Hàng bún bò hẻm nhỏ

Cửa hàng của cô Thắm là một cái sạp kê trước nhà trong hẻm nhỏ. Trong khi ở đầu đường có quán mì, cà phê của người Tàu, có quán bánh cuốn, bánh ướt mỗi sáng đều đã dẹp vì ế ẩm. Thế nhưng cái hàng bún bò của cô thì quá đắt hàng càng ngày càng đông khách. Chưa tới chín giờ đã hết sạch.
Mỗi tô bún bò chỉ bán ba lăm ngàn, gặp người lớn tuổi kêu ít bún một chút, cô lấy 30 ngàn thay vì mỗi tô bún hay phở của hàng lớn gần đó 45 ngàn trở lên mà nấu như luộc bún, ít thịt ít bánh, lợt lạt không ngon miệng bằng. Nước lèo xương ống ngọt giọng, mỗi tô một khúc giò heo vừa đủ ăn béo ngậy. Chị làm kế toán ngoài đầu đường dáng như cô giáo thùy mị nghiêm trang ấy vậy mà bưng tô bún về chưa tới nhà đã kê miệng húp gần hết nước.
Sạch, rẻ và ngon miệng hơn hẳn mấy cái quán lâu năm ngoài phố. Chén đũa rửa xong lại tráng nước sôi sạch sẽ là sự vệ sinh vô cùng hiếm hoi ở hàng ăn bình dân!
Cô Thắm bán hàng có duyên, gương mặt phúc hậu trắng hồng dễ ưa cũng là một điểm đặc biệt thu hút khách nam giới.
Buổi sáng, anh chàng mổ heo sau khi xong công việc, đã nhanh nhảu có mặt. Có lẽ anh mở hàng cho cửa hàng ăn sáng này siêng năng nhất. Kế tiếp là anh chàng ở Cali về lấy vợ Việt Nam cũng thức dậy từ sáng sớm, anh tập qua loa vài động tác thể dục với ông hàng xóm rồi cũng mon men tới cái bàn gỗ dài đặt dọc theo hàng ba của nhà mẹ chồng cô Thắm. Khách tới đây có nhiều người từ Thủ Đức đi làm sớm đậu xe lại, mấy chú xe ôm ở đầu hẻm, mấy chị bán hàng ở chợ nhỏ, có chị bán quần áo rũ ở Thị Nghè chạy xe lên lót dạ sớm. Kẻ ngồi người đứng chờ, hẻm chật mà xe đậu khít rịt như nêm không có chỗ len chân vào để mua một, hai tô ăn sáng cho mau. Kinh tế khó khăn, thức ăn đắt đỏ quá nên hàng quán chỗ nào coi như vừa ngon vừa rẻ, tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy là thiên hạ rỉ tai kéo tới ngay.
Anh chàng thất nghiệp hay nói láp dáp phụ cô Thắm khiêng nồi, khiêng bàn, đem thức ăn cho khách từng nhà từ hẻm ra tới tận ngoài lộ. Hôm nào anh vắng mặt thì có mấy cô hàng xóm bu lại giúp. Người múc nước lèo cho vào tô, người chạy lấy rau chanh ớt, đứa em từ quê lên giúp chị buổi sáng tới trưa mới đi làm, hàng xóm mỗi người tự động lấy tô, bốc bún rồi sắp hàng chờ cô Thắm xắt thịt sắp từng miếng lên tô. Ai cũng nhúng tay vào, thành thử sạp hàng bún bò cô Thắm vui như hội.
Một bà già chống gậy có đứa cháu gái dắt đi tập thể dục về. Chưa tới nơi đã gọi lớn:
-Bún bò chỉ lấy thịt heo thôi nhé.
Đó là bà sợ bò dai hơn heo.
Có thời gian người ta kiểm tra các trại chăn nuôi, bắt phạt nhiều nơi nuôi heo bằng cám trộn thuốc tạo nạc. Nhiều người không dám ăn thịt heo khiến heo bị rớt giá. Lúc cao điểm nhiều hàng ăn ế ẩm nhưng rồi cũng như dịch gia cầm, bánh phở có formol… rồi từ từ người ta vẫn ăn ầm ầm. Chứ đề phòng kỹ quá thì biết ăn cái gì cho hạp vệ sinh bây giờ.
Cô Thắm mủm mỉm cười tươi như hoa, dáng người thấp đậm nét đẹp Hậu Giang ở vùng sông nước ngọt phù sa Cửu Long. Đúng hơn cô vốn là thôn nữ làm ruộng rẫy ở Cao Lãnh Đồng Tháp, lấy chồng Sài Gòn bỏ nghề làm ruộng.
Cô Thắm bán không hở tay, mồ hôi rịn đầy trán và mặt, tay liền liền thái thịt, quay tới quay lui ở nồi nước lèo và các rổ rau. Bà mẹ chồng khó tính cứ nheo nhéo lên nhưng thấy không có người phụ, bà cũng lăn vào mấy thau nước gần đó lo rửa tô, chén, đũa, muỗng. Khách ngồi hai hàng ghế chật đường hẻm nhưng ai cũng thông cảm đợi tới phiên. Anh chồng sáng lo chạy mấy mối xe ôm cho khách quen, tới khá trưa hàng bán đã hết mới về, chỉ còn thằng Tí con cô mới lên mười tiếp mẹ làm đủ thứ lặt vặt, nó vừa làm vừa kèo nhèo với mẹ.
