Đồn công an Tàu ở khắp thế giới

Sứ quán Trung cộng ở Ottawa
Địa điểm 54 đồn công an Trung cộng với tên gọi “trạm dịch vụ cảnh sát” trên thế giới. Đồ họa của SafeguardDefenders

Trước nay, người ta cứ tưởng rằng công dân Hoa Kỳ là những người được chính phủ của họ chăm sóc hết mực khi ra khỏi nước. Đọc những câu chuyện về bảo hộ công dân – can thiệp trợ giúp trong những tình huống khó khăn, giải cứu khi gặp dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, thậm chí thương thuyết và trả tiền chuộc mạng khi bị bắt giữ hay bắt cóc, người ta ghen tỵ với các công dân Mỹ. 

Nhưng mọi người lầm to. Dân Mỹ thua dân Hoa lục.

Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ở hải ngoại còn được chính phủ của họ, tức Trung cộng, chăm sóc kỹ hơn nhiều.

“Cảm nhận hơi ấm quê hương”

Vào buổi tối ngày 7 tháng 2, một nữ du học sinh người Hoa ở Canada hoảng hốt gọi cho đường dây nóng của cảnh sát.

Nhưng cô dùng tiếng mẹ đẻ vì nơi cô gọi đến không phải là một đồn cảnh sát Canada.

Người phụ nữ họ Vương nói với nhân viên tổng đài “Xin chào, đây có phải là Văn phòng Công an Phúc Châu không? Tôi đã bị lừa…” 

Cô kể rằng mình đã bị lừa mất khoảng 400 đô la.

Tại Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, miền đông nam Trung quốc, cảnh sát đã theo dấu tên lừa đảo đến quận Taijiang. Một người đàn ông tên Lâm cuối cùng đã phải thú nhận anh ta đã lừa 9 nạn nhân với số tiền hơn 3.700 đô.

Các phương tiện truyền thông Trung quốc kể lại câu chuyện của cô Vương trong những bài viết đầy tự hào. Họ mô tả đó là “vụ án gian lận mạng viễn thông xuyên biên giới đầu tiên” được giải quyết kể từ khi khai trương “đường dây nóng ở nước ngoài 110”, một dịch vụ kiểu 911 vào năm 2018. Tân Hoa Xã khoe khoang rằng qua đường dây nóng này, “những người Hoa ở nước ngoài vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm của quê hương.” 

Những chiến công oanh liệt của công an Tàu cộng như kiểu của Công an Phúc kiến vừa được kể không chỉ được thực hiện ở Canada.

Và các hoạt động của Công an Trung cộng để giúp các kiều dân của họ không chỉ là qua các hotline, cũng không chỉ ở Canada.

Ở bên Tàu, có một bộ phim truyền hình nổi tiếng phát hành cuối năm 2017, đạt kỷ lục về tỉ suất người xem đài trên các kênh truyền hình Trung quốc trong thế kỷ 21 tính đến thời điểm chiếu xong.

Lễ ra mắt Trung tâm Dịch vụ Hải ngoại thuộc Đồn Công an Hoa kiều.
Ảnh của New Blue Network Zhejiang Network Radio and TV Station

Trong bộ phim đó, mang tên “Danh nghĩa nhân dân” (人民的名 / In the Name of the People), có chiến công của các điệp viên Trung quốc vào Mỹ dưới vỏ bọc doanh nhân để tóm cổ xách về nước một giám đốc nhà máy đã bỏ trốn ra nước ngoài với khối tài sản kếch xù.

Bộ phim không hoàn toàn hư cấu. Nhưng các điệp viên Tàu nay đã không thèm dùng vỏ bọc doanh nhân để ra nước ngoài nữa.

Họ đã lập cả những đồn công an ở khắp các lục địa, 

Những “trạm dịch vụ” cảnh sát Trung cộng – thực chất là các đồn công an, ở Âu châu đã có mặt và hoạt động từ cuối thập niên 2010, và tin tức về sự hiện diện của các đồn cảnh sát này ở Bắc Mỹ vừa ồn ào lên gần đây.

Đáng ngại hơn nữa, các đồn này do những cơ quan công an cấp tỉnh điều hành chứ không phải công an cấp trung ương ở Bắc kinh.

