ĐỨA TRẺ THỨ 44
Tom Rob Smith
Dịch giả: Võ Hồng Long
Một kẻ giết người duy nhất phải chịu trách nhiệm về những vụ giết người không có động cơ này – những vụ giết người trải dài hàng trăm cây số ở hơn ba mươi địa điểm khác nhau sao? Ngoài việc cái giả thiết đó thật kỳ quặc thì nó còn có nghĩa là họ có thể đang đi về bất cứ đâu. Vasili không thể chọn lấy một trong số những địa điểm này và chờ đợi. Hắn nản chí, hắn kiểm tra lại tấm bản đồ đánh dấu bằng những vụ được cho là án mạng, đánh số theo thứ tự thời gian: 44
Ngón tay Vasili gõ gõ lên con số này. Hắn nhấc điện thoại.
– Gọi sĩ quan Fyodor Andreev đến cho tôi.
Vì Vasili được thăng chức nên hắn có phòng làm việc riêng – phải thừa nhận là một không gian nhỏ, nhưng là cái hắn hết mực tự hào, như thể mỗi mét vuông đều được chính hắn chinh phục trong một chiến dịch quân sự. Có tiếng gõ cửa. Fyodor Andreev bước vào, giờ là một trong các thuộc cấp của Vasili: một thanh niên, trung thành, làm việc chăm chỉ, và không quá sáng dạ, những phẩm chất hoàn hảo của một thuộc cấp. Anh ta lo lắng. Vasili mỉm cười, ra hiệu cho Fyodor ngồi xuống:
– Cảm ơn cậu đã đến. Tôi cần cậu giúp.
– Tất nhiên rồi, thưa sếp.
– Cậu có biết Leo Demidov là kẻ bỏ trốn?
– Vâng, thưa sếp. Tôi có nghe nói.
– Cậu biết gì về lý do đằng sau vụ bắt Leo?
– Không gì hết.
– Chúng ta đã tin rằng hắn làm việc cho chính phủ phương Tây, thu thập thông tin – làm gián điệp. Nhưng hóa ra không phải vậy. Chúng ta đã sai. Leo không khai gì trong các cuộc thẩm vấn. Giờ, thật muộn mằn, tôi phát giác ra hắn đang làm việc này.
Fyodor đứng lên, nhìn chằm chằm vào tập hồ sơ trên bàn.
Anh ta đã thấy những tài liệu này trước đây. Chúng được dán vào ngực Leo. Fyodor bắt đầu toát mồ hôi. Anh ta cúi tới trước, như thể xem xét các tài liệu này lần đầu tiên, cố che giấu sự thật rằng anh ta đang run rẩy. Anh ta liếc mắt nhìn và có thể thấy Vasili đã di chuyển và đứng bên cạnh anh ta, nhìn xuống các trang giấy, như thể họ đang làm việc cùng nhau, là những cộng sự. Ngón tay Vasili lướt trên bản đồ, từ từ, tiến đến Moscow và gõ gõ: 44
Fyodor cảm thấy buồn nôn. Anh ta quay đầu thì thấy mặt Vasill sát mặt mình.
– Fyodor, chúng tôi biết Leo đã đến Moscow gần đây. Giờ tôi tin rằng thay vì làm gián điệp, chuyến đi này thực ra nằm trong cuộc điều tra của hắn. Cậu thấy đấy, hắn tin rằng có một vụ giết người đã xảy ra ở đây. Con trai cậu bị giết, tôi nói đúng không?
– Không thưa sếp. Nó bị chết do tai nạn. Nó bị con tàu cắt đôi.
– Leo đã được cử đến giải quyết chuyện này?
– Vâng, nhưng…
– Và lúc đó cậu tin rằng thằng bé bị giết, đúng không?
– Lúc đó, tôi quá đau buồn, thật khó…
– Vậy, khi Leo quay lại Moscow để điều tra, chẳng phải hắn quan tâm đến vụ con trai cậu sao?
– Không thưa sếp.
– Làm sao cậu biết.
– Thưa sếp?
– Làm sao cậu biết Leo quan tâm hay không quan tâm?
Vasili ngồi xuống, liếc nhìn móng tay của hắn, vờ như bị tổn thương:
– Fyodor, rõ ràng cậu nghĩ xấu về tôi.
– Không đúng, thưa sếp.
– Cậu phải hiểu rằng nếu Leo đúng, nếu có một kẻ giết trẻ em, thì kẻ này cần bị bắt. Tôi muốn giúp Leo. Fyodor, tôi cũng có con. Là một người cha và là một mật vụ tôi có trách nhiệm ngăn chặn tội ác khủng khiếp này. Điều này sẽ xóa đi bất cứ thù oán cá nhân nào tồn tại giữa tôi và Leo. Nếu tôi muốn Leo chết, tôi chỉ cần đơn giản là không làm gì hết. Lúc này, mọi người đều xem hắn và vợ hắn là gián điệp. Bọn họ sẽ bị bắn ngay khi được tìm thấy và tôi sợ rằng cuộc điều tra của họ sẽ kết thúc. Sẽ có thêm trẻ em bị giết. Tuy nhiên, nếu tôi có mọi thông tin, tôi sẽ có thể thuyết phục cấp trên hủy cuộc truy nã. Nếu tôi không làm vậy, Leo và Raisa có cơ hội không?
– Không.
Vasili gật đầu, hài lòng với sự xác nhận. Điều đó là đúng, vậy thì: Leo tin rằng có một kẻ chịu trách nhiệm cho tất cả những cái chết này. Vasili tiếp tục:
– Ý của tôi cũng đúng là vậy. Họ không có tiền, họ còn hàng trăm cây số nữa mới tới được đích đến.
– Họ trốn đi đâu?
Sai lầm thứ hai của Fyodor, lộ ra rằng anh ta cũng tin Leo định đi bắt kẻ giết người. Giờ Vasili chỉ cần cái đích đến đó mà thôi. Hắn chỉ về phía Đông Moscow, tuyến đường tàu, và nhìn mắt Fyodor dịch chuyển từ vị trí đó, dọc theo bản đồ, về phía Nam. Leo đang tiến về phía Nam. Nhưng Vasili vẫn cần một cái tên. Dụ dỗ Fyodory hắn nhận xét:
– Phần lớn các vụ giết người xảy ra ở phía Nam.
– Chỉ nhìn từ bản đồ này…
Fyodor ngừng lại. Có thể gợi ý cho Vasili mà không tự tố giác mình. Họ có thể cùng đề nghị cấp trên thay đổi ý kiến về Leo và Raisa. Fyodor đang tìm cách giúp họ. Và nó đây: anh ta sẽ khiến gã từ tội phạm thành anh hùng. Khi họ gặp nhau ở Moscow, Leo nhắc đến chuyện một dân quân đã đến Rostov để xác nhận rằng thành phố này rất có thể là chỗ ở của kẻ giết người. Fyodor vờ như tò mò xem tập giấy tờ:
– Xét mức độ tập trung các vụ giết người, tôi sẽ nói thành phố Rostov-sông Đông. Tất cả các vụ giết người đầu tiên là ở phía Nam. Kẻ giết người hẳn phải sống ở đó hoặc gần đó.
– Rostov ư?
– Anh nghĩ cách nào tốt nhất để thuyết phục cấp trên?
– Tôi cần hiểu mọi thứ. Chúng ta đang nhận lấy một rủi ro lớn, đặt tính mạng của chúng ta vào chỗ hiểm nguy. Chúng ta phải chắc chắn. Hãy nói lại, tại sao cậu tin kẻ giết người này sống ở phía Nam?
Khi Fyodor đang mải chú ý đến mớ tài liệu, nói về chuyện này chuyện kia, Vasili đứng lên, bước quanh bàn, rút súng ra, nhằm vào tim Fyodor.
Chương 63
Đông nam vùng Rostov
14 tháng Bảy
Leo và Raisa ở trong một chiếc thùng cao một mét và rộng hai mét: hàng hóa con người – hàng lậu – đang được chở lén về phía Nam. Sau khi dân quân lục soát nông trang tập thể, người làng đã dùng xe tải đưa Leo và Raisa đến thị trấn gần nhất, Ryazan, ở đây người ta giới thiệu họ với bạn bè và gia đình. Trong cái nóng ngột ngạt của căn hộ nhỏ với một nhóm thính giả gần ba mươi người và mù mịt khói thuốc rẻ tiền, Leo kể lại câu chuyện điều tra của họ. Không ai cần phải thuyết phục gì về sự bức thiết của mục tiêu và không ai gặp chút khó khăn để tin rằng dân quân đã tỏ ra vô dụng trong việc đối phó với kẻ giết người. Họ chưa bao giờ nhờ vả dân quân giúp đỡ hay đưa tranh chấp của họ đến chính quyền giải quyết, mà luôn lệ thuộc vào nhau. Trong chuyện này cũng vậy, ngoại trừ việc cái đang lâm nguy chính là không biết bao nhiêu mạng sống của trẻ em.
Cùng với nhau, như một tập thể, các kế hoạch được vạch ra để chở họ về phía Nam. Một người trong đám thính giả là tài xế xe tải chuyên chở hàng đi lại giữa Moscow và các thị trấn như Samara và Kharkov. Kharkov cách Rostov chừng ba trăm cây số về phía Bắc, mất nửa ngày đi ô tô. Tuy nhiên, người ta đã quyết rằng lái xe vào tận Rostov là quá mạo hiểm, vì tài xế không có công việc ở đó, anh ta đã sẵn sàng đưa họ đến thị trấn Shakhty gần đó. Anh ta có thể qua được một cách hợp lệ sự trái tuyến này bằng cách nói rằng đang đi thăm gia đình. Chính gia đình ấy, sau khi nghe câu chuyện, hầu như chắc chắn sẽ đồng ý giúp Leo và Raisa đi vào thành phố.
Ít nhất họ có một ngày rưỡi ở trong thùng xe này, bị nhốt trong bóng đen hoàn toàn. Người lái xe đang chở chuối, thứ hàng hóa nước ngoài xa xỉ dành cho spetztorgi. Chiếc thùng đặt sau xe tải, nằm dưới những thùng khác chất trái cây quý. Trời nóng và khô, và chuyến đi thật khó chịu. Khoảng ba đến bốn tiếng sẽ có một quãng nghỉ, khi lái xe dừng lại, kéo những thùng hàng phía trên họ ra, để hàng hóa con người của anh ta duỗi chân và đi vệ sinh bên đường.
Trong bóng tối, chân họ gác lên nhau, ở hai góc đối diện nhau của thùng hàng, Raisa hỏi:
– Anh có tin anh ta không?
– Ai cơ?
– Tài xế.
– Em không tin sao?
– Em không biết.
– Em hẳn có lý do khi hỏi vậy?
– Trong tất cả những người lắng nghe câu chuyện, chỉ có anh ta là người không hỏi gì. Anh ta dường như không dính dáng gì đến câu chuyện. Nó không khiến anh ta run lên như những người khác. Em thấy dường như anh ta thờ ơ, thực dụng, vô cảm.
– Anh ta không buộc phải giúp ta. Và anh ta sẽ không phản bội ta và rồi quay lại với bạn bè và gia đình.
– Anh ta có thể bịa ra gì đó. Đường bị chặn. Chúng ta bị bắt. Anh ta đã cố giúp nhưng không thể làm gì.
– Em định thế nào?
– Ở điểm dừng tiếp theo, anh có thể khống chế anh ta, trói lại, rồi anh lái xe.
– Em có đùa không đấy?
– Cách duy nhất để chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn, là cướp xe anh ta. Ta sẽ nắm giấy tờ của anh ta. Ta sẽ lại làm chủ tính mạng của mình. Như thế này thì ta bất khả kháng. Ta không biết anh ta sẽ đưa ta đi đâu.
– Chính em là người bảo anh phải tin vào lòng tốt của người lạ đấy.
– Người này không như những người khác. Anh ta có vẻ tham vọng. Anh ta dành cả ngày để chở những hàng hóa xa xỉ. Anh ta hẳn phải nghĩ: mình muốn thứ đó, mình muốn những vải vóc tốt đó, những thực phẩm quý hiếm đó. Anh ta hiểu rằng ta là một cơ hội. Anh ta biết có thể bán ta với giá bao nhiêu. Và anh ta biết cái giá anh phải trả nếu bị bắt cùng ta.