Không khí náo nhiệt hấp dẫn thực khách khiến hàng ăn cô Thắm lúc nào cũng có người ngồi đồng.
Trước tiên là chị Lài vốn nghề lắc bầu cua, quay bông vụ ở trước cửa trường tiểu học trước kia, bây giờ bị đau đầu gối, vả cửa trường đuổi quá không cho tụ tập nên không đi lắc dụ con nít nữa. Lúc nào chị cũng ngồi kể vang đủ thứ chuyện hấp dẫn nghe được khi phải ngồi hằng buổi đợi khám bệnh ở bệnh viện. Nào là bán máu chuyên nghiệp lấy tiền nuôi con, vị thành niên đi phá thai ngày càng nhiều, đói nghèo vì thủy điện… Toàn là tin nóng cả, gần đây là tin không có đơn hàng nên công ty sa thải hàng ngàn công nhân biết đi đâu, làm gì bây giờ.
Trong lúc chị đang ong óng kể thì một xe ba bánh chở dạo chuối chạy qua dừng lại. Chị Lài hỏi anh chàng bán chuối có phải lấy hàng ở chợ đầu mối Tam Bình Thủ Đức không? Anh ta trả lời ghe chở chuối theo sông Sài Gòn từ Bến Tre lên đến cầu Bình Triệu. Tôi ở bên kia cầu gần chợ Bình Triệu. Bà già góp chuyện gần cầu Bình Triệu mỗi buổi chiều người ta bán ghẹ thật rẻ tôi mua về luộc ăn một bữa thật đã đời. Anh chàng bán chuối nói:
-Chuối Bến Tre thơm ngon lắm. Chuối sứ và chuối già, bây giờ ở Bến Tre bớt dừa mà trồng chuối bán có tiền hơn. Dừa bị thương lái đến mua ép giá rẻ mạt, nông dân không bán được nên dừa để lên mộng hết.
Thì cũng như khoai lang Nhật, dưa hấu, đuôi trâu, ốc bươu vàng… Trung quốc sang VN mua móng trâu giá cao. Dân chúng đua nhau chặt móng đem bán, thế là con vật cũng chết queo. Trong thời gian ngắn chẳng còn con trâu nào làm ruộng. Khi ấy thương lái Trung quốc mới bắt đầu xuất hiện bán trâu và máy kéo. Mua ong bầu khiến cây mất giống, mua rễ sim khiến rừng tan hoang… Những chuyện như thế xảy ra thường xuyên, lập đi lập lại mà vẫn đề phòng không xuể. Bây giờ nông sản qua biên giới ngày càng khó khăn, không còn dễ dàng như trước kia nữa.
Rồi có tiếng rao bánh mì đặc ruột thơm ngon đây!
Chị này trước bán bánh cam bánh vòng. Loại bánh cổ truyền này ngày càng ế, không ai muốn ăn nên gần đây chuyển sang bán bánh mì. Chị rao lanh lảnh, tay bưng cái sàng nhỏ đựng giấy và bao bì, tay trái kéo lôi cái giỏ cần xé đựng bánh mì phủ tấm bao tải giữ nóng.
Khách ngồi ăn bún bò khá đông, họ tốn thêm ổ bánh mì, xé ra, bỏ vào với nước bún bò. Chỉ cần ăn như vậy là ngon miệng, no tới trưa.
Ngoài đường buổi sáng có bán phở, bánh canh giò heo nhưng rất ế. Duy có chỗ bán bánh mì thịt mười lăm ngàn một ổ ban đầu đắt hàng. Sau tăng lên 17, 20, khách giảm hẳn chuyển sang ăn xôi.
Khách phàm ăn từ mấy ngày qua thường lên ngã tư ăn nhậu các loại sò, ốc, tôm, cua rất đông. Lâu nay Saigon rộ lên phong trào ốc. Từ sáng tới tối đi đâu trong thành phố cũng gặp hàng ốc. Từ sò huyết, chem chép, ốc dừa, ốc mỡ, ốc bươu, ốc len… nướng xào luộc hấp đủ kiểu. Càn quét kiểu này e có ngày đồng ruộng không còn con ốc!
Một anh chàng chở một xe đủ loại ốc vừa rao lớn vừa ngừng lại tấp vào ăn sáng ở quán ăn cô Thắm, vừa mời mọi người mua ốc.
Anh chàng ở Cali về cũng ngồi đó chợt đứng lên hỏi con ốc vòi voi. Dĩ nhiên làm sao hàng rong hẻm có loại ốc gần bạc triệu một ký đó, chỉ nằm trong nhà hàng cho khách giàu thôi.
