Góc của Phan: Chuyện tình Nicaragua…

Những mỹ nhân Nicaraguans

Phan

Hắn kể.
1.
Lần đầu tôi tiếp xúc với một người Nicaragua là cô bạn học của con tôi. Hôm đó tôi có việc phải đi xuyên bang, nên đường về ghé ngang trường thăm con. Bảo con mời hết bạn bè của con đi ăn với ba một bữa.
Và, con nhỏ bạn người Nicaragua của thằng con là người bạn trẻ để lại ấn tượng trong tôi nhiều nhất. Một cô bé hiền lành, đến từ một quê hương hiền hòa với biển và nhiều hồ ở Nam Mỹ. Cô bé đẹp như thiên thần. Tôi nhìn lại, cũng là một thiếu nữ trang lứa hai mươi, nhưng cô gái Tàu thì như cành liễu, chả biết gãy lúc nào với làn da trắng xanh, trong khi cô gái Nam Mỹ đẹp mạnh mẽ như một vận động viên thể thao với làn da bánh mật, đẹp mê hồn với đôi mắt to màu biển chiều, và nụ cười bao dung cả khi bị bạn bè chọc phá.

2.
Tôi kể chuyện về người Nicaragua đầu tiên, duy nhất tôi biết cho người Nicaragua thứ hai nghe. Cô này hôm mới vô làm, tôi cứ nghĩ cô ấy là người Mễ, vì Mễ cũng có những người da trắng chứ đâu phải hết người Mễ đều da ngăm ngăm. Tôi hỏi cô bạn mới, “Garcia, sao bạn không nói tiếng Mễ với người Mễ của bạn? Như tôi nói tiếng Việt với người Việt, hãng này đâu có cấm?”

Từ đó, tôi biết thêm về Garcia đã mang hoài bão sang Mỹ học làm bác sĩ nhi đồng. Khi lấy được bằng bác sĩ thì về nước làm việc chứ không muốn ở lại Mỹ, cô không thích đời sống Mỹ. Nhưng cô ấy học bác sĩ được có ba năm thì vỡ mộng bởi người chồng bảo lãnh cô ấy sang Mỹ ăn học, bỗng đột ngột qua đời.
Cô sống với đứa con trai duy nhất của hai người thì cũng đã rời nhà mấy năm nay để theo học đại học trên miền bắc Mỹ.

Từ đó, tôi ưa bắt gặp trong đôi mắt sâu của Garcia. Một đôi mắt to, xanh lơ biển vắng… Tôi hết thắc mắc sao đôi mắt đẹp mà buồn mênh mang thế nhỉ? Tôi tin bởi hai hốc mắt quá sâu và đôi chân mày quá rậm, làm cho đôi mắt xa vắng thêm… Nhưng cũng nhờ hốc mắt sâu nên càng nổi bật trên gương mặt vốn đã hài hoà một đường sống mũi thật kiêu sa. Có những người khi nhìn riêng mắt, mũi, miệng của họ đều đẹp, nhưng nhìn chung hết trên gương mặt lại bớt đẹp từng phần. Garcia cũng đẹp từng phần, nhưng nhìn chung lại thấy nét sang cả nổi trội hơn nhan sắc. Nhìn thoáng những lúc Garcia chăm chú làm việc thấy hơi khắc khổ với đôi vai gầy và đôi mắt sâu. Nên tôi thích lúc Garcia cười. Sự mệt mỏi, phảng phất sự khổ hạnh nào đó đã vô tình thổ lộ sẽ biến mất trên gương mặt khi cô cười. Lúc đó nhìn cô mới sáng ngời với hai hàm răng quá đẹp. Và nụ cười trọn vẹn đến ngẩn ngơ…

Rồi một hôm không nhớ nguyên nhân. Garcia nói với tôi, “Tôi thích đôi mắt của phụ nữ châu Á, nhìn rất đầm ấm, nhân từ…”

