Góc của Phan: Con gà què xấu xí…

Phan

1.
Sau biến cố ba mươi tháng tư ở quê nhà, chính quyền mới thực hành chính sách hộ khẩu ở thành phố Sài gòn. Từng đoàn xe dài đưa người Sài gòn đi lên những vùng kinh tế mới trên cao nguyên. Ai còn quê dưới tỉnh thì hồi hương… Thế là tôi không được đi học ở Sài gòn nữa mà phải về học trường làng ở quê ngoại tôi dưới Bình chánh.

Hôm tựu trường đầu tiên sau “hòa bình” mới biết là có nhiều bạn cũng như tôi. Thế là trong lớp nào cũng có vài đứa từ Sài gòn về. Trong sự hòa đồng chung cả lớp, nhưng số đông các bạn học dưới quê không phải là không thích mấy đứa chuyển trường từ Sài gòn về vì chúng tôi có học lực có phần trội hơn các bạn dưới quê. Không phải không thích vì chúng tôi kênh kiệu gì.

Chúng tôi rất vui được các bạn dưới quê dẫn đi bắt tôm, bắt cá. Chúng tôi vui khi kể chuyện trên Sài gòn cho các bạn dưới quê nghe. Chúng tôi vui được nghe kể chuyện đi soi nhái ban đêm dưới quê. Nhiều cái vui lắm!

Nhưng dù sao thì mấy đứa trên Sài gòn về cũng có cái gì đó khác với học sinh dưới quê, mà phải nhiều năm sau tôi mới hiểu ra là mấy đứa Sài gòn về trong lớp tôi đều ăn mặc tươm tất hơn bạn học dưới quê. Sau một buổi học, quần áo chúng tôi còn sạch sẽ hơn nhiều các bạn dưới quê thường thích đứng là đứng, thích ngồi là ngồi, chẳng kể chỗ đứng hay chỗ ngồi đó dơ hay sạch. Chúng tôi xách dép để đi qua những đoạn đường sình lầy, nhưng sẽ tìm nước rửa chân để xỏ lại đôi dép. Trong khi các bạn dưới quê… đi chân không đi học cho dễ. Khi trễ giờ thì các bạn lội tắt qua đồng cho kịp giờ vào lớp, ngồi học với hai chân bùn sình từ đầu gối xuống tới bàn chân một cách thoải mái, vô tư…

Lớp tôi có ba đứa ở Sài gòn về thì Lan học giỏi nhất, giỏi đều các môn; tôi giỏi toán, thằng Minh giỏi văn. Ba đứa thường học bài chung ở nhà Lan vì mẹ Lan là nha sĩ. Cha của Lan đi tù cải tạo. Mẹ Lan đem các con về nhà ngoại dưới Bình chánh. Ngày ngày cô nhổ răng, chữa răng tại nhà cho dân trong vùng vào buổi sáng. Có người phải trả tiền, còn ai nghèo quá thì thôi. Cô không lấy tiền thì người ta cũng tặng lại cho cô mấy trái mướp, hay con cá câu được, mớ tép xúc được ngoài sông…

Cuộc sống tương đối không chật vật như trên Sài gòn. Chúng tôi thường được mẹ Lan dạy kèm thêm vào những buổi chiều, buổi tối. Cô hướng dẫn cho chúng tôi những cuốn sách cần đọc, nên đọc mà chính cô phải bỏ tiền ra mua từ trên Sài gòn đem về Bình Chánh cho chúng tôi. Tôi với thằng Minh ăn, chơi, học, ở nhà cô cùng với Lan như ba anh em. Nhưng cứ hễ tôi hay thằng Minh mà khen Lan giỏi quá thì y như rằng bị cô quở trách ngay, “Giỏi gì mà giỏi. Thế mà bảo là giỏi được à!” Cô giận nhất là ai khen con Lan đẹp. Nên trong xóm làng người ta coi trọng cô, qúy mến cô, nhưng có vẻ không thích cô. Tôi chỉ quan sát được vậy, nhưng không hề nói ra vì thằng Minh bị cô không cho tới nhà học chung với Lan và tôi nữa, bởi nó phạm lỗi lần thứ ba là khen con Lan đẹp.

