
Cách đây gần hai tuần, ở Toronto có một chuyện nhỏ mà lớn, con nít mà động trời, tưởng có chút xíu mà không phải vậy. Sự việc đã gây chấn động cả đất nước, bởi vậy cho nên dù hơi cũ, Ký Gà buộc phải trình bày lại tuần nầy.
Bữa Thứ Sáu 12 tháng 1, một học sinh của trường Tiểu học công lập Pauline Johnson ở Scarborough Toronto) vô trường mếu máo báo với nhà trường rằng em vừa bị bạo hành.
Cô học trò nhỏ đó nói có một thanh niên dùng kéo để cắt cái khăn trùm đầu của cổ. Khi cô bé la hoảng lên, tên gian phi bỏ chạy nhưng hắn không bỏ qua. Chỉ vài phút sau, hắn trở lại và “lại tiếp tục cắt cái khăn trùm đầu của con.”
Cái khăn trùm đầu bị cắt là hijab, một trong những trang phục được cho là cần thiết, bắt buộc (?) của phụ nữ đạo Hồi để che tóc khi ra khỏi nhà. Chuyện liên quan tới con nít, nữ giới, và Hồi giáo. Lớn à nghe!
Bởi vậy, nhà trường lập tức kêu cảnh sát. Chưa đầy 20 phút sau, Cảnh sát Toronto gửi lên mạng xã hội Twitter một cảnh báo. Các nhà báo chụp được cú tweet nầy, tung lên báo mạng, báo nói và truyền hình.
Vài giờ sau, một đạo binh báo chí rần rần để về trường Pauline Johnson PS. Một phát ngôn nhơn của Sở Giáo dục Toronto giới thiệu má của cô bé , bà Saima Samad, với các phóng viên. Bà nầy đồng ý được phỏng vấn. Vậy là …chuyện nổ ra lớn hơn nữa.
Thường thì trong những vụ có liên quan tới vị thành niên, người ta giữ kín tên tuổi nạn nhơn. Nhưng lần nầy, vì sự đồng ý của bà mẹ, hình ảnh và danh tánh của cô bé tràn ngập trên báo, đài. Bên cạnh cô là chú em trai 10 tuổi – người chứng kiến vụ tấn công, và bà mẹ – cũng trùm hijab.
Cô mô tả nhơn dạng của tên gian phi là “thanh niên trẻ, người Á châu, để râu mép, mặc áo đen có nón trùm đầu (hoodie), mang bao tay màu nâu, khoảng chừng 20 tuổi.”
Tục ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” của người Việt bày tỏ sự tôn trọng kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người già, và tin tưởng mức độ thiệt thà và ngây thơ vô tội của người trẻ. Bên Tây cũng vậy, khi cần tìm hiểu sự thật, người ta hỏi con nít. Mà có tới hai đứa con nít ở đây.
Vậy nên, mọi người đã hốt hoảng la theo cô bé. Cảnh sát Toronto lập tức coi đây là ưu tiên một, và mở cuộc điều tra, tiến hành thâu thập các chứng cớ từ nhiều nguồn.
Không bao lâu, chánh xác là chỉ vài giờ sau khi tin tức về vụ tấn công được loan ra, chánh khách các cấp và thông tấn các loại nhảy vô bình luận. Làm sao và lơ được một vụ như vầy. Có quá nhiều lý do để làm lớn chuyện: thứ nhứt, trẻ em, thứ nhì, trẻ gái và thứ ba, Hồi giáo.

Nhứt là trong thời đại ai cũng muốn khoe mình “không kỳ thị”. (Ngay tới ông Donald Trump ở bên Huê kỳ còn ráng khoe “tui là người ít kỳ thị nhứt!)
Thủ tướng Canada hình như là người đầu tiên. Ông Trudeau nói đại khái rằng ổng chia sẻ với em nhỏ nạn nhơn bị tấn công “có vẻ vì lý do tôn giáo của em. Tôi không thể tưởng tượng được em đã sợ hãi tới mức nào. Tôi muốn em, gia đình em, bạn bè em và cộng đồng biết rằng đất nước này không phải như vậy, người Canada không phải như vậy… Chúng ta tốt hơn như vậy nhiều.”
Ổng nói, “Canada là một đất nước mở rộng và chào đón, và những vụ như vầy không thể được khoan dung.”
