DOG MEAT

Nguyễn Thơ Sinh

Theo thông lệ, nhiều tờ báo lớn nhỏ của người Việt ngày tết âm lịch thường đăng những bài viết “cầm tinh 12 con giáp” của năm đó. Năm nay năm tuất, người ta không thể không nhắc về chó. Nói đến chó quả nhiên có nhiều chuyện để nói lắm!

Trong văn hóa tiếng Anh, chó có một vị trí xứng đáng. Nếu hiếu kỳ, gõ vào Google những thành ngữ nói về chó nhất định sẽ có hàng núi, trong đó nhiều câu dễ thương như as sick as a dog (ốm như chó ghẻ), one’s bark is worse than one’s bite (miệng cứng, lòng mềm), bark up the wrong tree (phí uổng công lao vì tìm sai đối tượng – nghĩa đen: chó sủa dưới gốc cây không có sóc trèo trên đó), better to be a live dog than a dead lion (hèn mà toàn mạng còn hơn anh hùng mà thác mạng), better to be the head of a dog than the tail of a lion (thà làm vua xứ mù còn hơn thằng chột chỗ sáng, giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố, làm đầu ruồi hơn làm đuôi trâu…)

Một vị trí khác của chó trong tiếng Anh được biết đến nhiều hơn qua thành ngữ man’s best friend, tức trong số những loại thú vật nuôi, chó nổi tiếng trung thành. Về điểm này người Việt mình có câu: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.
Tiếp tục tìm chó trong kho tàng văn vần, tục ngữ, ca dao…, chao ôi, những giai thoại về chó có rất nhiều. Từ “chó treo mèo đậy” cho đến “đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”, “chó cắn áo rách”, “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”, “lên voi xuống chó”… Song bàn đến chó trong ẩm thực, hiển nhiên câu ca dao nhiều người biết đến nhất: Sống trên đời không ăn dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?

Đọc tới đây… hẳn độc giả sẽ nhớ đến thịt cày – một loại thịt rừng được ghán ghép cho thịt chó (có lẽ) để giảm bớt mặc cảm “phản bội” với loài vật trung thành cả đời với con người. Thực tế “cày” khác với “chó” nhiều lắm. Chó là chó. Cày là cày. Cụ thể hơn, cày là tên một giống vật họ chồn. Mặt cày khác mặt chó. Thân cày khác thân chó. (Vậy mà) chẳng hiểu sao thiên hạ gọi thịt chó là thịt cày (cày tơ, cày bảy món…) Chợt thấy lối hành xử của loài người với chó có chút bất công, thiếu gì cách để chối bỏ mặc cảm “xơi thịt chó” dễ nghe hơn, lại đi mượn “thịt cày” ghán cho “thịt chó”; thậm chí “khoái khẩu thịt chó” như vậy nhưng loài người vẫn xếp “thịt chó” dưới hạng “thịt dê” vốn là loại chỉ có chút công lao với loài người: Treo dê, bán chó… Nếu chó nói được tiếng người, chúng sẽ lên tiếng: Sao các vị nỡ lòng đối xử bạc bẽo với lũ đầy tớ trung thành loài chó chúng tôi cỡ vậy!

Nếu muốn ôn thêm về văn chương loài chó, xin gởi hầu quý vị một câu đối của Cao Bá Quát nhiều người còn nhớ, một câu đối kinh điển mỗi khi đọc lên bạn sẽ ngạc nhiên bởi nét cọ thần thông của một nhà nho uyên thâm đáng kính, sử dụng kỹ xảo phối cảnh tuyệt hảo trong nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh:

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Tản mạn về loài chó nhân dịp đầu năm Mậu Tuất khi hương tết vẫn còn phảng phất trong lòng người hoài cổ, thật thú vị biết bao khi bàn về “thịt chó” vốn được các đệ tử lưu linh, lưu địa, cùng với giới ẩm thực bình dân, kẻ có của, giới quyền quý… khá đông rất thích thú. Có lẽ vì vậy “thịt chó” (sau nhiều đối xử bạc đãi) được an ủi đi vào cổng sau “Viện hàn lâm ẩm thực” quốc hồn, quốc túy. Cụ thể, các bà nội trợ Việt không lạ gì cẩm nang “mẹo làm bếp” được tiền nhân truyền lại, trong đó cách chế biến thịt chó, đọc lên, không ai có thể cãi cự bởi nó “chuẩn” đến độ bất ngờ:

Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng, khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Vâng. Không có lá chanh, thịt gà luộc sẽ không còn là thịt gà luộc nữa. Còn thịt lợn không có hành nhiều món không thể nấu “ra hồn” được. Tương tự, thịt chó không thể thiếu củ riềng. Thậm chí người ta còn cao hứng “phong tước” cho củ riềng một câu chí lý: Thịt lợn luộc cặp riềng, chấm mắm tôm ăn với lá mơ ngon y như thịt chó. Còn món “giả cày” (thực tế thịt lợn nấu giả thịt chó) mà thiếu củ riềng coi như mười phần đủ mười sẽ bị tổ trác!

Chuyện bên ta là vậy, còn chuyện bên tây, con chó năm 2018 Tây lịch có đem lại chút hứng khởi tản mạn nào với bạn? Ngoài chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuổi chó, vợ thứ ba của ông, đương kim Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng tuổi chó; chuyện các nhà đấu tranh bảo vệ động vật (animal activists) mượn Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang tại Nam Hàn tố cáo với thế giới kỹ nghệ thịt chó tại đây có khiến bạn chau mày: Hả!

