Phan
Khi còn đi học, không biết tôi nghĩ, hay cây sao cổ thụ ở sân trường viết ra ý nghĩ cuối năm: “Cuộc sống bây giờ là những liên tiếp đấu tranh cùng nghịch cảnh. Trong hiện tình lương tâm không bằng lương thực của ngành giáo dục nước ta…” Tôi lý luận tơi bời cho bài nghị luận chính trị xã hội. Nhưng cuối bài lại trớt quớt với tâm tư mùa về… Tôi viết, “tết là mùa của những thân thương ngồi nhớ những thân thương. Giờ này những người Việt ở hải ngoại ngồi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân, người thương… chắc nước mắt của họ cũng mặn y chang như nước mắt người thân còn trong nước ngồi nhớ những người thân không biết bao giờ mới gặp lại…”
Tôi ta bà tới “ngày tư ngày tết” trong sách, ngoài đời, tôi nghĩ… Tết là tiết, nhưng tư ngoài nghĩa là mùa nông nhàn theo trong sách thì ngoài đời, “tư” còn mang ý nghĩa “riêng tư”. Trong tiết cuối năm, không gian dễ làm cho người ta nhớ đến người ta trong sâu lắng nhất của tình yêu thương… Con cháu nhớ ông bà, cha mẹ đã quá vãng với hết lòng biết ơn, sự thương kính; bằng hữu nhớ nhau – kẻ mất người còn; đôi lứa trông nhau từng phút từng giây… làm nên không gian, không khí đặc biệt của những ngày giáp tết nên người ta gọi là không khí tết.
(Thực sự là tâm trạng tôi đang nhớ quá về người bạn ngồi bên cạnh tôi trong lớp học. Mới tháng trước, cô ấy còn hỏi tôi: “Sao người ta ưa nói vui lên đi, diện đồ đẹp lên đi… cho có không khí tết. Vậy không khí tết là gì?”) Vậy mà chỉ hơn tháng, tôi nghĩ ra được không khí tết là gì thì cô bạn đã vượt biên. Chắc không cần giải thích nữa vì hồi bên đảo tỵ nạn. Bạn tôi cũng biết là giáp tết Việt nam rồi. Nhưng cái thiếu ở bên đảo chính là… không khí tết!
Lần đó tôi gặp phải ông thầy dạy văn ở Đại học sư phạm Hà nội mới vào Sài gòn để dạy chúng tôi. Bởi giáo sư trong Sài gòn đi vượt biên, ở tù, bỏ nghề ra đạp xích lô, vá xe đạp ở lề đường, đi kinh tế mới… Các thầy đi đâu hết trơn. Đi như mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm… Giờ văn không có thầy dạy nên học trò cứ túm năm tụm ba ở những gốc cây trong sân trường mà tán gẫu với nhau, nên các thầy cô ở ngoài bắc mới được điều vô nam.
Đến tuần sau. Bài luận văn của tôi được ba điểm. Làm cả lớp reo hò, vì chưa bao giờ viết luận văn mà tôi được tới điểm ba. Tôi có tên thân mật trong lớp hẳn hoi vì bạn bè chỉ gọi tôi là thằng “cây gậy chống về Tàu”. Bởi lúc nào tôi cũng chỉ một điểm thôi. Nhưng không ai trong lớp được thầy cô giáo viết nhiều mực đỏ trên bài luận như tôi. Đó là điểm nhất thứ hai mà thời đi học còn mãi trong tôi: Người thầy gầy yếu xanh xao, nhưng đôi mắt thầy biết nói! Thầy chỉ viết trong ô “Lời phê của giáo viên” có hai chữ, “lạc đề”! Nhưng khi phát bài. Thầy gọi tên ai thì nấy giơ tay lên. Thầy đến tận nơi ngồi của người giơ tay để phát bài, nói lời nhận xét ngắn gọn cho người đó về bài viết. Riêng tôi. Thầy không nói gì khi phát bài cho tôi. Thầy chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt biết nói của thầy.