Má thằng Minh phải tới nhà xin lỗi cô để cô dạy kèm cho nó với. Chúng tôi mới về Bình Chánh nhập học lớp 8 như hôm qua thì hôm nay đã lớp 12 rồi. Phần tôi biết chứ, Lan đẹp lắm. Nhưng nghĩ nhà tôi thì nghèo, đâu có nhà xây như nhà ông ngoại của Lan đâu. Học thì tôi thua xa Lan. Đẹp trai thì tôi lại càng không xứng đáng gì với nhan sắc của Lan.

Nên tuổi mười tám của tôi là nỗi buồn không dám hé môi. Tôi đâu chỉ buồn cho mình không, mà tôi buồn luôn cho Lan với ý nghĩ trong đầu tôi: Lan không phải là con ruột của cô vì cô đối xử với Lan hà khắc lắm. Lúc còn nhỏ thì không cho Lan được vui chơi gì nhiều với bạn bè. Lớn lớn lên thì cô càng nghiêm khắc với Lan. Khi các bạn gái trong lớp đã biết diện quần này áo nọ, vòng vàng, thậm chí son phấn… thì Lan vẫn chỉ áo sơ mi trắng, quần tây đen, đôi săng-đan đi học.

Cuối năm lớp 12 thì chưa tới, nhưng mùa lễ Giáng sinh năm đó. Tôi mời Lan đi chơi với tôi một bữa. Đại khái là đạp xe lên Sài gòn, đi xem phim rạp hát, rồi đi chơi phố, ăn quà vặt một hôm… Lan đồng ý nên tôi rất vui. Nhưng buồn hiu khi hai đứa cùng xin phép thì cô không cho. Buồn hơn nữa là cô không cho tôi tới nhà để học chung với Lan nữa…

Đến hôm sắp lễ Giáng sinh. Tôi đạp xe lên Sài gòn một mình với tính toán trong bụng là dùng hết số tiền tôi đã để dành được. Tôi sẽ mua cho Lan một đôi giày cao gót như những bạn gái khác trong lớp. Nhưng bây giờ tôi đã không còn là một thằng nhóc Sài gòn nữa rồi! Tôi đã là thằng con trai mới lớn dưới quê lên Sài gòn, nên tôi bị móc túi mất cái bóp hồi nào không hay…

2.
Ba mươi tám năm sau, thằng Minh nó tổ chức họp mặt bạn bè lần đầu cũng như lần cuối vì nó bị ung thư bao tử đã tới thời kỳ cuối nên nó muốn gặp lại bạn bè lần cuối. Mấy người bạn còn ở Bình Chánh của tôi có người đã có cháu nội, cháu ngoại. Nhưng ai cũng tích cực liên lạc, tìm kiếm bạn bè trên khắp hành tinh để về Bình Chánh một chuyến.

