ĐỨA TRẺ THỨ 44

ĐỨA TRẺ THỨ 44

Tom Rob Smith

Dịch giả: Võ Hồng Long

Raisa cảm thấy xấu hổ. Cô đã tin tưởng Ivan. Kẻ bất đồng đã phản bội cô, còn người kia đã cứu mạng cô. Cô không thể nào nói lời tạm biệt với cha mẹ Leo, khi bên cạnh chồng cô, như thể cô là một người trung thành, thương yêu. Leo nắm tay cô:

– Anh muốn em đi cùng.

Cửa chung cư không khóa. Không khí bên trong thật nóng bức, tù đọng, và ngay lập tức họ đổ mồ hôi, quần áo họ dính vào lưng. Trên tầng, ở căn hộ 27, cánh cửa đã khóa. Leo đã đột nhập vào nhiều ngôi nhà. Những ổ khóa kiểu cũ thường khó mở hơn so với khóa kiểu mới. Dùng đầu con dao bấm, gã vặn mở nắp khóa, bộ máy bên trong khóa lộ ra. Gã đẩy con dao vào, nhưng khóa không chịu mở. Gã lau mồ hôi trên mặt, dừng lại một lúc, thở sâu, nhắm mắt. Gã quệt tay lên quần cho khô, mặc kệ lũ muỗi – cứ để chúng hút máu. Gã mở mắt. Tập trung, ổ khóa bật mở.

Ánh đèn duy nhất là từ phía cửa sổ nhìn ra đường. Căn phòng sặc mùi những thân người đang ngủ. Leo và Raisa chờ bên cửa cho quen với bóng tối. Họ có thể nhận ra hình ba chiếc giường: hai giường có các cặp vợ chồng. Một chiếc giường nhỏ hơn hình như có ba đứa trẻ đang ngủ. Trong khu bếp, có hai đứa bé hơn ngủ trên những tấm thảm giữa nhà như chó nằm dưới bàn. Leo bước đến chỗ mấy người lớn đang ngủ. Không phải cha mẹ gã. Người ta đưa nhầm địa chỉ cho gã? Sai sót như vậy vẫn thường xảy ra. Có lẽ người ta cố ý đưa nhầm địa chỉ cho gã?

Thấy hình dáng một cánh cửa khác, gã bước đến, ván sàn oằn xuống theo từng bước chân. Raisa đi ngay sau và bước chân nhẹ nhàng hơn. Hai người ở giường gần nhất bắt đầu cựa quậy.

Leo dừng lại, chờ cho họ nằm yên. Hai vợ chồng kia vẫn ngủ. Leo tiếp tục, Raisa theo sau. Gã với tay ra, nắm lấy núm cửa.

Không có cửa sổ trong phòng này, không chút ánh sáng.

Leo phải để cửa mở mới thấy được. Gã có thể nhận ra có hai giường và hầu như không có khoảng cách giữa chúng. Thậm chí cũng không có một tấm rèm mỏng ngăn giữa hai giường. Một giường có hai đứa trẻ. Trên giường kia là hai người lớn. Gã đến gần hơn. Cha mẹ gã ở đây, đang ngủ áp vào nhau, trên một chiếc giường đơn nhỏ hẹp. Leo đứng lên, quay lại Raisa và nói nhỏ:

– Đóng cửa.

Buộc phải di chuyển trong bóng tối hoàn toàn, Leo dò dẫm đi lại chiếc giường cho đến khi gã cúi lom khom trên sàn bên cạnh cha mẹ. Gã lắng nghe họ ngủ, thấy mừng là trời tối. Gã đang khóc. Căn phòng họ bị nhét vào còn nhỏ hơn cả nhà tắm trong căn hộ trước kia. Họ không có không gian riêng và không cách nào tách rời gia đình kia được. Họ bị đưa đến đây để chết cùng lúc với cái kết cục đã định của con trai họ: bị làm nhục.

Cùng lúc gã đặt cả hai tay lên miệng họ. Gã có thể cảm thấy họ đang thức dậy, giật mình. Để ngăn họ khỏi kêu lên, gã thì thầm:

– Con Leo đây. Đừng gây tiếng động.

Căng thẳng trên người họ biến mất. Gã thả tay khỏi miệng họ. Gã có thể nghe thấy họ đang ngồi dậy. Gã cảm thấy tay mẹ trên mặt gã. Mù mờ, trong bóng tối này, bà đang chạm vào gã. Những ngón tay bà dừng lại khi chúng chạm vào nước mắt. Gã nghe tiếng bà, thì thầm:

– Leo…

Tay cha gã theo cùng tay bà. Leo áp tay họ vào mặt gã. Gã đã thề sẽ chăm sóc họ và gã đã không làm được. Gã chỉ có thể nói lí nhí:

– Con xin lỗi.

Cha gã đáp:

– Con không phải xin lỗi gì cả. Bố mẹ hẳn đã sống thế này cả đời nếu không có con.

Mẹ gã xen vào, trong đầu bà đầy những câu bà muốn hỏi:

– Bố mẹ tưởng con đã chết. Người ta nói cả hai con bị bắt.

– Họ nói dối. Chúng con bị đưa đến Voualsk. Con bị cách chức, không bị tù. Giờ con làm việc cho dân quân. Con đã viết thư cho bố mẹ nhiều lần, đề nghị thư chuyển đến cho bố mẹ, nhưng hẳn chúng đã bị chặn lại và hủy đi.

Bọn trẻ gần đó cựa quậy, giường của chúng kêu cọt kẹt. Ai nấy đều im lặng. Leo đợi cho đến khi gã có thể nghe tiếng thở sâu, chậm rãi của bọn trẻ:

– Raisa ở đây.

Gã đưa tay họ sang cô. Cả bốn người nắm tay nhau. Mẹ gã hỏi:

– Đứa bé?

– Không.

Leo nói thêm, không muốn làm phức tạp buổi đoàn tụ:

– Sẩy thai.

Raisa lại nói, giọng cô ngắt quãng vì xúc động:

– Con xin lỗi.

– Không phải lỗi của con.

Anna nói thêm:

– Các con ở Moscow lâu không? Ngày mai nhà ta gặp nhau được không?

– Không, chúng con không nên ở đây chút nào. Nếu bị bắt gặp, chúng con sẽ vào tù và cả bố mẹ nữa. Chúng con sẽ đi ngay lúc sáng sớm.

– Ta nên ra ngoài nói chuyện?

Leo đã nghĩ về điều này. Không cách nào họ có thể rời căn hộ mà không đánh thức vài người trong nhà:

– Chúng ta không thể liều lĩnh đánh thức họ. Chúng ta phải nói chuyện ở đây.

Một lúc không ai nói gì, cả bốn bàn tay nắm lấy nhau trong bóng tối. Cuối cùng Leo nói:

– Con phải kiếm cho bố mẹ một chỗ ở tốt hơn.

– Không, Leo. Nghe này. Con thường cư xử như thể tình yêu của bố mẹ phụ thuộc vào những thứ con có thể làm cho bố mẹ. Thậm chí khi còn bé. Điều đó không đúng. Con phải tập trung vào cuộc sống của các con. Bố mẹ đã già rồi. Bố mẹ sống ở đâu cũng không quan trọng nữa. Điều duy nhất khiến bố mẹ còn sống, là chờ đợi tin tức của con. Chúng ta phải chấp nhận rằng đây là lần cuối nhà ta gặp nhau. Chúng ta không phải lập những kế hoạch vô ích làm gì. Chúng ta phải nói lời tạm biệt khi còn có cơ hội. Leo, mẹ yêu con, mẹ tự hào về con.

Giọng Anna giờ khá bình tĩnh:

– Các con có nhau, các con yêu nhau. Các con sẽ có một cuộc sống tốt, mẹ tin như vậy. Mọi thứ sẽ khác đi cho các con, và con cái của các con nữa, Mẹ cảm thấy đầy hy vọng,

Một sự vọng tưởng, nhưng bà thích tin vào điều đó, và Leo không nói gì phản bác.

Stepan cầm tay Leo, đặt vào đó một chiếc phong bì:

– Đây là bức thư bố viết nhiều tháng trước. Bố chưa bao giờ có cơ hội đưa nó cho con bởi các con bị đưa đi rồi. Bố không muốn gửi đi. Hãy đọc thư này khi con an toàn trên tàu. Hứa với bố là không đọc nó sớm hơn. Con hứa đi.

– Cái gì đây ạ?

Mẹ con và ta đã cân nhắc cẩn thận nội dung bức thư. Nó chứa tất cả những gì bố mẹ đã muốn nói với con nhưng đã không thể nói vì lý do này khác. Nó chứa mọi điều chúng ta nên nói cách đây lâu lắm rồi.

– Bố…

– Cầm lấy, Leo, vì bố mẹ.

Leo nhận lấy bức thư và trong bóng tối, bốn người họ ôm nhau lần cuối.

Chương 49

6 tháng bảy

Leo tiến đến con tàu, Raisa đi cạnh gã. Có nhiều mật vụ trên sân ga hơn bình thường? Lẽ nào người ta đang tìm họ? Raisa đang đi quá nhanh: gã nắm tay cô, thoáng một cái, và cô chậm bước. Bức thư cha mẹ gã viết được giấu cùng tập hồ sơ đính vào ngực gă. Họ đã gần đến toa của mình.

Họ lên con tàu đông nghẹt. Leo thì thầm vào tai Raisa:

– Em ở đây nhé.

Cô gật đầu. Gã đi vào nhà vệ sinh chật chội, khóa cửa lại, đậy nắp bệ xí cho bớt mùi. Gã cởi áo khoác, mở nút sơ mi, gỡ cái túi vải mỏng gã khâu để giữ các tài liệu. Nó ướt nhoẹt vì mồ hôi, và mực của những tài liệu đánh máy in dấu lên da gã, những dòng chữ in trên ngực gã.

Gã tìm thấy bức thư, lật giở nó trong tay. Không có tên ngoài phong bì, nó nhàu nhĩ, bẩn thỉu. Gã tự hỏi làm thế nào cha mẹ gã giữ kín được bức thư khỏi cái gia đình kia, những người chắc chắn đã lục lọi đồ đạc của họ. Hẳn một trong hai người phải giữ bức thư bên mình mọi lúc, ngày cũng như đêm.

Con tàu bắt đầu chuyển bánh rời Moscow. Gã giữ lời hứa. Giờ gã được phép đọc nó. Gã đợi cho đến khi họ rời ga rồi mới mở phong bì và giở bức thư. Chữ viết tay của cha gã:

Leo, cả mẹ và bố đều không hối tiếc gì cả. Bố mẹ yêu con. Bố mẹ luôn mong đến cái ngày bố mẹ sẽ nói với con chuyện này. Thật ngạc nhiên vì ngày đó đã không bao giờ đến. Bố mẹ đã nghĩ con sẽ nêu chuyện này ra khi con sẵn sàng. Nhưng con không bao giờ làm thế, con luôn xử sự như thể chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Có lẽ sẽ dễ dàng hơn để con học cách quên đi chăng? Đây là lý do bố mẹ đã không nói gì. Bố mẹ nghĩ đây là cách con xử lý chuyện quá khứ. Bố mẹ e rằng con đã xóa sạch nó và khơi lại chỉ làm tổn thương và đau đớn. Nói tóm lại, chúng ta hạnh phúc bên nhau và chúng ta không muốn hủy hoại hạnh phúc đó. Chúng ta thật hèn nhát.

Bố nhắc lại, cả bố và mẹ yêu con rất nhiều, và cả bố lẫn mẹ không ai có gì phải hối tiếc cả.

Leo không đọc nữa, quay đầu đi. Đúng vậy, gã nhớ chuyện gì đã xảy ra. Gã biết bức thư sẽ nói tiếp điều gì. Và đúng vậy, gã đã dành cả đời mình cố quên. Gã gấp bức thư rồi cẩn thận xé nó ra thành những mảnh nhỏ. Gã đứng lên, mở cánh cửa nhỏ, ném các mảnh vụn ra ngoài. Gặp gió, những mảnh giấy vuông lởm chởm bay lên không và khuất tầm mắt.

Chương 50

Đông nam vùng Rostov

Mười sáu cây số về phía bắc Rostov-sông Đông

Cùng ngày

Nesterov dành ngày cuối còn ở vùng Rostov để đi thăm thị trấn Gukovo. Giờ anh đang trên elektrichka quay về Rostov. Dù báo chí không hề đề cập đến những vụ tội phạm này thì những vụ việc trẻ em bị giết cũng đã đi vào địa hạt công cộng dưới hình thức truyền miệng và tin đồn. Cho đến giờ dân quân tại các địa phương khép kín của họ không muốn nhìn nhận mỗi vụ giết người là gì khác ngoài một sự kiện xảy ra biệt lập. Nhưng những người ngoài giới dân quân, không phải chịu gánh nặng giả thiết nào về bản chất tội ác, đã bắt đầu xâu chuỗi lại những cái chết này. Những cách giải thích không chính thức đã bắt đầu lan truyền. Nesterov đã nghe nói có một con thú hoang trong các khu rừng quanh Shakhty đi giết trẻ em. Các nơi khác nhau dựng ra những con thú khác nhau, và những lời giải thích siêu nhiên dưới dạng này hay dạng khác được kể đi kể lại trong khắp vùng. Anh đã nghe một bà mẹ sợ hãi quả quyết rằng quái vật nửa người nửa thú, là một đứa trẻ được gấu nuôi dưỡng, nên bây giờ nó căm ghét tất cả những trẻ em bình thường, biến chúng thành nguồn thức ăn của nó. Một ngôi làng đã quả quyết đó là một con ma rừng báo oán, những người dân làng tổ chức những buổi lễ tế công phu nhằm xoa dịu con quỷ này.

Người dân sống ở vùng Rostov không biết rằng có những tội ác tương tự xảy ra cách đấy hàng trăm cây số. Họ tin rằng đây là tai ương của họ, một thế lực xấu xa đã gây tai họa cho họ. Trong một chừng mực nào đó thì Nesterov đồng ý với họ. Trong đầu anh không chút nghi ngờ rằng mình đang ở trung tâm của những tội ác này. Mật độ những vụ án mạng ở đây cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác. Dù anh không cúi đầu tin vào những lời giải thích siêu nhiên thì anh cũng phần nào bị cám dỗ bởi giả thiết thuyết phục nhất và phổ biến nhất, đó là ý kiến cho rằng lính Đức Quốc xã được cài lại như là hành động trả thù cuối cùng của Hitler: những tên lính có mệnh lệnh cuối cùng là giết hại trẻ em của nước Nga. Những tên lính quốc xã này được huấn luyện theo lối sống Nga, trà trộn vào xã hội, rồi giết hại trẻ em một cách có hệ thống, theo một nghi thức đã định. Điều đó gỉảỉ thích được quy mô các vụ giết người, phạm vi địa lý, tính dã man, và cả việc không hề có lạm dụng tình dục. Không phải có một kẻ giết người mà là rất nhiều, có lẽ chừng mười hay mười hai tên, mỗi tên hành động độc lập, đến các thị trấn và giết vô tội vạ. Giả thiết này đã phát triển thành một cái đà đến mức một số dân quân địa phương, những người tự nhận một cách mâu thuẫn rằng đã phá được toàn bộ các vụ phạm tội, lại bắt đầu nghi ngờ những người biết nói tiếng Đức.

