Hà Nội đón Tết

Bài – ảnh: Trần Công Nhung
Phong tục Việt Nam thì ba ngày Tết nơi nào cũng tất bật sắm sửa, dọn dẹp, cái gì cũng mới mẻ, để mừng Xuân. Cả năm dù làm tối mắt, chạy từng bữa ăn, Tết ai cũng sum soe ra điều dư dã. Riêng về thời tiết hai miền Nam Bắc hoàn toàn trái ngược nhau. Miền Nam nóng toát mồ hôi, “đánh trần” đi sắm Tết, miền Bắc thì rét cóng phải áo ấm khăn trùm. Do đó Tết Hà Nội có vẻ Tết hơn, màu sắc và hương vị Tết rõ nét hơn.
Ăn Tết, đón Tết, giàu nghèo gì cũng phải có hoa. Hoa chậu, hoa cây, chí ít cũng hoa bình, tùy gia phong kiệm, thiếu hoa, nhà không có vẻ Tết. Hoa Tết thì làm sao kể hết, Hoà Lan được tiếng là xứ sở của Hoa, nhưng Hoa của Hòa Lan là hoa ngày thường, hoa như lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, hoa cả cánh đồng mênh mông bát ngát, hoa Tulip, tuy có đẹp có sang, nhưng không đa dạng, mua hoa như mua quần áo, không thú vị như khi đi chợ hoa ở xứ mình, nhất là chợ hoa ngày Tết.

Hàng ngày rải rác các góc phố ở Hà Nội vãn có người bán hoa dạo, hay muốn đặc biệt thì chạy ra làng hoa Nhật Tân, Nghi Tàm…Ngày Tết, có hẳn một chợ hoa ngay giữa Hà Nội. Sau ngày đưa ông Táo về Trời là “ngàn hoa” tụ họp về trên con đường Hàng Lược, ngay chợ Đòng Xuân rẽ vào. Thường ngày, phố Hàng Lược không có gì đặc biệt, vài hàng cá cảnh hơi lạ, ngày Tết là một làng hoa, xe cấm ra vào, toàn người đi bộ mua Hoa Tết: Hồng, Huệ, Cẩm Chướng… Mai vàng, Đào thắm Đào phai, Thủy Tiên, Cúc… Những năm sau này miền Nam sản xuất loại Mai chậu cho nhiều hoa. Ngày Tết một hai chậu Mai là cảnh nhà sáng rực.
Miền Bắc không trồng Mai, Mai của xứ nóng, Đào xứ lạnh, miền Trung chỉ có Đà Lạt, nhờ lạnh mới có Đào. người Hà Nội vẫn thích Đào: Đào Thắm Đào Phai, Đào cây, Đào chậu, Đào cành…có thể nói Rừng Đào. Nổi tiếng là Đào Nhật Tân. Khách mua Đào khó hơn mua Mai, tôi thấy đa số các cụ ông, hoặc những bậc lớn tuổi có con cháu theo, các cụ rảo qua các “hàng Đào”, ngắm nghía, xem xét từng chậu, từng cây. Chọn được một chậu Đào đã khó lúc trả giá cũng gay go, lắm công phu. Tâm lý của người dân sống với máy móc không sao theo nổi. Tôi hỏi thăm một ông vừa chọn được một chậu Đào.