Nhờ vậy mấy hôm sau. Thầy dặn tôi tan trường thì chờ thầy ở quán cà phê. Thầy khen tôi có lòng. Nhưng thời đại, đất nước đang cần người túc trí! Cố mà học. Đừng linh tinh cho phiền toái bản thân. Thậm chí phiền lụy tới người thân, gia đình… Có khác nào em tự vứt đi cái quý giá nhất mà em có là một tấm lòng…
Từ đó tôi được ở chung phòng tập thể với thầy và một ông thầy dạy nhạc nữa. Một người tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc ở Sài gòn, là người nam rặt. Vậy mà kết bạn chung phòng với một thầy giáo văn ngoài Hà nội vào, là bắc chính cống. Thầy nhạc độc thân nên ở chung phòng với thầy văn có gia đình, nhưng vợ con còn ở ngoài bắc, đến hè mới vào cho tiện năm học. Hai thầy ở chung phòng trong khu tập thể của giáo viên, chứ sinh viên thì tự lo chuyện ăn ở của mình. Nhưng hai thầy thương thằng nhỏ con nhà người bắc di cư. Nó làm người hoà giải cho hai ông thầy khi cãi nhau về tiếng bắc, tiếng nam là đâu ra đó vì ở nhà nó nói tiếng bắc với người nhà, nhưng đi học thì nói tiếng nam với bạn bè… Nên nó nghe thầy văn bảo thầy nhạc, “cho tôi xin cái thìa” thì nó dịch tiếng bắc ra tiếng nam ngay để khỏi cãi. Nó chỉ nói gọn, “cái thìa là cái muỗng; cái muôi là cái vá để múc canh.” Vậy mà hai thầy cũng cãi tiếp được! Thầy văn bảo, “múc canh là múc trong nồi ra tô để ăn chung. Nhưng khi múc canh từ tô canh ăn chung vào cái bát (nó dịch nhanh là cái chén) của mình thì gọi là chan canh…”
Ông thầy nhạc (húp) canh no nê rồi thì kể chuyện lên trần nhà cho thằn lằn nghe…, “có thằng mọt chữ ngoài rừng vào. Nó đi lạc đường mà không hỏi đường. Nó cứ hỏi lạc là gì? Người ta bảo nó lạc là đậu phọng. Thế là nó viết thơ về cho con mọt vợ ở rừng xanh: Sài gòn rộng lắm u nó ơi! đường sá biết bao nhiêu nên nhớ sao cho hết, nên anh đi đậu phộng mãi…”
Phần tôi được bớt ngu về văn chương và âm nhạc vì cứ hay pha trà cho hai ông thầy đêm đêm ngồi nhìn sao trời cho bớt đói nên nói chuyện trên trời thời ấy là âm nhạc với văn chương. Tôi học hàm thụ từ ông thầy văn khi thầy nhạc đêm đêm đi đánh đàn dương cầm cho nhà hàng khách sạn của khách ngoại quốc. Tôi lại làm thơ cho thầy nhạc phổ nhạc để hát chơi ở nhà khi thầy văn đi dạy thêm để kiếm tiền gởi về bắc cho vợ con khỏi ăn độn.
Nhớ chiều giáp tết năm đó. Buồn quá với những buổi chiều năm tàn tháng tận. Thầy văn không về Hà nội vì chỉ tới hè thì vợ con của thầy đã vào Sài gòn. Thầy muốn để dành chút tiền dạy thêm cho gia đình những ngày vợ con mới vào nam. Thầy nhạc thì gia đình đã đi từ 1975. Thân một mình ở Sài gòn đổi chủ. Người nhạc sĩ như cái bóng bên đời… Tôi cũng buồn, đạp xe loanh quanh chợ hoa với bạn bè rồi về ngủ.
Đêm sâu hoắm xuống hàng me ngoài khung cửa sổ. Thỉnh thoảng ngoài đường có tiếng rú ga xe hai bánh của bọn đua xe, hay giật đồ gì đó… Tôi với thầy văn còn đang trò chuyện với nhau về Doctor Zhivago. Bỗng có tiếng cửa mở. Chắc chắn là thầy nhạc đi đánh đàn về chứ trộm không bao giờ vô căn phòng không khóa cửa bao giờ vì chẳng có gì để mất.
Chưa bao giờ thấy thầy nhạc cười nói vui vẻ như hôm ấy! Thầy nói với thầy văn và tôi, “Chúng ta ăn tết sớm…” Thầy bảo tôi đốt đèn lên vì tối hôm đó cúp điện. Thầy văn lại không chịu đốt thì hỏng mất cái đèn. Để thầy thắp đèn cho, em dọn bàn đi.
Căn phòng rau cháo với mì gói quanh năm bỗng thơm lừng mùi vịt tiềm. Thầy nhạc lại bị thầy văn cằn nhằn: “Sao ông hoang phí thế! Ông mua chai rượu tây này thì ông phải đi đánh đàn thuê mấy tháng mới đủ mua…?”
