Dựng chuyện, bới chuyện, và buôn chuyện

Yard signs supporting U.S. President Donald Trump and Democratic U.S. presidential nominee and former Vice President Joe Biden are seen outside of an early voting site at the Fairfax County Government Center in Fairfax, Virginia, U.S., September 18, 2020. REUTERS/Al Drago

Hơn lúc nào hết, tình hình bầu bán tại Mỹ đang tăng tốc với những chiêu trò quỷ kế liên tục tung ra nhằm hạ thấp uy tín đối phương. Lọ là người tinh ý mới thấy những trò ngậm máu phun người, ném đá giấu tay gian hùng của phường mua quan, tậu tước; những kẻ làm chính trị lương tâm “trót đã nhúng chàm”. Càng đáng sợ hơn khi hàm răng lương tâm chỉ còn lại cặp nướu trống không, (thế là) lương tâm không bị cắn rứt nữa. Người ta quen nói dối và nói dối thuần lưỡi như cuội, ăn quàng nói xiên, chụp mũ và vu cáo, mãi, cuối cùng trò nói dối trở thành thứ nghệ thuật mị dân “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” vô cùng đáng sợ.

Quả nhiên thế, tính đến lúc này khái niệm “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” tại sân khấu chính trị Mỹ mùa phiếu 2020 chúng ta không lạ nữa. Ghét là một trạng thái tâm lý phổ biến quan sát nơi người, đặc biệt khi ghét trở thành thù hận, một căn bệnh lây lan thay đổi tâm tính con người biến họ khác hẳn. Căn bệnh ấy mới thật ra mới đáng nguy hiểm. Bởi thù ghét nhau người ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để tấn công kẻ thù, càng tơi tả càng tốt.

Câu chuyện “Xin cho con mù một mắt” bạn đã nghe qua. Chỉ vì thù hận người ta sẵn sàng chấp nhận mù một mắt để kẻ thù mù cả hai con. Vì thù hận người ta sẵn sàng hất bỏ những cơ hội hàn gắn, họ sẽ phủi tay làm ngơ trước nỗi đau đồng loại, họ ngang nhiên bỏ thuốc độc vào trà, ám sát anh em cùng một cha sinh ra bằng VX nerve agent, giết người không gớm tay, thôi thì cứ gọi là đủ cả…

Với sân khấu chính trị Mỹ gần đây, chỉ vì thù hận người ta sẵn sàng đạp đổ những giá trị nhân bản tối thiểu nhất. Thử nhìn lại xã hội Mỹ, đâu phải ngẫu nhiên (mà) dân Mỹ đối xử cạn tàu ráo máng với nhau một cách đáng buồn chưa từng thấy. Tại sao? Vì đâu? Tình trạng này, nếu ví nó là một căn bệnh xã hội, triệu chứng của căn bệnh đó hẳn bạn đọc không lạ; từ Minesota đến Texas, từ California đến New York, “I can’t breathe” là chuyện hoàn toàn có thật. Vậy đâu là căn nguyên, đâu là mầm bệnh của hiện tượng thù hận xã hội đang lây lan chóng mặt khắp nơi trên đất Mỹ?

Đổ lỗi cho thời buổi nhiễu nhương thông tin ư? Tại sao con người mất hẳn niềm tin nơi đồng loại dù là công dân chung một nước. Vâng, dân Mỹ hôm nay, cùng sống chung trên bốn múi giờ, cùng đi chung những ngôi chợ thương hiệu như nhau, cùng lái xe trên những xa lộ siêu tốc quen thuộc, vậy mà chỉ sau đôi câu hỏi han, mùa phiếu 2020 vô tình được nhắc đến lập tức trở thành “giấy quỳ tím” thử xem ai là bạn, ai là thù kết quả có được chỉ trong đôi ba phút.

