Ngày còn đi học trường làng, cô giáo viết lên bảng: Các em hãy phân tích câu thành ngữ: “Già bát canh trẻ manh áo mới.”
Thế là bài tập làm văn của đám trẻ trâu tha hồ lạc đề vì có hiểu gì đâu? Những giải thích phù hợp lứa tuổi khả dĩ chầp nhận được như: Người già rụng răng hết rồi nên ăn cơm với canh là dễ nhất, nuốt không mắc nghẹn. Trẻ nhỏ thì luôn thích quần áo mới vì nó đẹp hơn quần áo cũ…
Có lẽ đám trẻ trâu không ngờ là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ở trường làng lại theo mình suốt đời, ẩn sâu trong tiềm thức, ký ức về tuổi nhỏ và một vùng quê.
Theo thói quen, sở thích ăn uống của người Việt mà tôi quen biết thì món nướng bao giờ cũng được ưa chuộng nhất, thứ nhì là món chiên, đến món xào, món kho, rồi mới tới món nấu. Giả sử bắt được con cá lóc thì người ta nghĩ đến nướng trui với lửa rơm là số một. Cực chẳng đã không đủ ăn thì người ta mới đem kho cho có nước chấm rau đồng ăn kèm cho đủ bữa nhà đông vì đem chiên, giằm nước mắm chua ngọt cũng chấm rau được, biết sẽ ngon hơn nhưng không đủ ăn nên món kho là phù hợp. Trường hợp đem con cá lóc đi nấu canh chua vì ngoài vườn nhà có sẵn đồ bổi, gồm những thứ dễ trồng như cà chua, đậu bắp, bạc hà, rau om, ngò gai, ớt trái… me vắt lúc nào cũng có trong chạn. Nấu lên một nồi canh mênh mông nước thì tha hồ ăn, không sợ thiếu thức ăn cho bữa cơm quê có gì ăn nấy.
Đó là đời sống dân dã ở miền quê mà tôi đã sống qua khi còn rất nhỏ. Nhưng khi tự tôi và bạn bè trang lứa đã biết cắm câu cá lóc, tát mương tát đìa bắt cá thì chúng tôi nướng hết, ăn cho ngon vì cá nướng không tanh, thịt săn chắc và ngọt thì khỏi chê vào đâu được. Nhưng vào trường làng làm tập làm văn thì viết như kể ở trên, rõ ràng những người già trong xóm làng thích ăn canh cho dễ nuốt, những người mẹ lại thích ăn cá kho cho đậm đà, còn những người cha cũng thích nướng như đám trẻ con, các ông nướng cá để nhậu là chuyện thường ngày trong xóm.
Nhưng thời gian nhìn lại mới thấy hầu như ai cũng như ai, khi còn trẻ đều thích món nướng vì thịt hay cá nướng đều ngon, có thể là ngon nhất, nhưng với người trẻ thôi! Đến một lúc người ta thích ăn cá kho cho đậm đà, rồi thích cá chiên cho bớt tanh, Khi có điều kiện lại thích ăn cá hấp, cá chưng vì hai món này đòi hỏi hơi nhiều gia vị, không thích hợp ở vùng quê có gì nấu nấy…
Cho đến khi một người chỉ thấy ngon miệng khi ăn món hấp hay luộc là già rồi. Như rau muống xào thịt bò là món ngon khi còn trẻ, nhưng đến độ trung niên chỉ còn thích rau muống xào tỏi, bó xôi xào dầu hào, không thích ăn thịt nữa, và khi về già lại chỉ thích ăn hấp hay luộc. Rau muống luộc, cho tí muối cho đậm đà rồi chấm nước cá kho, thịt kho là ngon miệng. Thích miếng thịt ba chỉ hấp nồi cơm, thái ra chấm nước mắm mặn, ăn kèm miếng cải chua ngon hơn hết những món chế biến từ miếng thịt ba chỉ. Con cá bạc má hấp cải chua, chấm xì dầu thì mấy người trẻ đâu thèm ăn cái món xoàng xĩnh ấy, vì họ chưa đủ tuổi thấm thía hương vị biển trong xớ cá bạc má ướp muối sẵn từ nước biển, vị ngọt xương bò hầm cả tháng trong xì dầu phải cỡ lão gia mới thẩm thấu ra…
Chưa có thống kê nào hay nghiên cứu gì về hiện tượng người già thích đơn sơ như một sự trở về, nhưng để mắt quan sát sẽ thấy người càng lớn tuổi ăn uống càng đơn giản, chỉ loanh quanh mấy mấy món dễ tiêu, dễ ăn và chủ yếu là hấp với luộc. Cũng có phần đúng với kinh nghiệm dân gian đúc kết lại thành câu già bát canh vì người già ăn canh dễ nuốt, nhẹ bụng, dễ ngủ. Trẻ manh áo mới cũng không sai với giải thích là trẻ con thích quần áo mới như những bài tập làm văn của chúng tôi khi còn nhỏ. Nhưng tìm hiểu thêm sau này mới ngộ ra lời dạy của tiền nhân, áo mới trong câu thành ngữ không phải là áo mặc lần đầu mà áo mới ở đây mang ý nghĩa áo sạch, áo mới giặt. Trẻ con được thay cho cái áo mới giặt sạch sẽ, thơm tho thì trẻ ngủ yên giấc hơn, không khó chịu như mặc chiếc áo bẩn nên khó ngủ, trẻ khóc đêm hay cựa quậy suốt vì khó chịu với chiếc áo bẩn.
