Góc của Phan: câu chuyện đầu Xuân

Phan
Bà Hậu luôn nói câu mở lời, “Tôi người nhà quê, lại ít học nên biết gì đâu! Xin anh, chị (ông bà) chỉ dạy cho!” Người quen kẻ thuộc với bà đã nghe quen câu ấy nên ai cũng tự nâng mình lên một cấp để chỉ dạy bà nhà quên hiền hậu như cái tên của bà. Tính ra bà hiền hậu hơn cả cái tên gọi có từ ngữ âm ấm áp của đồng bằng châu thổ sông Hồng, sau bao năm xa lìa cố thổ nhưng giọng bắc của bà vẫn đầm ấm, nhẹ nhàng như nắng xuân, mưa xuân, gió xuân… mơn mởn cành đào. Phong cách người bắc xưa không láu táu như người bắc bây giờ sang đây du học, du công… Từ “du công” của bà lại làm mọi người cười vui thêm nữa. Theo bà, người sang Mỹ để đi học thì gọi là “du học”; thế người sang Mỹ để đi ở, đi bưng phở… không gọi là “du công” thì gọi là gì?
“Thảo nào các vị nguyên thủ quốc gia đi ra ngoại quốc để ký hợp đồng mua bán, kiếm việc làm cho dân của nước mình thì người ta gọi là… công du. Có người lý lẽ như thế thì bà không chịu. Lại theo bà, Tổng thống các nước đi công du nghĩa là đi lo việc công, việc nước. Còn người đi du công là đi du lịch nhưng không sang đây chơi mà đi làm thuê, kiếm tiền riêng cho mình.
Té ra cái bà nhà quê này sành điệu ngôn từ hơn bác vật của TI (Texas Instruments). Ông bác vật diễn tả cái nón nỉ được vợ mua cho nhân Lễ tình yêu – Valentine vừa qua, ông cứ nói với mọi người rằng: Không mặc thì sợ nhà tôi buồn, nhưng mặc lên đầu cứ như đội cái nồi, cái niêu… Tôi, đầu đội trời, chân mặc giày đã quen. Ông dùng từ “mặc” như con nít sanh đẻ bên đây mặc nón, mặc giày, mặc áo, mặc quần… Sau một ngày đi học về, chúng không đi tắm gội mà đi quát (wash) cái bo-đì (body), giặt tóc bằng Săm-pu (shampoo)…
Hoá ra trò chuyện với những người đã có tuổi mới thấy vốn từ mất mát theo thời gian lưu vong thật đáng kể. Người càng giỏi Anh ngữ thì lại càng quên nhiều Việt ngữ vì dùng tiếng Anh thường hơn tiếng Việt trong công sở Mỹ, giao tiếp xã hội với người Mỹ nhiều hơn người Việt. Về nhà, rầy la con cái bằng tiếng Việt thì chúng không hiểu nên nói tiếng Mỹ luôn cho đỡ mất thời gian của ông bố bận rộn và luôn thiếu thời gian nghỉ ngơi! Nhưng trách người quên tiếng Việt thì cũng khó thương nổi bà nhà quê không biết tiếng Anh, bà nói với chủ nhà, “Ơ, khi em ra khỏi nhà, trời trong veo như nước suối. Thế mà mới lái qua khỏi xa lộ 35 thì trời đã mưa lún phún. Rồi cứ thế mưa lùn phùn đến đây… Làm cả bao người cười ngất ngây.
