Phan
Tôi đi cập rập, 5 giờ sáng mai máy bay cất cánh. Tám giờ tối nay mới ra khỏi toà đại sứ Mỹ với quyết định cuối cùng là họ đồng ý cho tôi nhập cảnh Hoa Kỳ. Thời gian chỉ còn đủ để về nhà bái biệt mẹ, tôi đi. Tháng ba vàng võ con đường tuổi nhỏ đi về, cây vú sữa già choắt cheo quả mọn nhìn theo, lấp loáng bóng lá trên sân gạch, ánh đèn đêm bên hàng xóm bay sang, sương đọng trên giậu mồng tơi hờ hững… Thế là hết những ngày cuối tuần về nhà thăm mẹ, không còn dịp ghé mua ít trầu cau, bánh trái dọc đường. Cũng không còn dịp ghé bác sĩ trước khi đưa mẹ đến khám để dặn dò bác sĩ quen, “phải làm sao cho mẹ tôi chịu ăn…” Không còn phải bỏ lỡ công việc đang làm, bàn tiệc đang vui để về nhà, đưa mẹ đi chùa… Tất cả những lo toan dồn vào tờ biên nhận gởi tiền về Việt Nam. Ráng làm sao cho mẹ được thư thả tuổi già. Những tháng ba vò võ lòng con nhớ mẹ nơi viễn xứ xa xôi…
Có hôm đi ngang chùa Đạo Quang – nơi tôi ở, thấy người đông như kiến cỏ, trăng treo đầu ngõ nhà của nhà thơ Nguyên Nhi, bỗng nhớ ra rằm tháng bảy. Không biết mình có nên vô chùa, vô với tư cách cô hồn hay phóng viên báo chí? Lấn cấn trong thời đại cô hồn đội lốt người tử tế lền khênh như những người vẫn đi nhà thờ rồi qua chùa ăn bữa cơm chay. Sự có mặt của những người tử tế đã đủ chật chội và tốn kém cho bổn chùa, thêm một phóng viên báo chí liệu có thay đổi được quan niệm gì nơi họ không, hay chỉ chật chội và tốn kém thêm cho bổn chùa.
Nhưng sao đường về hôm ấy, không hóng tiếng chim kêu, nhìn cây lá mùa xanh ngút mắt trên đường Brand Rd quen thuộc đi về hai buổi. Hình như có một rằm tháng bảy mãi mãi trong tôi…
Những rằm tháng bảy đi giựt cô hồn với bạn bè tuổi nhỏ chỉ còn những mặt người nhớ nhớ quên quên, những tiếng cười trong veo như khúc sông tẩy trần khi cô hồn bọn băng sông bằng bắp dừa nước để giấu những chiến lợi phẩm là mấy lóng mía, đậu phộng luộc… Công cuộc tích trữ lương thực không nhằm mục đích kháng chiến hay lật đổ ai, chỉ đơn giản là trò chơi đấu trí với chuột, rái cá, sóc vàng trên cù lao giữa sông. Và bao giờ cũng thua vì mai trở lại chỉ còn vỏ đậu, những lóng mía bị gặm nham nhở… Ước gì được gặp lại những cô hồn chân đất, biết đâu giựt được chính quyền bây giờ thì đỡ khổ chúng sanh.
Những rằm tháng bảy đi qua ngọt lịm như nước sông tuổi nhỏ không còn nữa. Một trưa hè nắng cháy quê tôi, mẹ ngủ gục bên gánh hàng ế ẩm. Cuộn tiền trong túi áo bà ba ló ra khiêu khích lòng tham. Đành mượn mẹ vài tờ hai chục để đãi bạn bè vài ly nước mía. Chầu nước mía của bọn thảo khấu khai mạc giữa trưa hè, hai đứa một ly, sao mà ngọt hết đời. Đứa nào cũng dốc cái ly tới khô khốc còn chưa chịu trả lại hàng nước mía. Cục đá lạnh trong ly cũng ngọt thơm dư vị một đời trộm cắp bất nhơn.
