Phan
Mẹ tôi gọi về nhà mẹ chiều nay, nếu con ghé được? Tôi trả lời ngay là được, con sẽ ghé thăm mẹ chiều nay. Trả lời nhanh vì tôi phải vào cuộc họp ở nơi làm việc. Nhưng cậu em tôi lại nhắn tin không lâu sau đó, “Chị Hai. Mẹ gọi về nhà mẹ chiều nay… có chuyện gì vậy?” Tôi trả lời tin nhắn trong phòng họp đang họp thì được, “Mẹ quyết định chia gia tài. Mong cậu không quá bận rộn để về nhà mẹ chiều nay…” Nó gởi cho tôi hình cái mặt cười mếu xệu, thêm mấy chữ, “chắc mẹ nấu phở hay làm gỏi cuốn gì đó. Chị Hai cứ làm em mừng hụt hoài…”
Tôi phải nói thế thì em tôi mới về nhà mẹ vì nó bận rộn thật, đang khó khăn đủ thứ vì cứ lo làm quá nhiều việc hơn sức mình theo phương châm không biết nó học ở đâu, “còn trẻ không lo làm, nữa già ngồi đó ngó hả?” Chuyện ba mẹ con tôi không có gì lớn nhưng liên lụy rộng vì tôi phải nhờ chồng đón con; chồng không thể thì chồng nhờ em chồng đón dùm, đưa cháu về nhà chú, rồi anh ghé rước cháu sau vậy. Cậu em tôi cũng phải nhờ vợ đón con, vợ lại nhờ ông ngoại đón cháu ngoại về nhà ông ngoại dùm, rồi con ghé đón cháu sau. Chuyện lôi thôi có khi còn liên lụy đến bà con xa hơn chút nữa như gặp hôm ông ngoại không khoẻ thì nhờ cậu, hay dì của cháu đón về nhà ông ngoại trước, cho ba mẹ nó ghé rước sau…
Trong đời sống tất bật và quay cuồng trên đất Mỹ, nhưng cũng có lúc bình tâm bất ngờ như tôi đi đón dùm đứa con của bạn tôi vì cô ấy kẹt việc làm trong hãng, không kịp về đón con. Bạn tôi chỉ có hai mẹ con, đã là người mẹ độc thân lại không có anh chị em hay bà con, họ hàng sống chung thành phố. Những lúc ấy tôi mới suy nghĩ về người thân và bà con của mình, và dường như bao giờ tôi cũng tự trách đã không tử tế hơn trong khả năng. Dù đôi khi, gia đình đông bà con, anh chị em nhiều cũng nhức đầu như gia đình của cha tôi, gia đình của mẹ tôi; tức là bên ngoại với bên nội của tôi; nhà đông chú bác cậu dì nên lắm chuyện khó nói mà lại dễ hiểu lầm, nhất là khi càng lớn tuổi thì chú bác cậu dì lại càng dễ giận hờn nhau hơn khi còn trẻ. Nhưng đơn chiếc như bạn tôi cũng khó khăn nhiều trong đời sống; thậm chí tôi còn nghĩ tới một chuyến đi chơi, nghỉ hè không vui trọn vẹn vì chỉ hai mẹ con bạn tôi kéo vali ra phi trường, hình ảnh đem về cũng chỉ có hai mẹ con bên nhau ở nhiều nơi mà họ đã đi qua… Một chuyến đi du lịch không trọn vẹn hay khiếm khuyết nằm ngay trong suy nghĩ của tôi?
Tôi thấy mình hạnh phúc với hai chị em là đủ. Không kể gái trai gì hết, chuyện gì tôi cũng có thể nói cho em trai tôi nghe; nó cũng không ngại khi nói cho tôi nghe chuyện nội tình nhà nó để chị cho ý kiến… Chị em tôi hiểu nhau, hiểu ý mẹ – không cần phải nói ra là khi mẹ nói đưa mấy đứa nhỏ về nhà nội, nhà ngoại cho mẹ gặp thì cứ lôi theo cả con dâu, con rể của mẹ sẽ càng vui. Nhưng khi mẹ không nhắc tới họ nghĩa là người chỉ muốn gặp riêng chị em tôi.