Bữa tiệc Valentine của giới trẻ có thể là những đôi lứa bạn bè hẹn nhau ở một nhà hàng; rồi vui chung nhưng ra về riêng rẽ để tận hưởng hạnh phúc lứa đôi. Có thể đôi tình nhân còn quá mới mẻ, chưa đến lúc ra mắt bạn bè, người thân thì họ hò hẹn ở một nhà hàng romantic nào đó. Góc nhà hàng ấp áp với table for two, có thắp nến và cặp ly chân dài được thắt nơ đỏ, nơ hồng, chai rượu vang hảo hạng và bó hoa thơm lừng một thời tuổi trẻ…
Ở đây chỉ có những người đã có tuổi, mượn cớ đầu xuân để tựu họp, trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt cho đỡ nhớ quê nhà, -trong không khí Tết còn lảng vảng trên nhánh đào, cành mai chưa đem đi bỏ -trong phòng khách của những gia đình tỵ nạn. Bên khay trà, bánh mứt đẹp đẽ trong những chiếc hộp sang trọng nhưng hương vị đã không còn hơi hướm phong thổ gì nữa. Người nhắc lại miếng mứt gừng quê tôi không cay xé họng như mứt gừng Thái Lan còn đỡ, mứt gừng Trung quốc thì không dám ăn. Người kia lại thèm miếng mứt mảng cầu, nhưng phải đúng mảng cầu Cao Lãnh của tôi thì mứt giai nhưng không ngọt gắt, ngọt đường, cái ngọt tự nhiên của mảng cầu trồng trên đất dòng là ngọt diệu, ăn một lần rồi không quên… Có người thèm măng khô Vĩnh Phú, rừng trung du bắc phần được thiên nhiên ưu đãi cho những búp măng giòn, ngọt thanh hơn măng ở vùng tây nguyên trung phần… Những giả tưởng không căn cứ như người Quảng nói là sợi mì Quảng phải làm bằng nước giếng ngoài Quảng mới đúng sợi mì Quảng! Ông Nam bộ trêu ngươi, “giai như người Quảng nói – giòn như người Quảng mở đài về Ngũ Phụng Tề Phi – thơm như người Quảng tả món bánh đập…”
Thế là các cụ tôi cãi nhau.
Chuyện năm ngoái là bà Quảng tả món bánh đập quê hương làm bà thèm đến không ngủ được. Nghe bà nói qua về món bánh không dầu mỡ làm ai cũng muốn ăn. Nhưng hôm nay bà đãi món bánh đập ấy cho mọi người thì chỉ hai người tấm tắc khen ngon là… vợ chồng bà. So với bà Hậu, “Tôi người nhà quê, lại khó nhọc từ bé nên biết nấu nướng gì đâu! Đây, hôm nay tôi nấu khay bánh đúc, đãi các vị. Người ăn được mắm tôm thì chấm mắm tôm. Tôi xin lỗi những vị không ăm được mắm tôm. Tôi người nhà quê nên cũng không biết làm món chấm gì khác! Cái lối nói chuyện của bà cứ như rót mật vào tai người nghe. Trong khi món bánh đập hoá ra chỉ là bánh ướt, dán lên bánh đa, rồi đập đập cho nó giập giập ra; chấm với chém mắm tôm đầy ớt đỏ, cay xé họng mà chẳng có chút dư hương nào của thịt thà, tôm cá… đem so với bánh đúc còn có tí béo béo khi cắn trúng hạt đậu phộng, nồng thoảng mùi vôi mà nhớ mẹ ăn trầu… Thôi thì ăn uống bớt thịt cá cũng tốt, nhưng giá như người ta đừng quá thương quê mình rồi đâm ra nói thách về món quê hương như thịt rồng gân phụng thì cũng hơi kỳ.
Bà Hậu như được quý mến nhờ lời ăn tiếng nói, cách đối xử với mọi người. Ai nói quá thì bà Hậu cười, ai nó khó bà thương, muốn giúp đỡ. Bà thương thật chứ không thương đùa như người ta thương Chúa, thương Phật… Chuyện của bà khi có tiệc là giúp gia chủ dọn ăn lên, ăn xong thì lại phụ dọn dẹp xuống. Rồi ngồi hóng chuyện vì, “ Tôi người nhà quê, lại ít học nên biết gì đâu! Xin anh, chị (ông bà) chỉ dạy cho!” Kỳ thực hôm nay bà đã chỉ dạy cho mọi người một bài Xuân Tâm Pháp”.