Mạng thông tin Âu hoa (Ouhoa Information Network) hôm 18 tháng 1 năm 2020 đưa tin về chiến công của một trạm dịch vụ cảnh sát kiểu như trên ở Tây ban nha:

“Từ Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, đến quê hương của Hoa kiều ở Thanh thiên (Qingtian), quãng đường đi thẳng là 9.200 km. Vào khoảng 4h20 sáng ngày 14/1, khi chuyến bay CA738 từ từ hạ cánh xuống sân bay Thủ đô Bắc Kinh, nghi phạm họ Lưu, người đã thực hiện một chuyến bay đường dài trong 8 giờ, cuối cùng đã được thuyết phục thành công để trở về Trung quốc và tự đầu hàng.”

Ông Lưu này từng là chủ một nhà máy chế biến dầu thải ở Thanh thiên từ cuối thập niên 2000. Công ty này đã sử dụng dầu thải để tinh luyện dầu diesel không đạt tiêu chuẩn khi chưa được chi cục bảo vệ môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường, năm 2017 nhà máy bị lệnh tạm dừng sản xuất. Năm 2019, khi Văn phòng Công an Quận Thanh Thiên điều tra các cổ đông của nhà máy và những người khác, và Lưu đã bị truy đuổi và bỏ trốn trên mạng.

“Vào ngày 18 tháng 11 năm 2019, Viện kiểm sát quận Thanh thiên, thông qua Liên đoàn Hoa kiều của quận và Hiệp hội Thanh thiên Tây Ban Nha, đã tiến hành giáo dục pháp luật cho nghi phạm tội phạm Lưu ở Tây Ban Nha, vận động anh ta tích cực tham gia kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường, và nhận được sự khoan hồng đối với anh ta để trở về Trung quốc và tự nộp mình. 

…Vào lúc 19 giờ ngày 7 tháng 1, Viện kiểm sát huyện Qingtian và Hiệp hội Qingtian Tây Ban Nha đã tổ chức hội nghị truyền hình xuyên biên giới về giải pháp cho các vụ án liên quan đến người Hoa ở nước ngoài để liên lạc với nghi phạm tội phạm Lưu, người đang ở Madrid, Tây Ban Nha, và thuyết phục anh ta trở về Trung quốc để đầu thú và giải quyết các vấn đề liên quan….”

“Ji Yongjun, một thành viên chuyên trách cho biết: “Bây giờ Lưu đã trở về Qingtian để đầu thú, sau khi vụ án bước vào giai đoạn kiểm sát, viện kiểm sát sẽ kích hoạt cơ chế xử lý nhanh các vụ việc liên quan đến Hoa kiều để xử lý vụ án”. 

Một đoạn video của cuộc họp video cho thấy “Trung tâm dịch vụ của Cảnh sát Thanh thiên Kiều (Hoa kiều) ở Madrid” cùng tham gia, chứng tỏ rằng trung tâm dịch vụ ở nước ngoài của Cảnh sát ở Madrid được giao nhiệm vụ “thuyết phục Lưu trở về”. Ngoài ra, đoạn clip cũng cho thấy thành viên gia đình của nghi phạm ở Trung quốc đã được Viện kiểm sát gọi đến để tham gia cuộc họp, ngồi bên cạnh các quan chức và có bảng tên ghi “Đại diện gia đình” trên bàn làm việc. 

Sớm hơn vụ ở Tây ban nha, một vụ tương tự, diễn ra ở Serbia, cũng được giới truyền thông Hoa lục tung hô. Anh Xia, một công dân Trung quốc đã bị buộc tội trộm cắp và sống ở Belgrade đã “bị thuyết phục trở về Trung quốc” vào ngày 31 tháng 10 năm 2018. Trạm dịch vụ cảnh sát hải ngoại của cảnh sát Thanh Thiên ở Belgrade đã tìm ra chỗ ở của Xia, liên lạc với anh ta và sau đó làm việc cùng với cảnh sát Thanh Thiên ở Trung quốc để tiến hành công tác “thuyết phục” Xia qua video trên mạng xã hội WeChat. Theo các tài liệu của chính phủ, thoạt đầu Xia không muốn quay trở lại Trung quốc để phải chịu truy tố và chắc chắn là lãnh án, nhưng sau khoảng một tuần đối thoại với cảnh sát, Xia đã thay đổi quyết định và “tự nguyện” trở về.

Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ (NGO) về nhân quyền ở Âu châu cho biết theo các tài liệu chính thức thì từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022 đã có hơn 230.000 người đã được đưa trở lại Trung quốc theo cách đã được áp dụng với ông Lưu và ông Xia. Cho biện pháp “thuyết phục”, công an Trung cộng thường “vận động” những người thân ở quê nhà của đương sự tham gia. Họ bị hăm dọa, và thực sự bị áp đặt những hình phạt nặng tay nếu màn thuyết phục không thành công, như không cho con cái của đương sự đi học hoặc phá dỡ những ngôi nhà được cho là có được bằng tiền bẩn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã vào tháng 2 năm nay, Vương Trương (Wang Xizhang), người đứng đầu Công an Phúc Châu (Fuzhou), cho biết thành phố này cam kết cung cấp “các dịch vụ hiệu quả, chất lượng cao và thuận tiện cho người Hoa ở nước ngoài” như đường dây nóng ở nước ngoài 110, trong khi cùng một lúc “giảm tội phạm và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến nhóm này.” “nhóm này” nghĩa là các Hoa kiều

Theo một bài báo gần đây được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung quốc, vào tháng 4, một doanh nhân ở Mozambique đã báo cáo rằng một trong những nhân viên của anh ta, họ Lương (Yang), đã trộm một khoản tiền mặt lớn của công ty và trốn sang Trung quốc. Người đàn ông này đã nhanh chóng bị tạm giữ, sau đó khai với cảnh sát về một đồng phạm vẫn còn ở Mozambique, một ông Du (Yu).

Công an kêu gọi những người thân của ông Du ở Trung quốc “thuyết phục ông ta đầu thú càng sớm càng tốt”, báo cáo dẫn lời chính quyền Phúc Châu trong việc “thuyết phục ông ta quay trở lại.” Họ cũng “trực tiếp liên lạc với Du và giải thích cho ông ta các luật và chính sách liên quan” và đã thành công trong việc “thuyết phục ông ta quay trở lại”.

Mặc dù không rõ mức độ thuyết phục này được thực hiện từ xa và bao nhiêu liên quan đến các trạm dịch vụ cảnh sát ở nước ngoài, nhưng Safeguard Defenders cảnh báo rằng “những phương pháp này cho phép Đảng Cộng sản Trung quốc và các cơ quan an ninh của họ phá vỡ các cơ chế song phương thông thường về hợp tác cảnh sát và tư pháp, do đó làm xói mòn nghiêm trọng pháp quyền quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ ba liên quan”.

Safeguard Defenders lo ngại cho đám dân Trung quốc sống hợp pháp ở nước ngoài. Họ sẽ chỉ còn rất ít hoặc không có biện pháp nào để bảo vệ cho họ trước công an Trung quốc.

Hàng trăm đồn công an hải ngoại

Bản phúc trình vừa được Safeguard Defenders công bố có tên “110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild” (110 Hải ngoại: hoạt động cảnh sát xuyên quốc gia của Trung quốc loạn phát).

Unit 1 & 2 tại 220 Royal Crest CT, ở Markham, Ont. Địa chỉ này là trụ sở của một tổ chức phi chính phủ có đăng ký được cho là đang được công an Trung cộng sử dụng làm cơ sở hoạt động trong vùng GTA. Photo: Yader Guzman/The Globe and Mail

Phúc trình này cho hay hiện các đồn công an Trung cộng mang tên mỹ miều “trạm dịch vụ” ở hải ngoại đã hiện diện ở hàng chục quốc gia trên khắp năm châu. 

“Vào ngày 10 tháng 1 năm nay, Sở Công an thành phố Phúc Châu đã chủ trì mở quầy dịch vụ báo động 110 ở nước ngoài và đã liên tiếp nhận được các cuộc gọi giúp đỡ từ 48 quốc gia và khu vực, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Argentina, Nhật Bản,… tại những nơi tập trung (Hoa kiều). Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người dân ở nước ngoài không thể trở về Trung quốc, vì vậy, nội dung các cuộc gọi để cầu cứu cơ quan công an chủ yếu liên quan đến quản lý giao thông và hộ khẩu. Ví dụ như các vấn đề như xe máy Giấy phép lái xe và thẻ căn cước công dân sắp hết hạn, chỉ cần bạn quay số 0086-591-110 “Bàn dịch vụ báo động 110 ở nước ngoài” từ điện thoại di động, những vấn đề này có thể được giải quyết trực tiếp với nếu đáp ứng đủ các điều kiện.”

