Fan theo tiếng Việt là người hâm mộ nhưng dài dòng quá nên người ta thường gọi vắn tắt là fan cho gọn nhẹ. Có đủ loại fan cho mọi lãnh vực: Thể thao, văn nghệ… Thể thao có fan bóng chuyền, cờ vua, điền kinh…, trong đó fan túc cầu sôi nổi nhất. Mỗi lần diễn ra các giải lớn, nhất là giải World Cúp, Bóng đá Châu Âu và các giải địa phương như SEA Games, cả nước sôi sùng sục. VN thua thì buồn hiu hết chuyện, còn thắng thì fan vỡ oà lên phát cuồng. Sau đó thế nào cũng có fan trong cơn phấn khích đã đua xe, nhậu nhẹt gây tai nạn… Dù sao cũng hết đập phá sau mấy vụ bị bắt đưa ra tòa. .
Fan tôn thờ thần tượng không kể trong hay ngoài nước. Hồi Michael Jackson chết, một số fan VN đã tưởng niệm bằng cách rủ nhau ra công viên, đặt hình Mike lên ghế đá để thương tiếc theo kiểu Á Đông là quỳ xuống xì xụp vái lạy, nước mắt sụt sùi tuôn tràn. E rằng cha mẹ mất cũng chẳng thống thiết đến thế. Khi một nhóm nhạc Hàn Quốc đến VN, hàng trăm người ùa tới bao vây khiến các ca sĩ vội vã lo thoát thân. Còn lại fan với nhau, người thì vui sướng la hét, người thì xúc động tới mức khóc nức nở không kềm được. Tài tử Hongkong Lưu Đức Hoa từng khốn khổ vì fan cuồng Chung Lệ Quyên. Cha mẹ cô Chung bán nhà cửa để theo con đeo đuổi theo từng bước chân thần tượng. Cuối cùng người cha tự vận với ý nguyện làm áp lực mong con được gặp mặt, trực tiếp đối diện người trong mộng.
Đó là thần tượng nước ngoài, chứ nước trong cũng không hề kém sự cuồng nhiệt. Một cô gái trước khi mất đã dặn dò gia đình để tấm hình chàng lên bàn thờ để mình được gần gũi thần tượng ngay khi đã qua đời. Nhân chuyến lưu diễn, tình cờ nhìn thấy hình mình sờ sờ nhang khói thờ phụng cạnh cô gái, chàng ca sĩ hết hồn, phải hết lời năn nỉ gia đình cô cho chàng được ra khỏi nơi ấy. Fan khác nhẹ hơn xăm hình thần tượng trên cánh tay. Mai mốt chán thần tượng này hay có thần tượng khac chẳng lẽ đi xóa.
Fan cuồng thì ở đâu cũng có. Fan ngày nay rất táo bạo. Ca sĩ trong lúc trình diễn bước ra khỏi sân khấu đến gần khán giả, nhiều fan, kể cả giới sinh viên học sinh, lợi dụng cơ hội khoảng cách thu hẹp đó đã tìm cách giật khăn, giật dây chuyền, móc ví, ngắt véo… một cách thô bạo khiến các ca sĩ hoảng sợ, hết dám “giao lưu” với khán giả.
Thông thường, khán thính giả dễ bị cuốn hút với các ngôi sao của làng giải trí, nhất là ca nhạc. Khi hâm mộ một nhân vật nào đó, các fan có khuynh hướng muốn cổ vũ, muốn tiến đến gần hơn thần tượng của mình. Họ theo dõi sát sao, thuộc lòng mọi hoạt động của thần tượng.
