HỎI:
Em ở độ tuổi lỡ cỡ, lẽ ra có thể gọi chị bằng cô nhưng nếu căn cứ vào tuổi của người đàn ông trong câu chuyện em sắp kể thì em lại muốn xin phép gọi cô bằng chị cho dễ trao đổi hơn trong trường hợp ông ấy có tình cờ đọc được bài này.
Thưa chị, phải nói ngay là em rất khâm phục ông A, một trí thức Việt Nam khá hiếm hoi trong cộng đồng người Việt chúng ta. Thời tuổi trẻ, ông học hành để gây dựng sự nghiệp trong một lãnh vực lấy lương tâm và phước đức làm kim chỉ nam hành nghề. Trong cuộc chiến Quốc-Cộng, ông không tìm cách trốn tránh trách nhiệm trai thời loạn mà tình nguyện đem chuyên môn phục vụ chiến trường. Bên cạnh đó, ông cũng yêu văn chương và nghệ thuật nên ông làm thơ, viết nhạc và sử dụng nhiều nhạc khí cổ kim khác nhau. Nói tóm lại, ông là một nhà trí thức tài hoa đa dạng, sống có lý tưởng.
Khi gặp ông cách nay ba năm, em hết sức cảm kích và ngưỡng mộ thấy ông không an hưởng tuổi về hưu mà còn hăng hái bận rộn với những chương trình và dự án văn hóa nhằm khuyến khích trước hết các cụ cao niên trong cộng đồng năng vận động thân thể để giữ gìn sức khỏe, tổ chức cho các cụ những hình thức sinh hoạt chung vui tươi, lành mạnh, để quý cụ có dịp chuyện trò, trao đổi và học hỏi lẫn nhau hầu trau dồi trí tuệ, giữ cho trí nhớ không bị hao mòn. Từ đó, với khả năng sẵn có thuộc loại khá trong lãnh vực điện toán, em bắt tay giúp ông một số việc để tổ chức có quy củ và hiệu quả hơn. Mọi chuyện suôn sẻ, lẽ ra nếu mọi người đều tập trung vào mục tiêu theo đuổi, chung sức, chung lòng, không bày điều bịa đặt, không tỵ hiềm ganh ghét, không lãng phí thời giờ ngồi lê đôi mách bàn chuyện vô bổ thì tổ chức đã phát triển lớn mạnh hơn và phúc lợi của tập thể thành viên cũng được gia tăng theo biết bao nhiêu.
Tiếc thay, những lời đồn đãi thị phi về mối quan hệ giữa ông và em đã khi không phát sinh rồi lan truyền nhanh như bệnh dịch. Em rất buồn vì đây là một tập thể người lớn, trí thức, hẳn là có những trải nghiệm khôn ngoan trong đời, vậy mà thói quen ngồi lê đôi mách, dựng chuyện tào lao vẫn tìm được đất để nẩy mầm. Về phần em, rất dễ để đứng dậy, đi ra và phủi tay mọi hệ lụy khi cơ hội tử tế không còn nữa nhưng với công tâm, em tự nghĩ: làm việc hay phục vụ có ý nghĩa, gặp trở ngại thì phải vượt qua chớ sao lại bỏ cuộc chạy trốn như một kẻ phạm tội?
Vì vậy, em kiên quyết chứng minh sự ngay thẳng của em, tin rằng với thời gian, sự thật sẽ sáng tỏ. Khâm phục và ngưỡng mộ xuất phát từ các động cơ rất khác với tình cảm nam nữ thông thường, càng xa hơn nữa với các quan hệ lăng nhăng dù người trong cuộc khoác lên chúng bộ áo đẹp đẽ. Thế nhưng thưa chị, về phần em, em chủ động được. Về phần ông, cho tới nay, cũng chưa có gì sai trái với em. Riêng về phần người phối ngẫu của ông, bà bị dư luận vây bủa nên mất sáng suốt, đã không để thời giờ và công tâm mà tìm hiểu ngọn ngành và suy xét cho đúng, vội vàng công khai buông thậm từ tệ hại xúc phạm một lúc cả chồng và người vô can là em. Chính hành vi nóng nẩy và nông nổi của bà đã đẩy chồng bà ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, không phải ai khác. Cũng chính hành vi ấy chứng tỏ với bà, dư luận quan trọng hơn sự bền vững gia đình và chỉ vì những lời đồn đãi thêu dệt, vô căn cứ của thiên hạ, bà sẵn sàng sỉ nhục người đàn ông đầu gối tay ấp, từng đem lại tiếng thơm cho bà trong gần hết cuộc đời của mình, bất công cả với em, chỉ là một cộng sự viên đóng góp đắc lực.