“Ngày xưa, tôi cũng đã chọn người bạn gái để kết hôn là người có đôi mắt to, và đẹp nhất trong những cô bạn mà tôi có khi còn độc thân. Tôi chỉ ân hận về sau là khi vợ tôi trừng mắt nhìn tôi. Tôi thấy mình tan chảy trong biển lửa…”
Garcia cười quá chừng. “Thì bạn phải giữ biển nhà sao cho êm ả để bạn sống vui vẻ, hạnh phúc. Bởi từ đầu, bạn đắm chìm trong biển tình êm ả đó. Nhưng về sau, bạn sống trong biển lửa… là lỗi của bạn.”

Đến hôm có việc khó. Tôi cũng không ngờ ông sếp lù đù của mình sao tinh mắt gớm. Ông đến bảo tôi: “Nhờ bạn đến chỉ cho Garcia làm công việc khó này vì tôi còn cần bạn làm những việc khác nên không nhờ bạn làm. Tôi tin cô ấy làm được vì cô ấy rất thông minh, và cẩn thận…”
Tôi cãi sếp được sao. Thế là đến ngồi chung bàn với Garcia để chỉ cho cô ấy làm. Cô ấy thông minh nên không bị bản vẽ làm khó, lại giỏi tiếng Anh nên không bị những ghi chú của kỹ sư làm khó… Nên cô làm khó tôi! Cô nói hoài, “Tôi xin lỗi bạn đang hướng dẫn cho tôi làm. Nhưng bạn làm không theo quy trình của bản vẽ, không đúng chỉ dẫn của kỹ sư…”

Tôi nói: “Vậy để tôi đi nói ông sếp thay người hướng dẫn cho cô. Tôi cũng xin lỗi cô về cách làm việc của tôi không theo quy trình, vì tôi quan trọng thời gian sao cho thật nhanh; tôi quan tâm phẩm chất của sản phẩm làm ra phải qua được khâu kiểm tra mà không cần ai thông cảm! Tôi không quan tâm lắm tới những nguyên tắc, lý thuyết từ phòng thí nghiệm, từ nhóm kỹ sư. Tôi không dám coi thường mảnh bằng của họ vì đó là cái tôi không có!”

Nhưng Garcia không muốn tôi đi, cũng không muốn người khác đến thay tôi để chỉ cô làm. Cô xuống nước tế nhị lắm, “Tôi biết tay nghề và kinh nghiệm của bạn rất vững vàng vì tôi đã thấy bạn đi sửa sai cho nhiều người, ở bất cứ khâu nào bạn cũng biết làm một cách rành rẽ. Bạn nhớ mã số của hầu hết linh kiện. Tôi chưa thấy bạn phải tra mã số của món đồ nào trên computer… Và tôi thích nhất là tính ôn hoà nhưng được việc của bạn. Tôi biết bạn điều khiển được tốc độ làm việc, sản phẩm làm ra của cả dây chuyền. Bạn giỏi lắm!