Tôi gặp lại Lan. Nước mắt tôi tự trào ra. Lan cũng vậy! Thằng Minh nó khóc lớn hơn cả cháu ngoại nó mới biết đi. Nó bảo Lan ngồi vào giữa hai thằng tôi. Nó bảo con trai nó chụp hình… tới hết pin cái điện thoại luôn cho ba…
Nó nói, tao không có thương con Lan kiểu trai gái. Mà tao thương nó như em gái của tao. Thử thằng nào trong trường, trong xóm mà ăn hiếp con Lan là tao đập liền. Tao cố tình lỡ lời khen con Lan đẹp là nhắc nhở cô cho nó thời trang một chút chớ. Cô cho nó mặc toàn đồ cũ, quê chết mồ tổ luôn. Rồi lúc nào cũng chửi nón ngu như cái cối xay, tao chẳng hiểu gì hết vì rõ ràng là nó học giỏi nhứt trường. Cô chê nó xấu như con gà què, trong khi nó đẹp cỡ nào… thì thằng Nhân. Mày nói đi… Tao biết à nha! Tao nhớ tối đó trời mưa mưa, mày ngồi làm toán ở nhà ngoại con Lan. Nhưng mắt mày cứ dán lên gương mặt thiên thần của nó đang thêu thùa gì đó. Cái ánh đèn dầu vô tình đặt để đúng góc độ nên nhìn tóc con Lan đẹp như một tấm lụa. Mày cầm cây viết tay phải xỉa ngược lên đầu mày rất đều tay, mày đang mơ chải tóc cho con Lan. Tay trái mày bốc kẹo đậu phộng cô làm bỏ vô miệng. Mày ăn kẹo đậu phộng xem tranh là con Lan đang ngồi thêu… cái mặt mày ngu ơi là ngu. Ngu tới tao nghĩ tao có bốc cứt gà khô bỏ vô dĩa kẹo đậu phộng, thì mày cũng bốc lủm tỉnh bơ… Tao ớn cái mặt mê gái của mày tới không thể nào quên…

3.
Tôi xấu hổ quá vì thằng mắc dịch kể chuyện cho hết bạn bè nghe mới xấu hổ quá sức. Nhưng chuyện để trong lòng đã tới tuổi này, thằng Minh thì sắp chết nên tôi kể ra cho nó nghe một lần để chết êm ru. Không có gì hối hận nữa…
Lan xúc động nhiều với chuyện tôi đi Sài gòn mua giày cho Lan nhưng bị móc túi nên cứ “Trời ơi, Nhân ơi là Nhân… Tui nợ ông một mối tình câm. Đến phải ngồi sui với ông để con gái tui trả nợ con trai ông cho huề chuyện đời cha mẹ…”

Chắc Lan nói chơi cho vui với bạn bè họp mặt ăn đám ma sớm của thằng Minh thôi! Nhưng Lan có tin là tôi lại bước vào một cuộc tình câm thứ hai không? Tôi mơ điều ấy là sự thật thì tuyệt cú mèo. Nên từ hôm về lại Mỹ, hình ảnh chị sui gái cứ ám ảnh tôi đêm ngày. Tôi tưởng tượng, hình dung ra đứa cháu nội gái của tôi mang hình bóng của Lan thì thật là một diễm phúc…
Nên chuyện Lan kể lại chuyện xưa cứ như mới hôm qua…

4.
“Nhân còn nhớ gần Giáng sinh năm ấy thì cha của Lan được ra tù cải tạo. Lan định bụng xin cha cho đi chơi với Nhân một hôm thì chắc được. Chỉ lấn cấn trong đầu là Lan muốn rủ Minh đi chung luôn cho vui. Nhưng hình như ý Nhân là đi chơi riêng hai đứa thôi nên Lan còn suy nghĩ vì sợ mẹ. Cũng chưa hỏi xin cha thì trước lễ Giáng sinh một tuần, năm tụi mình học lớp 12. Cả nhà Lan đi vượt biên. Mẹ Lan chuẩn bị sẵn hết, chỉ chờ cha Lan ra tù là đi…

Lan đến Mỹ năm 1981 là đi đại học luôn vì tiếng Anh thì mẹ Lan đã chuẩn bị cho Lan. Mấy ông học ở nhà Lan tới tối về ngủ để sáng còn đi học. Trong khi Lan với mẹ đàm thoại, tranh luận bất cứ vấn đề gì, không cần biết bao lâu, nhưng phải hoàn toàn nói tiếng Anh. Tất cả những bài luận văn Lan viết trong lớp, sau khi được thầy cô trả lại thì phải dịch sang tiếng Anh rồi nộp bài cho mẹ… Nhưng không được để ai biết chuyện đó, luôn cả hai ông là bạn thân của Lan như anh em…

