Tết đã qua. Xuân đã về. Ăn ba ngày tết xong (một khái niệm vốn chỉ còn đọng lại trong tâm trí người Việt tha phương như bản năng thứ hai – second nature – lưu giữ trong tiềm thức), để rồi đọc “Nhớ Tết” của Hồ Phan cái tết hoài cổ của ngày xưa bỗng ùa về, đầy ấn tượng như chồi búp trên cành đang thức dậy tại Bắc Mỹ.
Bạn đọc hẳn đã biết Hồ Phan – một cây bút quen thuộc với những bài viết nhẹ nhàng đậm phong cách văn kể chuyện tại Thời Báo. Và “Nhớ Tết” bỗng trở thành nỗi nhớ dịu dàng. Mới đó mà đã đó. Chợt giật mình băn khoăn: Mai kia còn được mấy người nặng tình với những ký ức ngọt ngào huyền thoại đầy lưu cữu như anh?
Chợt ùa về những cái tết thuở tuổi đời còn ngây ngô, sốc nổi…
Trên dải đất hình chữ S của đất Việt, mỗi nơi có một vẻ riêng, nét riêng. Cách đây hơn nửa thế kỷ (thời anh Phan còn nhỏ), đường xá chưa thuận tiện, từ Biên Hòa lên Thủ Đức đã được coi là đi xa. Mấy thím, mấy cô, hồi đó sống ở Hố Nai, từ dốc cầu Suối Máu (Nhà thờ Gia Cốc, còn được biết qua tên gọi khác khá thân thương – Cây Số Sáu) lên Ngã ba Chợ Sặt, hay còn gọi là Cây Số Bảy, đúng một kilometer thôi vẫn phải bắt xe lam rô (Lambro550) hoặc xích lô… Hẳn bạn đọc miền nam còn nhớ những chiếc cyclo hoài niệm ấy (?), những chiếc cần câu cơm của người nghèo một thời còn ghi đậm ký ức hiền hòa của bức chân dung “quê hương là chùm khế ngọt”.
Nhắc lại chuyện cũ để thấy đất nước mình rừng vàng biển bạc, giang sơn gấm vóc đẹp như tranh thủy mặc trải dài trên kinh tuyến 105°E, phủ lên 15° vĩ tuyến khác nhau nên phong cảnh khí hậu thổ nhưỡng rất phong phú. Do hạn chế phương tiện đi lại nên dân vùng nào biết vùng nấy. Thành ra ký ức về tết của chúng ta không giống nhau; khá đơn giản, nơi bạn sống không có những hình ảnh đồng quê hiền hòa mộc mạc như mấy chi tiết Hồ Phan kể lại trong “Nhớ Tết” của mình.
Đọc “Nhớ Tết” của anh, một độc giả “khoái văn” Phan cao hứng kể tiếp về Hố Nai của mình: Đây là thị trấn nhỏ do người Bắc di cư năm 1954 tập trung nhiều nóc nhà thờ nhất dọc quốc lộ IA. Họ di cư, mang theo cả giáo xứ ngoài đó vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954 (vốn cắt đôi Việt Nam thành hai quốc gia, dự định sẽ tổng tuyển cử vào năm 1956, thống nhất đất nước). Sau đó lộ trình ấy đã chìm xuồng. Người trẻ lớn lên hoàn toàn mù tịt thông tin này. Tra gạn lý do tại sao người lớn chỉ lắc đầu: Bên nào cũng có một phần trách nhiệm!
Hố Nai hiện diện như một chứng tích của biến cố di cư năm 1954. Nơi đây không có núi, không có sông, chỉ có một phần của khu căn cứ quân sự Mỹ Long Bình. Chệch theo hướng quốc lộ I về Sài Gòn ngang qua nhà máy sữa Guigoz cũ (người trên tuổi 50 họa may còn nhớ) hay Nhà máy Bình điện Bình ắc quy từng đại diện nền công nghiệp trẻ tuổi miền nam thời đó. Nhắc chuyện Hố Nai để bạn đọc tạm hình dung ra bối cảnh cũ. Hơn bốn mươi năm nhiều thế hệ người Việt lưu lạc, từ đợt rời Việt Nam đầu tiên qua ngả vượt biên, rồi diện Trẻ Lai, diện HO, diện đoàn tụ… ngót nghét trên dưới ba, bốn mươi năm rồi, đâu phải ít.
