Giấy viết và văn minh nhân loại

Huy Lâm

 

Xưa kia, số người biết chữ không đông và có lẽ vì vậy mà nhu cầu đọc và viết không nhiều, nên việc ghi chép cũng không được bao nhiêu. Nhưng nhân loại càng ngày càng văn minh thì số người biết chữ đông hơn trước và nhu cầu ghi chép tăng lên. Qua nhiều thế kỷ, người ta nghĩ ra nhiều phương pháp để ghi chép, trên những nguyên liệu có sẵn hoặc qua phát minh. Trước tiên, người ta viết trên những bản đất sét. Được biết thời kỳ này kéo dài ba nghìn năm – vì lợi điểm của nó là không tốn kém, nguyên liệu ở nơi nào cũng có sẵn, đào dưới đất lên là có, và dễ sử dụng. Nhưng bản đất sét không dễ mang theo đi đây đi đó mà lại dễ bị hư hại, rớt một cái là vỡ tan, bao nhiêu công trình tim óc nát ra hoà cùng với đất. Kế đó, người ta viết trên giấy cói làm từ nguyên liệu của cây papyrus, một loại lau sậy mọc ở những khu đầm lầy. Giấy cói cứng, thô mà lại dễ rách và dễ bị phân hủy. Do đó càng ngày người ta càng thấy cần đi tìm một thứ gì có thể viết lên đó và giữ được lâu hơn. Người ta thử viết trên sáp cũng không xong – loại này dùng để viết nháp xong rồi vứt bỏ chứ giữ lại lâu không được. Kế đến là thử trên da thú. Thứ này thì bền nhưng quá tốn kém: để làm được một cuốn sách người ta cần đến hai trăm bộ da thú; với số lượng lớn như vậy thì phải nuôi bao nhiêu cho đủ số thú để lấy da mà đóng thành sách.

Trải qua mấy ngàn năm mà nhân loại vẫn chưa tìm ra được thứ gì để ghi chép mà có thể vất bỏ dễ dàng như sáp, nhẹ như lá cây, rẻ như đất sét và bền như da thú. Việc ghi chép càng ngày càng phát triển thì nhu cầu tìm ra cái thứ để viết chữ lên đó càng thêm cấp bách. Giả thử nhu cầu đó rơi vào thời đại này thì người phát minh ra được cái thứ để viết đó chắc chỉ qua một đêm là sẽ trở thành tỉ phú.

Đến nay vẫn chưa ai biết đích xác phương pháp làm giấy nguyên thủy là từ đâu. Giống như phần lớn những phát minh khác của nhân loại đến từ sự ngẫu nhiên tình cờ, việc phát minh ra giấy có thể là do một thiên tài lừng khừng nào đó một hôm bỗng nhiên trong đầu nảy ra sáng kiến về một phương pháp mới lạ chưa ai nghĩ ra. Tuy nhiên, đa số các học giả cận đại cho rằng dân tộc Trung Hoa đã phát minh ra phương pháp làm giấy đầu tiên. Người được gán cho cái công vĩ đại này là một vị thái giám tên Thái Luân sống vào thời nhà Đông Hán. Thời đó người Trung Hoa còn làm công việc ghi chép trên những thẻ tre – vừa nặng, vừa cồng kềnh mà lại tốn chỗ để cất giữ. Người Trung Hoa còn dùng cả lụa để viết chữ lên đó nhưng có lẽ chỉ có nhà giàu là mới dùng cách này vì lụa là thứ hàng mắc mỏ không phải ai cũng có sẵn ở nhà. Nghe nói bộ Sử Ký vĩ đại của Tư Mã Thiên được viết vào thời gian này cũng trên những thẻ tre, sau đó được bó lại thành từng bó và cất đầy cả một nhà kho.

Vì những lý do bất tiện đó mà nhu cầu ghi chép ở Trung Hoa thời đó đang rất cần để biên soạn sử cũng như chép lại những tác phẩm cổ điển đã bị triều đại nhà Tần trước đó thiêu hủy đã thúc đẩy Thái Luân cố công thử nghiệm bằng nhiều cách. Đến năm 105 sau Công nguyên thì ông thành công với phương pháp là lấy vỏ cây cùng với tre rồi đem ngâm nước cho mềm, sau đó đem giã cho thật nát rồi dùng tấm lưới mỏng lược lấy chất bột, đem trải mỏng trên một khung vải căng và phơi khô. Sau khi phơi khô, Thái Luân thấy phát minh mới này có thể viết được chữ lên đó, nhẹ, bền và có thể sản xuất với số lượng lớn. Đó là lần đầu tiên nhân loại có được tờ giấy tựa như loại giấy chúng ta sử dụng ngày nay.

Nhờ phát minh mới này mà Thái Luân được nổi tiếng, trở nên giàu có và được vua ban phẩm hàm. Tuy nhiên, phương pháp làm giấy của Thái Luân vẫn chưa được người thời đó lưu dụng. Qua một thời gian dài sau đó, người Trung Hoa lại tìm thêm được những phương pháp mới tiến bộ và làm cho tờ giấy càng về sau càng bền hơn, mỏng hơn và sản xuất đỡ tốn kém hơn. Nhưng phải chờ mãi năm thế kỷ sau, đến triều đại nhà Đường thì giấy viết mới trở nên thông dụng cho việc ghi chép.

Vào thời kỳ đầu sau khi phát minh ra giấy, mặc dù không dùng ngay để viết nhưng người Trung Hoa biết tận dụng nó cho những việc hữu dụng khác và được nhiều người dùng như một thứ nguyên liệu để may quần áo. Các nhà khảo cổ tìm thấy một số mũ mão và giày dép làm bằng giấy từ thế kỷ thứ 5 ở Trung Hoa. Giấy cũng được dùng vào việc gói đồ và người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên biết làm ra giấy vệ sinh, sớm nhất là vào thế kỷ thứ 10.