Nhưng tôi cũng mới vừa mất việc hôm tháng trước ở hãng mà tôi đã làm việc ở đó ba năm. Tôi cũng dùng kinh nghiệm và tay nghề cho nhanh mọi việc, nhưng chỉ có bà sếp trực tiếp của tôi thích thôi. Tôi mất việc vì ông kỹ sư trưởng theo dõi tôi mà tôi không biết! Cuối cùng là tôi mất việc vì ông kỹ sư trưởng đã cảnh cáo, nhưng tôi ngoan cố!”
Tôi nói, “Cảm ơn bạn đã quan tâm, nhắc nhở cho tôi. Tôi sẽ cẩn thận hơn…”
Tới giờ ăn trưa nên tôi mời Garcia cùng đi ăn ngoài vì hôm đó tôi không đem theo cơm trưa. Lần đầu cô ấy biết đến món phở gà của Việt nam, và thích đến nỗi xin mua thêm một phần để đem về nhà ăn tối.
Sếp lại gọi. Tôi lại đi chỗ khác để chỉ người mới khác, làm những công việc khác. Nhưng trong tôi như có sự bịn rịn gì đó với Garcia. Tôi nói với cô ta: “Cảm ơn cô đã cho tôi được làm việc với một người thông minh, nguyên tắc, nhưng uyển chuyển. Tôi tin ai được làm việc với cô cũng sẽ mở mang kiến thức hơn, và làm việc có nguyên tắc hơn. Người được làm bạn với cô càng tuyệt vời khi có một người bạn thông minh nhưng không cố chấp…”
Ngày tháng và công việc cuốn tôi đi. Một hôm Garcia thấy tôi không khoẻ hay sao nên cô ghé chỗ tôi đang làm để hỏi thăm. Tóm tắt chuyện trò thăm hỏi, tôi hiểu ra: Cô ấy có để mắt tới mình nên biết hết những việc mình làm.
Chúng tôi thành bạn thân với nhau hơn bạn bình thường trong hãng xưởng từ lần thăm hỏi đó. Nên từ đó, chuyện nhỏ chuyện to gì trong hãng, rồi tới chuyện riêng ở nhà, Garcia cũng tìm tôi để hỏi han. Phần tôi, chuyện nắng mưa là chuyện của trời sao tôi thấy lo lo cho Garcia hôm mưa, ngày lạnh. Tôi gởi đi những tin nhắn trước giờ đi làm hay gởi đi nỗi trống rỗng đêm qua, dù chẳng liên quan gì tới người dưng với nội dung tin nhắn như: “Nhớ đem theo dù, hôm nay mưa”; “Nhớ mặc áo ấm, hôm nay lạnh.” Có hôm tôi tự hỏi mình muốn gì sau khi chợt nhớ ra câu cao dao quê nhà, “người dưng khác họ sao đem lòng mến thương”. Thế mà tôi gởi đi được cái tin nhắn cho người khác tới màu da, tiếng nói… “Trời bên ngoài đang mưa lớn. Biết bạn không ra ngoài vào giờ giải lao, nhưng trong hộc tủ 314 ở phòng thay đồ có cây dù. Phiền bạn che dù ra bãi đậu xe cho tôi vô với. Làm ơn. Cảm ơn…”

Vậy mà cô ấy cũng che dù ra bãi đậu xe cho tôi vô cùng vì trời đang mưa. Sao cô lại hát dưới mái dù lộp bộp tiếng mưa rơi cho tôi nghe một khúc dân ca Nicaragua về trời mưa. Hơi thở của cô nồng nàn mùi nữ tính. Giá hơi thở của tôi không đang hôi mùi thuốc lá thì hai kẻ tình trong như đã mặt ngoài còn e… sụp dù.
Cô ấy đúng là người thông minh nên nói, “Tôi sẽ che dù cho bạn khi trời mưa, chỉ mong bạn không để tôi với cây dù không biết bạn ở đâu khi mưa quen về mà người quen bặt tăm…!”
Chắc Garcia cũng như tôi cả buổi chiều hôm đó, tôi thì phất phơ trong hãng như những cánh diều ỷ thế ma cũ, cô ấy làm việc cũng không ra hồn chỉ vì mỗi cơn mưa làm cho sự lãng quên được nhớ lại…