Do bối cảnh làng thôn khác biệt, nhiều người không có cái thú “nhớ tết” phong cách rất Hồ Phan. Trong “Nhớ Tết” của anh, bao ký ức quý, đẹp, dễ thương, hiền hòa tuôn trào… Đọc lại cứ thấy gần gũi đến lặng người. Ngòi bút của anh từ hồi khởi nghiệp luôn là món ăn tinh thần dân dã. Những đường nét phác họa đơn sơ nhưng chan chứa nội công thâm hậu. Những chi tiết tưởng xuề xòa dung dị ấy, qua cách hành văn của anh bỗng “thấm lúc nào không hay”, y chang rượu cúc, hoặc thứ xúc cảm tươm ra như bưởi Biên Hòa huyền thoại khi người đọc đi vào nửa truyện…
Đọc văn anh người ta càng quý hơn thứ tình cảm nồng nàn của kẻ nặng tình với cuộc sống. Không nặng tình với cuộc sống, Hồ Phan lấy đâu ra khả năng quan sát chắt chiu sâu cỡ đó. La liệt trong “Nhớ Tết” của anh là những chùm ký ức thơm ngọt như thèo lèo, kẹo lạc, mứt dừa, mứt bí… thân thương sâu lắng đến rịu lòng. Giữa lúc bao kẻ thấy tết nhạt phai hương vị bởi tài khoản cảm xúc đã ít nhiều vơi cạn, riêng với Phan, tết vẫn đẹp, vẫn gợi cảm, vẫn lung linh những gam màu “thời gian ơi xin dừng lại”. Vâng. Chỉ có anh mới đưa người ta về ký ức của tuổi thơ với bà vú già kỹ tính, những khám phá của một đứa trẻ bẩm sinh mang trong mình máu nhà báo với khả năng “chộp được” những khoảnh khắc ngẫu nhiên của một phó nhòm có đôi mắt thiên bẩm nhìn thấy đâu là vàng, đâu là thau của ngôn ngữ nhiếp ảnh dưới dạng thuần khiết nhất.
Chiếc xe đạp sườn ngang, những vết trầy, những con kiến bò quanh mép bát đánh lừa, con mực ngây thơ, những gian lận ngây ngô của trẻ con thời để chỏm, thông điệp chân tình của người cha: Con trai phải té, giỏi chịu đau sau mới đi lính được… Cứ thế, những rỉ rả ngọt lành, những chi tiết người viết phải có óc quan sát tinh tế mới lột tả được.
Vâng, có mấy ai quỡn để nhận ra cúc sẽ vàng hơn khi nắng nhạt, những tiếng chim sâu chanh chao, những chùm nhãn đong đưa quyến rũ, rồi cảm giác thời nhỏ tưởng đáy sông rất sâu vì bóng mây trên cao in xuống (sau đó lội nước mới biết sông không sâu như vậy). Hóa ra thế giới tương phản tưởng chừng rất “nguyên tắc vật lý” ấy cuối cùng chính là trò đùa dễ thương của “vương quốc ảo giác”… Vâng, những chi tiết tinh tế ấy trong văn Hồ Phan đếm không hết…
Rồi lan man ngẫm ngợi… Thời gian và ký ức…
Tạo hóa ban cho loài người trí nhớ, một thứ bảo bối linh thiêng đáng yêu, đáng quý. Không có trí nhớ, con người không có khả năng lưu lại những khoảnh khắc ngàn năm một thuở như nhà thơ Thế Lữ từng định nghĩa (Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên). Vâng. Cùng một hiện tượng cuộc sống như nhau, đâu phải ai cũng có khả năng xúc cảm, hoặc đủ từ vựng, đủ nghĩa tình, đủ trách nhiệm để chuyên chở, để gìn giữ bảo bọc để lâu lâu mang ra mời người đồng điệu thưởng lãm. Với Hồ Phan, những áng văn đẹp, đó là cách anh sống với ý thức trách nhiệm ngòi bút, y như họa sĩ Mạc Chánh Hòa với những tác phẩm hội họa sơn dầu tinh tế của mình.
