Đường dây buôn lậu đã dùng tàu lớn ra hải phận quốc tế mua xăng dầu bất hợp pháp của nước ngoài, sau đó chở về Việt Nam dùng hóa chất pha chế thành xăng A95 đưa ra thị trường tiêu thụ, đồng thời mua hóa đơn hợp thức hóa.
Bí mật sau căn nhà yến
Tòa án tỉnh Đồng Nai vừa ra cáo trạng truy tố 74 bị can trong đường dây 200 triệu lít xăng lậu.
Ba bị can cầm đầu gồm Phan Thanh Hữu (65 tuổi), Giám đốc Công ty thương mại Phan Lê Hoàng Anh; Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty Đại Dương Hải Phòng) cùng 70 bị can khác bị truy tố về tội buôn lậu.
Từ 2019, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh), đổi tiền góp vốn với một giám đốc doanh nghiệp để lấy 4 tàu Nhật Minh
Phan Thanh Hữu cùng với Viễn và 3 người khác góp 53,4 tỉ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về VN bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.
Viễn giới thiệu cho Hữu liên hệ với chủ hàng ở Singapore thỏa thuận về giá cả và cách thức nhận hàng. Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng 8.000 tấn đậu tại vùng biển tự do giáp ranh giữa các nước Singapore, Indonesia, Malaysia.
Khi có tín hiệu, các tàu này sẽ vào cảng Vopak (Singapore) liên lạc với đại lý để nhận hàng. Về tới vùng biển Việt Nam và neo đậu ở phao số 0, tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng chở về kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (Vĩnh Long); các tàu Khánh Hòa 1, 3 đưa vào cảng Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) tiêu thụ.
Nơi buôn lậu, pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng lậu tại ụ nổi trên sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nằm cách chân cầu Cần Thơ chưa đầy 8km. Đường từ chân cầu chạy dọc bờ sông ngoằn ngoèo, càng đi sâu vào càng vắng vẻ. Người lạ vào rất dễ nhận ra bởi tai mắt cảnh giới của Phan Thanh Hữu
Để nghi binh, một cây xăng được dựng lên ngoài mặt đường với hai nhân viên bơm xăng. Trong khi thực tế không buôn bán gì bởi khu vực quanh đó vắng vẻ, lối vào độc đạo. Phía sau là hai căn nhà nuôi chim yến cao che khuất ụ nổi dưới bờ sông. Đường xuống ụ nổi là một lối đi rất nhỏ nằm giữa hai căn nhà nuôi yến. Dưới nhà là tầng hầm chứa các dung môi, hóa chất pha chế vào xăng.
Ban đêm, những chiếc tàu trọng tải trên 1.500 tấn chở đầy xăng lậu được lấy từ phao số 0 chạy vào cập bến. Một tàu khác có tải trọng tương đương neo ở ụ nổi và xăng được bơm qua trước khi trời sáng. Tiếp đó là những sà lan 400 – 1.000 tấn nối đuôi nhau chờ lấy xăng đưa đi tiêu thụ các nơi.
Nhóm buôn lậu phân công cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến cây xăng để tiêu thụ. Hằng ngày, trung bình trên 1 triệu lít xăng lậu được tuồn ra thị trường. Nhóm hoạt động rất chuyên nghiệp, nhanh gọn. Nếu bị phát giác sẽ cho tàu, sà lan tản ra, rút đi ngay.
Do xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường VN có màu vàng. Để không bị phát giác, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1 kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng. Tiếp đó, xăng được chuyển sang qua cho Tứ chở về tập trung tại cảng Nam Phong (Long An). Rồi từ đây, Tứ bán cho hàng loạt doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
Ngoài buôn lậu với Phan Thanh Hữu, Viễn còn hợp tác với Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) buôn lậu 3 chuyến tàu với 5,7 triệu lít xăng, trị giá gần 98 tỉ đồng.
Từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, nhóm Hữu và Viễn đã chở 48 chuyến tàu hơn 198 triệu lít xăng, trị giá gần 2.800 tỉ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng.
