N
gười Việt mình có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Hiểu theo ngữ cảnh xuề xòa câu tục ngữ ấy có phần gần với câu: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Hoặc: Chọn bạn mà chơi. Nhưng với nhiều bà con mình sống ở Mỹ, hiểu theo một ngữ cảnh khác, nó có phần na ná, tương tự với nếp nghĩ: Kiểu gì thì kiểu, tiếp xúc mãi với một hạng người nhất định ta sẽ chịu ít nhiều ảnh hưởng từ nơi họ.
Trò chuyện với anh em bạn trong sở làm giờ giải lao, câu chuyện lan man một hồi, từ chuyện Mr. Putin đã đến hồi mạt vận đến chuyện chẳng biết ông ta có đem vũ khí hạt nhân ra sử dụng nay mai hay không? Rồi giá xăng, giá thịt gà, giá củ hành, củ tỏi… bão lụt chỗ này, cháy rừng chỗ kia; một lát sau câu chuyện chuyển qua đề tài gần mực thì đen…
Hóa ra gần mực ở đây là tình trạng lây nhiễm lối hành xử giữa các nền văn hóa khác nhau. Vâng. Không ngoa. Ở Mỹ, một quốc gia đa văn hóa, nhiều sắc dân chọn nơi đây làm quê hương bởi lẽ đất lành chim đậu dẫn đến những giao lưu văn hóa dễ nhận ra nhất. Từ thời tiền lập quốc đến nay. Những đợt di dân đầu tiên từ Châu Âu giương buồm kéo sang đã và người Indian bản địa đã khai mào sự đối đầu giữa hai nền văn hóa. Sau đó nô lệ da đen được chở tới. Rồi thêm nhiều thành phần di dân khác từ Châu Âu. Sự có mặt của người Hoa với các đợt sóng khai thác vàng tại California hoặc xây dựng tuyến đường sắt nối liền đôi bờ hồi thế kỷ 19. Nối tiếp những đợt di dân mới từ các chính sách bảo trợ tỵ nạn sau này. Cứ thế… nước Mỹ càng ngày càng trở thành mảnh đất melting pot – một nồi súp thập cẩm hầm bà lằng với hầu như đủ mọi sắc dân của thế giới có mặt nơi đây.
Khái niệm gần mực từ đây bắt đầu bén rễ lây lan. Đó là sự pha trộn (không chỉ huyết thống) mà tất cả những phong tục tập quán văn hóa. Ôi thôi đủ cả. Từ gà rán cho đến bánh bột ngô xay tamales. Từ váy đầm cho đến khăn quấn đầu. Những đôi hoa tai gỗ. Xâm mình, xâm mẩy. Tất tần tật. Chả giò, phở… Cuộc sống tại Mỹ thăng trầm những khởi sắc các cộng đồng nương tựa lẫn nhau. Tốt xấu từ đây buộc phải chen lấn để sinh tồn. Nhuôm nhuôm khắp nơi là những gam màu kèn cựa, ken kích, xã hội chia ra thành hai tầng rõ rệt: Giới có tiền và giới lao động nghèo khổ.
Nói đến giới giàu ở Mỹ, rộng hơn là người có tiền, miếng ngon, của lạ tất cả đều dành cho họ. Quả nhiên thế. Đồng tiền nào chỉ cửa quyền không thôi, nó còn là sức mạnh vạn năng (nếu ta không đưa sức khỏe vào đẳng thức hành trình đời sống con người). Cứ thế. Lẽ đời. Thân phận kẻ vừa sinh ra đã ngậm cái thìa bạc trong miệng và những kẻ quần quật nai lưng nghèo từ đời ông, đời cha được phân ranh định giới bởi đẳng cấp. Từ đây nạn đối xử phân biệt xuất hiện. Lắm nơi chỉ kẻ có tiền mới được phép đến. Kẻ có tiền nhưng không có đẳng cấp xã hội nghiễm nhiên bị cấm đoán, không thể bén mảng vì chúng vốn chỉ dành riêng (exclusively) cho người có tiền (hoặc chí ít phải là người có đẳng cấp xã hội).
Một anh bạn cao hứng nói: Các bạn thấy không? Gì chứ, ngày xưa mấy chỗ sang trọng Mỹ đen, Mễ làm gì có cửa nhào vô. Thì ra anh đang nói đến những nhà hàng sang trọng (tương đối high class) chuyên phục vụ các món ăn với thực đơn khá tốn kém như sushi, hibachi, sake, rượu tây, bia Nhật. Nghe anh nói vậy, một anh bạn khác gật gù đồng tình cho rằng nhận xét ấy gẫm kỹ có đến tám phần chí lý. Hóa ra những nơi này ngày xưa chỉ có người có tiền và có đẳng cấp mới được bước vào.