Câu chuyện bắt đầu từ việc con gái bà đã có gia đình, sống riêng với chồng con. Nhưng hôm cô ta trở về nhà mẹ để lục tìm những hình ảnh cũ cho bạn bè cũ nhờ tìm lại. Cô không ngờ biết ra bí mật của mẹ chẳng phải là có tài khoản bao nhiêu, di chúc để cho ai…? Điều làm cô điếng hồn là bà Hậu ký giấy tờ hẳn hoi, khi bà qua đời, lục phủ ngũ tạng bà cho hết, luôn cả đôi mắt cũng cho luôn. Hành vi của mẹ làm cô thương cảm, kính nể mẹ hơn. Nhưng tâm tư thầm kín làm cô thấy mẹ thiếu công bằng với cô vì đôi mắt bà Hậu thật đẹp, không những thế lại tốt đến không ngờ là đã bảy mươi mà cả đời bà chưa hề mang cặp kính nào – dù cận hay lão. Trong khi mắt cô là mắt con gái thì lại giống bố, mắt một mí đã không thấy tổ quốc khi cười lại cận lòi. Cô bất bình dễ như trẻ nhỏ, “Mẹ ạ! Sao mẹ lại quyết định thế này?” Con gái bà hỏi thế và bà đã trả lời: “Bố của con là một người mạnh khoẻ, không những thể chất ông ấy to lớn, không bệnh hoạn gì. Tinh thần cũng cường tráng như thế… nhưng chết trận khi con mới vài tuổi. Bác của con không được khoẻ như bố của con, nhưng nay bác đã xấp xỉ tám mươi. Nhưng là một người bệnh hoạn từ bé. Cả đời dường như không ngày nào không uống thuốc. Mẹ thấy mình may mắn được ơn trên cho sức khoẻ, lại cho sống lâu nhờ cơ thể không bệnh hoạn, mắt sáng, răng chắc để ăn biết ngon hơn người răng long… Nhưng việc mình cứ giữ mãi những phần tốt đẹp đã không phải lắm thì phải. Nên khi chết lại không cho lại ai cần, thì có quá ích kỷ không?””
Bà Hậu kể tiếp câu chuyện mẹ-con bà cho mọi người nghe để góp ý vì bà là người nhà quê, tôi có biết gì đâu. Bà kể tiếp cho con gái bà nghe chuyện gia đình, thân bà goá bụa, một nách ba con lênh đênh trên con thuyền vượt biển. Việc đến Mỹ được trọn vẹn mấy mẹ con là điều bà không sao hiểu nổi bàn tay, quyền lực vô hình nào đã che chở vì việc ngoài khả năng, tài cán và cả tài chánh của bà những năm có phong trào vượt biển. Rồi những năm bấm thẻ ăn giờ trên nước Mỹ để nuôi con, lại gặp công việc không có ghế ngồi. Bà đứng ngày 8 tiếng, 10 tiếng… đứng đến phù chân, không chịu nổi. Sau đó có bà Mỹ làm chung, bà ấy chỉ cho một hiệu giày khá mắc tiền nhưng loại giày này thích hợp cho những người làm công việc phải đứng suốt ngày hay đi liên tục trong hãng xưởng.