Ngày nào anh chàng cũng ăn nhậu với chồng cô Thắm, anh rất chịu chi tiền mua rượu và mồi, rồi chồng cô Thắm rủ bạn nhậu đến lai rai cả đêm. Anh chàng xem chừng rất hòa hợp với láng giềng khoản nhậu nhẹt. Trong xóm có mấy cô suốt ngày không làm gì chỉ trang điểm mắt xanh môi đỏ, mặc quần short áo hai dây ngồi hàng cô Thắm buổi sáng, chiều xề qua gỏi cuốn, bánh xèo, tối đi cà phê, vũ trường… Thế mà có mấy cô câu được chồng ngoại kiều, Việt kiều rồi đấy, nên chi các cô khác trông vào, lòng đầy hy vọng…
Anh chàng bán ốc bươu, ốc gạo đã ngồi nãy giờ nhưng nhường cho một ông già cầm cái ca nhựa đi tới. Đó là ông già sửa xe đầu đường. Ông gầy còm hom hem đâu có biết sửa xe, chỉ bơm và vá xe lượm tiền xu thôi. Ông mua mấy ngàn nước lèo về, hai vợ chồng già không con cái chan với cơm nguội ăn một lần gộp chung cả hai bữa điểm tâm và bữa trưa.
Có nhiều người đến hàng, gọi đi gọi lại cả chục lần, cô Thắm luôn tay bán không xuể. Tuy nhiên cô vẫn đứng lầm lũi làm, không vì khách đông mà rối trí. Cái dáng dấp nửa nhà quê, nửa thanh thản của cô rất được khách thương mến, kéo tới không ngại đợi lâu. Cô bỏ tiền vào cái ngăn tủ luôn để hớ hênh mà chẳng có ai để ý hay lấy trộm cả.
Cuộc buôn bán ăn uống ồn ào náo nhiệt đó chỉ diễn ra mỗi ngày chừng vài tiếng đồng hồ là xong. Dẹp rửa đường sá, lau chùi quầy hàng, rồi cô Thắm bắt đầu đi chợ buổi sáng.
Cứ một mình thui thủi làm việc, đâu phải cô chỉ bán từ sáu giờ sáng, mà cả buổi chiều mua rau cải, thịt thà về lo hầm xương trước, cùng người nhà lặt rau sửa soạn cho ngày mai.
Ngày nào cũng vậy, đến gà gáy sáng ba giờ sáng đã nghe bay mùi khét từ cái lò mới nhúm đỏ rực than hồng. Thắm cứ lục đục xắt thịt… Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa rất cực vì phải che bạt tránh mưa tạt tứ bề. Có lần cô bị nước sôi có mỡ nóng đổ vào người khiến nguyên cánh tay đỏ au lên như bị luộc. Thắm cứ im lặng chăm chỉ làm, không kêu ca than thở gì cả. Đó là tính tình của cô gái miệt vườn, đã quen lối sống ruộng đồng cơ cực từ sớm tinh sương đã lâu rồi.
Cô nuôi một đứa con lúc nào cũng ngỗ nghịch và hay tru tréo quanh mẹ. Công việc hàng ăn liên tục từ sáng sớm đến tối mịt nên cô không có nhiều thì giờ theo dõi để dạy con, còn anh chồng chạy xe ôm lúc nào cũng qui tụ hằng vài mươi tên giang hồ mơ làm ca sĩ, suốt ngày nghêu ngao các bản nhạc không ai muốn nghe. Anh ta luôn tìm cơ hội tụ chúng bạn lại ăn nhậu la hét và ca hát mở loa thật lớn khiến đinh tai nhức óc hàng xóm. Chẳng ai ưa nổi anh chàng chuyên hát ở đám ma, đám giỗ ấy cả. Anh ta chạy xe ôm không giúp được gì cho gia đình mà còn vòi tiền vợ để đãi mấy tay côn đồ du đãng. Cứ mỗi lần trong hẻm có đám thì bọn này bu tới đông nghẹt ăn nhậu ca hát vang dội khiến hàng xóm ngán ngẩm.
Dường như cô Thắm lấy chồng là một định mệnh, không hợp chút nào với cái duyên dáng và siêng năng của cô. Sau mỗi cữ ăn nhậu của chồng và đám bạn, cô lại cặm cụi dọn dẹp tới sáng đến bơ phờ hốc hác.
Có ngày cái hàng bán bún bò này sẽ dẹp luôn vì cô kiệt sức mất. Tuy nhiên đắt hàng đông vui nên cô Thắm cũng quên cả mệt.
Các ngày rằm, mùng một, cô nghỉ bán. Khách hàng thấy vắng vẻ có chiều nhớ. Người đợi người trông như ngày nào không ăn hàng của Thắm họ thấy buồn buồn trong miệng. Chắc là nhớ món ăn phần nhỏ nhưng phần lớn nhớ cái không khí đông đúc chộn rộn của hàng ăn nhỏ bé quen thuộc. Đủ hạng người, đủ loại chuyện trò vô số tin tức dưới gầm trời này giống như đàn ông ngồi quán cà phê nhưng chắc chắn vui hơn quán cà phê.

Ngô Đồng

Xem thêm

Nhận báo giá qua email