Nào ngờ hôm nay mẹ tôi không khoẻ nên có nấu món gì ăn đâu. Hai chị em tôi lại luôn chừa sẵn cho mẹ cái bụng đói của chúng tôi để ăn chực, ăn ké, ăn hôi… thậm chí là ăn cắp thức ăn trong tủ lạnh của mẹ để đưa về nhà riêng. Vì rất lạ lùng cho ẩm thực Việt nam như món cá rô phi muối sả ớt rồi đem chiên. Khi chưa đứa nào lập gia đình, còn sống chung nhà với mẹ thì chị em tôi cằn nhằn, không chịu ăn vì cá lắm xương. Nhưng có gia đình rồi, ra riêng sống riêng; đi mua cá rô phi không xương về muối sả ớt, chiên lên ăn… Nó chỉ khỏi lừa xương, không sợ hóc xương khi ăn, nhưng nó không phải là món cá chiên muối sả ớt của mẹ. Thế là chị em tôi ăn cắp từ tủ lạnh của mẹ, thầm lặng chia nhau mang về nhà riêng… Thường là hôm sau tới giờ cơm của mẹ. Mẹ tôi hay gọi đùa vui cho tôi hay em tôi, “nhà con còn nước mắm hay nước tương gì không, cho mẹ xin miếng ăn cơm vì cá muối sả ớt của mẹ trong tủ lạnh đã bị một con chó em với một con mèo chị, chúng nó trộm cả rồi…” Thường sau những lần mẹ gọi cho vui như thế, không biết cậu em tôi nghĩ gì sau tiếng cười khì khì của nó; riêng tôi vẫn thây kệ ý nghĩ của nó bởi nó có tính hài hước giống mẹ nhưng hơi cay cú chứ không bao dung và đơn thuần chỉ là đùa vui như mẹ. Tôi không thích em tôi nói, “Hình như trời sinh ra người Việt để ăn xương, nên ăn cá có xương mới thấy ngon. Khi ăn cá không xương như người Mỹ thì không thấy ngon bằng…” Không biết bao giờ em tôi mới chững chạc lại dù đã có ít sợi tóc bạc trên đầu. Tôi nghĩ cho cùng là không xương sẽ dễ ăn và ngon bằng với cá có xương của mẹ. Chỉ khác nhau ở chỗ cá tự mua, tự làm và tự ăn; nó thiếu cái gia vị không có trong tủ gia vị của gia đình là ăn trong niềm tin mình được thương yêu, vì mẹ giẽ xương rất kỹ rồi mới gắp từng miếng cá trắng phau cho con chị thì bảo thằng em chờ… nhưng mẹ vẫn dặn dò theo từng đũa gắp, “từ từ ăn nha con. Cẩn thận, coi chừng xương…” Ăn cá của mẹ ngon hơn cá tự đi mua, tự làm và tự ăn vì có tốn bao nhiêu tiền cũng không mua được tình thương yêu con trẻ của mẹ gởi theo từng đũa cá chiên gắp, đút cho con… Khi có con của mình tôi mới biết sợ tới cái xương cá bé xíu thì mẹ tôi đã quá già và gần như mất vị giác bởi bệnh tật. Chúng ta làm được gì trong muộn màng khi hiểu ra. Có lẽ điều nên nhất là không buồn riêng một mình mà nói ra với cha mẹ già, vì người lớn tuổi không