Mãi cho đến giữa năm 2016, Cambridge Analytica mới nhận được tấm vé lớn nhất trong chính trị liên bang (Beltway politics): một hợp đồng với chiến dịch tranh cử tổng thống.
Công ty lập tức đã gửi một nhóm các nhà khoa học dữ liệu và chiến lược gia chính trị đến San Antonio, Texas, nơi chiến dịch kỹ thuật số đang được tiến hành. Những người khác đã đến trụ sở chính tại Trump Towers, New York….
Những gì cô ấy biết là nơi Nix đã có mặt trong đêm Trump được bầu cử, bởi vì cô cũng ở đó: tại bữa tiệc chiến thắng của đảng Cộng hòa tại New York, đứng bên cạnh hai vợ chồng Mercer.
Kaiser nói, trong túi của cô cũng đã có một tấm vé dự buổi party đêm bầu cử của Hillary Clinton. Nhưng khi màn hình TV “bắt đầu hiện lên các tiểu bang màu đỏ, tiểu bang màu đỏ, tiểu bang màu đỏ” trước khi tuyên bố Trump là người chiến thắng, cô biết rằng cô không cần nó.
Kaiser nói rằng cô quay sang vợ chồng Mercer, những người đã không xem màn hình, và chuyển tin tức nàycho họ. “Bạn chỉ có thể nhìn thấy họ đang nhìn nhau, như kiểu muốn nói:” S… chúng ta đã trở thành những người quyền lực nhất trong chính trị “. Theo cô kể, Nix đã nói với cô: “Chúng ta đã thành công.”
Các nhân vật trong câu chuyện kể trên gồm có: (1) Alexander Nix, tổng giám đốc điều hành (CEO) của Cambridge Analytica; (2 và 3) cặp vợ chồng Rebekah Mercer và Robert Mercer, đồng sáng lập Cambridge Analytica với Steve Bannon, đã đầu tư vào đây 15 triệu đô la; và (4) Brittany Kaiser, một cựu giám đốc của Cambridge Analytica, cũng từng là một giám đốc của Strategic Communication Laboratories (SLC Group), công ty mẹ của Cambridge Analytica.
Brittany Kaiser là người thứ hai lên tiếng về việc làm của Cambridge Analytica (cũng là việc làm của cô). Trước cô, Christopher Wylie, cũng từng tham gia sáng lập Cambridge Analytica, đã mở miệng.
Christopher Wylie: Người thổi còi (sau khi đã mãn trận banh)
Nhìn cái anh chàng Christopher Wylie này trên truyền hình, trong ảnh, người ta thấy…đúng như anh ta tự nhận: một người đồng tính, không ăn thịt. Thời nhỏ Wylie chẳng có gì xuất sắc. Anh lớn lên ở Victoria, British Columbia tỉnh bang ven biển Thái bình dương của Canada. Tuy có cả hai cha mẹ đều là bác sĩ y khoa, Wylie học hành dang dở, bỏ học vào năm 16 tuổi. Theo Wylie kể với thông tấn CBC, thuở nhỏ anh mắc chứng ADHD (thiếu tập trung vì quá hiếu động) và dylexia (loạn năng đọc, gặp khó khăn trong việc đọc chữ). Chẳng hiểu sao, anh nhảy vào chính trị ngay sau khi bỏ học, đi làm thiện nguyện cho văn phòng một dân biểu đảng Liberal ở Esquimalt, rồi lên Ottawa. Nhưng rồi tài năng của anh ta chợt bùng lên. Anh tự học lập trình (coding), rồi vào khoa kinh tế – London School of Economics, của viện Đại học London năm 20 tuổi. Wylie vào làm việc cho SCL Elections với vị trí một chuyên viên phân tích dữ liệu, và sau đó, anh giúp thành lập công ty con Cambridge Analytica.
Hôm 17 tháng 3, tờ báo Anh The Observer tung ra tin tức đầu tiên về vụ Cambridge Analytica “đào mỏ vàng” Facebook, The Observer và The Guardian – cũng là một tờ báo có trụ sở chính ở Anh quốc, tung ra một video, trong đó Christopher Wylie, nói về Cambridge Analytica : “Chúng tôi khai thác Facebook để thu thập hồ sơ của hàng triệu người. Và xây dựng các mô hình để khai thác những gì chúng tôi biết về họ và nhắm vào các con quỷ bên trong họ (ý nói những tham vọng, thèm muốn, cá tính…). Đó là cơ sở mà trên đó toàn bộ công ty được xây dựng.”