Ba mươi năm… Bốn mươi năm… Từ từ là nửa thế kỷ.
Đọc “Nhớ Tết” những ngày đầu năm 2021 âm lịch, chạnh nghĩ về tương lai. Không biết ba mươi, bốn mơi năm sau còn được mấy người như Hồ Phan với trách nhiệm của một phu chữ có tâm, lặng lẽ ân cần với ký ức (y như tính cách anh dành riêng cho rượu, vồn vã mà chân thành), qua năm tháng vẫn bám chặt trong tâm khảm như cái mu rùa không sợ một ngày sẽ lỏng lẻo xộng xiệu với thời gian.
Rồi ra còn được mấy người có khả năng kể chuyện xưa độc như Hồ Phan. Vâng. Có những câu chuyện không thể kể liền được vì yếu tố thời gian tính, một nguyên tắc cần thiết. Nhiều câu chuyện kể lại chỉ tạo ra ấn tượng mạnh sau khi một “lớp bụi thời gian” đã phủ dày; tỷ như chuyện Covid-19, chuyện mùa phiếu 2020, chuyện gia đình lục đục bất hòa khi mâu thuẫn chính trị len lỏi vào những bữa cơm; cha mắng con, trẻ ngơ ngác nhìn cha mẹ biến thành người xa lạ. Chuyện mùng 06/01 khi Quốc hội Mỹ bị tấn công. Chuyện những tấm séc cứu trợ, $1.200 rồi $600 chính phủ in cứu nguy hàng triệu gia đình trên đất Mỹ. Cơn bão Uri tấn công Texas te tua. Ồn ào chích ngừa Covid-19. Ca sĩ Lệ Thu ra đi…
Thời gian sẽ đi qua. Những câu chuyện xảy ra hôm nay phải xếp hàng đợi đến lượt chúng được kể lại khi đã nguội. Báo chí loan tin nóng chủ yếu cung cấp thông tin thời sự. Còn bánh xe lịch sử muôn thuở vẫn quay đều những vòng quay vĩnh cửu. Câu chuyện nào mai kia sẽ được kể lại? Ai là người kể chuyện? Sẽ có những Hồ Phan khác? Những phu chữ có tâm? Những ống kính nghiêm túc tìm tòi sáng tạo?
Bão tuyết Uri giáng xuống Texas như gói bưu kiện gởi nhầm địa chỉ. Nhiều vị quan to bị mắng nhiếc. Không ít các nhà quản lý phải từ chức, mất việc. Trước đó vụ tai nạn xảy ra ngày 11-2-21 tại cao tốc tollway, song song với highway I-35W gần khu downtown của Fort Worth liên quan đến 133 chiếc xe, sáu người chết và hàng chục người nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng. Những thảm họa không ai nghĩ sẽ xảy ra cho mình, dù cả tuần trước đã được thông báo nhiệt độ giảm thấp, đường sẽ đóng băng, nguy cơ tai nạn sẽ xảy ra…
Riêng gần đây, những háo hức dặn dò ơi ới: Đã đặt hẹn chích ngừa dịch cúm Covid-19 chưa? Đạt hẹn ở đâu? Thì vô trang website của Hạt Tarrant đi. Chưa đủ tuổi mà. Thì cứ ghi tên, người ta chích cho người già trước rồi đến lượt mình. Cứ ghi danh đợi đó, họ kêu, mình đi. Chịu khó lên nha. Được rồi. Dạ cảm ơn anh nhiều…
Bên nhà, những bức email gởi qua chúc tết. Chuyện được kể ra… Việt Nam năm nay trồng kiểng chưng Tết thua lỗ nặng. Tình trạng bế quan tỏa cảng đâu đâu cũng thấy. Sài Gòn mọi năm Tết thưa vắng hẳn vì dân tạm trú về quê ăn tết. Nay có chính sách đối phó đại dịch Covid-19 nguy hiểm chết người, hạn chế đi lại, bà con ngán, ngại, không đi đâu cả. Về quê biết đâu phải thực hiện chính sách cách ly, rất nhiêu khê phiền toái. Thành ra Sài Gòn Tết năm nay đông hơn mọi năm, một hiện tượng bỗng trở thành khác lạ
Hàng quán và các điểm vui chơi giải trí bị cấm. Cũng phải vậy thôi. Việt Nam nói chung, Sài Gòn và các thành phố lớn nói riêng, đất chật người đông, chen chúc như nêm, không cẩn thận củi lửa vô tình tiếp tay cho Covid-19 lan tràn phát tán. Sơ sểnh, lơ đễnh, không khéo sẽ nguy to, mất mạng như chơi. Đấy. Các vị cứ ngẫm lại sẽ nhớ ngay. Mới năm ngoái thôi, nói chi xa xôi. Riêng tại Mỹ chết hơn nửa triệu người. Con vi-rút Covid-19 đâu thể nói đùa. Việt Nam mà không ráo riết các hình thức phòng chống triệt để, con số tử vong ai dám bảo đảm sẽ hiền lành như năm ngoái.
