Hầu hết người dân đều không biết nhiều về luật pháp. Điều đó có nghĩa họ không biết gì về các quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng. Những quyền lợi này bị các quan bưng bít, chặn lại, bỏ túi riêng chia chác. Lâu lâu mới phát giác ra vài vụ…
Chủ tịch xã ăn chặn tiền đền bù của dân
Sáng ngày 11-3, tòa án tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ» đối với Bùi Ngọc Châu (SN 1959), nguyên Chủ tịch xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Trương Thanh Thụ (SN 1982), nguyên cán bộ địa chính xã Hoằng Ngọc và Nguyễn Thị Hà, trưởng thôn 9, xã Hoằng Ngọc.
Theo cáo trạng, năm 2015, Công ty CP may Thịnh Vượng được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho xây dựng nhà máy may tại khu vực xen canh rộng 45.789 m2 của xã Hoằng Đạo và xã Hoằng Ngọc.
Công ty cổ phần Thịnh Vượng thông qua xã Hoằng Ngọc để thỏa thuận đền bù, thu hồi đất của người dân cho dự án này.
Trong số diện tích cần thu hồi có 3.800 m2 đất của 6 gia đình tại thôn 9 (xã Hoằng Ngọc), Những mảnh đất này được dùng ổn định, không có tranh chấp từ trước năm 1988, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật, khi có dự án phải thu hồi, phần đất của 6 gia đình trên vẫn được đền bù, hỗ trợ bình thường.
Thế nhưng nêu lý do trước năm 1988 và giai đoạn 1989-1992, các gia đình này còn nợ các khoản tiền sản, tiền trâu bò… nên xã giữ đất. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân và lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc (năm 2015), Bùi Ngọc Châu đã ra lệnh Trương Thanh Thụ và Nguyễn Thị Hà giả mạo hồ sơ bằng cách thiết lập hồ sơ bồi thường giải tỏa mặt bằng, tự chia diện tích của 5 hộ, lập danh sách đề nghị xác nhận các chủ sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, những người này đã ký văn bản để xác nhận khống 5 hộ không có đất, nhằm mục đích chiếm đoạt 442 triệu đồng của Công ty Cổ phần may Thịnh Vượng.
Sau khi lấy được tiền, Bùi Ngọc Châu không trả cho người dân mà chia nhau. Cụ thể, Bùi Ngọc Châu lấy 250 triệu đồng tiêu xài cá nhân; chia cho Trương Thanh Thụ 50 triệu đồng và hơn 142 triệu đồng còn lại dùng để làm đường giao thông nội đồng của xã.
Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt Bùi Ngọc Châu 3 năm tù giam; Trương Thanh Thụ 2,5 năm tù giam; Nguyễn Thị Hà 2 năm tù cho hưởng án treo.
Sáu “quan xã” bán đất sân vận động
Đất công như đất vô chủ, chứ không hề “sở hữu toàn dân” chút nào. Vì thế cứ hễ có quyền, không cần quyền cao chức trọng cho lăm, chỉ cần đứng đầu xã, đầu thôn… là chức quan nhỏ bé đó đã tha hồ tự tung tự tác. Đất đai có giới hạn, nhà cửa có thể xây phóng lên bao nhiêu tầng cũng được nhưng đất trồng trọt không thể mở rộng. Mới đây, 6 quan xã đã bị bắt giam vì chẳng những bán đất công mà còn để các gia đình xây nhà, làm xưởng trên đất lúa. Trong khi theo luật pháp, đất trồng trọt, còn gọi là đất nông nghiệp, hoàn toàn không được phép xây nhà.
Tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Lạm quyền” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời khởi tố một loạt 6 bị can nguyên là lãnh đạo xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
4 nguyên “quan xã” bị bắt giam gồm: Bùi Thế Tân (SN 1960), nguyên bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Phúc (về hưu năm 2018); Trần Thành Tám (SN 1961), nguyên chủ tịch xã (về hưu năm 2018); Trần Văn Sỹ (SN 1960), nguyên cán bộ địa chính xã Mỹ Phúc (từ 1998 đến 2018); Trần Văn Nhiệm (SN 1961), bí thư thôn Lốc, xã Mỹ Phúc.
Ngoài ra, còn khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Đức Luyện (SN 1955), nguyên phó chủ tịch xã Mỹ Phúc và Trần Ngọc Tuyên (SN 1955), nguyên trưởng thôn Lốc, xã Mỹ Phúc.
