Hải đội Hoàng Sa (kỳ II)

Lăng mộ Phạm Quang Ảnh

Bài – ảnh Trần Công Nhung

 

Nối tiếp sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, sau cai đội Võ Văn Khiết là cai đội Phạm Quang Ảnh. Ông nhận lệnh nhà vua ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.

Phạm Quang Ảnh, người làng An Vĩnh, Lý Sơn chỉ huy. Tháng giêng năm 1815 vua Gia Long phong ông làm cai đội của Ðội Hoàng Sa và giao ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) ra Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Ðông và tìm kiếm sản vật quý. Mỗi chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển động. Những người lính ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, ngoài những vật dụng cấp phát như lương thực ăn trong 6 tháng còn có đôi chiếu, 7 nẹp tre, 3 sợi dây mây và một thẻ (bài) ghi tên tuổi, quê quán. Ðó là những thứ phòng khi có người vì sóng gió hoặc vì lý do nào khác phải chết giữa biển thì nẹp xác rồi thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà.

Ðoàn thuyền của Phạm Quang Ảnh đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng, gió bão đã nhận chìm những người con của Tổ quốc ngoài biển khơi. Vua Gia Long đã đích thân ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một thầy Pháp nổi tiếng nhất thời bấy giờ làm chủ lễ chiêu hồn.

Thầy Pháp lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn thành hình nhân người đã chết. Hình nhân cũng quần dài, áo the, khăn xếp. Sau đó lập đàn cúng suốt đêm, chiêu hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất rồi đem an táng như người chết bình thường.

Tìm nơi thờ ông Phạm Quang Ảnh không khó, “nhà thờ” có bảng cắm ngay con đường chính chạy quanh đảo. Nhưng nhìn từ ngoài đường không ai biết đây là nhà thờ của vị Thượng Ðẳng Thần, mà chỉ là mái nhà tôn tầm thường dân dã. Tôi lưỡng lự một lúc trong lúc con chó mực sủa rân trong sân. Một lúc sau có một ông lão ra đuổi chó, tôi mới dám vào. Thấy vẻ không mấy thiện cảm của chủ nhà tôi biết tâm lý phần đông không thích bóng dáng chính quyền, nên “uốn lưỡi” tâm sự như mình là người cùng phía “nhân dân”.

– Thưa bác, tôi ở xa đến thăm Lý Sơn và muốn tìm hiểu về các vị tiền bối đã hy sinh giữ gìn biển đảo, thực hư thế nào để nói lại cho con cháu biết, chứ không phải người ăn lương nhà nước, xin bác đừng ngại.

Y như rằng, ông già trút ngay bao nhiêu bực bội, bất mãn vào tôi:

– Công lao giá trị gì mà ông tìm hiểu cho mất thì giờ. Ông thấy đó, người ta đổ bạc tỉ ra làm tượng đài xây lăng, nhà thờ này chỉ có mấy tấm tôn lợp không kín. Mà đây là nhà thờ Tổ họ Phạm chớ không phải nhà thờ Phạm Quang Ảnh.

Ông lão lấy hơi vừa nói vừa chỉ xuống đất:

– Ông coi đây, bảng này trước ghi “Di tích VHLS cấp tỉnh”, nay nhổ vứt cắm bảng khác “Nhà thờ Phạm Quang Ảnh”, khinh chê rõ ràng.

Tôi lại lựa lời trấn an ông lão:

– Tôi chắc có sự nhầm lẫn gì đây, chớ ông Ảnh ông Khiết đều là Cai Ðội Hoàng Sa. Ông Ảnh lại còn được chính vua Gia Long ra Lý Sơn làm lễ chiêu hồn. Tôi sẽ ghi điều này vào bài báo. Xin lỗi, bác là hậu duệ đời thứ mấy?

– Phạm Quang Ảnh hậu duệ đời thứ 4 của Tổ họ Phạm, tôi Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ thứ 4 của Phạm Quang Ảnh.

– Vậy là ông Phạm Quang Ảnh được phối thờ với Tổ họ Phạm.

– Ðúng vậy.

– Giờ bác vui lòng cho tôi vô thăm trong nhà thờ rồi nhờ bác dẫn cho xem mộ ông Phạm Quang Ảnh.

Tôi theo ông Tỉnh vào căn nhà tôn trông tồi tàn, tuy nhiên bên trong, bộ sườn nhà gỗ xưa, ba gian thờ khá trang nghiêm sáng sủa. Ông Tỉnh không quên chỉ cho tôi bằng công nhận di tích cấp tỉnh, được lộng khung treo trên cột. Sau đó ông đưa tôi đi xem mộ.

Nay (2014) mộ cai đội Phạm Quang Ảnh được xây đàng hoàng nằm trong khu đất sát nhà thờ tổ họ Phạm do ông Phạm Quang Tỉnh trông coi(1). Khu mộ gió gồm có 8 mộ. Hai mộ lớn hai đầu là của ông Phạm Quang Ảnh và ông Phạm Quang Thanh, những ngôi mộ còn lại là của dòng họ Phạm. Ông Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng Ðẳng Thần để hộ vệ và ban phúc cho người dân Lý Sơn. Nhân dân xã An Vĩnh thờ ông như thờ Thành Hoàng. Tổ quốc (trước 75) ghi nhớ công lao của ông bằng cách đặt tên một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa là đảo Quang Ảnh.

Xuống hướng Nam chừng 200m là nhà thờ Phạm Hữu Nhật. Phạm Hữu Nhât là Chánh Ðội Trưởng thủy binh suất đội của Ðội Hoàng Sa. Năm Bính Thân (1836) ông nhận lệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi thăm dò, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh Ðội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự” (nghĩa: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh Ðội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).

