Đòn Trời Giáng

Trump nhập viện tại Walter Reed Medical Center

Oscar Wilde nói một câu để đời: Vị thánh nào cũng có một quá khứ. Tội đồ nào cũng có một tương lai. Every saint has a past. Every sinner has a future. Đó là một triết lý không chỉ khôn ngoan mà tiềm ẩn một giá trị nhân bản, nhân ái. Vâng. Lời nói của nhà thơ đại tài Ái Nhĩ Lan này đã để lại trong chúng ta những phản tỉnh, những điều đáng suy gẫm biết bao nhiêu.

Non một tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (mùng 3 tháng 11). Mọi chuyện đang xuôi chèo mát mái. Dùi nện trống, tay không biết mỏi. Võ mồm và đấu khẩu càng lúc càng hăng, hai bên không ai thấy mệt. Người ta thề độc sẽ dồn sức ủng hộ cho gà nhà của mình. Đùng một cái. Tin loan đi khắp nơi: Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melanie cả hai đều nhiễm Covid-19. Một căn bệnh tính đến thời điểm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 210.000 dân Mỹ.

Không luận chuyện này liên quan đến Tổng thống Trump như thế nào và ông có bao nhiêu phần trách nhiệm. Bởi trước tiên nó là chuyện đã rồi. Gần tám tháng qua, cụ thể là vào tháng 02 năm nay, thông tin từ các cơ quan an ninh, các nhóm đặc trách tình báo, các cố vấn, các nhà khoa học… liên tục cảnh báo Covid-19 sẽ là một đại dịch. Nhưng thái độ của Tổng thống Trump với Covid-19 ra sao bạn đọc đã có thừa minh định. Thành ra ở đây chúng ta không “thừa giấy vẽ voi” nữa!

Khi một trợ tá đáng tin cẩn từng tháp tùng đến nhiều nơi với ông (Mrs. Hope Hicks) có triệu chứng húng hắng ho, người ta quyết định bảo cô đi kiểm tra, test coming back positive. Thế là Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân vội quyết định cùng đi thử. Cả hai đều dương tính. Đệ nhất phu nhân Melanie mới năm mươi tuổi, sức vóc còn tráng kiện, khỏe như văm, nhưng Tổng thống Trump thì khác, overweight, 74 tuổi, ông thuộc nhóm “higher risk”. Tối thứ năm ông đánh điện thông báo với thế giới mình đã nhiễm Covid-19 và tự giác cách ly. Sang thứ sáu ông nhập viện. Thứ bảy Bạch ốc họp báo. Tình hình sức khỏe của ông nói chung tốt. Bác sĩ Sean Conley đặc trách của Bạch ốc tại cuộc họp báo cho biết như thế.

Khi tin Tổng thống Trump nhập viện được loan đi, nhiều người nghĩ Mr. Joe Biden sẽ tranh thủ tận dụng thời cơ vàng này để tấn công tới tấp theo kiểu thừa thắng xông lên. Nhưng không, Mr. Joe Biden đã quyết định cho ngưng tất cả những chương trình quảng nhắm vào đối thủ của mình. Theo Mr. Biden, đây là điều nên làm. Khá đơn giản, đối thủ của ông đang bị bệnh, thừa thắng xông lên không hề là lối hành xử của quân tử. Nguyên văn lời Mr. Joe Biden: This cannot be a partisan moment. Đây không phải là lúc bè cánh, đảng phái. Điều này khiến nhiều người cảm thấy Mr. Biden có vẻ rất “đâu ra đó” trong nguyên tắc làm việc công bằng của mình.

Tất nhiên, khỏi nói, đây là một quả chùy khá nặng đánh vào đầu Chiến dịch vận động của Tổng thống Trump. Như đã bàn, mọi chuyện Tổng thống Trump nói và làm từ khi đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ ai cũng biết. Ông khẳng định rõ mình sẽ làm tất cả nhằm ngăn cản không cho Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Từ chuyện tuyên bố đây là tin hoax, cho đến những phát biểu sốc nổi, trực tính; thậm chí bản thân ông nhiều lần gây khó khăn cho các chuyên gia y tế… Thực ra ông sợ kinh tế Mỹ đóng cửa hơn là ông sợ Tử thần Covid-19.

