Hãy tưởng tượng phép lạ nào đó cho phép chúng ta bé lại. Chỉ cần bé lại một vài tuần lễ thôi, rồi trở lại với con người tuổi tác của ngày hôm nay. Hãy hình dung mình là đứa bé lên sáu, lên bảy. Và hãy tưởng tượng chúng ta có một thời ấu thơ hạnh phúc. Và hạnh phúc ấy được định nghĩa một cách đơn giản là có cơm ăn áo mặc, được đi học đến nơi đến chốn, có cha mẹ, có ông bà và được cha mẹ, ông bà yêu thương. Bạn hãy tưởng tượng mình là đứa bé lên sáu tuổi. Ông bà ngoại ở xa, tận tiểu bang khác, mỗi lần ghé thăm, phải đi bằng máy bay. Nhưng dù xa, ngày nào đứa bé là bạn, là tôi ấy vẫn trò chuyện với ông bà qua điện thoại. Dù xa nhưng đứa bé là bạn và tôi ấy vẫn được ông bà kể chuyện cho nghe. Và rồi một ngày kia nhân dịp bố đi công tác xa, ghé thăm ông bà ngoại, ông bà ngoại gửi bố mang về cho đứa bé – là bạn và tôi ấy – một món quà đặc biệt cho sinh nhật sắp tới.
Sinh nhật thứ sáu của cháu ngoại. Ông bà ngoại hứa sẽ có món quà đặc biệt cho cháu. Bạn và tôi – lúc ấy chúng ta chưa tròn sáu tuổi, chúng ta sẽ nôn nóng, chúng ta sẽ đếm từng ngày, chúng ta mong thời gian vùn vụt bay để chúng ta sớm nhận được món quà đặc biệt mà ông bà ngoại đã hứa. Chúng ta nôn nóng mong đợi. Ngày nào trò chuyện trên điện thoại chúng ta cũng nhắc ông ngoại, rồi bà ngoại “bật mí” chút xíu về món quà đặc biệt mà mình sắp được nhận. Nhưng mọi cố gắng đều thất bại. Ông bà ngoại muốn dành cho cháu một bất ngờ. Nói trước đâu còn “surprise” nữa. Ông bà ngoại bảo thế.
Xong công chuyện, bố đáp máy bay trở về, mang theo món quà của ông bà ngoại. Bố về tới con bé mừng rỡ xôn xao, ôm chầm lấy bố. Nhưng hôm nay dường sao bố trầm ngâm, đầy vẻ lo âu. Có chuyện gì khiến bố không vui. Bố có nét buồn, nét xa vắng khác thường. Và lạ lùng nhất là bố không nói gì đến món quà ông bà ngoại gửi về cho sinh nhật của cháu.
Cuối cùng, không thể chờ đợi thêm nữa, đứa bé lên sáu tuổi (là bạn và tôi – bởi chúng ta đang tưởng tượng mình là đứa bé ấy) hỏi bố quà của ông bà ngoại gửi cho con đâu? Bố ôm lấy con bé và chậm rãi “I am sorry!” hai ba lần. Chúng ta là em bé ấy, chúng ta sẽ ngơ ngác hết nhìn bố lại quay nhìn sang mẹ. Và bố giải thích rằng ông bà ngoại có chuẩn bị món quà đặc biệt để mừng sinh nhật con. Ông ngoại gói cẩn thận món quà ấy cho bố mang về. Bố cất món quà ấy trong theo trong hành lý xách tay bởi bố sợ gửi theo hành lý thì sẽ vỡ mất.
Nghe kể đến đó, đứa bé – là bạn và tôi – sẽ lăng xăng lục lọi bọc hành lý xách tay của bố. Nhưng ngoài vài bộ quần áo, một cuốn sách cũ, trong ấy không còn gì khác có thể được gọi là quà sinh nhật. Đứa bé sáu tuổi, ngước nhìn bố, chờ đợi. Bố buồn bã kể tiếp rằng món quà của ông bà ngoại mà bố mang theo, người ta không cho đem lên máy bay.
Đứa bé nôn nóng hỏi vậy thì bố để quà ấy ở đâu. Bố buồn rầu bảo người ta bắt bố ném vào thùng rác rồi mới cho bố lên máy bay.
Bạn thân mến, tôi mời bạn hình dung mình là em bé lên sáu tuổi để cảm nhận nỗi buồn của mà chúng ta ít nhất đã gặp một lần thời thơ ấu, nhưng câu chuyện chúng ta đang kể cho nhau nghe là một câu chuyện có thật.