còn thích hưởng thụ vật chất nhưng nhu cầu tinh thần lại là thuốc bổ. Tôi thổ lộ tâm tình với mẹ tôi, người vui lắm trong lòng khi con trẻ hiểu được tình thương yêu của mẹ là đã trả ơn người… Tôi thấy hạnh phúc hơn quà tặng khi con trai tôi mới mười tuổi mà tự làm công việc ngồi lau chùi đôi giày cho mẹ vào một hôm cuối tuần. Tôi hiểu ra nhu cầu cao nhất của con người là được quan tâm và thương yêu…
Thế mà chị em vẫn thường về nhà mẹ trong tư thế để bụng thật đói để ăn kỷ niệm vì mỗi món mẹ tôi làm đều có những chuyện vui nhỏ nhưng khó quên. Như hôm đó mẹ làm gỏi cuốn cho chị em tôi ăn. Mấy cuốn của cha thì mẹ bọc ny-lon lại cho đừng bị khô bánh tráng. Xong, cha đi làm về là bốc ngay một cuốn vì cha rất thích ăn gỏi cuốn. Cha hỏi mẹ tôi một câu đến chúng tôi cười muốn sặc ra gỏi cuốn… “Sao hôm nay bánh tráng dai quá vậy em?” Mẹ tôi rất hay đùa, “ Thì anh bảo không mua bánh tráng của Trung quốc. Em mua bánh tráng ‘ba cô gái’ cho anh đó! Đến ba cô thì sao không dai? Thôi đưa cho cô Tư-em này bóc ny-lon ra thì anh mù mới ăn được…”
Chưa bao giờ chị em tôi nghĩ đến một ngày nào đó chúng tôi phải về nhà để chăm sóc mẹ. Cái ngày ấy có lẽ bắt đầu từ hôm nay, mẹ tôi mất hẳn ánh mắt tinh nghịch, thách thức một cách dễ thương lắm. Mất hẳn nụ cười hóm hỉnh; những câu thoại ngắn gọn, hành động nhỏ nhoi của mẹ nhưng làm cả nhà cười nghiêng ngả… Cậu em tôi hay nói câu, “Chết rồi. Con ngu quá…!” Mẹ tôi khoan cần biết em tôi đã ngu chuyện gì? Mẹ chỉ tự nhiên như không – nói ra, “Khỏi giới thiệu!” Có khi nó quê ngang thì đi luôn vô phòng riêng; khi không đến nỗi thì trách mẹ cứ kê tủ đứng con hoài. Mẹ sẽ nói tiếp, “Cả nhà ta có ai không biết tài năng của con, sao con cứ phải nói cái câu “con ngu quá” làm gì, cho nó ám vào con…” Thường thì tôi với cha tôi cứ ôm bụng cười, cũng chẳng hỏi thăm em tôi xem nó đã ngu chuyện gì… vì có lẽ mẹ tôi nói đúng là nó bị ám. “Chết rồi. Con ngu quá!” Tưởng chuyện gì lớn. Thì ra chỉ là cậu quên, chưa ăn chén chè vì ban nãy ăn cơm no quá, không ăn nổi. Bây giờ lại đi đánh răng để đi ngủ mà quên ăn chè… Mẹ tôi lại trò chuyện tiếp với con trai cưng của mẹ, “Thôi thì ăn chén chè giúp mẹ đi con… nhà mình còn kem đánh răng mà!” Mẹ tôi là cây cười khi còn trẻ nên đã đốn gục cha tôi là một ông cụ non khi còn đi học. Chuyện tình góp nhặt của cha mẹ, tôi nghĩ thế.