Nesterov đứng lên và duỗi chân. Anh đã ở trên elektrichka chừng ba tiếng. Tàu chạy chậm và không được thoải mái lắm, và anh không quen ngồi yên lâu như vậy. Anh đi dọc theo toa tàu, mở cửa sổ, nhìn những ánh đèn thành phố gần lại. Sau khi nghe nói vụ giết cậu bé Petya sống ở một nông trang tập thể gần Gukovo, anh đã đến đó sáng nay. Không mấy khó khăn anh đã tìm ra cha mẹ đứa bé. Mặc dù anh dùng tên giả, nhưng anh cũng thành thực giải thích rằng mình đang tiến hành một vụ điều tra liên quan đến một số vụ giết trẻ em tương tự. Bố mẹ đứa bé là những người nhiệt tình ủng hộ giả thiết lính Đức Quốc xã, giải thích rằng quân Đức hẳn được những người Ukraina phản quốc tiếp tay, giúp chúng hòa nhập vào xã hội rồi giết người bừa bãi. Cha cậu bé cho Nesterov xem cuốn tem của Petya mà vợ chồng họ cất trong chiếc hộp gỗ dưới giường, một nơi linh thiêng với đứa con trai đã chết của họ. Không ai nhìn những con tem mà không bật khóc. Cả hai người họ không muốn xem xác con mình. Nhưng họ đã nghe kể con trai họ bị làm sao. Nó bị hành hung như thể bởi một con thú dữ, có bùn nhét trong miệng như muốn trêu tức họ thêm. Người cha, đã chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, biết rằng quân lính Đức Quốc xã được tiêm thuốc để đảm bảo chúng trở nên xấu xa, vô đạo đức, và tàn ác. Anh ta dám chắc những kẻ giết người này là sản phẩm của thứ ma túy quốc xã như vậy. Có lẽ bọn họ được làm cho nghiện máu trẻ em, không có thứ máu này bọn chúng sẽ chết. Nếu không thì làm sao những kẻ này lại thực hiện cái tội ác như vậy? Nesterov không biết an ủi ra sao mà chỉ biết hứa rằng thủ phạm sẽ bị bắt.

Elektrichka đến Rostov. Nesterov xuống tàu, tin chắc mình đã tìm được trung tâm của những tội ác này. Từng là dân quân ở Rostov, trước khi bị chuyển đến Voualsk cách đây bốn năm, anh dễ dàng thu thập thông tin. Theo tính toán gần đây nhất, có năm mươi bảy đứa trẻ đã bị giết trong những tình huống mà anh cho là tương tự. Phần lớn các vụ giết người xảy ra trong vùng này. Có lẽ nào quân Quốc xã xâm nhập được bỏ lại trên toàn bộ nửa phía Tây đất nước? Một vùng đất rộng lớn bị quân Wehrmacht chiếm đóng. Chính anh đã chiến đấu ở Ukraina và chứng kiến tận mắt cảnh hiếp dâm và giết người của đội quân tháo lui. Quyết định không chắc chắn đi theo một giả thiết này hay giả thiết kia, anh gạt những giải thích này sang một bên. Nhiệm vụ của Leo ở Moscow sẽ là rất thiết yếu để đem lại chút ý kiến chuyên môn cho việc phỏng đoán danh tính kẻ giết người. Nesterov được giao nhiệm vụ tổng hợp sự kiện liên quan đến nơi ở của kẻ giết người.

Trong kỳ nghỉ, gia đình anh ta đã ở tại căn hộ của mẹ anh trong một Khu định cư Mới được xây dựng trong một chương trình nhà ở thời hậu chiến với mọi đặc điểm thông thường: được xây để hoàn thành chỉ tiêu hơn là để người ta vào ở. Chúng đã ở vào tình trạng hư hại thậm chí trước khi được xây xong. Không có vòi nước, hệ thống dẫn nước trung tâm, chúng cũng giống như ngôi nhà của anh ta ở Voualsk. Anh ta và Inessa bàn nhau nói dối bà mẹ, trấn an bà rằng họ đang sống trong một căn hộ mới. Mẹ anh hài lòng bởi lời nói dối đó như thể chính bà cũng đang sống trong một căn hộ mới vậy. Lúc đến nhà mẹ, anh xem đồng hồ. Anh rời nhà lúc sáu giờ sáng và giờ đã gần chín giờ đêm. Mười lăm tiếng bỏ ra mà không kiếm được thông tin thực sự gì cả. Thì giờ của anh đã hết. Ngày mai họ sẽ về nhà.

Anh vào sân khu định cư. Quần áo phơi san sát nhau. Anh có thể thấy quần áo của mình trong số đó. Anh sờ vào. Áo quần đã khô. Đi qua dãy quần áo, anh bước đến cửa căn hộ của mẹ, vào bếp.

Inessa ngồi trên chiếc ghế gỗ, mặt chị đầy máu, tay chị bị trói. Đằng sau chị là một người đàn ông mà anh không nhận ra là ai. Không cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra hoặc người đàn ông này là ai, Nesterov bước đến giận dữ. Anh không cần biết rằng người đàn ông này mặc đồng phục: anh sẽ giết hắn bất chấp tất cả, cho dù hắn là ai. Anh giơ nắm đấm. Trước khi anh có thể tới gần hơn, một cái đau buốt trùm khắp bàn tay anh. Nhìn sang bên, anh thấy một phụ nữ, có lẽ chừng bốn mươi. Mụ đang cầm một chiếc dùi cui đen. Anh đã thấy khuôn mặt này trước đây. Anh nhớ ra – trên bãi biển, cách đây hai ngày. Trong tay kia, mụ cầm khẩu súng, điềm tĩnh, hưởng cái vị thế của kẻ mạnh. Mụ ra hiệu cho nhân viên của mình. Hắn bước lên, ném một tập giấy tờ lên sàn. Rơi quanh chân họ là mọi tài liệu anh thu thập được hai tháng qua, những bức ảnh, những mô tả, bản đồ – hồ sơ vụ án những đứa trẻ bị giết.

– Chỉ huy Nesterov, anh đã bị bắt.

Chương 51

Voualsk 7 tháng bảy

Leo và Raisa xuống tàu, chờ trên sân ga, vờ như đang sắp xếp hành lý cho đến khi mọi hành khách khác đều đã vào tòa nhà chính cả. Đã muộn nhưng trời chưa tối, và cảm thấy bị lộ, họ rời khỏi sân ga, vội vã vào rừng.

Đến nơi giấu đồ, Leo dừng lại, nín thở. Gã nhìn lên những thân cây, băn khoăn về cái quyết định hủy bức thư. Liệu gã có làm cha mẹ mình tổn thương không? Gã hiểu tại sao họ muốn viết ra suy nghĩ và cảm xúc của họ: họ muốn được thanh thản. Nhưng Raisa đã đúng về gã khi cô nói:

Có phải đó là cách để anh có thể ngủ yên ban đêm, xóa sạch các sự kiện trong đầu?

Cô còn đúng hơn cả cô biết. Raisa chạm tay gã:

– Anh ổn chứ?

Cô hỏi gã bức thư nói gì. Gã đã nghĩ sẽ nói dối, bảo rằng nó chứa những thông tin về gia đình – các chi tiết cá nhân mà gã đã quên. Nhưng cô hẳn sẽ biết gã nói dối. Nên, thay vì vậy, gã nói với cô sự thật; rằng gã đã hủy bức thư, xé nó thành trăm mảnh, và ném ra cửa sổ. Gã không muốn đọc nó. Cha mẹ gã có thể dễ dàng thanh thản tin rằng họ đã trút được gánh nặng. Gã thấy nhẹ nhõm vì cô không thắc mắc gì quyết định của gã và từ lúc ấy không đề cập đến nó nữa.

Họ lấy tay đào lớp lá và đất mềm che phủ, đồ đạc lộ ra. Họ cởi bộ đồ thành thị, định mặc lại bộ đồ cũ ban đầu – một phần thiết yếu trong vỏ bọc của họ. Khi cởi đồ ra, chỉ có mình họ, họ dừng lại, trần truồng, nhìn nhau. Có lẽ như vậy là nguy hiểm, có lẽ như vậy là cơ hội chủ nghĩa, nhưng Leo muốn cô. Không chắc chắn cảm giác của cô về gã thế nào, gã không làm gì, chờ đợi, lo sợ không dám hành động trước, như thể trước đấy họ chưa bao giờ làm tình, như thể đây là lần đầu cả hai không dám chắc về những giới hạn, không chắc điều gì là chấp nhận được và điều gì không. Cô với tay ra, chạm vào tay gã. Thế là đủ. Gã kéo cô về phía mình, hôn cô. Họ đã cùng giết người, cùng lừa dối, cùng nhau mưu toan lập kế hoạch và dối trá. Họ là những tội phạm, cả hai người, họ chống lại cả thế giới. Đây là lúc để thăng hoa mối quan hệ mới này. Giá như họ có thể ở lại đây, sống ở đây trong chính khoảnh khắc này, trốn trong rừng, tận hưởng những cảm xúc này mãi mãi.

Họ quay lại con đường mòn trong rừng, đi bộ về thị trấn. Lúc đến quán Basarov, họ vào phòng chính. Leo nín thở, nghĩ rằng sẽ có bàn tay nắm lấy vai gã. Nhưng không có ai ở đây, không có mật vụ và không có dân quân. Họ an toàn, ít nhất thêm một ngày nữa. Basarov trong bếp, thậm chí không quay lại khi hắn nghe tiếng họ về.

Trên lầu, họ mở khóa phòng. Một bức thư dưới cửa. Leo thả túi xách xuống giường. Gã nhặt bức thư lên. Của Nesterov, ghi ngày hôm nay:

Leo, nếu cậu quay về như kế hoạch, gặp tôi tối nay ở văn phòng lúc chín giờ. Đến một mình. Mang theo mọi tài liệu liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn bạc. Leo, điều rất quan trọng là cậu không đến muộn.

Leo nhìn đồng hồ. Chỉ có nửa tiếng.

Chương 52

Cùng ngày

Thậm chí quay trở lại trụ sở dân quân Leo cũng không dám liều lĩnh. Gã đã giấu các tài liệu trong hồ sơ chính thức. Mấy bức rèm văn phòng Nesterov đã kéo xuống và không thể nhìn vào trong. Gã xem đồng hồ: gã đến muộn, trễ hai phút. Không thể hiểu chuyện đó thì đặc biệt quan trọng ra sao, gã gõ cửa. Hầu như ngay khi gã làm vậy, cánh cửa mở ra, như thể Nesterov đang đợi phía sau cửa. Leo bị dẫn vào với một sự cấp bách đột ngột và khó hiểu, cánh cửa đóng lại sau lưng gã.

Nesterov đi đi lại lại với một sự sốt ruột khác lạ. Bàn của anh ta đầy tài liệu trong tập hồ sơ vụ án. Anh ta nắm hai vai Leo và nói với một giọng thấp xuống, vội vã:

– Nghe cho kỹ và đừng ngắt lời tôi. Tôi đã bị bắt ở Rostov. Tôi buộc phải thú nhận. Tôi không có lựa chọn nào cả. Họ đã bắt gia đình tôi. Tôi đã kể cho họ tất cả. Tôi nghĩ có thể thuyết phục họ giúp đỡ, thuyết phục họ rằng họ nên đưa vụ án của chúng ta lên mức độ chính thức. Họ đã báo cáo về Moscow. Họ buộc chúng ta tội khích động. Họ nghĩ đây là tư thù của cậu, một hành động trả thù. Họ bác bỏ những phát giác của chúng ta, gọi đó là một thủ đoạn tinh vi của tuyên truyền phương Tây: họ chắc rằng cậu và vợ cậu đang làm gián điệp. Họ cho tôi một lựa chọn. Họ sẵn sàng để cho gia đình tôi yên nếu tôi giao nộp cậu và toàn bộ thông tin chúng ta đã thu thập.

Thế giới của Leo sụp đổ. Dù đã biết nguy hiểm gần kề, nhưng gã nghĩ nó chưa cắt ngang con đường của gã:

– Khi nào?

– Ngay bây giờ. Tòa nhà đã bị bao vây. Các mật vụ sẽ vào phòng này trong mười lăm phút nữa, sẽ bắt cậu trong văn phòng này và lấy mọi bằng chứng chúng ta đã góp nhặt. Tôi phải tranh thủ mấy phút này để tìm hiểu toàn bộ thông tin cậu phát giác được ở Moscow.

Leo lùi lại, xem đồng hồ; chín giờ năm phút:

– Leo, cậu phải nghe tôi. Có một cách để cậu trốn thoát. Nhưng để thành công, đừng nói gì, đừng hỏi gì hết. Tôi đã nghĩ ra một kế hoạch. Cậu sẽ dùng súng đánh vào đầu tôi, khiến tôi bất tỉnh. Rồi lúc đấy cậu sẽ rời phòng này, xuống một lượt cầu thang, nấp trong mấy văn phòng phía bên phải. Leo, cậu nghe đấy chứ? Cậu cần phải tập trung. Cửa không khóa. Cậu vào trong, đừng bật đèn, và khóa cửa lại.

Nhưng Leo không nghe – điều duy nhất gã nghĩ đến là:

– Raisa?

– Cô ấy đang bị bắt ngay lúc chúng ta nói chuyện. Tôi rất tiếc, nhưng cậu không thể làm gì cho cô ấy cả. Cậu cần tập trung, Leo, hoặc chuyện này chấm dứt.

– Chuyện chấm dứt rồi. Nó chấm dứt khi anh khai với họ tất cả.

– Họ có mọi thứ, Leo. Họ có những gì tôi tìm được. Họ có hồ sơ của tôi. Tôi phải làm gì đây? Để họ giết gia đình tôi sao? Họ còn có thể bắt được cậu nữa. Leo, cậu có thể tức giận tôi, hoặc cậu có thể thoát.

Leo gạt tay Nesterov, gã bước đi trong phòng, đầu óc gã cố gắng suy nghĩ. Raisa đã bị bắt. Cả hai người đều biết giờ phút này sẽ đến, nhưng chỉ hiểu nó như một khái niệm, một ý tưởng. Họ không hiểu thế nghĩa là sao. Cái viễn cảnh không bao giờ gặp lại cô nữa khiến gã khó thở. Mối quan hệ của họ, mối quan hệ mới tái sinh, được thăng hoa cách đây hai tiếng trong rừng, giờ đã kết thúc.

– Leo?

Cô ấy thì sẽ muốn gì? Cô sẽ không muốn gã ủy mị. Cô muốn gã thành công, trốn thoát, lắng nghe người đàn ông này.

– Leo?

– Được rồi, kế hoạch thế nào?

Nesterov tiếp tục, nhắc lại phần đầu:

– Cậu sẽ dùng súng đánh tôi, làm tôi bất tỉnh. Rồi cậu rời phòng này, xuống một lượt cầu thang, và nấp trong mấy phòng phía bên phải cầu thang. Nấp trong đó; chờ đến lúc các mật vụ vào tòa nhà. Họ sẽ lên thẳng tầng này, sẽ đi qua cậu. Khi họ qua rồi, cậu sẽ xuống tầng trệt, ra ngoài qua cửa sổ phía sau. Có chiếc xe đậu ở đó. Đây là chìa khóa, cậu sẽ trộm nó của tôi. Cậu phải rời thị trấn, đừng tìm ai hay dừng lại vì bất cứ việc gì, cứ lái đi. Cậu sẽ có một lợi thế nhỏ. Họ sẽ tin là cậu chạy bộ, đâu đó trong thị trấn. Lúc họ nhận ra rằng cậu có xe, cậu đã phải tự do rồi.