Bà Hậu đã tìm đến nơi bán, nhưng không thể mua đôi giày chỉ để đi làm mà mắc gấp năm gấp mười lần đôi giày bà đang mang dưới chân. Thay vì mua một đôi giày, mua sự êm ái cho mình. Biết là không hoang phí vì đôi giày sẽ giúp mình làm việc được lâu dài hơn thì con cái được nhờ hơn. Nhưng người nhà quê ấy chỉ đến tiệm giày nhiều lần để đứng nhìn đôi giày trong tủ kính, sờ mó đôi giày để trên kệ để biết nó êm ái dường nào. Xong, số tiền đã chuẩn bị trong túi vì biết giá trước rồi thì lại không trả cho tiệm giày để mua lấy sự êm ái cho đôi chân mình, mà đi mua sắm quần áo, giày dép cho con cái. Dành dụm gởi về quê cho mẹ chồng, mẹ ruột dù biết từ lần đi đã là vĩnh biệt…
Ai cũng sốt ruột với chuyện đôi giày của bà nhà quê. Chả biết có mua hay không mua mà mắt bà xa vắng làm những người nghe cũng mủi lòng. Có, bà có đến tiệm giày lần cuối để mua đôi giày mơ ước trong đời. Nhưng khi bà đến tiệm giày lần cuối cùng ấy thì lại thấy một anh thương binh không có chân. Bà ngộ ra được hạnh phúc của mình là đi trên đôi chân, đứng trên đôi chân đau nhức và xưng vù nhưng đôi chân có liên hệ thần kinh với trái tim; không phải đôi chân vô cảm nên mặc cảm như người thương binh kia! Chắc anh thương binh thèm khát đôi chân xưng vù của mình còn hơn mình thèm thuồng đôi giày êm ái. Bà biếu anh số tiền mà bà đã quyết định mua đôi giày.
Từ đó về sau, những đôi giày trị giá bốn chục nhưng on sale chừng hai chục đồng không còn làm đau chân bà nữa vì mỗi lần cảm thấy đau chân do đứng lâu, bà lại thấy những dấu chân tròn của anh thương binh đang in lên vỉa hè như người đi đóng mộc chứng nhận cho lòng bà biết ơn người lính. Cũng từ đó, bà muốn cho người thương binh bị mù khác, đôi mắt của bà; muốn cho người mất tay bớt một cánh tay của bà vì mỗi người có một tay cũng đỡ khổ cho người cụt hai tay sẽ không khó khăn lắm nếu người hai tay nay còn có một vì đã cho cánh tay mà Chúa bảo giữ giùm, rồi giữ hoài không chia sẻ cho ai……
Chuyện bà nhà quê đưa ra hỏi ý kiến bạn bè trong tiệc đầu xuân bị người này đả kích, “sao hôm nay vui lại đi nói ra những chuyện buồn như thế?” Nhưng cũng có người khác kiệm lời, “Tôi cũng có nghĩ như chị. Nhưng không quyết định được vì sợ tiếng đời. Người ta ai cũng biết tiếng đời không có gì hay nhưng tôi lại là người hay nghe nhất! Sau đó lại nghĩ là khi mình chết rồi thì lục phủ ngũ tạng của mình cũng đã thuộc hàng phế thải thì có cho cũng chẳng ai xài được nữa!”
Những người khác thở dài……
“Thôi thì cứ cho cái tâm mình trước, người nhận tuy cần nhưng không xài được cái của mình cho thì họ cũng được vui lòng phần nào về việc mình có lòng muốn cho. Còn của cho không phải của mình, chỉ là vay mượn của ơn trên thì trao lại người khác khi mình đã hết phần, hết cần.” Bà Hậu kết thúc câu chuyện thay cho bữa tiệc đầu xuân của hàng U70. Không biết đêm nay có thêm ai điền đơn chia sẻ với người bất hạnh ngày càng nhiều trên đời. Điều may mắn cho nhân loại là kinh tế thế giới vài năm nay bớt khó khăn hơn xưa nên quỹ từ thiện cũng tăng do sức đóng góp mạnh hơn. Có lẽ con người bản chất là nhân ái, chỉ khó khăn tạm thời người ta mới lơ đi những người hoạn nạn. Mong ơn trên cho người mạnh có việc làm thì người không khoẻ cũng được hưởng lòng nhân ái tự nhiên và bất biến của con người…
Cảm ơn người nhà quê… rất chân quê.
Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email