Vẫn theo lời anh bạn cao hứng lúc nãy, vợ anh cho biết (mấy người kỳ cựu trong nghề nail kể lại) nghề nails ngày xưa được dân Mỹ quý trọng lắm. Vẫn biết thợ nails xét kỹ chỉ là thành phần phục vụ, cọ rửa. Người quyền quý có tiền quẳng ra. Thợ nail cần mẫn nâng niu cười cợt, xun xoe rất đỗi nồng nàn bởi đây là cơ hội kiếm thêm tiền buộc-boa. Thế. Chẳng có gì là úp mở ở đây cả. Ăn nhạt mới biết thương mèo. Rồi thợ nails sau đó đi ăn nhà hàng buộc-boa khá sộp. Hóa ra gần mực Mỹ trắng khiến lối sống văn minh cũng khác, trong đó có cả văn hóa cho tiền típ. Những đồng tiền buộc-boa với người giàu bỏ ra chỉ là con số lẻ, song với cánh thợ xách giỏ đi làm, dăm đồng chỗ này, chục bạc chỗ kia, cuối ngày gom lại cũng được một món khá bộn.
Mọi người bình luận khá sôi nổi, một anh bạn khác tiếp nối vào câu chuyện. Anh nói đến chuyện đi máy bay. Theo anh hồi xưa khách đi máy bay thường là người có điều kiện. Văn hóa đi máy bay hồi đó rất khác so với bây giờ. Người không có tiền và không có đẳng cấp hiếm khi bước lên máy bay. Khách đi máy bay hồi đó rất lịch sự. Tiếp viên hàng không cũng lịch sự. Người đi máy bay ăn mặc chỉn chu, đàng hoàng. Họ không có những hành vi thái độ bất nhã. Trải nghiệm đi máy bay hồi đó rất dễ chịu, rất thoải mái. Còn bây giờ… ai ai cũng biết, ôi thôi khỏi nói luôn.
Đấy. Những câu chuyện cứ thế lan man. Ý kiến, ý cò rôm rả như mổ bò. Rồi tiếng cười hềnh hệch mười lăm phút giải lao chen vào. Những điếu thuốc phì phèo trên môi. Khói thuốc phả ra. Những lá phổi khỏe như văm. Phải đấy. Nói rất đúng. Có ai đó húng hắng ho, âm thanh ùng ục trong cuống họng nghe khá rõ. Rồi là tiếng khạc nhổ. Đờm dãi. Khu vực dành cho nhân viên giải lao chia ra năm bảy chỗ. Trắng ngồi với trắng, đen ngồi với đen. Nâu ngồi với nâu, vàng ngồi với vàng, một thứ luật bất thành văn, chỉ cần hiểu ngầm: Nước sông, nước giếng không nên xâm phạm lẫn nhau.
Tóm lại một câu: Bất cứ nghề nào có dính dáng đến phục vụ càng lúc người ta càng thấy những hành vi bát nháo của các thành phần hạ đẳng xuất hiện. Theo lời anh bạn khơi chuyện ban đầu, tại mấy nhà hàng sang trọng bây giờ xuất hiện nhiều thành phần cà chớn (theo lời anh đích thị là dân ba trợn). Anh kể mình có người em trai nấu hibachi về nhà thường than thở tình trạng gặp khách ba trợn vô ăn. Chao ôi. Lớp thì ăn to nói lớn, cười cợt oang oang, đòi hỏi nọ kia đủ điều, đừng bỏ nấm, bỏ hành vào rau xào, rồi xin thêm bơ tỏi, rồi hoạnh họe nọ kia, đòi nấu kỹ thêm chút nữa sau đó kiếm cớ chê khét để được ăn miễn phí hoặc giảm giá. Đa số là Mỹ đen. Cực thấy mồ nhưng khi nấu xong chẳng thấy đám khách ba trợn này cho tiền boa. Nhiều lúc bực, trong bụng khó tránh những suy nghĩ (có phần) khá thất đức: Ăn cho cố vô rồi về nhà trúng thực chết mẹ tụi bay hết đi!