Rồi tới khi đi đại học bên Mỹ thì năm đầu Lan đã là hoa khôi của toàn trường. Lan cứ nằm trong ký túc xá một mình mà nhìn ngắm cái vương miện và suy nghĩ. Nhớ những lời mẹ nói về mình đại loại, “Ngoại hình của con cục mịch như cha. Con đến chỉ còn cách dùng thời gian làm đẹp, trang điểm mà đọc sách thôi. Về sau sống bằng kiến thức khi mình đã thua kém người đời về nhan sắc, ngoại hình… con biết không?”
Lan tin mẹ vì có mẹ nào đi chê con gái mình xấu xí đâu, xấu như con gà què! Không ngờ Minh còn nhớ câu đó của mẹ Lan. Rồi thì ngu như cái đồ xay tiêu…! Sau này mẹ không biết con làm gì để sống…

Lan thật sự tin là hồi nhỏ mình vừa xấu xí lại vừa ngu nên dốc sức học để bù lại khiếm khuyết. Lan chọn thầy Thạnh trong trường làm gương vì thầy bị sốt tê liệt hồi nhỏ, chân đã phải chống nạng những hôm trở trời. Vậy mà còn bị xe đò tông tới gãy xương hàm nên mặt thầy biến dạng. Nhưng toàn trường kính trọng thầy vì thầy giỏi nhất trong trường. Lan chỉ còn cách ráng học thôi để sau này người ta còn nể mặt như thầy Thạnh.

Nhưng sang năm thứ hai đại học, Lan lại đoạt vương miện hoa khôi toàn trường. Trai Mỹ theo sau lưng Lan không biết bao nhiêu trự mà đếm. Có mấy cậu trai Việt, Lan thầm mong một lời thì toàn mấy thằng câm. Chỉ biết học và học thôi…
Chính Lan cũng có cái suy nghĩ của Nhân trong đầu Lan, không lẽ mình là con riêng của cha hay sao mà mẹ chê mình đủ thứ hết vậy ta? Lan thấy tự tin hơn với nhan sắc của mình qua hai năm liền đạt vương miện hoa khôi. Nhìn lại học lực thì Lan đứng trong nhóm mười sinh viên giỏi nhất của trường, làm sao nói là Lan ngu được…

Nhiều lần về nhà nghỉ lễ, nghỉ hè… Lan muốn hỏi mẹ cho ra lẽ. Nhưng điệp khúc con gà què của mẹ vẫn réo rắc bên tai. Bạn gái tặng nhau chút trang sức con gái trong mùa lễ có mấy đồng bạc như cái vòng đeo tay có tiếng chuông leng keng cho vui mùa lễ. Vậy mà mẹ Lan cũng chù bụ khi thấy Lan leng keng chơi. Lan tháo hết mấy món xí xọn của con gái để lại trường trước khi về nhà thì mẹ Lan vui.
Lan bình an với nhan sắc của con gà què nên học ba năm lấy được bằng bốn năm. Rồi bằng sáu năm. Hôm cầm được cái bằng tám năm trong tay. Người giáo sư hướng dẫn cho Lan lấy bằng tiến sĩ là ông xã của Lan sau này. Anh ấy nói, “Bây giờ thì con gà què đã lột xác thành con thiên nga…” Anh ấy cầu hôn với Lan.

Đêm đó ở xa nhà nên ngủ khách sạn. Lan không ngủ được nên gọi về nhà trò chuyện với mẹ Lan. Lan hỏi: “Mẹ. Trong đời con, chỉ có mình mẹ chê con xấu xí như con gà què. Ngu như cái đồ xay tiêu của bà ngoại…” Lan ấm ức với hàng ngàn câu hỏi trong lòng, nhưng nghe giọng mẹ xúc động nhiều nên Lan dằn lòng lắng nghe thôi.