3.
Đêm khép lại dưới bầu trời đầy sao ở sân sau nhà. Tôi nhớ nhiều đến em. Cũng lương thiện hơn tôi gấp ngàn lần. Khoan dung và độ lượng với mọi người nên tôi là hoàng tử nhỏ. Nhưng đoạn đời hạnh phúc ấy qua đi theo chủ nghĩa xét lại một hôm chợt về theo những sợi tóc bạc đã xuất hiện trên đầu em. “Tôi mệt mỏi lắm rồi! Tôi không lo cho ông nữa. Ông tự lo lấy thân ông đi…” Từ ấy phải không em, sự vô tội của hoàng tử nhỏ trở thành đắc tội với cá tính mạnh mẽ của em. Vai trò đàn ông của tôi sống bên em cứ lu mờ dần theo thời gian tới hôm nó tắt. Nay sự lặp lại của em xưa qua một Garcia dịu dàng, nhỏ nhẹ từ lời khuyên đến câu răn đe về ung thư phổi bằng kiến thức thực sự của cô ấy. Ai dám coi thường kiến thức, trí thông minh của phụ nữ đâu? Vậy thì lớn tiếng với nhau làm gì cho tan nát đời nhau. Hay người Việt xa quê đã sản sinh ra một loại đàn ông biết hành xử theo sắc mặt của vợ là khuôn mẫu hội nhập. Tôi chậm lụt nên bị đào thải.

Đó là những lần sau gặp, tôi trò chuyện với Garcia không còn là một tôi trong mắt cô ấy là một người đàn ông Việt nam thầm lặng làm việc, vương vấn u hoài về một cõi nào xa khi chiều buông… “mong chờ cây kim đồng hồ lết tới giờ về.” Tôi giải thích mông lung của mình, còn cô ấy tin được bao nhiêu phần trăm thì tôi phải nhớ là cô ấy rất thông minh…

Có hôm chiều thứ sáu, chia tay ngoài bãi đậu xe. Tôi ngẫu hứng gọi cô là quyển sách quý, ước gì tôi được đọc vài trang vào chiều cuối tuần như vầy thì thật tuyệt! Cô hôn lên má tôi rồi từ giã. Tôi nói, “chỉ cho đọc lời tựa ở trang đầu thôi hả?”
Cô cũng biết đùa dữ lắm! Cô nói cô là sách cổ, cổ đến không rõ tác giả vì đã xa quê đến nửa tuổi đời. Nên cô còn mãi đi tìm…
Nhiều khi. Thường khi là những ngày nghỉ cuối tuần. Đâu đó trong tôi có nỗi nhớ.
Rồi chúng tôi gặp nhau tình cờ ngoài đời. Garcia mới đi tập thể dục về và ghé đổ xăng. Tôi quen mắt với cái áo đồng phục trong hãng nên đàn ông nhìn cũng như đàn bà, cả hai nhìn như thầy tu áo thụng. Đâu ngờ Garcia trong bộ đồ thể thao, nhìn tràn trề sinh lực.
Hôm sau vào hãng, tôi nói với Garcia, “nhìn cô hôm qua khi gặp ở cây xăng, tôi hết thích đọc vài trang sách qúy mà muốn đọc cả quyển sách cổ!”

Cô ấy đỏ mặt, thẹn thùng, nhưng trào phúng bẩm sinh: “Quyển sách cổ của Nicaragua mà tác giả là một người Việt nam được sao?”

4.
Cơn lạnh do ảnh hưởng bão ở đông bắc Hoa Kỳ chứ chưa phải thời tiết nơi đây đã lạnh. Tôi ngồi đọc những trang báo hết năm 2017 không còn bình thường như những năm trước trong căn nhà vắng vẻ đã quen. Những trang báo nói về năm 2018 không còn cô độc với cái điện thoại thỉnh thoảng lại báo có tin nhắn, những tin nhắn nhảy nhót hình gương mặt cười, hoặc mếu, hay buồn ngủ… vài chữ ngắn ngủn nhưng mang nội dung hài hước để chọc phá nhau chơi trong những ngày nghỉ cuối tuần không gặp.