Ban đầu cứ ngỡ các buổi họp báo về tình hình Covid-19 là sân chơi có lợi cho mình, nhưng tình thế mỗi lúc một bất lợi hơn. Ai cũng biết từ Bác sĩ Anthony Fauci cho đến Bác sĩ Deborah Birx, bất cứ ai trình bày thông tin về đại dịch Covid-19 qua lăng kính khoa học đều bị ông tẩy chay và gạt ra khỏi sân khấu họp báo… Khá đông dân Mỹ cuối cùng nhận ra ông chống lại khoa học. Chỉ có những fans trung thành là tin ông như tin sấm.

Nói tới nói lui vẫn là chuyện đổ thừa. Nhiều dân Mỹ nhân vụ này sẽ nói ông không bảo vệ được bản thân và gia đình, cùng với những nhân viên và cố vấn ra vào Bạch ốc làm sao ông bảo vệ được dân. Họ nói ông cố tình đi ngược khuyến cáo của các bác sĩ chuyên môn. Họ nói ông coi thường khoa học. Họ khẳng định ông chỉ nghĩ lo cho thành công kinh tế. Ông muốn kinh tế Mỹ mở cửa. Ông muốn mọi sinh hoạt phải được diễn tiến bình thường. Ông phủ nhận Covid-19 là đại dịch có thật. Nhưng không. Nó không hề là tin hoax. Nó có thật. Họ nên án ông xem thường lợi ích của việc đeo mặt nạ, chỉ cầm theo để bỏ túi, thích thì đeo, không thích thì thôi.

Quả nhiên thế, nhiều dân Mỹ thực hiện biện pháp tự bảo vệ theo khuyến cáo của khoa học Mr. Trump đều nơ-pa. Các fans trung thành của ông có mặt tại các buổi tụ họp rally đông người. Rõ ràng các fans này rất gan dạ, gần như điếc không sợ súng, đi mưa không biết lạnh, thấy quan tài không hề có chuyện đổ một giọt lệ… Còn người bình thường, họ sợ Covid-19 như sợ ông kẹ. Nhìn vào kỹ nghệ hàng không dân dụng sẽ thấy ngay, nhiều hãng hàng không đang phá sản tới nơi, ai ai cũng biết đại dịch Covid-19 không phải chuyện đùa!

Nay ông nhập viện tại Walter Reed Medical Center – Một quân y viện nổi tiếng của Mỹ cách Bạch ốc không xa. Nhiều người tỏ ra thương mến ông thực lòng. Điều này cho thấy tình cảm ngưỡng mộ họ dành cho ông là thật chứ không phải giả tạo. Tại các diễn đàn của fans ủng hộ ông bao lời cầu nguyện, bao tâm tình thương cảm, thoughts and prayers tấp nập gởi đi. Người ta mong ông chóng lành bệnh. Bao nhiêu thứ đăng đăng, đê đê ngoài kia, ông phải hồi phục nhanh để kịp có mặt tại mùa phiếu đang hồi tăng tốc. Họ cầu xin như thế. Nhiều người nghẹn ngào. Nhiều người rưng rưng. Tình cảm họ dành cho ông là tình cảm xuất phát từ đáy lòng, từ gan ruột.

Với người không mấy ưa gì ông, tất nhiên thái độ của họ, quan sát kỹ, xuất hiện khá rõ một hệ quang phổ khá đa diện, từ vui mừng lộ liễu cho đến dè chừng cẩn thận. Không ít người bảo ông bị Covid-19 là đáng đời. Một số bảo đây là một bài học quý dành cho kẻ lúc nào cũng coi Trời bằng vung. Một số dè dặt lời ăn tiếng nói. Theo họ, chẳng cao thượng gì khi nói ra những lời chối tai vào lúc này (vốn càng khiến họ tầm thường hơn). Tóm lại một câu, bản thân sự việc vốn dĩ thừa đủ thuyết phục chứng minh ai đúng ai sai, thành ra kiệm lời là tốt hơn cả; nhiều khi xác định được “điểm dừng đúng lúc” gẫm lại cũng là một nghệ thuật dụng binh hữu ích.

