Đội ngũ thợ chụp hình dạo thường tập trung ở các công viên, khu giải trí, danh lam thắng cảnh… là nơi đông khách vãn cảnh. Sài Gòn nhiều nhất là các công viên, khu du lịch lớn hay Bưu điện thành phố, công viên trước Rex cũ…
Hình ảnh thường thấy là lác đác các bác thợ đeo chiếc túi đen to trên vai đựng chiếc máy ảnh ngồi đâu đó, nhàn tản dạo qua lại đợi khách. Chụp hình rất nhanh, giơ máy lên, chọn cảnh đẹp, chỉnh khẩu độ, bấm một phát là xong.
Hồi giá cái máy ảnh còn đắt. Dân tay mơ không biết cách lấy góc cạnh, cứ nheo một mắt mà bấm, kết quả tốn tiền mua phim, tốn tiền rửa ra một đống ảnh mà tấm thì đen thui, tấm nhắm mắt, tấm há to chưa kịp khép miệng, tấm đủ bàn chân nhưng mất đầu, tấm đủ mặt thiếu đôi giày cao gót… Nhìn tấm hình xé thì thương mà vương thì chật tủ!
Vào thời kỳ hoàng kim của chụp hình dạo, một khu vực cảnh đẹp tập trung hàng chục thợ hành nghề. Số lượng hùng hậu như thế nên ngay vị trí dễ thấy nhất, họ trưng tấm bảng to gác trên giá cao. Trên đó gắn những tấm ảnh mẫu để khách có thể xem trước. Nhìn ảnh quảng cáo thì ai mà chẳng xiêu lòng vì quá đẹp.
Ảnh thợ dạo lúc đó hầu như không chụp loại lấy hình ngay vì nước màu rất mau phai. Sau khi chụp, khách được hẹn ngày lấy ảnh. Có khi vài ngày, sau này nhanh hơn, chỉ một ngày hoặc sáng chụp chiều lấy được ngay. Quay lại địa điểm, đi tới đi lui tìm đúng ông thợ hôm trước để đòi hình, lỡ không đúng hẹn, ông đi đâu mất công khách lại loanh quanh đợi. Bất tiện quá nên thợ hùn nhau thuê một cô ngồi chỗ cố định giao hình chung cho cả nhóm.
Sau này, ảnh được giao đến nhà. Thợ linh hoạt và uy tín tới nỗi dù khách du lịch chụp hình tận Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… đưa tiền trước thì khi về tới Sài Gòn, ảnh vẫn đưa tận tay. Thợ chụp dạo rất đàng hoàng, không bao giờ xù ảnh vì để hành nghề, họ thường phải xin phép địa phương và ở trong hội, nhóm…
Chụp ảnh dạo sống được lại nhàn nhã. Nhiều người đeo chiếc máy ảnh hàng mấy chục năm nuôi được cả gia đình, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Sau này phụ nữ cũng ra nghề, cũng vai đeo chiếc túi to thơ thẩn ngóng khách chứ không còn là một nghề độc quyền của nam giới như trước kia.
Một anh quê ở Bến Tre lên Saigon từ những năm đầu 90, học một khóa nhiếp ảnh đàng hoàng, anh sắm cái máy Zenith và gia nhập nhóm chụp ảnh công viên. Lúc đó, khu vui chơi giải trí chưa có nhiều. Người dân chỉ tập trung ở vài ba công viên nên thợ tha hồ chụp hình mỏi tay, nhất là vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạt lúc thiên hạ đi chơi nhiều.
Trung bình mỗi ngày anh chụp khoảng mười mấy cuộn phim, lai rai đủ nuôi ba đứa con đang tuổi lớn. Nhất là gặp khách nguyên gia đình ở quê thỉnh thoảng mới lên thành phố kể như trúng mối. Gặp cảnh đẹp và lạ, họ thích chụp nhiều kiểu: Chụp chung cả nhà, riêng từng người, chụp cặp đôi, cặp ba, chụp đứng chào cờ trước bồn cỏ, chuồng thú, chụp tay nâng cành hoa, dựa gốc cây… Thời đó sao mà vui vậy, sáng sáng nhóm thợ chụp ảnh họp nhau bên bàn cà phê, chuyện trò vui vẻ, xâm xẩm chiều mang phim ra tiệm rửa, rồi giao cho văn phòng hợp tác xã.