Giải thưởng Nobel năm nay về văn học nghệ thuật, kinh tế chính trị, hay y khoa thuần túy… không còn hứng thú gì với đời người đã bước vào tuổi sáu mươi. Tôi muốn nói với Garcia như chia sẻ giữa hai người bạn cùng hoàn cảnh. Nhưng cô ấy lại gọi cho tôi hay, cô vừa được điện thoại của công ty giới thiệu việc làm báo cho biết thôi việc của cô ấy ở hãng tôi vì hết việc làm cho công nhân tạm thời.
Cúp điện thoại vấn an với Garcia. Tôi ngồi yên lặng rất lâu trong căn nhà đã nhiều năm chỉ mình tôi với bốn bức tường. Nhớ lại thời tôi cũng đi làm tạm thời. Làm ở đâu thì cuối năm cũng bị cho nghỉ vì hết việc – là cái cớ, bởi luật khi ấy là hãng xưởng không được giữ người làm tạm thời quá một năm.
Chắc Garcia cũng đang trong tâm trạng buồn bã đó, dù không còn lo sợ mất việc làm như hồi mới đến Mỹ.
Tôi gởi cho cô ấy cái tin nhắn khi tôi nhìn ra ngoài trời xám ngoét mùa lạnh, cành cây trơ vơ, tiếng lá xạc xào… khiến tâm khảm tôi lạc loài như năm tàn tháng tận đã quen, quen đến hết chịu nổi khi đã biết không thể độc quyền sự cô đơn này nữa vì người ta có quyền sống cô đơn nhưng không được để người khác lẻ loi…

Tôi nhắn tin đi, “Có muốn đi uống với tôi một ly không. Nếu muốn thì đến nhà hàng bờ hồ, 7 giờ. Tôi sẽ chờ bạn ở đó.”
Cô ấy trả lời, “Sớm hơn 1 tiếng được không? Tôi đang buồn quá!”
“Chắc chắn được. Tôi đi ngay bây giờ. Nửa tiếng nữa tôi có mặt.”

Một Garcia hoàn toàn khác trong mắt tôi khi cô bước xuống từ chiếc Uber đã chở cô đến. Tôi thích cái nhà hàng Mỹ ở bờ hồ này từ lâu lắm rồi! Không biết không gian và con người nơi này có đủ sức cho Garcia trở lại? Tôi hỏi cô ấy sau khi nói về điểm hẹn. Cô không trả lời vào câu hỏi mà trả lời bằng một câu hỏi khác! “Tại sao bạn muốn tôi trở lại đây mà không phải là những người bạn của bạn đã từng đến đây với bạn?”
“Bởi tôi thích nơi này. Nhưng những người bạn từng đến đây với tôi, có thể họ thích một không gian vui nhộn hơn như vũ trường chẳng hạn; có thể người bạn khác của tôi lại chê nơi đây quê mùa, hoang dã…”
“Vậy bạn nghĩ về tôi như thế nào khi bạn mong tôi sẽ trở lại đây với bạn?”
“Bạn là người… không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Nhưng bạn là người có thể làm một việc bạn không thích nhưng vì người khác!”

5.
Tôi thức dậy ở nhà Garcia. Thấy cô ấy ngủ ngon quá nên tôi tự xuống bếp pha cà phê. Nhà chẳng có cà phê. Tìm một gói trà gói cũng không ra. Thất vọng. Tủ lạnh chỉ đơn sơ chút đỉnh thức ăn của người ăn uống kỹ. Đành ra garage ngồi uống chai nước lọc, đốt điếu thuốc vì ra sân sau nhà thì trời lạnh quá!
Không lâu sau. Garcia gọi tôi vào nhà ăn sáng. Ăn bánh mì lát với trứng chiên. Không biết bao năm rồi tôi không ăn sáng có ly sữa trắng với trái táo. Tôi bị ly sữa trắng quá, trái táo thì đỏ tươi thôi miên tôi. Tôi miên man lôi thôi với trường liên tưởng tới đêm qua kỳ cục! Thật ngại biết chừng nào. Đến phải bỏ uống rượu thôi! Nhưng có lẽ người thông minh đoán được ý nghĩ trong đầu tôi, nên cô ấy nói,