Sau ông Trudeau là bà Thủ hiến Ontario Kathleen Wynne, ông Thị trưởng Toronto John Tory.
Tới sáng thứ Hai, cuộc điều tra có kết quả. Đã nói là ưu tiên một mà. Sở cảnh sát ra thông báo ngắn gọn, “Sau một cuộc điều tra sâu rộng, cảnh sát đã xác định rằng sự kiện được miêu tả trong thông cáo báo chí trước đây đã không xảy ra. Cuộc điều tra như thế đã kết thúc.”
Vậy mới ngặt.
Bạn đọc có người sẽ hỏi vậy rồi sao?
Phía cảnh sát đã trả lời ngay, huề. Cô bé bày đặt ra “vụ tấn công” sẽ không bị trách phạt gì cả.
(Một ông xếp cảnh sát giải thích rõ hơn rằng nếu cô bé lớn hơn một chút, cô có thể bị truy tố. Bộ Hình luật cố tình dối gạt cảnh sát như trình báo một tội ác bịa đặt là tội “public mischief”. Tuy nhiên, cũng theo Hình luật, tuổi thấp nhứt có thể bị truy tố là 12 tuổi.)
Những người khác – trong đó có những người bị quê độ vì mau mắn nhảy vô, cũng tỏ ra hết sức độ lượng và khôn khéo như các …chánh trị gia.
Ông Trudeau tuyên bố ổng thở ra vì vụ tấn công đã không xảy ra. Ổng nói (như để giải thích lý do tại sao mình vội vã lên tiếng cuối tuần trước) rằng vài tháng nay, mọi người đều thấy trên cả nước các “tội ác vì thù ghét” nhắm vô các nhóm tôn giáo thiểu số, nhứt là nữ giới, đã tăng lên.
Ông thị trưởng Tory nói “rất mừng được biết chuyện không có.”
Sở Giáo dục Toronto (TDSB) nói “rất cám ơn rằng vụ tấn công này thực tế đã không xảy ra. Chúng tôi không có bình luận gì thêm.”
TDSB cũng vội vã chối trách nhiệm khi bị tố là cho phép gia đình tiếp xúc với báo chí. Phát ngôn nhơn của Sở nói đây là quyết định của gia đình cô bé học trò.
Phát ngôn nhơn của Cảnh sát nói chuyện bày đặt ra những cáo buộc như thế này rất hiếm có, và hy vọng rằng sự việc sẽ không làm cho những người thực sự là nạn nhân của các vụ tấn công do thù ghét không dám lên tiếng.
Nhưng riêng mấy ông nhà báo thì cáu kỉnh vì bị hố. Tờ báo Sun ở Toronto hôm 13 Tháng 1 đã đưa tin vụ tấn công lên trang nhứt, có hình cô học trò nhỏ.
Mấy ổng quạu vì thấy mình quá khờ, đi tin cả những chi tiết không thể tin được như “thanh niên Á châu để râu mép”, cắt hijab bằng kéo trong khi cô bé mặc áo jacket mùa đông trùm nón kín mít bên ngoài. Nhưng họ cũng tự biện hộ (để cho đở quê độ) rằng hiện cả thế giới đang có dịch “sợ Hồi giáo” (Islamophobia), chuyện như vầy, mắc gì không tin.

Vậy là báo chí (và dư luận) Canada chia thành hai phe.
Một phe lên án cô học trò và gia đình. Thậm chí có người đòi đuổi cô bé và gia đình. Nhẹ nhàng nhứt, họ đòi hỏi gia đình cô bé học trò phải xin lỗi công chúng. Trong một bài bình luận trên tờ Toronto Sun, nhà báo Anthony Furey nói gia đình nên xin lỗi. Tuy nhiên, ông khéo léo thêm rằng việc phịa ra câu chuyện nầy đem tới một hậu quả đáng buồn là “những người Canada có lòng tốt, có đầu óc công bằng đã tin và thương cảm cô bé này có thể nhìn vào một vụ tấn công sau này với sự nghi ngờ. Mà vụ tấn công đó có thể là thật.”
Phe kia nói mặc dù chuyện không có thiệt, nhưng “trong số những phẩm chất được coi là của người Canada có tình thương với con trẻ mắc phải lỗi lầm, bất kể (lỗi lầm đó) đến mức công khai nào.” Bài bình luận của bà Shree Paradkar trên tờ Toronto Star kết luận như vậy.