Tại sao? Phải chăng thị trường thông tin đã góp phần tác động lên suy nghĩ chúng ta? Nói đến thị trường thông tin hôm nay, thiên hạ khó tránh ngao ngán lắc đầu trước những nguồn tin thất thiệt  đáng sợ xuất hiện lan tràn khắp nơi. Tại sao? Nếu dư luận nhận thức rõ (một khi) tin giả tấn công với tần số cao chúng sẽ phá hỏng thị trường thông tin chính thống. Chúng giống như chất độc, dù với liều lượng nhỏ, nhưng bơm mãi, cuối cùng sẽ đầu độc thị trường thông tin lẫn người sử dụng.

Gần đây ba khái niệm liên hệ đến thông tin (information) được nói nhiều tại các trang mạng trực tuyến Anh ngữ không ít bạn đọc có dịp nghe qua. Chúng là: Misinformation, disinformation, và malinformation. Đây là ba dạng méo mó của thông tin đang đầu độc bầu không khí chính trị Mỹ hiện nay. Quả nhiên thế, chưa bao giờ lịch sử Mỹ rơi vào tình trạng thông tin bóp méo xuất hiện ồ ạt, đặc biệt  từ mùa phiếu 2016 trở đi. Những tưởng sau mùa phiếu mọi thứ sẽ trở về trạng thái hiền hòa yên bình trước đó. Nhưng không. Căn bệnh suy thoái thông tin sau khi thâm nhập đã phá hỏng sức đề kháng “thẩm định thông tin” của dân Mỹ. Theo lối diễn tả trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, giới võ lâm Mỹ đang bị trúng độc của tà giáo, thuốc giải không thể lấy được dễ dàng. Đã thế tin xấu “cái bang” gây chia rẽ lan tràn khắp nơi. Tình thế giang hồ chưa bao giờ hung hiểm, hang hùm nọc rắn đáng sợ như hiện nay!

Trước tiên, ba hình thái thông tin này đều có chung từ gốc information. Vâng. Lẽ ra information nên thuần túy bao gồm những thông điệp mang nội dung chuẩn xác, trung thực, uy tín và có trách nhiệm xây dựng. Đó chính là nét đẹp của thông tin được trân trọng cổ xúy xưa nay. Truyền thông được trao cho sứ mệnh “người cầm đuốc” chính thống. Trên lý thuyết nó là như vậy, nếu chúng ta không quá khắt khe chiết tự tạm thời đồng ý với nhau như thế. Nhưng đối chiếu với thực tế gai góc hiện nay, còn được mấy người tin tưởng báo giới và các chính khách vẫn “nằm lòng” với quan điểm đạo đức nghề nghiệp của mình. Trong hàng ngũ người cầm bút Việt, mấy ai dám nói mình đang viết với trách nhiệm lương tri của một phu chữ sát với lời dạy chí tình của cụ Đồ Chiểu với tâm niệm rõ ràng minh bạch “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”, thẳng lưng, thẳng lưỡi, đủ tự tin để nói với mình câu: Cây ngay không sợ chết đứng…   

Nhưng không, thông tin (information) hiện nay đang mỗi ngày mỗi biến dạng trầm kha. Ba hình thái thông tin bóp méo chúng ta đang thảo luận rất nguy hiểm. Chúng có chung một từ gốc là information, được gắn ba tiếp-đầu-ngữ mis-, dis-, và mal- nên chúng biến dạng. Nếu chặt bỏ ba tiếp-đầu-ngữ tai hại này khỏi từ gốc information, vị trí khả kính truyền thống vốn có của thông tin (information) sẽ được khôi phục lại. Vậy ba tiếp-đầu-ngữ mis-, dis-, và mal- kia có nghĩa gì trong bối cảnh thị trường thông tin nhũng nhiễu hiện nay.

Misinformationinformation được gắn tiếp-đầu-ngữ mis (mis + information = misinformation). Theo định nghĩa (nguyên văn) nó là: Unintentional mistakes such as inaccurate photo caption, dates, statistics, translation, or when satire taken seriously. Dịch thoát nghĩa, nó là những thông tin sai lầm không chủ ý. Dạng này bao gồm những sai sót trong chú thích hình ảnh, trưng dẫn ngày tháng, trích dẫn số liệu thống kê song thiếu kiểm chứng, bản dịch thiếu chuẩn xác, hoặc nội dung châm biếm quá nghiêm trọng. Tiếp-đầu-ngữ mis- ở đây làm cho thông tin biến dạng không do cố ý. Nói theo tiếng Việt mình nó gần giống với thêm thắt trong quá trình buôn chuyện.