Đó là tại Mỹ, còn với thế giới thì sao? Tất nhiên Vladimir Putin đã không bỏ lỡ cơ hội để gởi điện hỏi thăm và chúc sức khỏe Tổng thống Trump mau bình phục. Benjamin Netanyahu cũng thế, không chậm trễ trong việc sẻ chia những lời nói tốt lành nhất với anh “bạn vàng” đang trong nhập viện. Kim Jong Un khỏi nói, cũng nước mắt cá sấu bày tỏ tình cảm chân thành. Xi Jinping cũng nhân cơ hội này đẩy đưa lời thăm hỏi sympathy (dù tình cảm có chân thành hay không chẳng ai kiểm chứng được). Boris Johnson suýt chết vì Covid-19 cũng gởi lời chúc sức khỏe Mr. Trump mau hồi phục. Lướt qua đôi nét như thế để thấy rõ tình cảm của thế giới dành cho Tổng thống Trum xem ra không hề tệ bạc chút nào.   

Một câu chuyện khác ngoài lề thời sự chính trị chính em xảy ra khá thú vị gần đây. Tại các trang mạng online một từ tiếng Anh có nguồn gốc xuất phát từ Đức – từ schadenfreude, bỗng trở thành “nổi tiếng” chỉ qua một đêm. Theo gốc tiếng Đức từ schadenfreude gồm hai phần gộp lại: schaden có nghĩa là làm hại, gây hại (harm) và freude có nghĩa niềm vui (joy). Khi ghép scahdenfreude lại chúng ta có schadenfreude tức niềm vui khi thấy người khác bị hại. Người Việt mình có khái niệm hả dạ (tức thấy người mình ghét gặp nạn thì thấy vui, thấy hả giận), rất gần với khái niệm “bị vậy cho đáng đời”. Khái niệm này gần với cảm giác sướng, cảm giác khoái, đại loại như “đốt pháo ăn mừng” khi thấy kẻ thù của mình gặp nạn, bị quả báo.             

Tại nhiều cộng đồng người Việt, tin Tổng thống Trump nhiễm Covid-19 nhập viện lan đi khá nhanh. Ban đầu người ta không tin. Họ tưởng chuyện Cá tháng tư (giữa tháng mười). Họ nghĩ báo chí cánh Tả đang lung lạc dư luận bằng cách tung tin thất thiệt. Mới tối thứ năm còn thấy ông đi tham dự đại hội gây quỹ tại Wisconsin, hoành tráng và tưng bừng lắm. Chuyện ông bị nhiễm Covid-19 chỉ là tin đồn xuyên tạc. Tin báo chí cánh tả có nước bán thóc giống mà ăn. Để rồi cuối cùng chuyện này là chuyện thật, chuyện chính thức họ mới chịu tin.

Không ít người hoài nghi Tổng thống Trump có thể đã nhiễm Covid-19 từ thứ tư. Nhưng có lẽ ông cảm thấy mình khỏe, lướt được, thành ra ông cứ đủng đẳng đợi thêm xem sao. Tuy nhiên đây chỉ là chuyện hoài nghi, gần giống với đoán già đoán non. Nhưng qua cách Tổng thống Trump luôn bỡn cợt với Covid-19, thiên hạ có quyền hoài nghi, có thể là chuyện thật mà cũng có thể do họ tưởng tượng.

Nói đến chuyện đa nghi, một giả thiết được tung ra: Tổng thống Trump có thể mượn vở kịch này để tuyên truyền sau khi ông bình phục. Vâng. Nếu Tổng thống Trump xuất viện khỏe mạnh, bước ra trước công chúng hồng hào rạng rỡ, nghiễm nhiên ông sẽ là bằng chứng sống khẳng định Covid-19 chẳng là cái quái gì cả. Đấy. Ông thừa cân, tuổi cao, lo lắng bao nhiêu chuyện đại sự, cái gì cũng đến tay, thế mà có hề hấn gì đâu. Thậm chí ông chẳng cần phải đóng kịch, đạo đức giả (như Mr. Biden) đeo mặt nạ để lấy điểm, để khoe mẽ, làm giá… Đấy. Thiên hạ chỉ làm ầm ỹ lên chuyện Covid-19, ông là bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy nước Mỹ đã quá lo xa (đến độ tê liệt) với con China-virus.