Đến hôm cầm mảnh giấy mẹ đưa cho xem, như ước mơ của mẹ. Thật ra là dăm chữ viết ngoằn nghèo: “Chùa Định Thành, đường Tô Hiến Thành…” Tôi đi hỏi chú Sáu xích lô để chở mẹ đi chùa cho bớt ray rứt chuyện ăn cắp tiền của mẹ, cho vơi lòng trắc ẩn đã hiện diện trong tâm tư…
Chú Sáu quang minh lỗi lạc một đời, là lính truyền tin. Sau hoà bình, người ta mướn đi gắn mấy cái loa phát thanh trên cột đèn, chú không làm. Đi đạp xích lô chứ không tiếp tay bọn xấu tuyên truyền. Chú Sáu kinh luân giảng giải cho thằng nhóc tôi, “Chùa Định Thành tức là chưa thành, chắc má mày muốn đi cúng chùa tiền xây dựng để hoàn thành. Biết chưa thằng ngu?… Cái tội chôm tiền bà già đi bao bạn bè uống nước mía của mày, không phải không có thuốc giải. Nghe lời chú Sáu, bỏ đá banh một bữa, lấy xe đạp, chở má mày đi chùa. Má mày không tốn tiền xe lam, xe buýt, thì coi như mày trả lại được mấy chục tiền chôm của bả. Biết chưa? Chú chỉ đường cho đi…”
Mẹ tôi thủ sẵn địa chỉ chùa Định Thành trong túi, nhưng đâu dám bỏ chợ một hôm để đi chùa. Tôi thuyết phục dữ lắm, mẹ xiêu lòng với hiếu thảo vô song của thằng con trời đánh mẻ búa. Mẹ hãnh diện ngồi sau xe đạp, bỏ mặc chuyện đói no một ngày của gia đình để đi cầu cứu ơn trên.
Mẹ tôi chen lấn với cô hồn, dân xì ke ma túy, trẻ bụi đời, người vô gia cư, dân kinh tế mới dội về Sài Gòn… lưng áo mẹ ướt đẫm mồ hôi, tóc tai rối bời như người đồng bóng, nhưng cũng chẳng được gì. Tay mẹ cầm cái bát không thiểu não. Mẹ xin lại của một người ăn mày tử tế, sau vài người bất nhẫn, nói không. Người ăn mày khó coi đã xớt cho mẹ tôi miếng bí đỏ hầm dừa nhạt nhẽo trong cái bát cáu bẩn, chẳng biết mẹ nhặt đâu ra cái bát ấy. Tôi nổi giận xung thiên, “Mẹ ơi! Mình có đói cách mấy cũng không ăn xin…”
Mẹ tôi, nước mắt lăn giòng, “Đây là phước lộc của Phật. Mẹ cố xin cho được một miếng, con ăn đi. Có sẵn lộc Phật trong lòng cho mẹ yên tâm. Mẹ chỉ còn lo tiền, cho con đi vượt biên…”
Tôi ăn miếng bí đỏ duy nhất trong đời vì trước đó thì ghét cái giống bí nhạt phèo, sau đó không dám ăn vì gắp lên đến miệng lại không nuốt nổi những giọt nước mắt hoảng hốt của mẹ mình khi cười chưa trọn nụ dụ khị được thằng con bướng bỉnh chịu ăn miếng bí đỏ, thì mắt mẹ lưng tròng với ít tiền lộ phí, cúng dường đã bị móc túi.
Những tháng bảy trong đời hờ hững đi qua. Cô hồn, dân du thủ du thực ở Sài Gòn ngày càng nhiều. Những đứa trẻ giựt cô hồn tháng bảy có lửa trong ánh mắt, chúng có lưỡi dao trong mình để trừ khử lẫn nhau. Có năm, mẹ tôi chưa kịp thắp nhang khấn vái thì cô hồn đã quậy nát bàn cúng.