Khối tài sản “khủng” của các bị can bị thu giữ và phong tỏa ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, ngoài tang vật là các tàu Nhật Minh, khi khám xét nhà riêng và công ty của Hữu, cảnh sát thu giữ hơn 100 tỷ đồng, 123.000 USD; 6 giấy chủ quyền nhà đất ở TPHCM và Sóc Trăng; phong tỏa rất nhiều tài khoản ngân hàng của cá nhân, công ty…
Trực tiếp nhận hối lộ 11 lần
Ngoài việc nhận hối lộ của Lê Văn Minh (thiếu tướng, tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và Lê Xuân Thanh (thiếu tướng, tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3), vợ của hai sĩ quan cấp tướng này cỏn trực tiếp nhận tiền hối lộ
Khi nhận xăng lậu từ Singapore về vùng biển Việt Nam, Phan Thanh Hữu đều báo cho tư lệnh Lê Văn Minh biết để giúp đỡ, bảo đảm không bị kiểm tra bắt giữ.
Hằng tháng, Hữu hối lộ cho Lê Văn Minh trực tiếp hoặc thông qua vợ, con của Minh với tổng số tiền là 6,9 tỉ đồng.
Tương tự, thông qua sự giới thiệu của Lê Văn Minh, Phan Thanh Hữu tiếp cận thiếu tướng Lê Xuân Thanh để đặt vấn đề bảo đảm đường dây buôn lậu xăng dầu của mình.
Từ tháng 3-2020, con trai Phan Thanh Hữu hằng tháng mang tiền đến Bà Rịa – Vũng Tàu để đưa cho vợ ông Thanh là bà Phan Thị Xuân tổng cộng 11 lần với số tiền là 1,8 tỉ đồng.
Ngoài 2 thiếu tướng cảnh sát biển, 4 người khác cũng can tội nhận hối lộ gồm: Nguyễn Văn An; Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, cựu thượng tá, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh); Phạm Văn Trên (53 tuổi, đại tá, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (50 tuổi, trung tá, hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng).
Bốn người khác cũng can tội nhận hối gồm: Sơn Hoàng Ngự (41 tuổi, thượng úy, nhân viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh); Lưu Thế Đức (41 tuổi, thiếu tá, phó đoàn trưởng Đoàn trinh sát số 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển); Lê Văn Phương (58 tuổi, thượng tá, phó Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh); Phạm Hồ Hải (53 tuổi, trú TP Cần Thơ).
‘Trùm’ buôn lậu chi tiền tỉ cho tướng cảnh sát ‘chơi golf, đúc chuông’
Phan Thanh Hữu khai chuyển tiền vào tài khoản của Trần Thị Liên và Lê Diệu Linh (vợ và con gái Lê văn Minh) 1,25 tỉ đồng để Trần Thị Liên làm công đức.
Hữu cũng khai “thi thoảng Lê Văn Minh vào TPHCM có đưa cho Minh 100 – 200 triệu đồng để chơi golf».
Ngoài ra, Lê Văn Minh có nói đang làm đền thờ nhưng thiếu tiền. Hữu cấp tiền cho Minh hằng tháng 150 triệu đồng, có tháng 200 triệu đồng, 400 triệu đồng để đúc chuông, làm trần và làm cửa gỗ cho đền thờ.
Cụ thể, từ tháng 12-2019 đến tháng 8-2020, mỗi tháng Hữu chi cho Lê Văn Minh 450 triệu đồng (trừ tháng 1-2020 các tàu đi ít nên Hữu chỉ chi cho Minh 300 triệu đồng).
Từ tháng 9-2020, khi Phan Thanh Hữu tăng thêm tàu vận chuyển xăng lậu, mỗi tháng chi tăng thêm cho Lê Văn Minh 50 triệu đồng so với trước.
Hùn vốn với trùm buôn lậu
Đầu năm 2019, tàu Glory của Phan Thanh Hữu bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ vì chở lậu 1,7 triệu lít dầu DO. Sau đó, Hữu đã nhờ Đào Ngọc Viễn tìm các mối quen biết để giúp Hữu không bị xử hình sự.
Do có quen biết từ trước nên ông Viễn dẫn Phan Thanh Hữu đến gặp Đại tá Phùng Danh Thoại (Trưởng Phòng xăng dầu, Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển).
Sau khi biết nhau, ông Viễn đề nghị ông Thoại góp vốn 5 tỷ đồng để buôn ban xăng dầu cùng ông ta và Phan Thanh Hữu, hứa chia lời vài tỷ đồng/năm.
Sau đó ông Thoại đã chuyển 5 tỷ đồng cho ông Viễn và Phạm Hùng Cường (ở Hải Phòng) để góp vốn với Phan Thanh Hữu mua xăng lậu từ Singapore chở về VN tiêu thụ. Tổng số vốn hùn hạp của nhóm này là 53,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, lợi thu được, Phan Thanh Hữu sẽ hưởng 40%, nhóm của ông Thoại, Viễn và Cường hưởng 60%.