Còn cha tôi, ví như ông nổi giận… “Ai quét nhà mà không cất chổi với cái hốt rác, để đạp đau chết chân tôi à!” Mẹ tôi chẳng trả lời là ai đã… mà lại nói trống không, “Toi sáu đồng chín lăm, cộng thuế nữa là bảy đồng năm hai…” -Cha: “Em nói cái gì thế?” -Mẹ: “Thì em vừa mua cái hốt rác hết sáu đồng chín lăm, cộng thuế thành bảy đồng năm mươi hai xu… đấy anh ạ!” Không biết cha tôi cười vì thấy chị em tôi ôm bụng cười hay cha cười sự hóm hỉnh của mẹ tôi. Chỉ biết cha hết giận, tự cha đi cất chổi với cái hốt rác ra ngoài garage. Nhưng đâu đã hết chuyện, khi cha trở vô nhà thì mẹ lại nói, “Em quét nhà, còn chưa kịp hốt rác. Anh đem dẹp hết ra garage…” -Cha: “Sao không để vài hôm nữa hãy nói…?” Chúng tôi cười vỡ bụng khi cha lặng lẽ đi ra garage lấy chổi với cái hốt rác vô nhà; tự cha quét và hốt. Miệng cằn nhằn suốt, “nhà đã quét đâu, chỗ nào cũng bụi với rác…” -Mẹ: “thì em đâu đã quét, mới đem được cây chổi với cái hốt rác vào nhà thì anh đã đem dẹp…” Chị em tôi cứ ôm bụng cười, nhưng không dám cười ra tiếng. Còn mẹ tôi có nụ cười hóm hỉnh rất duyên, cứ tà tà làm bếp, hát vu vơ mấy câu nhạc tình…
Thế rồi cái bàn ăn chỉ có bốn cái ghế ở căn nhà này, căn nhà mà chị em tôi đã lớn lên. Có một cái ghế trong bốn cái bị lung lay. Cha tôi bắt thêm đinh vít phía dưới cho ghế vững vàng lại chứ không mua bộ bàn ăn mới vì cả nhà phải tiết kiệm tối đa để chuẩn bị cho tôi đi đại học. Một chuyện nhỏ trong nhà nhưng khi không còn nhỏ mới thấy ý nghĩa của câu chuyện không hề nhỏ. Tôi biết thương cha mẹ mình trong những đêm xa nhà khi theo học đại học. Nhớ đứa bạn học chơi rất thân với tôi từ nhỏ là người Mỹ. Sau hôm tốt nghiệp trung học, cha mẹ nó cho nó một số tiền rất lớn, là tiền cha mẹ nó đã để dành cho nó từ khi nó chào đời. Nên khi nó đủ mười tám tuổi, tốt nghiệp trung học thì cha mẹ nó cho nó hết ống heo, số tiền lớn đến nỗi nó mua xe mới dễ dàng như mua bộ quần áo, hay đôi giày đôi dép. Tiếp theo là ăn xài thoải mái, đi chơi những chỗ sang trọng, mắc tiền… Cuối cùng là nó không tốt nghiệp đại học, lại có con khi còn quá trẻ. Nó không được cha mẹ giúp đỡ nữa vì đã giúp rồi. Nó phải tự lo thân, đi làm nuôi con với mảnh bằng trung học.
Tôi thì cứ nhớ về cái ghế bắt thêm đinh vít của cha để cố gắng vượt qua khó khăn và những ham muốn tuổi trẻ không chịu thua kém bạn bè… Bắt đầu thay đổi suy nghĩ như bạn bè người Việt sinh ra trên nước Mỹ như tôi. Khi còn nhỏ, chúng tôi luôn quả quyết chúng tôi là người Mỹ, vì chúng tôi sinh ra trên nước Mỹ. Nhưng vừa lớn lại vừa được đi học nên hiểu ra mỗi dân tộc có những nền, những nét văn hoá khác nhau. Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng cách cho con cái khác nhau tùy theo văn hoá mỗi dân tộc. Người Mỹ cho con một lần nên thấy nhiều, người Việt cho con nhiều lần theo sự trưởng thành để không phung phí khi còn quá trẻ, chưa đủ trải nghiệm.
