Giấc ngủ trưa

Hàng năm, nước Mỹ đổi giờ hai lần: đầu xuân và cuối thu. Và cứ tới lần đổi giờ vào mùa xuân mỗi năm thì một ngày sau đó được lấy làm Ngày Ngủ trưa Quốc gia (National Napping Day). Năm nay, ngày này rơi vào thứ Hai 13/3.
Ngày ngủ trưa này được thành lập lần đầu tiên vào năm 1999 bởi giáo sư William Anthony của Đại học Boston và vợ ông là bà Camille, với hy vọng gây được sự nhận thức về lợi ích sức khỏe của giấc ngủ trưa và tầm quan trọng của giấc ngủ nói chung. Ý tưởng này cũng trùng hợp với việc tháng 3 được chỉ định là Tháng Nhận thức về Giấc ngủ (National Sleep Awareness Month), và với ngày thứ Sáu, 17 tháng 3, là Ngày Giấc ngủ Thế giới (World Sleep Day).
Tất cả chúng ta đều biết rằng ngủ đủ giấc là điều cần thiết để có được một cuộc sống khỏe mạnh. Để sống một cuộc sống sức khoẻ tốt, người ta cần phải ngủ ít nhất bảy, tám tiếng mỗi ngày để có thể cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lực. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, nơi mà cuộc sống của mọi người bận rộn túi bụi như vậy, việc ngủ đủ giấc đã trở thành một điều có thể nói là xa xỉ.
Theo kết quả khảo sát của Viện Y tế Quốc gia, có từ 7% đến 19% người trưởng thành ở Mỹ cho biết là không ngủ đủ giấc, 40% nói rằng họ cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày ít nhất một lần mỗi tháng, và từ 50 đến 70 triệu người Mỹ bị chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính.
Có điều là trong mấy năm gần đây, do đại dịch, ngủ trưa ngày càng trở thành thói quen của nhiều người. Người ta ngủ trưa bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu họ có thể. Có một số người còn tin rằng việc chợp mắt ngủ trưa một lúc có thể bù đắp cho việc thiếu ngủ vào ban đêm của họ. Theo nhận định của các nhà tâm lý, ngủ trưa và sức khỏe tâm thần là những vấn đề khá phức tạp, có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, nhưng giữa hai yếu tố nói trên có mối tương quan khá cao. Những giấc ngủ trưa rất có lợi, và chúng tác động đến các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần bằng cách giảm khả năng bị trầm cảm, lo lắng, những ý tưởng hoặc hành vi tự tử, tính hung hăng, các vấn đề liên quan đến trí nhớ như chức năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, v.v…
Trong văn hoá Á châu, ngủ trưa vẫn thường được khuyến khích. Vì vậy, một giấc ngủ trưa ngắn có thể mang lại sự thư giãn hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết để sau đó làm việc có hiệu quả hơn. Trên thực tế, trong văn hoá Ấn Độ, các gia đình vẫn thường khuyến khích con cái có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. Giấc ngủ trưa giúp ngăn ngừa bộ não của con người bị kích thích quá mức hoặc làm việc quá nhiều do các chức năng nhận thức hoạt động liên tục.
Hiện nay, người ta có thể thấy tại nhiều công sở có ít nhất một vài cá nhân thường lấy những giờ nghỉ ngắn không phải để tán dóc với bạn đồng nghiệp mà để tìm một giấc ngủ ngắn. Có người đôi khi sau khi ăn trưa xong là bắt đầu cảm thấy lười và không thấy hứng thú làm việc. Vậy cách tốt nhất là hãy ngủ một giấc ngắn, và điều này có thể giúp người ta tập trung vào công việc tốt hơn. Một người sau một giấc ngủ ngắn thường cảm thấy con người mình như được làm mới lại, tâm trạng trẻ trung, vui vẻ hơn.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức SleepFoundation.org, hầu hết người trưởng thành ở Mỹ ngủ trưa trung bình một tiếng đồng hồ. Và điều này cho thấy giấc ngủ đó quá dài.
Nếu ngủ một giấc trưa quá dài, sau khi thức dậy, đôi khi người ta sẽ cảm thấy uể oải hơn vì đã đi vào giai đoạn của giấc ngủ sâu hơn, trên thực tế là giấc ngủ của ban đêm.
Vậy, một giấc ngủ trưa nên kéo dài bao lâu? Các nhà nghiên cứu nói rằng tốt nhất là khoảng 20 phút. Và họ khuyên rằng, ngay trước khi ngủ trưa hãy để đồng hồ báo thức 30 phút, như vậy sẽ cho người ngủ 5 tới 10 phút để dỗ giấc ngủ và khoảng 20 phút để nghỉ ngơi. Ngoài ra, một điều rất quan trọng là hãy cân nhắc thời gian ngủ trưa trong ngày để tránh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ vào buổi tối.