– Thật khó tin anh lại là người nói ra điều này, nhưng Raisa ạ, em đang nói về một người vô tội đấy, người dường như liều cả mạng sống để giúp ta.
– Em đang nói về việc bảo đảm cho hai ta đến được Rostov.
– Không phải nó bắt đầu thế này sao? Ta có một mục đích để tin vào, một mục đích đáng để liều tính mạng. Rồi nhanh chóng, cái mục đích đó đáng để giết người. Rồi nhanh chóng, một mục đích đáng để giết người vô tội.
– Ta không cần phải giết anh ta.
– Có đấy, bởi vì ta không thể bỏ mặc anh ta bị trói trên đường. Như thế còn nguy hiểm hơn. Ta hoặc phải giết anh ta, hoặc tin vào anh ta. Raisa, mọi việc hỏng bét thế này đây. Ta được cho ăn, cho ở, và được những người này chở đi. Nếu ta quay lưng với họ, giết một trong những người bạn của họ không vì lý do nào khác ngoài sự thận trọng, thì anh sẽ chính con người mà em đã khinh thường ở Moscow.
Cho dù không nhìn thấy cô, gã biết cô đang cười.
– Em thử anh đấy à?
– Chỉ nói chuyện thôi mà.
– Anh có qua không?
– Còn tùy ta có đến được Shakhty không.
Sau một khoảng yên lặng, Raisa hỏi:
– Điều gì xảy ra khi chuyện này kết thúc?
– Anh không biết.
– Phương Tây sẽ muốn có anh, Leo. Họ sẽ bảo vệ anh.
– Anh sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước này.
– Cho dù họ định giết anh?
– Nếu em muốn trốn đi, anh sẽ làm những gì có thể để đưa em lên một chiếc tàu.
– Anh định làm gì? Trốn trên núi sao?
– Khi kẻ kia chết rồi, khi em đã an toàn ra khỏi đất nước rồi, anh sẽ đi đầu thú. Anh không muốn sống lưu vong, giữa những người chỉ muốn thông tin của anh, nhưng lại ghét anh. Anh không muốn sống như một người nước ngoài. Anh không thể làm được. Thế có nghĩa là mọi thứ mà những người này ở Moscow nói về anh đều là đúng.
– Và đó là điều quan trọng nhất?
Giọng Raisa có vẻ tổn thương. Leo chạm vào tay cô:
– Raisa, anh không hiểu.
– Nó phức tạp quá sao? Em muốn mình sống bên nhau.
Trong một lúc Leo không nói gì. Cuối cùng gã đáp:
– Anh không thể sống như một kẻ phản bội. Anh không thể làm được.
– Nghĩa là ta chỉ còn chừng hai tư tiếng nữa?
– Anh rất tiếc.
– Ta nên tận dụng tốt nhất thời gian bên nhau.
– Bằng cách nào?
– Ta nói cho nhau sự thật.
– Sự thật ư?
– Ta chắc chắn phải có những bí mật. Em biết em có vài bí mật. Anh không có sao? Những điều anh chưa bao giờ kể cho em.
– Có.
– Vậy em nói trước. Em đã nhổ nước bọt vào trà của anh. Sau khi em nghe Zoya bị bắt, em đã tin anh tố cáo cô ấy. Nên trong chừng một tuần, em nhổ nước bọt vào trà của anh.
– Em nhổ vào trà của anh?
– Một tuần.
– Sao em lại thôi?
– Dường như anh chẳng quan tâm.
– Anh không nhận thấy.
– Chính xác. Được rồi, đến lượt anh.
– Nói thật…
– Đó là mấu chốt của trò chơi này.
– Anh không nghĩ em lấy anh vì em sợ anh. Anh nghĩ em theo dõi anh. Em tỏ ra như là em sợ. Em nói tên giả cho anh, và anh theo đuổi em. Nhưng anh nghĩ em nhằm vào anh.
– Em là mật vụ nước ngoài sao?
– Có thể em quen biết những người làm việc cho cơ quan nước ngoài. Có thể em đang giúp họ. Có lẽ đó là ý nghĩ trong thâm tâm em khi em lấy anh.
– Đó không phải bí mật, đó là sự phỏng đoán. Anh phải chia sẻ bí mật – những sự thật phũ phàng.
– Anh tìm thấy một đồng kopeck trong mớ đồ của em, một đồng xu có thể tách làm đôi – nó là thiết bị dùng để giấu vì phim. Các mật vụ dùng chúng. Không ai khác có đồng xu đó.
– Sao anh không tố cáo em?
– Anh không thể. Chỉ là anh không thể.
– Leo, em không lấy anh nhằm tiếp cận MGB. Em đã nói sự thật rồi, em sợ.
– Còn đồng xu?
– Đồng xu là của em…
Giọng cô chùng lại, như thể cân nhắc có nên tiếp tục không:
– Em không dùng đồng xu để chứa vi phim. Em dùng nó để chứa bột xyanua, khi em còn trong trại tị nạn.
Raisa chưa bao giờ nói về giai đoạn sau khi nhà của cô bị phá hủy, những tháng ngày lang thang – thời kỳ đen tối của đời cô. Leo chờ đợi, lo lắng trước điều gã sắp nghe.
– Em chắc anh có thể tưởng tượng những chuyện xảy ra với phụ nữ tị nạn. Những tên lính, họ có nhu cầu, họ đã liều cả tính mạng – người ta nợ họ. Bọn em là tiền công của họ. Sau một lần – và sau vài lần – em rất đau đớn, em đã thề nếu chuyện đó xảy ra lần nữa, nếu có vẻ như chuyện đó xảy ra lần nữa, em sẽ quệt chất hồ đó vào mồm hắn. Chúng có thể giết em, treo cổ em, nhưng có thể điều đó sẽ khiến bọn họ cân nhắc khi làm như thế với phụ nữ khác. Dù sao, nó đã trở thành đồng xu may mắn của em, từ khi mang nó em không bao giờ gặp vấn đề gì nữa. Có lẽ đàn ông có thể đánh hơi thấy phụ nữ mang xyanua trong túi. Tất nhiên, nó không chữa lành những tổn thương em đã chịu đựng. Không có thuốc nào chữa được. Đó là lý do em không thể có thai, Leo.
Leo nhìn vào bóng đen, vào nơi gã hình dung vợ gã đang ngồi. Trong chiến tranh, phụ nữ bị cưỡng hiếp. Xyanua được một số người dùng để tự tử khi đối mặt với điều kinh hoàng không thể chịu đựng nổi. Leo cho rằng hầu hết đàn ông sẽ kiểm tra xem phụ nữ có mang dao hoặc súng không, nhưng một đồng xu – nó sẽ thoát khỏi sự chú ý của bọn họ. Gã xoa xoa lòng bàn tay cô. Gã còn biết làm gì đây? Xin lỗi chăng? Nói rằng gã hiểu chăng? Gã đã đóng khung mảnh báo, treo nó trên tường và tự mãn, không biết cuộc chiến tranh kia nghĩa là gì đối với cô.
– Leo, em còn một bí mật nữa. Em đã yêu anh.
– Anh vẫn luôn yêu em.
– Đó không phải bí mật, Leo. Anh đã thua em ba bí mật rồi.
Leo hôn cô:
– Anh có một người em trai.
Chương 64
Rostov-sông Đông
15 tháng bảy
Nadya ở nhà một mình. Mẹ cô bé và em gái đi thăm bà, mặc dù lúc đầu Nadya đi cùng, nhưng khi gần đến nhà bà, cô bé giả vờ đau bụng và xin phép về nhà. Mẹ cô đồng ý và Nadya vội vã về nhà. Kế hoạch của cô bé thật đơn giản. Cô bé sẽ mở cửa tầng hầm và tìm hiểu xem tại sao cha cô lại dành quá nhiều thời gian dưới đó, cái nơi hẳn phải là căn phòng tối tăm, lạnh lẽo. Cô bé chưa bao giờ xuống đó, chưa một lần nào. Cô bước quanh căn nhà, sờ những viên gạch ẩm ướt và tưởng tượng bên trong sẽ như thế nào. Không có cửa sổ, chỉ một lỗ thông khí lò sưởi. Đây là nơi bị cấm nghiêm ngặt, không được bén mảng đến, một quy ước trong nhà.
Bố cô lúc này đang đi công tác. Nhưng ông sẽ về sớm, có lẽ sáng sớm mai, và cô đã nghe ông nói về chuyện sửa nhà, gồm làm cái cửa mới cho tầng hầm. Không phải cửa trước, cánh cửa mà mọi người dùng và cái cánh cửa giữ ấm bên trong nhà. Ưu tiên hàng đầu của ông là cửa tầng hầm. Dù phải công nhận nó mỏng mảnh. Tại sao lại quan trọng như vậy? Vài ngày nữa ônh sẽ lắp cánh cửa mới, nghĩa là cô bé sẽ không mở được. Nếu cô bé muốn lẻn vào, nếu cô muốn có câu trả lời cho những câu hỏi của mình, cô phải hành động ngay bây giờ. Khóa cửa chỉ là cái chốt đơn giản. Cô bé đã nghiên cứu cẩn thận và thử xem có thể dùng dao lèn qua giữa cánh và khung cửa không, rồi bẩy chốt lên. Có thể được.
Chốt đã nâng lên, Nadya đẩy cửa mở. Phấn khích, sợ hãi, cô bé bước xuống một bước. Cô bé thả cánh cửa ra và nó đóng sầm lại. Chút ánh sáng xuyên qua phía sau cô bé, dưới cửa và ở hai bên. Ngoài ra, ánh sáng duy nhất là qua lỗ thông gió của tầng hầm. Chờ cho mắt quen với bóng tối, cô bé đi xuống chân cầu thang và quan sát căn phòng bí mật của bố mình.
Một chiếc giường, một bếp lò, một bàn nhỏ, và một chiếc rương – không có gì bí ẩn. Thất vọng, cô bé dò tìm chung quanh. Một đèn cũ treo trên tường, cạnh đó ghim một loạt những mảnh cắt từ báo ra. Cô bé bước đến. Chúng đều giống nhau: bức ảnh một người lính Nga đứng cạnh một chiếc xe tăng bốc cháy. Một số bức ảnh cắt sao cho để chỉ thấy mỗi người lính. Một người điển trai. Cô bé không nhận ra người này. Khó hiểu vì những tấm ảnh này, cô bé nhặt lên một chiếc đĩa sắt trên sàn, chắc chắn nó dùng để cho mèo ăn. Quay sang chú ý đến chiếc rương, cô bé đặt tay lên nắp và nhấc lên, chỉ một chút, chỉ để xem nó bị khóa không. Cái nắp gỗ khá nặng nhưng nó không khóa. Có gì bên trong nhỉ? Cô bé nhấc lên chút nữa; thình lình cô bé nghe tiếng động – từ cửa chính.
Có bước chân nặng trịch, quá nặng, không phải mẹ cô bé. Bố cô bé hẳn về nhà sớm. Ánh sáng xuất hiện khi cửa tầng hầm mở ra. Tại sao ông lại về sớm như vậy? Hoảng hốt, Nadya hạ nắp rương, cố không gây tiếng ồn, lắng nghe bước chân bố mình đang xuống cầu thang. Khi nắp đóng lại, cô bé quỳ xuống và chui xuống gầm giường, thu mình lại trong không gian nhỏ hẹp, nhìn ra chân cầu thang. Nó kia rồi – đôi ủng đen to của ông, đến ngay chỗ cô bé.
Nadya nhắm mắt, nghĩ rằng khi mở mắt ra sẽ thấy khuôn mặt giận dữ của ông chỉ cách vài tấc. Thay vì vậy, cả chiếc giường cọt kẹt và trĩu xuống. Ông đang ngồi trên giường. Mở mắt ra, cô bé phải chui tránh ra. Khoảng cách giữa giường và mặt sàn còn hẹp hơn nữa, cô bé nhìn khi ông bắt đầu tháo dây giày. Ông không biết cô ở đấy. Hẳn then cửa đã cài lại sau khi cô đóng cửa. Cô chưa bị bắt quả tang, chưa. Cô phải làm gì đây? Bố cô có thể ở hàng giờ dưới này. Mẹ cô sẽ quay về và biết ra rằng Nadya không có nhà. Có lẽ họ nghĩ cô mất tích và đi tìm. Nếu như vậy, cô có thể lén đi lên nhà và nói dối về chuyện cô vừa ở đâu. Đấy là hy vọng có khả năng nhất. Cho đến lúc đó, cô bé phải ở nguyên tại chỗ và giữ yên lặng.
