Giao đất “vàng” cho tư nhân

Tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 2 vụ án về đất đai tại khu đất trụ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) và vụ án về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại khu phức hợp Nha Trang Golden Gate (28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Phó Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cũng bị khởi tố, tạm giam.

Con đường từ đất công biến thành đất tư

Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ định Công ty Thanh Yến xây Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa  (TCTTKH) mới tại vùng ven Nha Trang thuộc xã Phước Đồng theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với chi phí 149 tỷ đồng, mà không qua tổ chức đấu thầu.

Đổi lại, công ty Thanh Yến được tỉnh Khánh Hòa hoàn trả chi phí xây cất bằng cách giao cho toàn bộ 7.388 m2 đất thuộc quyền quản lý của Trường Chính trị. Mảnh đât này có hai mặt tiền tọa lạc tại số 1 Trần Hưng Đạo ngay trung tâm TP Nha Trang, công ty Thanh Yến sẽ xây khu phức hợp thương mại – dịch vụ – y tế – văn phòng – khách sạn – nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 (nay là dự án Gold Coast) để bán.

Tháng 7/2016, Khánh Hòa đã phê duyệt khu đất này cho Thanh Yến với giá khoảng 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở; và hơn 7,8 triệu đồng/m2 đối với đất thương mại dịch vụ. Tổng khu đất giá hơn 114 tỷ đồng – được cho là rẻ mạt rất nhiều so với quy định và giá thị trường, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước.

Bởi vì tại thời điểm đó, giá đất ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo trên các sàn giao dịch bất động sản đã ở mức 380-400 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, vì giao “đất vàng” với giá “rẻ bèo” dẫn đến không đủ tiền xây Trường Chính Trị mới, tỉnh Khánh Hòa phải “tốn” thêm khoảng 18.000 m2 đất “vàng” khác mới xong dự án xây trường này.

Lúc đó, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Đào Công Thiên kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Khánh Hòa, đã ký các quyết định giao đất, cho thuê đất; Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Võ Tấn Thái chịu trách nhiệm tư vấn cho tỉnh về loại đất, quy hoạch sử dụng đất; phó giám đốc Sở Tài chính kiêm phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh Nguyễn Ngọc Tâm đã định giá khu đất Trường Chính trị cũ sai giá trị thực tế. Ông Tâm đã tư vấn cho tỉnh về giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thấp so với giá thị trường, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Trong thời gian xây Trường Chính trị và khu phức hợp Nha Trang Center 2, Công ty Thanh Yến được tỉnh Khánh Hòa cho hưởng nhiều ưu đãi vi phạm pháp luật. Bởi vì, theo quy định, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra xây Trường Chính trị trước, tính giá cả công trình này, sau đó tỉnh mới xác định giá để giao đất hoàn vốn chứ không được làm cả hai một lúc.

Bên cạnh đó, khi định giá đất, tỉnh đưa gần 2.950 m2 thành “đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp” trong khi theo Luật Đất đai, đây phải là “đất thương mại dịch vụ”. Sau khi được giao, toàn bộ đất “phi nông nghiệp” trên đã được Công ty Thanh Yến xây dựng thành cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Việc chuyển đổi này làm lợi cho chủ đầu tư, đồng thời gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Cũng trong năm này, Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận cho Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate trên khu đất rộng hơn 14.220 m2, bao gồm tổ hợp khách sạn và căn hộ tiêu chuẩn 5 sao, tổng vốn 1.250 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2016, tỉnh tiếp tục giao, cho thuê 20.110 m2 đất tại đây cho công ty xây khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại. Chủ đầu tư nộp 75,9 tỷ đồng tiền thuê đất; chi 28 tỷ đồng để bồi thường tài sản trên đất cho Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty Điện lực Miền Trung.

Trong vụ đất đai này, ông Đào Công Thiên và ông Võ Tấn Thái là những người phạm pháp nghiêm trọng trong việc giao đất. Trong đó, ông Thiên là người đã ký các quyết định giao đất, cho thuê đất. Còn ông Thái là người chịu trách nhiệm trong việc tư vấn cho tỉnh Khánh Hòa về loại đất, sử dụng.