Trên các website, luôn luôn ồn ào bởi fan. Họ kỳ công sưu tập các bài viết, hình ảnh đăng trên báo, fan lập lý lịch tỉ mỉ tới mức chính sao cũng không tự biết về mình kỹ như thế. Fan lập website, lập blog, nhất cử nhất động của thần tượng đều được đưa lên đó để mổ xẻ, ý kiến, ý cò…
Đây là nơi tung hô thần tượng mình và đạp thần tượng người khác khi cần. Fan bên này chê thần tượng bên kia điệu, mặc trang phục không đẹp… Thế là có chuyện ngay, fan bên kia phản ứng tức thời bằng cách quặc lại. Bênh nhau, nói xấu nhau, chửi rủa om xòm trên mạng. Đó là một đấu trường không ai nhìn thấy ai nên chẳng có câu gì là không thể tuôn ra được. Không khí ở đó vô cùng ồn ào, sôi động. Fan của chị Quít ghét fan của chị Táo. Fan của anh Khoai chống fan của anh Bí… Thần tượng được gọi bằng những cái tên thân mật như trong một gia đình, và trong cái nhóm lớn đó, các thành viên luôn kèn cựa nhau khiến thần tượng cũng lấy làm khổ tâm. Fan của hai nghệ sĩ chửi rủa nhau nặng nề, thiếu điều gặp nhau đánh đấm chỉ vì ai nấy hết lời nâng thần tượng của mình lên mây xanh, hạ thần tượng người khác xuống bùn đen. Cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì lý do cho rằng album này hot hơn album kia, cô nọ hát cặp với anh chàng đẹp trai đáng lẽ chỉ dành cho thần tượng của mình, hát cặp với người khác khiến fan phật ý la ó, tẩy chay liền.
Fan bám theo sao để chụp được những tấm ảnh đời thường, để biết được những hoạt động hậu trường của sao. Thần tượng sinh nhật, cắm trại, sáng đi uống cà phê, chiều đi nhậu… Tất thảy mọi sinh hoạt đời sống của sao đều được cập nhật hàng ngày. Để đáp lại thịnh tình của fan, sao cũng lo tặng ảnh, tặng album, ký tên… thậm chí sinh nhật người thân mình có thể quên nhưng nhớ ráng nhớ sinh nhật của các trưởng nhóm để gửi thiệp chúc mừng…
Nghệ sĩ nào cũng cố gắng chiêu dụ fan, thành lập fan club chỉn chu. Các ca sĩ có ê kíp mạnh tổ chức rất chặt chẽ: Lập văn phòng riêng, Ban điều hành liên lạc mật thiết với ca sĩ hoặc công ty của ca sĩ, quản lý tới đại diện từng địa phương, cấp thấp lên cấp cao, phát thẻ thành viên, mua đồng phục… điều phối các hoạt động một cách hệ thống, lớp lang rất chuyên nghiệp, quy củ. Không những chỉ cổ vũ ca sĩ trong các buổi trình diễn mà họ còn tổ chức đi từ thiện, phát học bổng, gây quỹ giúp các thành viên với nhau… Các câu lạc bộ lớn có từ vài chục đến hàng trăm fan được kiên trì gầy dựng trong nhiều năm. Nhờ có lực lượng fan này mà hình ảnh, tên tuổi của các ngôi sao được quảng bá rộng rãi và sao mau chóng được nhiều người biết đến hơn. Công của fan rõ ràng không nhỏ.
Môt số nghệ sĩ đột ngột nổi thành sao chính nhờ phần lớn sự ưu ái của fan. Bằng chứng là một loạt ca sĩ công chúa, hoàng tử xuất hiện do fan tích cực ồn ào đưa lên… Chỉ cần ca sĩ đẹp trai, xinh gái, bài hát nhí nhố một chút là một fan club mau chóng ra đời tập hợp những người cùng sở thích, cùng thể hiện sự mến mộ và nhanh chóng thổi phồng ca sĩ ngay.
Vì thế có một số ca sĩ chỉ với giọng thường thường bậc trung nhưng vẫn trở thành ngôi sao do lực lượng fan hùng hậu trải rộng khắp nơi. Các fan club thành lập sau này ngày càng nhiều sáng kiến hơn các club đi trước. Tên câu lạc bộ không trơ trọi là tên của thần tượng mà được gắn vào đó rất nhiều hoa lá cành. Ca sĩ có biệt danh công chúa Kẹo Me thì fan club của cô có tên Vương quốc Kẹo, fan club của ca sĩ hoàng tử Chích Choè lấy tên Khu Vườn Hoàng Tử… Với số lượng ca sĩ công chúa, hoàng tử, nữ hoàng, hoàng đế… nở rộ như nấm sau cơn mưa hiện nay thì các vương quốc ngày càng bành trướng. Các club nào dù tổ chức chưa được hệ thống mạnh mẽ nhưng các fan cũng chịu khó hẹn nhau trước cổng rạp hay quán nước để trao đổi bài hát, cùng nhau đi theo cổ vũ cho thần tượng từ thành phố xuống tỉnh, từ tụ điểm nhỏ đến sân khấu lớn.