Bây giờ, ông đã ra khỏi nhà, chờ thủ tục ly dị hoàn tất. Ông nói: “Điều ông được, là tự do làm những điều cần làm. Điều ông mất, thật đáng tiếc nhưng nếu nó xấu xí như ông đang thấy, có lẽ cũng không nên kéo dài.” Chị thấy nhé! Không có chỗ nào là của em trong lời ông nói cả.
Lá thư này gởi tới chị để thưa với cả thiên hạ rằng quý vị hãy rất nên thận trọng khi phát ngôn mà không biết mình nói gì, sự thật nó ở đâu, tại sao vì câu chuyện mua vui chốc lát mà gieo khổ đau cho những người vợ bằng lửa oan cừu đốt cháy ngôi nhà bình an của họ, tại sao nhẫn tâm gây tai họa cho những ông chồng vô tội chỉ bởi vì lòng ganh ghét nhỏ mọn của mình về những thứ mình không xứng đáng để có? Em từng đọc thấy chị viết nhiều lần là không ai, không gì có thể thay thế được người vợ/người mẹ dưới mái gia đình của họ ngoại trừ chính họ từ chối những vai trò ấy bằng lời nói hay bằng hành động.
Em tin chắc như vậy và em mong các bà vợ cũng tin chắc như vậy để đừng làm tan nát gia đình một cách oan uổng. Những của báu quý bà từng sở hữu không ai có thể đánh cắp được ngoại trừ chính các bà bẻ khóa và vứt chúng ra đường. Hãy yêu quý hạnh phúc một cách cụ thể, là chính người bạn đời của nhau, là nụ cười trên môi nhau chứ không là điều gì xa vời cả. Em nói thật lòng, xin đừng ai nghĩ là em môi miếng giả hình. Chính vì em hiểu và tin như em nói nên em không để tay vào tài sản người khác sở hữu và cũng mong các bạn gái có cùng quan điểm của em.
Xin cho phép em không ký tên.
TRẢ LỜI:
Vô cùng cảm kích và cảm ơn sự chia sẻ thẳng thắn, tích cực của em về một hiện tượng xã hội có lẽ đã trở thành cố tật của vài cộng đồng sắc dân trong đó, khổ thay, có cả cộng đồng chúng ta.
Chị hoàn toàn đồng ý với những gì em viết qua thư, cũng tin chắc như em ở một tuổi nào trong đời người, ngoại trừ biệt lệ, tình bạn, tình “đồng chí” trở nên cao cả, cần thiết hơn mọi thứ tình riêng tư dễ đến, dễ đi. Là người ngoại cuộc, chị không ở vị thế có những đóng góp giúp làm thay đổi tình hình, đành chấp nhận tiếp tay em phổ biến kinh nghiệm sống quý báu này đến với các bạn gái của chúng ta, những người phụ nữ vì nhiều lý do đáng tiếc, chưa đủ tự tin để biết ra những tiềm năng tuyệt vời bên trong họ như ngọc quý ẩn trong đá, cần sớm biết để trau dồi và tinh luyện chúng. Mỗi thử thách gay gắt của số phận, nếu có, nên coi đó là những nhát búa đập vỡ đá cho ngọc tỏa rạng thay vì để chúng đập vỡ cơ ngơi mình đã cất công xây dựng với biết bao lời nguyện cầu tốt đẹp từ lúc bắt đầu.
Chúc em luôn vững tâm đi hết cuộc hành trình có ý nghĩa như em đã lựa chọn. Trong mọi tình huống, chúng ta vẫn nuôi hy vọng về mọi khai mở, chuyển hóa bất ngờ của trí tuệ và lòng bao dung theo cách người Mỹ thường diễn tả: “Who knows?”
Bùi Bích Hà