Hai câu chuyện được nói đến nhiều ở trong nước

Chuyện nữ nghệ sĩ Thấm Thúy Hằng qua đời 

Thẩm Thúy Hằng là người Bắc, sinh tại Hải Phòng năm 1939, cha là một công chức trong ngành Bưu điện ở Hải Phòng dưới thời Pháp thuộc. Năm 1941, cô bé chưa đày 2 tuổi thì cha cô được đổi vào trong Nam làm trưởng ty Bưu điện tại thị xã Long Xuyên, thủ phủ của tỉnh An Giang). Ông đem gia đình đi theo.

Như vậy Thẩm Thúy Hằng là người Bắc, cha mẹ cũng đều là người Bắc, nhưng lúc ấy thị xã Long Xuyên còn rất nhỏ, gần như không có người Bắc, ngay chị giữ em cũng là người Nam trong khi cô bé Kim Phụng mới bập bẹ tập nói, chịu ảnh hưởng nên nói tiếng Nam nhiều hơn tiếng Bắc và cô lớn lên ở Long Xuyên, đi học trường Huỳnh Văn Nhứt. Trước năm 1945, miền Nam còn là thuộc địa của Pháp nên dù nhỏ, học sinh cũng học theo tiếng Pháp là chính, do vậy thầy cô trong trường đặt thêm tên cô bé xinh xắn Kim Phụng là Jeanne dễ nhớ, dễ gọi chứ đây không phải là tên Thánh vì gia đình cô bé theo Phật giáo. 

Năm 1952, khi cô bé Kim Phụng 13 tuổi thì cha mất. Bà mẹ đem các con lên Sài Gòn, mua nhà trong khu phố trung lưu ở Đa Kao gần trường Huỳnh Thị Ngà. Với tiền bạc dành dụm được, bà mở sạp bán vải tại chợ Tân Định để nuôi gia đình. Cô bé Kim Phụng và người chị theo học tại trường Huỳnh Thị Ngà. Cô học không giỏi nhưng nói tiếng Pháp rất hay. Đây là một trong những điều may mắn đối với cô, vì sau này khi đã trở thành một diễn viên nổi tiếng, ra nước ngoài đóng phim hay dự các sự kiện điện ảnh, cô luôn luôn nói tiếng Pháp và được mọi người rất cảm phục.

Dự cuộc thi diễn viên điện ảnh 

Năm Kim Phụng 16 tuổi, học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh. Học hết năm Đệ tứ và cũng đã bước sang tuổi 17, cô lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân ở đường Nguyễn Thông Sài Gòn và đoạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua hơn 2.000 thí sinh khác. Ông Lưu Trạch Hưng và vợ là bà Nguyễn Mỹ Vân – chủ hãng phim Mỹ Vân – đã hỏi ý kiến cô rồi đích thân ghi vào hợp đòng cho cô với nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. (Sau này cô giải thích “Thẩm” là nhạc sĩ Thẩm Oánh, giáo sư dạy môn Nhạc ở trưởng Huỳnh Thị Ngà, một người cô rất kính trọng và nhà văn Thẩm Thệ Hà, một người cô rất thích đọc các truyện tiểu thuyết của ông; “Thúy” là tên cô bạn rất thân, học cùng lớp, ngồi cùng bàn với cô ở trường Huỳnh Thị Ngà, người đã “tháp tùng” cô đi dự cuộc thi diễn viên điện ảnh của hãng Mỹ Vân ở đường Nguyễn Thông, quận 3, Sài Gòn; còn “Hằng” là cái tên cô rất thích từ hồi còn nhỏ, có lẽ còn thích hơn cả tên “Kim Phụng” của mình.

Vai đầu tiên Nàng Ba (Tam Nương) Thẩm Thúy Hằng đóng cho Hãng Mỹ Vân trong phim Người đẹp Bình Dương – một phim đen trắng do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi tiếng như một ngôi sao sáng trong làng điện ảnh và chinh phục khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thẩm Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 50 – 60. Thật ra, Bình Dương trong phim, là một địa danh ở bên Trung Quốc chứ không phải tỉnh Bình Dương của Việt Nam. Chúng ta còn nhớ thơ của ông Cao Bá Quát có câu“Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn; Mục Dã, Minh Điền hữu Võ Thang”, nghĩa là ở Bình Dương và Bồ Bản nếu không có vua Nghiêu, vua Thuấn thì ở Mục Dã và Minh Điền có vua Võ, vua Thang”, đó chính là cái tên Bình Dương ở bên TQ thời cổ mà Thẩm Thúy Hằng đóng trong phim.