Nguyên do, năm 2013, xã Mỹ Phúc và thôn Lốc (xã Mỹ Phúc) đã bán trái phép 544 m2 đất sân vận động, thu lời bất chính hơn 1,9 tỉ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2015, xã Mỹ Phúc đã lơi lỏng trong quản lý đất đai, để 95 trường hợp xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất… trên gần 40.000 m2 đất trồng lúa, đất giao thông, thủy lợi.
Sau khi phát hiện sự việc, ủy ban xã Mỹ Phúc cũng chỉ xử phạt hành chính nhẹ nhàng, ngoài ra chẳng có biện pháp giải quyết nào khác nên số đất trên tới giờ hiện vẫn nghiễm nhiên nguyên vẹn nhà cửa xưởng…
Chứ lỡ rồi, chẳng lẽ bắt người ta phá nhà, xưởng đi thì cũng tội nghiệp!!!
Bằng ĐH không hợp lệ, con Bí thư Thị ủy vẫn được bố tuyển dụng
Con vua thì lại làm vua. Người ta còn phải tiền bạc, quen biết chạy chọt, đàng này cha đương chức đương quyền thì chẳng lý gì không tìm cách đưa con vào ghế. Việc dễ như ăn cháo.
Không có bằng đại học đúng theo quy định nhưng con trai của ông Võ Văn Dũng, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai, Nghệ An vẫn được tuyển dụng vào làm cán bộ tại Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai.
Vào năm 2014, ông Võ Văn Dũng là Phó Bí thư thường trực Thị ủy Hoàng Mai, biết con mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để dự tuyển nhưng vẫn thay mặt Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An phê duyệt cho con mình được dự thi vào Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai.
Cụ thể, hồ sơ thi tuyển vào công chức của con trai ông Dũng chỉ có 2 văn bằng: Bằng đại học tin học quốc tế và Bằng cử nhân kinh tế (hệ vừa học vừa làm). Tuy nhiên, bằng này không hợp lệ vì chỉ tương đương cao đẳng.
Sau khi có đề nghịt của Thị ủy Hoàng Mai, con trai ông Dũng là anh V.H.Th.Tr đã được tuyển dụng vào làm việc tại Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Mai.
Không những chỉ con trai không có bằng hợp lệ vẫn được tuyển dụng làm cán bộ ban tổ chức Thị ủy mà vợ ông Võ Văn Dũng, bà Hồ Thị Phòng, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu, còn khai man năm sinh. Trong hồ sơ gốc của Bà Phòng bao gồm sổ hộ khẩu, giấy chứng minh thư nhân dân đều khai sinh năm 1965, nhưng lý lịch đảng viên, sổ bảo hiểm xã hội khai, lý lịch công chức lại ghi năm 1969
Ông Võ Văn Dũng vào năm 1998 là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi biết vợ mình kê khai năm sinh vào hồ sơ lý lịch để xin tuyển dụng vào biên chế nhà nước không đúng với năm sinh trong hồ sơ gốc nhưng không ngăn cản.
Ông Dũng giải thích như sau: Lúc cho con đi học thì trường vẫn giới thiệu đó là trường Đại học của Singapore liên kết đào tạo tại Việt Nam. Nước họ cũng coi đó là trường đại học. Chỉ sau khi Bộ GD&ĐT xét duyệt lại thì trường đó không được công nhận là đại học, bằng của trường chỉ tương đương hệ cao đẳng.
Ngoài ra, sau đó cháu có học thêm 1 bằng đại học tại chức Ngoại thương nữa. “Lúc đầu Ban Tổ chức nói không được nhưng mình có đơn có trình bày với Thường trực Tỉnh ủy là về mặt bằng cấp là không được nhưng về mặt chuyên môn cháu đúng là đã học đại học 4 năm và thêm 4 năm học tại chức nữa… Và được Thường trực đồng ý xem xét cho thi; nếu thi đậu thì vào làm việc, không đậu thì phải chịu. Sau đó Thường trực chuyển sang Ban Tổ chức và Ban Tổ chức đồng ý”, ông Dũng phân trần.
Còn đối với sai phạm của vợ, ông Dũng nói: Việc đã xảy ra 22 năm. Từ năm 1998, khi vợ vào làm hợp đồng thì vợ mới khai như vậy. Từ lúc đó đến nay ngoài mục đích làm việc thì việc khai đó không vì một động cơ nào cả, và cũng không hề thay đổi gì. Tôi cũng chủ quan là sau này không yêu cầu vợ sửa đổi cho chính xác.
Cũng theo ông Dũng, vừa rồi vợ ông cũng nói làm đơn xin nghỉ, còn con trai cũng nói sẽ xin chuyển ra ngoài làm!
San Hà (tổng hợp)