– Tự do để làm gì?

– Để phá vụ án này.

– Chuyến đi đến Moscow là công toi. Nhân chứng không chịu nói. Tôi vẫn không có thêm chút ý tưởng gì về kẻ này.

Điều đó khiến Nesterov ngạc nhiên.

– Leo, cậu làm được chuyện này, tôi biết. Tôi tin cậu. Cậu cần đến Rostov- sông Đông. Đây là trung tâm của những vụ án mạng. Tôi tin rằng đó là nơi cậu nên tập trung vào. Có nhiều giả thiết về kẻ giết những đứa trẻ này. Một giả thiết là liên quan đến một nhóm lính Quốc xã…

Leo xen ngang:

– Không, đấy là việc làm của một cá nhân, hành động đơn lẻ. Hắn ta có một công việc. Hắn có vẻ như bình thường. Nếu anh tin chắc mức độ tập trung các vụ giết người nằm ở Rostov thì có khả năng hắn sống và làm việc ở đó. Công việc của hắn là mối liên hệ giữa tất cả những địa điểm này. Công việc của hắn nghĩa là hắn đi đây đi đó: hắn giết người trên đường đi của hắn. Nếu chúng ta biết được công việc của hắn, chúng ta sẽ bắt được hắn.

Leo xem đồng hồ. Còn vài phút nữa trước khi gã phải đi. Nesterov chỉ tay lên hai thị trấn liên quan:

– Mối liên hệ giữa Rostov và Vouaslk là gì? Không hề có vụ giết người nào ở phía Đông thị trấn này. Ít nhất là theo chúng ta biết. Điều đó gợi ý rằng đây là điểm cuối, đích đến của hắn.

Leo đồng ý:

– Voualsk có nhà máy lắp ráp xe hơi. Không có ngành công nghiệp quan trọng nào khác ở đây ngoài ngành gỗ. Nhưng có rất nhiều nhà máy ở Rostov.

Nosterov biết rõ cả hai nơi này hơn Leo:

– Nhà máy lắp ráp xe hơi và Rostelmash có quan hệ mật thiết với nhau.

– Rostelmash là gì?

– Một nhà máy sản xuất máy kéo, rất lớn, lớn nhất Liên Xô.

– Chúng dùng chung các phụ kiện?

– Lốp xe cho loại GAZ-20 được sản xuất ở đó. Các phần động cơ được làm ở đây.

Có thể đó là mối liên hệ chăng? Những vụ giết người dọc theo tuyến đường sắt từ phía Nam và chạy sang phía Tây, từng điểm một. Theo giả thiết này, Leo nhận xét:

– Nếu Vouaslk gửi hàng đến Rostelmash thì nhà máy kia phải dùng một tolkach. Ai đó đến đây để đảm bảo nhà máy lắp ráp xe hơi hoàn thành chỉ tiêu bắt buộc.

– Chỉ có hai vụ giết trẻ em ở đây và chúng mới xảy ra gần đây. Các nhà máy hợp tác cùng nhau đã được một thời gian.

– Các vụ giết người ở phía Bắc đất nước là mới gần đây nhất. Thế nghĩa là hắn chỉ mới có công việc này. Hoặc hắn chỉ được giao nhiệm vụ dọc theo tuyến đường này. Chúng ta cần hồ sơ lao động ở Rostelmash. Nếu chúng ta đúng, bằng cách kiểm tra chéo hồ sơ với địa điểm các vụ giết người, chúng ta sẽ bắt được kẻ này.

Họ sắp tới đích. Nếu họ không bị săn đuổi, nếu họ được tự do để ung dung hành động, họ có thể phát giác ra tên kẻ giết người vào cuối tuần này. Nhưng họ không có một tuần, hay sự hỗ trợ. Họ có bốn phút. Đã chín giờ mười một phút, Leo phải đi. Gã cầm hồ sơ – danh sách những vụ giết người, cùng ngày tháng và địa điểm. Gã chỉ cần có thế. Sau khi gập hồ sơ bỏ vào trong túi, gã bước đến cửa. Nesterov ngăn gã lại. Anh ta đang cầm khẩu súng. Leo nhận lấy món vũ khí, chần chừ một lúc. Nesterov thấy sự ngần ngại đó và nói:

– Hoặc là gia đình tôi sẽ chết.

Leo đánh vào bên đầu, làm anh ta xước da và quỵ xuống. Vẫn còn tỉnh, Nesterov ngước lên:

– Chúc may mắn, giờ hãy đánh cho ra đánh.

Leo giơ súng lên. Nesterov nhắm mắt.

Vội đi vào hành lang, Leo đến cầu thang thì nhận ra là gã quên lấy khóa xe. Nó ở trên bàn. Gã quay lại, chạy dọc hành lang đến văn phòng, bước qua Nesterov, chộp lấy chùm chìa khóa. Gã đã muộn – chín giờ mười lăm, các mật vụ đang đi vào tòa nhà. Leo vẫn còn ở trong văn phòng, đúng nơi bọn họ muốn gã ở. Gã chạy ra, xuôi hành lang, xuống cầu thang. Gã có thể nghe tiếng bước chân tiến về phía mình. Đến tầng ba, gã lao sang phải, nắm lấy cánh cửa phòng gần nhất. Nó mở như Nesterov đã hứa. Gã vào trong, khóa cửa lại ngay khi các mật vụ đi lên cầu thang.

Leo đợi trong bóng tối. Các rèm cửa đã đóng nên không ai bên ngoài có thể nhìn vào trong. Gã có thể nghe những bước chân dồn dập. Có ít nhất bốn mật vụ đang ở trên cầu thang này. Gã muốn ở lại trong căn phòng này, đằng sau cánh cửa khóa này, trong sự an toàn tạm bợ. Các cửa sổ mở ra sân lớn. Gã liếc ra. Có một vòng người bên ngoài cổng chính. Gã lùi khỏi cửa sổ. Gã phải xuống tầng trệt và ra phía sau. Gã mở cửa, nhìn hé ra. Hành lang không người. Gã đóng cửa lại, đi lại cầu thang. Gã nghe giọng một mật vụ bên dưới. Leo chạy đến lượt cầu thang tiếp theo. Gã không thấy hay nghe tiếng một ai. Ngay khi gã bắt đầu chạy, có tiếng hét phát ra ở tầng trên cùng: họ đã tìm thấy Nesterov.

Một đợt mật vụ thứ hai xông vào tòa nhà, bị báo động bởi tiếng kêu của đồng nghiệp. Sẽ quá nguy hiểm nếu chạy thêm một lượt cầu thang nữa, từ bỏ kế hoạch của Nesterov, Leo còn ở trên tầng hai. Gã chỉ có vài giây để tận dụng sự hoảng loạn trước khi những người kia tổ chức thành các đội lục soát. Không thể xuống được tầng trệt, gã chạy dọc hành lang, đi vào nhà vệ sinh, một phòng hướng về phía sau tòa nhà. Gã mở cửa sổ. Cửa sổ cao và hẹp, chỉ vừa đủ để len người qua. Cách duy nhất là phải cho đầu ra trước. Gã xem bên ngoài, không thấy mật vụ nào cả. Có lẽ gã chỉ cách mặt đất năm mét. Gã chuồi người qua cửa sổ, lơ lửng trên mặt đất, dùng chân để níu. Không có gì bám vào. Gã phải thả cho người rơi xuống, lấy tay che đầu.

Gã đưa bàn tay ra để tiếp đất, cổ tay bị sái. Gã nghe tiếng hét, gã nhìn lên. Một mật vụ ở cửa sổ tầng trên. Leo đã bị phát giác. Mặc kệ con đau ở cổ tay, gã đứng dậy, chạy về bên đường nơi chiếc xe phải đỗ ở đó. Tiếng súng phát ra. Những luồng bụi gạch bùng lên bên đầu gã. Gã thụp xuống, lom khom và vẫn chạy. Nhiều phát súng nữa, kêu vèo vèo trên đường. Gã rẽ ở góc đường, thoát khỏi làn đạn.

Chiếc xe ở đó, đỗ ở đó, đã sẵn sàng. Gã leo lên, tra khóa vào ổ. Động cơ xì xì rồi tắt ngấm. Gã thử lại. Nó không khởi động. Gã thử lần nữa – thôi nào – lần này nó nổ. Vào số xe, gã lái đi, tăng tốc, cẩn thận không để lốp xe gây tiếng rít. Làm sao để những mật vụ đuổi theo không nhìn thấy chiếc xe là điều hết sức quan trọng. Gã ở trên một trong số ít ỏi những chiếc xe trên đường. Do đây là xe dân quân, hy vọng bất cứ dân quân nào thấy nó cũng cho rằng gã cùng phe với họ trong khi họ tiếp tục tìm kiếm người chạy bộ.

Đường vắng tanh. Leo lái quá nhanh, quá xóc, chạy ra khỏi thị trấn. Nesterov đã sai: gã không thể lái thẳng đến Rostov. Trước hết, đấy là vài trăm cây số, gã không gặp nơi nào gần có xăng, và gã không có cách nào để lấy thêm xăng. Quan trọng hơn, khi người ta phát giác ra gã lấy một chiếc xe, bọn họ sẽ chặn mọi ngả đường. Gã phải chạy càng xa càng tốt, rồi vứt chiếc xe, giấu nó đi, và lẻn vào một vùng nông thôn rồi lên tàu. Miễn là họ chưa tìm thấy chiếc xe bị vứt lại thì cơ hội cho gã sẽ nhiều hơn khi không có nó.

Gã tăng tốc chạy vào con đường lớn duy nhất vào và ra thị trấn, đi về phía Tây. Gã xem gương chiếu hậu. Nếu họ định tổ chức một cuộc lục soát toàn diện ở những tòa nhà lân cận, tin rằng gã vẫn chạy bộ, thì gã sẽ có ít nhất chừng một tiếng trước họ. Gã tăng tốc, xe đạt đến tốc độ tối đa tám mươi cây số trên giờ.

Phía trước có người đứng trên đường, vây quanh một chiếc xe đỗ: xe dân quân. Nó là vật chắn đường. Bọn họ không loại trừ một khả năng nào hết. Nếu đường phía Tây bị chặn thì đường phía Đông cũng vậy. Họ vây kín toàn bộ thị trấn. Hy vọng duy nhất của gã là đâm qua vật chắn đường này. Gã sẽ tăng tốc độ, húc vào chiếc xe đỗ ngang đường. Chiếc xe sẽ bị lật. Gã sẽ kiểm soát được cú va chạm. Khi xe họ bị hỏng, bọn họ sẽ không thể đuổi theo gã ngay. Thật liều lĩnh, chuyện này sẽ giảm lợi thế của gã xuống còn tính bằng phút.

Các mật vụ đằng trước bắt đầu nổ súng. Đạn cắm vào phía trước xe, tóe lửa khi chạm vào kim loại. Một viên đạn xuyên qua kính chắn gió. Leo cúi thấp sau tay lái, không thể thấy đường được nữa. Chiếc xe đang vào vị trí: gã chỉ cần nắm chặt tay lái. Đạn tiếp tục phá nát kính chắn gió. Những mảnh kính vỡ trút xuống. Gã vẫn đang đúng hướng – sẵn sàng cho vụ va chạm.

Chiếc xe lắc lư đổ nghỉêng qua một bên. Ngồi thẳng lại, Leo cố giữ tay lái, nhưng chiếc xe ngoặt sang trái, không chịu theo điều khiển của gã. Lốp xe bị bắn lủng. Gã không thể làm gì được. Chiếc xe bị lật nghiêng, cửa bên hông bẹp gí. Gã bị hất vào cánh cửa, cách đường vài mi li mét, trượt dài trên đường, những tia lửa lóe lên. Phần trước đâm nát chiếc xe kia, khiến xe của Leo xoay tròn. Nó lật ngược, văng ra lề đường. Leo bị hất tung từ cửa đến mui xe, rồi gã nằm cuộn tròn khi chiếc xe dừng lại.

* * *

Gã mở mắt. Gã không chắc gã có thể cử động được không và gã không thể vận đủ sức để thử. Gã nhìn lên bầu trời đêm. Ý nghĩ của gã từ từ hiện về. Gã không còn ở trong xe nữa. Ai đó hẳn đã lôi gã ra. Một khuôn mặt xuất hiện phía trên gã, che chắn những vì sao, nhìn xuống gã. Tập trung vào, Leo nhìn kỹ khuôn mặt người kia.

Là Vasili.

Chương 53

Rostov-Sông Đông cùng ngày

Aron có cảm tưởng rằng một công việc trong dân quân hẳn thú vị lắm, hoặc ít nhất là thú vị hơn làm việc ở nông trang. Anh ta luôn biết làm ở đây tiền lương không cao, nhưng ưu điểm là cạnh tranh không khốc liệt. Khi đi tìm việc, anh ta chưa bao giờ là một ứng cử viên sáng giá. Ở anh ta không có gì không tốt cả.

Sụ thực, anh ta học rất khá ở trường. Tuy nhiên, lúc sinh ra môi trên của anh ta bị sứt. Đó là điều bác sĩ đã nói – nó bị sứt và ông ta không thể làm gì hết. Trông như thể một phần môi trên của anh ta bị cắt đi, và phần còn lại dính vào nhau khiến môi vểnh lên ở giữa, để lộ một phần răng cửa. Hậu quả là, trông anh ta như nhếch mép trường kỳ. Mặc dù điều này không ảnh hưởng gì đến khả năng làm việc của anh ta, nhưng chắc chắn nó tạo khác biệt trong khả năng của anh kiếm được việc làm. Dân quân dường như là một giải pháp hoàn hảo, họ đang đói khát người xin việc. Họ sẽ bắt nạt anh ta, bàn tán sau lưng anh ta – anh ta đã quen chuyện đó rồi. Anh ta sẽ chấp nhận tất cả những điều đó, miễn là anh ta được dùng trí óc của mình.

Anh ta ở đây, giữa đêm, ngồi trong bụi rậm, bị bọ chét cắn, theo dõi một trạm chờ xe buýt để tìm dấu hiệu của:

Hoạt động bất thường.

Người ta không cho Aron biết tại sao anh ta đang ngồi đây hay hoạt động bất thường có thể nghĩa là gì. Là một trong những nhân viên trẻ nhất của dân quân, chỉ mới hai mươi tuổi, anh ta tự hỏi liệu đây có phải một kiểu lễ kết nạp nào đó – một bài thử thách lòng trung thành, để xem anh ta có thể tuân thủ mệnh lệnh không. Tuân lệnh được đánh giá cao hơn bất cứ điều gì khác.

Cho đến giờ, người duy nhất lảng vảng là một cô gái đứng gần trạm xe buýt. Cô còn trẻ, có lẽ mười bốn mười lăm, nhưng cô cố tỏ ra trông già dặn hơn. Cô bé dường như say rượu. Chiếc áo sơ mi không gài cúc. Anh ta nhìn cô bé chỉnh lại chiếc váy và nghịch đùa mái tóc. Cô bé làm gì ở đây tại trạm xe buýt? Không có chuyến xe buýt nào cho đến sáng mai.