Trở thành ngôi sao sáng chói 

Sau khi nổi tiếng trong làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Cô đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành minh tinh số một với tiền cát-sê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một ký vàng thời bấy giờ).

Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một vai diễn khác cũng rất đẹp của Thẩm Thúy Hằng từng gây được tiếng vang góp phần đưa tên tuổi của cô lên nấc thang danh vọng, đó là vai Chức Nữ trong bộ phim Ngưu Lang Chức Nữ cũng do hãng phim Mỹ Vân sản xuất, nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn. Khán giả không thể quên nàng Chức Nữ đẹp lộng lẫy, đang bay về trời trong tiếng hát thánh thót như ngân từ những áng mây huyền ảo trong nhạc cảnh Chức Nữ về trời do Phạm Duy soạn nhạc. 

Tự mình làm chủ

Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Phim đầu tiên của Thẩm Thúy Hằng trong vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm. Đạo diễn phim là Lê Mộng Hoàng cùng các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi,… Sự thành công rực rỡ của Chiều kỷ niệm làm tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thêm nổi tiếng, cô tiếp tục cho ra đời thêm các bộ phim Nàng, rồi Ngậm ngùi, đều thành công rực rỡ.

Cô tham dự nhiều đại hội điện ảnh, xuất hiện tại Hồng KôngĐài Loan, Đại Hàn, Ấn ĐộThái LanSingaporeIndonesia

Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lãnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, Thẩm Thúy Hằng viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như Người mẹ giàSuối tìnhĐôi mắt bằng sứ… Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga…

Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam, tiếp tục đóng nhiều phim như Như thế là tội ácNgọn lửa Krông JungHồ sơ một đám cướiĐám cưới chạy tangCho cả ngày maiNơi gặp gỡ của tình yêu,… Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn đáng chú ý trong Cho tình yêu mai sauĐôi bông taiHoa sim gai trắngBiệt thự hoang tàn… Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.

Năm 1959, Thẩm Thúy Hằng lập gia đình với một người chồng lớn hơn 2 tuổi, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù hai người đã có chung một đứa con gái (sinh năm 1961).

Năm 1968, bà gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ Kinh tế lớn hơn bà 19 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng và Phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa. Chính ông là người giúp đỡ bà lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bà chính thức lên xe hoa lần thứ hai với vị tiến sĩ kinh tế này. 

Hôm 6-9-2022, Thẩm Thúy Hằng qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 83 tuổi. 

Vụ cháy khủng khiếp 

quán karaoke ở Lái Thiêu tỉnh Bình Dương làm 

32 người chết

Sáng ngày 8/9/2022, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố chính thức thông tin về vụ cháy tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP.Thuận An tức thị xã Lái Thiêu cũ 

Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Minh Chính – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết về tình hình sức khỏe của các nạn nhân vụ cháy quán karaoke An Phú. Cụ thể hiện bệnh viện Đa khoa An Phú đang điều trị 2 bệnh nhân nặng và bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đang điều trị 3 bệnh nhân nặng. Hiện sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Trong số 32 nạn nhân tử nạn có 3 thi thể được chuyển đến Bệnh viện 175 Sài Gòn để xét nghiệm DNA, chờ xác định nhân thân để làm thủ tục bàn giao.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND thành phố Thuận An (tức Lái Thiêu cũ) cho biết, cơ sở karaoke An Phú có giấy tờ đầy đủ về phòng cháy chữa cháy.

Cũng tại buổi họp báo, đại tá Nguyễn Quang Điệp – Phó giám đốc Công an Bình Dương, cho biết ngay sau khi nhận được tin báo cháy, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy xuống hiện trường để cứu ứng các nạn nhân.

“Về nguyên nhân ban đầu chúng tôi nhận định do chập điện. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn đang phối hợp điều tra làm rõ”, ông Điệp nói. 

Cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) do ông Lê Anh Xuân (42 tuổi, ngụ tại Sài Gòn) làm chủ.

Cơ sở được xây dựng trên tổng diện tích sàn 1.500 m2 gồm 3 tầng (1 trệt, 2 tầng lầu và một sân thượng), trong đó có 29 phòng để hát và 1 phòng kho. Cơ sở hoạt động từ năm 2016, có đăng ký đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý.