Thế là Tết Canh Tý người ta an ủi nhau bằng những lời chúc tết nhắm vào thái độ lạc quan cần thiết. Hy vọng năm sau Tân Sửu sẽ khá hơn. Thôi chịu khó vậy. Đại dịch mà. Tình hình chung. Vâng. Chúng em cũng biết thế, cũng đã động viên nhau quán triệt cụ thể đường lối lãnh đạo của nhà nước rồi…
Năm nay xuân Tân Sửu về, cực chẳng đã bổn cũ đem ra xáo lại. (Thì) cũng phải lạc quan lên một chút chứ, chẳng lẽ ngồi thừ một đống, ai lại làm vậy trong ba ngày tết!
Tại Texas, chưa thấy cái lạnh năm nào ghê như năm nay. Fort Worth không chỉ “nổi như cồn” với tai nạn thảm khốc liên quan đến 133 chiếc xe. Nhiệt độ hôm 15/02 cao nhất là 18°F (-7.8°C) thấp là 6°F (-14.4°C). Qua hôm sau chẳng khá hơn là mấy. Nhiệt độ cao nhất là 20°F (-6.7°C) và thấp là 3°F (-16°C). Nằm chèo khoeo ở nhà, nhìn ra sân, cây khô, gió lặng, tuyết bao la. Cái lạnh như thấm vào tâm thức. Tới chừng lái xe lang thang ra 7-Eleven mua gói Marlboro mới thấy nhiều con đường cống nước bị vỡ, dân sẽ không có nước xài, than như bọng, sở cấp phát nước chỉ đành tròn mắt… bó tay.
Về nhà, lật báo đọc, giết thời gian…
Đọc “Nhớ Tết” của Hồ Phan chợt thấy lòng ấm lại. Cái lạnh cảm xúc “cơm khô, canh nguội” của thân phận ngụ cư chợt biến mất khi mâm cỗ xuân “Nhớ Tết” của Hồ Phan được bày ra với đầy đủ những món ăn đầu năm hấp dẫn. Bên đĩa kiệu muối (củ nào cũng tròn căng, trong veo vì thấm đường cát trắng) còn có đĩa bánh tét, khoanh nào chính giữa cũng có miếng thịt mỡ (cũng trong veo) đầy ấn tượng. Rồi có bát canh khổ qua hầm. Có tô thịt kho trứng (món mà Hồ Phan cho là “cơm tù” năm anh lên 5 tuổi trong “Nhớ Tết”), chững chạc bên chai rượu thuốc anh tự ngâm mang thương hiệu “ông uống bà khen”.
Cảm ơn Hồ Phan. Cảm ơn về một vùng trời đầy những khoảnh khắc đáng yêu, đáng quý; khi một phần của văn hóa dân tộc, một phần của đất nước con người, tuổi thơ những đứa trẻ Việt lăng quăng hôm nào được anh kể lại qua giọng văn rất đỗi hiền hòa cô đọng, một món quà thực sự có ý nghĩa với tháng ngày còn nhiều thách đố Covid-19 gian nan trước mặt…
(Và) Bạn đọc có thể vui xuân với “Nhớ Tết” của anh Phan qua đường link https://thoibao.com/nho-tet/.
Nguyễn Thơ Sinh