Ngủ trưa vào những thời điểm khác nhau trong ngày mang lại cho người ngủ một số lợi ích. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ngủ trưa khoảng 20-30 phút có được sự cải thiện trong khả năng nhận thức, trí nhớ và sự chú ý. Mặt khác, những người ngủ trưa dài hơn 20–30 phút lại cảm thấy buồn ngủ và không có được sự cải thiện đáng kể nào.
Một giấc ngủ trưa không chỉ giúp người ta đối phó với căng thẳng dễ dàng hơn mà còn cải thiện khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng sáng tạo. Con người cảm thấy tỉnh táo hơn sau khi ngủ trưa. Và kết quả là sau một giấc ngủ trưa, bộ não của con người hoạt động hiệu quả hơn. Ngủ trưa làm giảm mức độ chất adenosine trong não. Adenosine là chất dẫn truyền thần kinh giúp mang lại giấc ngủ và có chức năng nhận thức.
Giấc ngủ trưa tốt cho cả trẻ em và người lớn. Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra cho thấy thời gian ngủ trưa làm giảm cơn buồn ngủ ban ngày, cũng như tiếp thu việc học dễ dàng hơn và làm việc có hiệu quả. Đối với những người làm việc theo ca, những giấc ngủ ngắn có thể giúp đầu óc tỉnh táo và phản ứng nhanh nhẹn hơn. Và như chúng ta biết trẻ sơ sinh và các em nhỏ được hưởng lợi từ những giấc ngủ ngắn theo nhiều cách. Chúng giúp đáp ứng nhu cầu ngủ hàng ngày của các em từ 9-17 giờ ngủ tùy theo độ tuổi, cải thiện hành vi và khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, đồng thời giúp phát triển trí nhớ và khả năng học ngôn ngữ của các em.
Khi đầu óc người ta mệt mỏi, nó sẽ không chịu làm việc bằng hết khả năng của nó. Một thực tế ai cũng biết là sức mạnh ý chí của con người thường đạt mức cao nhất vào buổi sáng khi bộ não trong tình trạng sảng khoái. Thiếu ngủ khiến bộ não của con người khó tập trung và dễ bị chia trí bởi những ngoại vật. Những giấc ngủ ngắn vào ban trưa có thể giúp người ta thư giãn và lấy lại sự tập trung để làm việc.
Ngoài sức khỏe tinh thần, ngủ trưa còn giúp làm giảm những rủi ro khác về thể chất, chẳng hạn như giúp duy trì trọng lượng của cơ thể, giảm viêm nhiễm, giữ cho huyết áp điều độ, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
Có một số người đôi khi hiểu lầm về ý nghĩa của một giấc ngủ bình thường và giấc ngủ ngắn. Có người từng kể lại kinh nghiệm rằng lúc đầu có thói quen ngủ trưa khoảng một tiếng, nhưng sau khi dậy thì lại cảm thấy buồn ngủ hơn. Nhưng sau đó được người quen chỉ ra cho biết đó không phải là giấc ngủ ngắn buổi trưa mà thực ra là một giấc ngủ bình thường. Sau đó người này đã rút thời gian ngủ xuống chỉ còn 30 phút và cảm thấy người sảng khoái hơn sau khi dậy, nhờ vậy mà làm việc có hiệu quả hơn.
Một điều khác cũng rất quan trọng là cần phải biết phân biệt giữa chợp mắt để thư giãn hoặc để lấy lại sức nhanh chóng và chứng rối loạn giấc ngủ. Hãy thử đánh giá xem liệu chiếc đồng hồ sinh học bên trong cơ thể của mình có bị gián đoạn hay nhịp sinh học có thể khiến mình buồn ngủ vào ban trưa hay không. Nếu điều này ăn khớp với tình trạng sức khoẻ hiện đang có thì nên tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia để được cố vấn.
Đối với những người bị chứng mất ngủ, các chuyên viên khuyên khi ngủ trưa nên tìm một chỗ nằm thoải mái như trên ghế sofa thay vì ngủ trên giường để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm. Nếu là người không bị mất ngủ, ngủ trưa trên giường hay đâu cũng được cả.
Sự khác biệt chính giữa ngủ trưa và ngủ bình thường là thời gian. Vì vậy, lần tới trong giờ nghỉ giải lao ở sở làm, thay vì dành thời gian để uống một ly cà phê hay một ly trà cho tỉnh táo, tại sao không tận dụng cơ hội bằng một giấc ngủ ngắn thì có lợi hơn nhiều.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email