Disinformation information được gắn tiếp-đầu-ngữ dis (dis + information = disinformation). Theo định nghĩa (nguyên văn): Fabricated or deliberately manipulated audio/visual content. Intentionally created conspiracy theories or rumors, dịch thoát nghĩa đó là những thông tin nội dung nghe/nhìn được ngụy tạo với dụng ý thiết kế những giả thuyết âm mưu, những tin đồn bịa đặt. Ở đây, điểm khác biệt cốt lõi của disinformation là có sự cố ý, có chuẩn bị, có kế hoạch, có mưu tính gây ra những ảnh hưởng thâm độc hơn misinformation rất nhiều. Theo tiếng Việt mình nó chính là dựng truyện, là đơm điều, là ăn không nói có, là vu oan, giá họa…

Malinformationinformation được gắn tiếp-đầu-ngữ mal. Đây là hình thái thông tin được tung ra với dụng tâm gây tổn hại cho đối phương. Nguyên văn, malinformation được định nghĩa như sau: Deliberate publication of private information for personal or corporate rather than public interest, such as revenge porn. Deliberate change of context, date or time of genuine content. Dịch thoát nghĩa: Cố ý khai thác và phát tán thông tin riêng tư của một cá nhân hay một nhóm với động cơ “họ xấu thì mình tốt” có lợi cho cá nhân hoặc cho nhóm, chẳng hạn như bươi bới những thông tin tình dục riêng tư để trả thù, cố ý lèo lái ngữ cảnh, lũng đoạn thông tin về ngày hoặc giờ của nội dung thông tin gốc. Dạng này gần với bới chuyện trong cách nói của người Việt mình.

Từ ba định nghĩa hình thái thông tin bóp méo thảo luận phần trên, ứng cử viên tổng thống mùa phiếu 2020 nào sử dụng chúng nhiều hơn tại các diễn đàn thông tin chính trị xã hội hiện nay bạn đã nắm khá rõ. Nêu danh đích thị, vạch mặt xỉa trán thẳng thừng (thực ra) chẳng giúp được điều gì cho đại cuộc; đôi khi vô tình càng làm châm dầu vào lửa khiến đám cháy ngùn ngụt bốc hỏa. Không ngoa. Chỉ cần sơ sểnh trong lời ăn tiếng nói, vô tình chạm nọc người đối diện, khả năng mất anh mất em, mất bè mất bạn là chuyện một số trong chúng ta đã nhìn thấy. 

Quan sát kỹ hơn một chút, disinformation (dựng chuyện) đáng sợ nhất trong ba hình thức thông tin bị lũng đoạn. Tại sao? Vì nó là cố tình. Nó hao tốn công sức đầu tư vì cần phải chuẩn bị dàn dựng. Động cơ đen tối của kẻ xấu chủ yếu tìm đủ mọi cách đầu độc con mồi, càng thâm hiểm càng tốt. Disinformation là ổ bệnh nguyên thủy, từ đây những mầm độc xuất hiện đầu tiên. Còn malinfomation tuy có phần bớt độc địa hơn song tầm ảnh hưởng hậu quả trên thực tế không dễ tiên liệu, nó có phần gần với disinformation hơn. Riêng misinformation xét về mặt đạo đức lương tri có phần nhẹ hơn cả vì không xuất phát từ sự cố ý, song chỉ là hành động phát tán vô tình, thiếu trách nhiệm, vô thưởng vô phạt chứ không có chủ ý.

Nhìn chung ba hình thái thông tin biến dạng nêu trên, cái nào cũng nguy hại với an ninh chung cuộc bầu cử sắp tới. Tại sao chúng ta cần quan tâm đến chúng? Tất nhiên bởi hậu quả tác hại trực tiếp của chúng đối với dư luận xã hội nếu nước Mỹ thiếu biện pháp chế ngự.