Bố cô cởi tất ra và duỗi ngón chân. Ông đứng lên, chiếc giường nâng lên cùng ông, và thắp đèn, ánh sáng tỏa ra yếu ớt. Ông bước đến chiếc rương. Nadya có thể nghe nắp rương mở nhưng không thể thấy ông lấy gì ra. Hẳn ông vẫn để nắp rương mở, vì cô bé không nghe nó đóng lại. Bố cô đang làm gì vậy? Giờ ông đang ngồi trên chiếc ghế, buộc gì đó quanh chân. Đó là một dải dây cao su. Dùng một sợi dây và mớ giẻ, dường như ông đang làm một kiểu giày thủ công nào đó.
Nhận ra có gì đó đằng sau, Nadya quay đầu lại thì thấy con mèo. Nó cũng thấy cô bé, lưng nó cong lên, lông dựng đứng. Cô bé không thuộc về dưới này. Nó biết rõ như vậy. Sợ hãi, cô bé quay sang xem bố mình có để ý không. Ông quỳ xuống, mặt ông xuất hiện nơi khe hở dưới giường. Cô bé không biết phải nói gì, không dám động đậy. Ông không nói gì, đứng dậy, nâng giường lên, để lộ ra cô bé đang cuộn tròn vo.
– Đứng lên.
Cô bé không thể động đậy tay chân – toàn cơ thể cô dường như không hoạt động.
– Nadya.
Nghe tên mình, cô bé đứng lên.
– Bước ra xa tường.
Cô bé tuân theo, bước về phía ông, đầu cô bé cúi xuống, nhìn một chân trần của bố mình và chân kia quấn trong giẻ. Y hạ giường xuống, đặt nó lại vị trí.
– Sao con ở dưới này?
– Con muốn biết bố làm gì ở dưới này.
– Tại sao?
– Con muốn ở bên bố nhiều hơn.
Andrei lại cảm thấy cái thôi thúc đó – chỉ có họ ở nhà. Con bé không nên xuống đây: y đã dặn con bé vì sự an nguy của nó. Y đã là một người khác. Y không còn là bố cô nữa. Y bước xa khỏi cô bé cho đến khi lưng y chạm vào tường, cách xa cô nhiều nhất có thể được.
– Bố?
Andrei giơ một ngón tay lên miệng.
Kiềm chế bản thân.
Nhưng y không thể. Y tháo kính ra, gấp lại và cho vào túi áo. Khi nhìn lại cô bé thì cô bé chỉ còn là một hình bóng lờ mờ, không còn là con gái y nữa – chỉ là một đứa bé. Lờ mờ, phảng phất, hình dạng đó có thể là bất cứ đứa bé nào y muốn tưởng tượng.
– Bố ơi?
Nadya đứng lên, bước thẳng tới bố mình và nắm tay y:
– Bố không muốn ở với con sao?
Cô bé giờ ở quá gần, thậm chí y không đeo kính. Y có thể nhìn thấy mái tóc, khuôn mặt cô bé. Y quệt trán, y đeo kính vào lại.
– Nadya, con có em gái mà – tại sao con không thích chơi với em? Lúc ở tuổi con, bố dành hết thời gian chơi với anh trai của bố.
– Bố có anh trai ư?
– Ừ
– Bác ấy ở đâu?
Andrei chỉ lên tường, những bức ảnh người lính Nga.
– Bác ấy tên gì ạ?
– Pavel.
– Sao bác ấy không đến thăm nhà ta?
– Bác ấy sẽ đến.
Chương 65
Vùng Rostov
Tám cây số về phía bắc Rostov-sông Đông
16 tháng bảy
Họ ngồi trên một elektrichka, đi về ngoại ô thành phố, tiến gần đích hơn – trung tâm của Rostov-sông Đông. Người lái xe tải không phản bội họ. Anh ta đã đưa họ qua vài trạm kiểm soát và cho họ xuống tại thị trấn Shakhty, nơi họ đã ở qua đêm với mẹ vợ của người lái xe, một phụ nữ tên Sarra Karrlovna, và gia đình của bà. Sarra, ngoài năm mươi tuổi, sống cùng con bà, gồm cả một người con gái, cô gái này lấy chồng và có ba con. Bố mẹ của Sarra cũng sống cùng căn hộ, cả thảy có mười một người, trong ba phòng ngủ; mỗi thế hệ trong một phòng. Lần thứ ba, Leo kể câu chuyện điều tra của gã. Không như những thị trấn ở miền Bắc, ở đây người ta đã nghe thấy những tội ác này – những đứa trẻ bị giết. Theo lời Sarra, ít có ai trong vùng này không biết về những tin đồn. Cho dù vậy, họ không biết sự thật. Khi đối mặt với con số nạn nhân ước tính, căn phòng chìm trong im lặng.
Chưa bao giờ việc họ đồng ý giúp đỡ hay không là vấn đề cần cân nhắc: gia đình nhiều thế hệ này ngay lập tức bày ra những kế hoạch. Leo và Raisa quyết định chờ đến chạng vạng mới vào thành phố, vì ban đêm trong nhà máy sẽ có ít người. Có nhiều khả năng hơn rằng kẻ giết người sẽ ở nhà. Việc cũng đã được quyết định là họ sẽ không đi một mình. Vì lý do này, giờ đi cùng họ là ba đứa trẻ và hai ông bà năng nổ. Leo và Raisa đóng vai bố và mẹ trong khi bố và mẹ thật vẫn ở Shakhty. Tạo ra cái vẻ gia đình này là một biện pháp thận trọng. Nếu cuộc truy nã họ đã đến tận Rostov, nếu người ta đã đoán ra mục tiêu của họ không phải là chạy trốn khỏi đất nước, thì người ta sẽ tìm một người đàn ông và một phụ nữ đi cùng nhau. Xem ra không ai trong hai người họ có thể thay đổi diện mạo ở một mức đáng kể. Cả hai đều đã cắt tóc ngắn, được cho những bộ đồ mới. Cho dù như vậy, không có gia đình này bên cạnh, họ sẽ dễ dàng bị phát giác. Raisa bày tỏ lo ngại khi đưa bọn trẻ theo, lo rằng cô đang gây nguy hiểm cho chúng. Nhưng mọi người đã nhất trí với nhau rằng nếu có chuyện không ổn, nếu họ bị bắt, thì ông bà nọ sẽ khai rằng Leo đã đe dọa họ và họ sợ nguy hại đến tính mạng nếu không giúp.
Con tàu dừng lại. Leo nhìn qua cửa sổ. Nhà ga nhộn nhịp: gã có thể thấy vài người mặc đồng phục đang tuần tra trên sân ga. Bảy người họ xuống tàu. Raisa đang bế đứa nhỏ nhất, một cậu bé. Cả ba đứa trẻ được bảo phải làm náo loạn. Hai đứa lớn hiểu bản chất của mánh khóe này và chúng đóng kịch, nhưng đứa nhỏ nhất lại bối rối và cứ nhìn chằm chằm Raisa, môi nó bĩu xuống, nó nhạy bén với nguy hiểm và chắc chắn nó ước được ở nhà. Chỉ những nhân viên tinh ý mới nghi ngờ rằng gia đình này là giả mạo.
Có mấy tay lính gác đứng quanh sân ga và trong phòng chờ lớn, quá nhiều cho một ngày bình thường tại một nhà ga bình thường. Bọn họ đang tìm ai đó. Mặc dù Leo cố tự trấn an rằng có rất nhiều người bị truy nã và bắt bớ, nhưng linh tính mách bảo rằng người ta đang tìm họ. Lối ra cách năm mươi bước chân. Tập trung vào đó. Họ gần đến nơi rồi.
Hai cảnh sát có vũ khí bước đến trước mặt họ:
– Các người từ đâu đến và định đi đâu?
Trong một lúc Raisa không nói được. Lời lẽ cứ biến mất. Để tỏ ra không chết trân, cô đổi đứa bé từ tay này sang tay kia và và cười:
– Tay tê quá rồi!
Leo xen vào:
– Chúng tôi đến thăm em cô ấy. Cô em sống ở Shakhty. Cô ấy sắp lấy chồng.
Người bà nói thêm:
– Lấy một tên say rượu: tôi không đồng ý. Tôi đã bảo nó đừng lấy.
Leo cười, quay sang nói với người bà:
– Mẹ muốn cô ấy cưới một kẻ chỉ uống nước lã sao?
– Thế tốt hơn.
Người ông gật đầu trước khi nói thêm:
– Cậu ta uống rượu cũng được, nhưng tại sao cậu ta lại xấu xí thế chứ?
Cả hai ông bà đều cười. Mấy tay lính gác thì không. Một người quay sang cậu bé:
– Tên nó là gì?
Câu hỏi nhằm vào Raisa. Một lần nữa đầu óc cô trống rỗng. Cô không thể nhớ ra. Cô không nghĩ ra được gì hết. Cô chọn bừa một cái tên trong trí nhớ:
– Aleksandr.
Đứa bé lắc đầu:
– Là Ivan chứ.
Raisa cười.
– Tôi thích chọc cháu. Tôi luôn làm lẫn lộn tên bọn trẻ và điều này khiến chúng phát điên. Cậu bé tôi đang bế đây là Ivan. Còn kia là Mikhail.
Đó là tên đứa thứ hai. Raisa giờ mới nhớ ra tên đứa lớn là Aleksei. Nhưng để lời nói dối có tác dụng, thằng bé phải giả vờ như tên nó là Aleksandr.
– Và con trai lớn của tôi là Aleksandr.
Thằng bé mở miệng, định phản đối, nhưng người ông nhanh nhẹn bước đến và xoa đầu nó trìu mến. Thằng bé bực dọc, nó ngúng nguẩy:
– Ông đừng làm thế. Cháu có còn bé nữa đâu.
Raisa cố không để lộ sự nhẹ nhõm. Hai cảnh sát tránh đường cho họ, và cô dẫn gia đình giả mạo của mình ra khỏi ga.
Khi họ khuất tầm nhìn nhà ga, họ chào tạm biệt gia đình nọ, tách ra. Leo và Raisa lên một chiếc taxi. Họ đã cho gia đình Sarra toàn bộ thông tin liên quan đến cuộc điều tra. Nếu Leo và Raisa thất bại vì bất kể lý do gì, nếu những vụ giết người vẫn tiếp tục xảy ra, thì gia đình kia sẽ tiếp nối việc điều tra. Họ sẽ tổ chức những cuộc điều tra khác nhằm tìm ra kẻ này, bảo đảm rằng nếu một nhóm này thất bại thì sẽ có nhóm khác sẵn sàng thay thế. Không được để kẻ giết người sống sót. Leo hiểu rõ đó là một kiểu hành hình côn đồ, không tòa án, không chứng cứ hay xét xử – một cuộc tử hình dựa trên bằng chứng suy diễn – và trong khi cố thực thi công lý họ buộc phải bắt chước chính cái hệ thống họ đang chống lại.
Ngồi sau xe taxi, một chiếc Volga, hầu như chắc chắn là chiếc xe được sản xuất ở Voualsk, cả Leo và Raisa đều không nói gì. Họ không cần phải nói. Kế hoạch đâu vào đó. Leo sẽ vào nhà máy Rostelmash và đột nhập vào phòng giữ hồ sơ lao động. Gã không biết chính xác phải làm gì, gã phải tùy cơ ứng biến. Raisa sẽ ở lại cùng chiếc taxi, thuyết phục tài xế mọi chuyện vẫn ổn nếu anh ta có đâm nghi. Anh ta đã được trả trước một món rất hậu, để anh ta giữ bình tĩnh và nghe lời. Một khi Leo tìm ra tên và địa chỉ kẻ giết người rồi, họ cần người tài xế đưa họ đến nơi kẻ đó sống. Nếu kẻ giết người không ở nhà, nếu hắn đang đi công tác, họ sẽ cố tìm hiểu xem bao giờ hắn về. Họ sẽ quay lại Shakhty, ở lại nhà Sarra, và chờ đợi.