Tiệm nail cũng thế. Ngày xưa khách quý thợ nails lắm. Ăn nói cũng hòa nhã gần gũi. Thái độ của họ là thái độ trân quý, biết điều (miễn bàn đãi bôi hay thực bụng). Tiền boa thì đã hẳn. Cuối năm vào dịp Noel, Tết Tây còn có chuyện tặng quà cho thợ. Có thể là cash. Có thể là gift card. Có thể là một thứ gì đó có chút giá trị để thợ nails cảm thấy ấm lòng. Thậm chí có khách còn nhớ ngày sinh nhật của thợ. Đi chơi xa về nhà không quên mua quà cho thợ. Gần đây thành phần khách sang, khách sộp này càng lúc càng ít hơn. Thợ nails tay nghề cao vẫn nhận được những đối đãi khá thịnh tình từ khách song nhìn chung nghề nails càng lúc càng bạc bẽo. Hồi đó khách muốn làm đẹp phải lấy hẹn. Còn bây giờ, nhiều khi bước vào, không thèm chào hỏi mà chỉ địa (nhìn quanh) một lượt rồi bỏ đi không thèm say hi một câu, hết sức bất nhã.
Đi máy bay cũng vậy. Thôi thì đủ cả. Ngày xưa người ta ăn mặc tử tế. Tóc tai đàng hoàng. Đi máy bay gần như đi làm ăn giao dịch, phải lịch sự. Người đi máy bay rất giữ kẽ. Thái độ của họ là thái độ rất văn minh. Họ ăn nói nhỏ nhẹ. Họ tôn trọng không gian yên ắng chung cho các hành khách đi chung. Nay thì khác. Trên máy bay có đủ mọi hạng người, đủ mọi thái độ, đủ mọi nhân cách, đủ mọi lối hành xử khác nhau. Thế là khách ba trợn len lỏi vào máy bay đem theo thái độ bát nháo. Họ ăn to nói lớn. Nhồm nhoàm nhai fast food đem theo lên máy bay. Nhiều đôi mắt láo liên, hằn học, chỉ chực gây hấn. Tóm lại một câu đi máy bay hôm nay căng thẳng và “mất sướng” so với đi máy bay ngày xưa rất nhiều.
Chuyện gì đã xảy ra? Nhất định ai đó phải có trách nhiệm chứ, đúng không? Tất nhiên khi nói đến bình đẳng và dân chủ, mọi dịch vụ xã hội công ai cũng có quyền sử dụng. Từ các tiệm ăn lớn, các dịch vụ làm đẹp như tiệm nail, tiệm tóc, tiệm mát-xa, các khu vui chơi, tiệm bánh, xe buýt, xe điện, máy bay, bệnh viện, sở thú, thư viện… nếu người giàu hoặc giới high class được vào thì người nghèo cũng phải được bước vào. Nhưng… Lại cái “nhưng” chết giẫm ở đây, nói gì thì nói, xin các vị hãy vui lòng làm ơn hành xử lịch sự hơn một chút có được không?
Tìm hiểu chân tướng của câu chuyện, phải chăng nhận thức xã hội và những đấu tranh nhân quyền đã góp phần tạo nên những đổi thay ứng xử tại các địa hạt nghề nghiệp dịch vụ, phục vụ (một dạo rất văn minh, rất high class) nay cho phép mọi thành phần xã hội được tham dự? Hay còn có những tác nhân nào khác nữa đã khiến tình trạng đang trở nên khác hẳn.
Một anh bạn vốn kiệm lời chỉ đưa ra những nhận xét khi mọi người đã nói hết. Theo anh chính giới chủ đầu tư là kẻ chủ mưu góp phần tạo ra những đổi thay này. Nó chẳng xấu mà cũng chẳng tốt. Nó là luật sinh tồn. Họ bỏ vốn nên tư duy lợi nhuận vốn là chuyện lẽ thường. Sự có mặt của các thành phần khách ba trợn tại những nơi vừa kể chẳng có gì khó hiểu. Ngược lại, nó là một kết quả mang tính tất yếu. Giới đầu tư xả cảng để kiếm thêm, tuy nhiên do chưa thích nghi kịp, hoặc do còn nấn ná với thời vàng son ngày xưa nên không ít cảm thấy dị ứng chứng kiến cảnh khách ba trợn làm hoen ố những hành xử lịch sự căn bản tối thiểu.