Bản tin của trang mạng chính phủ Phúc kiến (https://qb.fujian.gov.cn/) viết về sự ra đời của dịch vụ Hải ngoại 110 như trên.

Hệ thống Truyền thanh và Truyền hình Tân Lam Chiết giang (New Blue Network Zhejiang Network Radio and TV Station) hôm 02 tháng 8 năm 2019 cũng khoe : “… Công an huyện Thanh thiên đã phát huy hết lợi thế về nguồn lực Hoa kiều và tận dụng sức mạnh của các lãnh đạo Hoa kiều tại 21 thành phố trong 15 các nước, bao gồm Rome, Milan (Ý), Paris, và Vienna (Áo), đã thành lập các trung tâm dịch vụ ở nước ngoài cho Hoa kiều để cung cấp các dịch vụ tiện lợi cho Hoa kiều.

Hiện tại, Công an huyện Thanh thiên đã thuê 135 lãnh đạo Hoa kiều người gốc Thanh Thiên và lãnh đạo các nhóm Hoa kiều làm giám đốc, phó giám đốc và nhân viên liên lạc của trung tâm, đồng thời đã thành lập một đội hơn 1.000 lưới dịch vụ thông tin ở nước ngoài. Đồng thời, để chỉ đạo tốt hơn việc xây dựng các trung tâm dịch vụ ở nước ngoài và công việc phục vụ hàng ngày, Công an huyện Thanh thiên cũng đã thành lập một trung tâm liên lạc trong nước, quản lý phương tiện vận tải, chứng nhận điện tử và các dịch vụ khác.

Ngoài ra, dựa vào nguồn lực của trung tâm dịch vụ hải ngoại của đồn cảnh sát hải ngoại, họ đã thiết lập và cải tiến các cơ chế hoạt động như liên lạc video, liên kết nền tảng, chia sẻ thông tin, tham vấn thường xuyên và liên lạc tức thì dùng để kết nối liên lạc trong nước các trung tâm và trung tâm dịch vụ ở nước ngoài. Các dịch vụ liên quan đến người Hoa ở nước ngoài, thu thập tình cảm và ý kiến ​​của người Hoa ở nước ngoài, thúc đẩy thông tin chính sách, nghiên cứu các vấn đề khó khăn và phức tạp, và việc xử lý của cảnh sát ở nước ngoài, v.v…, xây dựng một mô hình mới về người Hoa ở nước ngoài các dịch vụ có sự liên kết bên trong và bên ngoài và tương tác hai chiều.

Thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ ở nước ngoài, Công an Thanh thiên đã đạt được những bước đột phá mới trong việc truy quét những kẻ đào tẩu ở nước ngoài và cấu trúc của các vụ án hình sự cũng được tối ưu hóa hơn nữa. Kể từ năm 2018, họ đã phát giác thành công 6 vụ án hình sự liên quan đến Hoa kiều, hỗ trợ trong việc bắt giữ một người Hồng kông đã đăng ký thông qua «Văn phòng liên lạc cảnh sát và Hoa kiều», và thuyết phục hai người tự đầu hàng; kết quả đặc biệt của “Hành động săn cáo” đã xếp hạng nhất thành phố.”

Các văn phòng như vậy bề ngoài là để hỗ trợ công dân Trung quốc trong các vấn đề hành chánh, giấy tờ liên quan đến nước mẹ. Nhưng các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Trung quốc và tuyên bố chính thức của chính phủ cho thấy nhiệm vụ đó là việc nhỏ, và troing số những công việc chính của chúng là hợp tác với công an Trung quốc trong các hoạt động, mà “thuyết phục” những kẻ bị cáo buộc quay trở lại Trung quốc để đối mặt với tòa án là một.