Mẹ Lan nói: “Con gái, nhan sắc là quan trọng thì con có sẵn rồi. Nhưng không cần thiết quan tâm, chăm bẳm vào nhan sắc để có thể đẹp hơn nữa làm gì ở tuổi đến trường cho mất thời giờ quần này áo nọ trong quãng đời con cần dốc sức trau dồi kiến thức, đạo đức, để chuẩn bị làm người mẹ đủ sức nuôi con, dạy con của con khi con có bất trắc với chồng hay chồng con bị bất trắc ở tuổi con đã có gia đình. Con nhìn lại những người bạn xinh đẹp như con, nhưng họ lại trau chuốt bề ngoài cho xinh đẹp hơn vào cái tuổi cần trau dồi bên trong thì kết quả thế nào? Vẻ đẹp nào không tàn phai theo thời gian, chỉ có kiến thức và đạo đức mới còn tới khi ta chết đi. Thậm chí kiến thức và đạo đức còn cả sau khi ta chết đi, nếu con thật sự là một người xuất chúng. Mẹ là mẹ của con. Bà ngoại là mẹ của mẹ. Người mẹ thương kính nhất nên mẹ lặp lại những gì bà ngoại con đã làm cho mẹ là không để con gái mình hối hận với việc làm chuyện không đúng với từng lứa tuổi trong đời người…”

Lan cúp điện thoại với mẹ Lan đêm đó. Hiểu được vì sao từ bé là mẹ đã gán cho Lan hình ảnh con gà què là nhan sắc của Lan, trí tuệ là cái đồ xay tiêu của bà ngoại. Chắc các bạn không biết chuyện bà ngoại Lan đi chợ tết, mua về cái đồ xay tiêu mà nó chưa bao giờ xay được một hạt tiêu, nhưng ông ngoại cứ ném bỏ nó đi thì bà ngoại nhặt lại. Rồi hai người cãi nhau. Rồi ông ngoại tát bà ngoại. Cuối cùng là mẹ Lan đủ lớn để trộm cái đồ xay tiêu vô dụng ấy về phòng riêng để nhớ là không cãi cọ với người thân về những chuyện vô ích, vô nghĩa chỉ vì sự u mê… Mẹ Lan hay mắng Lan ngu cái cối xay là vậy!

Lan ngồi xem cái bằng tám năm của mình tới sáng. Một thành tích mà không có mẹ Lan âm thầm giúp đỡ nhiều năm thì Lan không thể nào đạt được với tuổi trẻ ham chơi, lại có nhiều người theo đuổi mình. Lan hiểu được việc biết làm đúng việc theo lứa tuổi là quan trọng nhất của một đời người được xem là thành công hay không…

Đó là tất cả những gì Lan muốn chia sẻ với các bạn trong cuộc họp mặt lần đầu cũng là lần cuối này vì chúng ta có gặp lại nhau nữa hay không? Tại sao lại hỏi thời gian khi chúng ta đã và đang ở trong nhau. Rồi Minh cứ đi theo phần số của Minh, nhưng người anh trai từng âm thầm bảo vệ Lan tuổi nhỏ là người anh đã bảo vệ Lan suốt đời. Có gì hạnh phúc hơn trong tâm mình luôn có người bảo vệ. Còn niềm vui âm thầm nào bằng có người giữ hộ đôi giày cao gót suốt ba mươi tám năm không hé môi… Chúng ta không có gì buồn với chuyện sinh lão bệnh tử vì đời ai rồi cũng nếm trải sau trước mà thôi! Tại sao chúng khóc mà không cười…”

Bạn bè ôm nhau cười mà nước mắt thay nhau rơi…
Con gà què xấu xí thật đáng khâm phục của hết bạn bè. Tôi chúc thằng Minh mày đã yên tâm về con nhỏ em mày chưa. Nếu phải đi sớm hơn bạn bè thì cũng đừng buồn nha Minh…

Nó cười mãn nguyện với tôi và Lan chứ không khóc nữa…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email