Một người đàn ông tiến đến. Y dáng cao, đội một chiếc mũ và mặc áo khoác dài. Y đeo kính có gọng, mắt kính dày và mang một chiếc cặp rất đẹp. Y đứng cạnh bảng lịch trình, lần tay đọc trên bảng. Cô bé như thể một con nhện nhỏ bé ẩn khuất, chờ trong góc, cô đứng lên ngay, tiến về phía y. Y tiếp tục đọc lịch chạy xe khi cô bé đi vòng quanh, sờ chiếc cặp của y, tay y, áo khoác của y. Người đàn ông dường như phớt lờ những khơi gợi này cho đến khi cuối cùng y rời mắt khỏi lịch xe, và dò xét cô bé. Họ nói chuyện. Aron không thể nghe được họ nói gì. Cô bé không đồng ý điều gì đó, lắc đầu. Rồi cô bé nhún vai. Họ đã thỏa thuận xong. Người đàn ông quay lại và dường như nhìn thẳng vào Aron, nhìn ngay vào đám cây thấp bên cạnh nhà chờ. Người đàn ông có thấy anh ta không? Có vẻ là không – họ đang ở chỗ sáng đèn, anh ta ở trong bóng đen. Cả người đàn ông và cô bé bắt đầu bước đến chỗ anh ta, đến thẳng nơi anh ta đang nấp.

Aron bối rối, kiểm lại vị trí – anh hoàn toàn bị che khuất. Họ không thể nào thấy anh ta được. Thậm chí nếu có thấy, tại sao họ vẫn đi về phía anh ta? Họ chỉ còn cách vài mét. Anh ta có thể nghe họ nói chuyện. Anh đợi, khum trong lùm cây thì mới nhận ra họ đi qua anh ta về phía những gốc cây.

Aron đứng lên:

– Dừng lại !

Người đàn ông vụt đứng yên, vai y gồ lên. Y quay lại. Aron cố hết sức tỏ ra uy quyền:

– Hai người định làm gì?

Cô bé, dường như không hề sợ hay lo lắng, trả lời:

– Chúng tôi đi dạo. Môi anh bị làm sao thế? Trông xấu quá.

Aron đỏ mặt xấu hổ. Cô bé nhìn chằm chằm môi anh ta với vẻ ghê tởm lộ rõ. Anh ta ngừng một lúc, trấn tĩnh lại:

– Các người định dâm loạn, ngay nơi công cộng. Cô là đồ gái điếm.

– Không, chúng tôi định đi dạo.

Người đàn ông nói thêm, giọng y xúc động, gần như không nghe được:

– Chưa ai làm gì sai cả. Chúng tôi chỉ nói chuyện thôi.

– Cho tôi xem giấy tờ.

Người đàn ông bước đến, lục tìm giấy tờ trong túi áo. Cô bé lùi lại, thờ ơ. Chắc chắn trước đây cô bé từng bị chặn hỏi. Cô không ra vẻ lo lắng. Anh ta kiểm tra giấy tờ của người đàn ông. Người đàn ông tên Andrei. Giấy tờ hợp lệ.

– Mở cặp ra.

Andrei ngần ngừ, mồ hôi vã ra. Y đã bị bắt. Y chưa bao giờ tưởng tượng chuyện này sẽ xảy ra: y chưa bao giờ tưởng tượng kế hoạch của mình bị thất bại. Y nhấc chiếc cặp lên, mở khóa. – Anh dân quân trẻ nhìn vào, tay anh ta mò mẫm tìm kiếm. Andrei nhìn xuống giày, chờ đợi. Khi y ngước lên, người dân quân đang cầm con dao của y, một con dao dài lưỡi răng cưa. Andrei cảm thấy sắp bật khóc.

– Sao anh mang thứ này?

– Tôi phải đi rất nhiều. Thường tôi phải ăn trên tàu. Tôi dùng dao để cắt xúc xích. Loại xúc xích rẻ tiền và cứng, nhưng vợ tôi không muốn mua thứ xúc xích khác.

Andrei quả có dùng con dao trong bữa trưa và tối. Anh dân quân tìm thấy một nửa khúc xúc xích. Nó là thứ rẻ tiền và cứng. Bên mép lởm chởm. Nó bị cắt bởi chính con dao này.

Aron lấy ra một lọ thủy tinh có nắp dán kín. Lọ sạch và trống rỗng.

– Cái này để làm gì?

– Một số thành phần mà tôi thu thập, để làm mẫu, rất dễ vỡ, một số thì bẩn. Lọ này giúp ích cho công việc của tôi. Anh dân quân à, tôi biết mình không nên đi cùng cô gái này. Tôi không biết mình đã nghĩ gì nữa. Tôi ở đây, xem lịch chuyến xe buýt ngày mai, rồi cô ta tiến đến. Anh biết chuyện thế nào mà – những thôi thúc. Một thôi thúc đã chiếm lấy tôi. Nhưng hãy nhìn vào các ngăn trong cặp, anh sẽ thấy thẻ đảng của tôi.

Aron tìm thấy tấm thẻ. Anh ta cũng tìm thấy một bức ảnh chụp vợ của người đàn ông và hai đứa con gái.

– Các con gái của tôi đấy. Không cần phải đưa việc này đi xa hơn, đứng không, anh dân quân? Cô gái này mới là người có lỗi: lẽ ra giờ này tôi đã trên đường về nhà mình rồi.

Một công dân đúng mực nhất thời bị lung lạc bởi một cô bé say xỉn, một cô bé trụy lạc. Người đàn ông này lịch thiệp: y không nhìn chằm chằm vào môi Aron hay có lời nhận xét miệt thị nào. Y đối xử với anh như người bình đẳng mặc dù y nhiều tuổi hơn, có công việc tốt hơn và là một đảng viên. Y là nạn nhân. Cô gái mới là tội phạm.

Sau khi đã cảm thấy tấm lưới bủa vây quanh mình, Andrei nhận ra mình gần thoát rồi. Bức ảnh gia đình y tỏ ra vô giá trong nhiều tình huống. Đôi khi y dùng nó để thuyết phục những đứa trẻ dè dặt rằng y là một người có thể tin tưởng được. Y cũng là một người cha. Trong túi quần, y có thể cảm thấy đoạn dây thô. Không phải đêm nay; sau này y phải tập kiên nhẫn hơn. Y không thể giết người trong thị trấn của mình được nữa.

Aron sắp để cho người đàn ông đi, bỏ tấm thẻ và bức ảnh vào thì anh ta nhìn thấy có gì đó trong cặp: một mảnh báo gấp đôi. Anh ta lôi tờ báo và giở ra.

Andrei không thể đứng nhìn tên ngốc có cái môi ghê tởm này chạm vào mảnh báo bằng những ngón tay bẩn thỉu của hắn được. Y hầu như không thể ngăn mình giật lại nó từ tay anh ta:

– Tôi có thể lấy nó lại được không?

Lần đầu tiên, giọng người đàn ông trở nên bực dọc. Tại sao tờ báo này quan trọng với y như vậy? Aron xem xét tờ báo. Nó được cắt ra từ vài năm trước đây, mực đã phai. Không có chữ, không ghi số báo – tất cả đều bị cắt bỏ đi nên không thể biết nó là của báo nào. Cái duy nhất còn lại là bức ảnh được chụp trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bức ảnh một chiếc thiết giáp bốc cháy. Những lính Nga đứng bồng súng chĩa lên trời. Đấy là một bức ảnh chiến thắng, một bức ảnh tuyên truyền. Vì cái môi sứt của mình, Aron hiểu quá rõ tại sao bức ảnh này được in trên báo. Người lính Nga ở trung tâm bức ảnh là một người điển trai với nụ cười quyến rũ.

Chương 54

Moscow 10 tháng bảy

Mặt Leo sưng vù, chạm vào là đau. Mắt phải gã vẫn nhắm, bị lấp dưới mấy lớp da sưng phồng. Có một cơn đau nhói bên hông như thể mấy chiếc xương sườn bị gãy. Gã được kiểm tra y tế sơ qua tại hiện trường tai nạn, nhưng ngay khi chắc chắn tính mạng của gã không còn bị nguy hiểm, gã được đưa lên xe có đội vũ trang canh gác. Trên đường về Moscow, gã cảm thấy mỗi lần xóc đường như một cú thụi vào bụng. Không có thuốc giảm đau trong suốt hành trình, gã đã bất tỉnh vài lần. Những tên lính gác đánh thức gã bằng cách lấy báng súng thúc vào gã, vì sợ gã chết trong phiên họ canh chừng. Trong suốt chuyến đi, Leo luân phiên thay đổi giữa những cơn sốt và cảm lạnh. Những vết thương này, gã thừa nhận, chỉ là bắt đầu.

Cái mỉa mai khi cuối cùng lại ở đây – bị cột chặt vào ghế trong phòng thẩm vấn dưới tầng hầm Lubyanka – không thoát khỏi sự chú ý của Leo. Một người bảo vệ nhà nước đã trở thành tù nhân của nó, không phải một sự đảo lộn bất thường của vận số. Cảm giác làm một kẻ thù của đất nước là thế này đây.

Cánh cửa mở ra. Leo ngẩng đầu lên. Người đàn ông da vàng bủng và răng ố vàng này là ai? Ông ta là cựu đồng nghiệp, gã chỉ nhớ chừng ấy. Nhưng gã không thể nhớ tên ông ta.

– Anh không nhớ tôi sao?

– Không.

– Tôi là bác sĩ Zarubin. Chúng ta đã gặp nhau vài lần. Tôi đến thăm khám lúc anh bị ốm mấy tháng trước. Tôi rất tiếc gặp anh trong tình cảnh này. Tôi nói vậy không phải để chỉ trích hành động đang được sử dụng chống lại anh; đó là công bằng và hợp lẽ. Ý tôi chỉ là tôi ước gì anh đã không làm điều đó.

– Tôi đã làm gì?

– Anh đã phản bội.

Bác sĩ kiểm tra xương sườn Leo. Mỗi cái động vào khiến gã phải nghiến răng:

– Sườn của anh không gãy như người ta nói với tôi. Chúng bị bầm. Chắc chắn rất đau. Nhưng không vết thương nào cần mổ. Tôi được lệnh lau rửa các vết trầy xước và thay đồ.

– Tôi từng cứu mạng một người đàn ông chỉ để rồi mang ông ta đến đây. Lẽ ra tôi nên để Brodsky chết chìm dưới con sông kia.

– Tôi không biết người mà anh đang nói.

Leo im lặng. Bất cứ ai cũng có thể hối tiếc về hành động của mình khi tình thế thay đổi. Gã hiểu, rõ hơn bao giờ hết, rằng cơ hội chuộc lỗi duy nhất đã trượt qua kẽ tay. Kẻ giết người sẽ tiếp tục giết người.

Ông bác sĩ băng bó xong những vết thương của Leo, cúi xuống và nói nhỏ vào tai Leo:

– Giờ tôi sẽ đi chăm sóc vợ anh. Cô vợ xinh đẹp của anh, cô ta bị trói ở phòng bên. Khá là vô vọng, nhưng đây là lỗi của anh. Mọi thứ tôi sẽ làm với cô ta là lỗi của anh. Tôi sẽ làm cho cô ta ghét bỏ cái ngày cô ta yêu anh. Tôi sẽ làm cô ta nói điều đó ra.

Như thể đang nghe tiếng nước ngoài, phải mất một lúc Leo mới hiểu điều vừa nghe được. Gã không có thù oán gì với người đàn ông này. Gã gần như không nhận ra ông ta. Tại sao ông ta đe dọa Raisa? Leo cố đứng lên, chồm về phía tay bác sĩ. Nhưng chiếc ghế gắn chặt vào sàn còn gã thì bị cột chặt vào ghế.

Bác sĩ Zarubin lùi lại, như một người ghé đầu quá gần chuồng sư tử. Ông ta nhìn Leo gắng sức chống lại sự giam cầm, mạch máu gã nổi trên cổ, mặt gã đỏ ngầu, mắt lồi lên thảm hại. Thật thích thú – như nhìn một con ruồi mắc dưới tấm kính. Người đàn ông này không hiểu bản chất tình trạng của gã:

Vô vọng

Tay bác sĩ xách cặp lên và chờ lính gác mở cửa. Ông ta nghĩ Leo sẽ gọi theo, có lẽ dọa giết ông ta. Nhưng về mặt này, ít nhất, ông ta phải thất vọng.

Ông ta đi xuống hành lang tầng hầm, chỉ vài mét, đến phòng giam bên cạnh. Cửa đã mở. Zarubin đi vào. Raisa ngồi và bị trói giống y như chồng cô. Tay bác sĩ phấn khích bởi viễn cảnh khi cô nhận ra ông ta và thừa nhận rằng lẽ ra cô nên ưng thuận lời đề nghị của ông ta. Nếu cô ưng thuận thì cô đã an toàn rồi.

Cô rõ ràng không phải là người sinh tồn khôn khéo mà ông ta đã tưởng. Cô có một vẻ đẹp khác thường, thứ cô đã không tận dụng được, mà lại đi chọn lòng chung thủy. Có lẽ cô tin vào kiếp sau, một thiên đường nơi lòng trung thành của cô sẽ được đền đáp.

Nó không có giá trị gì nơi đây.

Tin rằng sẽ thấy cô hối tiếc khiến ông ta thích thú, ông ta trông chờ cô sẽ cầu xin.

Giờ cô sẽ chấp nhận với bất cứ điẻu kiện gì: ông ta có thể đòi hỏi bất cứ điều gì ở cô. Ông ta có thể đối xử với cô như rác rưởi và cô sẽ sẵn sàng chấp nhận và cầu xin thêm. Cô sẽ quy phục ông ta hoàn toàn. Tay bác sĩ mở cái ô cửa trên tường. Mặc dù ô cửa dường như là một phần của hệ thống thông gió, nhưng thực tế nó được thiết kế nhằm truyền âm thanh từ phòng này sang phòng khác. Ông ta muốn Leo nghe từng lời.

Raisa ngước lên nhìn chằm chằm Zarubin, quan sát khi ông ta làm bộ buồn bã, chắc chắn cố tỏ ra thương hại, như thể muốn nói:

Giá như cô chấp nhận đề nghị của tôi.

Ông ta đặt chiếc cặp xuống và bắt đầu khám cho cô, dù cô không bị thương.

– Tôi cần kiểm tra từng phần trên người cô. Để làm báo cáo, cô biết đấy.

Raisa bị bắt mà không gây chút ầm ĩ. Nhà hàng bị bao vây: các mật vụ xông vào và giữ lấy cô. Khi cô bị giải ra, Basarov hét lên với sự hiểm ác dễ hiểu, rằng cô xứng đáng với bất cứ hình phạt nào nhận được. Bị trói chặt ở khoang sau xe, không biết một thông tin gì, cô không biết chuyện gì xảy ra với Leo cho đến khi nghe trộm từ một mật vụ nói họ đã bắt được gã. Cô đoán, từ giọng mãn nguyện của hắn, rằng ít nhất Leo cũng cố chạy trốn.