“Bạn cứ ăn sáng tự nhiên đi. Nói chuyện đi. Đây không phải là nhà trẻ, không cần phải giữ im lặng lúc ăn sáng… vì bạn còn ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn đêm ở nhà già này!”
Chúng tôi phá lên cười như tự cười chính mình nên đứa nào cũng chực trào…
Garcia trông hồn nhiên nhất từ khi tôi quen biết cô ấy, chỉ yêu cầu của cô cũng là khó khăn nhất từ khi cô ấy quen biết tôi. Cô ấy nói với tôi, “Tôi không uống trà hay cà phê nên lần sau bạn đến nhà tôi mới có. Bây giờ thì tùy bạn chọn lựa. Một là ăn xong, chúng ta đi Starbucks. Hai là ăn xong, bạn tự đi mua cho mình ly cà phê, mua cho tôi ly trà Thái ở Starbucks, rồi trở về nhà trò chuyện cho ấm áp hơn… Nhưng bạn phải ráng nhớ từ bây giờ, vì tôi muốn được nghe bạn kể lại tất cả những gì bạn nhớ được về tối hôm qua.”

Tôi chọn ngồi nhà nên đi mua cà phê về nhà. Đến ly cà phê đầu ngày thứ bao nhiêu trong đời từ khi biết uống cà phê thì tôi không nhớ, nhưng sẽ nhớ ly cà phê này, nhớ hoàn cảnh uống ly cà phê này là lần đầu tiên trong đời tôi bị khó khi phải ứng xử.

…Tôi như khờ dại lại thuở biết tin người vì tôi không hề nghĩ đến việc nói dối với Garcia. Tôi nói với cô ấy, “Chuyện tối hôm qua. Câu đầu tiên tôi muốn nói với cô là cô hớp hồn tôi khi bước xuống khỏi chiếc Uber đưa cô đến. Cô không phải người đa nhân cách mà cô đa phong cách. Tôi quan sát cô nơi làm việc, qua bộ đồng phục như nhau thì cô vẫn khác hơn người khác ở sự gọn gẽ và sạch sẽ. Tôi nhìn cô trong bộ đồ thể thao, tôi biết cô là người rất quan tâm đến sức khoẻ, lại biết giữ gìn thể dáng. Tôi thấy cô trong trang phục tối hôm qua… tôi mất trí!”