Nhắc lại, thái độ của Tổng thống Trump đối với đại dịch Covid-19 dân Mỹ (thuộc cả hai phe) đã  nhiều lần nghe ông nói về nó. Tương tự cách ông làm ăn, khi bán hoặc cho thuê bất động sản của mình, hoặc khi đi vay ngân hàng, giá trị của nó sẽ bốc lên tận mây xanh. Nhưng khi khai thuế thì bất động sản của ông bỗng dưng tuột xuống, chẳng đáng giá gì. Với Covid-19 cũng thế, khi nhắm vào TQ, ông tố cáo Bắc Kinh là kẻ hoàn toàn chịu trách nhiệm với căn bệnh nguy hiểm quái ác này khiến cả thế giới mang họa. Nhưng cũng với Covid-19 ấy, với kinh tế Mỹ, nó bỗng chẳng có gì ghê gớm cả. Trời nắng ấm sẽ tự nhiên biến mất. Nếu lỡ bị nhiễm con vi-rút này đã có hydroxychloroquine chữa trị. Mặt nạ chỉ là chuyện tùy hỉ, thích thì mang, không thích thì thôi. Nay mai sẽ có vắc-xin, chẳng việc gì phải làm ồn, nhốn nháo như thế. Hôm nay ông nhập viện, nói ra chỉ tổ mất đoàn kết, gẫm lại, tốt hơn cứ kiệm lời cho yên chuyện. Sự thật, bản thân nó đâu cần đến tô vẽ, thêm thắt. (Ấy là chưa kể) bảo ông sai vô tình sẽ bị người khác chụp mũ là ghét ông nên mới chống lại ông.

Nên thôi. Cứ hồn ai nấy giữ cho nó lành. Hơn nữa Covid-19 tấn công mỗi người một cách khác nhau. Có người chỉ cần quarantine hai tuần là khỏi. Có người nhiễm nó tình hình mỗi lúc một nặng dần, cuối cùng là biến chứng, cơ thể shut-down, sau đó là nhà quàn và hỏa táng…

Trở lại câu nói để đời của đại thi hào gốc Ái Nhĩ Lan Oscar Wilde khi ông nói: Vị thánh nào cũng có một quá khứ. Tội đồ nào cũng có một tương lai. Tổng thống Trump có thể không là thánh nhân, ông càng chẳng phải là một tội đồ. Ông là một con người. Ông có những hoài bão và tham vọng. Ông muốn để lại dấu ấn của mình với lịch sử Mỹ. Ông muốn Make America Great Again. Đó là một khát khao của một con người không bao giờ bội thực với những kỷ lục để đời. Vì thế, những gì án ngữ trên lộ trình MAGA ấy cùng với bao “lộ trình vệ tinh” khác, với ông, chúng nhất định phải bị san bằng, bị bứng gốc bằng mọi giá, trong đó có Covid-19.

Nay ông nhập viện. Vẫn còn sớm để nói xem ông sẽ nghĩ gì sau biến cố nhiễm Covid-19 lần này. Có thể cách ông nhìn vào Covid-19 sẽ khác. Rất có thể sau khi thấm mưa ông mới biết thế nào là lạnh. Mà có thể ông sẽ chứng minh hùng hồn hơn nữa Covid-19 chẳng là cái gì ghê gớm cả.

Đã thế, cầu mong ông sớm bình phục để tập cuối của vở tuồng Mùa phiếu 2020 còn đủ cả hai vai diễn chánh; để coi ông thuyết phục dân Mỹ tâm phục khẩu phục – Covid-19 chỉ là chuyện nhỏ (?) thay vì cứ nghĩ đây là chuyện đáng đời…

Nguyễn Thơ Sinh 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email