Vậy các tập đoàn và giới chủ đầu tư đã làm gì sai? Xin thưa: Lòng tham vô đáy. Để tăng thêm doanh thu người ta buộc phải mở rộng diện tích thương mại. Có nhiều cách tăng thêm doanh thu, trong đó cách phổ biến nhất là tăng lượng khách hàng, hiển nhiên cách câu khách dễ nhất là giá rẻ. Chưa nói đến các yếu tố cạnh tranh khốc liệt khác. Người biết nghề sẽ tự mình đứng ra làm chủ, thế là thiên hạ tha hồ khuyến mãi, 30% off chỗ này, giảm giá sát cuống chỗ kia, thậm chí là lỗ lã một chút cũng không sao với mục tiêu “build khách”. Hãng máy bay đóng những chiếc phi cơ chỗ ngồi chật cứng như xếp cá mòi. Tiệm nail ồ ạt dán bảng “walk-in welcome” thay vì khách muốn làm đẹp phải lấy hẹn trước. Rồi vì giá rẻ nên khách tha hồ nhào vô, ồn ào nhắng cuội, hết sức mất trật tự. Còn mấy nhà hàng nữa, nếu là nhà hàng cực kỳ sang trọng ta không bàn đến vì giá trong menu của họ rất cao, khách ba trợn dù ngang tàng đến đâu cũng không dám bén mảng đến vì làm gì có cửa. Cuối cùng là nhà hàng dành cho giới trung lưu, tương đối high class nay xuất hiện những thành phần bát nháo, ba trợn. Nói chung tình hình đang tiến đến ngưỡng thay đổi 180 độ!
Thế đấy. Chẳng có gì là to tát ở đây cả. Nếu tìm hiểu kỹ, cột sống của kinh tế tư bản là cạnh tranh, là mạnh được yếu thua, là sát phạt quyết liệt để loại trừ đối thủ trong cùng một địa hạt. Vâng. Ngày xưa khách làm nails quý thợ vì tiệm nails chưa ồ ạt mở ra, giá các bộ nails không bèo như bây giờ. Nay nhiều chủ tiệm nails chủ trương tận dụng bắp thịt và tay nghề tha hồ giảm giá cuối cùng là nghề nails bị phá hỏng. Nhưng thôi, gẫm kỹ, nhiều người chẳng phải nhờ vào nghề nails vẫn mua được nhà to, xe đẹp đó sao? Còn chuyện lâu lâu gặp khách ba trợn thôi coi như Tổ trác vậy.
Chẳng ai có thể làm gì để thay đổi. Không hẳn chuyện chó đá sang sông hay biển hóa nương dâu, song đó là lộ trình phát triển xã hội, trong đó những đổi thay trong cách làm ăn, những hình thức cung cấp dịch vụ buộc phải tịnh tiến theo đà phát triển chung. Vả lại, xét về mặt tâm lý, con người thường bưng theo tay nải hoài cổ như một thứ ký ức dễ nảy sinh những so sánh đối chiếu, rằng ngày xưa thế nọ, ngày xưa thế kia…
Cuối cùng là gì? Gần mực thì đen? Đen ở đây không phải do lây lan (cái hay không học, học cái dở). Song đen bởi vì không còn lựa chọn khá hơn, buộc phải hành xử bất đắc dĩ (kiểu sống chung với lũ). Tại sao khách phải sang, phải sộp khi bản thân các dịch vụ cứ xuống cấp (tiền nào của nấy, đúng không?). Chưa nói khách sộp đôi khi mất hứng, khó chịu khi tiếp cận với các thành phần ba trợn ngồi chung, rồi vì bực bội khó chịu họ giận cá chém thớt lây sang các thành phần sống bằng nghề dịch vụ. Nhiều tiệm Mỹ trắng bỏ đi khi Mỹ đen xuất hiện.
Vâng. Mực mới đổ vào chậu nước người ta sẽ la hoảng. Nhưng khi mực loang ra từ từ, chỗ ban đầu đen đậm sẽ biến mất. Lúc đó chậu nước sẽ nhờ nhờ (dấu vết chỗ mực đen ban đầu không còn nữa). Người không chứng kiến từ lúc đầu sẽ không nhận ra chậu nước trong bị mực đổ vào. Người ta chỉ nghĩ đấy là một chậu nước trước nay vẫn nhờ nhờ đục như thế…
Cũng thế, chưa từng ăn quả ngọt làm sao biết quả chua (chua cỡ nào). Còn với người vị giác dễ dãi, sao cũng được, chua ngọt họ chiều tất. Như thế, dù “gần mực” hay “xa mực” đối với họ mọi cái chỉ là chuyện tạm thời, là tùy duyên, là sau cơn mưa trời lại sáng, chẳng chết thằng Tây nào cả…
Nguyễn Thơ Sinh