uber – Hành vi được ghi lại thực sự quá tồi tệ. Và hành khách này từ nay sẽ bị cấm sử dụng dịch vụ Uber. 

Còn theo Huffpost, tác giả Ron Dicker thông qua bài viết Uber Passengers Pepper Spray, Cough On Driver In “Appalling” Attack kể thêm: Ba cô gái nọ sỉ nhục Subhakar Khadka vì anh là một di dân gốc Nam Á (South Asian). Họ nhục mạ anh với lời lẽ kỳ thị chủng tộc (racist slurs) trước khi bỏ đi. Lập tức Hãng Uber đã cấm một trong ba cô gái từ nay không thể sử dụng dịch vụ taxi của họ.  

Theo lời anh Subhakar Khadka kể lại, ban đầu khi thấy một cô không chấp hành lệnh đeo mask của Thành phố San Francisco anh liền dừng xe lại. Sau đó anh quyết định chở họ đến một cây xăng để cô gái mua mask. Tuy nhiên do cãi vã, lời qua tiếng lại càng lúc càng căng thẳng trước khi anh có thể đưa họ đến cây xăng. Chuyện người ta thấy Arna Kimiai giựt phôn của anh, xé khẩu trang của anh trong video clips là có thật. Một cô khác tên Malaysia King, 24 tuổi xịt ớt cay vào mặt anh. Trả lời đài truyền hình, anh Subhakar Khadka cho biết (nguyên văn): These guys are animals to treat another human being like this – Chỉ những người thú vật như họ mới tấn công một con người như tôi.  

Vâng. Gần đây bạn đọc thấy nhan nhản trên mặt báo những cái tin loan tải tình trạng người Mỹ gốc Á bị tấn công và bị sỉ nhục công khai, đặc biệt sau khi Cựu Tổng thống Trump ra miệng tố cáo Trung Quốc là kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19. 

Khi anh Subhakar Khadka tung video clip lên mạng, cảnh sát lao vào cuộc và kêu gọi cộng đồng mạng cộng tác với họ về tung tích những hung thủ này. Sau đó không lâu cảnh sát Las Vegas bắt giữ Malaysia King kẻ xịt ớt cay vào mặt anh Subhakar Khadka (bốn ngày sau sự kiện đáng tiếc xảy ra tại San Francisco). Cô này bị nhốt tại Las Vegas vì hiện tại đang là tội phạm gây án tại San Francisco. Cô không được hưởng quy chế thế chấp tiền để được tại ngoại hầu tra. Bốn tội danh được liệt kê: (a) Tấn công bằng chất hóa học nguy hiểm, (b) tấn công và đánh người, (c) tội đồng lõa, và (d) vi phạm qui định an toàn sức khỏe. Riêng cảnh sát San Francisco dẫn lời luật sư của Arna Kimiai (người ho lên người anh Subhakar Khadka và giựt phone cũng như xé khẩu trang của anh) cho biết cô sẽ đầu thú.     

Tại một đoạn video clip đăng trên tài khoản instagram của mình không lâu sau đó, Arna Kimiai cho biết cô đã sai (wrong) và thiếu tôn trọng người khác (disrespect). Tuy nhiên cô cho biết người tài xế Subhakar Khadka đã cố ý đuổi cô và các bạn ra khỏi xe tại một khu vực thiếu an ninh (an unsafe neighborhood). Cô cho biết sẽ trình diện tại một bót cảnh sát sớm. 

Nghe tin này, trung úy cảnh sát San Francisco Tracy McCray cho biết rất vui khi Arna Kimiai đã làm một việc đúng, sớm đầu thú tại một văn phòng cảnh sát. Chị hy vọng Aarna Kimiai sẽ nhanh chóng trình diện. Hiển nhiên hành vi được ghi lại trong đoạn video clips bộc lộ thái độ vô tâm trước an toàn và lợi ích của nhân viên tuyến đầu (essential service worker) giữa lúc đại dịch hoành hành. Sở cảnh sát San Francisco cho biết sẽ thụ lý vụ này đến nơi đến chốn và khẳng định công lý sẽ được bảo vệ.

Từ những gì vừa đọc xong, quả là một câu chuyện không đáng có, không đáng xảy ra. Giá như ba cô gái nọ chỉ cần lắng nghe và thực hiện theo qui định của tiểu bang California, những rắc rối trên đã không hề xảy ra. Với anh Subhakar Khadka đây là chuyện chẳng vui vẻ gì, là đàn ông, văn hóa gốc Á (khi) bị đàn bà xứ người lăng mạ nhục nhã lắm chứ. Còn hai cô gái nọ, chỉ vì lối hành xử lỗ mãng, côn đồ, (bảo là mất dạy cũng không quá quắt lắm) cuối cùng lâm cảnh vô phúc đáo tụng đình, lý lịch coi như vứt!

Chợt thấm thía hơn với những kẻ kém may mắn không được giáo huấn, bị mất đi cơ hội không được dạy dỗ (gọi tắt là mấy dạy) cuối cùng là hại người, hại mình… 

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email