Khi vụ án bị phát giác, nhóm người nêu trên đã buôn lậu hơn 198,7 triệu lít xăng RON 95-III hơn 2.794 tỷ đồng, trong đó đã tiêu thụ 196,2 triệu lít, còn hơn 2,5 triệu lít chưa kịp tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Với việc buôn lậu số xăng trên, Phan Thanh Hữu hưởng 105 tỷ đồng; nhóm ông Thoại,Viễn và Cường hưởng hơn 157 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân Phùng Danh Thoại được chia lời 17 lần với tổng số tiền 18,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 2/2020, ông Thoại yêu cầu ông Viễn và Hữu chuyển cho 4 tỷ đồng để trả tiền mua ôtô. Như vậy, tổng số tiền Phùng Danh Thoại nhận từ nhóm buôn lậu chia cho là 22,3 tỷ đồng.
Giao kèo giữa cựu đại tá biên phòng và ông trùm buôn lậu
Nguyễn Thế Anh (Đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã nhận hàng trăm ngàn đô và hơn 6,2 tỷ đồng để giúp Phan Thanh Hữu buôn lậu xăng nhập.
Từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu đã nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ. Lúc đó, Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Từ tháng 10/2019 – 2/2020, Hữu chi cho Thế Anh tổng cộng 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Tại cuộc gặp tại khách sạn REX, Nguyễn Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi hằng tháng cho cấp trên và một số lực lượng khác 60.000 USD và 950 triệu đồng. Phan Thanh Hữu đã đưa cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 3- 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, Hữu biết Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên tháng 9/2020-1/2021, mỗi tháng ông ta chỉ đưa cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD. khi biết Nguyễn Thế Anh chuyển công tác thì cắt tiền chi hàng tháng nhưng Thế Anh đã gọi điện để dọa.
“Thế Anh gọi cho tôi nói: bây giờ anh muốn gì? Tôi bảo mai anh bảo thằng đệ của anh đến tôi giải quyết chứ không phải muốn gì. Thế Anh dọa tôi như vậy nên tôi phải tiếp tục chi tiền”, ông Hữu khai.
Tổng số tiền Phan Thanh Hữu hối lộ cho Nguyễn Thế Anh trong tháng 10/2019-1/2021 là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Nguyễn Thế Anh không trực tiếp nhận tiền từ Hữu, mà giao cho em họ là Nguyễn Văn An đi nhận. Cứ ngày 15 hàng tháng, An điện thoại cho Hữu và đến nơi ở của Hữu nhận tiền đem về.
Ngoài ra, An nhờ Cao Phước Hoài (nhân viên bán hàng tại cây xăng do An quản lý) và Nguyễn Văn Quân (quê Thanh Hóa) đi nhận hộ. Khi nhờ, An chỉ nói cho Hoài và Quân biết là đi nhận tiền giúp, không nói nhận tiền gì, nhận cho ai.
Cuộc đào tẩu của người “ship” tiền hối lộ
Sau khi Phan Thanh Hữu bị bắt tạm giam để điều tra, Nguyễn Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An tìm cách đi “lánh nạn” một thời gian.
Nguyễn Thế Anh nhờ bạn là Tạ Phi Sơn (sinh năm 1974, cư trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) gọi điện cho Đặng Huy Bình (sinh năm 1973, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tìm việc giúp An. An tới Lao Bảo rồi bắt xe ôm ra khu đường rừng, thuê người dẫn đường 10 triệu đồng để vượt biên lậu sang Lào làm việc tại lán trại của Bình ở tỉnh Savannakhet. Hơn một tháng sau, An bị Lào bắt giữ, giao lại cho VN.
Đối với Cao Phước Hoài, Viện kiểm sát cho rằng khoảng tháng 2/2021, sau khi nghe tin về việc Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ đường dây buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu và nghe Nguyễn Thị My (vợ An) nói An đi trốn một thời gian vì đã nhận tiền hộ từ những người buôn lậu cho Nguyễn Thế Anh, thì Hoài biết số tiền Hữu phải chi cho Nguyễn Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An là tiền hối lộ.
‘Các anh lo cho gia đình, vợ con của em, em sẽ không khai’
Để buôn lậu thành công 198 triệu lít xăng, Phan Thanh Hữu đã hối lộ hàng chục tỷ đồng cho các quan chức. Trong đó có Nguyễn Văn Hùng –thượng tá, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Trường Long Hòa (tỉnh Trà Vinh); Phạm Văn Trên –đại tá, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Lê Văn Phương –phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và Phạm Hồ Hải – trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải (Trà Vinh).