Liên quan những sai phạm trên, tháng 12/2019, ông Thiên bị cách chức Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021; ông Thái bị kỷ luật cảnh cáo rồi xin thôi việc.

Chuyện không lạ ở Việt Nam: Chạy án

Vụ án xảy ra năm 2016 tại quận Tây Hồ (Hà Nội) nhưng công an quận này không xử mà hòa giải giữa hung thủ và nạn nhân. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, những kẻ gây án lần lượt đầu thú nên vụ án mới được khởi tố rồi xét xử.

Vụ án sau 5 năm

Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ, bị cho nghỉ việc vì liên quan vụ án ăn cướp xảy ra từ năm 2016 và một vụ án khác.

Cùng bị nghỉ việc là đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, trưởng Công an quận Tây Hồ, trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Cảnh sát hình sự quận bị tình nghi liên quan đến một vụ việc khác. Thêm một số cán bộ khác của Công an quận Tây Hồ, trong đó có người của đội cảnh sát hình sự cũng dính líu.

Năm 2016, Nguyễn Hữu Tài 28 tuổi và các đồng phạm thuê căn nhà ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình), mở cửa hàng cho vay theo hình thức “bốc bát họ”, trả góp theo ngày. 

 Anh Thành (ở quận Hoàn Kiếm) vay của Tài 10 triệu đồng nhưng bị cắt lãi 2 triệu, chỉ được cầm về 8 triệu đồng với lãi suất 146%/năm.

Theo thỏa thuận, anh Thành phải trả cho Tài mỗi ngày 200.000 đồng trong 50 ngày (gồm 160.000 đồng tiền gốc và 40.000 đồng lãi). Do khó khăn, anh Thành chỉ đóng được 30 ngày, ứng với 6 triệu đồng rồingưng, còn nợ Tài 4 triệu đồng. Vì thế Tài cùng 4 đàn em đi tìm con nợ. Gặp Thành đang ngồi tại quán nước vỉa hè ở đường Hồng Hà phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, nhóm Tài vây lại, bắt ép Thành trả nợ. Sợ bị đánh, anh Thành bỏ chạy và tri hô “cướp” thì bị nhóm côn đồ đánh đập, khống chế ngồi xe máy chở đi, đồng thời cướp điện thoại iPhone. để anh không liên lạc với gia đình.

Tuy nhiên khi đang chở anh Thành đến nơi khác thì xe máy của Đức hết xăng. Lợi dụng cơ hội này, nạn nhân chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm gần đó trình báo. Thấy vậy, nhóm Tài ném điện thoại của anh Thành vào cổng trụ sở rồi bỏ về.Vụ án sau đó được Công an quận Tây Hồ thụ lý.

Khi cảnh sát triệu tập, Tài thừa nhận hành động của mình và viết đơn xin đầu thú. Tối đó, Tài bị tạm giữ nhưng sau đó được thả cho về nhà. Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ mời anh Thành và Tài đến, không giải quyết các nghi phạm  mà cho hòa giải. Trong buổi gặp mặt, Tài bồi thường 15 triệu đồng và thay lại màn hình điện thoại cho nạn nhân. 

Vụ việc tưởng như đã kết thúc nhưng gần 5 năm sau, vào tháng 1/2021, nhóm của Tài bất ngờ lên công an Hà Nội đầu thú và khai đã đánh đập, bắt giữ anh Thành để đòi nợ.

Lật lại hồ sơ vụ án, Công an Hà Nội khởi tố Tài và 4 người khác.

Cuối tháng qua, Tòa án Hà Nội tuyên Tài 2 năm tù về tội “Cướp tài sản”; 4 người còn lại lĩnh các mức án từ 15 tháng tù treo – 20 tháng tù giam.

Thế nhưng trong phiên tòa, vợ của Tài khai đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ “chạy án” cho chồng được tại ngoại trong đêm bị tạm giữ ngày 22/9/2016! 

Một vụ “chạy án” khác 

Lê Thanh Hưng (30 tuổi, quê ở thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), là cháu ruột bà N.T.N. (56 tuổi, trú tại Bắc Ninh). Do thường xuyên ăn ngủ tại nhà bà N. nên Hưng biết quy luật sinh hoạt của gia đình bà.