Chiếc taxi dừng lại. Raisa nắm tay Leo. Gã đang lo lắng, giọng gã thì thầm:
– Nếu một tiếng nữa anh không quay lại…
– Em biết rồi.
Leo ra khỏi xe, đóng cửa.
Có bảo vệ gác ở cổng chính, mặc dù bọn họ dường như không tỏ ra cảnh giác đặc biệt. Từ cách sắp xếp an ninh, Leo hầu như chắc chắn không ai ở MGB đoán ra nhà máy sản xuất máy kéo này là đích đến của gã. Có khả năng bảo vệ trước cổng giảm quân số có chủ ý như là một cách để nhử gã, nhưng gã nghi ngờ điều đó. Bọn họ có thể đoán ra được gã đến Rostov nhưng họ không biết chính xác gã đi đâu. Đi vòng ra phía sau, gã phát giác một điểm ở đó hàng rào thép gai bị bên hông một tòa nhà gạch che khuất tầm nhìn. Gã leo lên, đưa chân qua dãy thép gai, và rơi người xuống. Gã đã vào trong.
Nhà máy có một dây chuyền sản xuất hoạt động 24/24. Có những công nhân làm ca, nhưng quanh đây không có nhiều người. Khuôn viên rất rộng. Hẳn phải có vài ngàn người làm việc ở đây, Leo cho rằng có đến tận chục ngàn người – những người làm kế toán, nhân viên vệ sinh, nhân viên chở hàng, và công nhân dây chuyền sản xuất.
Cộng với sự phân ca làm việc ngày và đêm, gã ngờ rằng chẳng có ai nhận ra gã là người lạ. Gã bước bình tĩnh, có chủ ý, như thể thuộc về nơi này, đi thẳng đến tòa nhà lớn nhất. Có hai người đi ra, họ đang hút thuốc, tiến về phía cổng chính. Có lẽ họ đã hết ca về nghỉ buổi tối. Họ thấy gã và dừng lại. Không thể lờ họ đi, Leo vẫy tay, tiến về phía họ:
– Tôi là tolkach làm việc cho nhà máy xe hơi ở Voualsk. Lẽ ra tôi phải đến sớm hơn nhưng tàu bị trễ. Tòa nhà hành chính ở đâu nhỉ?
– Không có tòa nhà riêng. Văn phòng chính ở trong, trên một trong những tầng trên. Tôi sẽ đưa anh đến.
– Tôi chắc sẽ tìm được.
– Tôi không vội về nhà đâu. Tôi sẽ đưa anh lên.
Leo mỉm cười. Gã không thể từ chối. Hai người kia tạm biệt nhau và Leo đi theo người hộ tống không mời vào nhà máy lắp ráp.
Bước vào trong, Leo quên bản thân trong thoáng chốc – quy mô khổng lồ, mái nhà cao, tiếng ồn máy móc, tất cả tạo ra một cảm giác kinh ngạc thường vốn chỉ dành cho những cơ sở tôn giáo. Nhưng tất nhiên, đây là một thứ nhà thờ mới, nhà thờ lớn của nhân dân, một cảm giác kính sợ hầu như cũng quan trọng chẳng kém gì những máy móc nó tạo ra. Leo và người kia bước cạnh nhau, thỉnh thoảng trò chuyện. Leo chợt thấy vui vì sự hộ tống của anh ta; nghĩa là không ai ngoái nhìn họ lần thứ hai. Tuy nhiên, gã tự hỏi sẽ tống khứ anh ta thế nào đây.
Họ đi cầu thang từ sàn nhà máy chính, lên phòng hành chính. Người đàn ông nói.
– Tôi không biết ở trên đấy có bao nhiêu người. Thường họ không làm việc ca đêm.
Leo vẫn không có ý tưởng rõ ràng gã sẽ làm gì tiếp theo. Gã có thể vào đấy được không? Dường như không thể nếu xét đến thông tin nhạy cảm gã cần. Họ sẽ không cho gã, cho dù gã có đưa ra lý do gì. Nếu gã vẫn còn chứng minh thư của Bộ An ninh Nhà nước, việc sẽ dễ dàng.
Họ rẽ ở một góc. Từ sàn nhà máy có thể nhìn lên hành lang dẫn tới văn phòng. Dù cho Leo quyết định làm gì thì gã cũng vẫn trong tầm mắt của những công nhân bên dưới. Người đàn ông gõ cửa. Mọi thứ giờ tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người trong phòng. Ra mở cửa là một ông già, có lẽ là người kế toán, mặc một bộ vest, làn da vàng vọt, vẻ mặt khổ sở.
– Các anh cần gì?
Leo liếc nhìn qua vai người kế toán. Văn phòng trống trơn.
Leo quay lại, đấm vào bụng người hộ tống, khiến anh ta gập cả người. Trước khi ông kế toán có thời giờ phản ứng, Leo đã siết chặt cổ ông ta:
– Làm như tôi bảo thì ông sẽ sống, hiểu chưa?
Ông ta gật đầu. Leo từ từ nới tay trên cổ ông ta:
– Đóng hết rèm cửa. Và tháo cà vạt ra.
Leo lôi người trẻ hơn vào bên trong, anh ta vẫn thở hổn hển. Gã đóng cửa, khóa lại. Ông kế toán tháo cà vạt ra, ném cho Leo trước khi đến chỗ cửa sổ, che khuất tầm nhìn ra nhà máy. Leo lấy cà vạt trói tay người thanh niên sau lưng, trong lúc đó gã vẫn để mắt đến ông kế toán. Gã không cho là có vũ khí hay chuông báo động trong này, vì không có gì đáng giá để trộm cắp. Khi rèm cửa đóng lại, người đàn ông quay sang Leo:
– Anh muốn gì?
– Hồ sơ lao động.
Ông ta bối rối nhưng vẫn tuân theo, mở khóa tủ hồ sơ. Leo bước đến, đứng cạnh ông ta:
– Đứng ở đây, không cử động, và để tay trên tủ.
Có hàng ngàn hồ sơ, hàng đống tư liệu không chỉ cho công nhân hiện thời, mà cả những người không còn làm ở đây. Tolkach hẳn không có trong này, vì sự cần thiết của họ ám chỉ những sai sót trong phân phối và sản xuất. Không thể nào bọn họ lại được liệt kê dưới cái chức danh đó.
– Hồ sơ tolkach ở đâu?
Ông già mở một ngăn tủ, lấy ra một tập hồ sơ dày. Ở trên có ghi NHÀ NGHIÊN CỨU, một cái ngụy trang. Như Leo biết, hiện trong bảng lương có năm tolkach. Lo lắng – toàn bộ cuộc điều tra của họ dựa trên những hồ sơ này – gã kiểm tra lịch công tác của những người này. Họ được cử đi đâu và bao giờ? Nếu những ngày tháng tương ứng với những vụ giết người, gã sẽ tìm ra kẻ giết người, ít nhất trong đầu gã. Nếu tìm được một trường hợp trùng khớp, gã sẽ đến thẳng chỗ người đó và đối mặt với hắn – gã chắc rằng khi đối mặt tội ác của mình, kẻ giết người sẽ khuất phục. Gã lần ngón tay trên danh sách, so sánh với những ngày tháng và địa điểm trong đầu gã. Người đầu tiên không khớp. Leo dừng lại một lúc, băn khoăn về khả năng trí nhớ của mình. Nhưng có ba ngày gã không thể quên là hai vụ giết người ở Voualsk và vụ ỞMoscow. Tên tolkach này chưa bao giờ đến đó hoặc bất kỳ đâu dọc tuy án đường tàu xuyên Siberi. Leo mở hồ sơ thứ hai, bỏ qua thông tin cá nhân và chuyển sang phần ghi chép công việc. Người này chỉ mới làm việc từ tháng trước. Leo gạt nó sang bên, mở tập hồ sơ thứ ba. Nó không khớp. Chỉ còn hai hồ sơ. Gã lật sang hồ sơ thứ tư.
Voualsk, Molotov, Vyatka, Gorky – một loạt thị trấn, dọc theo tuyến đường sắt về phía Tây đến Moscow. Từ Moscow về phía Nam, có Tula và Orel. Giờ sang Ukraina, Leo thấy các thị trấn Kharkov và Gorlovka, Zaporoshy và Kramatorsk. Trong tất cả các thị trấn này đều có những vụ giết người. Gã gấp hồ sơ này lại. Trước khi kiểm tra thông tin cá nhân, gã xem hồ sơ thứ năm. Hầu như không tập trung được, gã lần ngón tay xuống danh sách. Có vài địa điểm liên quan, nhưng không khớp hoàn toàn. Leo quay lại hồ sơ thứ tư. Gã lật sang trang nhất, nhìn chằm chằm vào tấm ảnh nhỏ đen trắng. Người đàn ông đeo kính. Tên y là Andrei.
Chương 66
Cùng ngày
Vasili ngồi trên giường khách sạn, hút thuốc, hất tàn thuốc xuống thảm, và nốc rượu ngay từ chai. Hắn không ảo tưởng: nếu hắn không giao nộp kẻ chạy trốn, Leo và Raisa, cho cấp trên, thì họ sẽ nhìn cái chết của Fyodor Andreev bằng con mắt hiểm ác. Đó là thỏa thuận họ đã có trước khi hắn rời Moscow. Họ chỉ tin câu chuyện của hắn rằng Fyodor làm việc cùng Leo, họ chỉ tin Fyodor đã cố tấn công Vasili khi anh ta bị lộ, nếu như hắn mang được Leo về cho họ. MGB bẽ mặt bởi không thể bắt cặp vợ chồng không có vũ khí, không tiền bạc, họ dường như đã tan biến mất. Nếu Vasili bắt được họ, người ta sẵn sàng tha cho hắn bất cứ tội lỗi nào. Các quan chức đang sẵn sàng chấp nhận việc Leo đã ra nước ngoài dưới sự che đậy của các nhà ngoại giao Tây phương. Các điệp viên của họ ở nước ngoài đã được thông báo. Những bức ảnh của Leo và vợ gã đã được gửi đi các đại sứ quán trên toàn thế giới. Kế hoạch ám sát họ đã được vạch ra. Nếu Vasili có thể cứu vãn họ khỏi rắc rối của việc phát động một cuộc truy nã quốc tế tốn kém và phức tạp về mặt ngoại giao, hồ sơ của hắn sẽ được sạch sẽ.
Hắn thả mẩu thuốc xuống thảm, nhìn nó âm ỉ cháy một lúc rồi nghiền nát nó dưới gót giày. Hắn đã liên hệ với An ninh Nhà nước ở Rostov. Hắn đã đưa ảnh cho bọn họ. Hắn đã bảo các mật vụ ở đó phải lưu ý rằng Leo có thể để râu hoặc cắt tóc ngắn. Họ có thể không đi lại như một cặp vợ chồng. Họ có thể đã tách nhau ra. Có lẽ một người đã chết. Hoặc có lẽ họ đi cả nhóm, được những người khác giúp đỡ. Các mật vụ không nên chú ý nhiều vào giấy tờ, vì Leo biết cách làm giả cả. Bọn họ nên giữ lại bất cứ ai họ thấy dù chỉ có một chút khả nghi. Vasili sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có thả họ không. Với tổng số ba mươi người, hắn lập một loạt điểm kiểm soát và lục soát bừa bãi. Hắn lệnh cho mỗi nhân viên phải báo cáo mọi sự kiện, cho dù bình thường thế nào, để hắn có thể kiểm tra chúng. Những báo cáo này được đưa đến cho hắn cả ngày lẫn đêm.
Cho tới giờ chưa có gì hết. Liệu điều này có phải là một cơ hội nữa để Leo làm nhục hắn? Có lẽ tên Fyodor đần độn đã sai.
Có lẽ Leo đang đến một nơi hoàn toàn khác. Nếu đúng như vậy thì Vasili sẽ chết.
Có tiếng gõ cửa.
– Vào đi.
Một nhân viên trẻ mặt đỏ gay, đứng nghiêm, đang cầm một mảnh giấy. Vasili ra hiệu cho anh ta đưa cho hắn.