Chào bác, bác chọn chậu Đào đẹp quá.
Vâng, mỗi năm có một lần, ngày Xuân nhà phải có Đào.
Bác có thể cho biết lý do bác chọn cây này mà không chọn cây kia?
Ông khách quay qua nhìn tôi rồi hỏi lại có vẻ gay gắt:
Ông là nhà báo phỏng vấn tôi đấy à?
– Dạ không phải đâu bác, tôi ở trong Nam ra chơi, người Nam quen chơi Mai, cứ thấy cây nhiều hoa là mua. Còn ngoài Bắc, chơi Đào có vẻ cầu kỳ kỹ lưỡng hơn.
Ông khách vui vẻ tiếp chuyện tôi:
– Vâng, ông nói đúng. Một cây Đào đẹp không phải chỉ đẹp nhiều hoa mà còn đẹp ở gốc, thân và cành nhánh…Ông thấy cây này gốc lớn da xù xì, không thẳng đuột như cây kia. Cành phân đều bốn bên, cách nhau cân đối, tạo cho cây thế thăng bằng. Các nhánh lại cũng uốn vặn, chứng tỏ cây đã dày dạn gió sương…
Hay lắm, cô bán hoa cũng chăm chú nghe ông khách giảng. Chậu Đào đẹp thật. Tôi tìm hiểu thêm:
Thưa bác, Đào này trồng ở đâu mà đẹp vậy hả bác?
Ông khách ngước nhìn cô bán hoa rồi trả lời tôi bằng câu hỏi gián tiếp:
Đào Nhật Tân phải không cháu?
Dạ thưa ông đúng đấy ạ.
Được dịp tôi hỏi sang cô gái:
Cây đẹp và già như thế sao lại đào đi bán?
Dạ, làng Đào Nhật Tân bị giải tỏa bác ạ.
Ông khách quay qua tôi:
– Ông không đọc báo à? Rồi đây sẽ không còn Đào mà chơi nữa. Nhật Tân là thổ nhưỡng của Đào, bây giờ phải dời ra ven sông Hồng, Đào làm sao sống? Mà có sống thì rồi hoa cũng chẳng ra gì.
Ông khách nói xong quay bảo người nhà bê chậu Đào ra xe. Tôi hỏi nhỏ cô bán hoa:
Giá chậu Đào bao nhiêu hả cháu?
400 nghìn bác ạ. Ông cụ năm nào cũng mua Đào nhà cháu.
– Cháu à, bác thấy nhiều cây đào đẹp vậy mà sau Tết người ta lại vứt ra đường. Sao không trồng để sang năm chơi?
Cô gái nhìn tôi cười:
– Bác bảo trồng ở đâu cơ? Trồng trong phòng khách à? Thế nên có người chỉ thuê Đào chơi mấy ngày Tết thôi.
Lại thế?
Vâng.
Thuê là thế nào, cháu nói cho bác biết được không?
– Thuê rẻ hơn mua một tị thôi. Như cây lúc nãy, ít nhất cũng 350 nghìn. Nhưng phải trả trước nguyên giá. Có người mua rồi sau Tết bán lại cho nhà vườn.
Hay nhỉ. Thế mua lại thì giá cả thế nào?
Dạ bằng 1/10 giá bán, và chỉ mua những cây đẹp thôi.
Tôi ngồi xe buýt ra làng hoa Nhật Tân. Lúc xe ngang qua đường Âu Cơ trên đê Yên Phụ mới thấy không khí tưng bừng của người mua bán hoa. Hàng hàng lớp lớp, Đào Thắm, Đào phai, chen lẫn với Hồng Huệ, Quất, có cả Thủy Tiên cùng nhiều hoa kiểng khác. Dường như mua bán hoa trong những ngày Tết trên đê Yên Phụ là tự phát chứ không có tổ chức. Người ít kẻ nhiều tùy tiện muốn bày đâu cũng được. Có người ngồi chồm hổm trên thành đê hay lấn ra lòng đường, xe cộ chen nhau qua lại, không trật tự tí nào, nhưng chẳng ai than phiền. Ngoài hoa kiểng còn chậu men, tranh Tết, thảm dệt, câu đối…hoặc các mặt hàng ngày Tết la liệt trên đường.