Bạn về phe nào?
Bữa 17 tháng 1, gia đình bé gái trong nội vụ đã lên tiếng xin lỗi mọi người.
Họ nhờ báo chí đưa ra một tuyên bố. Họ giải thích rằng ngay khi nghe con gái kể, chính họ cũng đã tưởng đó là sự thật, như mọi người đã tưởng” và lên tiếng vời công chúng vì lo sợ rằng “tên gian sẽ có thể làm hại một người khác.” Họ xin lỗi về “sự đau đớn và nỗi tức giận” mà họ đã gây ra.
Lại chuyện có mùi
Mới tuần trước, trong Chuyện Cuối Tuần có hai chuyện có mùi. Một ở Canada, với mùi khét của cần sa và một ở Huê kỳ, với mùi hố xí của ông tổng thống Mỹ.
Tuần nầy, xin lỗi lại phải làm phiền lỗ mũi của bạn bằng mùi của một “chuyện bên nhà” (Xin lỗi nhà báo Đoàn Dự vì đã mượn đỡ tên chuyên mục của anh.)
Kêu bằng chuyện bên nhà nhưng cái mùi (thúi) của nó kéo dài từ Nam Mỹ về tới Hà Nội.
Những người đầu tiên hửi thấy mùi thúi là người dân ở chung quanh khu vực tòa Đại sứ (nay kêu bằng Đại sứ quán cho giống Tàu) của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên đường Eliodoro Yáñez, ở thủ đô Santiago của nước Cọng hòa Chile (ngày trước kêu bằng Chí lợi).

Thúi quá chịu không nổi, người ta “vào cuộc điều tra làm rõ” (văn chương báo trong nước) và “phát hiện” trên nóc nhà số 2897 – thuộc Đại sứ quán, có một số cục màu xám xám. Chụp hình coi kỹ, họ thấy đây là vi cá mập. Những ngày đầu tiên mớ vi cá nầy được phát giác, khoảng 12, 13 tháng 1, trên nóc nhà chỉ có ít cái. Mấy bữa sau, người dân thấy sớ lượng vi cá nhiều hơn, cả trăm cái, và mùi thúi cũng kinh hoàng hơn. Vậy là báo chí địa phương “vào cuộc”. Tờ báo El Mostrador loan tin và đăng hình hôm 18 tháng 1.
Báo nầy thắc mắc : “Ở Chile, việc cắt xén vây cá mập còn sống và sau đó ném thân cá xuống biển từng bị phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những mảnh vi cá mập được phát hiện đang trong quá trình sấy khô.”
Ông Alex Munoz – giám đốc National Geographic khu vực Mỹ La Tinh – nói với báo nầy: “Không thể tin được. Tôi luôn muốn biết rằng vây cá được phơi khô ở đâu nhưng tôi không thể ngờ rằng người ta phơi ngay trong khu vực trung tâm Providence. Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này tại Chile”.
Tờ El Mostrador còn nói thêm là những dấu cắt cho thấy các vi cá nầy còn khá tươi, như kiểu vừa mới cắt khỏi thân cá không bao lâu.
Tệ hơn nữa, khi họ gọi vô Tòa đại sứ để tìm hiểu thì không có ai thèm bắt máy.
Mạng xã hội trong nước -hệ thông đồng nghĩa vời báo lề trái của ngưởi Việt, lập tức râm ran. Trong khi đó, nhà nước im re, có thể không biết, có thể cố phe lờ, có thể mắc lo cầm cờ chạy lòng vòng mừng các trận đá banh vẻ vang ở giảu U23 bên Tàu.
Nhưng rồi không chỉ tờ El Mostrador và các mạng xã hội Việt Nam, báo chí quốc tế đã đăng lại tin nầy.
Xui xẻo hơn nữa, “vụ việc lên sóng” khi ở khi đang có một cuộc hội thảo về bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là các giống cá mập với sự có mặt của nhiều tổ chức quốc tế như Pristine Seas, National Geographic Society, The Pew Charitable Trust, Greenpeace …khiến cho các nhà chuyên môn và cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
Sự việc lại trùng hợp hợp một cách tai hại với sự hiện diện của nhà khoa học lừng danh Sylvia Earle, một trong những chuyên viên bảo vệ môi trường được kính nể nhất thế giới tại Santiago. Bà Earle đang thuyết trình về hiểm họa diệt chủng cá mập, và từ đó, hiểm họa mất cân bằng đại dương, ở Congrso del Fururo, một hội nghị về tương lai của trái đất, một trong các hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ.”