Tháng 2-2020, lợi dụng lúc bà N. ở nhà một mình, Hưng đột nhập vào nhà bác rồi ra tay sát hại bà N., cướp nhiều tài sản trị giá hơn 35 triệu đồng.

Đáng chú ý, sau khi bị Công an Bắc Ninh bắt giữ, Hưng khai tháng 11-2019 bị Tòa án quận Tây Hồ (Hà nội) xử phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp.

Để được lãnh mức án như trên, Hưng đã phải đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ công an quận Tây Hồ và thẩm phán thụ lý, giải quyết. Tiếp đó, lại muốn được chấp hành án tại quận Tây Hồ nhưng không có tiền nên Hưng lên kế hoạch giết bác ruột để cướp của.

Lê Thanh Hưng từng có 2 tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp.

Tháng 1-2021, Tòa án tỉnh Bắc Ninh tuyên tử hình Lê Thanh Hưng (30 tuổi, kiến trúc sư) về cả hai tội giết người và cướp tài sản.

Tại tòa, nhóm thanh tra giao thông trong vụ “bảo kê” xe tải vi phạm giao thông ở Hà Nội đều thừa nhận đã nhận tiền hối lộ.

Xe vua

Nhóm thanh tra giao thông nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng “bảo kê” xe cộ vi phạm

Vụ án “bảo kê” xe vi phạm và nhận tiền hối lộ này gồm 7 người, trong đó 3 người là Nguyễn Ánh Hào; Lê Văn Cường (nguyên cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6, thuộc Cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục Đường bộ Việt Nam); Phạm Văn Vinh (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh) cùng bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Các bị cáo còn lại là Lê Bá Dũng (cán bộ Đội thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai, Hà Nội); Trần Sỹ Cương (cán bộ Đội Thanh tra cơ động thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội); Nguyễn Quốc Cương (cán bộ Đội thanh tra giao thông vận tải quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Văn Lân (nguyên cán bộ Đội thanh tra vận tải huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đều bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Để xe hàng chở quá tải được chạy thuận lợi, khi vi phạm giao thông không bị phạt hoặc chỉ phạt lỗi nhỏ, Nguyễn Ánh Hào, Lê Văn Cường bàn với Phạm Văn Vinh thiết kế một loại logo in tên Công ty Tuấn Vinh. Sau đó, cả 3 tìm kiếm, mời chào các chủ xe ôtô tải (thường chở hàng quá tải trọng cho phép) nộp tiền cho Vinh, Hào để hàng tháng những người này đi “quan hệ” với các cán bộ giao thông.

Trong hơn 2 năm (từ tháng 6-2016 đến tháng 10-2018), các bị cáo đã thu hơn 6,2 tỉ đồng để hối lộ. Trong đó, Lê Bá Dũng nhận 96 triệu đồng, Nguyễn Quốc Cương nhận 63 triệu, Trần Sỹ Cương nhận 136 triệu, Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu để bỏ qua các vi phạm hoặc phạt lỗi nhẹ hơn so với thực tế.

Tại tòa, Nguyễn Ánh Hào thừa nhận hối lộ. Bản thân Hào đưa tiền mặt cho Hoàng Văn Lân, Nguyễn Quốc Cương nhưng không nhớ số tiền. Ngoài ra, trong thời gian làm trung gian bảo kê xe quá tải, Hào còn hối lộ tiền cho CSGT ở Hà Nội và cán bộ một số đơn vị khác nhưng cũng không nhớ cụ thể.

Lê Bá Dũng thừa nhận đã nhận hối lộ do gặp khó khăn. Dũng nhận 11, 12 lần tổng số tiền hơn 90 triệu đồng từ Phạm Văn Vinh. Khi đưa tiền, Vinh nói với Dũng “đây là tiền thuốc nước”.

Trần Sỹ Cương nhận hơn 130 triệu đồng của Hào và Vinh nhằm giúp các xe dán logo “xe vua” không bị xử phạt khi bị chặn lại.