Tiết lộ của Wylie đã làm rung chuyển Bắc Mỹ và Anh quốc, và làm ông khổng lổ Facebook lắc lư hai chân, tuy chưa đến nỗi khuỵu sụp xuống. Chỉ sau một ngày 17 đến 18 tháng 3, cổ phiếu của Facebook rớt 10% và chưa đầy một tuần lễ, Zuckerberg đã mất 58 tỷ đô la.
Cambridge Analytica
và vũ khí dữ liệu
Cho đến khi anh chàng Christopher Wylie “thổi còi”, Cambridge Analytica vẫn làm ăn như thế, và hãnh diện quảng cáo rằng mình có thể giúp xoay chuyển cuộc diện của một cuộc cạnh tranh trên thương trường hoặc một cuộc đấu tranh trên chiến trường. Cambridge Analytica không đơn độc, trên thị trường, các công ty loại này không ít, và họ có khách hàng ở khắp năm châu bốn biển (có lẽ chỉ trừ các quốc gia độc tài, và cộng sản, nơi thông tin có nghĩa là tuyên truyền, và chính quyền nắm trọn trong tay quyền hướng dẫn dư luận, hoặc không cần hướng dẫn dư luận.) SCL, công ty mẹ của Cambridge Analytica , đã hoạt động như thế suốt 30 năm nay. Phân tích dữ liệu để biến nó thành vũ khí là một phương pháp tiêu chuẩn của thời đại này.
Loại vũ khí này đã chứng tỏ rất lợi hại.
Cambridge Analytica cho hay họ đã cung cấp dịch vụ cho hơn 200 cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả Kenya, Nigeria, Cộng hòa Czech, Ấn độ và Argentina. Riêng tại Hoa Kỳ, Alexander Nix khoe rằng chỉ trong năm 2014 công ty của ông ta đã tham gia vào 44 cuộc vận động tuyển cử. Và mới đây, năm 2016, Cambridge Analytica đã “trúng thầu” trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Kết quả thế nào, bạn đọc đã thấy..
Trong các cuộc vận động tranh cử, ứng cử viên và bộ tham mưu của ứng cử viên cần đến hoạt động dữ liệu để quyết định nơi nào cần tổ chức mít tinh, khu vực nào cần tập trung vào, phải giao tiếp như thế nào với các loại đối tượng: người ủng hộ, người không ủng hộ mình và người lưỡng lự không biết nghiêng chọn ai nào.
Cambridge Analytica và những công ty tương tự làm hai việc: lập chân dung tâm lý (profile) của các cá nhân, và sử dụng các chân dung đó để đưa ra những thông điệp chính trị nhắm vào từng người.
Để lập chân dung tâm lý của một người, đầu tiên cần phải có dữ liệu cá nhân của người đó. Thường thì những dữ liệu này được các công ty thu thập dữ liệu qua các bản câu hỏi, tham khảo, thăm dò … (kiểu như bạn vẫn bị quấy rầy qua điện thoại). Internet là nơi có nguồn dữ liệu cá nhân khá dồi dào: bạn thường vào các trang web nào, xem cái gì, mua cái gì qua mạng nào, nơi cư trú của bạn ở khu vực nào, bạn thường gửi email cho những ai, v.v…
Từ các dữ liệu đó, các công ty này suy đoán ra những thông tin chưa có về bạn, như bạn sẽ mua gì thứ gì tiếp theo, bạn quan tâm đến những gì, bạn là người bảo thủ hay cấp tiến, khuynh hướng tính dục của bạn là gì…
Sau khi được phân tích, các dữ liệu sẽ được cung cấp cho các ứng cử viên kèm theo những lời khuyên: như cần tổ chức mít tinh ở đâu, gọi hay gửi quảng cáo nội dung như thế nào cho đối tượng nào…
Như đã nói, rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ như Cambridge Analytica, và hầu như tất cả các ban vận động của các chính trị gia – trong đó có cả Barack Obama, đều sử dụng dịch vụ này để có được chiến lược, chiến thuật trong khi tranh cử.
Họ còn trao đổi, bán lại cho nhau những dữ liệu đã mua được từ các công ty như Cambridge Analytica nữa kìa.