Không biết ông đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông và thủy thủ đoàn đã bị mất tích giữa biển khơi. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng mộ chiêu hồn (mộ gió) tại thôn Ðông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy Tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai canh làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này. Hữu Nhật là tên một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu còn lưu trữ trong Nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn ở An Vĩnh (hiện do ông Phạm Văn Ðoàn phụng tự) đã xác định Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm Văn Triều sinh năm 1804 mất năm 1854, con ông Phạm Văn Nhiên thuộc đời thứ tư của Thủy tổ họ Phạm Văn- một trong 13 vị tiền hiền khai phá đất đảo Lý Sơn. Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19 tháng 2 âm lịch hằng năm, dòng họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Ðội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước.

Tôi đứng trước thềm nhà thờ một lúc lâu mới có người đàn bà bước ra. Hỏi thăm nhà thờ Chánh Ðội Trưởng Phạm Hữu Nhật, bà cho biết đây là nhà thờ Tổ Phạm Văn. Còn nhà thờ Phạm Hữu Nhật phía bên kia, bà chỉ cho tôi ra đường cái rồi vòng vào ngôi nhà ngói phía sau, do hậu duệ Phạm Văn Ðoàn chăm sóc. Căn nhà gỗ xưa, ba gian hai chái còn nguyên, mái đã thay do bão số 9.

Nói về Hải Ðội Hoàng Sa từ Tây Sơn xuyên suốt các triều đại nhà Nguyễn biết bao nhiêu chiến binh đã hy sinh.

Những khúc tráng ca bi hùng về Phạm Quang Ảnh và đội hùng binh giữ đảo như một lời thề nhắn gửi với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước của cha ông. Những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Việt Nam quốc nội cũng như hải ngoại, lời thề bằng máu đào: Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần da thịt thiêng liêng của mẹ Việt Nam.

 

Trần Công Nhung

 

______________________________________

(1) Nhiều tài liệu ghi ông Tỉnh là hậu duệ đời thứ 5 thứ 6, nhưng ông Tỉnh xác nhận ông là hậu duệ đời thứ tư của ông Phạm Quang Ảnh. Và, Phạm Quang Ảnh là hậu duệ thứ tư của Tổ họ Phạm. Nhà thờ Tổ họ Phạm không phải nhà thờ Phạm Quang Ảnh như nhà nước gọi và cắm bảng trước cổng.

Không hiểu sao có sự thay đổi như vậy. Nhà thờ Võ Văn Khiết và Phạm Quang Ảnh đều là “Di tích VHLS cấp tỉnh, nay lại bỏ một, giữ một. Nếu không công nhận nữa cũng nên có văn thư thông báo chứ không thể tự tiện nhổ bảng vứt. Theo tôi nghĩ, có lẽ đây là chủ trương chung của nhà nước VN XHCN là triệt hạ tất cả những gì dính dấp đến triều Nguyễn Gia Long, ngược lại suy tôn Quang Trung Nguyện Huệ lên tận mây xanh. Phố Gia Long (Huế), trường Gia Long Sài Gòn… xóa sổ sau năm 75. Cung điện lăng tẩm may mắn thoát nạn bởi nơi đây hái ra tiền (lẻ). (Trích một đoạn trong bài Ðồ Sơn trang 157 QHQOK tập 5): “Bảo Ðại là vị Vua cuối cùng của Triều Nguyễn, được nhắc nhở nhiều, song dư luận chung thì không vì ý nghĩa lịch sử mà vì giúp nhiều cho việc kinh doanh của ngành Văn Hóa. Bởi thế, ngay phòng tiếp khách Biệt Thự có bán vé (Cục Thuế Hải Phòng) :

 

Cho thuê Hoàng Bào (áo nhà Vua) chụp hình 20 nghìn đồng

Phòng ngủ của Vua 100 USD một đêm.

 Phục vụ ăn Cung Ðình.

 

Sau khi đi xem hết một vòng, trở lại bàn bán vé, không hiểu tôi nghĩ gì mà đã góp ý với mấy cô nhân viên: “Cháu à, chú thấy làm ăn có nhiều cách, ai lại đem một ông Vua ra mua bán. Hai chục nghìn đồng có là bao, một tên ăn trộm cũng có thể lên làm vua để có một tâùm ảnh kỷ niệm”. Cô bán vé ngạc nhiên nhìn tôi không trả lời, mấy bà khách cũng như vỡ lẽ, cho rằng tôi có lý. Trong Hoàng Thành Huế, Biệt Ðiện Ðà Lạt cũng kiếm tiền cách như vậy. Một đất nước đang lớn mạnh, đang cổ xúy cho một nền Văn Hóa, tôi không hiểu việc làm trên có phù hợp chăng, hay chứng tỏ điều ngược lại. Tôi tin chắc trên thế giới này không có một nước nào làm chuyện cho thuê áo quần nhà Vua, ngồi ngai vàng chụp hình để lấy tiền. Vua một nước không phải ông già Noel. Có ai dám cho thuê áo mão các lãnh tụ của thời cận đại, mặc chụp ảnh không?”

 

TIN SÁCH

Sách Quê hương qua ống kính (discount 50%). Liên lạc tác giả:

E.mail: trannhungcong46@gmail.com

Tel. (714)232-5935

hoặc địa chỉ:

1209 SW. Hopi St.

Blue Springs, MO. 64015

USA

Nhà thờ Tổ họ Phạm
Nhà thờ Tổ họ Phạm

 

Nhà thờ họ Phạm Văn
Nhà thờ họ Phạm Văn

 

Âm linh tự
Âm linh tự

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email