Đồn Công an Trung cộng ở Canada

Phúc trình của SafeguardDefenders xác định hiện có 54 đồn cảnh sát Hoa kiều ở 30 quốc gia, tất cả đều thuộc quyền quản lý của hai cơ quan cảnh sát cấp địa phương ở Trung quốc – Sở Công an Phúc Châu ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến và công an huyện Thanh thiên ở tỉnh Chiết Giang. Danh sách này được các phương tiện truyền thông Trung quốc xác nhận.

Vẫn theo SafeguardDefenders, một thông cáo báo chí của Bắc kinh phát hành tháng 7 năm 2018 còn cho hay 10 tỉnh khác của Trung quốc đã được khuyến cáo thành lập các hoạt động tương tự. 

Trên bản đồ thế giới liệt kê số đồn công an tại địa phương được tổ chức SafeguardDefenders công bố, Canada có 3 đồn, tất cả đều nằm ở Toronto.

Việc có đến 3 đồn công an Trung cộng ở Toronto không phải là khó hiểu.

Thống kê Canada năm 2016 ghi nhận số người Canada gốc Hoa trên toàn quốc là 1,8 triệu, quần thể sắc tộc Á châu lớn nhất nước, chiếm 5% tổng dân số Canada (37 triệu).

Phúc trình của Ủy ban về Công dân và Di trú (CIMM) của Quốc hội Canada ghi nhận trong năm 2019, Trung quốc là quốc gia đứng đầu thứ hai về nguồn thường trú nhân mới (30.000), nguồn du lịch lớn thứ ba (712.000) và quốc gia có nguồn sinh viên quốc tế lớn thứ hai của Canada (85.000). 

Và bất chấp có việc giảm số lượng ghi danh gần đây do COVID-19 và quy định nhận diện bằng dữ kiện sinh trắc sắp có hiệu lực, Trung quốc vẫn là nguồn cung cấp thường trú nhân mới và sinh viên quốc tế lớn thứ hai.

Vancouver và Toronto là hai thành phố đông người Hoa nhất nước. Nhưng quần thể người gốc Hoa ở Toronto đông hơn Vancouver. Dữ liệu dân số năm 2016 cho thấy số người gốc Hoa ở thành phố này là 700 ngàn, chiếm 12% dân số thành phố. 

Các nhà báo điều tra của nhật báo The Globe and Mail của Canada đã đến viếng ba địa chỉ ở khu vực Đại đô thị Toronto (GTA) mà truyền thông nhà nước Trung cộng công bố trong danh sách các trạm dịch vụ của cảnh sát Hoa kiều gồm hai ở Markham và một ở Scarborough.

Tất cả đều ở những khu vực có đông người Trung quốc sinh sống.

Nhưng tất cả những người (chắc chắn là gốc Hoa) mà tờ The Globe and Mail đã hỏi chuyện đều nói họ “chẳng biết gì về một đồn cảnh sát hoặc đã nghe nói về Sở Công an Phúc Châu”. 

Ở Markham, một địa chỉ là nhà riêng, trong khi địa chỉ kia là một trung tâm mua sắm đầy rẫy các doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ của Trung quốc. 

Địa chỉ thứ ba, trong một khu thương mại gần xa lộ, thuộc sở hữu của Hiệp hội Doanh nghiệp Phúc Thanh Canada (Canada Toronto FuQing Business Association /CTFQBA), một tổ chức phi lợi nhuận có đăng ký với Liên bang.

Trên trang web của họ, CTFQBA cho hay tổ chức này được thành lập “dưới sự hướng dẫn” của một số tổ chức chính phủ Trung quốc và Phúc Kiến, bao gồm cả ủy ban thành phố thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cánh tay của Đảng Cộng sản Trung quốc ở nước ngoài.

Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung quốc, trong một phiên họp của Đại hội Nhân dân tỉnh Phúc Kiến lần thứ 13 vào tháng 3 vừa qua, chủ tịch danh dự của CTFQBA Weng Guoning đã ca ngợi hệ thống “Overseas 110”, nói rằng nó đã giúp ông cảm nhận được “sự ấm áp” của quê hương.

Báo The Globe and Mail cho hay khi họ tiếp xúc, cả CTFQBA lẫn một đại diện của lãnh sự quán Trung quốc tại Toronto cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Họ cũng không thể liên lạc với ông Weng.