“Bạn không được nói với tôi là bạn mất trí nên không nhớ gì hết. Tôi rất muốn nghe chuyện hôm qua do chính người trong cuộc thuật lại để tôi hiểu được chính xác hơn về tình cảm của bạn dành cho tôi. Bạn nói đi!”
“… Tôi. Tôi nhớ được bạn đã uống một ly cocktail bằng cái muỗng cà phê. Khoảng một tiếng đầu thì bạn chỉ uống mỗi lần nửa muỗng thôi để thăm dò xem cơ thể bạn có dị ứng với chất cồn hay không? Sau đó, bạn uống mỗi lần một muỗng. Tới khi bạn uống được một phần tư ly cocktail thì khen ngon. Tôi cứ sợ bạn say…”
“Còn bạn uống hết bao nhiêu rượu cognac, bạn có nhớ không?”
“Để tôi ráng nhớ coi. Tôi uống ly thứ nhất thì tôi khen bộ đồ bạn mặc tối hôm qua rất đẹp, hợp với vóc dáng bạn, đúng mùa. Dù nó không thời trang mấy, nhưng tôi không quan trọng chuyện thời trang. Tôi quan tâm tới sự phù hợp, và biết cách ăn mặc là quan trọng lắm!”
“Rồi bạn uống đến ly thứ hai thì chúng ta nói chuyện gì?”
“Chúng ta nói chuyện về việc làm.”
“Ly thứ ba?”
“Tôi trình bày với bạn một chuyện làm ăn mà tôi muốn bạn hợp tác với tôi. Tôi hoàn toàn nhớ chuyện ấy, và giờ đây tôi vẫn còn mong bạn suy nghĩ thêm để tiến hành. Bởi tôi tin chuyện làm ăn ấy khả thi, hợp pháp, phù hợp sức khoẻ và tuổi tác. Quan trọng nhất là thoát khỏi sự đối xử bạc bẽo với công nhân tạm thời của hãng xưởng bây giờ.”
“Bạn nói đúng. Tôi sẽ suy nghĩ thêm về việc hợp tác làm ăn với bạn. Rồi ly thứ tư thì sao?”
“Tôi nhớ. Tôi chỉ uống đến hết ly thứ tư, thì tôi gọi người phục vụ đem ra bàn cho tôi nguyên chai Jonnie Walker Double black, vì tôi thấy cứ gọi cô bé đó từng ly, phiền cô ấy quá. Trong khi tôi quyết định nói với bạn điều quan trọng nhất thì tôi thiếu can đảm. Tôi chỉ đủ can đảm nhất tối qua là quyết định không nói khi say thì tôi đã say khi tôi uống hết nửa chai Double Black sau bốn ly mua lẻ trước đó.”
“Tại sao lại không nói điều muốn nói nhất khi say?”
“Thiếu tôn trọng người nghe.”
“Bạn can đảm lắm! Bạn không phải người thiếu can đảm đâu. Bây giờ tôi bổ sung những điều bạn không nhớ, nhưng bạn không cố tình. Bạn là người tình nghĩa nên cái bóng quá khứ còn lớn lắm trong bạn. Bạn yêu thích tôi bao nhiêu, bạn càng khổ tâm với quá khứ của bạn. Và. Bạn chọn khổ tâm chứ không bỏ những tình nghĩa trong quá khứ của bạn…”
“Cảm ơn Garcia đã hiểu đúng về tôi.”
“Tôi cũng tin là tôi đã tìm được tác giả của quyển sách cổ này. Nên sáng nay tôi sẽ nói bạn nghe sự thật về tôi. Mọi chuyện còn lại có bề trên an bài. Bạn trai của tôi là bạn học ở bậc trung học. Anh ấy nhập cư lậu vào Mỹ. Đi làm bất kể thời gian và công việc bất kể là việc gì để có tiền mua cái thẻ xanh hợp pháp qua cách kết hôn với người có quốc tịch Mỹ.
Đủ thời gian để ly dị với người vợ giả của anh ấy. Anh ấy về quê cưới tôi, đem tôi qua Mỹ để bắt đầu giấc mơ của chúng tôi khi còn trong trung học. Anh ấy thường bảo tôi hãy ráng học làm bác sĩ nhi khoa như tôi mơ ước. Anh ấy học lực kém nên sẽ đi làm để giúp tôi đi học. Chúng tôi có một kế hoạch cụ thể, và cả hai cùng cố gắng.

Ngày tôi bước vào đại học ở Mỹ cũng là ngày tôi thành đàn bà. Chồng tôi nuôi tôi đi học được ba năm thì “tai nạn” xảy ra là tôi quên uống thuốc ngừa nên có thai. Cuộc sống chung gần như tan rã khi tôi quyết định giữ bào thai vì ai lại đi giết người để lấy cái bằng cứu người. Chồng tôi muốn bỏ cái thai thì mới hoàn thành được tâm nguyện trở thành bác sĩ của tôi. Nhưng tôi không thể.
Ba năm sau, tôi cũng không theo học được nữa vì phải đi làm để nuôi tôi, nuôi con tôi. Chồng tôi đã trở thành người nghiện rượu sau ba năm vợ chồng ở chung phòng chung cư nhưng xa cách nhau tới không một lời chào khi giáp mặt nhau.