Đi tới đâu rầm rộ tới đó. Rất nhiều trường hợp nghệ sĩ đoạt được giải thưởng này nọ là do số lượng đông đảo fan bình bầu. Các cuộc thi âm nhạc nhằm mục đích quảng cáo rộng rãi, không bao giờ thiếu được “Giải do khán giả bình chọn”. Trong trường hợp này, nghệ sĩ nào có số lượng fan đông đảo thì nắm chắc giải vì fan club kêu gọi các thành viên gửi tin nhắn bầu áp đảo cho thần tượng của mình. Có thể đoán trước được kết quả giải thưởng khi nhìn vào hoạt động của fan club vậy.
Đa số fan trong các club thường ở tuổi teen. Bởi vì ở độ tuổi đó mới có sự sôi nổi, mới dành nhiều thời gian và tiền bạc cho các hoạt động ủng hộ thần tượng. Họ đóng tiền vào quỹ để làm banderole, mua hoa và thú nhồi bông tặng thần tượng, phân công người đi đón thần tượng ở phi trường, dự sinh nhật thần tượng hay theo thần tượng đi làm từ thiện… Cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ fan, các thành viên trở thành thân thiết với nhau. Người ở tuổi đã đi làm bận bịu khó mà theo đuổi được các sinh hoạt ấy.
Phần lớn nhờ fan rộn ràng như vậy góp phần đẩy ca sĩ nổi hơn. Khán giả vào rạp hát có khi bỡ ngỡ khi thấy cờ xí rợp cả góc rạp. Khi thần tượng ra hát, ở dưới fan ngả nghiêng, giơ đèn, giơ ảnh, vỗ tay, hò hí… lôi cuốn sự tò mò của khán giả nhìn về fan hơn cả về phía ca sĩ đang đứng trên sân khấu. Nếu có hai nhóm fan thì mỗi nhóm chiếm cứ một góc. Như vậy mỗi lần la hét, vẫy cờ… thì mới khí thế, đồng thời xảy ra tình trạng hai bên kèn cựa xem bên nào mạnh hơn, hình thức cổ vũ kiểu cọ, độc đáo hơn. Hai bên đều có bandrole nhưng bên này có dán kim tuyến và mặt nạ, bên kia có phun hoa giấy và đèn dạ quang… Xem ra không phải ca sĩ so tài trên sân khấu mà là cuộc hơn thua giữa các nhóm fan dưới hàng ghế.
Thật ra thì sự cổ vũ đó cũng khiến cho không khí rạp hát nóng lên, ca sĩ hát sôi nổi hơn mặc dù hai nhóm fan thường tranh chấp chỗ ngồi tốt hay kèn cựa nhau bên nào lên sân khấu tặng quà nhiều hơn, quà to hơn… Các bó hoa ngày càng to đùng, nhất là gấu bông ngày càng trở thành quà tặng không thể thiếu. Nhiệt tình thái quá khiến sau bài hát lắm khi fan cứ lũ lượt lên sân khấu tặng quà cho ca sĩ, đi nườm nượp từng người, từng nhóm như đi hội chợ. Lên tới sân khấu còn chụp cơ hội nghiêng đầu, đứng nép vào ca sĩ chụp tấm hình làm kỷ niệm hay là lợi dụng cơ hội ôm hun một cái, không kể kẻ gian trà trộn móc ví…
Chỉ có điều sau tiết mục của thần tượng trên sân khấu, lắm khi fan cuốn gói rùng rùng ra về mặc kệ tiết mục sau đang diễn ra trên sân khấu, để lại một khoảng ghế trống trong lòng rạp. Họ không muốn xem buổi văn nghệ. Bổn phận của họ chỉ đến để cổ vũ, không phải, chính xác là để biểu dương lực lượng, hết màn trình diễn của thần tượng là xong, họ đi về, chẳng thiết gì đến các tiết mục của những người sau đó. Bởi phần lớn fan kiểu này là teen mà teen thường thích gì làm nấy, ít để ý tới chung quanh ra sao. Cho nên sau một thời gian gia nhập thì nhiều fan đành nói lời từ giã fan club vì thấy lộn xộn quá.