Hỏa hoạn xảy ra

Vụ cháy xảy ra lúc 20 giờ 50 tối 06/9/2022 tại quán karaoke An Phú. Ngay sau khi nhận được tin báo, công an tỉnh Bình Dương gồm 8 xe chữa cháy, 2 xe thang, 1 xe trạm bơm, 1 xe chuyên chở nhân viên, 1 xe chỉ huy và 66 cán bộ cũng như nhân viên đến hiện trường chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, có 20 người trong quán karaoke chạy thoát ra ngoài an toàn. Hàng chục người khác bị mắc kẹt bên trong. Lực lượng chức năng đã dùng xe thang giải cứu 22 nạn nhân ra khỏi quán theo lối sân thượng. Hàng chục người bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tầng “tử thần” 

trong vụ cháy

“Một là nhảy, hai là chết”, Nguyễn Trọng Phúc tự nhủ khi ngoảnh mặt nhìn ngọn lửa đang phừng phừng đập qua lớp cửa kính nhà vệ sinh. Từ lỗ thông gió tầng 3 (tầng trên cùng), Phúc cố gắng xác định vị trí của mái tôn nhà bên cạnh… rồi nhảy xuống.

Phúc là một trong 30 người may mắn sống sót trong vụ cháy karaoke An Phú tại TP Thuận An, Bình Dương. 

18 giờ ngày 06/9, Nguyễn Trọng Phúc, 18 tuổi, bắt đầu ca làm ở karaoke An Phú. Như mọi ngày, anh đứng trước cửa thang máy tầng 3 chờ đón khách. Bên ngoài, trời mưa rả rích. Hôm ấy lại là thứ Ba – không phải ngày nghỉ, công việc của Phúc nhàn hơn thường lệ.

Phúc mới nhận việc ở quán karaoke này chưa đầy một tháng. Lương hơn 6 triệu đồng, anh trông chờ thêm vào khoản tiền tip. “Ba mẹ em ly dị. Bà ngoại nuôi em từ nhỏ đến lớn. Sau tai nạn gãy tay nằm nhà nhiều tháng, em xin đi làm lại để dành tiền trả ơn ngoại”, Phúc nói.

Karaoke An Phú vốn là một trong những tụ điểm vui chơi nổi tiếng của TP Thuận An. Nó nằm ở vị trí đắc địa trên đường Trần Quang Diệu, cách vòng xoay lớn gần 100 m. Quán có hình chữ L, rộng hơn 1.500 m2 với ba tầng chủ yếu bố trí các phòng hát; sân thượng rộng 500 m2 ngăn thêm phòng dành cho nhân viên nữ. Bên trong mỗi phòng karaoke, quán trang bị bàn ghế sofa kiểu hoàng gia; vách tường thiết kế ba lớp với mousse xốp cách âm, ván ép, tấm nhựa trang trí phù điêu; trên trần gắn thêm đèn chùm, đèn nháy, những quả châu… tăng thêm hấp dẫn cho khách.

Theo quy định của chủ, mỗi ngày, nhân viên như Phúc sẽ tuần tự dẫn khách vào 10 phòng hát trên tầng 3. Tiếp đến là 13 phòng ở tầng2, cuối cùng mới đến 7 phòng tầng trệt (tầng 1).

Những vị khách đầu tiên của Phúc trong chiều hôm đó gồm 4 người vào quán lúc hơn 18h. Những nhóm tiếp theo – ít nhất 4 người, nhiều nhất là 7 – dần lấp đầy 50% lượng phòng ở tầng 3.

“Khi đến quán, khách hầu hết đã ngà say”, Phúc cho biết. Ngoài nhiệm vụ đón khách, anh còn bận rộn với việc nhận order đồ uống, món ăn và dọn phòng. “Phục vụ” trong phòng chỉ có nhân viên nữ. Số lượng nữ ở mỗi phòng tương đương số khách.

Theo Phúc, tối đó, các phòng đều hát hò say sưa, có nơi “kêu đến thùng bia thứ hai”. 

Cháy!

Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khi anh nghe tiếng hô hoán: “Có khói. Cháy trong phòng rồi” – hai vị khách lao ra khỏi phòng 303, chạy thẳng xuống dưới lầu khi tiếng hô chưa dứt.

Phúc chỉ nghĩ là điện chập. Anh định chạy lại đổi phòng cho khách. Nhưng khói đã bắt đầu tràn ra khe cửa phòng. Phúc cùng một nam nhân viên khác chạy đến đẩy cửa kiểm tra thì “bị khói xộc vào mặt” dù chưa thấy lửa. Phía hai cầu thang bộ, khói đen cũng bốc lên nghi ngút.