Nhà máy Rostelmash. Phòng Hành chính.
Hai người bị tấn công, hồ sơ nhân viên bị đánh cắp.
Vasili đứng lên:
– Hắn ở đây.
Chương 67
Cùng ngày
Họ đứng cạnh nhau, cách cửa chính năm mươi bước chân. Leo liếc nhìn vợ. Cô không biết cái cơn điên rồ đã ập xuống đầu gã. Gã thấy choáng váng: như thể gã đã nuốt ma túy. Gã có phần hy vọng rằng cảm giác đó sẽ nguôi đi và sự bình thường sẽ trở lại, sẽ có lời giải thích khác và đây không phải là ngôi nhà của em trai gã:
Andrei Troylmovich Sidorov. Nhưng đó là tên em trai gã.
Pavel Troylmovich Sidorov
Và đó là tên của gã, cho đến khi gã lột bỏ được nhân dạng tuổi thơ của mình như bò sát thay da. Một tấm ảnh nhỏ trong hồ sơ lao động đã xác nhận đó là Andrei. Những đặc điểm vẫn y nguyên như vậy – một vẻ lạc lõng. Cặp kính là mới. Nhưng đó là lý do tại sao y lại vụng về đến thế, y bị cận thị. Đứa em trai xấu xí, nhút nhát của gã – kẻ đã giết ít nhất bốn mươi tư đứa trẻ. Thật vô lý nhưng lại hoàn toàn có lý: sợi dây, vỏ cây bị nát, cuộc săn. Buộc phải tập trung vào những ký ức gã đã xua đuổi, Leo nhớ đã dạy em trai mình cách làm dây bẫy, gã đã bảo nó gặm vỏ cây để kìm nén cơn đói. Có phải những bài học kia trở thành hình mẫu cho một dạng điên loạn tâm lý chăng? Tại sao trước đây Leo không thấy ra mối liên hệ? Không, thật lố bịch khi trông đợi gã phải làm vậy. Biết bao trẻ em được dạy những bài học đó và được chỉ cách săn thú. Khi thấy nạn nhân, những chi tiết này đã không ghi sâu vào tâm trí Leo. Hay là có? Gã đã chọn con đường này, hay chính nó đã chọn gã? Đây có phải là lý do gã lao vào cuộc điều tra trong khi có đủ lý do để gã quay mặt đi?
Khi gã thấy tên của em trai mình được ghi một cách rõ ràng, Leo buộc phải ngồi xuống, nhìn chằm chằm vào hồ sơ, kiểm tra ngày tháng, kiểm tra đi kiểm tra lại. Gã bị sốc, quên đi mối nguy hiểm xung quanh. Mãi cho đến khi gã nhận thấy ông kế toán đang đi ngang đến điện thoại gã mới bừng tỉnh. Gã trói ông ta vào ghế, ngắt điện thoại, và khóa cả hai người kia trong phòng, bịt miệng họ. Gã phải thoát ra. Gã phải trấn tĩnh lại. Nhưng đi xuống hành lang, gã thậm chí còn không đi thẳng, mà lảo đảo từ bên này sang bên kia. Gã thấy choáng váng. Khi ra ngoài rồi, suy nghĩ của gã vẫn cứ rối tung, thế giới của gã vẫn bị đảo lộn, gã cứ đi về cổng chính mà không hề suy nghĩ, đến lúc nhận ra rằng sẽ an toàn hơn nhiều nếu trèo qua hàng rào như lúc đi vào thì đã quá muộn. Nhưng gã không thể đổi hướng; bảo vệ đã thấy gã tiến đến. Gã phải đi qua ngay chỗ họ. Gã bắt đầu vã mồ hôi. Họ để gã đi chẳng thắc mắc. Khi đã lên taxi, gã cho tài xế địa chỉ, bảo anh ta nhanh lên. Gã đang run rẩy, cả chân lẫn tay – gã không thể đừng được. Gã nhìn khi Raisa xem tập hồ sơ. Giờ cô đã biết câu chuyện em trai gã: cô biết tên của y, nhưng không biết họ tên đầy đủ. Gã nhìn phản ứng của cô khi cô xem tập giấy tờ. Cô không kết nối hai sự việc vào nhau, cô không đoán được. Làm sao cô có thể? Gã không thể nói với cô:
Kẻ đó là em trai anh.
Không cách nào biết được có bao nhiêu người trong nhà em trai gã. Những người khác ở cùng đặt ra một tình thế khó khăn. Họ hầu như chắc chắn không biết được bản chất của con người này, kẻ giết người này, không biết những tội ác của y – chắc chắn một phần là bởi y giết người ở cách xa nhà. Em trai gã đã tạo ra một nhân cách phân đôi, cuộc sống ở nhà y và cuộc đời một kẻ giết người, cũng như Leo đã tách danh tính của mình thành hai, cậu bé là gã trước đây và cậu bé gã đã trở thành. Leo lắc đầu: gã phải tập trung. Gã ở đây để giết kẻ này. Vấn đề là làm sao qua được những người khác trong nhà. Cả gã và Raisa đều không có súng. Raisa cảm nhận được do dự của gã bèn hỏi:
– Điều gì khiến anh lo lắng thế?
– Những người khác trong nhà kia.
– Anh thấy khuôn mặt kẻ này. Anh đã thấy ảnh. Anh có thể lẻn vào và giết khi hắn đang ngủ.
– Anh không thể làm thế.
– Leo, hắn không xứng đáng gì hơn.
– Anh phải chắc chắn. Anh phải nói chuyện với hắn.
– Hắn sẽ chối thôi. Càng nói chuyện anh càng khó giết hắn.
– Có lẽ đúng vậy. Nhưng anh sẽ không giết khi hắn đang ngủ.
Họ được Sarra đưa cho một con dao. Leo đưa nó cho Raisa:
– Anh sẽ không dùng thứ này.
Raisa không chịu cầm.
– Leo, kẻ này đã giết hơn bốn mươi trẻ em.
– Và anh sẽ giết hắn vì điều đó.
– Nếu hắn chống cự thì sao? Hẳn hắn phải có dao. Thậm chí một khẩu súng. Hẳn hắn phải rất khỏe.
– Hắn không phải một chiến binh. Hắn vụng về, nhút nhát.
– Leo, làm sao anh biết? Cứ cầm con dao đi. Làm sao anh giết hắn bằng tay không được?
Leo đưa con dao cho cô, nhấn cán dao vào tay cô:
– Em quên rồi: anh được huấn luyện để làm việc này. Tin anh đi.
Lần đầu tiên gã xin cô tin gã.
– Em tin.
Không có tương lai nào cho họ, không hy vọng chạy thoát, không hy vọng được ở bên nhau sau sự kiện đêm nay. Raisa nhận ra một phần trong cô muốn kẻ này không ở nhà, cô muốn hắn vắng nhà vì công chuyện nào đó. Để họ có lý do ở bên nhau, tránh việc bị bắt ít nhất thêm vài ngày nữa, trước khi quay lại hoàn tất công việc. Xấu hổ vì ý nghĩ đó, cô gạt bỏ nó sang bên. Có bao nhiêu người đã liều tính mạng của mình để họ tới được đây? Cô hôn Leo, muốn gã thành công, muốn người đàn ông kia phải chết.
Leo bước đến ngôi nhà, còn lại Raisa tìm chỗ nấp. Kế hoạch đã nhất trí. Cô phải ở ngoài ngôi nhà, quan sát và chờ đợi. Nếu kẻ đó trốn chạy, cô sẽ ngăn cản y. Nếu có gì đó không ổn, nếu Leo thất bại, vì bất kể lý do gì, cô sẽ một lần nữa tìm cách giết y.
Gã đến cửa. Có ánh đèn mờ trong nhà. Thế nghĩa là có người còn thức? Gã dè dặt đẩy cửa, nó bật mở. Trước mắt gã là khu bếp, một chiếc bàn, một bếp lò. Ánh sáng phát ra từ chiếc đèn dầu: một ngọn lửa leo lắt trong chụp kính đầy muội đèn. Gã bước vào nhà, đi qua phòng bếp vào không gian bên cạnh. Gã ngạc nhiên thấy chỉ có hai chiếc giường. Trên một giường là hai cô bé ngủ cùng nhau. Mẹ của chúng ở giường kia. Cô ta ngủ một mình: không thấy Andrei. Đây có phải gia đình của em trai gã không? Nếu vậy, đó cũng chính là gia đình của gã sao? Đây có phải là em dâu gã? Đây là các cháu gái gã sao? Không, có lẽ còn gia đình khác ở tầng dưới. Gã quay đi. Một con mèo nhìn gã chằm chằm, đôi mắt xanh lạnh lùng. Bộ lông nó màu đen đốm trắng. Mặc dù nó được ăn uống tốt hơn con mèo ở trong rừng, con mèo họ săn giết, nhưng nó cũng có cùng màu, cùng loại. Leo cảm thấy như gã đang ở trong một giấc mơ, những mảnh vỡ quá khứ vây quanh gã. Con mèo len qua cánh cửa thứ hai, đi xuống tầng. Leo theo sau.
Cầu thang hẹp dẫn xuống căn hầm được chiếu sáng bởi ánh đèn leo lắt. Con mèo xuống bậc thang và quay đi biến mất. Từ đầu cầu thang, toàn bộ căn phòng bị che khuất. Leo chỉ nhìn thấy mép của một chiếc giường khác. Giường trống. Có lẽ nào Andrei không ở nhà? Leo bước xuống bậc thang, cố không gây tiếng động.
Đến chân cầu thang, gã nhìn quanh góc hầm. Một người đàn ông đang ngồi trước bàn. Y đeo cặp kính vuông dày cộp, áo sơ mi trắng sạch sẽ. Y đang chơi bài. Y nhìn lên. Andrei dường như không ngạc nhiên. Y đứng lên. Từ nơi Leo đang đứng, gã có thể thấy bức tường phía sau em trai mình, như thể nở ra trên đầu em trai gã, một loạt những mẩu báo cắt ra, dán lên tường, những bức ảnh giống nhau liên tiếp, bức ảnh của gã – Leo, đang đứng, chiến thắng, bên cạnh đống đổ nát bốc khói của chiếc thiết giáp, khuôn mặt biểu tượng chiến thắng.
– Pavel, sao mãi giờ anh mới đến?
Em trai gã chỉ chiếc ghế trống đối diện y.
Leo cảm thấy bất lực, không làm gì được, ngoài việc tuân theo, nhận ra gã không còn kiểm soát được tình hình nữa. Không hề hoảng sợ hay bất ngờ, không hề lắp bắp tìm lời hay thậm chí chạy trốn, Andrei dường như sẵn sàng cho cuộc đối mặt này. Ngược lại, Leo mất phương hướng, bối rối: thật khó mà không làm theo chỉ dẫn của em trai gã.
Leo ngồi xuống. Andrei ngồi xuống. Anh trai đối diện với em trai: đoàn tụ sau hơn hai mươi năm. Andrei hỏi:
– Anh biết đó là em ngay từ đầu đúng không?
– Ngay từ đầu?
– Từ cái xác đầu tiên anh tìm thấy?
– Không.
– Cái xác nào anh tìm thấy đầu tiên?
– Larisa Petrova, Voualsk.
– Một cô bé, em nhớ.
– Và Arkady, Moscow?
– Có vài vụ ở Moscow.
Vài – y dùng từ đó một cách thản nhiên. Nếu có vài vụ, hẳn chúng đã bị che giấu:
– Arkady bị giết tháng Hai năm nay, trên đường ray.
– Một cậu bé con?
– Nó mới bốn tuổi.
– Em cũng nhớ ra nó. Những vụ đó là gần đây. Lúc đó, em đã hoàn thiện phương pháp. Nhưng anh vẫn không biết đó là em sao? Những vụ đầu tiên không rõ ràng lắm. Em đã lo lắng. Anh thấy đấy, em không thể quá lộ liễu được. Nó phải là cái gì đó chỉ có anh mới nhận ra. Em không thể viết tên em. Em đã liên lạc với anh, chỉ anh thôi.
– Em đang nói gì thế?