Cô cố nhìn thẳng trước mặt khi bàn tay lão bác sĩ lần mò trên người cô, như thể ông ta không ở đó. Nhưng cô không cưỡng nổi phải liếc trộm ông ta. Bàn tay lông lá, móng tay sạch sẽ hoàn hảo và được cắt cẩn thận. Tay lính canh phía sau cô bắt đầu cười, tràng cười ngớ ngẩn. Cô tập trung vào ý nghĩ rằng cơ thể cô ngoài tầm với và ông ta không chạm tới được cho dù ông ta có làm gì, ông ta sẽ không thể đặt một ngón tay lên cô. Đấy là một ý nghĩ không thể duy trì được. Mấy ngón tay ông ta luồn vào trong chân cô với sự chậm rãi cố ý và đáng sợ. Cô cảm thấy nước mắt trào lên. Cô chớp mắt xua đi. Zarubin tiến gần hơn: mặt ông ta sát mặt cô. Ông ta hôn lên má cô, mút da cô như thể sắp cắn một miếng.

Cánh cửa mở ra, Vasili bước vào. Gã bác sĩ rụt người, đứng lên, bước lùi lại. Vasili khó chịu:

– Cô ta không bị thương. Ông không cần phải ở đây.

– Tôi chỉ kiểm tra cho chắc chắn thôi.

– Ông đi được rồi.

Zarubin xách cặp và bước ra. Vasili đóng vỉ lò sưởi. Hắn cúi xuống cạnh Raisa, nhìn những giọt nước mắt cô:

– Cô mạnh mẽ lắm. Có lẽ cô nghĩ cô có thể chống cự được. Tôi hiểu cái khao khát của cô muốn trung thành với chồng cô.

– Thế ư?

– Cô nói đúng. Tôi không hiểu. Ý tôi là sẽ tốt hơn cho cô nếu cô khai tất cả với tôi ngay bây giờ. Cô nghĩ tôi là quái thú. Nhưng cô có biết tôi học điều đó từ ai không? Chồng cô đấy, đó là điều hắn từng nói với mọi người trước khi tra tấn họ – một số người ngay trong chính căn phòng này. Hắn nói rất chân thành, nếu điều đó quan trọng.

Raisa nhìn chằm chằm những đường nét điển trai của người đàn ông này và tự hỏi, như cô từng tự hỏi khi ở trên nhà ga cách đây vài tháng, tại sao hắn lại xấu xí đến vậy. Hai con mắt hắn đờ đẫn, không phải không có sinh khí, không phải vô hồn hay ngây dại, mà lạnh lùng.

– Tôi sẽ nói hết.

– Nhưng thế có đủ không?

Chương 55

Lẽ ra Leo nên dành sức cho đến khi gã có cơ hội hành động. Giờ không phải lúc. Gã đã chứng kiến nhiều tù nhân phí sức đấm nắm tay vào cửa, chửi bới, bước đi liên tục trong phòng giam nhỏ bé. Lúc đấy gã tự hỏi tại sao họ không thấy sự vô ích trong hành động của họ. Giờ gã ở ngay trong hoàn cảnh ấy, cuối cùng gã đã hiểu rõ họ cảm thấy thế nào. Nó giống như cơ thể gã bị dị ứng với sự giam giữ này. Nó chẳng liên quan gì đến logic hay lý lẽ. Đơn giản là gã không thể ngồi và đợi và không làm gì hết.

Thay vì thế, gã gồng lên bứt khỏi chỗ trói cho đến khi cổ tay bắt đầu chảy máu. Phần nào trong gã thực sự tin gã có thể phá được những sợi xích này cho dù gã đã chứng kiến cả trăm người bị cột vào đây và không một lần nào họ phá được. Được thắp sáng bởi ý nghĩ về cuộc đào thoát vĩ đại, gã đã bỏ qua sự thật rằng thứ hy vọng này cũng nguy hiểm chẳng kém bất cứ sự tra tấn nào bọn họ có thể gây ra.

Vasili bước vào, ra hiệu cho tay lính đặt một chiếc ghế đối diện với Leo. Tay lính canh tuân theo, đặt nó ngay ngoài tầm với của Leo. Vasili bước tới, kéo chiếc ghế lên và dịch nó lại gần hơn. Đầu gối họ gần chạm nhau. Hắn nhìn Leo chằm chằm, để ý cách toàn bộ cơ thể gã đang chống cự lại chỗ trói:

– Bình tĩnh đi, vợ mày không sao. Cô ta ở phòng bên.

Vasili vẫy tay cho lính gác tới chỗ cửa thông gió. Anh ta mở ra. Vasili gọi to:

– Raisa, nói gì với chồng cô đi. Hắn lo cho cô đấy.

Giọng Raisa có thể nghe như tiếng vọng nhẹ:

– Leo?

Leo ngồi lui ra, thả lỏng cơ thể. Trước khi Leo có thể trả lời, tay lính canh đóng sầm cửa thông gió. Leo nhìn Vasili

– Không cần phải tra tấn chúng tôi. Anh biết tôi đã chứng kiến bao nhiêu cuộc rồi. Tôi hiểu không thể nào cầm cự được. Cứ hỏi tôi bất cứ câu gì, tôi sẽ trả lời.

– Nhưng tao đã biết cả rồi. Tao đã đọc các tư liệu mày thu thập. Tao đã nói chuyện với chỉ huy Nesterov. Hắn ta thực lòng muốn con cái hắn sẽ không lớn lên trong trại mồ côi. Raisa đã xác nhận mọi thông tin của hắn ta. Tao chỉ có một câu hỏi cho mày. Tại sao?

Leo không hiểu. Nhưng cuộc đấu tranh của gã đã hết. Gã chỉ muốn nói bất cứ điều gì mà kẻ này muốn nghe. Gã nói như một đứa trẻ nói với thầy giáo:

– Tôi xin lỗi. Tôi không có ý vô lễ. Tôi không hiểu. Anh đang hỏi tại sao…?

– Tại sao lại mạo hiểm chút cơ hội mày có, chút cơ hội chúng tao cho phép mày giữ lại, để làm chuyện hoang tưởng này?

– Anh đang hỏi về những vụ giết người?

– Những vụ giết người đã được giải quyết cả rồi.

Leo không đáp.

– Mày không tin chuyện đó, đúng không? Mày tin rằng ai đó hoặc nhóm người nào đó đang giết bừa bãi những đứa trẻ Nga trên đất nước này không vì lý do gì hết?

– Tôi đã sai. Tôi có một giả thiết. Tôi đã sai. Tôi rút lại ý kiến. Tôi sẽ ký vào bản rút lại lời khai, bản thú tội, và thừa nhận tội lỗi.

– Mày nhận ra mày phạm phải hành động nghiêm trọng nhất. Tao có thể hiểu điều đó. Nếu mày làm việc cho phương Tây thì mày là kẻ phản bội. Có lẽ bọn chúng hứa cho mày tiền, quyền lực, mọi thứ mày đã mất. Ít nhất thì tao hiểu điều đó. Có đúng vậy không?

– Không.

– Đó là điều khiến tao lo lắng. Nghĩa là mày thực sự tin những vụ giết người này có liên quan với nhau chứ không phải là hành động của những kẻ hư hỏng, kẻ lang thang và kẻ nát rượu và kẻ bị ghét bỏ. Nói trắng ra, đó là sự điên rồ. Tao đã làm việc cùng mày. Tao đã thấy mày làm việc có phương pháp thế nào. Và nói thật, tao thậm chí đã ngưỡng mộ mày. Nghĩa là, trước khi mày lú lẫn đi vì con vợ mày. Nên khi nghe về cuộc phiêu lưu mới của mày, tao không hiểu.

– Tôi có một giả thiết. Tôi đã nhầm. Tôi không biết có thể nói gì khác.

– Tại sao có kẻ nào đó muốn giết những đứa trẻ này?

Leo nhìn chằm chằm vào người đối diện, kẻ đã muốn xử tử hai đứa trẻ vì mối liên hệ của cha mẹ chúng với một bác sĩ thú y. Hẳn hắn đã bắn vào sau đầu chúng và chẳng nghĩ gì về chuyện đó. Nhưng Vasili đã nghiêm túc hỏi câu hỏi này.

Tại sao có kẻ nào đó muốn giết những đứa trẻ này?

Hắn đã giết người ở mức độ tương đương với kẻ Leo đang săn tìm, có lẽ là nhiều hơn. Và thế mà hắn lại gãi đầu gãi tai về cái logic của những tội ác này. Có phải hắn không thể hiểu tại sao kẻ nào muốn giết người lại không gia nhập MGB hoặc trở thành cai ngục Gulag? Nếu đó là ý của hắn thì Leo hiểu được. Có quá nhiều cửa hợp pháp dành cho sự tàn bạo và giết người, tại sao lại chọn một cửa không chính thức? Nhưng đấy không phải ý của hắn.

Những đứa trẻ này.

Sự bối rối của Vasili xuất phát từ sự thật rằng những tội ác này rõ ràng là không có động cơ. Không phải vì chuyện giết trẻ em này khó hiểu. Mà là làm thế thì được gì? Phải xem xét dưới góc độ nào? Không có một nhu cầu chính thức nào phải giết những đứa trẻ này, không một ý định nào về phục vụ cái tốt hơn, không lợi ích vật chất. Đấy là điều hắn phản đối.

Leo đáp:

– Tôi đã có một giả thiết. Tôi đã sai.

– Có lẽ bị trục xuất khỏi Moscow, khỏi một cơ quan mà mày đã trung thành phục vụ trong nhiều năm, là một cú sốc quá lớn so với chúng tao tưởng. Dù sao, mày là người biết tự trọng. Sự đúng mực của mày rõ ràng đã bị ảnh hưởng. Đó là lý do tao sẽ giúp mày, Leo.

Vasili đứng lên, ngẫm nghĩ tình huống. Bộ An ninh Nhà nước đã được lệnh chấm dứt mọi việc sử dụng bạo lực đối với những người bị bắt. Là một sinh vật sinh tồn, Vasili đã thích nghi ngay lập tức. Nhưng đây là Leo trong tầm tay hắn. Có lẽ nào Vasili lại bỏ đi và để gã đối mặt với bản án của gã? Thế đã đủ chưa? Thế có làm hắn thỏa mãn không? Hắn quay về phía cửa, nhận ra những thôi thúc của hắn đối với Leo giờ cũng nguy hiểm cho hắn chẳng kém gì cho Leo. Hắn có thể thấy sự thận trọng thông thường của mình đang nhường chỗ cho điều gì đó cá nhân, điều gì đó như sự thèm khát. Hắn thấy không thể kháng cự được. Hắn ra hiệu cho tay lính canh lại gần:

– Gọi bác sĩ Hvostov.

Cho dù đã muộn, Hvostov cũng không cảm thấy khó chịu vì cuộc gọi công việc đột xuất. Ông ta tò mò vì có chuyện gì quan trọng đến thế. Ông ta bắt tay Vasili và nghe tình hình hắn tóm tắt, nhận ra rằng Vasili nhắc đến Leo là bệnh nhân chứ không phải tù nhân. Ông ta hiểu rằng điều này cần thiết để tránh khỏi bị cáo buộc dùng nhục hình. Sau khi nghe vắn tắt về những ảo giác phức tạp của bệnh nhân về một kẻ giết trẻ em, ông bác sĩ ra lệnh cho tay lính canh đưa Leo vào phòng trị liệu của ông ta. Ông ta phấn khích được gạn lọc ra điều gì đằng sau cái ý tưởng kỳ quặc này.

Căn phòng đúng y như Leo nhớ về nó: nhỏ và sạch sẽ, chiếc ghế bọc da đỏ gắn vào sàn lát gạch trắng, những tủ kính đầy chai lọ và thuốc bột và thuốc viên, được dán nhãn trắng ngăn nắp, chữ viết tay mực đen gọn gàng, cẩn thận, và một dãy dụng cụ mổ bằng thép, mùi thuốc khử trùng. Gã bị trói vào đúng chiếc ghế Anatoly Brodsky đã bị trói; cổ tay, cổ chân và cổ gã bị trói chặt bằng chính những dây da kia. Bác sĩ Hvostov hút dầu long não vào ống tiêm.

Vasili đứng – run rẩy chờ đợi khi hắn nhìn công việc chuẩn bị. Hvostov tiêm dầu vào Leo. Vài giây trôi qua; bỗng nhiên gã bắt đầu run lên. Đây là khoảnh khắc Vasili đã mơ tưởng đến, một khoảnh khắc hắn đã lên kế hoạch trong đầu hàng nghìn lần. Leo trông buồn cười, yếu đuối, thảm hại.

Họ chờ phản ứng cực độ của cơ thể dịu lại. Hvostov gật đầu, đồng ý:

– Xem anh ta nói gì.

Vasili bước đến và gỡ gạc cao su ra. Đầu Leo gục tới trước, rũ rượi.

– Như trước đây, bắt đầu bằng những câu đơn giản.

– Mày tên gì?

Đầu Leo rớt từ bên này sang bên kia.

– Mày tên gì?

Không đáp.

– Mày tên gì?

Miệng Leo mấp máy. Gã nói gì đó nhưng Vasili không thể nghe được. Hắn bước gần hơn:

– Mày tên gì?

Mắt gã dường tập trung lại – gã nhìn thẳng và nói:

– Pavel.

Chương 56

Raisa bị đẩy tới trước một dãy bàn, mỗi bàn có hai nhân viên, một người ngồi và kiểm tra chồng giấy má trong khi người kia khám xét. Không có sự phân biệt giữa đàn ông với đàn bà: họ bị khám xét cùng nhau, cạnh nhau, theo cùng một cách thô bạo như nhau. Không có cách nào để biết bàn nào có giấy tờ của mình. Raisa bị đẩy đến một bàn, rồi bị vẫy sang bàn khác. Cô bị xử lý nhanh tới mức chưa kịp lấy giấy tờ. Có gì đó như cái khều, cô bị tay lính áp giải kéo sang bên, tù nhân duy nhất có người hộ tống, bỏ qua phần đầu tiên của thủ tục. Những giấy tờ không lấy kịp này chứa lời tuyên tội trạng và án phạt của cô. Những tù nhân xung quanh đều đờ đẫn nghe tội trạng của mình, AKA, KRRD, PSh, SVPsh, KRM, SOE hay SVE, những mật mã không thể giải nổi, chúng xác định phần còn lại cuộc đời họ. Những mức án bị quăng ra với sự thờ ơ chuyên nghiệp:

Năm năm ! Mười năm ! Hai lăm năm.

Nhưng cô phải thông cảm cho những tên lính này về sự chai sạn của họ – họ làm việc quá tải, họ phải xử lý quá nhiều người, quá nhiều tù nhân phải xử lý. Khi họ đọc lên những bản án, cô nhận thấy phản ứng như nhau của hầu hết mọi tù nhân: không tin. Có gì là thực không? Cảm giác như mơ, như thể họ bị lôi ra khỏi thế giới thực và bị ném vào một thế giới hoàn toàn mới, ở đó không ai biết chắc về những quy tắc. Pháp luật nào điều chỉnh nơi này? Người ta ăn gì? Họ có được tắm rửa không? Họ mặc gì? Họ có quyền gì không? Họ là những người mới được sinh ra, không có ai bảo vệ và không ai dạy họ các quy tắc.