Phúc lấy bộ đàm ra thét lớn: “Alo, có ai nghe không? Trên này có cháy”, nhưng không được hồi đáp. Xung quanh chỉ có tiếng la hét và những âm thanh hỗn loạn.

Tại tầng trệt, Ngọc, nhân viên thu ngân thấy một nam thanh niên dáng cao gầy, áo vắt trên vai, lao xuống từ thang bộ, kêu lớn: “Cháy. Cháy. Khói quá rồi”.

Hốt hoảng, Ngọc ôm vội bình chữa cháy ngay dưới chân bàn dúi vào tay một phục vụ phòng. Cô tiếp tục chạy lại góc sảnh lấy thêm bình cứu hỏa mang lên nhưng chỉ đến được cầu thang tầng 2 thì phải quay xuống. Khói đã bao phủ.

Một số người từ tầng trên kịp túa xuống, tháo chạy khỏi quán. Vài bảo vệ, người giữ xe cố gắng chạy ngược vào để lên các tầng trên ứng cứu nhưng vô vọng. Ngọc nghe tiếng quản lý thúc giục gọi 114.

Tầng 2 lúc này đã chìm trong biển lửa, ngăn cách tầng trệt với tầng 3. Phúc cùng đồng nghiệp gõ cửa kính các phòng có khách, hô lớn để báo cháy nhưng nhiều người vẫn tiếp tục hát. Mọi lần mất điện, nhân viên trong phòng thường nói với khách “một lát sẽ có lại”. Có lẽ cũng nghĩ vậy nên họ không chạy.

Điện ngắt sau đó. Hành lang tối đen, mù mịt khói. Phúc định chạy xuống cầu thang bộ chỉ cách anh chừng 10 m để thoát xuống nhưng anh bị ngộp thở.

Phúc lao vào toilet phòng VIP1 cạnh đó, đóng kín cửa để ngăn khói. Anh rửa mặt cho tỉnh, định chạy ra ngoài nhưng thấy lửa đỏ rực qua lớp cửa kính. Phúc liều mình đứng lên bồn cầu, chui qua cửa thông gió mở 45 độ, nhảy xuống. Từ độ cao chục mét, Phúc rơi xuống mái tôn nhà bên cạnh, gãy chân phải.

Cùng lúc đó, trên phòng nghỉ nhân viên ở tầng thượng, tiếp viên Trương Kim Nhi cùng đồng nghiệp cũng nghe tiếng hô hoán cháy từ bên dưới. Cô gái 27 tuổi đã định thoát thân bằng thang bộ, nhưng khói lửa từ tầng 3 đã bùng lên.

Trong không gian đen đặc, Nhi và nhiều người khác buộc phải chạy ngược ra sân thượng. Họ bảo nhau “nhảy hoặc chết”. Ba người quyết định trèo nhanh qua thanh lan can, nhảy xuống mái tôn nhà hàng xóm. Nhìn độ cao hai tầng lầu, Nhi sợ hãi, định quay lại nhưng sàn dưới chân cô đang nóng dần lên.

Cú nhảy khiến người mẹ đơn thân choáng váng. Cô cố gắng dùng sức lực còn lại cùng sự hỗ trợ của người dân, leo xuống khỏi mái tôn. Nhi gãy hai xương mắt cá chân, nhưng giữ được tính mạng. Từ xa, cô nghe tiếng còi báo cháy hú vang. Nhìn lên những cơn sóng lửa bừng bừng từ cửa sổ tầng 3, Nhi tự hỏi không biết bao nhiêu bạn bè mình thoát được.

Khoảng 20 giờ 40, nhiều xe chữa cháy của Công an TP Thuận An đến hiện trường. Toàn bộ lực lượng của Phòng cảnh sát PCCC Bình Dương cũng được huy động đem theo 8 xe chữa cháy, hai xe thang và một xe trạm bơm.

23 giờ, việc cứu nạn cứu hộ và tìm kiếm kết thúc sau khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy tại phòng 305, nâng tổng số nạn nhân tử vong của vụ cháy lên 32 người. Đây cũng là vụ hỏa hoạn thảm khốc nhất tại Việt Nam trong 20 năm qua, kể từ sau vụ cháy tòa nhà ITC khiến 60 người chết tại TP HCM.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email