Phần lớn thông tin về các trạm dịch vụ của cảnh sát Trung quốc vẫn chưa rõ ràng. Ngay cả trong trường hợp của những cơ sở hoạt động công khai, có thể khó xác định liệu họ có được sự cho phép của chính phủ nước sở tại, hoặc chánh phủ sở tại có biết hay không.

Daria Impiombato, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, người không tham gia vào nghiên cứu SafeguardDefenders, cũng đã theo dõi sự mở rộng “đáng lo ngại” của sự hiện diện của cảnh sát Trung quốc ở nước ngoài.

Bà Impiombato nói: “Công dân Trung quốc ở nước ngoài đã nhận thức rất rõ rằng thông tin có thể được đưa về nước và có thể gây ra hậu quả cho sự an toàn của họ hoặc người thân của họ” nếu họ “đi không đúng hàng”.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng trước, văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã phát giác “các hình thức đe dọa, đe dọa và trả đũa” đối với người Duy ngô nhĩ (Uyghurs) và những công dân Trung quốc khác sống ở nước ngoài đã lên tiếng chống lại Bắc Kinh.”

Mới đây, tờ Il Foglio của Ý đã đưa tin về một bản tin được gửi đến các cư dân Trung quốc ở Tuscany, thông báo cho họ về một “Trạm Dịch vụ Cảnh sát Hải ngoại Phúc Châu” mới tại một địa chỉ ở thành phố Prato, được chia sẻ với Hiệp hội Văn hóa của Cộng đồng Người Hoa Phúc Kiến ở Nước Ý.

Trong lúc Cảnh sát Ý nói với tờ báo rằng họ chưa được thông báo về việc mở cửa của trạm này, nhưng không có lý do để lo ngại vì nó “chỉ giải quyết các thủ tục hành chính chứ không phải an ninh công cộng”, báo Il Foglio cho hay đã có bằng chứng rằng trạm này tham gia vào “hoạt động thu thập thông tin tình báo”.

Phản ứng của Canada

Camille Boily-Lavoie, phát ngôn nhân của Cảnh sát RCMP, cho biết họ không bình luận về “các báo cáo hoặc tuyên bố chưa được kiểm chứng của phương tiện truyền thông”.

Bà này nói thêm rằng các cảnh sát viên ngoại quốc, gồm cả các thành viên của Bộ Công an Trung quốc, “có thể được cử đến Canada trong thành phần của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự, thực hiện các nhiệm vụ mang tính đại diện hoặc với tư cách liên lạc.”

Nhưng hồi tháng 1, Chỉ huy trưởng RCMP Brenda Lucki đã xác nhận rằng với sự hiện diện và hoạt động của công an Trung cộng, đang có “vấn đề ngày càng gia tăng” về việc đe dọa và quấy rối người Trung quốc ở Canada.

Charles Burton, một thành viên cấp cao tại Viện Macdonald-Laurier ở Ottawa và là thành viên cấp cao không thường trú của European Values Center for Security Policy ở Praha, cũng từng là nhà ngoại giao tại sứ quán Canada ở Bắc Kinh, nhận định: “Đó là một sự xúc phạm. Cảnh sát Trung quốc thành lập văn phòng ở Canada, sau đó “thuyết phục” những kẻ bị cáo buộc trở về đất mẹ để đối mặt với “công lý” – trong khi chính phủ và các cơ quan an ninh của chúng ta dường như làm ngơ – thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của Canada, quốc tế luật pháp và các chuẩn mực ngoại giao.” 

Sau phúc trình của SafeguardDefenders và sự lên tiếng của giới truyền thông trong nước, các giới chức Canada đã bày tỏ lo ngại.

Những cuộc điều tra về hoạt động của các đồn công an hải ngoại đã được khởi động sau khi phúc trình của SafeguardDefenders và sự lên tiếng của các cơ quan thông tấn Canada.

Được mời ra khai chứng trước Ủy ban Canada-Trung quốc của Quốc hội vào ngày 4 tháng 9, Weldon Epp, Tổng giám đốc Cục Bắc Á và Châu Đại Dương của Global Affairs Canada (Toàn cầu vụ, một tên khác của Bộ Ngoại giao), cho biết nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, hoạt động này sẽ “nằm ngoài phạm vi của bất kỳ vai trò liên lạc cảnh sát hợp pháp nào” giữa hai nước và Ottawa sẽ “rất mạnh mẽ đặt vấn đề” với Bắc Kinh.