– Anh trai, em chưa bao giờ tin anh bị chết. Em luôn biết anh còn sống. Và em vẫn luôn có một mong muốn duy nhất, một khát vọng duy nhất… là tìm anh về.
Có phải đó là sự tức giận trong giọng nói của Andrei hay lòng yêu mến hay cả hai cảm xúc trộn lẫn? Khát vọng duy nhất của y là đưa gã về hay trở về với gã? Andrei mỉm cười, một nụ cười ấm áp – rộng mở và chân thành – như y vừa mới thắng một ván bài.
– Đứa em ngốc nghếch, vụng về của anh đã đúng một điều. Nó đã đúng về anh. Em đã cố nói với mẹ rằng anh còn sống. Nhưng mẹ không quan tâm đến em. Mẹ chắc rằng ai đó đã bắt anh đi, giết anh. Em nói với mẹ rằng không đúng, em nói với mẹ là anh bỏ trốn, cùng với con mèo. Em đã hứa đi tìm anh, và khi tìm được em sẽ không tức giận, em sẽ tha thứ cho anh. Mẹ không nghe. Mẹ phát điên. Mẹ quên em là ai và vờ như em là anh. Mẹ gọi em là Pavel và bảo em giúp bà, như anh từng giúp bà. Em sẽ giả vờ là anh, vì như thế dễ hơn, vì điều đó khiến mẹ vui, nhưng ngay khi em mắc lỗi, mẹ nhận ra em không phải là anh. Mẹ nổi giận, mẹ đánh em, và đánh em cho đến khi mọi tức giận qua đi. Và lúc đó mẹ lại khóc thương anh. Mẹ chưa bao giờ thôi khóc thương anh. Ai cũng đều có một lý do để sống. Anh là lý do của bà. Nhưng anh cũng là lý do của em. Sự khác nhau duy nhất giữa em và mẹ là em tin chắc anh còn sống.
Leo lắng nghe, như một đứa trẻ ngồi trước mặt người lớn, im lặng chăm chú nghe giải thích về thế giới. Gã còn không thể giơ tay, hay đứng lên – làm bất cứ điều gì khác – để cắt ngang. Andrei nói tiếp:
– Trong khi mẹ của chúng ta để mình suy sụp, em phải tự chăm sóc bản thân. Thật may cho em là mùa đông kết thúc và mọi thứ dần trở nên tốt hơn. Trong làng chỉ có mười người sống sót, mười một, tính cả anh. Những người khác chết hết. Khi mùa xuân đến, và tuyết tan đi, xác người hôi thối, cả ngôi làng thối rữa và bệnh tật. Ta không thể tới gần họ được. Nhưng vào mùa đông nó yên ắng, thanh bình và hoàn toàn tĩnh mịch. Và trong suốt thời gian đó, em đi săn trong rừng, hằng đêm, một mình. Em lần theo dấu vết. Em tìm anh và gọi tên anh, hét tên anh vào rừng. Nhưng anh không quay về.
Như thể não gã tiêu hóa những lời đó một cách chậm chạp, mổ xẻ chúng ra, Leo hỏi – giọng ngập ngừng:
– Em giết những đứa trẻ kia bởi vì em nghĩ anh đã bỏ em?
– Em giết chúng để anh đi tìm em. Em giết chúng để khiến anh quay về nhà. Em giết chúng như là một cách để nói với anh. Còn ai khác có thể hiểu được những manh mối của tuổi thơ chúng ta? Em biết anh sẽ theo dấu chúng tìm đến em, giống như anh đã tìm dấu chân trên tuyết. Anh là một thợ săn, Pavel, thợ săn giỏi nhất thế giới. Em không biết anh có phải là dân quân không. Khi em thấy bức ảnh của anh, em đã nói chuyện với nhân viên của Pravda. Em đã hỏi tên anh. Em giải thích rằng chúng ta bị thất lạc và rằng em nghĩ tên anh là Pavel. Họ nói Pavel không phải tên anh và thông tin về anh được bảo mật. Em cầu xin họ cho em biết anh chiến đấu ở sư đoàn nào. Thế mà họ còn không chịu trả lời. Em cũng là lính mà. Không như anh, không phải người hùng, không phải yếu nhân. Nhưng em hiểu đủ để biết rằng anh hẳn phải ở trong lực lượng đặc nhiệm. Từ sự bí mật thông tin tên của anh, em biết có nhiều khả năng anh hoặc là trong quân đội hoặc là trong Bộ An ninh Nhà nước hoặc trong chính phủ. Em biết anh là người quan trọng, anh không thể là gì khác được. Anh có thể tiếp cận thông tin về những vụ giết người này. Tất nhiên, điều đó cũng không mấy quan trọng. Nếu em giết đủ số trẻ em, đủ địa điểm, em chắc anh sẽ bắt gặp vụ của em, bất kể anh làm nghề gì. Em chắc anh sẽ nhận ra đó là em.
Leo rướn người ra trước. Em trai gã dường như hiền lành, lý lẽ của y thật cẩn thận. Leo hỏi:
– Em trai, chuyện gì đã xảy ra với em?
– Ý anh là sau khi rời làng? Cũng là điều xảy ra với mọi người: em bị đưa đi lính. Em bị mất kính trong khi chiến đấu, rơi vào tay quân Đức. Em bị bắt. Em đã đầu hàng. Khi em trở về Nga, là tù binh, em đã bị bắt, bị thẩm vấn, bị đánh. Bọn họ dọa sẽ cho em vào tù. Em nói với họ, làm sao em có thể trở thành kẻ phản bội khi em hầu như không nhìn thấy gì? Trong sáu tháng trời em không có kính. Thế giới xa hơn cái mũi của em chỉ mù mờ. Và mọi đứa trẻ em nhìn thấy đều là anh. Lẽ ra em đã bị tử hình. Nhưng bọn cai tù cười cợt khi em va đập vào mọi thứ. Em đã ngã mọi lúc, như khi em còn bé. Em đã sống sót. Em quá ngốc nghếch vụng về, nên không thể là gián điệp cho quân Đức được. Bọn họ chửi bới em, đánh em, rồi thả em ra. Em quay về đây. Thậm chí ở đây em cũng bị ghét bỏ và bị gọi là kẻ phản bội. Nhưng không gì khiến em bận tâm. Em đã có anh. Em tập trung đời mình vào một nhiệm vụ duy nhất – đưa anh về với em.
– Vậy là em bắt đầu giết người?
– Em bắt đầu trong vùng này trước tiên. Nhưng sau sáu tháng em phải tính đến việc anh có thể ở bất kỳ đâu trên đất nước. Đó là lý do em làm công việc toikach, để em có thể đi lại. Em cần để lại dấu hiệu trên khắp đất nước, những dấu hiệu để anh lần theo.
– Dấu hiệu? Đây là những đứa trẻ.
– Lúc đầu em giết những con thú, bắt chúng như khi chúng ta bắt con mèo. Nhưng không có tác dụng. Không ai chú ý. Không ai quan tâm. Không ai để ý. Một ngày, có một đứa trẻ tình cờ gặp em trong rừng. Nó hỏi em đang làm gì. Em giải thích em đang nhử mồi. Đứa bé cùng tuổi với anh khi anh bỏ em. Và em nhận ra đứa bé là con mồi tốt hơn nhiều. Mọi người sẽ chú ý một đứa trẻ bị giết. Anh sẽ hiểu ý nghĩa. Anh nghĩ tại sao em giết nhiều đứa trẻ như vậy trong những tháng mùa đông? Để anh theo dấu vết của em trên tuyết. Anh không theo dấu ủng của em sâu trong rừng, như khi anh theo dấu con mèo sao?
Leo lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng của em trai gã như đang nghe tiếng nước ngoài mà gã gần như không hiểu:
– Andrei, em có gia đình. Anh thấy con của em trên kia, những đứa trẻ giống như những đứa trẻ em đã giết. Em có hai cô con gái xinh đẹp. Em không hiểu điều em làm là sai ư?
– Nó cần thiết.
– Không.
Andrei đấm nắm tay xuống bàn, giận dữ:
– Đừng giở giọng đó với em! Anh không có quyền tức giận! Anh chưa bao giờ thèm đi tìm em! Anh chưa bao giờ quay lại! Anh biết em còn sống và anh không quan tâm! Quên đi thằng Andrei vụng về ngu ngốc! Nó chẳng là gì với anh! Anh bỏ lại em với bà mẹ điên rồ chết tiệt và ngôi làng đầy xác thối! Anh không có quyền phán xét em.
Leo nhìn chằm chằm vào khuôn mặt bỗng nhiên biến dạng, nhăn nhó vì giận dữ của em gã. Đây có phải khuôn mặt bọn trẻ trông thấy? Em trai gã đã trải qua chuyện gì? Nỗi kinh hoàng nào không thể chịu đựng nổi? Nhưng thời giờ để thương hại và thấu hiểu đã qua lâu rồi. Andrei lau mồ hôi trên trán:
– Đó là cách duy nhất em có thể khiến anh tìm ra em, cách duy nhất em có thể làm anh chú ý. Anh có thể đã đi tìm em. Nhưng anh không đi tìm. Anh tách em ra khỏi đời anh. Anh xóa em ra khỏi đầu anh. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời em là khi chúng ta bắt được con mèo đó, cùng nhau, như một đội. Khi chúng ta ở cùng nhau, em không bao giờ cảm thấy thế giới bất công, thậm chí khi chúng ta không có thức ăn, thậm chí khi trời lạnh cóng. Nhưng rồi anh bỏ đi.
– Andrei, anh không bỏ em. Anh bị bắt. Anh bị một người đánh vào đầu khi ở trong rừng. Anh bị bỏ vào một chiếc túi và mang đi. Anh không bao giờ có thể bỏ em.
Andrei lắc đầu:
– Đó là điều mẹ chúng ta nói. Nhưng là nói dối. Anh đã phản bội em.
– Anh gần như đã chết. Người đàn ông kia bắt anh, ông ta định giết anh. Họ định cho con trai họ ăn thịt anh. Nhưng khi về đến nhà, con trai họ đã chết. Anh đã bị chấn động. Anh thậm chí không nhớ tên mình. Phải mất nhiều tuần anh mới hồi phục. Lúc đó, anh đã ở Moscow rồi. Bọn anh rời bỏ nông thôn. Họ phải tìm thức ăn. Anh nhớ ra em. Anh nhớ mẹ của chúng ta. Anh nhớ chúng ta sống cùng nhau. Tất nhiên là anh nhớ. Nhưng anh phải làm gì? Anh không có lựa chọn. Anh phải sống tiếp. Anh xin lỗi.
Leo đang xin lỗi.
Andrei nhặt cỗ bài lên và xáo:
– Anh có thể tìm em khi anh lớn lên. Anh có thể bỏ chút công sức. Em không đổi tên. Hẳn sẽ dễ dàng tìm ra em, nhất là đối với một người có quyền lực.
Đúng vậy, Leo có thể tìm em trai; gã có thể tìm ra y. Gã đã cố chôn vùi quá khứ. Và giờ em trai gã đã phá hỏng con đường quay lại cuộc sống của gã.
– Andrei, anh đã sống cả đời mình cố quên đi quá khứ. Anh lớn lên sợ hãi đối mặt cha mẹ mới. Anh sợ nhắc họ nhớ lại quá khứ vì anh sợ gợi lại lúc họ muốn giết anh. Anh từng thức dậy hằng đêm – vã mồ hôi, kinh hoàng – lo rằng họ có thể đổi ý và rằng họ lại giết anh. Anh làm mọi thứ trong khả năng của mình để họ thương yêu anh. Đó là chuyện sinh tồn.
– Anh luôn muốn làm mọi việc không có em, Pavel. Anh luôn muốn bỏ rơi em.
– Em biết tại sao anh đến đây không?
– Anh đến để giết em. Thợ săn đến để làm gì khác đây? Sau khi anh giết em, em sẽ bị ghét bỏ và anh sẽ được yêu thương. Luôn là như thế.
– Em trai, anh bị xem là kẻ phản bội vì cố ngăn em lại.
Andrei dường như thực sự ngạc nhiên:
– Tại sao?
– Họ đổ tội giết người của em cho những người khác – nhiều người vô tội đã chết trực tiếp và gián tiếp vì tội ác của em. Em có hiểu không?