Anh ấy chết vì uống rượu lái xe.
Tôi đã sống độc thân nuôi con hai mươi năm qua. Tôi nghĩ là ý Chúa đã giúp tôi bớt cô quạnh khi đứa con đã trưởng thành, rời xa tôi. Sáng hôm tôi đi làm ngày đầu tiên. Tôi có hai chọn lựa là tới hãng nào cũng được như công ty giới thiệu việc làm nói với tôi. Tôi quyết định đến hãng này thì Chúa cầm lái tới hãng kia. Tôi mới quen biết bạn…”
“Cảm ơn Garcia đã cho tôi biết về cô. Chia buồn với bạn. Nhưng phải nhớ là quá khứ ấy qua rồi!”
“Bạn thì sao?”
“… Xin rút lại lời tôi vừa nói.”
“Nghĩa là tôi cũng mang cái bóng quá khứ quá nặng nề!”
“Tôi tin là có cách. Xin cho tôi thời gian.”
“Tôi cũng xin bạn một điều thôi!”
“Nói đi.”
“Tối hôm qua là lần đầu tiên trong đời tôi uống ly nước giải khát có chất cồn trong đó. Người tôi uống với là bạn. Tôi có hai chọn lựa khi bạn đã say nhừ. Một là tôi gọi Uber để về, và không bao giờ gặp lại bạn nữa. Nhưng tôi không thể mắc sai lầm cũ, đã làm tôi đau đớn hai mươi năm qua về cái chết của người tôi thương yêu. Tôi không muốn bạn có kết cục như thế!
Tôi bấm hệ thống định vị trên xe bạn, bấm tiếp chữ ‘nhà’. Tôi đưa bạn về tới nhà bạn. Nhưng lại không bỏ được một người say đã sáu mươi tuổi trong căn nhà mùa đông chỉ một mình bạn.
Tôi quyết định đưa bạn về nhà tôi… ”

“Cảm ơn Garcia. Tôi cũng nghĩ về cô nhiều lắm. Nên không uống cognac từ hôm cô khuyên tôi đã lớn tuổi rồi, đừng uống rượu mạnh nữa, chút vang cho máu huyết dễ lưu thông thôi. Thuốc lá thì bỏ hẳn đi… nên tôi không uống cognac nữa từ hôm cô khuyên tôi. Thuốc lá thì hạn chế chứ chưa dứt được thói quen sau nhiều năm. Nhưng rồi tôi sẽ đoạn tuyệt với hai thứ đó. Nếu tôi làm được thì tôi sẽ gặp lại cô vì quá khứ của tôi cũng đã từng làm khổ một người bạn đời thương yêu tôi nhất. Tôi không muốn có thêm một người phụ nữ vì yêu thương tôi mà khổ sở với rượu mạnh và thuốc lá nữa. Người ta không đem được niềm vui, hạnh phúc đến cho nhau thì cũng đừng ích kỷ với sự thoả mãn ích kỷ của riêng mình. Đó là món nợ quá khứ của tôi.”

6.
Mặt trời mùa đông treo trên cột điện. Mấy con chim đen mùa này về đậu kín dây điện khu thương mại Việt nam. Tôi về qua trong tiếng trống múa lân nên chợt nghĩ: Vài chục năm trước, đâu có ai nghĩ có một đội múa lân chiêng trống vang một góc trời Mỹ là khu thương mại của người Việt nam. Nên tôi thắc mắc làm gì chuyện một người đàn ông Việt có mặt trên nước Mỹ, và đêm qua qua đêm với một người phụ nữ Nicaragua. “Thời đại toàn cầu” là cụm từ xoá nhòa khoảng cách ảo, khoảng cách thật trong lòng người…
Tôi ghé vào khu chợ tết, mua cho Garcia cái áo dài Việt nam màu đỏ, cái áo sao đẹp lạ lùng như thơ Bùi Giáng, “em ơi em đẹp não nùng/ vì em có cái lạ lùng bên trong…”
Chắc trên đường từ khu thương mại Việt nam về nhà tôi, những người lái xe khác nghĩ tôi điên vì tôi cứ cười một mình theo dòng liên tưởng thăng hoa…

Xuân đã về. Xuân đã về. Xuân rất huy hoàng… Tôi sẽ dạy Garcia hát tiếng Việt bài này trong tết Việt năm nay…
Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email