“Hoạt động bị cáo buộc là hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không phù hợp và sẽ bị phản kháng mạnh mẽ và bị theo dõi về mặt ngoại giao,” Epp nói.

Dân biểu Michael Chong (Bảo thủ) gay gắt: “Có cuộc điều tra nào đang diễn ra ngay bây giờ để xác định tình trạng nhập cư của họ (những người làm việc tại các đồn công an đó) không? Bởi vì nếu họ đến đây từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với lý do giả tạo, phải thu hồi những chiếu khán đó.”

Bà Aileen Calverley, người đồng sáng lập và người được ủy thác của nhóm vận động nhân quyền Hong Kong Watch, nói trong cuộc điều trần trước Quốc hội rằng: “Họ (Trung cộng) công khai làm điều đó bởi vì không có luật pháp, không có gì để răn đe họ, không có gì để trừng phạt họ,” Calverley nói với ủy ban, đồng thời nói thêm rằng các đài này nhằm mục đích đe dọa những người lên 

Bà Aileen Calverley, đại diện nhóm nhân quyền Hong Kong Watch
khai chứng trước Quốc hội Canada. Photo: Parliament of Canada

Calverley đề xuất rằng Canada cần đưa ra luật mới và điều tra xem những cá nhân liên quan (tới các đồng công an Trung cộng ở Canada) có được đăng ký là đặc vụ ngoại quốc hay không.

Thượng nghị sĩ Leo Housakos (Bảo thủ, Quebec) cho hay “đã đến lúc để các thành viên của lưỡng viện ủng hộ Bill # S237 – dự luật đăng ký nhân viên người nước ngoài, của tôi. Đã đến lúc thực sự giải quyết sự can thiệp và đe dọa của nước ngoài trên đất Canada.”

Dân biểu Đảng Tự do Jean Yip, đại diện cho khu vực đông người Hoa Scarborough-Agincourt ở Toronto, nhấn mạnh rằng phải trấn an người dân Canada, đặc biệt là những người cư trú ở Scarborough và Markham, nơi có các đồn cảnh sát của Trung cộng. 

Khi được bà Yip hỏi một cử tri của bà đối mặt với sự quấy rối, đe dọa hoặc ép buộc của các đồn công an đó, họ phải làm gì, Epp trả lời: “Chúng tôi khuyến khích những người đó cho Global Affairs biết, để chúng tôi có thể thực hiện liên lạc thích hợp với [chính phủ] Trung quốc, và họ còn cần báo cáo những điều này cho cảnh sát.”

Có vẻ như …bù trất. Trước giờ, Canada chưa hề được tiếng là có những phản ứng mạnh, hoặc ít ra là thích đáng với Trung cộng.

Thí dụ như vụ ở Vancouver mà báo The Globe and Mail vừa nhắc lại. Năm 2001, trong phiên xét tị nạn ở Vancouver của ông Lai Changxing – một doanh nhân bị Bắc Kinh truy nã vì cáo buộc tham nhũng và buôn lậu – công an Trung cộng thừa nhận đã vào Canada bằng cách sử dụng các giấy tờ giả, và đã khuyến khích anh của ông Lai Changxing cố gắng thuyết phục Lai trở về Tàu. Các viên chức Canada đã chỉ cười hiền lành trước sự vi phạm nghiêm trọng luật hình sự và di trú này. Sau cùng, ông Lai đã bị trục xuất trở lại Trung quốc.

Rồi đến vụ Trung cộng bắt giam hai người Canada – hai ông Michael, ở Trung quốc, những người vô tội để đổi lấy bà Mạnh Vãn Chu, con gái chủ tịch công ty Hoa vi.

Hoặc, gần đây nhất, ở cuộc tuyển cử liên bang năm 2021. Trong cuộc vận động, Bắc kinh đã tung ra một chiến dịch thông tin sai lệch để các ứng cử viên Đảng Bảo thủ “không thân thiện” với Trung quốc mất ghế, trong số đó có Dân biểu Kenny Chiu, người đệ trình một dự luật tương tự như dự luật Bill # S237 của Thượng nghị sĩ Leo Housakos.

Đỗ Quân

Xem thêm

Nhận báo giá qua email