Được dẫn ra khỏi phòng xử lý, lên sân ga, tay cô bị người lính canh giữ lại, Raisa không lên tàu. Mà cô đợi khi tất cả các tù nhân khác lên dãy toa, vốn là xe chở súc vật, giờ được dùng để chuyển các tù nhân đến Gulag. Sân ga này, mặc dù là một phần của nhà ga Kazan, đã được xây sao cho khuất tầm nhìn của hành khách thường. Khi Raisa bị chuyển từ tầng hầm Lubyanka đến nhà ga này, cô được chuyển đi trong chiếc xe tải đen có sơn dòng chữ RAU & QUẢ.

Có khoảng vài nghìn tù nhân trên sân ga. Họ đang bị ép lên toa tàu theo cách như thể lính canh đang cố phá kỷ lục nào đó, hàng trăm người bị đánh dồn vào những không gian, mới nhìn qua, chỉ chứa được không quá ba mươi đến bốn mươi người. Nhưng cô đã quên – quy tắc của thế giới cũ không còn được áp dụng. Đây là một thế giới mới với những quy tắc mới, và không gian cho ba mươi người là không gian cho ba trăm người. Giữa mọi người không cần không khí. Khoảng trống là một thứ hàng hóa xa xỉ trong thế giới mới, là thứ không thể bị lãng phí. Việc chuyên chở người không khác gì chuyên chở thóc gạo; chất lên và thấy trước sẽ có hao hụt năm phần trăm.

Trong số những người này – đủ lứa tuổi, một số mặc những bộ đồ may tay rất đẹp, còn hầu hết là những cái giẻ rách rưới – không thấy bóng dáng chồng cô đâu. Thông thường, các gia đình bị chia cắt ra khi vào trại Gulag, bị đưa đến những miền đối cực nhau của đất nước. Raisa đã dạy bài học đó cho học sinh của cô. Cho rằng Leo sẽ bị đưa đến một trại khác, cô ngạc nhiên khi tay lính giữ cô lại trên sân ga, lệnh cho cô phải đợi. Cô đã bị buộc phải đợi trên sân ga trước đây, khi họ bị đày đi Voualsk. Đây là dấu hiệu đặc biệt của Vasili, kẻ dường như sung sướng chứng kiến càng nhiều sự nhục nhã của họ càng tốt. Họ chịu đau đớn thôi chưa đủ. Hắn muốn có một chỗ trên khán đài để chứng kiến.

Cô thấy Vasili bước về phía mình, dẫn theo một người già hơn, lưng khòm. Khi cách chưa đầy năm mét cô mới nhận ra người ấy là chồng mình. Cô nhìn Leo, sửng sốt trước sự biến đổi của gã. Gã yếu đuối, già đi cả chục tuổi. Người ta đã làm gì với gã? Khi Vasili thả gã ra, gã dường như sắp bổ nhào. Raisa đỡ gã dậy, nhìn vào mắt gã. Gã nhận ra cô. Cô đưa tay lên mặt gã, sờ trán gã:

– Leo?

Phải vất vả lắm gã mới đáp lại, miệng gã run rẩy khi cố thốt ra lời:

– Raisa.

Cô quay sang Vasili, kẻ đang chứng kiến tất cả. Cô tức giận vì nước mắt cô cứ trào ra. Hắn muốn như thế. Cô gạt nước mắt đi. Nhưng nước mắt không ngừng tuôn.

Vasili không thể cưỡng lại cảm giác thất vọng. Không phải vì hắn không có đúng cái điều hắn hằng mong muốn. Hắn đã có, nhiều hơn thế. Không hiểu sao, hắn đã trông đợi chiến thắng này – và đây là giờ phút đăng quang – phải ngọt ngào hơn. Hắn nói với Raisa:

– Thường những cặp vợ chồng sẽ bị chia tách. Nhưng tôi nghĩ hai người có lẽ muốn đi chuyến này cùng nhau, một chút cử chỉ hào phóng của tôi.

Tất nhiên, hắn định nói những lời châm chọc, cay nghiệt, nhưng chúng mắc kẹt trong họng hắn và khiến hắn không hài lòng. Hắn lấy làm lạ nhận ra hành động của hắn thảm hại. Đó là do không có chống đối thực sự nào. Người này, mục tiêu từ rất lâu của hắn, giờ là một con người yếu ớt, bị hành hạ và suy nhược. Thay vì cảm thấy mạnh mẽ hơn, đắc thắng, hắn lại cảm thấy như thể một phần trong hắn bị hủy hoại. Hắn rút ngắn bài diễn văn đã định và nhìn chằm chằm vào Leo. Cảm giác này là sao? Đấy có phải một thứ cảm mến với con người này không? Ý tưởng đó thật lố bịch: hắn ghét gã.

Raisa đã thấy cái nhìn đó ở Vasili trước đây. Lòng căm thù của hắn không phải vì nghề nghiệp; đó là sự ám ảnh, sự kết tụ, như thể một tình yêu không được đền đáp đã phát triển lạ kỳ, biến thành cái gì đó xấu xa. Mặc dù cô không cảm thấy thương hại cho hắn, nhưng cô cho rằng từng có lúc hẳn hắn phải có chút gì nhân bản trong con người. Hắn ra hiệu cho tay lính, gã này đẩy họ lên tàu.

Raisa đỡ Leo vào toa. Họ là những tù nhân cuối cùng bị đưa vào. Cánh cửa đóng lại đằng sau họ. Trong bóng tối, cô có thể cảm thấy hàng trăm ánh mắt nhìn chằm vào họ.

Vasili đứng trên sân ga, chắp tay sau lưng.

– Đã sắp xếp chưa?

Tay lính canh gật đầu:

– Sẽ không ai sống sót khi tới nơi.

Chương 57

Một trăm cây số

Về phía đông Moscow

12 tháng bảy

Raisa và leo ngồi khom ở cuối toa, một vị trí mà họ lấy được từ khi lên tàu ngày hôm trước. Vì là những tù nhân cuối cùng lên tàu, họ buộc phải bằng lòng với chỗ trống duy nhất còn lại. Những chỗ đáng ao ước nhất, hàng ghế gỗ thô ráp nằm dọc thành toa với ba độ cao khác nhau, đã bị chiếm hết. Trên các ghế này, bề rộng chỉ quá ba mươi xăng ti mét một chút, có tận ba người nằm cạnh nhau, áp sát vào nhau như thể họ đang làm tình.

Nhưng không hề có dục tình gì ở sự chung đụng khủng khiếp này hết. Chỗ trống duy nhất Leo và Raisa tìm thấy là gần cái lỗ to bằng nắm tay được khoét trên sàn toa này – chỗ vệ sinh cho cả toa tàu. Leo và Raisa cách cái lỗ không quá một bàn chân.

Ban đầu, trong bóng đêm nhớp nháp này, Raisa cảm thấy tức giận đến mức không thể kiểm soát nổi. Sự làm nhục này không chỉ bất công, làm kinh hoàng, mà nó còn kỳ quái – ác độc cố ý. Nếu họ sắp đến những trại này để lao động, tại sao họ lại bị chuyển đi như thể họ sắp bị xử tử? Cô tự ngăn mình khỏi theo đuổi mạch suy nghĩ này: họ sẽ không sống được như thế này, bừng bừng phẫn nộ. Cô phải thích nghi. Cô cứ tự nhắc nhở mình:

Thế giới mới, quy tắc mới.

Cô không thể so sánh hiện tại với quá khứ. Các tù nhân không có quyền lợi và không nên kỳ vọng.

Dù không có đồng hồ hay được nhìn ra bên ngoài, cô cũng biết giờ đã quá trưa. Trần thép bị mặt trời nung nóng, thời tiết hợp lực cùng những tay lính canh, tạo nên một sự trừng phạt liên hồi, phả hơi nóng không ngớt lên hàng trăm thân người. Con tàu đi ì ạch đến mức không một con gió nào xuyên qua các khe nhỏ của thành gỗ. Nếu có cơn gió nhỏ như vậy thì chúng cũng đã bị hút lấy bởi những tù nhân may mắn ngồi trên hàng ghế.

Buộc phải xua đi nỗi tức giận, cái nhiệt độ và mùi hôi thối không thể chịu đựng nổi này rồi cũng trở nên chịu đựng được.

Tồn tại nghĩa là thích nghi. Một tù nhân đã lựa chọn không chấp nhận những quy tắc mới này. Raisa không biết chính xác ông ta đã chết từ lúc nào: một người trung niên. Ông ta không làm om sòm – không ai để ý đến ông ta, hay nếu có để ý thì cũng không ai nói gì. Tối hôm qua, khi con tàu dừng lại và mọi người xuống tàu để được uống chút nước, ai đó kêu lên rằng một người đã chết. Khi đi ngang qua xác ông ta, Raisa ngờ rằng ông ta đã quyết định là thế giới mới không dành cho ông ta. Ông ta đã đầu hàng, đóng cửa, tắt đèn, chỉ như một cái máy. Nguyên nhân cái chết: vô vọng, không màng đến tồn tại nếu tồn tại chỉ được thế này thôi. Thi thể ông bị ném khỏi tàu, lăn xuống bờ đất, khuất tầm nhìn.

Raisa quay sang Leo. Gã đã ngủ gần suốt cả chuyến đi, dựa vào người cô như một đứa trẻ. Khi gã thức dậy, gã tỏ ra bình thản, không khó chịu hay thất vọng, tâm trí và suy nghĩ của gã như ở nơi khác, trán gã nhăn lại như đang cố lý giải điều gì. Cô tìm trên người gã xem có dấu vết tra tấn không, và tìm được một vết thâm lớn trên cánh tay. Quanh cổ chân và cổ tay có những vết lằn đỏ. Gã đã bị trói. Cô không biết gã đã trải qua chuyện gì, nhưng nó liên quan đến tâm lý và hóa học hơn là những vết cắt thô bạo và những vết bỏng. Cô xoa đầu gã, nắm tay gã – hôn gã. Đây là liều thuốc duy nhất cô có thể mang lại cho gã. Cô tìm cho gã một khoanh bánh mì đen và một mẩu cá muối khô, bữa ăn duy nhất của họ cho đến giờ. Miếng cá, với những chiếc xương trắng nhỏ và giòn, đông cứng thành muối và khiến một số tù nhân cứ cầm trong tay, họ đói lả đi nhưng vẫn bị đày đọa bởi cái viễn cảnh ăn vào mà không có nước. Tệ hơn cái đói là cái khát. Raisa cố phủi cho hết lớp muối trước khi bón cho Leo từng miếng nhỏ.

Leo ngồi dậy, nói lời đầu tiên kể từ khi lên tàu, lời của gã hầu như không nghe được. Raisa cúi sát hơn, căng tai lên nghe:

– Oksana là một người mẹ tốt. Mẹ yêu anh. Anh đã bỏ họ. Anh đã chọn không quay về. Em trai anh luôn muốn chơi bài. Anh đã bảo là anh quá bận.

– Họ là ai, Leo? Oksana là ai? Em trai anh là ai? Anh đang nói về ai thế?

– Mẹ của anh.

– Anna? Anh đang nói về Anna phải không?

– Anna không phải mẹ anh.

Raisa lại ôm đầu gã, tự hỏi có phải gã mất trí rồi không. Cô nhìn khắp toa tàu, cô nhận ra tình trạng yếu đuối của Leo khiến gã dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Hầu hết tù nhân quá sợ hãi nên không thể là mối đe dọa, ngoại trừ năm người đàn ông ở góc xa, ngồi trên dãy ghế cao. Không giống những hành khách khác, bọn họ không sợ hãi, mà bình thản trong thế giới này. Raisa đoán họ là tội phạm chuyên nghiệp, có án tù về tội trộm cắp hoặc hành hung. Tù là đất của họ, môi trường của họ. Bọn họ dường như hiểu những quy tắc của thế giới này hơn những quy tắc của thế giới kia. Sự trịch thượng này toát ra không chỉ từ sức mạnh thể chất rõ ràng của họ; cô nhận ra sức mạnh này được những tên lính canh ban cho họ. Bọn họ nói với nhau như những người bình đẳng, hoặc nếu không bình đẳng thì ít nhất cũng như một người nói chuyện với một người khác. Những tù nhân khác sợ bọn họ. Họ nhường lối cho bọn họ. Bọn họ có thể rời ghế, dùng chỗ vệ sinh, và đi lấy nước, làm tất cả mà không sợ bị mất đi chỗ ngồi đáng giá kia. Không ai dám chiếm chỗ bọn họ. Bọn họ đã yêu cầu một người, người rõ ràng bọn họ không quen, đưa đôi giày của anh ta cho bọn họ. Khi anh ta hỏi tại sao, bọn họ giải thích, với giọng thản nhiên, rằng giày của anh ta bị mất trong một cuộc cá cược. Raisa mừng rằng người đàn ông này không thắc mắc cái logic thế này:

Quy tắc mới, thế giới mới.

Anh ta đưa đôi giày của mình, nhận lại đôi giày nát bươm.

Con tàu dừng lại. Những tiếng gọi nước vang lên khắp mọi toa. Những tiếng kêu này bị lờ đi hay bị bắt chước, dội trở lại họ:

Nước ! Nước! Nước !

Như thể lời yêu cầu làm sao đó trở nên đáng ghét. Dường như mọi tên lính đang bao quanh toa của họ. Cánh cửa mở ra, mệnh lệnh quát ra bắt tù nhân lùi lại. Mấy tên lính gọi năm người đàn ông kia. Bọn họ bật dậy từ trên ghế như những con thú hoang, chen lấn qua tù nhân, và rời khỏi tàu.

Có điều gì không ổn. Raisa cúi đầu xuống, thở gấp. Không lâu sau, cô nghe thấy mấy người kia quay lại. Cô đợi. Rồi, từ từ, cô ngẩng đầu lên, liếc nhìn mấy người đàn ông khi họ leo lên toa tàu. Tất cả năm người đang nhìn cô chằm chằm.

Chương 58

Cùng ngày

Raisa ôm mặt Leo:

– Leo.

Cô nghe họ đến gần. Không có cách nào để đi qua cái toa đông cứng người mà không xô đẩy các tù nhân giữa sàn để lấy lối đi.

– Leo, nghe em này, mình gặp chuyện rồi.

Gã không động đậy, dường như không hiểu, dường như không nhận thấy mối nguy hiểm.

– Leo, nào. Em xin anh.

Không ích gì. Cô đứng lên, quay sang đối mặt với những kẻ đang tiến đến. Cô còn biết làm gì khác đây? Leo vẫn rũ người trên sàn đằng sau cô. Kế hoạch của cô: chống cự hết mức có thể.

Tên cầm đầu, là tên cao nhất, bước lên, nắm lấy tay cô. Đã đoán trước hành động như vậy, Raisa dùng tay kia đấm vào mắt hắn. Móng tay cô, dài và bẩn thỉu, đâm vào da hắn. Đáng lẽ cô nên móc mắt hắn ra. Ý nghĩ đó thoáng hiện trong đầu cô, nhưng cô chỉ gây ra vết rách dài. Tên kia ném cô xuống sàn. Cô rơi lên người những tù nhân khác, họ vội vã né ra. Đây không phải trận chiến của họ và họ không định giúp đỡ. Cô chỉ có một mình. Cố bò thoát khỏi những kẻ tấn công, Raisa nhận ra cô không thể cử động. Có ai đó đang nắm lấy cổ chân cô. Thêm nhiều bàn tay nắm lấy cô, nhấc cô lên và lật cô nằm ngửa. Một tên quỳ xuống, giữ hai tay cô, ghì cô xuống, trong khi tên cầm đầu đá chân cô giạng ra. Tay hắn cầm một miếng sắt dày, lởm chởm, như một chiếc răng lớn:

– Sau khi tự tao hiếp mày, tao sẽ hiếp mày bằng cái này.