Thầy nhạc cười khì! “Tôi hơi bị xấu trai thôi, nhưng không xấu được hoàn chỉnh như anh. Nên cô quản lý nhà hàng tặng tôi quà tết đấy!”
Làm thầy văn cũng vui lây, “Thế hôm nay là lần đầu tiên tôi được uống rượu tây. Cảm ơn bạn tôi…”
Nhưng tiểu nhị tôi thấy chai rượu chỉ còn hơn nửa chai. Tôi liền nghĩ đến cha tôi trước năm 1975. Đôi khi ông về đến nhà với chai rượu vơi, vài món thức ăn ăn dở. Thì không lâu sau bạn bè của cha tôi cũng tới nhà. Các chú bác nhậu tiếp ở nhà vì không thích ngoài quán xá nữa, hay để bàn việc riêng với nhau gì đó! Tôi đoán già đoán non vịt tiềm và nửa chai rượu là thức ăn thừa của khách giàu có ở nhà hàng trong Chợ lớn. Cô quản lý nhà hàng có cảm tình nên đã cho thầy tôi. Tôi bị lòng tự ái dâng lên thành nước mắt. Nó ứa ra mắt tôi tới không cầm lại được. Tôi bới đũa vào con vịt tiềm đã bị rỉa róc những chỗ ngon. Thậm tệ hơn là có cả tăm xỉa răng đã dùng rồi trong vịt tiềm. Tôi hiểu cô quản lý có cảm tình nên đã trút thức ăn thừa của khách vào hộp đựng thức ăn mới cho thầy tôi. Nhưng cô không biết thầy tôi là ai, chắc cô nghĩ chỉ là một nhạc công chứ không phải nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc của Sài gòn…
Thầy nhạc xin lỗi thầy văn, xoa đầu tôi trong im lặng cả căn phòng đang háo hức ăn tết sớm. Thấy ném hộp vịt tiềm ra đường cho mấy con chó hoang.
Thầy văn không nói tiếng nào, chỉ lẳng lặng xách chai rượu ra ngoài. Đổ hết xuống cỏ. Vậy là thầy đã có tóc bạc nhưng vẫn chưa bao giờ được uống thử rượu tây. Nhưng thầy đã uống say sự ngưỡng mộ của tên học trò nên nó cũng lặng lẽ xách xe đạp đi mua chai rượu trắng với hết số tiền nó có trong túi lúc đó. Đem về cho hai ông thầy uống đỡ buồn một đêm giáp tết.
Chiều giáp tết xa quê lại về theo tiếng lá xạc xào ngoài sân gạch. Cái nắng mùa đông lạt lẽo gió hiu hiu lạnh. Chạnh lòng tôi nhớ cố hương xưa; nhớ hai người thầy đã cho tôi cách nhìn và cách sống trong mọi hoàn cảnh cũng phải giữ được lòng tự trọng. Nên giờ tôi đã hiểu ra cuộc sống không hẳn là những liên tiếp đấu tranh cùng nghịch cảnh. Mà cuộc sống là sự liên tục của những tiếc nuối, khổ đau. Đời sống có rất nhiều việc ngoài ý muốn. Dù cố gắng đến đâu, bôn ba, nhẫn nại tích thiện thêm nữa thì tiếc nuối và đau khổ vẫn tồn tại. Bởi thành kiến là bức tường vô hình nên kiên cố nhất. Tôi muốn nói với hai người thầy cũ là tôi đã biết nhìn thoáng, nghĩ thoáng, và buông bỏ… là những gì mà hai người thầy đã dạy tôi.
Bởi khi hai mươi, tôi có quá nhiều tham vọng nên làm việc tới kiệt sức. Thì giờ đây tôi đã hiểu tiêu hao sinh lực để đổi lấy thành công là thất bại từ trong ý nghĩ về con đường độc đạo dẫn đến thành công là phải không ngừng làm việc. Sống đạm bạc như các thầy không phải là không biết cố gắng, mà là hiểu được nhân sinh, theo đuổi sự yêu thích. Cởi mở với học trò nên thản nhiên chia tay. Vì được sống với nhau là tạm bợ mà chia xa mới là vĩnh viễn…
Ước gì hai thầy còn sống, và tình cờ sẽ hay hơn cho sự gặp lại tên học trò trên thế giới ảo bây giờ vào một chiều giáp tết…
Phan