Ví dụ, khi cá nhân A cố ý tạo ra những tin giả (disinformation) nhưng thiếu kênh phát tán đại chúng, sản phẩm tin giả của A sẽ không lan xa, lan nhanh bằng những tin giả chuyền tay, truyền khẩu của cá nhân B sau khi thêm thắt chút đỉnh (misinformation) nhưng có sự hỗ trợ của các kênh phát tán đại chúng, lan xa và lan nhanh hơn. Ở đây tội danh của hai kẻ tung tin giả đem ra xét xử trước vành móng ngựa lương tri, cá nhân B sẽ nặng tội hơn dù không phải là người đầu tiên dựng chuyện.

Tóm lại, disinformation là kẻ dựng chuyện. Malinformation là kẻ bới chuyện. Còn misinformation áp dụng cho người buôn truyện, vốn được thêm thắt bởi trót theo nghiệp “buôn dưa lê”. Bất luận thuộc về hình thái nào, dựng chuyện, bới chuyện, hay buôn truyện đều mang lại những ảnh hưởng tiêu cực. Chúng không hề lành mạnh cho xã hội.

Dựng chuyện bản thân nó là ăn không nói có, vu khống và bịa đặt. Bất luận dựng chuyện vụng về lừa gạt người nhẹ dạ hay dựng chuyện tinh xảo lừa được người kỹ lưỡng, cả hai đều nguy hiểm. Dựng chuyện được các loa truyền thông tiếp sức, nói mãi nghe riết quen tai, rồi nhập tâm, cuối cùng người ta không thấy chúng gây sốc hoặc nguy hiểm nữa, họ “chai” đi với sự hiện diện của chúng.

Còn bới chuyện là hành vi bươi bới khiến câu chuyện bị xé rách, bị vấy vọc, bị biến dạng. Tầm ảnh hưởng tiêu cực của nó có thể nhẹ mà cũng có thể rất nặng. Nếu nhiều câu chuyện khác nhau được bươi bới liên quan đến một cá nhân, hiệu ứng “gộp lại” sẽ trở thành bất lợi cho cá nhân đó.

Còn kẻ buôn chuyện, bản thân hành vi này thừa đủ để đánh giá tư cách của họ, cộng đồng sau đó bị liên lụy vạ lây. Nên, dù vô ý, song nếu tiếp tay phát tán những thông tin sai lệch, không đúng sự thật một cách mù quáng, đặc biệt sau khi thêm thắt, những thông tin này sẽ gây hại vì tạo ra những nghi hoặc bất lợi trong cộng đồng.

Phật giáo có bát chánh đạo, trong đó chánh ngữ là một kênh tu đức đáng học hỏi bởi ngôn ngữ cần được kiểm soát cẩn thận. Đây là điểm quan trọng trong hành trình xây dựng nghiệp lành (good karma) cho bản thân. Nếu làm đúng theo hướng dẫn trong chánh ngữ: Không nói dối, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói vô ích; duy trì khả năng kiềm chế tư tưởng trước khi nói, tránh cạm bẫy thốt lời vô bổ, thốt lời phương hại cho người khác…, bản thân những việc làm tích cực này đã thể hiện được tâm tánh thẳng ngay của một người chân chính.

Ông bà ta xưa từng dạy con cháu: Học ăn học nói, học gói học mở. Tổ tiên chúng ta không dạy con cháu đơm điều đặt truyện. Có nói có, không nói không. Âu đó cũng là những giá trị đáng quý trong cuộc sống. Gẫm lại, nếu mùa phiếu 2020 ai cũng nghĩ đến chánh ngữ; vận động bầu cử công bằng, biết tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự thật, tôn trọng những giá trị đạo đức, đưa ra những sách lược phục vụ lợi ích đại cuộc, thay vì bôi nhọ, ném đá giấu tay, tìm đủ mọi cách hạ thấp uy tín đối phương, bắt đầu từ dựng chuyện, bới chuyện, rồi rủ rê lôi kéo người khác buôn chuyện… Làm được như thế ý nghĩa lá phiếu của các công dân mới thực sự đạt được giá trị trọn vẹn.

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email