Hắn nhếch đầu về phía mẩu sắt, mà Raisa hiểu là bọn lính canh vừa đưa cho hắn. Không thể cử động, cô quay sang Leo. Gã đâu rồi.

Ý nghĩ của Leo đã đi khỏi khu rừng, con mèo, ngôi làng, và người em trai. Vợ gã đang gặp nguy hiểm. Cố gắng đánh giá tình hình, gã tự hỏi tại sao gã lại bị bỏ qua. Có lẽ mấy tên này được cho biết rằng gã bất tỉnh và không gây đe dọa gì. Vì lý do gì đi nữa, gã có thể đứng lên mà không khiến chúng phản ứng. Tên cầm đầu cởi cúc quần. Khi hắn nhận ra Leo đang đứng thì bọn họ chỉ cách nhau một sải tay.

Tên cầm đầu nhếch mép và quay lại, đấm vào mặt gã. Leo không chống lại hay né, mà ngã trên sàn. Nằm trên mặt sàn gỗ, môi gã bị rách, gã nghe mấy tên kia đang cười. Cứ để cho bọn chúng cười. Cơn đau lại có ích, nó khiến cho gã tập trung. Bọn chúng quá tự tin, không được huấn huyện – khỏe mạnh, nhưng thiếu kỹ năng. Cố tỏ ra run rẩy và vụng về, gã từ từ đứng lên, lưng vẫn quay về mấy tên kia, một mục tiêu mời mọc. Gã có thể nghe ai đó đang tiến về phía mình, ai đó đã dính mồi. Liếc nhìn qua vai, gã thấy tên cầm đầu đang lao tới cùng với miếng thép, định kết liễu gã.

Leo bước sang bên, di chuyển bằng một tốc độ khiến tên kia ngạc nhiên. Hắn chưa kịp hoàn hồn thì Leo đã đấm vào họng hắn, làm hắn đứt hơi. Tên kia thở hổn hển. Leo chụp lấy tay hắn, vặn siết khiến miếng thép rơi ra, đâm đầu miếng thép vào bên cổ rắn chắc của tên kia. Leo lại đâm miếng sắt lần nữa, chọc sâu vào, cắt đứt một loạt mọi đường gân cơ, tĩnh mạch và động mạch. Gã rút miếng thép ra và tên kia đổ vật xuống, ôm chặt vết thương nơi cổ.

Tên đứng gần nhất trong nhóm bước lên, tay với ra. Leo để cho hắn bóp cổ gã, để đáp trả gã đâm miếng thép vào bụng hắn, xuyên qua lớp áo, rồi rạch sang một bên. Máu hắn chảy ồng ộc, nhưng Leo vẫn cứ kéo miếng thép, cắt xuyên da thịt và cơ của hắn. Buông tay ra khỏi cổ Leo, tên bị thương kia vẫn đứng, liếc xuống bụng hắn, như thể bàng hoàng, trước khi ngã quỵ xuống.

Leo quay sang ba tên còn lại.

Bọn chúng mất hết nhuệ khí đánh đấm. Dù vụ dàn xếp có như thế nào thì nó cũng không đáng để đánh nhau. Có lẽ tất cả bọn chúng được hứa những khẩu phần thức ăn ngon hơn hoặc công việc nhẹ nhàng hơn ở trại cải tạo. Một tên, có lẽ xác định đây là một cơ hội lên chức trong băng nhóm, đã đứng ra.

– Chúng tôi không đổ lỗi gì anh đâu.

Leo không nói gì, tay gã dính đầy máu, miếng thép thò ra nơi tay gã. Mấy tên kia lùi lại, bỏ rơi người chết và kẻ bị thương. Kẻ thất bại nhanh chóng bị chối bỏ.

Leo đỡ Raisa đứng lên, ôm lấy cô:

– Anh xin lỗi.

Họ bị cắt ngang bởi tên bị thương kêu cứu. Tên đầu tiên, cổ bị rách toang, thì đã chết. Nhưng tên bị đâm ở bụng vẫn sống, còn tỉnh, còn ôm chặt vết thương. Leo nhìn xuống hắn, đánh giá vết thương của hắn. Phải một lúc lâu nữa hắn mới chết: sẽ đau đớn và chậm chạp. Hắn không đáng được ân huệ. Nhưng ngược lại, sẽ tốt hơn cho những tù nhân khác nếu hắn chết phắt đi. Không ai muốn nghe tiếng kêu gào của hắn. Leo cúi xuống, bóp chặt cổ tên kia, làm hắn tắt thở.

Khi tên kia chết, Leo quay sang vợ mình. Cô thì thầm:

– Mấy tên kia được bọn lính ra lệnh giết mình.

Cân nhắc điều này, Leo đáp:

– Cơ hội duy nhất của mình là bỏ trốn.

Con tàu chậm dần. Khi nó dừng hẳn lại, những tay lính sẽ mở cửa, hy vọng thấy Leo và Raisa đã chết. Khi phát giác ra hai sát thủ đã chết, bọn họ sẽ muốn biết ai đã giết chúng. Một số tù nhân chắc chắn sẽ lên tiếng, vì sợ tra tấn hoặc muốn được ban thưởng. Thế là quá đủ lý do để bọn lính xử tử Leo và Raisa.

Leo quay mặt về phía những tù nhân. Có những bà mẹ mang thai, những cụ già quá già khó sống sót nổi ở Gulag, những ông bố, những người anh người chị – thường dân, bình thường, hạng người chính gã đã bắt và đưa vào Lubyanka. Giờ gã buộc phải cầu xin họ giúp đỡ:

– Tên tôi là gì không quan trọng. Trước khi bị bắt, tôi đang điều tra vụ giết hơn bốn mươi đứa trẻ, những vụ giết người trải dài từ núi Ural xuống tận Hắc hải. Những bé trai bé gái đã bị giết. Tôi biết rằng tội ác này thật khó tin, có lẽ đối với một số người ở đậy thậm chí còn không thể tin nổi. Nhưng tôi đã tận mắt thấy những cái xác vô tội chắc rằng đấy là công việc của chỉ một người. Hắn không giết những đứa trẻ này vì tiền hay tình dục hay vì bất cứ lý do nào tôi có thể giải thích được. Hắn sẽ giết bất cứ đứa trẻ nào, ở bất cứ thành thị nào. Và hắn sẽ không dừng lại. Tội của tôi là đi điều tra hắn. Tôi bị bắt nghĩa là hắn tự do tiếp tục giết người. Không ai khác tìm kiếm hắn. Vợ tôi và tôi phải trốn thoát để ngăn chặn hắn. Chúng tôi không thể trốn thoát mà không có sự giúp đỡ của mọi người. Nếu mọi người gọi lính canh, chúng tôi sẽ chết.

Im lặng. Con tàu gần như dừng hẳn. Trong vài giây nữa, cánh cửa sẽ mở ra, lính canh sẽ vào, súng sẵn sàng. Ai có thể trách cứ họ khi đối mặt với họng súng mà không nói ra sự thật? Một phụ nữ ngồi trên một ghế nói:

– Tôi ở Moscow. Tôi đã nghe nói về những vụ giết người như thế. Trẻ em bị rạch bụng. Người ta đổ cho một nhóm gián điệp phương Tây đã trà trộn vào đất nước.

Leo đáp:

– Tôi tin kẻ giết người sống và làm việc trong thành phố của chị. Nhưng tôi không tin hắn là gián điệp.

Một phụ nữ khác hét lên:

– Khi anh tìm thấy hắn, anh sẽ giết hắn chứ?

– Vâng.

Con tàu dừng lại. Có thể nghe thấy tiếng lính canh đang tiến đến. Leo nói thêm:

– Tôi không có lý do để trông đợi sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng dù sao, tôi chỉ thỉnh cầu như vậy.

Leo và Raisa ngồi khom giữa những tù nhân. Cô ôm lấy Leo, che bàn tay dính máu của gã. Cánh cửa mở ra, ánh mặt trời tràn vào toa tàu.

Thấy hai xác chết, bọn lính canh gào lên yêu cầu lời giải thích:

– Ai giết chúng?

Trả lời bọn họ sự im lặng. Leo nhìn qua vai vợ, về phía những tên lính. Bọn chúng còn trẻ, thờ ơ. Bọn chúng tuân thủ mệnh lệnh, nhưng chúng không biết tự suy nghĩ. Việc chúng không tự ra tay giết Leo và Raisa nghĩa là chúng không nhận được chỉ thị làm vậy. Điều đó phải được thực hiện kín đáo, qua một trung gian. Không có chỉ thị rõ ràng, chúng sẽ không hành động. Những tên lính canh này không có sáng kiến. Tuy nhiên, nếu có chút lý lẽ để biện minh, chúng có thể nắm lấy cơ hội. Mọi thứ phụ thuộc vào những người lạ trong toa. Những tay lính canh chửi bới, gí súng vào những khuôn mặt gần nhất. Nhưng những tù nhân không nói gì cả. Bọn chúng chọn hai ông bà già. Họ yếu ớt. Họ sẽ nói.

– Ai giết những người này? Chuyện gì đã xảy ra? Nói!

Một tên lính giơ ủng mũi sắt trên đầu bà cụ. Bà khóc lóc.

Chồng bà van xin. Nhưng cả hai không ai trả lời câu hỏi của chúng. Một tên lính thứ hai bước đến Leo. Nếu hắn bắt gã đứng lên, hắn sẽ thấy áo gã dính máu.

Một tên trong băng nhóm, tên đã nói với Leo rằng giữa họ không còn xích mích gì nữa, nhảy khỏi ghế, tiến đến mấy tay bảo vệ. Chắc chắn hắn sẽ đòi phần thưởng đã được hứa. Tên này nói to:

– Để họ yên đi. Tôi biết chuyện gì xảy ra. Tôi sẽ nói.

Những tay bảo vệ bước khỏi ông bà cụ, bước khỏi Leo.

– Nói đi.

– Bọn họ giết nhau, vì một ván bài.

Leo hiểu rằng có một thứ logic ngang ngược của nhóm băng đảng này, khiến chúng không khai ra họ. Bọn chúng sẵn sàng hiếp dâm và giết người vì một món lợi nhỏ. Nhưng bọn chúng không sẵn sàng chỉ điểm, làm cò mồi cho bọn lính canh. Đấy là vấn đề uy tín. Nếu một urki khác, một kẻ trong giới tội phạm, phát giác ra chúng bán rẻ bạn tù để lĩnh thưởng, bọn chúng sẽ không bao giờ được tha thứ. Bọn chúng có thể sẽ bị giết.

Mấy tay lính nhìn nhau. Không biết phải làm gì, chúng quyết định không làm gì hết. Chúng không vội. Chuyến đi đến Vtoraya Rechka, trên bờ biển Thái Bình Dương, sẽ mất vài tuần. Sẽ còn nhiều cơ hội. Bọn chúng sẽ đợi mệnh lệnh khác. Bọn chúng sẽ nghĩ ra kế hoạch khác. Một tên lính nói với cả toa:

– Để trừng phạt, chúng tao sẽ không vứt mấy xác này. Rồi chóng thôi, trong cái nóng này, chúng sẽ bắt đầu phân hủy và bốc mùi và tất cả các người sẽ phát ốm. Có lẽ bấy giờ các người sẽ nói.

Tự đắc, tên lính canh nhảy khỏi toa. Những tên khác làm theo. Cửa đóng lại.

Sau một lúc, con tàu lại bắt đầu chạy. Một thanh niên đeo cặp kính vỡ, nhìn Leo qua mắt kính rạn nứt, hỏi nhỏ:

– Anh định thoát bằng cách nào?

Anh ta có quyền biết. Cuộc chạy trốn của họ giờ phụ thuộc vào tất cả mọi người trong toa. Tất cả họ đã tham gia vào. Đáp lại, Leo giơ miếng thép dính máu lên. Những tay lính canh đã quên lấy nó theo.

Chương 59

Hai trăm hai mươi cây số về phía đông Moscow

13 tháng bảy

Leo đang nằm ẹp trên sàn, tay gã đút qua cái lỗ nhỏ mà các tù nhân đi vệ sinh. Gã dùng mảnh thép cạo những con ốc thép đóng ván sàn vào đáy toa tàu. Từ trong tàu, không thể với tới những con ốc được: chúng bị đóng chặt vào bên dưới. Điểm tiếp cận duy nhất là cái lỗ nhỏ không rộng quá cổ tay gã. Leo dùng chiếc áo của người bị chết cố lau thật sạch vùng quanh lỗ vệ sinh, chỉ là một nỗ lực hình thức. Để với tới những con ốc, gã buộc phải áp mặt xuống sàn gỗ nhớp nháp cứt đái hôi thối, vừa nôn ọe vừa mò mẫm, chỉ nhờ vào bàn tay lần mò. Dằm đâm vào da gã. Raisa ngỏ ý muốn làm việc này, vì tay và cổ tay cô nhỏ hơn. Mặc dù điều này đúng, nhưng Leo lại có tầm với dài hơn, và phải với hết mức có thể chạm tới từng con ốc một.

Dùng một dải áo quấn quanh miệng và mũi như một biện pháp tránh mùi hôi thối dù chẳng mấy hiệu quả, gã cạy con ốc thứ ba và là cuối cùng, cà cà, xén vào gỗ, moi mảnh gỗ và cho gã đủ khoảng trống để nêm đầu mảnh thép dưới con ốc và cạy nó ra. Phải mất nhiều tiếng mới cạy được hai con ốc, vì công việc này bị gián đoạn bởi nhu cầu đi vệ sinh của bất cứ tù nhân nào.

Con ốc cuối cùng này tỏ ra cứng nhất. Một phần là do mệt mỏi – đã quá muộn, có lẽ một hoặc hai giờ sáng – nhưng còn có gì đó không ổn. Leo có thể để đầu ngón tay vào đầu con ốc, nhưng nó không lỏng ra. Cảm giác như nó bị gập cong, như thể nó bị đóng vào theo góc xiên, đinh ốc cong xuống vì những nhát đóng. Không kéo ra được. Ga phải đào sâu hơn vào trong tấm gỗ, có lẽ phải đào xuyên. Khi nhận ra điều này, là phải mất thêm một tiếng nữa, một cơn mệt mỏi choán lấy gã. Ngón tay gã chảy máu và đau buốt, cánh tay nhức mỏi, gã không thể tống cái mùi phân hôi thối khỏi mũi được. Bỗng nhiên con tàu xóc sang bên, gã mất tập trung, và miếng thép tuột khỏi tay, rơi xoảng xuống đường ray bên dưới.

Leo rút tay ra khỏi lỗ. Raisa ở ngay bên cạnh gã:

– Xong chưa?

– Anh làm rơi rồi.

Bực bội với sự ngu ngốc của mình vì đã vứt đi những con ốc kia, gã không còn dụng cụ gì khác.

Thấy ngón tay chảy máu của chồng, Raisa nắm lấy tấm ván và cố nhấc nó lên. Một bên tấm ván nâng lên, chỉ một phần, nhưng không đủ để nắm vào bên dưới, không đủ để kéo nó ra. Leo lau tay, tìm xung quanh xem có gì dùng được không:

– Anh phải cào xuyên tấm gỗ để tới chân con ốc cuối cùng này.