Mặt Andrei vẫn thờ ơ. Cuối cùng y nói:
– Em sẽ viết lời thú tội.
Một lời thú tội khác: và nó sẽ nói gì?
Tôi – Andrei Sidorov – là một kẻ giết người.
Em trai gã không hiểu. Không ai muốn lời thú tội của y:
– Andrei, anh ở đây không phải để lấy lời thú tội của em. Anh ở đây để bảo đảm em không giết trẻ em nữa.
– Em sẽ không ngăn cản anh. Em đã đạt được tất cả những gì em đặt ra phải đạt được. Em đã tỏ ra là đúng. Anh buộc phải hối tiếc vì không tìm em sớm hơn. Nếu anh tìm, nghĩ xem bao nhiêu mạng sống đã được cứu.
– Em điên rồi.
– Trước khi anh giết em, em muốn chơi một ván bài. Làm ơn, anh trai, ít nhất đây là điều anh có thể làm cho em.
Andrei chia bài. Leo nhìn quân bài:
– Làm ơn đi, anh trai, chỉ một ván thôi. Nếu anh chơi, em sẽ để anh giết em.
Leo lấy bài lên, không phải vì lời hứa của em trai gã, mà vì gã cần thời gian để rũ sạch tâm trí. Gã cần tưởng tượng Andrei là một người lạ. Họ bắt đầu trò chơi. Tập trung, Andrei tỏ ra hoàn toàn hài lòng. Có tiếng động bên cạnh. Leo hoảng hốt quay lại. Một cô bé xinh xắn đứng ở chân cầu thang, tóc xõa rối. Cô bé vẫn đứng ở chân cầu thang, gần như toàn bộ thân người bị che khuất, một kẻ tọc mạch dè dặt. Andrei đứng lên:
– Nadya, đây là anh trai của bố, Pavel.
– Người anh bố đã kể cho con đúng không ạ? Người mà bố nói sẽ đến thăm nhà ta phải không?
– Đúng.
Nadya quay sang Leo:
– Bác có đói không? Bác đi có xa không?
Leo không biết phải nói gì. Andrei trả lời thay:
– Con quay về giường đi.
– Con tỉnh ngủ rồi. Con sẽ không ngủ lại được. Con nằm trên nhà và nghe bố nói chuyện thôi. Con ngồi với bố được không? Con cũng muốn gặp bác nữa. Con chưa bao giờ gặp ai trong gia đình bố. Con rất thích. Con xin bố, đi mà bố?
– Bác Pavel đi rất xa đến để tìm bố. Có rất nhiều điều phải nói.
Leo phải tống cô bé này đi. Gã đang có nguy cơ lọt vào một cuộc đoàn tụ gia đình, những cốc vodka, những miếng thịt lạnh, và những câu hỏi về quá khứ của gã. Gã đến đây để giết.
– Có lẽ chúng ta uống chút trà, nếu có?
– Có ạ. Con biết cách pha trà. Con đánh thức mẹ nhé?
Andrei nói:
– Không. Để mẹ ngủ.
– Vậy con sẽ pha trà một mình.
– Ừ, con làm một mình đi.
Cô bé mỉm cười và chạy lên nhà.
Phấn khích, Nadya leo lên cầu thang. Cô bé biết chắc bác mình có nhiều câu chuyện thú vị để kể. Bác là lính, là anh hùng. Bác có thể chỉ bảo cho cô làm cách nào trở thành phi công chiến đấu. Có lẽ bác cũng cưới một phi công. Cô bé mở cửa vào phòng khách và há hốc. Có một phụ nữ xinh đẹp đứng trong bếp. Cô đứng im khe, một tay để sau lưng, như thể bàn tay khổng lồ nào đó đã thò qua cửa sổ và đặt cô ở đó – một con búp bê trong ngôi nhà búp bê.
Raisa giữ con dao sau lưng, thép áp vào váy cô. Cô đợi bên ngoài một lúc lâu tưởng như không thể chịu đựng nổi. Hẳn có điều gì không ổn. Cô phải kết thúc việc này. Ngay khi cô bước vào cửa, cô nhẹ nhõm nhận ra có ít người trong nhà. Có hai chiếc giường, một cô bé và một người mẹ. Cô bé trước mặt cô là ai? Cô bé từ đâu ra? Cô bé dường như vui vẻ và hớn hở. Không có cảm giác lo lắng hay sợ hãi. Chưa có ai chết cả:
– Tên cô là Raisa. Chồng cô có ở đây không?
– Ý cô là bác Pavel phải không?
Pavel – tại sao gã tự nhận là Pavel? Tại sao gã lại dùng cái tên cũ ấy?
– Đúng…
– Cháu là Nadya. Cháu rất vui được gặp cô. Cháu chưa bao giờ gặp người nhà nào của bố cháu.
Raisa giữ con dao sau lưng. Gia đình – cô bé này đang nói gì?
– Chồng cô đâu rồi?
– Ở phía dưới ạ.
– Cô chỉ muốn bác ấy biết là cô đang ở đây.
Raisa đến cầu thang, đưa con dao ra trước, để Nadya không nhìn thấy lưỡi dao. Cô đẩy cửa.
Đi từ từ, lắng nghe âm thanh đều đều của cuộc trao đổi, Raisa xuống bậc thang. Cô giơ con dao ra trước, run rẩy. Cô tự nhắc nhở rằng càng mất nhiều thời gian, việc giết kẻ này càng khó thực hiện. Đến chân cầu thang, cô thấy chồng mình đang chơi bài.
Chương 67
Vasili lệnh cho quân của hắn bao vây ngôi nhà – không ai chạy thoát được. Đi theo hắn có mười lăm người, đa số là người địa phương, và hắn không có quan hệ gì với họ. Lo sợ họ làm mọi việc theo sách vở, bắt Leo và vợ gã, Vasili phải cáng đáng lấy mọi chuyện. Hắn sẽ kết thúc chuyện này ở đây, cho chắc là sẽ xóa sạch bất cứ bằng chứng nào có lợi cho họ. Hắn tiến lên, súng đã sẵn sàng. Hai người đi cùng hắn. Hắn ra hiệu cho họ đứng yên tại chỗ.
– Cho tôi năm phút. Trừ phi tôi gọi các anh, nếu không thì đừng vào. Rõ chưa? Nếu tôi không ra sau năm phút, ập vào nhà, giết hết.
***
Tay Raisa run rẩy, giữ con dao trước mặt. Cô không thể làm được. Cô không thể giết kẻ này. Hắn đang chơi bài với chồng cô. Leo bước đến cô:
– Anh sẽ làm.
– Tại sao anh chơi bài với hắn?
– Vì đó là em trai anh.
Trên nhà cô bé hét lên. Có tiếng quát tháo, giọng một người đàn ông. Trước khi mọi người kịp phản ứng, Vasili đã xuất hiện ở chân cầu thang, hắn giơ súng. Hắn quan sát cảnh tượng. Hắn cũng tỏ ra bối rối, nhìn chằm chằm những lá bài trên bàn:
– Mày đi cả chặng đường chỉ để chơi một ván bài. Tao nghĩ mày đang săn lùng cái gọi là kẻ giết trẻ con. Hay đây là một phần trong quá trình thẩm vấn kiểu mới của mày?
Leo đã để quá muộn. Không còn cách nào giết Andrei được nữa. Nếu có manh động nào, gã sẽ bị bắn và Andrei vẫn tự do. Thậm chí khi lý do đã rõ của em trai gã về việc giết người – cuộc đoàn tụ của họ – không còn nữa, Leo không tin Andrei có thể dừng lại. Leo đã thất bại. Gã đã quá nhiều lời trong khi lẽ ra phải ra tay. Gã đã không thấy được rằng nhiều người muốn gã chết hơn là muốn em trai gã chết:
– Vasili, tôi cần anh lắng nghe tôi.
– Quỳ xuống.
– Làm ơn…
Vasili lên nòng. Leo quỳ xuống. Gã chỉ biết tuân thủ, cầu khẩn, van xin, nhưng đây là kẻ không chịu lắng nghe, hắn chẳng quan tâm gì khác ngoài hằn thù cá nhân:
– Vasili, điều này quan trọng…
Vasili gí súng vào đầu gã.
– Raisa, quỳ xuống cạnh chồng cô, quỳ ngay!
Cô quỳ xuống cạnh chồng mình, giống như vụ xử tử ở ngoài chuồng bò. Khẩu súng đưa sang sau đầu cô. Raisa nắm tay gã, nhắm mắt. Leo hét lên:
– Không!
Đáp lại, Vasili gõ nòng súng vào đầu cô, trêu ngươi gã:
– Leo…
Giọng Vasili lạc đi. Raisa nắm chặt tay Leo. Nhiều giây trôi qua; chỉ có yên lặng. Không chuyện gì xảy ra. Rất chậm rãi, Leo quay lại.
Lưỡi dao răng cưa đã đâm vào lưng Vasili và xuyên qua bụng hắn. Andrei đứng đó, cầm con dao. Y đã cứu anh trai mình. Y bình thản lấy con dao – y không vấp ngã – và y đâm kẻ này sạch sẽ và lặng lẽ, rất thuần thục. Andrei hạnh phúc, hạnh phúc như khi bọn họ cùng nhau giết con mèo, hạnh phúc như chưa bao giờ có trong đời y.
Leo đứng lên, cầm lấy khẩu súng từ tay Vasili. Máu từ mép Vasili ngoằn ngoèo chảy ra. Hắn vẫn còn sống, nhưng mắt hắn không còn toan tính, những kế hoạch không bao giờ được lập ra nữa. Hắn giơ một tay, đặt lên vai Leo, như thể nói lời tạm biệt một người bạn, trước khi đổ xuống. Kẻ này, kẻ mà cả đời hắn chỉ nhằm vào việc ngược đãi Leo, đã chết. Nhưng Leo không cảm thấy nhẹ nhõm hay thỏa mãn. Gã chỉ có thể nghĩ đến nhiệm vụ còn lại phải thực hiện.
Raisa đứng lên, cạnh chồng mình. Andrei vẫn ở đó. Không ai làm gì. Từ từ, Leo đưa súng lên, nhắm bắn, ngay phía trên sống mũi nơi mắt kính của em trai gã. Trong căn phòng nhỏ, họng súng chỉ cách đầu em trai gã ba mươi xăng ti mét.
Một giọng thét lên:
– Bác làm gì thế?
Leo quay lại. Nadya ở chân cầu thang. Raisa thì thầm:
– Leo, ta không có nhiều thời gian.
Nhưng Leo không làm được. Andrei nói:
– Anh trai, em muốn anh bắn.
Raisa với tay ra, đặt tay vào tay Leo. Họ cùng nhau bóp cò. Súng phát hỏa, giật lại. Đầu Andrei giật giật và y ngã xuống sàn nhà.
Nghe tiếng súng, những quân lính vũ trang ập vào ngôi nhà, chạy xuống cầu thang. Raisa và Leo thả súng ra. Tên trưởng nhóm nhìn chằm chằm vào xác Vasili. Leo nói trước, tay gã run run. Gã chỉ vào Andrei – em trai gã:
– Đây là kẻ giết người. Cấp trên của các anh đã chết khi cố bắt hắn.
Leo nhặt chiếc cặp đen lên. Không biết phán đoán của gã có đúng không, gã mở nó ra. Bên trong là một lọ thủy tinh được bọc trong một tờ báo. Gã vặn mở nắp, đổ thứ trong lọ ra, lên trên ván bài. Đó là dạ dày của nạn nhân cuối cùng của em trai gã, được gói trong một ấn phẩm báo. Leo nói thêm, giọng gã gần như không nghe được:
– Vasili đã chết như một anh hùng.
Khi cảnh sát đi quanh bàn, xem xét cái phát giác gớm ghiếc này, Leo bước lùi lại. Nadya chằm chằm nhìn gã, sự giận dữ hệt bố nó hiện lên trong mắt.
Chương 68
Moscow
18 tháng bảy
Leo đứng trước thiếu tá Grachev trong chính văn phòng nơi gã đã từ chối tố cáo vợ mình. Leo không nhận ra tay thiếu tá. Gã chưa nghe nói đến ông ta. Nhưng gã không ngạc nhiên có người mới phụ trách ở đây. Không ai tồn tại lâu bên những nấc thang cao trong Bộ An ninh Quốc gia, và bốn tháng đã trôi qua từ khi gã đứng đây. Lần này không đời nào họ bị trừng phạt lưu đày, không bị giám sát hay đưa vào Gulag. Việc xử tử họ sẽ xảy ra tại đây, ngay hôm nay.