Bài học từ cái ghế có đinh vít xuyên qua mặt ghế một mũi đinh vít nhọn. Dù trên mặt ghế bằng gỗ, mẹ tôi có mua bốn tấm nệm mỏng lót lên để ngồi cho êm. Nhưng cậu em tôi phát giác ra mũi nhọn vào một hôm nó ngồi phịch xuống ghế vì bị mẹ ép ăn trái cây, và bị đinh vít đâm vào mông. Cha tôi dời cái ghế đó lại vị trí cha thường ngồi khi cả nhà ăn cơm. Cha nói cha sẽ thay đinh vít ngắn hơn cho đinh vít khỏi lồi lên mặt ghế, nhưng cha không có thời giờ; và không bao giờ có thời giờ nữa sau một cơn bạo bệnh lại phát giá quá trễ nên bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của cha tôi. Tôi nhớ về cái ghế ấy là sự cần kiệm rất quan trọng trong đời sống. Sự hợp lực còn quan trọng hơn khi cả nhà tiết kiệm cho một thành viên trong gia đình có nhu cầu nhất. Văn hoá và truyền thống này của người Việt rất hữu ích về mặt thực dụng, lại có ý nghĩa về mặt tinh thần như chất keo kết dán thân tộc.
Sự khủng hoảng tinh thần và cả vật chất trong gia đình sau khi cha tôi đột ngột qua đời. Mẹ tôi cũng áp dụng phương cách cũ là ba thành viên còn lại trong nhà phải cần kiệm hơn, tập trung hơn cho nhu cầu của từng người. Chỉ có khoảng trống không gì khoả lấp được như những thiếu hụt về tài chánh là từ đó, cái bàn ăn ở nhà tôi luôn trống một ghế. Mẹ tôi khoác lên thành ghế cái áo lạnh bạc vai, sờn gấu tay áo mà cha tôi thường mặc đi làm. Cả nhà tôi vẫn như thấy được cha tôi vẫn ngồi đó mỗi khi ăn cơm.
Đến hôm tôi lấy chồng, cậu em tôi nói trong đêm cuối tôi còn ở nhà, “từ ngày mai, nhà mình trống thêm một ghế…” Cậu không biết tôi khóc đến sáng trong phòng riêng, dù chỉ đi nằm được vài tiếng là nhà trai đến rước dâu. Rồi cậu nó cũng lấy vợ, ở chung nhà với mẹ không lâu. Vợ chồng cậu cũng mua nhà và ra riêng. Không biết mẹ tôi có tự nói với mình: Nhà mẹ từ nay còn có một ghế có người ngồi…
…
Cảm ơn chồng tôi lo lắng cho mẹ vợ. Anh chở hai con sang nhà thăm bà ngoại, nhưng phải về sớm để sáng mai chúng còn đi học. Tôi ngủ lại với mẹ trong căn nhà tuổi nhỏ của tôi. Căn nhà tôi vẩn thường nghĩ khi nhỏ là tự nó có sẵn như vậy! Nhưng tôi hiểu được căn nhà là công sức suốt đời của cha mẹ tôi từ hai bàn tay trắng khi đến Mỹ định cư. Tôi hiểu sự cố gắng làm việc, những tính toán, tiện tặn chi xài của hai vợ chồng trẻ khi mua nhà cho con cái có chỗ ăn ngủ và đi học khi vợ chồng tôi lập lại những khó khăn của cha mẹ trước đây. Tôi hiểu được vì sao mẹ tôi không chịu cho em tôi bán nhà, mua nhà khác cho mẹ ở để bớt buồn khi nhớ tới cha… Tôi hiểu từng ngóc ngách trong nhà này đều thấp thoáng kỷ niệm, ân tình.
Hôm mẹ gọi con cháu về cuối tuần để ăn uống cho vui thôi. Cậu em tôi tỷ mẳn ngoài patio, nó ngồi dùi lỗ lên cái hốt rác bằng nhựa đã rách góc để xỏ và cột dây kẽm lại cho mẹ vì mẹ không muốn mua cái mới. Tôi nói vui với em tôi, “Cậu nhắm làm được hãy làm, đừng làm toi sáu đồng chín lăm cộng thuế thành bảy đồng năm hai của bà ngoại đó nha…” Em tôi ngước mặt lên cười với chị. Sao bỗng hai chị em tôi đều lặng thinh như nghe được tiếng nói của cha tôi, “Ai quét nhà mà không đem cất chổi với cái hốt rác, để đạp đau chết chân tôi à…!” Cái hốt rác là cái dùng để hốt những thứ bỏ đi. Có ngồi khâu và lại cái hốt rác cũng không hốt lại được những gì đã qua…
Đêm qua ở một khách sạn sang trọng cách mấy thì sáng ra người ta cũng đi tắm để trả lại mình cho mình. Tôi thường đi công tác nên nhận ra điều đó. Nhưng đêm qua, tôi ở nhà tôi lúc nhỏ. Ngồi lên cái ghế của cha cho mũi đinh đâm đau thật đau, chảy máu cũng được để không bao giờ quên thiên đàng này vì hôm nay mẹ tôi muốn gặp hai con để từ giã chiếc ghế cuối cùng trong nhà còn người ngồi.