Thành ngữ trong tiếng Việt rất thường gặp một câu văn không hoàn chỉnh, như: bói ra ma quét nhà ra rác; cháy nhà lòi mặt chuột; giậu đổ bìm leo… Câu văn thành ngữ không hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp như tục ngữ, ca dao nhưng lại được sử dụng nhiều trong đời sống thường nhật qua giao tiếp vì vận dụng một câu thành ngữ trong giao tiếp có thể thay cho nhiều lời qua lại mà chưa chắc đã hiểu đúng ý nhau. Ví như hai người đang trò chuyện về người thứ ba, chỉ cần nói người ấy là tên mượn hoa cúng phật. Người đối thoại hiểu liền, hiểu sâu sắc về người thứ ba qua thành ngữ mượn hoa cúng phật, là loại người giả nhân giả nghĩa, kéo áo người che bụng mình.
Biết bao nhiêu thành ngữ trong tiếng Việt làm cho tiếng Việt phong phú hơn trong gia tiếp, khi diễn tả, nhưng thành ngữ lại là câu văn không hoàn chỉnh, không đúng ngữ pháp tiếng Việt vì chỉ có vị ngữ mà thiếu chủ ngữ. Nói về một người, một sự việc không minh bạch đã bị vỡ lở thì người ta nói cháy nhà ra mặt chuột là đủ hiểu, không cần nêu đích danh ai, tổ chức nào. Cái hay là không trực diện mà trực diện, so với cái dở là không trực diện, nêu đích danh nên cũng không quy kết được trách nhiệm rõ ràng, ai phải chịu trách nhiệm.
Nên người nhớ được nhiều thành ngữ thường ăn nói lưu loát, thu hút người nghe khi vận dụng thành ngữ đúng hoàn cảnh, trường hợp, sự tương thích vừa đủ. Nhưng thành ngữ vẫn là câu văn không hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp tiếng Việt nên chỉ dùng trong ngụ ý nói nước đôi thì được, không có tính khẳng định, tính văn bản. Ví như ông chủ tịch cộng đồng đã biển thủ công qũy. Hồi vỡ lỡ, người ta nói cháy nhà ra mặt chuột. Ông không tấn công lại ai được vì người ta chỉ nói cháy nhà mới ra mặt chuột, không nói trực tiếp, nêu đích danh ông. Tránh được va chạm nhiều nhưng không khép tội được với câu văn thiếu chủ ngữ trong tiếng Việt nên ông cũng chả phải chịu trách nhiệm, không sợ truy tố. Cứ lì mặt làm thêm vài nhiệm kỳ kiếm chác về hưu.
Trở lại với già bát canh như trở lại với ông bạn già làm chung, ông thường hỏi tôi cuối tuần này ông tính nấu món gì, để ông về đặt vợ ông nấu vì ông hay nói với tôi: thuở nhỏ, khi còn trẻ, đêm đi nằm thường lo không biết ngày mai có gì ăn không đây? Bây giờ già rồi cũng vẫn lo ăn, đêm đi nằm, không biết ngày mai có nuốt nổi không vì món gì cũng ngán…”
Tôi biết ông gặp khó khăn với vợ vì chị nhà thường hỏi ông trước khi đi chợ là muốn ăn món gì thì chị đi chợ mua các thứ về làm món đó, nhưng làm nên món với bao nhiêu công sức thì khứa già khó chịu, khó ưa và khó nuôi này lại không ăn. Cứ thế mà có chuyện kể cho tôi nghe hoài. Tôi cho già công thức nấu canh trứng với cà chua và đậu hũ non, già cảm ơn ngon miệng, dễ ăn; vợ già gởi lời cảm ơn lão bớt cằn nhằn cũng được vài tuần.