Cương khai, được tuyển dụng vào đội thanh tra cơ động từ năm 2009, ban đầu chỉ làm bảo vệ cơ quan, sau đó làm lái xe, chở cán bộ thanh tra đi phát hiện và giải quyết vi phạm. Cường khai khi đi làm mặc sắc phục của ngành, có phù hiệu và biển tên, song “chỉ giúp việc, không có thẩm quyền xử phạt hay bỏ qua vi phạm”.

Nguyễn Quốc Cương và Hoàng Văn Lân cũng thừa nhận lần lượt nhận 63 triệu đồng và hơn 10 triệu đồng.

Sau khi thu tiền của các tài xế, vào những ngày cuối thang hoặc đầu tháng, Vinh và Hào sẽ chia nhau đi gặp gỡ đưa tiền cho cán bộ giao thông vận tải.

Ngoài ra, nhóm đưa hối lộ còn khai đã chi tiền cho khoảng 90 người thuộc CSGT, cảnh sát trật tự hay công an các huyện ở Hà Nội.

CSGT phải đối chất người thầu “logo xe vua” đưa hối lộ, 

Cơ quan điều tra phải làm việc với khoảng 80 cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) liên quan đến nhóm người chuyên bán logo xe vua, bảo kê xe quá tải

Nguyễn Văn Thới cùng 8 đồng phạm tội “Đưa hối lộ”; Nguyễn Cảnh Chân (cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) tội “Môi giới hối lộ”. Đây là những kẻ in án, bán logo xe; thông đồng bảo kê xe tải.

Giúp vì “tình cảm” (!?)

Bốn người thừa nhận quen biết Nguyễn Văn Thới, gồm: Nguyễn Tuấn Anh (cán bộ Đội CSGT Công an quận 8); Nguyễn Đức Toàn (cán bộ Đội CSGT Nam Sài Gòn), Tô Văn Sỹ (Phó Đội trưởng, Đội CSGT Công an huyện Củ Chi), Nguyễn Duy Khánh (cán bộ Trạm CSGT Tân Túc – Công an TP). Trong đó, ông Khánh đang bỏ trốn.

Tuấn Anh và Thới quen biết nhau từ năm 2014. Một số lần, khi tổ công tác của ông Tuấn Anh tuần tra ngoài đường, Thới có điện thoại xin bỏ qua xe quá tải. Vì tình cảm nên ông Tuấn Anh có giúp đỡ bằng cách làm ngơ một số vi phạm nhẹ. Như tất cả cán bộ bị điều tra, ông Tuấn Anh khẳng định không nhận tiền. Hay ông Nguyễn Đức Toàn cũng vậy.

Quen biết Lê Thị Cẩm Vân (đồng phạm với Thới), ông Lê Ánh Dương (Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1 – Công an tỉnh Đồng Nai), cũng nói rằng Vân đặt vấn đề bảo kê nhưng ông không giúp, cũng chưa bao giờ nhận tiền.

Giai đoạn 2014-2015, Nguyễn Văn Thới, Lai Thị Cẩm Vân cùng đồng phạm liên kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông qua tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, SG góp tiền “bồi dưỡng” thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông để “né” bị phạt.

Nhóm này in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, “xe chở hàng”; rồi bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo.

Nhận gần 1,3 tỉ đồng, Nguyễn Cảnh Chân (khi đó làm việc ở Đội CSGT Số 1 – Công an tỉnh Đồng Nai) đồng ý bảo kê xe quá tải có dán lô gô do nhóm Thới bán ra thị trường. Khi xe quá tải có dán logo đi trên địa bàn do đơn vị Chân quản lý, Thới sẽ gọi điện báo Chân biết để không phạt.

Khi đối chất, một người khai làm theo lời Thới, mang tiền đưa ông Phạm Văn Hùng (Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái – Công an TP HCM) nhờ bảo kê xe quá tải dán logo. Ông này cũng phủ nhận lời khai trên.

Những cán bộ CSGT còn lại: Huỳnh Công Thắng (Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc),  Lê Văn Hải (Phó Đội trưởng Đội CSGT An Sương – Công an TP HCM…) đều quả quyết không quen biết những người này!

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email