Thực ra thịt chó là món ăn ngon khoái khẩu của nhiều sắc dân Á Đông, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Đài Lan, Trung Quốc… (Vậy mà) chẳng hiểu sao chỉ có Hàn Quốc là bị lên án. Nếu các nhà hoạt động bênh vực quyền lợi thú vật đến Sài Gòn, tìm qua những địa chỉ tại hai khu Cống Quỳnh (Quận Một) và Chấn Hưng (Quận Tân Bình) họ sẽ choáng ngay. Nơi đây. Đủ cả. Thịt chó tươi (chỉ mới thui sơ qua), thịt chó nấu chín (hàng chục món chứ không chỉ bảy món tương truyền) ngồn ngộn, gần như dân Sài Gòn sính loại thịt giàu chất đạm này vuốt mặt không nể mũi, không coi vương pháp ra gì nữa!
Thực ra các nhà bảo vệ động vật chỉ giỏi chuyện ầm ĩ. Đáo giang tùy khúc, đến Rome thì cứ lặng ngắt bắt chước người Rome, đừng bày trò lắm chuyện. Chó tại Châu Á là vật nuôi để trông nhà, để dọn vệ sinh khi nhà có trẻ nhỏ; nơi đây chó không phải là ông tướng! Cơ khổ. Văn hóa khác biệt. Nếu lấy thước đo “yêu thú vật” của văn hóa phương Tây áp đặt lên kỹ nghệ thịt cày của Châu Á e có phần hơi kẹt cho Châu Á!

Hay dân Nam Hàn xơi thịt cày có phần quá đáng! Không hẳn thế. Đến Hàn Quốc, người ta đâu thấy những con chó (bị cắt đầu) thui vàng treo lên thu hút khách tràn lan như Sài Gòn. Thế mà chẳng biết họ moi đâu ra những chi tiết tày đình, kiểu: Mỗi năm khoảng 2 triệu con chó được nuôi tại các trại chuyên nghiệp tại Hàn Quốc (thông tin của AP hẳn hoi). Còn đối xử dã man tại các trại nuôi chó này khiến công tâm phẫn nộ, nào là chó bị đánh, bị bỏ đói, bị cắt tiết… chỉ vì người Hàn tin rằng thịt chó là thần dược, tăng lực, kiểu ông ăn bà hưởng ứng: virility and energy!
Khá khôi hài, tại Hàn Quốc cứ năm hộ có 1 hộ nuôi chó hoặc mèo như thú cưng trong nhà. Giới trẻ yêu thương chó hơn thế hệ tiền bối. Nên chính phủ Hàn Quốc tỏ ra quan ngại du khách nước ngoài đến đây dịp Winter Olympic bất mãn với kỹ nghệ thịt chó tại đây. Chính phủ yêu cầu 12 nhà hàng nổi tiếng tại Pyeongchang tạm thời không bán thịt chó, thậm chí chính phủ sẽ hỗ trợ bù lỗ. Đúng là chuyện bỡn. Đến Việt Nam mà coi, Sài Gòn có đến cả ngàn nhà hàng thịt chó, bù lỗ kiểu đó có mà sạt nghiệp. Dĩ nhiên các nhà hàng hầu như chẳng quan tâm, thực đơn của họ không thể thiếu món thịt chó!

Của đáng tội, trước đó các nhà hàng tại Pyeongchang đã có thử qua. Tuy nhiên doanh thu tuột dốc thê thảm khi họ chuyển thịt chó qua thịt lợn. Cuối cùng họ phải từ bỏ mỹ ý “hoàn lương”, ngựa quen đường cũ; muốn sống còn, buộc phải bán thịt chó trở lại!
Chính phủ bị kẹt ở giữa. Vận động có, kế hoạch có, nhưng người Hàn tại đây đâu dễ bắt nạt. Thành ra các trào lưu phản đối kỹ nghệ thịt chó tại xứ Hàn đá qua, đá lại, lâu lâu “sưng tấy” rồi xẹp xuống. Mỗi lần có hội nghị quốc tế tại Hàn Quốc các tổ chức bảo vệ động vật xúm vào lên tiếng đòi công đạo cho… chó! Không tin, Winter Olympic 2018 qua đi, mọi hô hào “cứu chó” sẽ chìm xuồng, dân địa phương lại rung đùi, cười khảy: Dễ gì! Dog Meat muôn năm!

Là vậy. Câu chuyện đầu năm Mậu Tuất cống hiến quý vị như lời tri ân một năm âm lịch đã qua. Năm con gà hạ màn, Nhà Trắng là trung tâm của nhiều vụ “con gà tức nhau tiếng gáy”. Năm con chó, chắc chắn Nhà Trắng lại thu hút dư luận bởi nhiều chuyện “chó sủa, chó không cắn”; cứ thế thiên hạ lại bị tung hỏa mù, mất đi khả năng tiên liệu chuyện gì sẽ xảy ra.

Hy vọng, nếu bạn muốn trở thành chiêm tinh gia tình hình chính trị Mỹ, năm Mậu Tuất này, (a) mùa phiếu 2108 có thể Đảng Dân chủ sẽ “lên voi” và (b) giá cổ phiếu “xuống chó” nhiều hơn nữa, dù kinh tế tạm được coi đã qua hồi bĩ cực? Và như vậy, kiểu gì thì kiểu, Tổng thống Trump nhất định sẽ bớt thuận buồm xuôi gió. Khả năng Quốc Hội Mỹ với số ghế thắng thế với Đảng Dân chủ, lúc đó Tổng thống Trump sẽ làm gì để đối phó với viễn cảnh: Giậu đổ, bìm leo, chó đái trèo!

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email