Gần như mọi ứng cử viên Tổng thống năm 2016 của Mỹ đều đã bán (hoặc cho thuê, cho mượn) cho các ứng cử viên, công ty tiếp thị, tổ chức từ thiện, hoặc các công ty tư nhân khác những dữ kiện thông tin cá nhân của người ủng hộ họ. Ứng cử viên Marco Rubio đã kiếm được 504.651 đô la bằng cách cho thuê danh sách những người ủng hộ ông ta (việc làm này hợp pháp nếu trên phiếu quyên tặng có in bên dưới rằng dữ liệu có thể được chia sẻ.)
Vậy thì tại sao kỳ này người ta lại ồn ào như thế sau tiếng còi của Chirstopher Wylie?
Lý do là vì nó liên quan đến mạng xã hội khổng lổ Facebook, nơi có dữ kiện cá nhân của hàng tỷ người trên trái đất, nơi các facebooker tin tưởng là thông tin cá nhân của họ được bảo vệ. Nó cũng liên quan đến khối lượng dữ liệu đã thu thập được từ Facebook, cách thu thập cũng như việc sử dụng lượng số dữ kiện đó.
Chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi Giáo sư Alexandr Kogan của trường Đại học Cambridge viết ra cái app dành cho các nhà tâm lý học thu thập dữ liệu để sử dụng vào nghiên cứu, tiên đoán cá tính của con người. App này, được ông Kogan đặt tên là thisisyourdigitallife (dịch sát nghĩa là đây là cuộc đời số của bạn), được khoảng gần 300 ngàn người cài đặt. Họ đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình và của bạn bè ở Facebook của mình.
Kết quả là Giáo sư Kogan đã thu thập được thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người.
Thu thập thông tin cá nhân với sự đồng ý thì đâu có sao? Dĩ nhiên là đâu có sao, nhưng cái làm cho có sao là ông Kogan đã chia sẻ dữ liệu mà ông ấy thu thập được cho Cambridge Analytica – nghe đồn là để lấy 1 triệu đô la, Cambridge Analytica và Christopher Wylie của Eunoia Technologies! Để rồi Christopher Wylie hôm 17 tháng 3 vừa rồi tố cáo rằng số dữ liệu này được Cambridge Analytica dùng vào hợp đồng của họ trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của Trump năm 2016! Chưa hết, các dữ liệu này cũng được dùng trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quốc tách ra khỏi Liên Âu (Brexit) ở Anh (dẫn đến thắng lợi của phe Đi)!
Facebook và vấn đề bảo mật
Nếu chính bạn không chơi Facebook thì ít nhiều bạn cũng biết về facebook. Đó là nơi mà mọi thứ trong “chuyện đời tôi” có thể phơi ra, do cố ý hoặc do bất cẩn. Chẳng cần đến chuyên viên phân tích dữ liệu, người có óc nhận xét cũng có thể vẽ được “chân dung” của không ít facebooker. Facebook cho người ta sử dụng miễn phí những tiện nghi của nó – như thông tin liên lạc, kết bạn, giao tiếp, chia sẻ, học tập… không phải là vì lòng tốt mà để kiếm tiền. Tiền từ quảng cáo là chính. Chẳng cần phải phân tích chân dung để nhắm vào đối tượng, các nhà quảng cáo cũng có thể đưa ngay vào trang facebook của bạn – và trang của người mà bạn đang theo dõi, những quảng cáo về một món hàng tương tự, hay liên quan đến, món hàng mà bạn vừa tìm xem trên mạng.
Từ lúc khai sinh đến nay, Facebook hết gặp “tai nạn” này đến tai nạn khác về mặt lộ thông tin cá nhân của người sử dụng. Các nhà phê bình cho rằng Mark Zuckerberg chỉ đối phó, nghĩa là sửa chữa, thay đổi quy định về bảo mật sau khi có chuyện xảy ra.
Nhưng vụ bị khai thác thông tin cá nhân của người sử dụng lần này không nhỏ. Rồi lượng thông tin đó được sử dụng vào những chuyện quá lớn. Thế nên phản ứng của dư luận, người sử dụng cũng quá mạnh.
Khắp nơi lên án Facebook đã thu thập thông tin cá nhân của người dùng (qua các quiz và app trên Facebook) mà không có sự đồng ý, đã sơ hở trong quản lý, đã để bị lợi dụng, hoặc thậm chí bị kết án là “bán” thông tin cá nhân của người dùng.