Sau này, người Trung Hoa còn phát minh ra kỹ thuật in và nhờ đó họ biết in tiền giấy để sử dụng trong các cuộc mua bán. Tiền giấy tất nhiên là thứ dễ mang theo trên người hơn là vàng và bạc là những thứ nặng nề. Tiền giấy bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Đường nhưng đến đời nhà Tống vào thế kỷ thứ 10 thì được sử dụng rộng rãi sau khi một hệ thống ngân hàng ở tỉnh Tứ Xuyên biết dùng tiền giấy như một thứ bản vị để trao đổi mua bán.

Kỹ thuật làm giấy sau đó vượt ra khỏi biên giới Trung Hoa và lan qua những khu vực khác, đặc biệt là ở thế giới Hồi giáo trong khu vực bán đảo Ả Rập vào thế kỷ thứ 9 là lúc văn minh Hồi giáo Ả Rập đang thời cực thịnh. Nhờ có giấy để viết đã giúp người Hồi giáo dễ dàng truyền bá văn minh của họ gồm có toán học, thiên văn, y khoa, kỹ thuật, nông nghiệp và văn chương đến những nơi khác trên thế giới, kể cả phương Tây, mà ảnh hưởng còn mãi tới ngày nay. Ví dụ, những con số chúng ta sử dụng hiện nay là mượn từ văn minh Ả Rập.

Trong việc tiếp cận với giấy viết, Âu châu lại là vùng đất đi sau hết. Người ta vẫn chưa rõ nguyên do vì sao lục địa này sử dụng da thú để viết trong một thời gian khá dài, nhưng cũng như tất cả những khu vực chậm chạp trong việc sử dụng giấy viết, văn minh Âu châu phát triển chậm trong một thời gian khá lâu. Các học giả cho biết mãi đến thế kỷ 13, rất nhiều hoàng đế và hoàng thân quốc thích vẫn còn mù chữ. Nhưng cuối cùng rồi thì Âu châu cũng đã đổi qua dùng giấy vì một lý do đơn giản là nó rẻ hơn nhiều so với da thú. Lúc đầu, người Âu châu dùng giấy để sao chép lại Thánh kinh, và rất nhanh sau đó họ biết dùng giấy vào những công việc quan trọng hơn như in tiền và làm những giấy tờ giao dịch ở ngân hàng.

Mặc dù đã có giấy viết nhưng việc truyền bá kiến thức vẫn còn giới hạn. Sao chép một cuốn sách vào thời ấy là cả một công trình lao động; người ta vẫn còn phải dùng phương pháp viết tay và thường thì một người đọc và nhiều người khác ngồi viết. Thế nên, để làm một cuốn sách vẫn còn hết sức tốn kém, thêm nữa, người ta còn trang hoàng cho bìa sách thêm phần lộng lẫy bằng cách nạm thêm vàng bạc và vì vậy cuốn sách nghiễm nhiên thành một thứ bảo vật. Chuyện kể lại rằng có một học giả người Ý sống vào thế kỷ 14 là Francisco Petrarca (Petrarch) suýt chút nữa bị cắt chân chỉ vì một lần vô tình làm rớt một trong những cuốn sách quý đó.

Tuy nhiên, nhu cầu đọc sách và sao chép sách càng ngày càng tăng. Đến thế kỷ 14 thì việc sản xuất giấy đã trở thành một ngành công nghệ phổ biến ở Âu châu, và sau đó là phát minh ra kỹ thuật in ấn làm cho văn minh Âu châu – từ tôn giáo, kinh doanh đến nghệ thuật – phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ sau đó. Nhưng sự thay đổi quan trọng nhất ở Âu châu nhờ có giấy viết là các sinh hoạt trí thức đã thoát ra khỏi những bức tường bao quanh các dòng tu và đi vào các trường đại học và nhiều nơi khác để số đông quần chúng có thể tiếp cận được. Và đó là lý do đã đưa đến thời kỳ Phục hưng (Renaissance) ở Âu châu kéo dài từ thế kỷ 14 đến 17 làm thành chiếc cầu nối giữa thời trung cổ và cận đại.

Giả thử nếu không phát minh được giấy viết thì văn minh nhân loại cũng phát triển nhưng ở tốc độ rất chậm như thời kỳ trung cổ trở về trước. Không có giấy viết, văn minh châu Âu sẽ không thể bùng phát kể từ thời Phục hưng trở về sau, đạo Phật sẽ không phát triển mạnh ở Trung Hoa, nhiều tác phẩm văn chương cổ sẽ không được truyền bá rộng rãi, nhiều ngành khoa học sẽ không thể khai mở ra với thế giới mà chỉ co cụm ở một khu vực nào đó. Và lẽ đương nhiên sẽ là một thiệt thòi to lớn đối với tất cả chúng ta.

Nhưng nay với xu hướng bảo vệ môi trường cùng với sự phát triển của kỹ thuật, hiện đang có những phong trào kêu gọi giảm bớt hoang phí tài nguyên thiên nhiên bằng cách bớt sử dụng giấy (paperless). Do đó, có thể nói giấy đang dần hoàn tất vai trò đóng góp của nó đối với lịch sử và sự phát triển của văn minh nhân loại. Khi nào mà trên tay mỗi người cầm một máy tính bảng hay một chiếc điện thoại thông thì ngày ấy người ta không còn cần đến giấy nữa. Và ngày ấy có lẽ không còn bao xa.

 

Huy Lâm

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email