Raisa đã thấy mọi tù nhân đều đã bị khám xét kỹ trước khi được phép lên tàu. Cô chắc không ai có mảnh kim loại nào cả. Ngẫm nghĩ về vấn đề, mắt cô lướt đến người chết gần nhất. Người này đang nằm ngửa, miệng hắn há to. Cô quay sang chồng:

– Cần phải dài hoặc cứng thế nào?

– Anh làm sắp xong rồi. Anh cần bất cứ cái gì cứng hơn đầu ngón tay anh.

Raisa đứng lên, bước đến xác kẻ đã cố cưỡng hiếp và giết cô. Không chút ý thức về công bằng hay thỏa mãn, chỉ có cảm giác kinh tởm.

Leo bò lại, lần tìm trong miệng người đàn ông và lôi ra một chiếc răng còn đính vào lợi đầy máu, một chiếc răng cửa, không thật lý tưởng nhưng đủ sắc và đủ cứng để tiếp tục công việc cào bới đã làm. Gã quay lại cái lỗ, nằm sấp xuống. Gã cầm chiếc răng, luồn cánh tay qua, tìm con ốc còn lại và tiếp tục cạo vào tấm gỗ, lôi những mảnh vụn khi chúng rã ra.

Con ốc lộ ra hoàn toàn. Gã cầm chiếc răng trong lòng bàn tay, phòng khi cần phải cào thêm, Leo nắm đầu con ốc nhưng ngón tay gã đau buốt, gã không thể nắm chặt được. Gã rút tay ra, lau mồ hôi và máu trên mấy ngón tay, quấn chúng vào dải mỏng của chiếc áo trước khi cố lần nữa. Cố giữ kiên nhẫn, gã giật con ốc, dần dần kéo nó ra khỏi tấm ván. Thế đấy: việc đã xong. Con ốc thứ ba đã bị lấy ra. Gã kiểm tra tấm ván, lần tìm xem còn con ốc khác không, nhưng không còn con nào nữa, ít nhất như gã biết. Gã ngồi dậy, rút tay ra khỏi lỗ.

Raisa nhúng cả hai bàn tay qua lỗ, nắm lấy tấm ván. Leo thêm tay gã vào. Đây chỉ là thử. Cả hai cùng kéo. Mặt trên của tấm ván nâng lên trong khi phần phía dưới vẫn dính chặt. Leo qua bên kia, nắm lấy đầu kia và nâng lên cao nhất có thể. Nhìn xuống dưới, gã có thể thấy đường tàu dưới toa. Kế hoạch đã thành công. Nơi đặt tấm ván giờ là một khoảng trống rộng chừng ba mươi xăng ti mét và dài một mét, chỉ vừa đủ cho một người luồn qua, nhưng dù sao cũng đủ.

Sẽ không thể nếu không có sự giúp đỡ của các tù nhân khác giữ lấy tấm ván. Nhưng, lo ngại rằng tiếng ồn có thể đánh động mấy tay lính, họ quyết định không làm ồn. Leo quay lại mọi người:

– Tôi cần mọi người giữ tấm gỗ này trong khi chúng tôi chui qua khe hở, xuống dưới đường tàu.

Vài người tình nguyện đứng lên ngay, bước đến và giữ lấy tấm gỗ. Leo nhận định khoảng trống. Sau khi họ luồn qua, họ sẽ rơi thẳng xuống, ngay phía dưới con tàu. Khoảng cách từ mặt dưới của toa đến đường tàu có lẽ hơn một mét, có lẽ mét rưỡi. Con tàu chạy chậm nhưng vẫn đủ nhanh để cú rơi trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, họ không thể đợi. Họ phải đi ngay bây giờ, khi tàu vẫn chạy, trong đêm. Khi tàu dừng lại vào giờ nghỉ ban ngày, họ sẽ bị bọn lính nhìn thấy.

Raisa nắm tay Leo:

– Em sẽ xuống trước.

Leo lắc đầu. Gã đã xem bản thiết kế của những phương tiện chở tù nhân thế này. Họ phải đối mặt với một khó khăn nữa: cái bẫy cuối cùng cho các tù nhân định thực hiện đúng kiểu tẩu thoát này.

– Phía dưới con tàu này, ngay ở toa cuối cùng, có một loạt những cái móc thòng xuống. Nếu mình rơi xuống đường tàu ngay bây giờ và đợi, khi toa tàu cuối cùng chạy qua trên đầu, những cái móc treo ở trên sẽ găm vào mình, kéo mình theo con tàu.

– Ta không thể tránh được sao? Lăn người tránh những cái móc đó?

– Có hàng trăm cái móc, tất cả đều treo trên dây thép. Không có cách nào lách qua được. Ta sẽ bị cuốn vào trong đó.

– Vậy ta phải làm gì? Ta không thể đợi cho tới khi tàu dừng được.

Leo nhìn hai xác chết. Raisa đứng sau gã, rõ ràng không rõ ý định của gã. Gã giải thích:

– Khi em rơi xuống đường tàu, anh sẽ ném một cái xác này theo em. Hy vọng nó sẽ nằm đâu đó gần em. Dù nó rơi xuống đâu thì em cũng phải bò tới nó. Rồi, một khi em tìm đến được cái xác, nằm bên dưới nó. Đặt sao cho nó nằm ngay trên người em. Khi toa cuối chạy qua, cái xác sẽ bị móc vào và treo lên. Nhưng em sẽ không việc gì.

Gã kéo hai cái xác gần đến tấm gỗ hở, nói thêm:

– Em có muốn anh xuống trước không? Nếu không được thì em nên ở đây. Kiểu chết nào cũng còn đỡ hơn là bị kéo theo con tàu này.

Raisa lắc đầu:

– Kế hoạch rất tốt. Em làm được. Em sẽ xuống trước.

Khi cô sẵn sàng leo xuống, Leo dặn dò lại:

– Con tàu chạy không nhanh. Cú rơi sẽ đau nhưng không quá nguy hiểm. Hãy chắc rằng em sẽ lăn cùng khi tiếp đất. Anh sẽ ném một cái xác xuống. Em sẽ không có nhiều thời gian đâu…

– Em hiểu mà.

– Em phải lượm cái xác. Khi lấy được rồi, hãy nằm xuống dưới nó. Phải cho chắc là không để hở mình ra chỗ nào cả. Dù chỉ một cái móc mắc vào em thôi em cũng có thể bị kéo đi.

– Leo, em hiểu mà.

Raisa hôn gã. Cô đang run.

Cô chen người qua khe hở giữa các tấm gỗ. Chân cô đang đu đưa trên đường tàu. Cô buông tay khỏi tấm ván và rơi xuống, biến mất khỏi tầm nhìn. Leo lôi cái xác đầu tiên và hạ nó xuống qua khe hở, nhét nó qua. Cái xác rơi xuống đường tàu, biến mất.

* * *

Raisa đã tiếp đất khó khăn, làm thâm tím một bên mình và lăn nhào. Cô mất phương hướng, choáng váng, cô vẫn nằm yên một lúc. Quá lâu, cô đang lãng phí thời gian. Toa của Leo đã ở rất xa. Cô có thể thấy cái xác gã ném xuống bèn bò đến nó, bò theo hướng tàu chạy. Cô liếc ra sau. Chỉ còn ba toa nữa là đến cuối con tàu. Nhưng cô không nhìn thấy cái móc nào cả. Có lẽ Leo đã sai. Chỉ còn hai toa nữa. Raisa vẫn chưa tới chỗ cái xác. Cô bị vấp ngã. Giờ chỉ còn một toa nữa ngăn cách cô với đuôi con tàu. Khi còn cách vài mét trước khi toa cuối băng qua cô, cô mới thấy những cái móc – hàng trăm cái, tất cả đều gắn vào dây thép chắc chắn, ở các độ cao khác nhau. Chúng giăng ngang hết chiều rộng toa tàu, không thể tránh kịp.

Cô nhổm dậy, bò tiếp, nhanh hết sức mình, chạm tới cái xác. Nó nằm sấp, đầu gần phía cô. Cô không có thời gian xoay nó lại, nên cô phải tự xoay mình, nâng cái xác lên và bò xuống dưới người này, để đầu cô dưới đầu của hắn. Mặt đối mặt với kẻ đã tấn công mình, nhìn chằm chằm vào cặp mắt chết đờ của hắn, cô thu người lại hết mức.

Bỗng nhiên cái xác bị giật mạnh khỏi người cô. Cô thấy những sợi dây thép khắp quanh mình, như những dây câu, mỗi cái có dính rất nhiều móc lởm chỏm. Cái xác bị nâng lên, như thể còn sống, như một con rối, cuốn lên, thậm chí không chạm xuống đường tàu. Raisa vẫn nằm bẹp trên đường tàu, hoàn toàn bất động. Cô có thể thấy những ngôi sao trên đầu. Từ từ, cô đứng lên. Không cái móc nào dính vào cô cả. Cô nhìn con tàu chạy xa, Cô đã làm được. Nhưng không thấy Leo đâu.

Vì gã lớn hơn Raisa, Leo hiểu rằng gã cần một cái xác lớn trong số hai người chết, gã cần cái xác to hơn để che gã khỏi những cái móc. Tuy nhiên, xác chết này quá to, nên hắn không lọt qua khe hở được. Họ đã lột quần áo của xác chết, nhằm giảm bề ngang, nhưng hắn quá to lớn. Không có cách nào để tuồn hắn qua khe hở. Lúc này Raisa đã ở trên đường ray được vài phút.

Vô vọng, Leo chúc đầu xuống qua khe hở. Gã có thể thấy cái xác bị móc vào cuối con tàu. Đó là Raisa hay là xác chết? Thật khó có thể biết được từ khoảng cách này. Gã phải hy vọng đó là xác chết. Thay đổi kế hoạch, gã cho rằng nếu gã chỉnh tư thế đúng cách, gã có thể thoát phía dưới cái xác treo này. Hẳn nó đã bắt hết mọi cái móc ở phần đó. Gã sẽ an toàn chui qua dưới nó. Gã nói lời tạm biệt những tù nhân khác, cảm ơn họ, và thả mình xuống đường ray.

Lăn gần đến những bánh tàu thép to tướng, gã thu người lại, mặt quay về phía cuối con tàu. Cái xác mắc trên dây nhanh chóng tiến lại gần, bị móc nghiêng về phía bên trái. Gã chỉnh tư thế theo. Gã không thể làm gì ngoài chờ đợi, cố thu mình càng nhỏ và càng dẹp xuống càng tốt. Phần cuối con tàu gần đi qua gã. Gã nhấc đầu lên khỏi mặt đất, vừa đủ để thấy rằng đó không phải Raisa. Cô đã thoát. Gã cũng phải làm được như vậy. Gã nằm sát xuống và nhắm mắt.

Xác chết chạy quét qua người gã.

Rồi, một cái đau – một cái móc lạc chỗ đã dính vào cánh tay trái gã. Gã mở mắt ra. Cái móc đã xuyên qua lớp áo, đâm vào thịt. Chỉ trong một tích tắc trước khi dây thép căng lên, kéo gã theo, gã nắm lấy cái móc và giật ra, lấy theo một miếng da thịt.

Gã ôm cánh tay, cảm thấy chóng mặt khi máu từ vết thương trào ra. Lảo đảo đứng lên, gã thấy Raisa đang vội chạy đến phía mình. Lờ đi con đau, gã ôm chầm cô.

Họ đã thoát.

Chương 60

Moscow cùng ngày

Vasili không được khỏe. Hắn đã làm điều chưa hề làm trước đây – hắn nghỉ việc. Hành động ấy không chỉ ẩn chứa nguy hiểm mà còn bất thường với hắn. Hắn thà bị ốm lúc đang làm việc còn hơn ốm ở nhà. Hắn đã gian lận để được sắp xếp chỗ ở sao cho, phần lớn thời gian, hắn có thể sống một mình. Hắn đã kết hôn, hẳn rồi; thật khó có thể nghĩ được rằng một người đàn ông có thể sống độc thân. Trách nhiệm xã hội của hắn là phải có con. Và hắn tuân theo những quy tắc tương ứng, cưới một phụ nữ không có ý kiến, hay ít nhất chị ta không bày tỏ một ý kiến nào cả – một phụ nữ làm đúng trách nhiệm sinh ra hai đứa con – số lượng tối thiểu chấp nhận được để không bị tra hỏi gì. Chị ta và bọn trẻ sống trong một căn hộ ở ngoại ô thành phố, trong khi hắn lại ở một chỗ trong nội thành để làm việc. Hắn đã sắp xếp chuyện này một cách kín đáo để hắn có thể có nhân tình. Nhưng thực tế, hắn rất hiếm khi ngoại tình.

Sau khi Leo bị đày đi Ural, Vasili đã làm đơn xin chuyển đến căn hộ của Leo và Raisa, căn hộ 124. Hắn đã có điều hắn muốn. Vài ngày đầu tiên quả là thích thú. Hắn lệnh cho vợ đi spetztorgi, những cửa hàng ưu tiên, để mua thực phẩm và đồ uống ngon. Hắn tổ chức ở căn hộ mới một bữa tiệc cùng các đồng nghiệp, không bà vợ nào được phép tham dự, ở đó cấp dưới của hắn ăn uống nhậu nhẹt và chúc mừng về thành công của hắn. Một số người đã phục vụ dưới trướng Leo giờ là cấp dưới của hắn. Nhưng bất chấp mọi sự mỉa mai và xoay chuyển vận mệnh ngọt ngào này, hắn cũng không thấy thích thú gì bữa tiệc. Hắn cảm thấy trống rỗng. Hắn không còn ai để ghét. Hắn không còn ai để mưu hại. Hắn không còn tức tối vì sự thăng chức hay hiệu quả hay tiếng tăm của Leo. Còn có những người khác hắn phải cạnh tranh, nhưng cảm giác không giống như vậy nữa.

Vasill rời khỏi giường và quyết định uống cho khuây khỏa. Hắn rót ra kha khá vodka và nhìn chằm chằm vào cốc, lắc thứ chất lỏng sóng sánh, không thể đưa lên môi. Mùi rượu làm hắn thấy buồn nôn. Hắn đặt ly rượu xuống. Leo đã chết. Hắn sẽ nhận được thông báo chính thức sớm thôi rằng hai tù nhân không đến đích. Họ bị chết trên đường như nhiều người khác, sau khi phải đánh nhau giành giật lấy đôi giày hay quần áo hay thức ăn hay bất cứ thứ gì. Đó là sự đại bại sau cùng của kẻ đã làm nhục hắn. Chính sự tồn tại của Leo từng là một hình phạt chung thân đối với Vasili. Vậy mà, bây giờ, tại sao hắn nhớ gã?

Có tiếng gõ cửa. Hắn đã nghĩ MGB cho người đến xác thực việc hắn ốm. Hắn bước đến cửa, mở cửa ra, thấy hai nhân viên trẻ đứng trước mặt.

– Thưa sếp, hai tù nhân đã bỏ trốn.

Hắn có thể cảm thấy cơn đau trong người tan biến khi hắn nói cái tên:

– Leo?

Hai nhân viên gật đầu. Vasili đã cảm thấy tốt hơn rồi.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email