Một phong trào kêu gọi tẩy chay hay xóa tài khoản Facebook bùng lên. Tham gia vào phong trào này là nhiều nhân vật tiếng tăm, như Elon Musk đã thẳng tay xóa hai account có hàng trăm ngàn người theo dõi của SpaceX và Tesla. Trên Twitter, người ta hô hào nhau #deletefacebook, #dumpfacebook và #boycottfacebook. Đến cả Brian Acton, người sáng lập mạng WhatsApp (sau đó bán cho …Facebook lấy 19 tỷ đô la năm 2014) cũng viết trên Twitter: It is time. #deletefacebook.
(Điều khôi hài là Twitter cũng là mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng!)
Khi người dùng phẫn nộ và bỏ đi, những thân chủ của sân quảng cáo lớn nhất thế giới này cũng uể oải.
Mozilla và Commerzbank là hai nhà quảng cáo đầu tiên ngưng quảng cáo trên Facebook. Những nhà quảng cáo khác hăm he sẽ ngưng.
Giá trị cổ phần của Facebook tụt dốc nhanh chóng. Đang từ 185 đô Mỹ hôm 18 tháng 3, rớt xuống 170 đô hôm 22 tháng 3.
Một tuần lễ sau khi Wylie lên tiếng, ông chủ trẻ tuổi của Facebook mở miệng.
Mark Zuckerberg xin lỗi các người sử dụng và cam kết tăng cường các quy định về bảo mật và chia sẻ thông tin.
Mark công bố việc Facebook “treo giò” Cambridge Analytica, công ty mẹ của nó là SCL, và cấm cửa luôn cả Christopher Wylie lẫn Alexandr Kogan. Ông chủ Facebook cũng nói sẽ có thể phải sử dụng đến biện pháp pháp lý.
Mark cũng thanh minh rằng mình đã cả tin. Hồi đó, Mark nói, Giáo sư Kogan đã cam kết với Facebook rằng dữ liệu thu thập được không được dùng vào mục đích thương mại.Ngay năm 2015, Facebook đã yêu cầu Cambridge Analytica xóa các dữ liệu Kogan thu thập được sau khi sử dụng và đã được công ty này trả lời là xóa xong rồi.
Christopher Wylie nói làm gì có chuyện đó, Cambridge Analytica không xóa, chỉ viết thư báo đã xóa rồi. Sau đó, Facebook cũng chẳng thèm kiểm tra là đã xóa hay chưa.
Giáo sư Kogan đã bị Viện Đại học Cambridge điều tra về lời tố cáo ông đã bỏ túi 800 ngàn đô trong số 1 triệu do Cambridge Analytica trả, chỉ chi cho hai giáo sư khác đã cộng tác với mình trong cuộc nghiên cứu này mỗi người 100 ngàn.
Ông Kogan cãi, cho rằng mình bị đem làm con dê tế thần trong sự vụ. Kogan nói rằng ông đã tiêu hết 800 ngàn đô la cho chương trình này, phần lớn là tiền trả thẳng cho người tham dự, khoảng 3 đến 4 đô mỗi người.
Cambridge Analytica cũng cãi, nói họ không sử dụng lượng dữ liệu này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong lúc đó, Wylie quả quyết hầu hết các thông tin cá nhân thu thập được bởi ứng dụng của Kogan đã được thu thập mà không có sự cho phép. Wylie cũng nói Cambridge Analytica đã sử dụng số dữ liệu này để xây dựng một chương trình nhu liệu rất mạnh để dự đoán và tác động ảnh hưởng đến sự lựa chọn tại phòng phiếu.
Tránh trời không khỏi nắng
Từ sau khi vụ tai tiếng Cambridge Analytica và Facebook nổ ra, nỗi lo lắng của những người dùng Facebook hoặc một mạng xã hội khác về việc bị lạm dụng thông tin cá nhân tăng thêm. Giới thông tấn, từ báo đến các mạng tin tức, tràn ngập các bài hướng dẫn về việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Nhưng, nói thật, cẩn thận thế nào, áp dụng hết cả những cách đã được hướng dẫn, thậm chí dẹp luôn trang facebook, bạn chưa chắc đã thoát.
Nếu bạn còn cần đến cái điện thoại thông minh, và còn lên internet, còn gửi email.
Một người sử dụng twitter khuyên: Nếu bạn lo lắng về việc các công ty dùng dữ liệu (cá nhân) để nhắm vào mình (mà quảng cáo), bạn hãy xóa (các tài khoản) Facebook và Twitter và Instagram và Snapchat và ngừng mua hàng trên Amazon và ngừng tìm kiếm bằng Google và hủy tất cả các thẻ tín dụng và chấm dứt tặng hiến cho từ thiện và hủy việc đặt mua các tạp chí.
Đỗ Quân