Bởi lực lượng fan hùng hậu gây thanh thế rất hiệu quả nên dần dần fan tạo ngược nên một thế áp lực lên thần tượng. Fan club dầu sao cũng còn có chương trình hoạt động đàng hoàng chứ fan tự do lắm khi không vừa ý trở nên quá khích móc túi, giật dây chuyền, giật tóc, ẩu đả… khiến đâm ra thần tượng cũng ngại, lo lấy lòng fan cũng phiền toái lắm, gọi “nịnh” cũng không quá.
Cái lực lượng fan hùng hậu đó rút lui, tan vỡ hay kéo đi đầu quân qua một thần tượng khác hoặc chơi ngược lại thì ngôi sao cũng mắc vào nhiều phiền toái. Hôm nay fan thích ca sĩ này không phải vì có giọng hát hay mà vì có nụ cười dễ thương. Vài tháng sau, fan chuyển qua ưa ca sĩ kia có ánh mắt hút hồn. Sở thích và hoạt động của fan tùy hứng nên nếu ca sĩ không có bản lĩnh để hướng dẫn, giới hạn thì bị mấy cái fan club này kéo đi chệch hướng. Cứ nhìn fan club hoạt động thì biết đẳng cấp của nghệ sĩ ấy ra sao.
Fan mạnh hơn, lấn lướt thần tượng là vậy. Fan ưa hờn dỗi, ưa thay đổi sớm nắng chiều mưa. Thần tượng lấy vợ, lấy chồng cũng phải dọ ý xem fan có… ưng không? Fan xét nét, kén chọn xem hình thức và tính tình người ấy có xứng đáng với thần tượng không, quá khứ ba đời có trong sạch, vướng víu với ai không. Kỹ lưỡng và nhiều chuyện như bà già trầu! Để đứng vững trong lòng fan, các thần tượng không dám công bố người yêu của mình, càng không dám lấy vợ kẻo các fan nữ thất vọng, bỏ đi tìm người tình trong mộng mới.
Nhiều ngôi sao HongKong, Đài Loan… đang trên đỉnh danh vọng, phải giấu nhẹm chuyện kết hôn. Đến khi tà tà đi xuống hoặc không thể “ém” được nữa mới dám công bố chuyện tình cảm riêng tư.
Thần tượng phải nghĩ ra nhiều cách nuôi dưỡng fan, lấy lòng fan bằng cách chăm chỉ điện thoại hỏi thăm, chúc mừng sinh nhật, tổ chức họp mặt ăn uống, dã ngoại, bày trò vui chơi, tặng album, tặng ảnh, vé, quà ngoại quốc, lì xì đầu năm… Cũng mệt lắm chứ chẳng chơi. Dù đứng trên sân khấu hay phát biểu trên báo chí, trên blog… đều luôn luôn vuốt ve, tâng bốc làm sao để các fan đều hài lòng, lại khéo giữ hòa khí, không ghen tị mích lòng nhau là thần tượng thân người này hơn, xa người kia hơn…
Các ngôi sao đã hay… chưa nổi tiếng đều hết lòng chăm sóc, chiều chuộng các fan club, chính là nguồn lực giúp họ tồn tại lâu trong lòng người hâm mộ. Công nghệ nuôi fan cũng vất vả, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc không kém công việc chuyên môn ca hát, ra album…
Thật tình mà nói thần tượng cũng khổ tâm ghê lắm, bỗng dưng cưa sừFng làm nghé kết bạn với đám fan đa số là teen ưa dỗi hờn. Thần tượng cũng tỏ ra nhí nha nhí nhảnh, cũng tâm sự nỉ non… không thì fan giận. Còn như không có fan club, không có người hâm mộ thì các nghệ sĩ đành đi thuê một nhóm để hoan hô vỗ tay, tặng hoa, tặng gấu bông… rồi ùa tới bao vây ôm hôn, xin chữ ký gây ồn ào náo động, rồi vận động thiên hạ gửi tin nhắn, gửi thư bình bầu mong kiếm được phiếu nào hay phiếu đó. Cách thức này khá hữu hiệu. Hiệu ứng dây chuyền thấy người ta sao mình bắt chước. Thấy thiên hạ hoan hô mình cũng hoan hô luôn. Thế là nghệ sĩ bắt đầu kiếm được thêm ít fan!
Chính fan góp phần tạo dựng nên sự thành công của nghệ sĩ. Không có fan, thần tượng mới… bơ vơ làm sao!
SGCN