Xe buýt Ô Cầu Giấy thả tôi xuống ngay làng Đào Nhật Tân. Quả thật làng hoa đã bị cày xới, công trình xây dựng nhà cửa đang nổi lên một vài nơi. Những gốc Đào cổ thụ đã lên chậu rải rác đó đây, chờ người mua. Dọc sát bên đường còn một ít Đào chưa bị phá. Một làng Đào mênh mông bây giờ là cánh đồng trống, chờ phố xá mọc, hoa dời ra ven sông Hồng. Đã có nhiều tiếng kêu trên báo chí, Hà Nội sẽ không còn Đào Nhật Tân, giống Đào chánh hiệu, giống Đào đã từng đi vào văn học, từng ăn sâu trong lòng người Hà Nội:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Dư luận cho rằng rồi đây, dân Hà Nội sẽ chỉ có thứ hoa Đào dổm. Mà có thể thế thật, vẫn có Đào nhưng không còn giống Đào tươi thắm đẹp hoa như Đào Nhật Tân. Tại sao không chừa lại một khoảnh để giữ giống. Giả sử giữa khu đô thị mới có một Làng Đào cổ kính, để hàng năm tổ chức ngày hội Làng Đào, có cây đa cổng làng, có quán hàng kiểu ngày xa xưa, có những cô hàng nước trẻ đẹp trong áo tứ thân, khăn mỏ quạ, có quán Bánh Dầy, có tranh Đông Hồ, có thuyền Quan Họ.., và bao nhiêu thứ vốn cổ của Quê Hương, thế mới xứng danh nơi Nghìn Năm Văn Vật…Chắc chắn Làng Đào sẽ là điểm son của thành phố, nơi thu hút du khách, nơi sẽ lưu lại trong lòng mọi người nhiều hình ảnh nhiều cảm tình một khi đã đến đây…
Tất cả chỉ là ước mơ…trong bao nhiêu ước mơ khác.
Trong các khu phố trung tâm, khu phố cổ, chợ Đồng Xuân, có thể nói chỗ nào cũng họp chợ mua bán. Không còn vấn đề “đường thông hè thoáng”. Những con đường quanh chợ Đồng Xuân khó mà xe đi vào, phố Hàng Mã rực lên màu sắc lễ tết Hội Hè. Tôi chưa thấy nơi nào trong Nam có một con phố như phố Hàng Mã. Du khách không mua sắm cũng thích dạo chơi ngắm nghía, khiến cho Hàng Mã luôn luôn đông người.
Khu tấp nập và nhiều hình ảnh tương phản nhau có lẽ khu phố Gầm Cầu, tức khu bến xe Long Biên. Ngày thường ở đây đã hỗn tạp, ngày Tết càng bát nháo hơn, nơi tâp trung đủ các thành phần giai cấp, đủ thứ hàng hóa, nhất là hàng hóa từ ngoại ô vào, và cũng tại nơi này vào những giờ phút cuối năm mới bày ra nỗi khốn khó của kẻ không nhà: Co ro mấy đứa trẻ ở đầu cầu, mấy bà già thu giọn “giang sơn” như cũng chuẩn bị đón Tết, hình ảnh Tết trong họ là gì…!
Sau Hoa là mâm cỗ, phong tục ăn Tết của người Bắc rất chú trọng về mâm cỗ. Chiều ba mươi Tết tôi được gia đình cô Chung ở phố Đoàn Thị Điểm mời dùng cơm. Người Bắc vốn nổi tiếng lịch thiệp xưa nay nên sự tiếp đón của cô rất khéo, người dù mới quen cũng không cảm thấy ngại ngần, lúc nào khách cũng tưởng mình là người nhà. Trong bữa cơm cũng có hai vợ chồng luật sư Thông (San Jose), muốn tìm hiểu phong tục Tết Nhất của người Hà Nội, ông bà rất vui khi được giới thiệu từng món trong mâm cỗ ngày Tết: Canh Măng, Giò Xào (tựa như giò thủ trong Nam), Giò Lụa…và nhiều món không có trong Nam. Một món không thể thiếu trên bàn thờ ông bà là bánh chưng. Đã có lần tôi viết về bánh chưng ở miền Bắc, cũng nếp, cũng nhân thịt, nhân đậu xanh…nhưng tôi thấy bánh chưng Hà Nội ngon hơn, bánh chín nhừ mà không nhão, không khô, màu xanh của bánh từ lá dong cũng hấp dẫn. Miền Nam gói bánh bằng lá chuối, miền Bắc, toàn bằng lá dong. Từ những ngày trước Tết, ngay cửa B ga Hàng Cỏ, lá dong dổ thành một núi, các nơi về mua, lá bán cho đến chiều 30 Tết. Hà Nội có nhiều nhà nấu bánh ngay ngoài lề đường, và dù có trở ngại cho khách bộ hành, cũng không ai than phiền. Đến giờ chót, nhiều khu chợ vẫn còn người tìm mua thứ nọ thứ kia. Người bán thì vưà bán vừa thu dọn. Ai cũng vội vàng cho kịp đón Giáo Thừa.

Trần Công Nhung

Xem thêm

Nhận báo giá qua email