Mẹ tôi bệnh có hồ sơ đã lâu. Nhưng nay bác sĩ khuyên không nên sống một mình vì đường huyết và áp huyến thất thường do dùng thuốc đã lâu và nay đã lờn thuốc. Cảm ơn mẹ hiểu cho chị em tôi là gia đình nào ở Mỹ thì sáng ra cha mẹ cũng phải đi làm, con cái đi học. Mẹ có về sống với gia đình tôi hay gia đình em tôi thì mẹ cũng ở nhà một mình thôi. Mẹ càng không muốn mướn người ở nhà mẹ với mẹ vì mẹ không muốn chia sẻ với ai không gian chỉ có bốn người trong suy nghĩ của mẹ tôi. Mẹ chỉ muốn ở căn nhà này tới cuối đời vì mẹ vẫn nghe được tiếng chị em tôi cười, thấy được cha tôi đi tìm cái kính của ông khắp nhà không gặp vì nó… ở trên đầu cha tôi. Mẹ tôi hay hài hước nên châm chọc người để mắt trên đỉnh đầu rồi đi tìm…
Tôi nhớ đêm cuối ở nhà mà sáng hôm sau đi đại học. Tâm lý hoang mang của cô bé chưa từng sống xa gia đình. Tôi nhớ đêm cuối ở nhà mà sáng hôm sau về bên chồng. Tâm lý hoang mang hơn nữa của cô gái bước vào hôn nhân. Tôi nhớ đêm nay ngồi một mình trên cái ghế có đinh vít nhọn, nhưng sao nó không đâm ngập vào da thịt như mong muốn mà nó đâm vào tim đau sự chia ly. Cái ghế cha tôi đã ngồi bao tháng năm vất vả để nuôi gia đình. Cái ghế tiếng cười của con trai tôi khi nghe bà ngoại kể chuyện nên mỗi lần về thăm ngoại, nó đều “dụ” cậu nó ngồi lên ghế ông ngoại đi, vui lắm! Cậu nó giả bộ nhảy nhồm, la làng… bị đinh đâm đít đau quá! Cho nó cười vô tư. Nó lớn hơn đứa em gái nó đến sáu tuổi nên đến nó ngồi lên ghế ông ngoại cho đinh đâm đít… cho em nó cười vì đã “dụ” được anh Hai ngồi lên ghế đinh của ông ngoại…
Rồi muốn hay không thì quy luật của muôn đời vẫn nghiệt ngã một cách tự nhiên theo quy luật. Chị em tôi đã từng là những đứa trẻ hạnh phúc trong ngôi nhà này. Cầu chúc cho những đứa trẻ sẽ đến ở ngôi nhà này trong tương lai cũng được may mắn như chúng tôi lúc nhỏ. Tôi chỉ chia gia tài với em tôi, “xin cho phần chị cái ghế có mũi đinh vít của cha…” Để những khi nhớ tới cha mẹ, tuổi thơ… tôi còn chút an ủi. Những khi cơ nhỡ, lúc nhọc nhằn trong đời, cứ về nhà và ngồi lên cái ghế của cha, sẽ đủ tình cảm để yêu thương, đủ năng lực để nuôi dưỡng và thương yêu con cái như cha mẹ đã nuôi dưỡng và thương yêu chị em tôi.
Phan