Chuyện thế này: Ở quầy kiểm soát an ninh phi trường kia, một người đàn ông mang theo một gói nhỏ trong bọc hành lý xách tay. Nhân viên an ninh yêu cầu ông ta bỏ cái gói ấy trước khi qua máy. Người đàn ông ngơ ngác không hiểu. Nhân viên an ninh chỉ cho ông xem bảng nội quy phi trường. Người đàn ông giải thích. Nhân viên an ninh lắc đầu. Người đàn ông cố gắng thuyết phục. Nhân viên an ninh lắc đầu. Người đàn ông năn nỉ. Nhân viên an ninh vẫn lắc đầu. Người đàn ông ôm cái gói nhỏ trong tay, bối rối không biết làm gì. Những hành khách xếp hàng phía sau ông nóng ruột, xì xào lên tiếng. Nhân viên an ninh nhắc nhở với nét mặt nghiêm khắc.
Người đàn ông khẽ lắc đầu và lầm lũi bước về phía thùng rác ở lối vào khu kiểm soát an ninh. Ông đứng ngần ngừ vài giây trước thùng rác, rồi khom người bỏ cái bọc nhỏ ấy vào thùng rác, nhẹ nhàng như sợ làm vỡ thứ gì trong ấy. Và trước khi quay lưng, người đàn ông nhìn vào cái bọc nằm trong thùng rác lẫn với những chai nước, những lọ dầu thơm, những tuýp kem đánh răng… mà các hành khách khác bị buộc phải bỏ lại trước khi lên máy bay, rồi ông chùi nước mắt, bước qua máy quang tuyến. Vào khu vực an ninh phi trường.
Bạn thân mến. Chuyện bất ngờ xảy ra ở phi trường làm ông bố kia buồn một nhưng làm bạn và tôi – bé gái chưa đầy sáu tuổi – buồn đến mười lần. Thời gian thuở chúng ta còn bé bao giờ cũng dài lê thê. Bạn còn nhớ những lần chờ Tết đến chứ nhỉ. Đếm từng ngày mà thời gian vẫn như đang ngừng trôi. Lớn lên, thời gian thấp thoáng bay. Năm năm, tháng tháng trong chớp mắt. Và vì sự khác biệt thời gian tâm lý giữa ngưòi lớn và trẻ thơ, sự chờ đợi ở trẻ thơ có mức độ cao hơn hẳn sự chờ đợi ở người lớn, và niềm thất vọng nơi trẻ con cũng bao la và ở lại rất lâu trong ký ức hơn những thất vọng nơi người lớn. Và nguy hại nhất là, khi bị người lớn thất hứa, trong đầu đứa bé đôi khi thấp thoáng ý nghĩ rằng người lớn đánh lừa mình. Trong đầu đứa bé chưa tròn sáu tuổi kia làm sao tránh khỏi ý nghĩ rằng ông bà ngoại thực sự không mua quà gì cho mình hết. Và bố nói dóc để gỡ tội cho ông bà!
Thuở lên mười, có ít bạn bè đồng trang lứa, tôi chơi thân với anh Kim; một anh thanh niên trong xóm. Anh Kim hồi ấy hai mươi mấy tuổi rồi. Tôi quý mến, kính trọng, ngưỡng mộ, và thân với anh vô cùng. Nhiều lần anh bảo khi rạp chiếu bóng trên thành phố có phim hay, anh sẽ dẫn tôi đi xem. Rồi, phim hay đã đến. Tôi vẫn nhớ tên phim: “Võ Sĩ Giác Đấu Loạn Thành La Mã”. Anh Kim dẫn tôi đi xem. Bao nhiêu ngày trước đó tôi đã xôn xao chờ đợi. Bạn nhớ 50 năm trước, phim ảnh là thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Tôi trông đứng trông ngồi, mong mau tới ngày hẹn. Rồi, chiều thứ Bảy ấy cũng đến. Chúng tôi đón xe, xuống phố. Tim tôi rộn ràng trong lồng ngực khi hình ảnh rạp chiếu phim hiện ra ở cuối phố.
Bạn không thể tưởng tượng được niềm vui của đứa-bé-tôi ngày hôm ấy lớn đến chừng nào. Tôi run run bước lên bậc tam cấp lối vào rạp chiếu bóng. Mỗi bậc thềm là một lần trái tim tôi lắc lư trong lồng ngực. Tôi nín thở khi đọc những câu quảng cáo phim trên những tấm bích chương dán đầy cổng rạp. Bước theo anh Kim về phía quầy bán vé, tôi lảo đảo chực ngã.
Rồi bỗng dưng anh đứng sựng lại. Tôi cắm cúi đâm sầm vào anh. Anh xoay người lại, nhìn tôi. Tôi ngơ ngác nhìn anh. Anh bảo: Chết rồi! Anh cầm lấy tay tôi, dắt tôi ra khỏi cái hàng chờ mua vé. Tôi ngập ngừng bước theo anh, không dám hỏi chuyện gì xảy ra mà chỉ tròn con mắt nhìn. Ra khỏi hàng người, anh mới bóp nhẹ vai tôi, nói nhỏ: Anh quên cái vì ở nhà mất rồi!