Nay tôi lại cho già một món canh cổ điển của người bắc rất đúng mùa rau với mùa cá đang rộ. Với người nam, khi thấy cải bẹ xanh non thì nghĩ tới ăn bánh xèo là bá cháy, hết sảy. Nhưng người bắc thấy cải bẹ xanh non thì nghĩ tới canh cá rô đồng. Ông cứ về nhà kể đúng nguyên văn tôi nói là chị nhà nấu được vì hoàn toàn không khó. Cải bẹ xanh non mùa này ngoài chợ rất nhiều, khỏi bàn. Mua cá rô sống, không mua cá đông lạnh được nha. Về nhà, làm cá sạch sẽ. Thả cá vào nồi nước sôi – lửa vừa để kịp hớt bọt. Nêm nếm tùy hỉ, căn bản với muối, đường, nước mắm, tiêu trắng. Lửa vừa để cá không bị vỡ ra cho tới cá chín thì vớt hết cá ra dĩa. Dùng đũa ăn cơm gắp theo bề xuôi con cá là một con cá được hai miếng fillet không xương.
Trở lại với nồi nước luộc cá, dùng rây vớt lược hết xương cá sót lại trong nồi. Bỏ gừng xắt sợi nhuyễn, bỏ cải non vào và tắt lửa. Đậy nắp nồi cho cải với gừng ra nước. Sau đó, múc canh ra tô, gắp cá fillet lợp lên mặt tô cho khéo, rắc chút tiêu xay… Ông sẽ cảm nhận được mùi thơm của cá tươi mà không tanh, cải non xanh mượt, cá trắng phau, nước trong veo. Canh này chỉ húp nước canh thôi cũng đủ đã đời. Cọng cải chín giòn vì chỉ dùng sức nóng của nước sau khi tắt lửa, cải xanh mượt không bị ngả màu lửa. Cá ngọt và dai vì cá chín tới, không tanh nhờ gừng, cay cay nhờ tiêu, ngon nhất là đã mắt với nước canh trong veo mà ngọt lịm.
Ông già khó tánh, khó chịu, khó ưa và khó ở là người thân với bạn bè cầu mong thì ông lại rất mạnh khoẻ như tin buồn là ông còn sống lâu lắm. Ông suy tư một hồi, rồi nó với tôi. “Lần đầu tiên tôi nghe về món canh cá rô mà anh vừa nói với tôi lúc nãy, nghe anh diễn tả tôi đã thấy ngon. Nhưng ngoài chợ đâu có cá rô tươi sống, toàn cá đông lạnh bên Việt nam qua. Tôi lại không biết câu cá… Nhưng nhà tôi có trồng rau, cải bẹ xanh non ở nhà tôi nhiều lắm.”
“Thôi được. Tôi biết cái họa miệng là họa vô đơn chí, nhưng trót nói với ông nên tuần này, tùy thời tiết, nếu tuần này tôi đi câu được thì tôi sẽ đi câu cá rô, cho ông một ít cá tươi đem về ăn thử món canh còn mãi trong ký ức tôi dù đã lâu lắm rồi tôi cũng chưa ăn. Cứ nhớ thuở nhỏ, mùa cải non mẹ tôi hay nấu với cá rô đồng. Cha tôi nghiện món đó vì cứ lên bàn ăn mà có canh cải non nấu cá rô là ông vui sướng lắm. Trong khi tôi bị ép ăn canh thì tôi uống tô canh tới cạn nước, bỏ lại bàn cho mẹ tôi rau cải với cá không xương, tôi không thích ăn những thứ ấy.”
…
Nói với ông bạn chiều thứ tư, thứ năm gì đó. Ai mà biết sang thứ sáu đã phải nghỉ làm vì cô-vật. Mới nhận điện thư cô cháu gái bên Calif gởi cho hay, “cháu bị cô-vật lần hai rồi chú ơi! Không nhừ tử như lần đầu, chỉ như cúm mùa thôi nhưng cả tuần không hết. Rất bực bội…”
Thế là tôi cũng không nhừ tử như lần đầu, chỉ như cúm mùa thôi nhưng mấy ngày rồi không bớt. Rất bực bội vì cứ nằm nghe xương xảu rã rời, bụng đói meo. Thèm chén canh cá rô nấu cải bẹ xanh non, húp nước thôi cũng đủ dinh dưỡng và qua cơn đói lòng, đói đời phiêu bạt…
Mới hay bát canh hơn cả những thứ cả đời theo đuổi dù đã được hay chưa được cũng không bằng bát canh lúc đói lòng bao tử, lúc đói lòng xa quê khi ký ức tràn về.
Phan