Trước kia trong một nhà, dù đại gia đình cũng chỉ có một máy ảnh, sau thì mỗi nhà một máy, chưa kể mỗi người một máy. Vì máy ảnh quá rẻ và điện thoại di động ai cũng sở hữu một chiếc nên đâm ra thợ dạo ế khách. Tới thời của máy ảnh kỹ thuật số tha hồ chụp hàng mấy chục, mấy trăm tấm. Chỉ cần chi ra hai trăm Mỹ kim là có cái máy click chơi không cần dè phim. Về mở ra coi, thích thì lưu không thích thì xóa nên đâu cần chụp ngoài nữa.
Smart phone giờ lại càng thông dụng hơn. Cửa hàng máy ảnh nay chỉ còn trưng bày máy ảnh chuyên dụng và lèo tèo vài mẫu máy ảnh kỹ thuật số du lịch chứ đâu còn ai mua máy chụp ảnh nhiều như xưa.
Ngoại trừ những chỗ rất đông khách du lịch như miễu Bà ở An Giang vẫn duy trì đội ngũ chụp hình đông đảo, còn thì thợ chụp hình dạo tới lui cả ngày chỉ chụp được vài ba tấm, có buổi về không. Dù sao nghề nghiệp đã quen, gần suốt cuộc đời cầm máy, bỏ đi thì đâu biết làm gì khác nên những ông thợ chụp hình còn sót lại đành tặc lưỡi, ở nhà cũng vậy, ra ngoài gặp người này người khác khiến tinh thần thoải mái mà cũng chẳng mất vốn liếng gì nhiều, chỉ đóng ít lệ phí, hội phí một tháng. Kiên nhẫn đợi khách không nhiều thì dăm ba cũng vui.
Một số nhỏ xoay qua chụp ảnh đám cưới. Bắt đầu chụp từ lúc nhà trai sang nhà gái, xe hoa lăn bánh, lễ gia tiên đến quan khách từng bàn của buổi tiệc buổi tối. Chụp hình hầu như là một phần không thể thiếu của đám cưới nên thợ dạo chuyển nghề qua đây sống được. Sinh nhật, thượng thọ… nếu đãi nhà hàng, ngoài máy gia đình, gia chủ thường mời thợ chụp hình chuyên nghiệp cho chắc ăn.
Thợ chụp ảnh dạo chỉ còn kiếm ăn lai rai vào các ngày nghỉ lễ… Nhà đông người muốn có tấm ảnh đông đủ trong gia đình mới phải kêu thợ. Ông thợ có nhiều kinh nghiệm chụp hình tấm nào ra tấm đó, đẹp miễn chê. Còn hình tự chụp thì ôi thôi. Tấm thì người nhỏ xíu, con đường xi măng lởm chởm trước mặt chiếm nửa khuôn hình…
Ngày tết, lễ hội… Thợ chụp ảnh tay cầm xấp hình mẫu kèm đạo cụ là cành hoa đào, hoa mai giả, mũ nón, cờ quạt… để khách cầm làm cảnh.
Thấy đám khách loay hoay tạo dáng, tìm cảnh đẹp… ông thợ ra tay giúp đỡ, hướng dẫn tìm góc đẹp, nắn chân, nắn tay… Thậm chí chụp hình dùm. Thấy vậy, có người ái ngại, tội nghiệp, bất đắc dĩ đặt ông chụp vài tấm coi như trả tiền công.
Hai chị em lâu lắm mới đi chơi công viên, tay cầm điện thoại đang nghiêng ngó tìm góc đẹp, ông thợ chụp hình lảng vảng gần đó tiến tới chỉ vẽ: “Cô đứng xích qua bên này để lấy đủ hình con rồng với con nai. Đứng gần thôi để lấy rõ mặt mũi”. Rồi ông đưa đề nghị thật chí lý: “Hai chị em đi chung với nhau mà không có tấm hình nào chụp chung làm kỷ niệm sao”. Chụp ảnh selfie thì không lấy hết người. Chẳng lẽ đưa máy hình của mình nhờ ông chụp thì cũng… kỳ, cô chị nhẹ lòng vì thấy ông thợ “tốt bụng” hướng dẫn tận tình, lại “thương” giọng nói của ông nhỏ nhẹ nên chị em ngó nhau. “Thôi kệ giúp ổng một tấm”.
Xong một pô, ông thợ càng mềm mỏng:
– Chụp có một tấm làm sao rửa. Hai cô chụp thêm tấm nữa, mấy khi đi chơi.
Ông thợ thật tâm lý. Thế là lại đứng bên hồ sen, cạnh bình hoa lan, dưới giàn bầu bí… Nháy mắt hết năm tấm.
Sau mười phút, ông thợ đưa xấp hình: “Cô cho bốn trăm ngàn”.