Cho tới hôm nay – nghĩa là gần một nửa thế kỷ sau tôi vẫn không thể thuyết phục mình để tin rằng hôm ấy anh thực sự quên cái ví tiền ở nhà.
Trở lại câu chuyện món quà sinh nhật không đến kia. Đứa bé lên sáu tuổi chắc là buồn lắm nhưng mà biết làm sao hơn được. Những bà tiên hiền lành chỉ còn sống trong những chuyện cổ tích.
Câu chuyện của ông bà ngoại, ông bố và đứa trẻ lên sáu tuổi ngừng ở đó. Ông bố buồn và đứa bé cũng buồn nhưng cả hai không thể làm gì khác hơn được.
Nhưng đời sống đôi khi vẫn có những bà tiên.
Một người thanh niên tiễn vợ ra phi trường, anh đi với vợ tới sát quầy kiểm soát an ninh và hai vợ chồng chứng kiến hoạt cảnh người đàn ông, gói đồ, và nhân viên an ninh phi trường. Chuyện có những thứ bị cấm đem lên máy bay thì ai cũng biết rồi, nhưng hình ảnh người đàn ông, rưng rưng nước mắt, nhẹ nhàng đặt gói đồ vào thùng rác khiến cặp vợ chồng trẻ kia ngạc nhiên. Và cô vợ nói nhỏ với chồng: Anh lấy về xem đó là cái gì mà người đàn ông kia có vẻ đau khổ khi phải bỏ nó như thế.
Anh chồng làm theo lời vợ. Anh moi cái gói ấy ra khỏi thùng rác và đem về nhà. Về nhà, anh mở gói và nhận ra một trái cầu trong đó có nước và những vụn trắng lấm tấm. Khi lắc trái cầu thì nước chuyển động và những vụn trắng lả tả rơi như tuyết. Trái cầu tuyết. Đặc biệt bên trong còn có hai tấm hình, tấm thứ nhất hình một bé gái, tấm thứ nhì hình một cặp vợ chồng già. Phía dưới chân của trái cầu tuyết là hàng chữ khắc “We love you Katie. Nana and Papa 1/25/16”.
Và khi lên dây thiều thì bản nhạc Greensleeves thánh thót vang lên.
Vậy là người thanh niên hiểu rõ lý do. Trái cầu có lượng nước trên 100 ml, sẽ không được phép mang lên máy bay. Nếu muốn mang theo hành lý xách tay, trái cầu chỉ được phép lớn bằng trái banh tennis (luật lệ khá kỳ cục!) Và người thanh niên cũng biết thêm rằng đây là món quà của ông bà tặng cho đứa cháu có tên Katie.
Khi người vợ trẻ trở về, hai người quyết định phải làm cách nào để gửi món quà dở dang ấy đến chủ nhân của nó. Làm sao để biến những giọt nước mắt của người đàn ông tội nghiệp kia thành những giọt nước mắt vui mừng. Họ không có địa chỉ, không có bất kỳ chi tiết nào ngoài tấm hình của bé Katie, của “Nana” và “Papa”.
Họ đành nhờ Facebook. Trong vòng 7 ngày, tin nhắn của họ được chia sẻ tới 48,000 lần.
Cuối cùng, qua một nhân viên của công ty sản xuất những trái cầu tuyết ấy, sau những giao tiếp qua, lại, tới, lui… trái cầu tuyết đã trở về với chủ nhân của nó: cặp vợ chồng cao niên trên hình chụp lồng trong trái cầu tuyết.
Bạn thân mến. Ngày nào cũng vật vã với những tin bắn giết, tin đâm chém, tin cướp bóc; tin buồn, tin xấu, tin hắc ám, tin giả… chúng ta hãy tạm quên chúng đi; hãy chắp cánh tưởng tượng, trở về với ấu thơ, bạn và tôi, chúng ta hãy làm bé Katie, để thử hình dung ra niềm vui của cô bé sáu tuổi khi nhận món quà sinh nhật dẫu muộn màng nhưng đầy ý nghĩa. Ý nghĩa của tình yêu thương ông bà dành cho cháu ngoại; ý nghĩa của tình cảm giữa người và người qua việc làm của cặp vợ chồng trẻ ở phi trường St. Petersburg-Clearwater, thành phố Tampa, Florida, Hoa Kỳ.
Để thấy trên thế gian này vẫn còn những nơi để chúng ta trang trọng gửi gắm niềm tin!
Khúc An