Từ tháng 3 – 12/2020, Phan Thanh Hữu chi cho Nguyễn Văn Hùng mỗi tháng 500 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Hùng sẽ hối lộ Phạm Văn Trên 100 triệu đồng/tháng, Lê Văn Phương 30 triệu đồng/tháng, Phạm Hồ Hải 30 triệu đồng/tháng.
Tổng số tiền mà Nguyễn Văn Hùng nhận từ ông Hữu là 8 tỉ đồng, trong đó chuyển cho ông Trên 1 tỉ đồng, ông Phương 360 triệu đồng và ông Hải 330 triệu đồng.
Từ khi nhận tiền của Phan Thanh Hữu, ông Hải đã không kiểm soát tàu, người và hàng hóa của các tàu Nhật Minh khi đi vào khu vực quản lý của mình. Dù thuyền của ông Hữu chở xăng lậu với số lượng lớn, trong thời gian dài nhưng không hề bị cảng vụ phát hiện, kiểm tra và phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, bắt giữ.
Sau khi Phan Thanh Hữu bị bắt, Nguyễn Văn Hùng cùng đại tá Phạm Văn Trên và Phạm Hồ Hải có gặp nhau, thống nhất sẽ khai số tiền đưa nhận hối lộ hàng tháng là tiền vay mượn của nhau nhằm đối phó khi bị kiểm tra.
Thời gian đầu bị bắt, Nguyễn Văn Hùng nhất quyết không khai về việc nhận tiền hối lộ vì đã thống nhất với ông Trên và ông Hải rằng “các anh lo cho gia đình, vợ con của em, em sẽ không khai”. Về sau, cựu đồn trưởng biên phòng mới chịu khai thật.
Hối lộ đội trưởng thuộc Cục điều tra chống buôn lậu
Sau khi nhận xăng lậu đưa về Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhận được tin Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang chuẩn bị bắt giữ các tàu Nhật Minh.
Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách gặp Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan). Tứ nhờ người quen là Nguyễn Đức Quyền (cán bộ Hải quan đội 3) giới thiệu cho gặp Thụy và được đồng ý. Lúc này, Thụy đang cùng các cán bộ Đội 3 đến Cần Thơ để chuẩn bị bắt giữ tàu Nhật Minh. Tứ đã cùng vợ là Trần Ngọc Thanh đến gặp Thụy tại Nhà hàng Biển Đông ở TP Cần Thơ.
Khi gặp và cùng ăn trưa với Thụy, Tứ đưa phong bì đựng 10.000 USD nhưng Thụy không nhận. Sau đó Thụy mời Tứ, Thanh đến nhà hàng Lúa Nếp để ăn trưa cùng các cán bộ trong đội. Sau buổi gặp này, Tứ xin được đến nhà. Thụy đồng ý và nhắn tin cho Tứ địa chỉ nhà là “73 Cù Lao, quận Phú Nhuận”.
Khi đến nhà Thụy, Tứ mang theo phong bì có 10.000 USD, 1 thẻ ATM 100 triệu đồng do Tứ đứng tên chủ tài khoản. Tứ tiếp tục nhờ Thụy giúp Hữu dùng tàu Nhật Minh đưa xăng nhập lậu về Vĩnh Long bán cho Tứ. Sau đó Thụy mời Tứ, Thanh lên lầu ăn cơm. Trước khi lên lầu, Tứ để phong bì trên vào hộc bàn tại phòng khách. Khi ra về Tứ báo cho Thụy biết quà Tứ để trong hộc bàn, mật khẩu của thẻ ATM 4 số cuối điện thoại của Tứ.
Khoảng 16h ngày 29/1/2021, Hữu đi xe máy đến nhà Thụy. Trước khi vào nhà, Hữu ra xe máy mở cốp lấy túi nylon bên trong đựng 500 triệu đồng mang vào phòng khách đặt trên ghế salon và nói “có chút quà gửi em đi Bắc”. Thụy trả lời: “Em để anh làm đến tết, sau tết gặp nhau tính” tức là Thụy đã đồng ý cho Hữu tiếp tục dùng tàu Nhật Minh chở xăng lậu.
Ngoài ra, Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn hối lộ cho một số quân nhân trong Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng.
14 bị cáo trong vụ án gồm: Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển) bị truy tố về tội “Buôn lậu”. Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3); Lưu Thế Đức (cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển); Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) và nhóm thuộc các đơn vị dân sự là Sơn Hoàng Ngự, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
San Hà (tổng hợp)