Thiếu tá Grachev nói:
– Cấp trên trước đây của cậu là thiếu tá Kuzmin, người được bổ nhiệm. Cả hai đã bị bắt. Vụ của cậu giờ được giao cho tôi.
Trước mặt gã là tập hồ sơ nhàu nát thu giữ được ở Voualsk. Grachev lật giở các trang hồ sơ, những bức ảnh, lời khai, hồ sơ tòa án:
– Trong tầng hầm đó, chúng tôi tìm thấy phần còn lại của ba cái dạ dày, hai cái đã được nấu chín. Chúng là dạ dày của những đứa trẻ, mặc dù chúng ta vẫn còn đang cố tìm hiểu xem nạn nhân là ai. Cậu đã đúng. Andrei Sidorov là kẻ giết người. Tôi đã xem lại tiểu sử của hắn. Hình như hắn là đồng bọn của quân Đức Quốc xã và do nhầm lẫn đã được trả về xã hội chúng ta sau cuộc chiến, thay vì bị xử lý đúng đắn hơn. Đấy là một sai lầm không thể tha thứ của chúng ta.
Ông ta ngừng lại, nhìn Leo:
– Cậu không nghĩ vậy sao?
– Đó chính là điều tôi nghĩ, thưa thiếu tá.
Grachev giơ tay ra:
– Sự phục vụ của cậu với đất nước thật phi thường. Tôi được lệnh thăng chức cho cậu, một vị trí cao hơn trong Bộ An ninh Nhà nước. Một con đường thênh thang đi đến một vai trò chính trị, nếu cậu muốn. Chúng ta đang ở thời kỳ mới, Leo. Vợ cậu đã được thả. Vì cô ấy đã giúp đỡ cậu truy tìm tên gián điệp nước ngoài này, bất kỳ nghi ngờ nào về sự trung thành của cô ấy giờ đã được trả lời. Hồ sơ của hai người sẽ được trong sạch. Bố mẹ cậu sẽ có lại căn hộ cũ. Nếu nó không còn, họ sẽ được một căn hộ tốt hơn.
Leo vẫn im lặng.
– Cậu không có gì để nói sao?
– Thật là lời đề nghị rộng lượng. Tôi rất vinh dự. Thiếu tá hiểu là tôi đã hành động mà không hề nghĩ đến thăng tiến hay quyền lực. Tôi chỉ biết kẻ này phải bị ngăn chặn.
– Tôi hiểu.
– Nhưng tôi xin phép được từ chối lời đề nghị. Và thay vì thế, tôi đưa ra một đề nghị của mình.
– Cứ nói đi.
– Tôi muốn điều hành Ban Chống Tội phạm Giết người ở Moscow. Nếu một ban như vậy không tồn tại thì tôi muốn thành lập nó.
– Cần gì phải thành lập một ban như vậy?
– Như thiếu tá đã nói, giết người sẽ trở thành một vũ khí chống lại xã hội chúng ta. Tôi tin tội phạm sẽ trở thành một mặt trận mới trong cuộc đấu tranh của chúng ta với phương Tây. Chúng sẽ dùng nó để xâm hại bản chất hài hòa của xã hội. Khi chúng làm thế, tôi muốn có mặt để ngăn chặn.
– Nói tiếp đi.
– Tôi muốn chỉ huy Nesterov được chuyển đến Moscow. Tôi muốn anh ta làm việc cùng tôi ở ban mới này.
Grachev xem xét lời đề xuất, và gật đầu long trọng.
* * *
Raisa đang đợi bên ngoài, nhìn lên tượng đài nhà lãnh đạo Cheka. Leo ra khỏi tòa nhà và nắm tay cô, một cử chỉ trâng tráo thể hiện tình yêu chắc chắn sẽ khiến những kẻ đang nhìn từ Lubyanka phải dò xét. Gã không quan tâm. Họ đã an toàn, ít nhất là lúc này. Vậy là đủ lâu; đủ lâu mà ai cũng có thể hy vọng. Gã liếc nhìn lên tượng đài nhà lãnh đạo Cheka và nhận ra gã không thể nhớ một điều gì mà ông ta từng nói.
Chương 69
Moscow
Ngày 25 tháng bảy
Leo và Raisa ngồi trong phòng giám đốc Trại trẻ mồ côi 12, cách không xa vườn thú. Leo liếc nhìn vợ và hỏi:
– Sao lâu thế nhỉ?
– Em không biết.
– Có gì đó không ổn.
Raisa lắc đầu:
– Em không nghĩ vậy.
– Giám đốc không thích ta lắm.
– Em thấy anh ta có gì đâu.
– Nhưng anh ta nghĩ gì về mình?
– Em không biết.
– Em có nghĩ anh ta thích ta không?
– Anh ta nghĩ gì thực sự không quan trọng. Quan trọng là bọn trẻ nghĩ gì.
Leo đứng lên, bồn chồn, và nói:
– Anh ta phải chấp nhận.
– Anh ta sẽ ký giấy tờ. Đó không phải vấn đề.
Leo lại ngồi xuống, gật đầu:
– Em nói đúng. Anh lo lắng quá.
– Em cũng vậy.
– Trông anh thế nào?
– Ổn.
– Không quá nghiêm nghị chứ?
– Thư giãn nào, Leo.
Cánh cửa mở ra. Giám đốc, ngoài bốn mươi, bước vào phòng:
– Tôi đã tìm thấy chúng.
Leo tự hỏi đó chỉ là cách nói hài hước hay quả thật anh ta đã tìm khắp cả tòa nhà. Anh ta bước sang bên. Đứng sau anh ta là hai cô bé – Zoya và Elena – con gái của Mikhail Zinovìev. Đã vài tháng trôi qua kể từ khi chúng chứng kiến bố mẹ bị giết dưới tuyết ngoài ngôi nhà của chúng. Lúc này những thay đổi thể chất thật kinh hoàng. Chúng sụt cân, da mất sắc. Đứa em, Elena, chỉ mới bốn tuổi, đầu cạo trọc. Đứa chị, Zoya, mười tuổi, tóc cắt ngắn. Chúng hầu như chắc chắn bị chấy rận cắn xé.
Leo đứng lên, Raisa bên cạnh. Gã quay sang vị giám đốc:
– Chúng tôi nói chuyện riêng được không?
Vị giám đốc không thích lời đề nghị này. Nhưng anh ta buộc phải nghe theo và ra ngoài, đóng cửa lại. Cả hai cô bé dựa lưng vào tường, cách họ xa nhất có thể.
– Zoya, Elena, chú là Leo. Cháu có nhớ chú không?
Không trả lời, không thay đổi vẻ mặt. Mắt chúng cảnh giác, chờ đợi nguy hiểm. Zoya nắm tay em.
– Đây là vợ chú, Raisa. Cô ấy là giáo viên.
– Chào cháu Zoya. Chào cháu Elena. Sao các cháu không ngồi xuống nhỉ? Ngồi xuống sẽ thoải mái hơn nhiều.
Leo lấy mấy cái ghế, đặt chúng gần hai cô bé. Mặc dù miễn cưỡng bước lại cửa nhưng chúng cũng ngồi xuống, vẫn nắm tay nhau, vẫn không nói gì.
Leo và Raisa khom xuống để họ dưới tầm mắt bọn trẻ, vẫn giữ khoảng cách với chúng. Móng tay của chúng đen bẩn – những vết cáu ghét rõ ràng – nhưng bàn tay chúng lại sạch sẽ. Rõ ràng là chúng được soạn sửa vội vã trước cuộc gặp. Leo bắt đầu:
– Vợ chú và chú muốn cho các cháu mái nhà, nhà của cô chú.
– Chú Leo đã giải thích cho cô lý do các cháu ở đây. Cô xin lỗi nếu chuyện này làm các cháu lúng túng, nhưng quan trọng là cô chú phải nói những điều này bây giờ.
– Mặc dù chú đã cố ngăn chặn để bố mẹ cháu khỏi bị giết, chú cũng đã không làm được. Có lẽ các cháu không thấy gì khác nhau giữa chú và sĩ quan đã làm cái tội ác khủng khiếp kia. Nhưng chú hứa với các cháu, chú là một người khác.
Leo ngập ngừng. Gã chờ một lúc để lấy lại bình tĩnh:
– Các cháu có thể cảm thấy rằng sống với cô chú là phản bội lại bố mẹ cháu. Nhưng chú tin rằng bố mẹ cháu sẽ muốn điều tốt nhất cho các cháu. Và cuộc sống ở trong trại trẻ không đem lại cho các cháu điều gì cả. Sau năm tháng, chú chắc các cháu hiểu điều đó hơn ai hết.
Raisa nói tiếp:
– Đây là quyết định khó khăn mà cô chú mong các cháu phải đưa ra. Các cháu còn nhỏ quá. Thật không may là chúng ta sống trong thời mà trẻ em buộc phải đưa ra quyết định của người lớn. Nếu các cháu ở đây, cuộc sống của các cháu sẽ vất vả và cũng khó mà dễ dàng hơn được.
– Vợ chú và chú muốn đưa các cháu về sống với tuổi thơ của các cháu, cô chú muốn tạo cho các cháu một cơ hội có tuổi thơ. Cô chú sẽ không thay thế bố mẹ cháu được. Không ai có thể thay thế bố mẹ cháu được. Cô chú sẽ là những người bảo vệ các cháu. Cô chú sẽ chăm sóc các cháu, cho các cháu ăn, và cho các cháu một mái ấm.
Raisa mỉm cười, nói thêm:
– Cô chú không hy vọng được đền đáp gì cả. Các cháu không phải yêu thương cô chú: các cháu thậm chí không buộc phải thích cô chú, mặc dù cô chú hy vọng cuối cùng rồi các cháu sẽ quý mến. Các cháu có thể lợi dụng cô chú để ra khỏi chỗ này.
Nghĩ rằng các cô bé sẽ từ chối, Leo nói thêm:
– Nếu các cháu không bằng lòng, cô chú sẽ cố gắng tìm một gia đình khác đón nhận các cháu, một gia đình không có liên hệ gì với quá khứ của các cháu. Nếu điều đó dễ dàng hơn cho các cháu, các cháu có thể nói với cô chú. Sự thật là chú không thể sửa chữa chuyện đã xảy ra. Tuy nhiên, cô chú có thể cho các cháu một tương lai tốt đẹp hơn. Các cháu sẽ có nhau. Các cháu sẽ có phòng riêng. Nhưng các cháu luôn biết chú là người đã đến nhà các cháu, người đã đến bắt bố cháu. Có lẽ ký ức đó sẽ mờ dần đi theo thời gian, nhưng các cháu sẽ không bao giờ quên. Điều đó sẽ khiến quan hệ của chúng ta phức tạp. Nhưng chú tin, từ kinh nghiệm cá nhân, rằng chúng ta có thể sống chung được.
Hai cô bé ngồi lặng lẽ, nhìn chằm chằm Leo, nhìn đăm đăm Raisa. Chúng không phản ứng gì và chúng không thay đổi vị trí, vẫn ngồi trên ghế nắm tay nhau. Raisa nói:
– Các cháu được tự do nói đồng ý hoặc không. Các cháu có thể đề nghị cô chú tìm cho các cháu một gia đình khác. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào các cháu.
Leo đứng lên:
– Cô chú sẽ đi dạo một lúc. Cô chú sẽ để các cháu bàn về chuyện đó, hai cháu, chỉ hai cháu thôi. Các cháu sẽ ở một mình trong phòng này. Đưa ra bất cứ quyết định gì các cháu muốn. Các cháu không có gì phải sợ cả.
Leo đi vòng qua hai cô bé và mở cửa. Raisa đứng lên và bước ra hành lang; Leo đi theo, đóng cửa lại. Họ cùng bước xuống hành lang, trong đời họ chưa bao giờ lo lắng hơn thế.
* * *
Trong văn phòng Zoya ôm chầm em gái.
HẾT