Nghe mẹ nói, chùa Định Thành đã xây dựng thêm nhiều… Nhưng vẫn chưa thành đâu mẹ, khi mẹ đã thành Phật tử quan trọng của bổn chùa từ khi các anh con gởi tiền đô về dồn dập. Có thể mẹ đã quên miếng bí đỏ và một lần đi chùa để cầu phước cho con, nhưng con không quên. Khi nào sự giàu nghèo vô nghĩa trước cửa thiền môn thì chùa mới hoàn thành. Con muốn nói với chú Sáu, nhưng chú theo Phật sớm quá. Nay mẹ theo Phật chưa thoả nguyện vì chùa vẫn chưa xong. Định thành tới hoàn thành cách nhau một lòng thành. Con không kịp về nói với mẹ rồi!…
Những tháng ba lại về trên cành đông chồi lá, nụ tầm xuân vội vã xanh non, để thu rụng vàng mảng sân sỏi đá… những tháng ba lầm lũi đi qua. Ký ức Sài Gòn là những nuỗi tiếc phôi pha theo giòng sống nơi này. Dù nghĩ một lần về thăm mẹ từ cảm giác nôn nao lắng đọng dần theo những tháng ba lạnh lùng qua. Tháng ba không còn bóng mẹ già trên cây đợi. Lớp tuyết đá mỏng trên mái nhà để tang cây bật gốc. Con ngồi đây, tang mẹ chít trong hồn. Cố quên đi những trận đòn thơ dại, bất luận đúng-sai mà con đã cố quên trong đời; cố quên đi một rằm tháng bảy, miếng bí đỏ, mẹ đã cho con. Xin mẹ quên đi, những ngóng đợi con về. Tháng ba, sinh ly tử biệt đã đến rồi mẹ ạ! Ngoài kia tuyến băng tan, nơi con về xa lắm. Mẹ đi rồi, cái ô trầu váng nhện cũng như con.
Có những gần gũi bỗng trở nên rêu phủ là được mất trong đời. Mẹ là người quy y, chắc hiểu hơn con lý lẽ này. Mẹ là người di cư, tin nội ngoại con mất vì đấu tố, từ Pháp gởi về chứ không phải Hà Nội gởi vô. Chắc mẹ cũng không ngờ lần đó ra đi là mãi mãi. Con là người di dân, đang ướm bàn chân mình vào vết chân của mẹ. Dù chỉ là tưởng tượng trong lòng nhưng rõ những vết cũ. Mẹ ơi! Sáng tháng ba nơi con ở, trời rét mướt, lạnh đầy, mênh mông khói biếc sương tan. Bắc cái chảo chiên trứng, chiên ham, hâm cơm để làm cho cháu nội của mẹ dĩa cơm ăn sáng. Hôm nay nó có bài kiểm tra môn toán, quan trọng lắm. Lúc nhỏ, con cũng thế. Làm người Việt Nam phải học tính toán từ nhỏ. Nhưng bài toán tháng ba, con biết tính năm tính tháng con đi bao nhiêu thì tuổi mẹ cũng cao lên ngần ấy. Nhưng đáp số vẫn là con ngồi gặm nhấm riêng một góc trời tháng ba, cái tin mẹ mất.
Mai con về hay không bao giờ về cũng muộn như nhau. Bao năm thông thương nam-bắc, mẹ không về Hà nội sau những bể dâu, những quặn thắt trong lòng người di cư không ai hiểu hết. Con là người di dân không về, mẹ hiểu cho con. Rồi sớm tối một góc trời đã định, gió mùa qua se sắt nhớ ân tình, mẹ bình an một phận đời trốn chạy, những buồi vui vô nghĩa với thiên thu. Con ngồi đây nhớ tháng ba, vàng võ con đường tuổi nhỏ đi về, cây vú sữa già choắt cheo quả mọn nhìn theo, lấp loáng bóng lá trên sân gạch, ánh đèn đêm bên hàng xóm bay sang, sương đọng trên giậu mồng tơi hờ hững… Thế là hết những ngày cuối tuần về nhà thăm mẹ, không còn dịp ghé mua ít trầu cau, bánh trái dọc đường. Cũng không còn dịp ghé bác sĩ trước khi đưa mẹ đến khám để dặn dò bạn bè phải làm sao cho mẹ tôi chịu ăn. Không còn phải bỏ lỡ công việc đang làm, bàn tiệc đang vui để về nhà, đưa mẹ đi chùa… Tất cả những lo toan dồn vào tờ biên nhận gởi tiền về Việt Nam. Ráng làm sao cho mẹ được thư thả tuổi già. Cũng không còn nữa. Con làm gì cho hết những tháng ba còn lại trong đời.
Phan