Sau khi có một vài nhà báo quốc doanh thuộc loại dũng cảm đặt câu hỏi với chánh phủ, ông Trần Tuấn Anh Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã “chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ xử lý và yêu cầu Vụ Thị Trường Châu Âu-Châu Mỹ chỉ đạo Thương Vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc có vây cá mập phơi trên mái nhà trụ sở Thương Vụ thuộc Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile; đồng thời báo cáo bộ trưởng gấp.”
Tới bửa Chúa nhựt vừa rồi, có tin tòa Đại sứ Việt Nam ở Chile xác nhận các vây (vi) cá mập đã được phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ VN, thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile.
Rồi báo trong nước vui vẻ dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao giải thích: “Văn phòng Thương vụ Việt Nam báo cáo số vây cá mập trên được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.
Đúng là coi dân như con nít lên ba dễ xí gạt. Vi cá mập là đồ quốc cấm ở Chile – có luật từ năm 2011, lại có thể mua ở “chợ dân sinh”. Rồi cán bộ ngoại giao thuộc ngành thương vụ lại không biết rằng vi cá, món ăn của các chú Ba hiện đang bị khắp thế giới lên án vì được thu hoạch theo cách quá dã man: bắt cá mập cắt lấy vi rồi quăng cá xuống biển cho chết thúi.
Nhưng nói gì thì nói, trước nay, chuyện liên quan tới cán bộ ngoại giao VC chỉ toàn thứ bốc mùi thúi hoắc.
Nhà báo Trân Văn có bài viết “Không chỉ có vây cá mập” trên mạng VOA về các thành tích của các ông “đại diện đất nước”. Dưới đây là vài thành tích (theo thứ tự thời gian) được tóm tắt từ bài đó:
– Năm 1994, báo chí Mỹ loan tin ông Lê Văn Bàng – Đại sứ VN tại LHQ bắt sò trái phép ở East Hampton’s Hog Creek – New York. Khi bị biên bản, ông Bàng chống chế là ông không biết tiếng Anh, rồi vì không được… thông cảm, ông mới xưng là Đại sứ và đòi hưởng quyền “miễn trừ” dành cho các viên chức ngoại giao.
– Năm 2001, báo chí Hồng Kông loan báo, Nguyễn Viết Hưng, Tổng lãnh sự VN tại Hồng Kông bị cảnh sát bắt giữ vì vỗ mông một phụ nữ ở khu Causeway Base. Do Việt Nam yêu cầu tôn trọng đặc quyền “miễn trừ” dành cho các viên chức ngoại giao nên sau khi bị tạm giữ vài ngày, ông Hưng được trả tự do nhưng phải rời khỏi Hồng Kông.
– Năm 2006, Nguyễn Khánh Toàn, một Tùy viên thương mại của Đại sứ quán VN tại Nam Phi bị bắt quả tang đang tìm cách đưa chín ký sừng tê giác ra khỏi Nam Phi. Cuối năm 2008 – báo chí Nam Phi công bố một loạt bài điều tra về việc bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán VN tại Nam Phi, buôn lậu sừng tê giác.
– Năm 2013, Nguyễn Thế Cường – Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bị hải quan phi trường Frankfurt ở Đức tạm giữ vì mang 20.000 Euro mà không khai báo. Theo báo điện tử Bild của Đức thì cảnh sát Đức thẩm vấn ông Cường vì nghi ông Cường rửa tiền. Ông Cường một mực khẳng định đó là tiền do Đại sứ quán VN tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp để giúp những nạn nhân bão lụt tại VN, nhưng trang web riêng của Đại sứ quán VNtại Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới hoạt động quyên góp, cũng như kết quả quyên góp hỗ trợ nạn nhân bị bão lụt….
– Cùng năm 2013, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA), công bố một số đoạn băng ghi âm, cho thấy, việc buôn người sang Nga, gây sức ép buộc 15 cô gái bán dâm có sự tiếp tay của một số nhân viên ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Cả Đại sứ quán VN tại Nga lẫn chính phủ CHXHCN Việt Nam không thèm trả lời.
Ký Gà