– Sao vậy, chụp có năm tấm thì hai trăm ngàn chứ.
– Thì có hai người, tôi rửa thành hai bộ.
– Hai chị em ở cùng nhà, lấy hai bộ làm chi.
Cô chị cầm một bộ hình rồi bước lẹ đi. Trong lòng vẫn ấm ức vì điện thoại cất trong giỏ mà không dưng bùi tai mất một đống tiền. Máy của mình tha hồ xem, nếu rửa chỉ mất năm ngàn một tấm thôi.
Nghe chuyện, một anh cẩn thận hỏi rõ giá, giao hẹn: “Chỉ chụp một tấm khổ to tám chục ngàn thôi”. Khi lấy hình, anh xin file thì bật ngửa nghe trả lời: “Phải chụp từ hai tấm trở lên mới giao file”. Thôi rồi, một tấm to đùng đó chẳng lẽ lộng kiếng treo phòng khách.
Đông khách nhất ở những buổi lễ tốt nghiệp, ra trường.
Chụp cho một người khách mặc áo thụng đen tốt nghiệp ở hồ Con Rùa, ông thợ hỏi dò: trường nào, ngày nào, mấy giờ làm lễ trao bằng tốt nghiệp… Sau đó, ông điện thoại báo tin cho nhóm đồng nghiệp kịp thời chạy tới.
Nghề chụp ảnh dạo ngày càng đìu hiu. Khách vãn cảnh đông đúc nhưng ít người thuê chụp. May mắn lắm mới tóm được… một con mồi! Vì thế thấy người lạ, thợ thường đi theo mời, mà gặp phụ nữ bùi tai cũng dễ dính lắm.
Thật ra vẫn có người thích chụp ngoài. Ông thợ mỗi ngày đóng trụ một chỗ, chụp hàng mấy chục tấm, năm này qua năm khác có bấy nhiêu đó nên ông rất thành thạo, biết ngay đứng chỗ nào có phông đẹp, đưa máy ảnh lên là chụp ngay khỏi cần ngắm nghía nhiều. Ông lại còn tạo dáng cho khách rất chuyên nghiệp, nhất là các cô gái: Nghiêng đầu qua bên, xòe vạt áo, chống tay lên eo hay anh khoác vai chị, bà nắm tay ông… Tuy tốn tiền nhưng tấm nào ra tấm đó còn hơn tự chụp nhiều khi hàng mấy chục pô chẳng được tấm nào.
Lấy tấm hình còn nóng hổi từ tay ông thợ, bà vợ khen nức nở: “Đẹp quá. Cảnh đẹp mà mình cũng đẹp. Lúc chụp sắp mưa, trời tối đen mà sao trong hình sáng tỏ vậy?”. Ông chồng cười ngất: “Cảnh đẹp vì chỉ có một bản gốc rồi ghép hình khách vào đó. Còn mặt bà đẹp là nhờ photoshop mài da mịn như nhung, mắt sáng lung linh trẻ ra cả chục tuổi”.
Có trường hợp sau khi rửa hình, ép plastic đàng hoàng, thợ giao cho khách nhằm bà già khó tính. Bà giơ mục kỉnh lên ngắm nghía một hồi rồi chê xấu, trả lại không thèm lấy. Thợ đành chịu chứ đâu đôi co gì được. Đi theo các lễ hội kiếm ăn, người chụp ảnh dạo phải lang bạt nay quận này, mai tỉnh khác chứ không thể mỗi ngày ra một chỗ quen thuộc được.
Vào dịp Tết nhất, thợ chụp hình chung nhau dựng tiểu cảnh ở một góc công viên. Đó là những gốc cây đơm đầy hoa lá, ghế xích đu, cổng hoa… Tất cả đều làm giả bằng móp, nhựa, gỗ… dán giấy, sơn phết sặc sỡ nên lên hình rất rực rỡ. Những tiểu cảnh này không thuộc công viên công cộng mà là sở hữu của nhóm thợ chụp hình có đóng thuế nên muốn lấy cảnh đó phải thuê thợ chụp chứ khách không chen vào chụp máy riêng của mình được.
Nghề chụp ảnh cũng có sự đam mê trong đó nên dù ế ẩm khiến nhiều người bỏ nghề thì vẫn còn số ít cố ở lại. Bức ảnh do người thợ chuyên môn chụp vẫn được ưa chuộng vì sắc sảo, chuyên nghiệp. Do đó những nơi thắng cảnh đông khách du lịch, không thể thiếu sự có mặt của người thợ ảnh. Nghề chụp ảnh dạo vẫn tồn tại dù lây lất.
SGCN