Liên Hiệp Quốc để tình trạng tấn công và quấy rối tình dục xảy ra tràn lan tại các văn phòng của tổ chức này trên khắp thế giới, những nạn nhân bị lờ đi và kẻ phạm tội thì hưởng quyền miễn trừ.
Trong cuộc điều tra gây rung động do báo Guardian thực hiện, hàng chục nhân viên và cựu nhân viên của LHQ tức giận nói về thứ văn hóa im lặng trong toàn tổ chức và một hệ thống pháp lý tệ hại gây khó dễ cho các nạn nhân trong việc khiếu kiện.
Trong số các nhân viên được phỏng vấn, 15 người nói họ từng bị tấn công và quấy rối tình dục trong vòng 5 năm qua, với nhiều mức độ từ lời nói tới hành vi cưỡng hiếp.
7 phụ nữ chính thức tố cáo các hành vi sai trái, đây là cách thức mà các nhà hoạt động cho rằng ít nạn nhân dám thực hiện vì lo sợ mất việc, hoặc vì nghĩ làm như vậy sẽ không đi đến đâu.
Một nhà cố vấn trong LHQ cho biết: “Nếu bạn khai báo, sự nghiệp của bạn chấm hết, đặc biệt khi bạn là chuyên gia cố vấn”. Cô nói mình bị cấp trên quấy rối khi làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới.
Trong cuộc điều tra của báo Guardian, nhân viên LHQ làm việc tại hơn 10 quốc gia đã cung cấp thông tin với điều kiện giấu tên, một phần vì họ không được phép công bố theo các quy định quản lý nhân viên của LHQ, một phần vì họ sợ bị trả đũa.
3 phụ nữ từ các văn phòng khác nhau cho biết vì báo cáo về quấy rối và tấn công tình dục mà họ bị buộc phải nghỉ việc hoặc bị dọa chấm dứt hợp đồng trong năm qua. Những người bị tố cáo, trong đó có một viên chức cao cấp của LHQ, thì vẫn ở nguyên vị trí.
Một người nói cô bị nhân viên cao cấp hơn trong LHQ cưỡng hiếp khi công tác ở vùng xa. Cô cho biết: “Chẳng còn cách nào khác để có được công lý, và tôi đã mất việc”. Cô nói thêm rằng bất chấp các bằng chứng y khoa và lời khai của nhân chứng, cuộc điều tra nội bộ của LHQ vẫn không ủng hộ cáo buộc của cô. Không chỉ mất việc, cô còn mất visa và trải qua nhiều tháng ở bệnh viện trong tình trạng ‘stress’ và chấn thương tâm lý. Cô lo sợ sẽ bị bức hại nếu quay trở về quê nhà.
Theo lời một phụ nữ bị tấn công tình dục khi làm việc cho LHQ, thanh tra cơ quan nói rằng ông ta không thể làm gì hơn để giúp cô khiếu kiện, vì ông bị một nhân viên cao cấp khác gây áp lực. 7 nạn nhân khác cũng cho biết đồng nghiệp hay thanh tra viên đều khuyên họ không nên khiếu nại.
4 nhân viên khác của LHQ nói rằng họ không được chăm sóc y tế hay cố vấn đầy đủ. Một phụ nữ mất việc nói rằng cô đã phải gặp 3 bác sĩ phụ khoa trong vòng 24 giờ sau khi bị tấn công, vì nhóm y tế đầu tiên từ LHQ không đủ chuyên môn để giải quyết trường hợp này. Cô nói cô cũng không được cố vấn về vấn đề khủng hoảng do bị hãm hiếp cho tới 6 tuần sau.
Những sự việc trong LHQ hay liên quan đến dân địa phương rất khó kiện vì tính chất quốc tế của nó. Nhiều nhân viên cao cấp có quyền miễn trừ ngoại giao, đồng nghĩa rằng họ có thể né được các tòa án quốc gia. Các nhà hoạt động cho hay quyền miễn trừ này đã khiến cho nạn nhân chỉ còn cách im lặng.
Trong trường hợp nạn nhân là nhân viên của LHQ, họ có nhiều ràng buộc với tổ chức, không chỉ về công ăn việc làm mà còn là các lợi ích khác như được cấp thị thực lao động, học phí cho con. Nhiều nạn nhân và nhân chứng không dám lên tiếng còn vì sợ bị trả đũa. Một số cơ quan chỉ cho phép khiếu nại trong vòng 6 tháng. u